Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/12/2018

Nhà giáo Vũ Thạnh (1664-1727) : Hội thảo tại nhà Thái Học sáng nay (tin báo chí)

Sẽ đưa một số điểm mới chính về Vũ Thạnh sau. Ví dụ, đã tạm xác định cụ mất năm 1727. Trước nay, chỉ để khuyết (vì chưa biết cụ mất năm nào).

Những cái đó sẽ đi riêng một entry khác.

Bây giờ là thông tin của báo chí.

Nhóm báo chí tác nghiệp nhanh. Chưa xong hội thảo, thì đã có tin trên báo mạng. Tuy nhiên, có ít sai nhầm.


---

Thám hoa Vũ Thạnh với sự nghiệp văn hoá, giáo dục của đất nước

VĂN HÓA | 11:35 Thứ Tư ngày 12/12/2018

(HNMO) – Sáng 12-12, Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Thám hoa Vũ Thạnh – Con người và sự nghiệp” nhằm đánh giá những đóng góp của ông đối với sự nghiệp văn hoá, giáo dục của đất nước. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 354 năm ngày sinh của Thám hoa Vũ Thạnh (1664-2018).

Hội thảo khoa học về con người, sự nghiệp Thám hoa Vũ Thạnh diễn ra sáng 12-12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hội thảo có 27 bài tham luận của các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung: Bối cảnh văn hóa, xã hội Đại Việt; Thăng Long thế kỷ XVII - XVIII; Quê hương, dòng họ của Thám hoa Vũ Thạnh; Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp; Những đóng góp của Thám hoa Vũ Thạnh đối với văn hóa, giáo dục của đất nước thế kỷ XVII, XVIII.

Đánh giá về con người và sự nghiệp của Thám hoa Vũ Thạnh, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy mẫu mực, tiêu biểu về tri thức, đạo đức, tấm gương về hiếu nghĩa, hiếu học. Người luôn thể hiện trong suốt cuộc đời mình tinh thần hết lòng phụng sự xã hội và đã có công lao to lớn đào tạo cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Tên tuổi của Ông đã làm rạng danh dòng họ Vũ, góp phần bồi đắp truyền thống hiếu học và nuôi dưỡng tinh thần đó cho hậu thế”.

Vũ Thạnh (sinh năm 1664, đến nay chưa có tài liệu nào thông tin về năm mất của ông), nguyên quán làng Đan Loan, huyện Đường An (nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sau dời đến phường Báo Thiên huyện Thọ Xương. Ông là nhà khoa bảng, nhà giáo dục tiêu biểu của nước ta cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Năm 22 tuổi, ông đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa 6 (1685) đời vua Lê Hy Tông, làm quan trải qua các chức Hàn lâm viện Đãi chế, Lễ khoa Đô Cấp sự trung, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Bồi tụng...

Cuộc đời của Thám hoa Vũ Thạnh gắn liền với sự nghiệp dạy học. Năm Mậu Dần (1698), ông mở trường dạy học ở làng Hào Nam (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), học trò theo học rất đông. Trường của Vũ Thạnh là một trong hai trường tư lớn nhất kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ.

Học trò trường Hào Nam có nhiều người đỗ Tiến sĩ và Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), sau này nhiều người ra làm quan hoặc theo gương thầy mở trường dạy học. Theo sử sách còn ghi, ông có 70 học trò dự triều ban, 500 người làm quan, hơn 20 người mở trường dạy học ở các nơi, hơn 20 người khoác binh nhung làm tướng…

Vũ Thạnh đã để lại cho hậu thế sự nghiệp văn chương khá đồ sộ. Ông có 22 bài thơ được chép trong “Toàn Việt thi lục”, và nhiều văn bia do chính Vũ Thạnh soạn, rải rác nằm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Thời Lê Trung Hưng, văn chương sùng chuộng luân lý đạo đức, tầm chương trích cú, Vũ Thạnh vận động cải cách văn thể, chấn chỉnh khoa cử và học thuật theo hướng đề cao tri thức thực tiễn.

Như vậy, có thể thấy Vũ Thạnh có cống hiến to lớn cũng như ảnh hưởng sâu rộng đối với giáo dục và học thuật đương thời. Sức ảnh hưởng của ông lớn tới mức có lần chúa Trịnh phải hoãn một buổi chầu vì các quan đều xin nghỉ phép để đi ăn giỗ nhà quan Thám. Khi ông mất, triều đình truy phong chức Tham chính.

Hoàng Lan

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/921335/tham-hoa-vu-thanh-voi-su-nghiep-van-hoa-giao-duc-cua-dat-nuoc






11:28 | 12/12/2018

Sáng 12.12, nhân kỷ niệm 354 năm ngày sinh của Thám hoa Vũ Thạnh (1664 - 2018), Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học “Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp” nhằm đánh giá những đóng góp của ông đối với sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước.

Vũ Thạnh (1664 - ?) nguyên quán làng Đan Loan, huyện Đường An, nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, Bình Giang, Hải Dương, sau dời đến phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, là nhà khoa bảng, nhà giáo dục tiêu biểu của nước ta cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cố vấn dòng họ Võ (Vũ) Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
Năm 22 tuổi, ông đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa 6 (1685) đời vua Lê Hy Tông, làm quan trải qua các chức Hàn lâm viện Đại chế, Lễ khoa Đô Cấp sự trung, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Bồi tụng…
Tại hội thảo, 27 tham luận tập trung nghiên cứu, đánh giá bối cảnh văn hóa, xã hội Đại Việt, Thăng Long thế kỷ XVII - XVIII; Quê hương, dòng họ của Thám hoa Vũ Thạnh; Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp. Đặc biệt, hội thảo dành phần lớn nội dung khẳng định những đóng góp của Thám hoa Vũ Thạnh đối với văn hóa, giáo dục của đất nước đương thời.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, cuộc đời của Thám hoa Vũ Thạnh gắn lền với sự nghiệp dạy học. Năm Mậu Dần (1698), ông mở trường dạy học tại làng Hào Nam (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), học trò theo học rất đông. Trường của Vũ Thạnh là một trong hai trường tư lớn nhất kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ. Học trò trường Hào Nam có nhiều người đỗ Tiến sĩ và Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), sau này nhiều người theo gương thầy mở trường dạy học, với “70 học trò dự triều ban, 500 người làm quan, một ngàn người được truyền thụ Cửu kinh đến chỗ tinh vi. Hơn 20 người mở trường dạy học ở các nơi. Hơn 20 người khoác binh nhung làm tướng. Mấy trăm người còn đang học ở trường võ”…


PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kể chuyện về Thám hoa Vũ Thạnh

Tại hội thảo, nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc đời Thám hoa Vũ Thạnh được các chuyên gia, các nhà sử học trích dẫn. Vũ Thạnh đã để lại cho hậu thế sự nghiệp văn chương khá đồ sộ. Ông có 22 bài thơ được chép trong “Toàn Việt thi lục”, và nhiều văn bia do chính ônhg soạn và nhuận rải rác nằm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Thời Lê Trung Hưng, văn chương sùng chuộng luân lý đạo đức, tầm chương trích cú, Vũ Thạnh vận động cải cách văn thể, chấn chỉnh khoa cử và học thuật theo hướng đề cao tri thức thực tiễn. Phan Huy Chú nhận xét: “Trung Hưng về sau, văn chương theo lối tầm chương trích cú nên trở thành ti lậu. Văn ông làm ra có tính thanh thoát, đổi lốt trần hủ ra thanh tân mà người đương thời đua nhau học theo. Từ đây văn thể được đổi mới”. Vũ Thạnh có cống hiến to lớn cũng như ảnh hưởng sâu rộng đối với giáo dục và học thuật đương thời. Khi ông mất, triều đình truy phong chức Tham chính.
Đánh giá về con người và sự nghiệp của Thám hoa Vũ Thạnh, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: “Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy mẫu mực, tiêu biểu về tri thức, đạo đức, tấm gương về hiếu nghĩa, hiếu học. Người luôn thể hiện trong suốt cuộc đời mình tinh thần hết lòng phụng sự xã hội và đã có công lao to lớn đào tạo cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Tên tuổi của ông đã làm rạng danh dòng họ Vũ, góp phần bồi đắp truyền thống hiếu học và nuôi dưỡng tinh thần đó cho hậu thế.

Tin và ảnh: H.Sen
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=414599





Thứ Tư, 12/12/2018, 15:26:59
 Font Size:     |        Print

Hội thảo khoa học "Thám hoa Vũ Thạnh - con người và sự nghiệp".
NDĐT - Ngày 12-12, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học "Thám hoa Vũ Thạnh - con người và sự nghiệp", đánh giá những đóng góp của ông với sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước.
Thám hoa Vũ Thạnh (1664 - 1727) nguyên quán ở làng Đan Loan, huyện Đường An (nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) sau dời đến phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thuộc kinh thành Thăng Long. Vũ Thạnh đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Ất Sửu (1685), đời vua Lê Hy Tông khi mới 22 tuổi. Ông làm quan trải qua các chức Hàn lâm viện Đãi chế, Lễ khoa Đô Cấp sự trung, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Bồi tụng...
Vũ Thạnh đã để lại cho hậu thế sự nghiệp văn chương khá đồ sộ với 22 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục, nhiều văn bia do chính Vũ Thạnh soạn và nhuận rải rác nằm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sinh thời, Vũ Thạnh đã vận động cải cách văn thể, chấn chỉnh khoa cử và học thuật theo hướng đề cao tri thức thực tiễn. Sau này sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Trung Hưng về sau, văn chương theo lối tầm chương trích cú nên trở thành ti lậu. Văn ông (Vũ Thạnh) làm ra có tính thanh thoát, đổi lối trần hủ ra thanh tân mà người đương thời đua nhau học theo. Từ đây văn thể được đổi mới”.
Thám hoa Vũ Thạnh còn nổi bật với sự nghiệp dạy học. Năm Mậu Dần (1698), ông mở trường dạy học ở làng Hào Nam (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Thầy giáo Vũ Thạnh đã đưa ra nội dung giảng dạy rộng nhưng thiết thực, cho học trò nắm được nguồn gốc sâu xa của kinh điển nhưng vẫn chú trọng học tập những điều có thể áp dụng ngay trong thực tế. Cách dạy học nghiêm túc, đổi mới hướng đến cải cách thực trạng giáo dục khoa cử đương thời của ông đã “thấm nhuần vào óc tư duy, sáng tạo của người học”. Số học sinh theo học Vũ Thạnh rất đông và thành danh ở nhiều lĩnh vực, có nhiều người đỗ Tiến sĩ (văn) và Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), nhiều người ra làm quan nhưng cũng nhiều người theo gương thầy mở trường dạy học: “70 học trò dự triều ban, 500 người làm quan, một nghìn người được truyền thụ Cửu kinh đến chỗ tinh vi. Hơn 20 người mở trường dạy học ở các nơi. Hơn 20 người khoác binh nhung làm tướng. Mấy trăm người còn đang học ở trường võ…”. Nối tiếp Vũ Thạnh sau này còn có Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn mở trường dạy nhiều học trò thành đạt là những minh chứng sống động của mô hình giáo dục cộng đồng ở nước ta trong thời trung đại.
Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy mẫu mực, tiêu biểu về tri thức, đạo đức, tấm gương về hiếu nghĩa. Dân gian còn kể lại chuyện Vũ Thạnh được chúa Trịnh chiêu đãi nhưng vẫn xin một khúc cá ngon mang về biếu mẹ già. Trong công việc, ông luôn thể hiện trong suốt cuộc đời mình tinh thần hết lòng phụng sự xã hội và đã có công đào tạo cho đất nước nhiều người hiền tài. Vũ Thạnh có cống hiến to lớn cũng như ảnh hưởng sâu rộng đối với giáo dục và học thuật đương thời. Khi ông mất, được triều đình truy phong chức Tham chính. Ông là nhà khoa bảng, nhà giáo dục tiêu biểu của nước ta cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ngày nay, Hà Nội có đường phố mang tên ông ở khu vực gần trường Hào Nam xưa nơi ông dạy học.
Các nhà khoa học dự Hội thảo đã cùng thống nhất trong nhận định: “Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy mẫu mực, tiêu biểu về tri thức, đạo đức, tấm gương về hiếu nghĩa, hiếu học. Người luôn thể hiện trong suốt cuộc đời mình tinh thần hết lòng phụng sự xã hội và đã có công lao to lớn đào tạo cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Tên tuổi của ông đã làm rạng danh dòng họ Vũ, góp phần bồi đắp truyền thống hiếu học và nuôi dưỡng tinh thần đó cho hậu thế”.
NGỮ THIÊN

http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/38553502-tham-hoa-vu-thanh-nha-van-hoa-giao-duc-co-uy-tin.html



HỘI THẢO KHOA HỌC “THÁM HOA VŨ THẠNH - CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP”

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, hiếu học, hiếu nghĩa,  trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam; nhân dịp kỷ niệm 354 năm ngày sinh của Thám hoa Vũ Thạnh (1664-2018), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã  phối hợp cùng dòng họ Vũ-Võ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp” tại Nhà Tiền đường khu Thái Học  ngày 12/12/2018.
Lễ dâng hương lên các bậc tiên thánh, tiên hiền
Một góc tại Hội thảo 
Tới dự Hội thảo có GS. TS Vũ Minh Giang-Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia , GS sử học Lê Văn Lan, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ-Phó Viện trưởng Viện Sử học, TS. Nguyễn Viết Chức-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thăng Long, TS. Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng các nhà khoa học và hậu duê dòng họ Vũ-Võ Việt Nam.
Tại hội thảo, các nhà khoa học từ các trung tâm, viên nghiên cứu và các trường đại học cùng đại biểu dòng họ Vũ đã tập trung thảo luận và đánh giá những đóng góp của Thám hoa Vũ Thạnh đối với sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước và đặc biệt là những giá trị ông để lại cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục đối với thế hệ tương lai.
Trong số những bài tham luận bàn về nhân cách, tài năng và những đóng góp của Thám hoa Vũ Thạnh đối với hậu thế, GS. TS Vũ Minh Giang đề cao tài năng và đặc biệt là nhân cách của ông đối với nền giáo dục trong thời kỳ ông sống: “ …đóng góp lớn cho giáo dục, ông tạo ra trường phái dạy chữ nhưng dạy người. Trong một thời gian dài chúng ta chỉ tiếp cận nội dung, nhưng chúng ta đang ở thời đại 4.0, kiến thức ở khắp nơi chứ không chỉ có ở nhà trường vì vậy con người cần được dạy cách nghĩ và cách làm người. Vũ Thạnh không chỉ là tấm gương về tài năng mà còn là tấm gương về đạo đức..”
GS. TS Vũ Minh Giang trình bày tham luận
Đánh giá về con người và sự nghiệp của Thám hoa Vũ Thạnh, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy mẫu mực, tiêu biểu về tri thức, đạo đức, tấm gương về hiếu nghĩa, hiếu học. Người luôn thể hiện trong suốt cuộc đời mình tinh thần hết lòng phụng sự xã hội và đã có công lao to lớn đào tạo cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Tên tuổi của Ông đã làm rạng danh dòng họ Vũ, góp phần bồi đắp truyền thống hiếu học  và nuôi dưỡng tinh thần đó cho hậu thế”.
TS. Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám trình bày tham luận
Hội thảo khoa học “Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp” không chỉ nhìn nhận lại một nhân vật trong lịch sử Việt Nam; hội thảo còn để lại nhiều bài học quý giá cho mọi thế hệ tiếp nối, tạo động lực khích lệ thế hệ trẻ noi gương các bậc tiền nhân, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và dòng họ.
Chuong Van 
http://vanmieu.gov.vn/vi/hoi-thao-khoa-hoc-tham-hoa-vu-thanh---con-nguoi-va-su-nghiep--0B53024C300B5C3096A0A6D5BE613ED1.html
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.