Hồi năm 2012, trên Giao Blog thuộc hệ thống Yahoo, tôi đã đăng cảm tưởng đọc lại bài của Cao Xuân Hạo. Ấy là bài cụ Cao viết năm 2001.
1. Đại khái, năm 2001, cụ Cao đã viết:
"Tiếc thay, hầu hết các giáo sư chân chính mà tôi hỏi đều mỉm một nụ cười rầu rĩ mà nói rằng thực trạng còn bi đát hơn rất nhiều."
2. Rồi, năm 2012, tôi đã viết:
"Đoạn kể trên của thầy Hạo nằm trong một bài viết khá dài đã đăng tải trên tạp chí Xưa và Nay năm 2001. Tức là cách nay đã 11 năm. Nếu thầy Hạo có hỏi về tình hình sau 11 năm, thì chắc lại phải mượn chính lời của ông: "còn bi đát hơn rất nhiều".
3. Bây giờ là đọc lại toàn bộ, cả 2001 và 2012, để thấy 2018 còn bi đát hơn rất nhiều ! Đạo văn thôi, chỉ thế, đã đang tùm lum lên kìa (nào là Nguyễn Đức Tồn, nào là cả đương kim bộ trưởng, nào cả đương kim chủ nhiệm khoa,...). Rồi đầu vào đại học năm 2018 thì vẫn chưa có báo cáo cuối cùng (đọc qua ở đây và ở đây).
Từ đây trở xuống là chép nguyên bài đã post năm 2012 trên Giao Blog thuộc hệ thống Yahoo (lấy từ bản lưu tạm thời trên Wordpress).
---
Viết ngắn để nhớ về nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo
Tôi chưa được gặp thầy Cao Xuân Hạo bao giờ. Mọi thông tin về ông, chủ yếu thâu lượm qua chính sách hay báo do ông viết, cộng với những giai thoại luôn luôn được nối dài ra của người đương thời và hậu thế về ông. Ông có những fan độc đáo, không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nước ngoài. Tôi đã vào xem tủ sách Cao Xuân Hạo của một người bạn Nhật Bản. Người này mê thầy Hạo đến độ sưu tầm hết tất cả những gì của ông, thuộc ông, và về ông, liên quan đến ông. Nhưng rất lạ là người này chưa viết gì về Cao Xuân Hạo cả, dù cho tôi đã không ít lần hối thúc !
Tôi có hai kỉ niệm nho nhỏ liên quan đến quan điểm về ngôn ngữ và tiếng Việt của ông. Lúc khác sẽ ghi vậy. Bây giờ, nghe Cao Xuân Hạo kể chuyện.
Tôi có hai kỉ niệm nho nhỏ liên quan đến quan điểm về ngôn ngữ và tiếng Việt của ông. Lúc khác sẽ ghi vậy. Bây giờ, nghe Cao Xuân Hạo kể chuyện.
Ông kể: "Có lần, tôi, với tư cách người phản biện, cho một nghiên cứu sinh đi thi tiến sĩ 1 điểm trên 10 sau khi chứng minh một cách tỉ mỉ rằng anh ta hoàn toàn không hiểu tiếng Việt và thua xa một học sinh tiểu học. Chủ tịch hội đồng (là một trong ba vị giám khảo do Bộ cử vào để cứu anh nghiên cứu sinh nọ khi tôi phản đối việc cho anh ta chính thức bảo vệ luận án ở cấp nhà nước) kết luận rằng tôi hoàn toàn đúng trong từng chi tiết một. Nhưng vì biết tôi cho điểm thấp và muốn cứu anh thí sinh "dỏm" đó bằng bất cứ giá nào, hội đồng liền cho anh ta toàn điểm 8 và 9 cho nên rốt cục anh ta cũng đủ điểm để đỗ tiến sĩ, để tiếp tục dạy cho những sinh viên giỏi hơn mình rất nhiều".
Ông kể tiếp: "Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại phải cứu cho bằng được cái anh nghiên cứu sinh “dỏm” ấy mà không hề nghĩ đến việc cứu hàng chục thế hệ sinh viên vô tội sẽ phải nuốt những bài giảng sai lạc của anh ta."
Và tiếp:
"Sau buổi “bảo vệ luận văn” kỳ quặc ấy, nhiều người chê cười tôi là bất công mà không biết là mình bất công, vì nếu làm như tôi thì phải sổ toẹt hàng trăm bằng tiến sĩ, vì anh này còn viết được ba trăm trang chuyện tầm bậy, chứ hàng trăm anh khác không hề viết lấy một chữ, chỉ bỏ ra vài chục triệu thuê viết (do toàn thể hội đồng chấm thi bảo đảm), chỉ cần đọc bản tóm tắt, không cần xem lại toàn văn. Người ta còn nói thêm rằng ngay bằng tiến sĩ y khoa hay xây dựng mà cũng còn làm thế được, chứ ngôn ngữ học, văn học, sử học hay ngay cả toán học nữa thì tiến sĩ có làm chết ai đâu mà sợ ! Cái đáng sợ hơn cả là ngày nay những chuyện quái gở như thế đã được mọi người coi là bình thường, còn những người chống lại những hiện tượng tiêu cực tương tự lại bị coi là “hâm”, là “gàn dở”.
Chẳng lẽ cơ sự bi đát đến thế ư?
Tôi không tin rằng Bộ Giáo dục có thể chủ trương đào tạo ra những tiến sĩ “dỏm” để rồi các tiến sĩ này lại đào tạo ra hàng chục thế hệ “cử nhân dỏm”. Dễ làm gì mới được kia chứ? Để có một con số tiến sĩ và cử nhân hơn hẳn các nước khác (nhất là các nước cùng khu vực) có thể chứng tỏ tính ưu việt của chế độ ta chăng? Nhưng ngày nay ta đã mở cửa, giao lưu giữa các nước ngày càng rộng rãi. Uy tín của nước ta sẽ ra sao nếu những người có bằng tiến sĩ, cử nhân chỉ cần tiếp xúc với người nước ngoài trong năm phút đã lộ rõ ngay là không biết những điều sơ đẳng nhất trong nghề? Ai thèm hợp tác với mình nữa?
Tiếc thay, hầu hết các giáo sư chân chính mà tôi hỏi đều mỉm một nụ cười rầu rĩ mà nói rằng thực trạng còn bi đát hơn rất nhiều.". (pp. 334-335).
Đoạn kể trên của thầy Hạo nằm trong một bài viết khá dài đã đăng tải trên tạp chí Xưa và Nay năm 2001. Tức là cách nay đã 11 năm.
Nếu thầy Hạo có hỏi về tình hình sau 11 năm, thì chắc lại phải mượn chính lời của ông: "còn bi đát hơn rất nhiều".
https://dzjao.wordpress.com/2012/11/04/gan-cuong-quyet-va-thanh-thuc-cai-hinh-nhu-da-mat-vinh-vien-trong-giao-duc-vn-hien-nay/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.