Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/03/2019

Từ mới 2019 : "vong phí" hay "phí vong" ("vong giá" hay "giá vong")

Chúng ta đã có "thu giá". Một từ mới được giới hành chính chính sách và hành chính giao lộ Đại Việt cho đường đột xuất hiện ở tiếng Việt đầu thế kỉ 21, đòi thay cho "thu phí". Sau đó, giới giáo dục đào tạo cũng định đề xuất "học giá", đòi thay cho "học phí".

May mà lương tri đã lên tiếng. Nên "thu giá" và "học giá" đã bị xếp lại. Để cho đám thư lại cất vào ngăn kéo. Thi thoảng từ ngăn kéo sẽ lại rình rập vượt ra bên ngoài.

Bây giờ, sau sự kiện chùa Ba Vàng và sư Thái Minh ở Uông Bí (quan sát ở đâyở đây), chúng ta thấy có sự xuất hiện của từ mới VONG PHÍ.

Lại đi đến PHÍGIÁ. Đám thư lại trên, có khi sẽ muốn chỉnh lại thành VONG GIÁ cho xem.

PHÍ và GIÁ đều là biểu hiện ngắn gọn và rõ ràng cho thời đại kim tiền. Mọi thứ có thể mua bán trao gửi biếu tặng nhau qua môi giới của PHÍ và GIÁ, tức Đồng Tiền.






Tổng cục Đường bộ đề xuất trạm thu giá thành trạm thu phí - Ảnh 1.









'Nộp 700 triệu cho chùa Ba Vàng, nếu không sẽ bị điên'

---


---

BỔ SUNG



2.

Vụ "vong báo oán" tại Ba Vàng: Tâm sự cay đắng của nhà tu rời chùa



Một trong số 40 tăng ni, nhà tu tập từng bỏ đi vì không chịu được những quy định mới hay hiện tượng gọi vong báo oán tại chùa Ba Vàng đã chia sẻ những tâm sự đầy cay đắng với phóng viên Báo Lao Động.
40 tăng ni bỏ đi vì không chịu được quy định mới
Đã từng có 5 năm gắn bó, tu tập tại Chùa Ba Vàng, một nhà sư cho biết: Trước khi vị này rời đi vào năm 2015, hiện tượng "thỉnh oan gia trái chủ" đã xuất hiện. Hoạt động này diễn ra kín chứ không lộ liễu như bây giờ.
Đối tượng đến thỉnh vong lúc đó thường là chủ doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cán bộ... của tỉnh Quảng Ninh. Khi đó, mọi người đã phải cúng rất nhiều tiền theo yêu cầu của vong. Lịch cúng dường vào 14 và 30 âm lịch hàng tháng.
“Tiền cúng sẽ do thầy trụ trì toàn quyền xử lý. Các thầy tu không được phép giữ tiền, không được mở phong bì mà khi nhận từ người cúng sẽ chuyển trực tiếp tới thầy trụ trì Thích Trúc Thái Minh. Thầy trụ trì đếm, sau đó chuyển xuống ban kế toán. Ai cần tiêu gì thì làm phiếu thu, chi và lấy tiền ở kế toán”, vị này cho hay.
Trong quá trình tu tập, các nhà sư có biết chuyện và tranh luận về việc phật tử Phạm Thị Yến nhìn thấy vong, thấy tiền kiếp, nói kiếp này, kiếp kia. Khi đó, nhiều thầy mới về và còn đang học tập nên không ý kiến về việc này.
Chùa Ba Vàng hiện là một trong những ngôi chùa nổi tiếng miền Bắc
Chùa Ba Vàng hiện là một trong những ngôi chùa nổi tiếng miền Bắc
Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra mâu thuẫn là vào năm 2013, sau khi những thông tin về ngày đại nạn, nhiều người đã vu oan cho một hoà thượng mà nhiều vị tu tập trong chùa tôn kính. Khi đó, phật tử Phạm Thị Yến đã đứng ra nói chuyện với các phật tử khác (gần giống như giảng pháp ngày nay) và có những lời chia sẻ phỉ báng một vị hoà thượng.
Tức giận vì hành vi này, bất bình với những quy định mới trong tu tập, các nhà tu có chính kiến, có quan điểm rõ ràng đã rời bỏ đi. Đến năm 2014, đã có 40 nhà sư đã rời khỏi chùa Ba Vàng.
“Trong kinh Phật có dạy cúng dường. Nhưng việc gọi vong lên và báo số tiền là bao nhiêu không hề có trong kinh Phật. Để nói những điều này là điều tôi không muốn khi chia sẻ về nơi đã nuôi dưỡng mình, nhưng nơi đó có những hành động sai trái không thể chấp nhận được”, vị này cho hay. 
Trao đổi với báo chí, Thượng toạ Thích Đạo Hiển - Phó Ban trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh cho hay, 40 tăng ni từng bỏ đi vì không chịu được các quy định mới tại chùa Ba Vàng.
Hiện tượng gọi vong đã bị nhắc nhở nhiều lần
Cũng theo đại diện Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh: Các hiện tượng thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu. Ngày 26.8.2015, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 125/CV - BTS gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tăng sự Trung ương xin ý kiến chỉ đạo và gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Uông Bí và Phòng Nội vụ thành phố Uông Bí đề nghị phối hợp giải quyết một số vấn đề, trong đó có vấn đề báo chí nêu.
Công văn đã báo cáo về việc "Thanh quy tu học tại chùa Ba Vàng" có nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam bao gồm: Mỗi ngày ăn một bữa; Nửa tháng tắm một lần; Mặc y pháp thường xuyên 24/24 trong ngày; Các vị sư tăng đều vào rừng (gốc cây) tu học, ngủ, nghỉ trong 49 ngày đêm kể cả mưa nắng; Nằm ngủ dưới đất; Tịch thu y pháp của tỳ kheo ni (tu nữ) mặc dù y pháp đã được đồng truyền giới của Giáo hội truyền thụ hợp pháp.
 
 Hoạt động thỉnh vong diễn ra tại chùa Ba Vàng rầm rộ nhiều năm qua.
Công văn cũng nêu rõ, đặc biệt dư luận quần chúng nhân dân phản ánh: Các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng Phật tử tên Yến (thường gọi là Yến bắt ma) cư trú tại Hạ Long thường xuyên khuyến hoá nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp Chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng pháp, giáo hoá cho tăng ni, phật tử nghe,...
Chính vì điều này mà năm 2015, 40 tăng ni chùa Ba Vàng không chấp nhận quy định mới này nên bỏ đi.  
Trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia của các cơ quan ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, tập thể Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý chân thành về vấn đề này với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng. Tuy nhiên từ đó đến nay tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí còn có nhiều ý kiến quy chụp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tị với chùa Ba Vàng.
Mặc dù vậy, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vẫn rất tích cực, kiên trì trong việc động viên, nhắc nhở trụ trì và tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng tu học đúng giới luật Phật chế, thực hiện đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước.
https://laodong.vn/xa-hoi/vu-vong-bao-oan-tai-ba-vang-tam-su-cay-dang-cua-nha-tu-roi-chua-664125.ldo?fbclid=IwAR3oPh1NVy8AGflvjwdnjZ70HBLcRmIbODA4vNqcoF1_Vl2Tcx7SwrVdpmE




1.

“Không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta”

 - Đức Phật nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Phật giáo đòi hỏi tin bằng trí tuệ, tin bằng thực nghiệm, không tin qua tuyên truyền.

Vụ việc ở chùa Ba Vàng đang làm mất lòng tin của nhiều người. Nhân sự kiện này, chúng tôi tìm gặp Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Trụ trì chùa Đại Từ Ân (Hà Nôi, nguyên Uỷ viên thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam để hỏi ông đâu là ranh giới của niềm tin tôn giáo và mê tín, dị đoan.
Thượng tọa giải thích: Tín ngưỡng phật giáo và tôn giáo đạo Phật là khác nhau. Tín ngưỡng của người đi chùa là khác, quan điểm của phật tử chân chính là khác, quan điểm của những nhà tu hành là khác. Ở mỗi mức độ khác nhau có cách hiểu khác nhau. (Tín ngưỡng) đối với người dân gian như thế là đúng, nhưng đối với tín đồ đạo Phật  thì chưa chắc đã đúng; hoặc đối với tín đồ đúng nhưng chưa chắc với người tu hành là đúng.
Cúng vong linh và thờ cúng tổ tiên
Ví dụ, chúng ta nói chuyện cúng vong có hay không. Đức Phật không nói như vậy nhưng tại sao các chùa lại cúng vong? Vì đó là phong tục tập quán dân gian từ xưa đến nay người ta vẫn cúng. Không thể nói là có, cũng không thể nói là không có. Nếu không có thì sẽ sụp đổ cả một nền tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên bởi nếu không có vong linh thì thờ cúng ông bà tổ tiên làm gì, như vậy sẽ sụp đổ cả hệ thống hiếu đạo.
Do vậy, chuyện này không chỉ đơn thuần ở việc có hay không có vong mà ta xem nó ở góc độ nào, nếu không cứ quy chụp rất nguy hiểm. Phật giáo chuyển đến nước nào đều thu nhập tín ngưỡng bản địa của riêng nước đó cho mình và lấy cơ sở giáo lý đạo Phật để hướng dẫn. Hiếu đạo đã có từ trước, việc thờ cúng ông bà tổ tiên đã có từ trước khi đạo Phật đến Việt Nam. Tôn giáo đến phế bỏ nó sẽ lập tức không có chỗ đứng, nên phải tiếp nhận nó. Tiếp biến văn hoá phải hiểu như thế.
“Không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta”
Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Phật giáo bác học khác, phật giáo quần chúng là khác. Tín ngưỡng đạo Phật  với tôn giáo đạo Phật là hoàn toàn khác nhau. Một đằng là tín ngưỡng phổ thông, dành cho những người đi chùa, lễ Phật mà không tu theo đạo Phật, không tìm hiểu giáo lí đạo Phật mà chỉ trong các ngày rằm, mùng Một, lễ tết đến chùa thắp hương. Tín ngưỡng phổ thông chiếm đại đa số người dân Việt Nam. Những người đi theo đạo Phật, học để tu theo đạo Phật thì số đó ít, số phật tử cũng ít, số tăng ni hiểu chuyên sâu về đạo Phật cũng ít.Chuyện cúng sao cũng vậy. Trong giáo lý đạo Phật không có chuyện cúng sao nhưng hiện nay lại có. Điều này có lí do về mặt lịch sử. Do vậy ta phải xem chỗ nào đúng, chỗ nào không đúng.

Không có gì là lạ khi Giáo hội bảo không nhưng ông chủ trì vẫn bảo có vì ông ấy có căn cứ của ông ấy nhưng vấn đề là ở mức độ nào, phạm vi nào.
Nói vậy để thấy, ta đứng vị trí nào để xem xét sự việc. Nếu nói về nhà tu hành thì phải đặt vào vị trí của người tu hành để hiểu đạo Phật chứ không thể đặt vào vị trí của người đi lễ dân gian để hiểu được. Nó gọi là thuyết chính danh.
Chúng tôi có nghe nói vụ chùa Ba Vàng. Thực ra việc này chúng tôi đã biết lâu năm nay rồi. Tất cả các chùa ở miền Bắc, miền Nam Việt Nam đều có cúng vong; cái này là đúng bởi vì cứ có người chết là đưa lên chùa để cúng vong. Chùa nào cũng cúng vong cả. Đã cúng vong là phải thỉnh vong. Đây gọi là tín ngưỡng phổ thông.
Nhập vong là hoàn toàn không đúng
Tuy nhiên, cái hiện nay người ta làm không đúng là mời một vong linh nhập vào người nào đó để nói chuyện. Điều này không đúng. Không đúng là không đúng chỗ đó, chứ cúng vong thì hầu như tất cả các chùa đều cúng. Không ai có khả năng mời vong linh đã chết nhiều đời, nhiều kiếp về hiện thân nhập vào người để nói chuyện. Việc này không nằm trong giáo lý Đạo Phật; Phật không bao giờ nói đến việc này cả. Không ai có khả năng này cả.
Thứ nữa, không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta đang sống được bởi vì mạng sống của chúng ta giữa tinh thần và vật chất gắn kết với nhau. Bao giờ chết thì thần hồn ta mới tách ra được, mà đã tách ra thì người khác cũng không nhập vào được.
Khi chúng ta đang sống cũng không có linh hồn nào có thể nhập vào thân thể chúng ta được. Điều này rất rõ, nếu thỉnh vong linh nhập vào thân thể tôi được thì tôi có thể thỉnh ngay Đức Phật nhập vào thân thể tôi để thuyết pháp, không cần gì các thầy sư thuyết pháp cả.
Cúng vong là người người ta cúng trong giai đoạn trung gian giữa sau khi chết và khi nhập vào. Giai đoạn đó có 49 ngày, nhưng không nhất định là 49 ngày. Có người ra khỏi thân lập tức đi ngay, có người thì 7 ngày, có người 14 ngày và giai đoạn cuối cùng là 49 ngày. Giai đoạn này gọi là giai đoạn trung ấn, tức là khi thần thức chưa đầu thai thì người ta cúng cho nó, cúng để cảnh tỉnh họ, đừng đi lạc vào con đường tà, rơi vào tam bát đạo mà hãy hướng đến thiện đạo mà đi. Đó chính là cúng vong và khai thị cho vong.
Còn qua thời gian đó, có cúng cũng chỉ là cầu siêu chứ không có tác dụng khai thị bởi vì họ đã đi rồi, ai vào địa ngục thì vào rồi, muốn ta ra khỏi ngục thì mình thăm hỏi, động viên thôi chứ không thể ai giúp cho họ thoát được, trừ khi họ cải tạo tốt.
Phật pháp không có quan điểm, không có chủ trương mà Đức Phật gọi là Như Thị Thuyết, tức là Đức Phật thấy thế nào thì nói thế. Chủ trương, quan điểm là cá nhân mỗi người. Như Thị Thuyết là chân lí thế nào thì nói đúng như thế. Cái thấy của Đức Phật là cái thấy đúng chân lí. Do vậy, sau này mỗi trường phái xuất hiện giải thích theo mỗi cách khác nhau nên rất phức tạp.
Ví dụ, Đức Phật nói sau khi thần thức rời khỏi thân tuỳ theo nghiệp mà chuyển sinh trong khoảng thời gian 49 ngày, nhưng tuỳ theo nghiệp ấy là tuỳ từng người. Người này nghiệp nặng thì ra khỏi thân có thể vào ngay địa ngục, giống như một người phạm tội cực ác lập tức bị bắt bỏ tù, khác với những người truy tìm mãi mới có thể tìm ra án.
Thế nào là mê tín?
Ranh giới giữa tín ngưỡng đạo Phật và mê tín rất khó phân định. Mê tín được định nghĩa là tin mà không hiểu, tin một cách mù quáng. Dù là chính pháp của Phật nhưng anh tin một cách mù quáng thì vẫn là mê tín. Đức Phật nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Phật giáo đòi hỏi là tin bằng trí tuệ, tin bằng thực nghiệm, không tin qua tuyên truyền.
Đứng ở góc độ đạo đức, văn hoá việc thờ cúng vong linh ông bà tổ tiên là đúng. Bởi vì đó là đạo lí uống nước nhớ nguồn, thờ ông bà tổ tiên là để giáo dục hiếu đạo. Đây là một trong ba chân kiềng tạo nên văn hoá Việt Nam, không thể phủ nhận. Chúng ta đã đưa nó từ thời văn hoá thờ cúng Hùng Vương và được thế giới công nhận.
Nhưng nếu nhìn theo chiết chung của đạo Phật thì đức Phật phủ nhận chuyện này. Tôi kể một câu chuyện có thật từ thời Đức Phật. Nhà vua vào ngày giỗ bố làm cơm cúng rất lớn, mời Đức Phật và chư tăng đến ăn giỗ. Sau khi ăn xong, ông bạo gan hỏi Đức Phật: “Bạch Đức thế tôn, con cúng thế này thì bố con, mẹ con, tổ tiên nhà con có ai về ăn được không? Ăn được thì cúng thế nào và không ăn được thì có nên cúng nữa hay không?”.
Sau câu hỏi đó, Đức Phật không trả lời có, cũng không trả lời không. Đức Phật hỏi lại: “Nếu ai vi phạm pháp luật thì đại vương có bỏ tù không? Nếu gia đình họ có việc thì đại vương có thả không?”. Nhà vua trả lời không, trừ khi nào họ ra tù. Đức Phật mới nói, nếu một người phải vào địa ngục thì không ai thả cho họ về để ăn giỗ cả. Đức Phật bảo vẫn nên cúng, cúng để kỉ niệm, để tưởng nhớ những người đã mất chứ không phải cúng để ông bà tổ tiên về ăn để phù hộ. Và đốt vàng mã là sai.
Ta làm rạch ròi ra để biết thế nào là tín ngưỡng, là trục lợi. Nếu họ lợi dụng lòng tin của người khác thì đó là trục lợi. Ví dụ, rằm tháng Bảy chùa cúng vong, mọi người đăng kí đến tụng kinh để cầu siêu, sau đó nhà chùa giảng dạy đạo lí cho người ta thì đó là tín ngưỡng thuần tuý. Nhưng nếu cứ xoáy vào việc vong là báo oán, phải bỏ tiền ra thế này thế kia thì rõ ràng là trục lợi.
Lan Anhghi
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/khong-co-vong-linh-nao-co-the-nhap-vao-co-the-chung-ta-516418.html
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.