Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/03/2019

Công việc dịch thuật văn học và khoa học : dịch giả Nguyễn Thanh Xuân

Bài đầu tiên lấy từ báo Quảng Nam.

Một dịch giả tôi chưa quen biết. Nhưng thú vị là ông thân với cả nhà văn/dịch giả Đà Linh (về Đà Linh thì đọc ở đây, năm 2013), và nhà khảo cứu/nhà thơ Trần Kỳ Phương. 

Đặc biệt, một dịch phẩm quan trọng gần đây của ông là gắn với cha Thecla (người thời cổ xưa) và cô Olga (người thời nay). Bản dịch của ông, như cách đọc của tôi, với tư cách người đã có khảo cứu nhiều năm nay về các tác phẩm của nhóm Thecla (đây là một nhóm, không phải một người) và các nhóm trước đó rồi sau đó, thì có thể nói: bản dịch tiếng Việt tương đối công phu và thành công. Có một ít lỗi, khi nào cần thiết, tôi sẽ viết một bài học thuật.

Trên bình diện báo chí nhanh chóng, có thể thấy trong đoạn nói sau của mình, dịch giả đã nhầm lẫn. Đoạn sau:

"Cần lưu ý thêm, tác phẩm được chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Olga Dror - người đã phát hiện tư liệu này trong Thư khố Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris khi đang tìm tài liệu về tín ngưỡng Chúa Liễu Hạnh, một đề tài luận án mà bà đang thực hiện. Trong cuốn sách này, tư liệu mà Olga Dror đã tìm được làm thay đổi toàn bộ tiến trình thực hiện luận án của mình. Cuốn sách thu hút bà đến nỗi không thể không đọc tiếp toàn bộ và xác quyết rằng tác phẩm này cần phải được phổ biến rộng rãi tới giới chuyên gia quan tâm đến lịch sử văn hóa, tôn giáo Việt Nam, Trung Hoa và hoạt động truyền giáo. Vì vậy mà bà đã ngừng luận án về Liễu Hạnh của mình để tập trung vào tư liệu này nhằm đưa nó ra ánh sáng sau khoảng 250 năm bị lãng quên."  

Tôi đã viết thành bài học thuật từ mấy năm trước (ví dụ một bài đã đăng năm 2015, ở đây), để khẳng định rằng:

1. Tác phẩm của Thecla đã được châu Âu biết đến từ lâu. Đầu thế kỉ 19, vào khoảng các thập niên 1810 - 1820, người ta đã biết và đem dịch nó ra sinh ngữ châu Âu rồi.

2. Nội dung mà Thecla viết, đã đi vào đại từ điển về tôn giáo của châu Âu từ thập niên 1840 - 1850 rồi.

3. Bởi vậy, bản thân cô Olga (người gốc Nga, hiện đang định cư tại Mĩ) không phát hiện gì cả !

4. Đặc biệt, cô Olga không hề biết một bản song sinh của tác phẩm đó ! Một điều rất lạ. Do không biết, nên việc nghiên cứu của Olga có thể nói là khiếm khuyết rất lớn.

Đại khái thế. Ghi nhanh chỉ một điểm nhỏ, mà là ghi tóm lược thôi.

Dưới thì mở đầu là bài của báo Quảng Nam. Bổ sung gì thì dán xuống dưới như mọi khi.






---





;
Chủ Nhật, 04/02/2018, 10:03 [GMT+7]
Dịch giả Nguyễn Thanh Xuân (sinh năm 1954) là một trong những nhà biên dịch văn học và chuyên sâu về mảng nghiên cứu, học thuật tại Đà Nẵng. Một tác phẩm vừa được dịch giả này biên dịch hoàn thành và cho ra mắt là “Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài”, gây tiếng vang trong giới học thuật và độc giả. Báo Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông về văn học dịch.
Dịch giả Nguyễn Thanh Xuân.
Trước hết, xin ông có thể cho biết ông đã đến với công việc dịch thuật văn học ra sao?
Dịch giả Nguyễn Thanh Xuân sinh tại Huế. Học tập, trưởng thành và sinh sống tại Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng.
Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, Nguyễn Thanh Xuân là một trong số ít ỏi những dịch giả chuyên sâu về mảng nghiên cứu, học thuật, có những đóng góp quan trọng tại miền Trung. Trong đó, tập sách Văn khắc Chămpa (Nxb Đại học quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2012) là một công trình lớn, do TP.Đà Nẵng phối hợp với nhóm chuyên gia Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện. Trước nay chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện bộ sưu tập văn bia của Bảo tàng Chăm để phục vụ đông đảo công chúng ngoại trừ một vài bản dịch rải rác trong các tài liệu chuyên môn. Do đó, để thực hiện việc dịch thuật những công trình như vậy, không chỉ đòi hỏi ngoại ngữ mà còn buộc người dịch phải có bề dày kiến thức về nghệ thuật và lịch sử, đặc biệt là về nghệ thuật Chăm, Campuchia... Với tôi, bản dịch Văn khắc Chămpa là khá chuẩn mực, rất phù hợp cho những ai muốn sử dụng tìm hiểu, nghiên cứu về Chămpa mà không sành tiếng Anh.
Mới đây, bản dịch tác phẩm Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài của Nguyễn Thanh Xuân cũng là một công trình được dư luận và các nhà chuyên môn đánh giá cao. Bởi bản thân tác phẩm được chuyển ngữ từ tiếng La tinh sang bản tiếng Anh của Olga Dror đã là một công trình khoa học. Bên cạnh đó, khi chuyển sang tiếng Việt, người dịch đã có sự tập trung tham khảo, tra cứu về Hán tự, về Phật học, triết học phương Đông... hết sức công phu.
Tôi vốn là giáo viên Anh văn dạy ở một số trường trung học cơ sở tại Đà Nẵng, nhưng cũng rất say mê văn học trong nước cũng như quốc tế. Tình cờ, đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, qua sự động viên, giới thiệu của anh em  bạn bè, tôi bắt đầu dịch những tác phẩm đầu tiên cho Nhà xuất bản Đà Nẵng. Từ đó, được những đơn vị khác quan tâm mời hợp tác, và cứ thế công việc tiếp tục cho đến ngày nay. Tôi đã dịch những tác phẩm tiêu biểu như: Kẻ độc tài và chiếc võng (nhà văn Pháp Daniel Pennac, dịch chung với Đà Linh), Tương lai văn học (Frédéric Badré, dịch chung với Đà Linh), Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng; Đạo của kiến trúc (Amos Ih Tiao Chang)... Tôi cũng tham gia chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh các tập thơ Trầm tích (Sediment) của Hoàng Trần Cương, Thời máu xanh (A Time of Green Blood) của Nguyễn Thụy Kha)...
Được biết trong năm vừa qua, ông đã biên dịch hoàn thành và cho ra mắt tác phẩm “Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài” khá thu hút sự quan tâm từ độc giả. Ông có thể nói thêm đôi điều về tác phẩm này?
Đây là tác phẩm của nhà truyền giáo Adriano di St. Thecla, người Italy được viết ở Đàng Ngoài vào năm 1750. Ông là người đã trải qua gần 30 năm sống ở Đàng Ngoài vào thế kỷ 18. Sách được phát hành bởi Omega Plus và Nhà xuất bản Thế Giới, do TS. Võ Minh Tuấn hiệu đính. Đây cũng là một tư liệu xa xưa và độc đáo, đề cập tình trạng tôn giáo ở Đàng Ngoài và một phần ở Trung Hoa, qua cái nhìn của một nhà truyền giáo Dòng Augustine chân đất. Mặc dù trong tác phẩm này đưa ra rất nhiều dẫn chứng đề cập Trung Hoa, nhưng trong thực tế ông lại trình bày rất nhiều đặc trưng của Việt Nam. Cụ thể, trong đó mô tả về đức tin và thực hành tôn giáo mang tính hệ thống đầu tiên được biết đến ở Đàng Ngoài, hay thực ra là ở Việt Nam nói chung. Tác phẩm cung cấp một khảo sát mang tính cảnh tỉnh đối với Giáo hội sau thời kỳ cuộc “Tranh cãi về Nghi lễ” chấm dứt  thông qua cách nhìn và tư duy của một người châu Âu có học ở thế kỷ 18 với cách tiếp cận khoáng đạt.
Về tổng thể, những nghiên cứu và phân tích trong Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài xoay quanh 3 tôn giáo lớn của người Việt lúc bấy giờ là Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Ngoài ra, Adriano di St. Thecla còn đề cập một số khía cạnh khác của tín ngưỡng Việt Nam như tục thờ các thần linh bản địa, tổ tiên… cũng như bước đầu thâm nhập của Ki-tô giáo vào Việt Nam. Một điều thú vị khác trong Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài đó là việc lần đầu tiên, Lễ tế Kỳ đạo của chúa Trịnh được Adriano di St. Thecla miêu tả một cách chi tiết và cụ thể. Cho đến nay, lễ tế này hầu như chưa bao giờ được đề cập trong các tài liệu hoặc các công trình nghiên cứu về Việt Nam giai đoạn này.
Tác phẩm “Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài”.
Ông có gặp khó khăn gì khi dịch tập sách này và cảm nhận thế nào về nó?
Cuốn sách này tôi dịch theo hợp đồng với nhà sách Alphabooks, qua trung gian giới thiệu. Đây là một tác phẩm có nhiều chủ đề nổi bật mà tôi yêu thích. Theo hợp đồng dịch là 6 tháng, nhưng vì những nguyên nhân bất khả, phải kéo dài đến hơn 7 tháng, trong đó nguyên nhân chính là lượng chú thích quá lớn, không ít trích dẫn bằng Hán tự, cần phải tốn công tra cứu, đối chiếu.
Cần lưu ý thêm, tác phẩm được chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Olga Dror - người đã phát hiện tư liệu này trong Thư khố Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris khi đang tìm tài liệu về tín ngưỡng Chúa Liễu Hạnh, một đề tài luận án mà bà đang thực hiện. Trong cuốn sách này, tư liệu mà Olga Dror đã tìm được làm thay đổi toàn bộ tiến trình thực hiện luận án của mình. Cuốn sách thu hút bà đến nỗi không thể không đọc tiếp toàn bộ và xác quyết rằng tác phẩm này cần phải được phổ biến rộng rãi tới giới chuyên gia quan tâm đến lịch sử văn hóa, tôn giáo Việt Nam, Trung Hoa và hoạt động truyền giáo. Vì vậy mà bà đã ngừng luận án về Liễu Hạnh của mình để tập trung vào tư liệu này nhằm đưa nó ra ánh sáng sau khoảng 250 năm bị lãng quên.
Ông có thể tiết lộ công trình dịch thuật nào đang tiến hành trong năm  2018 này?
Tôi đang tập trung dịch một tác phẩm dài hơi, tương đối công phu. Nội dung sách nói về tiến trình phát triển xã hội của loài người từ khi còn sơ khai đến nay, đối chiếu song song giữa phương Đông và phương Tây. Đây cũng là một tác phẩm có chủ đề mà tôi rất tâm đắc. Tạm thời chỉ có thể tiết lộ được như vậy.
Ông có thể nêu vài nhận định về tình hình hoạt động dịch thuật văn học hiện nay tại nước ta, đặc biệt là ở khu vực miền Trung?
Văn học hiện tại đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây, với đủ các thể tài, đáp ứng mọi khẩu vị. Riêng về văn học dịch, số lượng người dịch đã tăng theo cấp số nhân, nhưng vì thế cũng không tránh được tình trạng xô bồ.
Thời trước, về mảng sách dịch, ngoài tác giả ra, người đọc còn kén chọn cả người dịch. Lớp độc giả trẻ bây giờ có khẩu vị dễ dãi hơn, phần lớn chỉ chọn những thể loại không cần phải suy ngẫm nhiều. Ngoài hai trung tâm Sài Gòn và Hà Nội thì ở  Quảng Nam và Đà Nẵng đội ngũ dịch thuật rõ ràng hơi thiếu vắng, có thể nói vẫn chưa sánh nổi với Huế - thành phố có truyền thống học thuật lâu đời. Trong công việc dịch thuật tác phẩm văn học, ngoài khả năng ngoại ngữ, người dịch phải có hiểu biết tương đối sâu rộng về nền văn hóa của quốc gia đó, thì mới có thể sử dụng đúng ngôn từ để làm cho câu cú trở nên có nghĩa hơn. Và muốn trở thành những dịch giả thực thụ thì chính bạn phải có lòng đam mê, tâm huyết và trách nhiệm đối với nghề. Bởi vậy, dịch thuật là một nghệ thuật và các dịch giả chính là những người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ mang những nền văn hóa, văn chương đa quốc gia đến với công chúng nước nhà.
Gần đây, tôi nghe đâu cũng có một số dịch giả trẻ ở Đà Nẵng, nhưng chưa đọc được tác phẩm nào, có thể là do họ thiên về dịch những thể loại dễ ăn khách kiểu “How to...”. Vả lại, ít ai sống được với nghề dịch lâu dài, vốn khó đủ xoay xở trong đời sống, ngoại trừ những người yêu thích công việc này. Vì vậy, tình trạng “thiếu vắng” người dịch thuật cũng đúng thôi. Bản thân tôi ngoài việc dịch sách, hoặc cộng tác với một số tờ báo, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển  ở Huế... cũng phải nhận thêm những việc vụn vặt để tồn tại.
TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện)
http://www.baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/tac-gia-tac-pham/201802/buon-vui-chuyen-dich-thuat-van-hoc-779741/?fbclid=IwAR0WyAy5WobehQzFEeeroMHC7NFxOQWnwzBH1eaxkKFLJ8zTDtTnegfJGvk
..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.