Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/05/2019

Vương triều Mạc thời kì Cao Bằng : các di tích, di vật mới tìm thấy ở huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)

Về vương triều Mạc thời kì Cao Bằng vẫn rất mạnh vào khoảng hai thập niên 1610 - 1620, thì có thể đọc bài học thuật đã công bố ở đâyở đây hay ở đây.

Trước khi lên Cao Bằng, thì có một thời gian, vương triều Mạc đã chiếm cứ vùng Thái Nguyên. Điều này cũng đã được trình bày ngắn gọn trong các công bố học thuật trên.

Bây giờ là một ít tư liệu của báo chí.




Mở đầu là một bài của Nguyễn Đình Hưng ở Thái Nguyên.

Các bổ sung thì dán ở dưới như mọi khi.

---



26 Tháng Bảy, 2017

VNTN – Vùng đất huyện Đồng Hỷ ven sông Cầu hiền hòa từ lâu vốn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng đã đi vào sử sách, thơ ca như: Chùa Hang, Động Linh Sơn, Hang Neo…Và vùng đất tươi đẹp này cũng là vùng đất cổ chứa đựng tiềm năng về di sản văn hóa.
Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với huyện Đồng Hỷ và xã Hóa Thượng khảo sát nền chùa cổ ở xóm Sơn Cầu, xã Hóa Thượng. Qua cuộc khảo sát, thu được rất nhiều hiện vật như: một số viên đá ong; gạch vồ thời nhà Mạc; gạch đá ong xây tường kích thước to; gạch mỏng thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX); 3 sân gạch dài khoảng 7m, rộng 5m được lát gạch Bát Tràng vuông, chân kê bằng đá xanh, ngói mũi hài loại to bản, bát hương sành đầu rồng, hoa văn họa tiết thời nhà Lê, chén sứ thời nhà Mạc…
Hiện trạng di tích cho thấy đây là nền của một ngôi chùa cổ. Qua khảo sát xác định ngôi chùa có hướng tây nam. Dấu tích ngôi chùa nằm trong diện tích của cả quả đồi rộng khoảng 2 ha, so độ cao với mặt bằng xung quanh khoảng từ 5 – 7m. Phía sau nền chùa có di tích Đình Hóa Thượng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2015 và được phục dựng lại năm 2016.

Cán bộ ngành Văn hóa và địa phương khảo sát dấu tích nền chùa Hóa Thượng
Các công trình của ngôi chùa được bố trí theo kiểu tam cấp: thượng, trung, hạ. Diện tích chùa được xác định trong vùng có di tích rộng khoảng 500m2 ở trên đỉnh quả đồi nằm riêng biệt. Chùa có địa thế rất đẹp, phía trước có tiền án là Núi Voi, một thắng cảnh tự nhiên bao đời nay và gắn với thời nhà Mạc, điều này đã được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí, tập 4 (nhóm Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) do NXB KHXH Hà Nội xuất bản năm 1971, ở trang 158 mục Núi sông tỉnh Thái Nguyên chép: “Núi Voi ở cách huyện Đồng Hỷ 18 dặm về phía tây, gân đá lô nhô như hình voi phục, ở đấy có thành cũ của nhà Mạc”. Ở trang 164, mục Cổ tích chép thêm: “Thành cũ núi Voi ở địa phận huyện Đồng Hỷ, cuối đời Lê Quang Hưng, nhà Mạc đắp thành ở đây”. Sách Địa chí Thái Nguyên, Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2009 trang 1035 cũng ghi: “Núi Voi còn gọi là Thạch Tượng Sơn, là núi đá vôi ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ. Núi trông xa giống hình con voi. Xung quanh núi có nhiều hang động. Cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc từng dựa vào núi này để chống nhau với nhà Lê”.
Sách Từ điển Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản 2016 ở trang 625 cũng chép: “Núi Voi: núi đá vôi, nằm trên địa bàn thị trấn Chùa Hang và một phần xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Núi có hình dạng như một con voi khổng lồ. Ngày xưa, núi này được gọi là Thạch Tượng Sơn, có nhiều thú dữ. Trong lòng núi có nhiều hang động, có hang rất rộng, chứa được 3 – 4 ngàn người. Nhiều hang có suối ngầm và một số hang còn có mạch nước phun lên… Những năm 1593 – 1594, nhà Mạc đã dùng núi đá tự nhiên này làm phòng tuyến để chống lại nhà Lê. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1947, Núi Voi là căn cứ hậu cần của quân đội. Hang Dê là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của Cục Quân giới; các hang đá trong núi là bệnh viện dã chiến của Cục Quân y. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Núi Voi là căn cứ hậu cần, là nơi đặt Sở Chỉ huy của Bộ đội phòng không, là nơi sơ tán của nhân dân phòng tránh máy bay B52 của giặc Mỹ…”.
Như vậy, tạo hóa đã ban cho vùng đất này một thắng cảnh là Núi Voi, con người đã xây dựng một khu đình, chùa đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử và danh thắng trọn vẹn.
Cụ Nguyễn Văn Bảo (80 tuổi) dân tộc Kinh, xóm La Đành, xã Hóa Trung và ông Diệp Minh Tài (72 tuổi), dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng là những nhân chứng đã từng biết về ngôi chùa Hóa Thượng. Cụ Bảo lúc khoảng 14, 15 tuổi đã từng được theo cha lên khu chùa cổ, lúc đấy khoảng năm 1950 – 1951, cụ còn thấy chùa được xây trên đồi cao có mấy ngôi nhà, có hai cây thông to cổ thụ. Ngôi chùa xây gạch lợp ngói trong chùa có nhiều tượng Phật oai nghiêm, có tượng ông Bụt ốc, tượng Hộ pháp to lớn cầm kiếm canh gác chùa.
Ngày mồng 8 tháng 4 là ngày lễ tắm Phật của chùa có lệ vị chủ lễ may một vuông vải điều khoác lên ông Phật Thích Ca, lễ xong đem vuông vải ấy chia cho mọi người, cụ Bảo cũng được cho một vuông vải đem về may áo lấy may. Ngày 24/4/1953, giặc Pháp đã ném bom trúng vào khu chùa, phá hoại hết công trình. Đằng trước chùa có một ngôi nghè thờ thần. Nghè cùng với đình thờ thần Cao Sơn Quý Minh, lễ hội vào ngày 12 tháng giêng. Ngôi đình còn tồn tại đến năm 1956, khi đó nhà nước chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, không được quan tâm nên sau đó đình bị xuống cấp theo thời gian.

Hiện vật thời nhà Mạc thế kỷ XVI tìm thấy tại di tích chùa Hóa Thượng      Ảnh: Tiến Hiểu
 Qua các vật chứng và nhân chứng ở địa phương cho thấy, đây là nền dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại thời Mạc thế kỷ XVI của xã Hóa Thượng. Đặc biệt, tại đây phát hiện ra những đoạn đá ong là hiện vật độc đáo được đẽo gọt rất công phu tỷ mỉ, trên địa bàn tỉnh chưa nơi nào tìm thấy loại cột đá ong như ở chùa này. Đây thực sự là một phát hiện mới về khảo cổ học năm 2017 về dấu vết một ngôi chùa cổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có giá trị lịch sử văn hóa giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các công trình tín ngưỡng thuộc thời nhà Mạc trên địa bàn.
Trước kháng chiến chống thực dân Pháp ngôi chùa vẫn còn, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, ngôi chùa truyền thống một thời vang bóng với tượng Phật hào quang, nơi thu hút bao người mộ đạo. Hiện tại, nhân dân địa phương và chính quyền mong muốn khôi phục, tái thiết lại ngôi chùa. Từ việc tìm thấy dấu tích nền của một ngôi cổ tự xưa ở xã Hóa Thượng, qua khảo sát, nghiên cứu những người văn hóa chúng tôi thấy: Đây là nguyện vọng chính đáng về tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Bao năm bom đạn vùi lấp một công trình văn hóa tín ngưỡng của Đồng Hỷ đã thành phế tích, nay đất nước thanh bình, văn minh, tiến bộ thì chính quyền và nhân dân địa phương có nguyện vọng phục hồi, tái thiết lại ngôi chùa làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, âu cũng là việc nên làm.
Sắp tới theo Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ,  Kết luận số 94-KL/TU ngày 20/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện quy trình điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng Thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ sẽ có 3 đơn vị gồm thị trấn Chùa Hang và 2 xã Linh Sơn, Huống Thượng được sáp nhập về thành phố Thái Nguyên; thị trấn Chùa Hang được nâng cấp thành phường thuộc thành phố; địa bàn xã Hóa Thượng được quy hoạch là Khu đô thị hành chính mới của huyện Đồng Hỷ, hy vọng Khu tâm linh chùa Hóa Thượng thuộc xóm Sơn Cầu sẽ được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng.
Nguyễn Đình Hưng
.




---

BỔ SUNG



5.

Đền thờ một vị khoa bảng danh tiếng của Thái Nguyên

1163
VNTN – Tại xóm Chợ, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên có ngôi mộ cổ Tiến sỹ Đàm Chí được dòng họ Đàm, hiện nay là gia đình cụ Đàm Đức Lượng (96 tuổi) trú tại xã Quyết Thắng trông nom, thờ phụng. Năm 1998, ngôi mộ đã được cơ quan chức năng thuộc ngành văn hóa khảo sát đưa vào hồ sơ Danh mục quy hoạch di tích.
Tra cứu trong sử sách và các tài liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam; Hồ sơ Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, Hồ sơ di tích Tiến sỹ Thái Nguyên, Địa chí Thái Nguyên, Đất và Người Thái Nguyên (tập 1)… đều có chép về thân thế sự nghiệp của Tiến sỹ Đàm Chí. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cho biết, ông quê làng Sa Kệ, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, xứ Thái Nguyên. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đại Chính năm thứ 6 (1535), đời Mạc Đăng Doanh, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Kỳ thi của ông có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm người huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đàm Chí sau khi đỗ Tiến sỹ được bổ làm quan Tri huyện, trong đó có lần ông được cử lên huyện Phú Lương (nay thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) sau đó được thăng chức và làm tới chức Thừa chính xứ, tước Văn Trai bá (Bá tước), một trong những chức cao thời bấy giờ (Công, khanh, bá, tử, nam).
Lễ khánh thành Đền thờ Tiến sỹ Đàm Chí ở xã Phúc Trìu
Bằng các căn cứ khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã xác định quê hương của Tiến sỹ Đàm Chí ngày nay thuộc xã Quyết Thắng (xưa là làng Sa Kệ) thành phố Thái Nguyên. Đàm Chí là 1 trong 9 vị Tiến sỹ đỗ đại khoa của tỉnh Thái Nguyên. Theo nhân chứng dòng họ Đàm xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên vẫn gìn giữ được ngày giỗ và Gia phả tổ tiên của mình trong đó có Tiến sỹ Đàm Chí.
Tổ tiên dòng họ Đàm vốn có quê gốc ở xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc nay thuộc xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ này nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan to, thời Lê sơ có ông Đàm Thận Huy đỗ Tiến sỹ năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông. Ông được vua cử đi sứ sang nhà Minh, sau làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư (tương đương chức Bộ trưởng ngày nay) Tri chiêu văn quán, Tú lâm cục kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng hàn lâm viện sự, Thiếu bảo, nhập thị kinh diên, tước Lâm Xuyên bá. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông đem binh về Bắc Giang làm việc cần vương, vì kém thế không địch nổi nhà Mạc ông đã tuẫn tiết cùng Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Hữu Nghiêm, cả hai người này đều là học trò của ông. Mạc Đăng Dung trọng nghĩa khí cao của ông đã tặng tước Hầu, về sau thời Lê Trung Hưng xếp ông vào hạng Kiệt tiết dực vận, Tán trị công thần, phong làm phúc thần và được phép lập đền thờ ở làng, vua các triều đều ban sắc phong, ban cho biển đề là Tiết nghĩa từ.
Đầu thế kỷ XVI khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê thì một số người thuộc chi họ Đàm ở xứ Kinh Bắc cũng đã lên định cư ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phát huy truyền thống của họ Đàm gốc, dòng họ Đàm ở Thái Nguyên cũng nổi tiếng là một dòng họ khoa bảng, có 2 vị Tiến sỹ đỗ đại khoa ở đầu thế kỷ XVI. Đó là Đàm Sâm, đỗ Tiến sỹ năm 1511 đời vua Lê Tương Dực, Đàm Chí đỗ Tiến sỹ năm 1535 đời Mạc, đều làm quan đến chức Thượng thư. Ngoài ra cũng phải kể đến hậu duệ họ Đàm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, cũng góp phần làm dạng danh dòng họ với các tên tuổi như Thượng tướng Đàm Quang Trung, vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, là vị tướng xông pha nhiều trận mạc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954); Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đàm Văn Ngụy; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Đàm Đình Trại – họ đều là những vị lãnh đạo trưởng thành trong quân đội nhân dân Việt Nam từng làm việc ở Quân khu I Thái Nguyên.
Cụ Đàm Đức Lượng, vị trưởng họ Đàm xã Quyết Thắng năm 2015 đã vinh dự thay mặt dòng họ đi dự Hội thảo khoa học về Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy ở Bắc Ninh và từ đó cụ đã quyết tâm đi sưu tầm, tìm tòi tư liệu và vận động con cháu dòng họ cùng nhân dân miền xóm Chợ, xã Phúc Trìu huy động tộc họ Đàm tỉnh Bắc Ninh, Cao Bằng cùng xây dựng ngôi đền thờ Tiến sỹ Đàm Chí trên đất Phúc Trìu.
Để bảo tồn và gìn giữ di tích mộ Tiến sỹ Đàm Chí, năm 2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Sau khi làm đủ các thủ tục và chuẩn bị kinh phí để xây dựng ngôi đền, Ủy ban nhân dân xã Phúc Trìu và nhân dân địa phương cùng dòng họ Đàm trong nước đã hợp sức công đức xây dựng thành công ngôi đền thờ.
Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí có quy mô khá lớn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, toàn bộ ngôi đền được làm bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Mặt đền hướng về phía đông ngoảnh ra đường liên xã, có kiến trúc 3 gian 2 dĩ, 4 đầu đao cong vút. Trước mặt đền có sân rộng để tổ chức các lễ hội truyền thống. Đền được xây xong tuy nhiên còn những hạng mục cần tiếp tục phải hoàn thiện như tượng thờ, đồ thờ, sân đền… cụ Đàm Đức Lượng lại cùng con cháu dòng họ Đàm và bà con địa phương dần thực hiện. Cho đến nay các việc đó đã hoàn tất.
Cụ Đàm Đức Lượng trả lời phỏng vấn
về sự kiện giành chính quyền Cách mạng tỉnh (20/8/1945)
Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí dựng lên trên đất Phúc Trìu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên quê hương tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng. Ngôi đền sẽ là nơi tưởng niệm Tiến sỹ Đàm Chí và các vị thần bản thổ. Ngôi đền ra đời đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân và dòng họ Đàm. Nhân dân xã Phúc Trìu, Quyết Thắng vui mừng vì Nhà nước đã quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Và việc xây dựng ngôi đền cũng là việc làm đầy ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết trách nhiệm của đại diện dòng Đàm tỉnh Thái Nguyên trong đó có họ Đàm xã Quyết Thắng.
Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật chất, tinh thần gắn với các vị Danh nhân khoa bảng ở thành phố Thái Nguyên và tỉnh ta nói chung là một việc làm cần thiết nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học của ông cha xưa, đồng thời góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội cho địa phương, nơi có di tích lịch sử văn hóa.
Nguyễn Đình Hưng
http://vannghethainguyen.vn/2017/08/27/den-tho-mot-vi-khoa-bang-danh-tieng-cua-thai-nguyen/




4.

10/03/2009


Đỗ Thị Mỹ Mai


Sinh ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Mão (1507) bà là con cụ tiến sỹ Đỗ Túc Khang. Cuối Triều Lê sang đầu nhà Mạc, tháng 10 năm Đinh Hợi (1527) ở vùng Thái Nguyên như Phổ Yên - Đồng Hỷ - Bình Tuyên ... giặc giã nổi lên cướp bóc, dân lành đau thương khổ sở.
Trước bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cụ Đỗ Túc Khang là quan triều đình phụ trách vùng Thái Nguyên. Cụ thấy con gái út là Đỗ Thị Mỹ Mai có tài năng, võ nghệ cao cường, dâng tấu với Vua, xin cho con mình đi dẹp giặc thay cha, được Vua chấp thuận.
Với bản lĩnh trí dũng, Đỗ Thị Mỹ Mai đã đóng giả tướng nam nhi cầm quân đi dẹp giặc. Quân của bà tiến đánh đến đâu được đấy. Giặc kinh hồn khiếp sợ. Nhiều vùng dân được yên ổn, cuộc sống trở lại bình yên.
Ít lâu sau, bọn giặc lại quấy nhiễu. Trong một trận giao tranh, không may gió thổi mạnh, hở giải yếm đào. Bọn địch phát hiện tướng là đàn bà, nên giặc dùng đội quân trần truồng để giao chiến, với bà. Vì bà là gái chưa chồng, nên e thẹn, không thèm trạm trán với lũ quỷ mặt người, bà đã cho quân sỹ rút về. Trên đường hành hương, với lòng căm thù phẫn uất, khi đến sông Trấn Giang (nay là sông Cà Lồ) bà gieo mình xuống dòng sông trong xanh, đúng vào ngày mồng 8 tháng 6 năm Mậu Tý (1528) lúc đấy bà ở tuổi 21.
Đến năm Duy Tân thứ 5 (1911) vua Duy Tân đã sắc phong bà Đỗ Thị Mỹ Mai là "Diễm Bình Công Chúa". Các vùng từ Trung Dã, Phúc Yên đến Thái Nguyên đều lập đền thờ bà Đỗ Thị Mỹ Mai, dân cả vùng tôn lên "Anh linh Thần Nữ" được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp bằng "Di tích lịch sử văn hoá" số 1774 ngày 12 tháng 11 năm 2004 tại thờ Tiến sỹ Đỗ Túc Khang trên hoành phi có ghi "NỮ TƯỚNG NHẤT NHÂN".


Đỗ Ngọc Liên (Sưu tầm và biên soạn)
http://hodovietnam.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1171&Itemid=1



3.




15:56 | 17/09/2014
(Thainguyentv.vn) - Ngày 17/9, UBND phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Cột Cờ.

Theo dấu tích lịch sử từ thế kỷ thứ XVI, sau khi mất thành Thăng Long, tàn dư của nhà Mạc chạy lên các tỉnh phía Bắc, để tập kết luyện quân chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Vào thời điểm này có một nữ tướng nhà Mạc đã cắm cờ doanh trại tại đây để luyện quân. Khi quân của bà rút đi người dân nơi đây đắp lên ngôi đền nhỏ để thờ vị nữ tướng này, dân gian truyền lại gọi là thờ Bà Chùa bản tỉnh và ngôi đền có tên là Đền Cột Cờ.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên
trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền Cột Cờ

Đền Cột Cờ phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên hiện nay có diện tích gần 300m2. Đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thờ Bà Chúa bản tỉnh và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ca ngợi các bậc tiền bối trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hàng năm, Đền có nhiều lễ hội sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu bản sắc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự như: Lễ khai xuân vào mồng 6 tháng Giêng, Lễ Sơn Trang vào mồng 10 tháng 2, ngày giỗ tổ Đức Thánh Trần vào ngày 20 tháng 8 hay tiệc bà Chúa bản tỉnh vào 24 tháng 8 âm lịch.
Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 7/7/2014, UBND tỉnh đã ký quyết định và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử Đền Cột Cờ. Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền Cột Cờ với mong muốn Đền sẽ có những biện pháp tốt hơn nữa để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử này.
Nguyễn Hương

http://thainguyentv.vn/den-cot-co-tp-thai-nguyen-don-nhan-bang-di-tich-lich-su-cap-tinh-4406.html



2. Người đăng tin có viết sai chính tả một chút

"
Đăng lúc 14:13 26/08/2018 ○ Đăng tại Thái Nguyên
Nguyễn Thế Hòa 
Địa chỉ: Phường Hoàng Văn Thụ. TP Thái Nguyên - Thái Nguyên
Điện thoại: 09151  [Bấm để hiện số]
Một kho non sành triều nhà Mạc ( 1527 - 1592 ) đào ở rìa sông cầu thuộc xã Linh Sơn - Đồng Hỷ - Thái Nguyên . Thời đó không biết sản xuất cái non sành này để làm gì mà nhiều kích cỡ khác nhau . Bán giá như nhau = 60k/1 cái . Bán 5cái trở lên cho trẵn . Ai mua xin gọi điện : 0915 176 535 . Xin cảm ơn . 

"
https://phocovat.phomuaban.vn/index.php?mod=detail&id=1019013


1.


01/09/2013 13:06


Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp
TP - Hơn 60 năm trước, di tích đền Rắn (xã Huống Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là nơi ghi dấu sự kiện đổi tên của Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Còn cách đây trên 50 năm, đền Rắn được Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên công nhận là di tích lịch sử loại 1 của tỉnh. Nhưng hiện nay, đền lại “rơi” khỏi diện di tích được xếp hạng của tỉnh Thái Nguyên, xuống cấp từng ngày...






Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp

Đền Rắn được xây dựng từ thời nhà Mạc trong một khu rừng rộng nên nhân dân địa phương còn gọi khu rừng đó là rừng Đền. Cạnh đền Rắn còn có các đình giáp và mỗi đình giáp có một nhà nghỉ được gọi là tảo xá ở xung quanh để phục vụ việc tế lễ, tín ngưỡng.
Cuối thế kỷ 19, một phần đền Rắn và đình bị phá nên được người dân địa phương khôi phục lại. Tại đền Rắn còn một số hiện vật có giá trị như 4 pho tượng thờ Thánh mẫu Thuỷ cung Long vương, Bạch xà, Hắc xà, Cao Sơn Quý Minh Đại vương, bộ binh khí gồm 8 cây đao bát bửu bằng gỗ sơn son thiếp vàng, hai tấm bia thời Minh Mạng (không nguyên vẹn), 2 bức sắc phong từ thời vua Khải Định... được lưu giữ đến ngày nay.
Đền Rắn còn là địa danh từng ghi dấu hoạt động của tuổi trẻ. Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, trường tiểu học tại xã Đồng Tiến (tên trước đây của xã Huống Thượng) bị phá huỷ, học sinh chuyển vào học ở các tảo xá trong khu vực đền Rắn.
Năm 1951, xã Đồng Tiến có phong trào thiếu niên, nhi đồng hoạt động rất mạnh, được cho là một điểm sáng của hoạt động này thời kỳ đó. Thực hiện công tác Trần Quốc Toản, cứ chiều thứ bảy hàng tuần, các thiếu niên, nhi đồng xã Đồng Tiến lại chia theo từng chi đội đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội để giúp đỡ công việc.
Ông Trần Tiến, nguyên Phó Ban Thiếu niên Nhi đồng Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, nay đã ngoại 80 tuổi, cho biết: “Thời điểm này, Trung ương Đoàn đang đóng tại xã Yên Lãng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) nên một số đồng chí như Hồ Trúc (Trưởng ban Thiếu niên Nhi đồng T.Ư Đoàn), Phong Nhã (Nhạc sỹ của T.Ư Đoàn), Võ Toàn Lâm, Phan Chu Cường (Khu đoàn Việt Bắc) và một số cán bộ của Tỉnh Đoàn Thái Nguyên và Huyện Đoàn Đồng Hỷ luôn về xã Đồng Tiến để bổ sung nội dung, xây dựng phong trào, nhân rộng điển hình. Chẳng mấy chốc công tác Trần Quốc Toản của xã Đồng Tiến trở thành một điểm sáng của Khu Đoàn Việt Bắc”.
Đến tháng 3/1951, tại khu vực đền Rắn, T.Ư Đoàn đã xác định việc đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh). Sự kiện này được phản ánh khá rõ trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng (1946-2010)” và cuốn “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Thái Nguyên (1938-2012)” xuất bản trong các năm 2011 và 2012.
Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp - ảnh 2
Hai bức sắc phong thời vua Khải Định tại đền Rắn
Hai bức sắc phong thời vua Khải Định tại đền Rắn.
Năm 1960, trước nguy cơ đền Rắn bị phá dỡ để làm trường học, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản xếp hạng đền Rắn vào diện các di tích lịch sử của tỉnh, cần được bảo vệ và tu sửa. Năm 1962, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có văn bản xếp hạng đền Rắn là di tích lịch sử loại 1 của tỉnh (cùng 18 di tích khác). Sau đó, Ty Văn hóa tỉnh Thái Nguyên đã về xã công bố quyết định trên và cắm bảng “Di tích lịch sử” tại đền Rắn.
Tuy nhiên về sau, không rõ vì sao đền Rắn bị “rơi” khỏi diện di tích được xếp hạng của tỉnh Thái Nguyên. Ngôi đền dần xuống cấp do không được tu bổ, tôn tạo.
Trước cảnh hoang tàn của đền, đầu những năm 1990, nhà sư trông coi chùa và nhân dân địa phương đã đóng góp công của để khôi phục một phần đền Rắn. Hội Cựu chiến binh xã Huống Thượng đã tổ chức trồng cây để khôi phục lại khu rừng quanh đền.
Sau 20 năm, rừng cây giờ đã xanh tốt, nhưng đền Rắn lại tiếp tục xuống cấp, có nguy cơ bị đổ. Bức sắc phong thời vua Khải Định đã bị mối gặm nhấm mất một phần, rất cần được phục chế.
Trao đổi với người viết bài này, các cán bộ có trách nhiệm của Phòng Di sản và Phòng Văn hoá huyện Đồng Hỷ (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Thái Nguyên) xác nhận: Đền Rắn hiện chưa thuộc diện xếp hạng di tích của tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân của sự việc này do Thái Nguyên có nhiều di tích nên trong quá trình bàn giao qua các thời kỳ đã bị sót. Năm 2002, sau khi kiểm kê, cấp có trách nhiệm mới phát hiện ra đền Rắn và đưa vào danh mục quản lý. “Hiện đền Rắn đã được chúng tôi đưa vào danh sách để chuẩn bị trình cấp có trách nhiệm xét công nhận là di tích cấp tỉnh trong thời gian tới” - một cán bộ quản lý của Phòng Văn hóa huyện Đồng Hỷ cho biết.
Hiện nay, trong tư liệu về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chỉ ghi nơi đổi tên Đội Thiếu nhi cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám diễn ra tại Việt Bắc vào tháng 3/1951 (tỉnh Thái Nguyên thời kỳ đó thuộc Việt Bắc-PV), mà chưa đề cập địa điểm cụ thể.
Ông Nguyễn Thế Tiến, một trong những tác giả biên tập cuốn “Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam” (xuất bản năm 2001) cho biết: “Tôi thấy những tư liệu về đền Rắn - nơi đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám là một tư liệu quý để các nhà nghiên cứu, viết sử Đội, Đoàn tiếp tục khảo cứu trong tương lai”

Ngọc Lâm - Kiến Nghĩa

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/mot-di-tich-tung-gan-voi-tuoi-tre-bi-xuong-cap-644080.tpo

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.