Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/02/2018

Đầu năm 2018 : Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư

"tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).
Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế."


Bài lấy về từ NLD.



---

Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư


03/02/2018 07:18

Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước

Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, phó giáo sư (PGS) năm 2017.
Bộ trưởng Y tế được công nhận GS
Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, tân GS trẻ nhất được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982, quê Hải Dương).
GS Hiệp công tác trong ngành toán học thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông Hiệp cũng là PGS trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi. Hướng nghiên cứu chính của GS Hiệp là lý thuyết đa thế vị, giải tích và hình học phức.
Theo đánh giá của GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, tân GS trẻ nhất không phải là người sở hữu nhiều công trình khoa học nhất nhưng chất lượng các công trình khoa học rất tốt, đã được đăng trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế. "Hội đồng ngành toán luôn là một hội đồng chuẩn mực và khắt khe. Kết quả số phiếu công nhận chức danh GS cho ứng viên này đạt 100% cũng đã thể hiện sự vinh danh dành cho tân GS trẻ nhất là vô cùng xứng đáng" - GS Nhung chia sẻ.
Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được
công nhận năm 2017
Ông Nhung cho biết năm nay, có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS, tăng so với năm trước 534 người (khoảng 60%). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được công nhận năm 2017. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp và có hơn 13 công trình công bố quốc tế trong những năm qua.
Đánh giá về chất lượng GS, PGS năm nay, GS Trần Văn Nhung cho rằng cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên. Độ tuổi trung bình của ứng viên giảm xuống (tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55, năm nay chỉ 53). Trình độ tiếng Anh của các ứng viên tăng lên rõ rệt, những điều này giúp việc đào tạo, trao đổi bằng tiếng Anh và công bố quốc tế được thuận lợi hơn với các ứng viên. Tỉ lệ ứng viên đang giảng dạy được phong GS, PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi. Một điểm mới nữa là tỉ lệ GS, PGS đối với nữ tăng lên từ 28%-29%, trong khi trước đây chỉ 25%. Đặc biệt trong năm nay, có một phụ nữ dân tộc Nùng bên quân sự được phong PGS.
Đua nhau lên "chuyến tàu cuối"
Mổ xẻ việc số lượng GS, PGS đột biến trong năm nay, một GS của ĐHQG Hà Nội cho rằng đó là kết quả của qua trình các ứng viên "chạy nước rút" trước khi dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến gần 1 năm nay chính thức được ban hành.
Theo dự thảo này, tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).
Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học hệ thống ISI và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn trên.
Đối với chức danh PGS, ứng viên phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn này…
Bình luận về con số hơn 1.200 GS, PGS mới được công nhân, PGS Bùi Mạnh Nhị - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng thế hệ trẻ nhiều người giỏi, các trường ĐH, ngay cả trường ngoài công lập cũng chú ý đến phát triển đội ngũ giảng viên của mình nên con số này không quá ngạc nhiên.
Mặt khác, "các ứng viên đều có tâm lý rất con người là sang năm quy chế thay đổi nên cố gắng để được xét trong đợt này. Ngoài ra, việc nhận hồ sơ kéo dài thêm nửa năm cũng là lý do giải thích cho con số trên" - PGS Bùi Mạnh Nhị nói. 
Tăng đột biến
Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước thừa nhận số lượng GS, PGS được công nhận tăng đột biến do năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS nên tâm lý chung mong muốn đi về "chuyến tàu cuối". Ngoài ra, vì thời gian hết hạn nhận hồ sơ năm nay lùi lại nửa năm kéo theo các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng lùi lại nửa năm. Sở dĩ chậm trễ do hội đồng dự định chờ thực hiện theo quy định mới nhưng chưa xong nên quay lại thực hiện theo quy định hiện hành.
Bài và ảnh: YẾN ANH

https://nld.com.vn/thoi-su/chay-nuoc-rut-co-them-hon-1200-giao-su-pho-giao-su-20180202230723512.htm



---

BỔ SUNG



5.


SGGP 

"Tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu cực rất lớn trong Hội đồng liên ngành. Nhà nước phải vào cuộc vấn đề này, vì chống tham nhũng phải theo đúng tinh thần không có vùng cấm", ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nói.

Tin liên quan

Như tin đã đưa, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được xét duyệt năm 2017. Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm Nhà nước tổ chức xét phong/công nhận GS, PGS. Trong số GS, PGS được xét duyệt, số người có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp. Nhiều chuyên gia uy tín cho rằng “có tiêu cực” trong việc xét duyệt GS, PGS. Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
Làm rõ phản ánh có tiêu cực trong xét duyệt GS, PGS ảnh 1Các chuyên gia phản biện vấn đề đào tạo sau đại học
- PGS-TS Phạm Bích San - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển: Đã có dư luận nói về tiêu cực “chạy” phiếu trong các hội đồng. Rồi dư luận cũng phàn nàn vì nhiều vị trí GS, PGS không gắn với công tác giảng dạy. Cần phải đặt câu hỏi một người làm quản lý mà lại làm được cả GS? Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục sau đại học, theo tôi, đầu tiên là phải tách chuyện học tiến sĩ để đi làm quản lý, vì đây là 2 chuyện rất khác nhau. Quản lý là việc phải làm, xử lý ngay, còn tiến sĩ thì có thể nghiên cứu cả đời cũng được.
- Ông Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Hiện nhiều người tham gia quản lý, không giảng dạy gì cũng là GS, trong khi có những thầy giáo rất giỏi, dạy bạc đầu cũng không được phong GS, PGS. Vì thế, cần thiết trả việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan xét duyệt cuối cùng của các trường, không cần đến cơ quan trung gian là hội đồng liên ngành như hiện nay. Đừng để râm ran dư luận rằng nỗi khốn cùng của người trí thức là qua 3 cấp hội đồng như hiện nay. Tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu cực trong Hội đồng liên ngành. Đơn cử bản thân tôi là người trong cuộc, là bằng chứng.  Tôi nghĩ có thể nếu có quan hệ không tốt thì khi bỏ phiếu, họ cứ gạch tên tôi đi,  bởi bỏ phiếu có phải ghi tên đâu? Tôi đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thiếu phiếu xét duyệt GS mà tôi cũng không biết vì đâu, có thể họ không thích tôi nên không bỏ phiếu. Trong khi đó điểm của tôi đến 40,6; hội đồng tuyên bố thành tích cao,  tiêu chuẩn bài báo.. đạt. Tiêu cực chính là ở đó, tiêu cực ở quan hệ, bỏ cơ chế bỏ phiếu không ghi tên. Vì thế tôi đề nghị  cần thiết thì giải tán Hội đồng liên ngành, chỉ còn 2 cấp hội đồng là cơ sở và Hội đồng  Nhà nước. Hoặc  không thì trả việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường. Nhà nước phải vào cuộc vấn đề này, vì chống tham nhũng phải theo đúng tinh thần không có vùng cấm.
- GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Nếu nói các ứng viên GS, PGS có hiện tượng chạy thì có thể có hội đồng nọ, hội đồng kia, như ở Hội đồng Toán - Lý tôi khẳng định luôn là không có chuyện đó. Nếu dư luận có chuyện tiêu cực thì phải làm rõ, chỉ rõ, không để mang tiếng cho toàn bộ các hội đồng cũng như hệ thống phong học hàm của chúng ta.
- TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT ĐH FPT): “Bản chất GS tức là phải gắn với giảng dạy. Ở nước ta GS, PGS được xem là sự vinh danh và ngày càng biến tướng, thể hiện rõ nhất là năm 2017, lượng GS, PGS tăng đột biến trước khi có quy định mới về công nhận GS, PGS khiến dư luận bất bình. Giải tán Hội đồng chức danh GS Nhà nước, trả về cho các trường công nhận, mọi việc sẽ ổn. Về dư luận tiêu cực khi bỏ phiếu ứng viên ở các hội đồng, theo tôi cũng dễ hiểu, vì ứng viên phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín ở hội đồng các cấp. Tiêu chí xét duyệt ngày càng rõ ràng hơn, nhưng khâu bỏ phiếu lại tiềm ẩn nguy cơ, vì có hội đồng theo quy định phải đạt 3/4 số phiếu, nhiều ứng viên bỏ phiếu 5 - 7 lần vẫn trượt mà không hiểu nguyên nhân vì đâu.
Nhà nước cần đưa ra quy chế công nhận GS, PGS với các tiêu chí rõ ràng, có thể cao, để xét duyệt GS, PGS; các trường căn cứ đặc thù của mình để đưa ra tiêu chí xét duyệt, tiêu chí mỗi trường có thể khác nhau nhưng ít nhất đều phải dựa vào tiêu chí của Nhà nước. Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước. Một khi đã có quy chế, tiêu chí rõ ràng thì sẽ tránh được cảm tính, tiêu cực trong bỏ phiếu.
LÂM NGUYÊN (thực hiện)
http://www.sggp.org.vn/lam-ro-phan-anh-co-tieu-cuc-trong-xet-duyet-gs-pgs-499513.html





4.

Căn nguyên 'bùng nổ' giáo sư

11/02/2018 15:21 GMT+7


TTO - Trong số giáo sư, phó giáo sư được 'phong hàm', không ít người chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.

Căn nguyên bùng nổ giáo sư  - Ảnh 1.
Hội thảo về cải tiến công tác xét học vị và chức danh khoa học - Ảnh: HĐCDGSNN
Trong đợt xét công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2016, số người được công nhận lên tới 703 (bao gồm 65 GS và 638 PGS) đã làm xôn xao dư luận xã hội. Nhưng số được công nhận của năm 2017 còn vượt xa hơn thế với 1.226 vị được trao giấy chứng nhận, khiến dư luận lại bị "chấn động" hơn nữa. 
Xung quanh số liệu tăng vọt đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Những người được công nhận đó có thực sự đạt chuẩn? Số lượng GS và PGS ở nước ta hiện nay là nhiều hay ít? Việc tăng nhanh số lượng GS và PGS có giúp nền khoa học và giáo dục thêm vững mạnh?...

Từ quyết định năm 1976

Lời giải đáp cho những câu hỏi đó phải được tìm từ nguồn gốc của vấn đề: giáo sư là gì (thuật ngữ "giáo sư" ở đây xin được dùng chung cho cả GS và PGS)? Họ đảm đương chức trách gì trong nền giáo dục? Phải là người thế nào mới có thể trở thành giáo sư?
Theo mô thức quốc tế, giáo sư (professor) là chức vụ chuyên môn học thuật cao nhất và quan trọng nhất trong hệ thống giáo chức đại học, thường được chia thành 3 bậc là giáo sư thực thụ (full professor), giáo sư phụ tá (associate professor) và giáo sư trợ lý (assistant professor). 
Giáo sư là người chịu trách nhiệm cao nhất về khoa học của một bộ môn học thuật với những giáo trình trọng yếu được giảng dạy và các đề tài nghiên cứu của nó.
Thấp hơn giáo sư là cấp giảng viên (lecturer) thường có ba bậc là giảng viên chính (senior lecturer hay full-time lecturer), giảng viên (lecturer) và trợ giảng (associated lecturer hay part-time lecturer) có trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu những bộ môn do các giáo sư chủ trì. 
Ở Việt Nam, GS (tương tự như full professor) và PGS (tương tự associate professor) cũng chiếu theo mô thức này; nhưng chức trách, tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn của các danh xưng đó thì lại khác.
Quyết định số 162/CP ngày 11-9-1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc "phong hàm GS, PGS cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu được tôn vinh" đã khởi đầu cho sự hiện diện các GS và PGS trên toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. 
Theo đó, GS và PGS là các phẩm hàm để phong thưởng tôn vinh những cán bộ khoa học và giáo dục có thành tích, chứ không phải là những chức vụ khoa học để các nhà chuyên môn đảm trách; đồng thời đó là những GS và PGS chung cho "tất cả các ngành nghề chuyên môn" trong cả nước, chứ không chỉ là GS và PGS của riêng các trường đại học; và quyền xét phong thưởng này thuộc về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, chứ không phải là một cơ quan khoa học.
Từ cách quan niệm và thực hiện như vậy, tiêu chuẩn xét duyệt để "phong hàm" sẽ thiên về số lượng sản phẩm và thời gian hoạt động đáp ứng các thủ tục hành chính, hơn là xác định giá trị các công trình khoa học của các ứng viên. 
Do đó, bên cạnh những nhà khoa học thực sự xứng đáng với chức vụ GS hoặc PGS, nhiều người được "phong hàm" chỉ là để đánh bóng tên tuổi và tiến thân trên con đường danh vọng, mà không phát huy được tác dụng nào trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học; một số không ít trong đó chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.
Tiếp theo đó, Hội đồng học hàm nhà nước được thành lập để "xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn" (nghị định số 21/CP ngày 4-3-1995 của Thủ tướng Chính phủ). 
Như vậy, việc "phong học hàm" của Thủ tướng đã được chuyển thành việc "công nhận học hàm" do hội đồng thực hiện. Thế tức là quyền xét cấp học hàm đã được chuyển từ cơ quan hành chính cao nhất sang một hội đồng khoa học.
Sự mù mờ về chức trách dẫn tới sự bất cập về quy trình và tiêu chuẩn tuyển chọn, khiến các chức danh GS và PGS chủ yếu vẫn là để tôn vinh và hưởng lợi, mà không gắn chặt với sứ mệnh khoa học của một bộ môn trong một trường đại học cụ thể nào
TS LÊ VINH QUỐC

"Hữu danh vô thực"

Mặc dù có những sự chuyển đổi như vậy, bản chất của các "học hàm" vẫn không thay đổi. Các GS và PGS vẫn là của "tất cả các ngành nghề chuyên môn" chứ không thuộc về hệ thống giáo chức đại học. 
Các học hàm vẫn chỉ là để "tôn vinh" người được công nhận, chứ không phải để họ làm việc với chức trách tương xứng với "hàm" của mình. Tiêu chuẩn xét duyệt vẫn căn cứ vào thâm niên công tác, số giờ giảng dạy, số lượng các bài viết (không rõ chất lượng khoa học đến đâu).
Vì vậy, chất lượng của các "học hàm" vẫn không được cải thiện. GS Hoàng Tụy đã chỉ ra rằng: "Các tiêu chuẩn định lượng bằng cách tính điểm như của ta có vẻ chặt chẽ khoa học, song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học". 
Ông khẳng định "quan niệm học hàm kiểu phong kiến" với "các tiêu chuẩn định lượng" như vậy đã dẫn đến "hậu quả là ta có quá nhiều GS, PGS hữu danh vô thực, cách xa chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng mất đi không ít những nhà khoa học trẻ tài năng mà lẽ ra, nếu được công nhận vị trí xứng đáng, đã có thể đóng góp nhiều cho đất nước". 
Giáo sư Tụy nói hoàn toàn đúng, nhưng ông vẫn còn chưa tính đến con đường bí mật để "chạy học hàm" mà chỉ những người trong cuộc biết với nhau sẽ làm tăng nhanh số "hữu danh vô thực" này.
Nhận thấy khái niệm "học hàm" không phù hợp với mô thức quốc tế và việc "công nhận" nó chưa đủ sức mạnh pháp lý, Chính phủ cho ban hành nghị định số 20/2001/NĐ-CP (năm 2001) "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS"; trong đó "Hội đồng chức danh nhà nước" được thành lập thay cho Hội đồng học hàm trước kia. 
Nghị định này dẫn tới 3 sự thay đổi so với trước: "học hàm" GS, PGS trở thành "chức danh"; việc "công nhận học hàm" được thay bằng một quy trình hai công đoạn là "xét công nhận" và "bổ nhiệm vào ngạch"; đồng thời tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào ngạch là phải có dạy đại học.
Nhìn chung, những sự thay đổi này là đúng hướng, nhưng vẫn mang nặng tính hình thức mà chưa dẫn đến một sự biến chuyển về thực chất nào…
Chưa phải là giáo sư thực thụ
Để tiếp tục đổi mới quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của nước ta, Chính phủ đã ban hành quyết định 174/2008/QĐ-TTg (năm 2008) và quyết định 20/2012/QĐ-TTg (năm 2012), được Bộ Giáo dục và đào tạo cụ thể hóa bằng các thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (năm 2009) và thông tư 20/2012/TT-BGDĐT (ngày 11-9-2012).
Theo đó, công đoạn "xét công nhận" vẫn thuộc quyền Hội đồng chức danh nhà nước; còn công đoạn "bổ nhiệm vào ngạch" được chuyển cho hội đồng chức danh cơ sở (thuộc các trường đại học) và hội đồng chức danh ngành (hoặc liên ngành). Sự đổi mới về hệ thống tổ chức xét duyệt như vậy có vẻ đã đưa các GS và PGS của ta tiến gần tới hình thức "GS đại học" quốc tế; nhưng vẫn chưa phân biệt được chức trách của các chức danh này với các giảng viên bình thường ở trường đại học, nên các GS và PGS được bổ nhiệm vẫn chưa phải là GS thực sự
LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)
https://tuoitre.vn/can-nguyen-bung-no-giao-su-2018021111221611.htm



3.

"

Sáng nay, một quan chức của HĐCDGSNN đã liên lạc với tôi về bài viết trên FB của tôi hôm qua về ông Phùng Xuân Nhạ. Vị quan chức này cho biết, vào tháng 4/2016, Thủ tương mới nhậm chức Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định phân công một số thành viên của Chính Phủ, trong đó có ông Phùng Xuân Nhạ, mới được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo khi đó. Theo đó ông Nhạ được phân công là chủ tịch HĐCDGSNN ngay từ tháng 15/4/2016. Tuy nhiên, đây là văn bản đóng dấu "mật" nên không thể công bố được.
Tôi có trao đổi, lẽ ra Bộ giáo dục và đào tạo cần phải trao đổi với Văn phòng Chính phủ, để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra một văn bản công khai về việc này, như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký khi bổ nhiệm ông Phạm Vũ Luận, tiền nhiệm của ông Nhạ làm chủ tịch HĐCDGSNN vào tháng 8 năm 2011 thay Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (cho đến 6/2010).
Tôn trọng ý kiến và thông tin đa chiều, tôi xin báo cho các bạn FB biết.
"
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2395272983831931&set=a.658476197511627.1073741825.100000477574246&type=3&theater





2. Một luật sư lên tiếng

"
Vu Hai Tranさんが写真3件を追加しました。
23分前
HĐCDGSNN là cơ quan được thành lập theo Quyết định số 174/2008 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi bổ sung bằng Quyết định số 20/2012 QĐ- TTg) có trách nhiệm xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo điều 7 khoản b Quyết định 174/2008 QĐ-TTg trên, thành viên HĐCDGSNN phải là giáo sư. Không có điều khoản nào quy định Bộ Trường Bộ giáo dục và đào tạo đương nhiên là chủ tịch HĐCDNN.
Ngày 26/5/2014, bằng Quyết định 763/2014 QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập HĐCDGSNN khoá 2014-2019, theo đó giáo sư Phạm Vũ Luận lúc đó đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo làm chủ tịch Hội đồng này.
Tháng 4/2016, ông Phùng Xuân Nhạ, lúc đó là Phó giáo sư, Chủ tịch Đại học Quốc gia Hà nội được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, thay ông Luận. Tháng 7/2016, tại kỳ họp thứ ba của HĐCDGSNN khoá 2014-2019, ông Nhạ chễm trệ chức chủ tịch Hội đồng này chủ trì lễ chia tay ông Luận, trong khi chưa thấy quyết định nào của Thủ tướng phê chuẩn việc ông Nhạ thay ông Luận làm chủ tịch HĐCDGSNN. Tháng 10/2016, với tư cách Chủ tịch HĐCDGSNN, ông Nhạ ký công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế.
Nếu đối chiếu quy định của pháp luật, ông Nhạ không phải là giáo sư vào thời điểm tháng 7/2016, nên không đủ tiêu chuẩn thành viên HĐCDGSNN, không có quy định Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đương nhiên là Chủ tịch HĐCDGSNN, chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định 763/2014 QĐ-TTg) về việc bãi nhiệm ông Phạm Vũ Luận khỏi chức chủ tịch HĐCDGSNN khoá 2014-2019 và bổ nhiệm ông Phùng Xuân Nhạ vào chức vụ này. Như vậy việc ông Nhạ tự nhận chức chủ tịch HĐCDGSNN là trái pháp luật, HĐCDGSNN do ông Nhạ làm chủ tịch đang hoạt động trái luật, nội dung quyết định ông Nhạ ký công nhận ông Nhạ đạt chuẩn giáo sư là không hợp pháp.
Mấy hôm nay, báo chí và mạng xã hội được bữa "no cười" vì Việt nam đột biến có thêm hàng nghìn giáo sư và phó giáo sư. Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo Bộ giáo dục và đào tạo rà soát lại việc công nhận đợt giáo sư, phó giáo sư này. Ngài Bộ trưởng Nhạ vội vã tuyên bố "kiên quyết không công nhận những trường hợp không đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư" và yêu cầu các chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành báo cáo trước ngày 18/2/2018 (tức 4 Tết, chủ nhật, đang trong kỳ nghỉ Tết). Lại thêm chuyện cưởi nữa.
Theo tôi, Thủ tướng Chính phủ cần yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc ngay, xem việc ông Nhạ tự nhận làm Chủ tịch HĐCDGSNN, tự ký công nhận mình là đạt chuẩn giáo sư có đúng luật không? Còn nếu ông Nhạ không giải thích được việc tiếm quyền Chủ tịch HĐCDGSNN khi không đủ điều kiện là thành viên (phải là giáo sư) của Hội đông này, và nếu ông là người tự trọng (đức tính tất yếu của một nhà khoa học), ông nên từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch HĐCDGSNN và từ bỏ chức danh giáo sư!
"
https://www.facebook.com/vuhai.tran/posts/2393576460668250



1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Cương quyết không công nhận ứng viên thiếu chuẩn GS, PGS"

 - Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa có yêu cầu các chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành rà soát lại hồ sơ các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Chỉ đạo được đưa ra một ngày sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước rà soát lại việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo đó, các Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành được yêu cầu tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành.
Ông Nhạ yêu cầu các Chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trước ngày 18/2 (ngày mùng 3 Tết).

giáo sư,phó giáo sư,bài báo khoa học,giáo dục đại học
Công văn của Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước
Văn bản nêu rõ: "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định, phải báo cáo Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận".
Trước đó, trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng có nói rõ, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018 (ngày mùng 5 Tết).
Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học (Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước), GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, đã nhận được yêu cầu “làm một cách thực sự đầy đủ, thực sự kỹ càng”.
Hội đồng Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học còn yêu cầu từng ủy viên rà soát lại các hồ sơ đã được giao thẩm định.
Hiện nay, danh sách GS, PGS đã công bố trên website của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Đây là danh sách những ứng viên đã nhận đủ số phiếu uy tín ở 3 cấp Hội đồng.

Trong quy trình xét chọn, khi nào Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chính thức ký quyết định thì lúc đó mới được coi là danh sách chính thức đạt chuẩn chức danh GS và PGS. Như tôi được biết, hiện nay Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chưa ký quyết định này”.
Ông Giang cũng thông tin thêm: Số bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus năm nay lên tới 5.310 bài. Năm 2016, số bài báo chỉ hơn 2.510 bài. Trong khi số ứng viên tăng 1.6 lần thì số bài quốc tế tăng gấp hơn 2 lần. Nếu như mọi năm không có việc thẩm định lại hồ sơ từ Hội đồng cơ sở gửi lên thì năm nay đã thực hiện thẩm định xác suất hồ sơ từ Hội đồng cơ sở.
Nguyễn Thảo
Sẽ bỏ mô hình 3 cấp hội đồng xét và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Sẽ bỏ mô hình 3 cấp hội đồng xét và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Các thủ tục xét công nhật đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sẽ chỉ thực hiện ở 2 cấp: Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư nhà nước.
Cải cách nâng chuẩn từ chính các Hội đồng chức danh Giáo sư

Cải cách nâng chuẩn từ chính các Hội đồng chức danh Giáo sư

Cải cách các Hội đồng chức danh giáo sư là một vấn đề cấp bách hiện nay của khoa học Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu rà soát việc xét chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc xét chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước rà soát lại việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.


http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-truong-phung-xuan-nha-cuong-quyet-khong-cong-nhan-ung-vien-thieu-chuan-gs-pgs-429745.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.