Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/04/2018

Lễ cầu ngư ở làng chài Nam Ô, đúng ngày cá tháng 4 năm 2018

Hôm nay, ngày cá tháng 4, lại đúng ngày 17 tháng 2 âm lịch, vào lễ cầu ngư ở làng chài Nam Ô.

Đó là làng chài nổi danh bậc nhất ở vùng trung bộ Việt Nam. Nhưng cũng trớ trêu bậc nhất, là đang đứng trước nguy cơ bị doanh nghiệp và nhà đương cục thành phố xóa sổ vĩnh viễn (đã đi ở đây).

Và đã viết (ở đây):
"Xây được nhà trưng bày Hoàng Sa mà không giữ được Nam Ô thì chẳng có ý nghĩa gì. Hoàng Sa là chuyện còn phải tính xa xôi, nhưng Nam Ô thì cách vài bước chân. Vài bước chân còn chả giữ được, nói gì chuyện vạn dặm."



Trong mấy ngày qua, tình hình đã có chút hi vọng, với sự vào cuộc của ông bí thư Trương Quang Nghĩa (người kế nhiệm của các ông Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Xuân Anh).
Đại khái như sau:
"Theo chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng, ghềnh đá, mỏm Hạc phải được giữ nguyên trạng để làm du lịch sinh thái, chứ không chia lô xây vi-la, biệt thự.
Giữ nguyên trạng các di tích lịch sử, tâm linh. Bờ biển được trao lại quyền cho dân theo đúng luật định...".

Nhà báo lại chạnh nghĩa về lễ cúng Bà Liễu Hạnh tuần sau:

"Sáng nay 17/2 âm lịch, dân làng Nam Ô tổ chức cúng cầu ngư, cúng Ông Ngư. Và ngày này tuần sau, là lễ cúng Bà Liễu Hạnh. Tâm thức và nguồn cội tâm linh của người dân không bao giờ mất đi. Nơi nào cũng vậy, kể cả ở những nơi ngư dân bị nhét lên tầng cao chung cư để lấy đất cho dự án này, công trình nọ. Họ vẫn luôn hướng về tổ tiên, tổ nghề cái nôi sinh dưỡng bao đời. Trong đau xót.

Phải thấy được nỗi xót xa ấy. Đó là trách nhiệm và lương tâm của người làm lãnh đạo. Chứ không phải là đếm các rerort, biệt thự để cho đó là công lao tạo ra sự "phát triển".
"



Dưới là tư liệu.

---




TƯ LIỆU



1.

01/04/2018 19:24



Từ chuyện Nam Ô


TP - Sau hơn một tuần giông bão, vậy là câu chuyện Nam Ô đã có hướng thoát đầu tiên. Dẫu cái kết thực sự “có hậu” hay không còn phải đợi thời gian trả lời.

Theo chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng, ghềnh đá, mỏm Hạc phải được giữ nguyên trạng để làm du lịch sinh thái, chứ không chia lô xây vi-la, biệt thự.
Giữ nguyên trạng các di tích lịch sử, tâm linh. Bờ biển được trao lại quyền cho dân theo đúng luật định...
Bức tường sắt dự án vừa dựng lên ở Nam Ô chỉ là giọt nước tràn ly khiến người dân bừng tỉnh. Khi mọi quyết định đã ký, số phận làng chài cổ Nam Ô gần như đã được định đoạt. Báo Tiền Phong quyết liệt mở màn và đấu tranh đến cùng buộc phải giữ lại hồn cốt Nam Ô. Trong bối cảnh tác nghiệp lúc đầu gần như đơn độc, gặp không ít khó khăn, cản trở. Khi cùng lúc xuất hiện những bài báo trái chiều...
Tôi nhớ có lần ghé một điểm du lịch ở đông bắc Thái Lan. Một cái gọi là “hang động” tự tạo, mà ở ta để phá làm…vật liệu xây dựng chắc cũng chẳng mấy ai màng! Hướng dẫn viên chỉ lên mấy thứ vẽ nguệch ngoạc lên trên vách đá, khoe đó là chữ và tranh vẽ của người tiền sử cả... triệu năm trước, mới "phát hiện"! Vậy mà du lịch vẫn thu bộn tiền. 
Trong khi với Nam Ô - kho báu văn hóa, lịch sử, tâm linh và thiên nhiên hòa quyện một cách tuyệt vời, vậy mà nhiều người không nhận ra. Và ứng xử như với một khu đất hoang.            
Một ngôi nhà dù nghèo dù nhỏ đến đâu cũng có chỗ linh thiêng trang trọng để đặt ban thờ. Không thể ăn ngủ, nhậu nhẹt chung chạ ngay giữa nơi thờ tự tổ tiên. Bất cứ dự án nào làm vậy, cũng sẽ không thể tồn tại lâu dài. Bởi những xung đột do chính mình tạo ra. Khách nào sẽ đến nơi này, khi dinh miếu mất thiêng, chồng chéo nhà cửa, công trình riêng tư trên di sản tâm linh và thiên nhiên?           
Từ Nam Ô – cửa ô đầu tiên phía Nam trên đường vượt Ải Vân Nam tiến mở cõi, những lưu dân cũng là tiền hiền của Đà Nẵng đã dừng chân ở Nam Thọ - rẻo đất cuối cùng ven biển dưới chân bán đảo Sơn Trà. Cũng vẫn bắt đầu bằng một chữ “Nam”, nhưng với mong ước được trường tồn, lâu bền. Làng chài cổ Nam Thọ cũng mới ít năm trước thôi, nay chỉ còn là ký ức.  
Ngày 31/3 này là hạn cuối cùng Chính phủ kết thúc cuộc thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà. Dù kết luận thế nào, xử lý ra sao, thì đó cũng là một thực tế quá đau xót. Đà Nẵng được biết còn đến 8 dự án đang “sa lầy”, mà kinh phí sửa sai để hoàn trả cho doanh nghiệp lớn đến mức hầu như bất khả thi.
Sáng nay 17/2 âm lịch, dân làng Nam Ô tổ chức cúng cầu ngư, cúng Ông Ngư. Và ngày này tuần sau, là lễ cúng Bà Liễu Hạnh. Tâm thức và nguồn cội tâm linh của người dân không bao giờ mất đi. Nơi nào cũng vậy, kể cả ở những nơi ngư dân bị nhét lên tầng cao chung cư để lấy đất cho dự án này, công trình nọ. Họ vẫn luôn hướng về tổ tiên, tổ nghề cái nôi sinh dưỡng bao đời. Trong đau xót.
Phải thấy được nỗi xót xa ấy. Đó là trách nhiệm và lương tâm của người làm lãnh đạo. Chứ không phải là đếm các rerort, biệt thự để cho đó là công lao tạo ra sự "phát triển".
https://www.tienphong.vn/toi-nghi/tu-chuyen-nam-o-1256735.tpo



2.


31/03/2018 19:36



Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai

TPO - Ngày 31/3, các bậc cao niên của làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tề tựu về lăng Ông Ngư để chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư theo tục lệ truyền thống của dân làng vào sáng mai (1/4) tức 16/2 âm lịch







Lăng Cá Ông làng Nam Ô còn trơ lại giữa những đổ nát sau khi làng giải tỏa nhường đất cho dự án. Ảnh Nguyễn Thành
Lăng Cá Ông làng Nam Ô còn trơ lại giữa những đổ nát sau khi làng giải tỏa nhường đất cho dự án. Ảnh Nguyễn Thành

Theo ngư dân truyền lại, lăng Ông Ngư được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam. Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Trong khuôn viên của lăng hiện đang có một ngôi mộ cá Ông mới được an táng.  
Bậc cao niên làng Nam Ô kể về tục thờ cá Ông.  
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 1Những bộ hài cốt xương cá ông được thờ trong lăng. Theo tục lệ, cá Ông (cá voi) sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng và sau 3 năm sẽ bốc cốt cá Ông đưa vào lăng Ông để thờ cúng. Ảnh Nguyễn Thành
Ông Huỳnh Văn Thắng (75 tuổi, Trưởng ban nghi lễ làng Nam Ô,) cho biết: Lăng Ông Ngư làng Nam Ô là công trình tín ngưỡng thiêng liêng của người dân trong vùng. Lễ hội cầu ngư là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở. Đó là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ.
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 2 Ông Huỳnh Văn Thắng kể lại chuyện lăng Cá Ông, chuyện làng Nam Ô xưa - Ảnh Nguyễn Thành
Làng Nam Ô nay đã giải tỏa, nhường đất cho dự án Khu du lịch sinh thái, ông Thắng chia sẻ: Vì chủ trương chung, vì sự phát triển của thành phố người dân đã nhường đất, di dời đi nơi khác nhưng vẫn khắc khoải nhớ về chốn cũ, truyền thống của cha ông. Và dân làng vẫn giữ nguyên nghi lễ bao đời nay, không thể bỏ.
“Dân làng mong muốn, những công trình thờ tự linh thiêng của làng chài Nam Ô sẽ giữ nguyên vị trí cũ, tôn tạo chứ không di dời đi đâu hết. Mỗi lăng, miếu đều được xây dựng dựa vào phong thủy và tín ngưỡng của dân làng. Tất cả cần trân trọng, giữ gìn và phát huy”, ông Thắng cho biết.
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 3Lễ cúng lăng Cá Ông đã được chuẩn bị
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 4Tô vẽ lại bức tranh nơi bàn thờ linh thiêng.
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 5 Dòng chữ khắc từ thời  vua Tự Đức tại lăng Cá Ông
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 6Người dân làng Nam Ô đóng góp để có kinh phí tổ chức lễ hội. Trong ảnh, một ông cụ là người dân cũ của làng Nam Ô nay đã chuyển chỗ ở và đi bán vé số cũng quay lại làng góp chút tiền ít ỏi cúng làng.
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 7Dù làng đã giải tỏa, nhưng dân làng vẫn chuẩn bị lễ cúng tươm tất theo tục lệ truyền thống
Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai - ảnh 8Dinh  Âm hồn bên cạnh lăng Ông. Theo các bô lão trong làng thì có 2 sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích Dinh Âm hồn: Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Thời vua Thành Thái (1889- 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô  năm 1885. Dinh Âm hồn của làng theo đó được tôn tạoNguyễn Thành
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dan-nam-o-chuan-bi-le-cau-ngu-vao-sang-mai-1256514.tpo





---
TƯ LIỆU BỔ SUNG

1.
Người dân Nam Ô đòi lại sân bóng
TPO - Ngày 31/3, đông đảo người dân Nam Ô có mặt tại khu vực ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) để theo dõi việc tháo dỡ rào chắn tại dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô. Đồng thời, người dân cũng yêu cầu trả lại sân bóng vốn là nơi thanh niên trong làng sinh hoạt, tập luyện thể thao.
Sáng 31/3, đông đảo người dân Nam Ô đã có mặt tại khu vực lối dẫn xuống ghềnh đá để theo dõi việc tháo dỡ rào chắn và yêu cầu trả lại diện tích sân bóng đã bị vây Ảnh Nguyễn Thành
Đà Nẵng: Người dân tự dỡ rào chắn lối xuống biển ở resort Nam Ô 
Người Nam Ô: 'Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!' Nam Ô đã chết!
Đẹp mê hồn ghềnh đá Nam Ô 
Dự án resort Nam Ô: Chưa cấp thủ tục xây dựng đã rao bán

Tháo dỡ rào chắn tại khu vực ghềnh đá Nam Ô. Clip : Nguyễn Thành


Bảo vệ và người của chủ đầu tư dự án tiến hành tháo dỡ các tấm tôn vây dự án tại khu vực Nam Ô 2 - Ảnh Nguyễn Thành


Về diện tích đất tại khu vực được cho là sân bóng, bà Nguyễn Thị Tố Nga (tổ 150, phường Hòa Hiệp Nam), cho biết: Đây được gọi là sân bóng Nguyễn Văn Trỗi. Sân bóng này do thanh niên và người dân trong vùng góp công góp sức san ủi tạo lập nên từ năm 1976 để sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao. Nhưng nay thành phố giao luôn phần diện tích sân bóng này cho dự án, người dân yêu cầu trả lại sân bóng cho thanh niên, con cháu sinh hoạt. Nếu giao sân bóng cho dự án phải có ý kiến với người dân".
Một bảo vệ tháo vít, gỡ tôn rào chắn quanh dự án. Ảnh: Nguyễn Thành


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: Trong hai ngày 30 và 31/3, lãnh đạo quận đã trực tiếp đi kiểm tra và yêu cầu công ty mở toang cổng rào, ủi đất tạo lối xuống biển tại khu vực cuối đường Nguyễn Tất Thành để phục vụ người dân và du khách. Những lối xuống biển tạm đã được mở tạm phải san ủi bằng phẳng để người dân đi xuống biển thuận lợi. Riêng đường ra ghềnh đá Nam Ô, trong khi chờ chủ trương của thành phố về dự án này, quận yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ hàng rào và mở đường 4m để du khách xuống ghềnh thuận lợi hơn. Ngoài ra, quận cũng yêu cầu phường huy động đoàn viên thanh niên tổng dọn vệ sinh khu vực bãi biển, ghềnh đá và các di tích tâm linh trong vùng dự án.


“Trong bản vẽ quy hoạch của dự án không có lối xuống biển cho dân. Hiện nay, quận đang chờ chủ trương của thành phố. Khi nào thành phố và chủ đầu tư thống nhất được việc điều chỉnh quy hoạch thì địa phương sẽ triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp đúng như vậy”, ông Thiết cho biết.
Bản quy hoạch dự án không có lối xuống biển cho dân - Ảnh Nguyễn Thành 

Riêng 10ha đất thành phố đã bán cho Công ty CP Trung Thủy với giá 63 tỷ đồng (sau khi giảm 10% tiền sử dụng đất), ông Thiết cho biết: không nắm được diện tích này nằm ở đâu trên bản vẽ. Làng chài, ghềnh đá Nam Ô có nằm lọt trong 10 ha này hay không thì ông Thiết cũng không rõ.
“10ha đó phải hỏi chủ đầu tư. Quận chỉ giải tỏa đền bù theo sơ đồ quy hoạch dự án. Việc giao đất như thế nào là của thành phố”, ông Thiết cho hay.
Riêng về phần diện tích sân bóng, theo ông Thiết hiện nay quận Liên Chiểu đã yêu cầu công ty tháo dỡ rào chắn. Và quận đã giao cho phường và các đoàn thể vận động giải thích cho người dân. “Lối xuống biển tạm thời quận yêu cầu công ty phải mở, san ủi cho dân đi lại thuận tiện và thoải mái. Nhưng quy hoạch lối xuống biển khi dự án hoàn thành như thế nào thì phải chờ chủ trương thành phố”, ông Thiết cho biết.
Ngày 30/3, Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí, trong đó, liên quan đến việc rào chắn và lối xuống biển, công ty này cho biết, việc rào chắn là “để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của xà bần, khói bụi và rác thải phát sinh từ công tác giải phóng mặt bằng, cải tạo vệ sinh khu đất đến sinh hoạt của các hộ dân”. Đồng thời, cũng cho biết: không chặn đường xuống biển như thông tin đang phổ biến trên mạng xã hội, mà vẫn giữ lại 5 lối đi xuống biển và còn dọn sạch để các lối đi này an toàn và thông thoáng hơn cho người dân xuống tắm biển.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, chỉ sau khi người dân có ý kiến thì công ty mới mở các lối xuống biển tạm.
- NGUYỄN THÀNH
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-nam-o-doi-lai-san-bong-1256506.tpo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.