Ảnh và tin của VTC từ cuối năm 2016.
---
Ảnh: Đôi rồng vàng hoành tráng trước bản phủ ở Thái Bình
Thứ hai, 28/11/2016, 14:20 PM
(VTC News) - Được thiết kế, xây dựng làm cổng chào tại một bản phủ, đôi tượng rồng vàng uy nghi, hoành tráng khiến ai đi qua cũng phải ngước nhìn.
Theo tương truyền được ghi trong tấm bia đặt trong khuôn viên, Bản phủ Phúc Sinh Trường nằm cạnh quốc lộ 39B (qua địa bàn xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nơi đây vào thế kỷ thứ 13, Phật Hoàng Trần Thái Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn làm nơi đồn trú lưu quân đánh giặc Nguyên Mông.
Tại cửa Đại bàng, Bản phủ Phúc Sinh Trường xưa kia là một ngôi điện tư gia do các bậc tiền nhân, tổ tiên họ Phan lập ra phụng thờ Phật Thánh, một lòng tri ân công lao to lớn hộ quốc an dân của các bậc Thánh nhân, anh hùng dân tộc.
Hơn 40 năm qua, Bản phủ đã hết lòng, tận tụy phụ sự Phật Thánh, cứu dân độ quốc và hoằng dương Phật Pháp. Đến nay, Bản phủ đã được trùng tu, tôn tạo thành một quần thể uy nghiêm, hoành tráng vô cùng sinh động, với diện tích rộng trên 5000 m2.
Thông tin với PV VTC News, ông Vũ Văn Chính – Chủ tịch UBND xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, Bản phủ Phúc Sinh Trường là nơi sinh hoạt tâm linh của gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ (SN 1950), trải qua nhiều thế hệ, cũng như sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và khách thập phương.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Nhỡ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú “Nghệ nhân loại hình tập quán xã hội và tín tưỡng”, đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Mỗi khi Bản phủ có tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng lớn, có đông người tham gia, bà Nhỡ đều có văn bản báo cáo và xin phép chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức đều đảm bảo an ninh trật tự, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh.
Ông Chính cho biết thêm, ngoài các hoạt động trên, Bản Phủ Phúc Sinh Trường cũng rất có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện tại địa
Video: Cận cảnh Bản Phủ Phúc Sinh Trường
Bản phủ đang chuẩn bị một chuyến hàng vận chuyển 7 tấn gạo và nhu yếu phẩm, với giá trị khoảng gần 400 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại bởi trận lũ lụt lịch sử vừa qua.
Trước nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, Bản Phủ Phúc Sinh Trường cũng đang chuẩn bị hoàn thiện các thủ tục theo quy định đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Bản Phủ Phúc Sinh Trường là trung tâm văn hóa tín ngưỡng cộng đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh PV VTC News ghi nhận tại Bản Phủ Phúc Sinh Trường:
==> Xem thêm: Chùa Trấn Quốc lọt Top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới
Minh Khang - Duy Nghĩa
BỔ SUNG
.
2.
2.
Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
"Biệt phủ" xây không phép, lấn chiếm hành lang giao thông
QĐND - Gần một năm trở lại đây, "bản phủ Phúc Sinh Trường" ở thôn Tứ Cường, xã Thụy Quỳnh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trở nên nổi tiếng với những công trình đồ sộ, khiến nhiều người choáng ngợp. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu, phóng viên phát hiện nhiều vi phạm về xây dựng ở công trình này.
Phúc Sinh Trường là điện thờ tư nhân của gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ ở thôn Tứ Cường, xã Thụy Quỳnh. Toàn bộ diện tích khu điện thờ rộng khoảng 10.000m2 nằm giữa bốn bề đồng lúa xanh ngát. Một số người dân ở đây cho biết, diện tích đất này do gia đình bà Nhỡ mua của người dân.
Bản phủ Phúc Sinh Trường nằm giữa bốn bề đồng lúa.
Nói đến bản phủ Phúc Sinh Trường, ai cũng phải trầm trồ trước đôi rồng chầu và cặp lục bình “khổng lồ” ở cổng dẫn vào điện thờ. Đi trên Quốc lộ 37, cách xa hàng trăm mét, người đi đường đã có thể nhìn thấy đôi rồng này đang vươn cổ sừng sững giữa trời. Theo quan sát của chúng tôi, đôi rồng này được xây dựng song song với nhau, có màu vàng, chiều cao lên tới 15m và chiều dài hơn 40m. Ở hai bên đôi rồng là cặp lục bình rất lớn.
Con đường từ Quốc lộ 37 dẫn vào khu điện thờ dài hàng trăm mét, được đổ bê-tông sạch sẽ, mặt đường rộng khoảng 2m. Càng vào sâu, bản phủ Phúc Sinh Trường càng hiện lên nguy nga, lộng lẫy với khuôn viên và nhiều hình tượng được xây dựng một cách công phu, không khác gì ở những ngôi chùa nổi tiếng. Ngôi chánh điện của bản phủ Phúc Sinh Trường nguy nga, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ.
Đôi rồng và cặp lục bình “khổng lồ” xây dựng không phép, nằm trên hành lang Quốc lộ 37.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2016, khi công trình khởi công, dư luận địa phương đã có nhiều bất bình vì công trình xây trên đất nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng, đặc biệt là khi gia đình bà Nhỡ tiến hành xây cặp rồng trên. Ông Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ các công trình trong bản phủ Phúc Sinh Trường đều không xin phép cũng như không thực hiện các quy định về xây dựng. Cặp rồng được xây dựng trên đường đi chung, phần đầu rồng lấn vào hành lang Quốc lộ 37. Phần lớn diện tích đất của biệt phủ đều là đất vườn, không được phép xây dựng các công trình kiên cố. Ngoài ra, theo một số chuyên gia về lĩnh vực văn hóa và mỹ thuật, hoàn toàn có thể coi đây là một công trình tượng đài hoành tráng nên cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP và Thông tư số 18 hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Khi phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình này, UBND huyện Thái Thụy đã giao cho UBND xã Thụy Quỳnh tiến hành xử lý. Tháng 4-2016, UBND xã Thụy Quỳnh đã yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ dừng thi công và làm các thủ tục, nhưng gia đình không chấp hành. Sau đó, UBND xã Thụy Quỳnh đã báo cáo lại sự việc với UBND huyện Thái Thụy, đề nghị huyện hỗ trợ xã ngăn chặn việc thi công. Tuy nhiên, công trình này vẫn tiếp tục được xây dựng và hoàn thành vào cuối tháng 9-2016.
Ngày 24-4, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Nghiên, Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ diện tích đất của bản phủ Phúc Sinh Đường đều là đất nông nghiệp. Hơn nữa, cặp rồng và đôi lục bình ở cổng còn lấn chiếm hành lang Quốc lộ 37. Trong quá trình xây dựng, gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ không báo cáo và xin phép chính quyền địa phương. Hiện nay, huyện đang giải quyết và đã báo cáo lên UBND tỉnh Thái Bình.
Đáng chú ý, mặc dù công trình có nhiều vi phạm trong xây dựng, thế nhưng trong bảng ghi công đức tại bản phủ Phúc Sinh Trường lại có tên nhiều cán bộ ở tỉnh Thái Bình và một số địa phương khác.
Tính đến nay, bản phủ Phúc Sinh Trường đã hoàn thành và đi vào sử dụng được gần một năm. Để xảy ra sự việc này có trách nhiệm không nhỏ của lãnh đạo UBND xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy khi phát hiện sai phạm nhưng không kiên quyết xử lý, phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm liên quan. Trước thực trạng trên, đề nghị lãnh đạo huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của địa phương, vi phạm tại bản phủ Phúc Sinh Trường, xử lý nghiêm và dứt điểm, tránh gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - SỸ CƯỜNG
1.
26/4/2017 20:47 UTC+7
(Công lý) - Bản phủ Phúc Sinh Trường là điện thờ tư nhân của gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ ở xã Thụy Quỳnh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) được xây không phép. Thế nhưng danh sách trên bia công đức tại điện thờ này lại trùng tên, địa chỉ nhiều quan chức.
Đã xây trái phép còn lấn chiếm hành lang Quốc lộ 37
Nổi bật với màu vàng và các kiến trúc ở đình chùa, nằm giữa bốn bề ruộng lúa xanh ngát. Đi trên quốc lộ 37 từ trung tâm huyện Thái Thụy về xã Thụy Quỳnh, cách xa hàng trăm mét, người đi đường đã có thể nhìn thấy đôi rồng chầu vươn cổ lên trời ở cổng dẫn vào bản phủ Phúc Sinh Trường. Càng đến gần, người dân càng bị choáng ngợp bởi sự “vĩ đại” có một không hai bởi đôi rồng này. Theo quan sát của chúng tôi, đôi rồng này được xây dựng song song với nhau, có màu vàng, chiều cao lên tới 15m và chiều dài khoảng hơn 40m. Ở hai bên đôi rồng là cặp lục bình “khổng lồ” cao hàng chục mét.
Cổng vào điện thờ tư nhân không phép
Con đường dẫn vào bản phủ Phúc Sinh Trường dài hàng trăm mét, hai là ruộng lúa được trồng hai hàng cau, rộng khoảng hơn 2m và được đổ bê-tông. Trong khuôn viên rộng hàng chục nghìn m2, ngôi chánh điện của Bản phủ Phúc Sinh Trường nguy nga, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ. Lầu thờ tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát được xây dựng phía trước cửa Chánh điện với lối kiến trúc truyền thống. Nơi thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được bài trí khá đẹp mắt, uy nghiêm theo hướng Tây Nam, tọa trên cao sơn, với dáng tọa thiên tâm. Trong khuôn viên bản phủ có thờ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đúc nguyên khối bằng đồng nguyên chất. Vườn tượng tâm linh La Hán, nơi thờ Tượng Phật Tích Ca Mâu Ni cùng với các vị Phật La Hán, được các phật tử và khách thập phương cung tiến, tạc bằng đã trắng, vận chuyển từ trong TP Đà Nẵng.
Vườn tượng trong điện thờ
Được biết, năm 2016, dư luận địa phương hết sức bức xúc vì điện thờ này dù không xin phép vẫn tiến hành xây cặp rồng cao trên 15 m, dài hơn 40 m làm cổng vào. UBND huyện Thái Thụy đã chỉ đạo phải xử phạt hành vi xây dựng trái phép nhưng vợ chồng ông Phan Văn Sàm và bà Nguyễn Thị Nhỡ vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cặp rồng này. Ông Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ các công trình trong ngôi biệt phủ rộng trên 10.000 m2 này đều không xin phép cũng như không thực hiện các quy định về xây dựng. Cặp rồng được xây dựng trên đường đi chung, phần đầu rồng lấn vào hành lang Quốc loojoj 37. Phần lớn diện tích đất của biệt phủ đều là đất vườn, không được phép xây dựng các công trình kiên cố.
Trùng tên nhiều quan chức, người đứng đầu bị che tên
Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy Quỳnh, cho biết: “Chính quyền xã không đủ khả năng ngăn cản gia đình ông Sàm, bà Nhỡ. Tháng 4.2016, UBND xã đến yêu cầu đình chỉ thi công cặp rồng này nhưng gia đình không tuân thủ.
Ông Lê Văn Nghiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ diện tích đất của Bản phủ Phúc Sinh Đường đều là đất nông nghiệp. Hiện nay, huyện đang giải quyết và đã báo cáo lên UBND tỉnh Thái Bình.
Người đứng đầu danh sách bị che tên có tên trùng với một cán bộ cấp cao
Theo tìm hiểu của phóng viên, Phúc Sinh Đường được xây dựng bằng nhiều đóng góp của người dân, doanh nghiệp và nhiều quan chức. Trong danh sách đề trên bia công đức, ở vị trí đứng đầu, có tên trùng với tên một cán bộ là Bí thư tỉnh ủy nhưng gần đây đã bị dùng băng đen dán đè lên. Ngoài ra, danh sách còn có tên, địa chỉ trùng với tên, địa chỉ nhà riêng nhiều cán bộ là Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc, Bí thư tỉnh ủy ở một số địa phương. Trong đó, có danh tự trùng tên, họ, địa chỉ ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính Thái Bình. Trả lời báo chí cách đây ít lâu, ông Giáo đã xác nhận là có quan hệ, thường đến điện thờ của gia đình ông Sàm, bà Nhỡ. Tuy nhiên, ông phủ nhận thông tin ghi trên bảng công đức là có công đức 100 triệu đồng.
Báo điện tử Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.