Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/03/2018

Nhà sàn của người Nùng An trên quê mới Tây Nguyên

Thật ra, nhà sàn của người Nùng An tại quê cũ Cao Bằng cũng đã khác lắm rồi. Bước chuyển mình quan trọng của ngôi nhà sàn Nùng An từ sau năm 2011, đã được tôi trình bày chi tiết trong tài liệu năm 2014 và 2015 (đối sánh với tài liệu trong các năm 1996-2000).

Ngôi nhà sàn Nùng An ở Tây Nguyên cũng là một biến thể thú vị. Thú vị ngay từ cái tên làng: Quảng Hòa. Đó là tên huyện cũ. Bây giờ tên huyện ấy không còn ở Cao Bằng nữa. Họ đã dắt díu nhau ra đi từ khi còn là huyện Quảng Hòa, lăn lộn tới ngót 40 năm trên vùng quê mới. Lấy luôn tên huyện nhà đặt cho ngôi làng mới khai phá.

Hiện tại, Nùng An đã có mặt trên hầu hết các tỉnh Tây Nguyên. Có rất nhiều ngôi làng tương tự như làng Quảng Hòa của tỉnh Đắc Lắc.




Tin tức các nơi.

---






Cập nhật lúc 08:22, Chủ Nhật, 04/02/2018 (GMT+7)

Cùng với nghề rèn thủ công, dệt vải chàm, nhà sàn là một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Nùng An. Dù di cư đến vùng đất mới, họ vẫn nỗ lực gìn giữ nếp nhà sàn cổ truyền của dân tộc mình. Vậy nên, dù qua bao thăng trầm đổi thay của cuộc sống, làng Quảng Hòa ở thôn Tam Điền (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) với những nếp nhà sàn xưa vẫn nằm vững chãi như một “báu vật” vô giá của người Nùng An trên đất Tây Nguyên. 
Từ trung tâm xã, chúng tôi men theo một con đường dốc thoai thoải chừng 4 km tìm đến làng Quảng Hòa. Dưới chân ngọn đồi, những nếp nhà sàn đơn sơ nằm san sát nhau, chung một hướng lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng ruộng.
Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cởi mở cho hay: “Làng Quảng Hòa 100% là người dân tộc Nùng An. Làng có 51 hộ thì cũng từng ấy nóc nhà sàn. Cuộc sống giờ đây đã khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo trong làng chỉ còn 1,9%, người dân có điều kiện xây nhà khang trang nhưng họ vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống như một nét văn hóa đặc sắc để truyền lại cho muôn đời sau…”.
Trong ngôi nhà sàn của mình, ông Hoàng Văn Pèng (65 tuổi) vừa chỉ tay lên chái bếp, nơi mà khói đã làm vàng ố những thanh gỗ, vừa tâm sự: “Chúng tôi sinh ra từ nhà sàn, gắn bó cả cuộc đời với nếp nhà sàn nên dù ở đâu, làm gì cũng phải xây cho tổ ấm của mình một ngôi nhà giống vậy. Có như thế, truyền thống của gia đình và nét văn hóa của người Nùng An sẽ không bị biến mất”. Ông Hoàng Đình Tân tiếp lời: Với 3 ha cà phê, gần 1 ha lúa, bình quân mỗi năm gia đình ông Pèng có thu nhập hơn 400 triệu đồng, đủ để xây nhà bê tông. Vậy nhưng gần 30 năm qua, gia đình ông vẫn sống dưới mái nhà sàn truyền thống đó...
Ngày đông rét gia đình  ông Hoàng Văn Pèng thường  quây quần  bên bếp lửa trong nhà sàn.
Ngày đông rét gia đình ông Hoàng Văn Pèng thường quây quần bên bếp lửa trong nhà sàn.
Hiện ngôi nhà của ông Pèng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc đặc trưng của nhà sàn người Nùng An. Nhà được chia làm 5 gian, 56 cột, chỉ có một cầu thang vắt ngang đi lên. Trên cửa ra vào có dán tấm giấy đỏ với ý nghĩa ngăn chặn tà ma. Bếp lửa vẫn đặt ngay trong nhà sàn. Đây không chỉ là nơi đun nấu thức ăn mà còn để cả gia đình quây quần với nhau sau mỗi bữa cơm.
Trong làng Quảng Hòa có gia đình anh Nông Văn Minh (46 tuổi) vừa xây lại nhà sàn mới. Ngôi nhà cũ của anh dựng cách đây 23 năm đã xuống cấp, mục nát. Dù có đủ điều kiện để xây nhà bê tông nhưng anh vẫn quyết định dựng lại nhà sàn để ở. Anh Minh thật thà: “Ở nhà sàn cảm giác giống nhà mình hơn!”. Câu nói đơn giản ấy đã thể hiện tình cảm gắn bó của anh cũng như những người Nùng An với ngôi nhà sàn. Những thanh gỗ mới, mái ngói đỏ tươi, ngôi nhà sàn mới lại tiếp tục thắp lên những niềm vui cho gia đình anh.
Ngôi nhà sàn của người Nùng An ở Quảng Hòa vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống.
Ngôi nhà sàn của người Nùng An ở Quảng Hòa vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống.
Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Ea Tam có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Tày – Nùng chiếm gần 90%. Những năm gần đây kinh tế phát triển, những ngôi nhà sàn cũng dần thay thế bởi nhà bê tông cốt thép. Tuy nhiên, riêng làng Quảng Hòa vẫn còn giữ gìn nguyên vẹn nếp nhà sàn xưa của người Nùng An.
“Chúng tôi luôn xem đó là niềm tự hào và luôn khuyến khích các gia đình người Nùng chủ động gìn giữ, sửa chữa, làm mới căn nhà sàn của mình. Đây được xem là không gian văn hóa đặc sắc để địa phương phát triển du lịch làng bản, bên cạnh Lễ hội dân gian Việt Bắc, rượu men lá đặc trưng của người Tày ở Ea Tam” - bà La Bế Thủy Trang chia sẻ.
Thùy Duyên

http://baodaklak.vn/channel/9803/201802/giu-nep-nha-san-cua-nguoi-nung-an-5568713/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.