Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/04/2019

Hôm nay, chúng tôi nói về Cát Bà và du lãng cửa sông Tam Bạc

Lại là về một chiếc cầu quay danh tiếng ở vùng đất Cảng. Đã viết về cầu quay bắc qua sông Tam Bạc trong câu chuyện về đường sắt Đông Pháp tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam, từ năm 2014. Xem cụ thể ở đây.

Cầu Quay là cây càu đường sắt dài 100m, bắc qua sông Tam Bạc, nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng đi Hà Nội - Lào Cai và Vân Nam do Công ty Pháp Hoả xa Đông Dương và Vân Nam xây dựng.


Tính viết chi tiết về hai việc:

- Chúng tôi nói về đảo du lịch Cát Bà trong quan hệ với tín ngưỡng thờ Mẫu (tổ hợp thần biển Tứ Vị Thánh Nương - Liễu Hạnh Công Chúa). Về đảo Cát Bà, thì 6 năm về trước, vào mùa hè năm 2013, tôi đã ghi nhanh một mẩu ở đây.

- Chúng tôi có dạo chơi nơi cửa sông Tam Bạc (khu vực có đền Tam Kì thờ Mẫu).


Nhưng do bận mải, nên tạm không ghi thêm, cũng tạm chưa đưa ảnh chụp tại chỗ vào ngày 18/4/2019. Ở dưới, chỉ đi hai mẩu tin liên quan, của phía Hải Phòng.



---









TƯ LIỆU




1. Hội thảo ngày 18/4/2019

Tùy biến hiển thị - 18/04/2019 - 11:19



Sáng 18/4, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thời mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có các nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa của Trung ương và thành phố Hải Phòng.

Câu lạc bộ bảo tồn nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ người Việt thành phố Hải Phòng thực hành diễn xướng
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng lâu đời có nguồn gốc từ thời Tiền sử, người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm nữ thần Mẹ hay còn gọi là Thánh Mẫu. Đáp ứng được nhu cầu trong đời sống tâm linh của dân chúng, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn biến chuyển, thích ứng với sự thay đổi của xã hội qua từng thời kỳ lịch sử và đã phát triển đến đỉnh cao, hình thành tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XVI. Tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người Việt, có sức lan tỏa mạnh, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, làm ăn thuận lợi, may mắn. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân với nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Nghi lễ chầu văn hay còn gọi là hầu đồng – một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang đầy tính thiêng được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016 với tên gọi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Hải Phòng là thành phố ven biển thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng; là đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. Hàng trăm năm qua, trong tiến trình phát triển, Hải Phòng thu hút nhiều cư dân từ các địa phương khác và cả từ nước ngoài đến sinh cơ, lập nghiệp. Những cư dân này đã góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố đa tín ngưỡng, tôn giáo và đa văn hóa; trong đó có các loại hình tín ngưỡng và đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển. Tùy theo mỗi thời kỳ thăng trầm của đất nước mà tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hải Phòng có những nét phát triển riêng biệt, độc đáo, để lại những dấu ấn trong lối sống của người dân miền cửa biển.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thời mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng” nhằm nghiên cứu, thảo luận, đề xuất các giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề được dư luận quan tâm trong thực tiễn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hải Phòng. Thay mặt Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, đồng chí cảm ơn Viện Nghiên cứu Văn hóa, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đã tích cực hợp tác trong việc tổ chức Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về: Tín ngưỡng thờ Mẫu Hải Phòng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ; Tổ hợp nữ thần biển độc đáo: Từ vụ Thánh nương – Liễu Hạnh công chúa ở các làng chài thuộc huyện đảo Cát Hải; Vai trò của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện nay: Trường hợp người Việt Bắc Bộ di cư vào Kon Tum; Chúa bà Nam Phương – Nét đặc thù trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hải Phòng; Hoạt động thờ Mẫu ở Hải Phòng, những giá trị cơ bản cần phát huy và một số hạn chế cần khắc phục; Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt  trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Những trao đổi, thảo luận của các đại biểu nhằm tìm hiểu và đánh giá thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng; đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tín ngưỡng thời Mẫu trong xã hội đương đại.
Nguyễn Hải
http://haiphong.gov.vn/p-UBNDTP/d-9372/125012/hoi-thao-khoa-hoc-tin-nguong-tho-mau-tren-dia-ban-




2. Ở ngôi đền Tam Kì bên dòng sông Tam Bạc, gần chỗ cây cầu quay



PV Thu Trang-Thứ sáu, ngày 28/12/2018 19:04 GMT+7


VTV.vn - Trải qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay ông đã giúp cho ngôi đền Tam Kỳ Hải Phòng được nhiều người biết đến.

Đền Tam Kỳ Hải Phòng là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh biết tới. Nhưng đằng sau vẻ đẹp và sự linh thiêng của ngôi đền, không phải ai cũng biết đến công lao của nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của - thủ nhang đồng đền, Trưởng ban quản lý đền Tam Kỳ - Hải Phòng.
Nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của: Người giữ hồn cho ngôi đền cổ - Ảnh 1.
Giữa những nghệ nhân dân gian mà tôi đã gặp, nghệ nhân Đào Đăng Của gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài đôn hậu, bình dị, nụ cười tươi, gương mặt phúc hậu, ánh mắt sáng. Trải qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay ông đã giúp cho ngôi đền Tam Kỳ Hải Phòng được nhiều người biết đến.
Nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của: Người giữ hồn cho ngôi đền cổ - Ảnh 2.
Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng cái duyên đã đưa ông đến và gắn bó suốt cuộc đời với đất Cảng Hải Phòng. Năm 1996, ông chính thức hoạt động liên tục, làm trưởng ban quản lý, thủ nhang đồng đền đền Tam Kỳ, được thừa kế từ cụ Phạm Văn Chủng và các vị tiền bối. Từ khi còn trẻ, nghệ nhân Đào Đăng Của đã say mê tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Quá trình tu dưỡng, rèn luyện với sự thành tâm, khát vọng vươn tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành động lực giúp ông vượt lên khó khăn trong cuộc sống để thành công. Ông tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân các sự kiện nghi lễ, tại các đền thờ lớn bằng trách nhiệm và lòng tâm huyết nhiệt thành với cộng đồng. Sau đó, được gia đình, đoàn thể ủng hộ, ông đã giữ chức vụ trưởng ban quản lý, thủ nhang đồng đền đền Tam Kỳ, phường Cát Dài, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.
Khi đó cơ sở vật chất ở đền có khá thô sơ do ảnh hưởng của chiến tranh, đền chưa hoạt động rộng rãi. Đến tháng 4/2007 thì đền được tu sửa lại. Từ khi được nghệ nhân Đào Đăng Của tiếp nhận đến nay, Đền Tam Kỳ luôn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của nhân dân trong vùng. Chị  Trần Thị Yến - một người dân sống gần khu vực đền cho biết: "Đền Tam Kỳ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Vào dịp hội đền hay những ngày lễ tết, chúng tôi thường lui tới đền để thắp hương cầu may và tài lộc cho cả gia đình. Đối với tôi và nhiều người khác, ngôi đền này mang ý nghĩa tâm linh rất đặc biệt".
Đền Tam Kỳ là nơi thờ Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, một vị quan lớn trong hệ thống tín ngưỡng đạo Mẫu. Vị quan này còn được biết đến với tên Tam Phủ Vương Quan hay Bơ Phủ Vương Quan. Tam Phủ ở đây không chỉ số lượng mà ý chỉ phủ thứ ba trong hàng Tứ Phủ. Trước đây lễ hội chính của đền là ngày 10-2 âm lịch còn ngày nay là ngày tiệc Quan lớn đệ tam 24/6 âm lịch hàng năm.
Nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của: Người giữ hồn cho ngôi đền cổ - Ảnh 3.
Là người trực tiếp được tiếp xúc với tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu từ trước, nghệ nhân Đào Đăng Của hiểu rõ hơn bao giờ hết những giá trị to lớn về một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đó là truyền thống Uống nước nhớ nguồn, truyền thống Ân trung hiếu nghĩa, tốt đời đẹp đạo của con dân đời đời gìn giữ và kế thừa của dân tộc Việt. Đồng thời đó cũng là niềm tự hào thúc đẩy người nghệ nhân dân gian luôn cố gắng phát huy tiến triển đạo Mẫu cũng như thể hiện trách nhiệm của người thủ nhang đồng đền.
Ngoài việc xây dựng, tu bổ đền Tam Kỳ ngày càng khang trang sạch sẽ ông còn tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện, cụ thể: Hàng tháng nuôi 7 cháu cô đơn, tật nguyền tại phường Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng, Thường xuyên đóng góp theo những kế hoạch từ thiện của các tổ chức, đoàn thể, đóng góp xây dựng nghĩa trang liệt sĩ,… Đặc biệt, ông cùng gia đình còn tích cực tham gia công đức xây dựng, tôn tạo đình, đền, miếu trên địa bàn tỉnh, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử của địa phương. Mọi việc làm của ông  đều xuất phát từ lòng từ tâm, hướng thiện với ước nguyện luôn tu tâm, tích đức làm việc có ích cho đời, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Ông vẫn luôn đặt cho mình những mục tiêu mới gắn với tâm nguyện cống hiến hết mình xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Ông tâm sự đầy xúc động: "Tôi làm việc vì tôi yêu đất nước này, yêu nơi tôi đã sinh ra, mong ước lớn nhất của tôi là góp phần làm ngôi đền được nhiều người biết đến và là danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách nhất".
Nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của: Người giữ hồn cho ngôi đền cổ - Ảnh 4.
Nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của (hàng dưới thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn Nghệ nhân Việt Nam tham gia giao lưu văn hoá tại nước ngoài
Bất kỳ công việc gì muốn thành công cũng cần phải có niềm đam mê. Và với nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của, niềm đam mê, trí thông minh, nghị lực và bản lĩnh đã đưa ông đến với ngôi đền Tam Kỳ như là duyên phận. Và tất cả mọi người, từ khách phương xa cho tới các cấp lãnh đạo trung ương cũng như chính quyền địa phương đều dành cho ông  những tình cảm tốt đẹp nhất.
Với tâm lớn của một trưởng ban quản lý đền Tam Kỳ, nghệ nhân dân gian Đào Đăng Của luôn nguyện dốc hết sức mình để gìn giữ và phát triển ngôi đền để lưu giữ và chân truyền nét đẹp trong bản sắc văn hóa tâm linh luôn màu nhiệm, hướng tới giá trị Chân, Thiện, Mĩ.
https://vtv.vn/doi-song/nghe-nhan-dan-gian-dao-dang-cua-nguoi-giu-hon-cho-ngoi-den-co-2018122818500199.htm

..



BỔ SUNG
(về Cát Bà và Cát Hải)



1. Cuối tháng 4 năm 2019




17:36 - 27/04/2019 0 THANH NIÊN ONLINE
Cơ quan chức năng huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) khẳng định, đảo Cát Bà năm nay không thiếu nước ngọt và có đủ phòng lưu trú phục vụ du khách.

Mùa du lịch năm 2019, du khách ra Cát Bà sẽ không lo thiếu nước ngọt và phòng lưu trú /// Ảnh Hồng Phong

Mùa du lịch năm 2019, du khách ra Cát Bà sẽ không lo thiếu nước ngọt và phòng lưu trú
ẢNH HỒNG PHONG


Năm 2018, do lượng mưa ít nên đảo Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân và các hoạt động phục vụ du lịch. Thời điểm đó, người dân tại đảo Cát Bà phải chịu cảnh cắt nước luân phiên, còn các nhà hàng, khách sạn phải tiêu tốn rất nhiều tiền để mua nước phục vụ du khách.
Chính vì vậy, bắt đầu mùa du lịch năm nay, việc thiếu hay đủ nước ngọt tại đảo Cát Bà là một vấn đề được dư luận và du khách hết sức quan tâm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải khẳng định: “Chắc chắn năm nay đảo Cát Bà không thiếu nước ngọt dù du khách đến đảo sẽ nhiều hơn năm ngoái”.

cat-ba

Hồ trữ nước ngọt Xuân Đám trên đảo Cát Bà
ẢNH LÊ TÂN
Để đảm bảo nguồn nước cho đảo, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng đã khoan và sửa chữa 4 giếng lấy nước ở xã Hải Sơn (đảo Cát Bà), nâng số giếng lấy nước ngọt tại đảo này lên con số 7. Tổng lượng nước khai thác ở 7 giếng nước trên đảo sẽ đạt từ 3.500 đến 4.000 m3/ngày. Ngoài ra, đảo còn có nguồn nước ngotj dự trữ tại hồ Xuân Đám và hồ Trân Châu trên đảo với 280.000 m2 nước ngọt.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 5.2019, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng sẽ đưa dây chuyền xử lý nước mặn thành nước ngọt vào hoạt động. Dây chuyền này sẽ cung cấp cho nhà máy nước Cái Giá trên đảo Cát Bà 1.500 m2/ngày.
Ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc chi nhánh Cấp nước huyện Cát Hải, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho biết: “Bằng các giải pháp trên chúng tôi sẽ đảm bảo nhu cầu đến 9.500 m 3 /ngày nên đảo Cát Bà sẽ không còn tình trạng thiếu nước ngọt như những tháng cao điểm của năm 2018".

cat-ba

Cát Bà, điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố Hải Phòng trong mùa hè
ẢNH HỒNG PHONG
Theo ước tính của UBND huyện Cát Hải, mùa du lịch năm nay Cát Bà có thể đón 2.7 triệu người. Trung bình sẽ có khoảng 10.000 người đến Cát Bà/ngày.
Trên đảo Cát Bà hiện có 233 cơ sở lưu trú với 4.340 phòng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao. Giá phòng lưu trú tại Cát Bà từ 800.000 đồng/phòng trở lên.
Đề phòng việc thiếu chỗ nghỉ cho du khách, UBND huyện Cát Hải đã huy động 200 nhà dân với 600 phòng đăng ký cho du khách thuê khi ra đảo.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, giá phòng lưu trú và giá đồ ăn, dịch vụ đều được chính quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải niêm yết công khai.
Tại các cơ sở lưu trú và nhà hàng cũng sẽ công khai các số điện thoại của lãnh đạo huyện và thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng để du khách kịp thời phản ánh những vấn đề nảy sinh khi đi du lịch tại đảo Cát Bà.

https://thanhnien.vn/doi-song/cat-ba-tuyen-bo-khong-thieu-nuoc-ngot-va-phong-luu-tru-cho-mua-du-lich-nam-nay-1076064.html

1 nhận xét:

  1. 1. Cuối tháng 4 năm 2019

    Cát Bà tuyên bố không thiếu nước ngọt và phòng lưu trú cho mùa du lịch năm nay

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.