Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/01/2017

Khai bút 2017 : Hầu chuyện người thầy viết văn, tác giả chùm ca dao trong sách giáo khoa

Do mình mải du lãng, còn thầy một dạo vào nam với người con trai, nên tới cả hai mươi năm, hai thầy trò không có điều kiện gặp nhau.

Ông là thế hệ đàn em, đồng thời cũng là bạn thân thiết của cả Tô Hoài (Hà Nội) và Chu Văn (Nam Định).

Đó là Bút Ngữ, tác giả của bài ca dao mới in trong sách giáo khoa cấp 1 ngày trước và tiểu học bây giờ. Bài ấy có tiêu đề là Làm mưa, như sau:

"
Bước lên đồng cao
Thấy dòng sông mới

Bước xuống đồng dưới
Thấy con mương đào

Bước về đồng sau 
Thấy gàu đang tát 

Bước ra đồng trước
Thấy guồng đang quay

Không mưa từ chín tầng mây
Thì mưa từ những bàn tay con người​

"

1. Tìm được ra nhà thầy hiện nay cũng là một câu chuyện thú vị. Bởi bể dâu thay đổi, cảnh cũ đường xưa biến dạng đến không còn có thể nhận ra, ngoại trừ một gian nhà ăn tập thể gắn bó với thế hệ chúng tôi ngày trước không hiểu sao vẫn còn sót lại chút ít (gian nhà ấy in rất sâu vào trong kí ức của tôi, để nhờ đó mà lần tìm ra được tất cả, cho dù bây giờ tất cả đã bị "băm nát" đến dị dạng và tang thương). Sẽ "tường trình" vào một dịp khác.

2. Mở cổng đế tôi vào nhà là chị B. con gái thầy. Chị bảo: "Bác ở trên tầng 2". Tôi không xưng tên, chỉ nói là học trò của bác. Chị chắc cũng chưa nhận ra tôi, bởi đã tới hơn 20 năm không một lần gặp lại.

3. Tôi đi vội lên tầng 2, nhìn vào phòng lớn theo chỉ dẫn của chị B. với lên từ tầng 1, thì thấy thầy ngồi đó bên chiếc bàn lớn phía ngoài có cửa sổ quay ra con đường chạy vào tổ dân phố.

4. Sau rất nhiều năm, tôi xúc động thực sự, bởi nhanh chóng nhận ra trước mắt mình, thầy vẫn rất khỏe qua sắc mặt và dáng ngồi. Tôi cúi thấp chào thầy. Thầy lúc ấy đã quay sẵn ra phía cửa như chờ đợi, và nói: "Giao đấy à" ! 

Xúc động đến ngỡ ngàng ! Vậy là thầy vẫn nhận ra tôi. Sau câu thứ nhất nhắc chỉ tên, thì tới câu thứ hai thầy nhắc cả họ tên đầy đủ !

5. Tôi đánh tiếng hỏi là sau 20 năm, hình dáng ngày xưa đã hoàn toàn thay đổi, sao thầy vẫn nhận được ra em ? Thầy bảo, vẫn với nhịp điệu nho nhỏ điềm tĩnh như ngày xưa: "Dù thay đổi thế nào, nhưng cái nét xưa vẫn đủ nhận ra. Người ta mỗi người tựa như có một thứ tinh anh riêng, không lẫn được. Nhận ra là nhờ cái tinh anh ấy".

Câu chuyện bắt đầu từ đó.

Nội dung câu chuyện trong khoảng hai tiếng đồng hồ với thầy vào đầu năm 2017, sẽ được kể một cách rất từ từ từ hôm nay.

Tháng 1 năm 2017,
Giao Blog

---


BỔ SUNG



4. Bài tiếp của nhà thơ Kim Chuông, từ Fb của ông, năm 2016

"
LỜI DẪN : Cuộc gặp mặt các thế hệ "Búp Trên Cành" lần thứ 2, (8/2016) (sau 40 năm) được tổ chức tại thành phố Thái Bình, thật vui với đêm Thơ, đêm Chèo - và, những dòng tâm tình dạt dào, nồng ấm. Nhân dịp này, Bùi Thị Biên Linh, nhà giáo, nhà thơ đang giảng dạy ở Trường PTTH Phước Long, Bình Phước không về dự được cuộc vui ấy. Biên Linh (đã có bài viết dài về Nhà văn Tô Hoài, In trên Báo Văn nghệ "Người Hà Nội) và gửi tặng 2 bài viết khác về KIM CHUÔNG & NGUYÊN KHOA ĐĂNG, những nhà thơ giữ vai trò "Thầy chủ nhiệm" đầu tiên của lớp Văn này. Chân thành cảm ơn cô giáo Bùi Thị Biên Linh & Trân trọng giới thiệu bài viết (có tựa đề :"Nhà thơ KIM CHUÔNG - Một người thầy, tôi nhớ" + Chân dung B.T.B.Linh):

NHÀ THƠ KIM CHUÔNG -
MỘT NGƯỜI THẦY, TÔI NHỚ


BÙI THỊ BIÊN LINH

Hơn nửa đời người với bao thăng trầm biến cố, nhưng trong kí ức của tôi về thời thơ ấu, về những tháng năm được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình “tuyển” về làm “một trại viên” dự lớp đào tạo, bồi bưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học trong tỉnh, tôi không bao giờ quên được hình ảnh các bác, các chú, các nghệ sĩ tên tuổi của Thái Bình, của cả nước … Nó thật sự hóa thành giọt đọng, mãi xanh non, tuyệt diệu, luôn xao động trong tôi.

Ngày ấy, ngoài các bác, các chú là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ giảng dạy, thì ba thi sĩ : Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính còn là những “thầy chủ nhiệm” được Hội Văn học giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách lớp học.

Trong các nhà văn được gặp gỡ tại cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà thơ Kim Chuông là người tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó và mang ơn sâu nặng nhất. Bởi, chẳng những Kim Chuông là người trực tiếp chọn tôi từ nhóm học sinh giỏi văn toàn quốc thông qua Ty Giáo dục của tỉnh, ông còn thay mặt Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình về tận Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, tìm tôi, thẩm tra năng khiếu và quyết định chọn tôi vào lớp sáng tác văn học nghệ thuật giành cho thiếu nhi khóa đầu tiên của Thái Bình trên cả nước. Lớp học năm ấy, chỉ có 21 trại viên.

Nhớ ngày, 20/6/1976, tôi bắt đầu nhập học. Từ một đứa trẻ nhà quê đầu trần chân đất, suốt ngày leo trèo hái ổi, đánh chắt, đánh chuyền, phút chốc, được sống trong một không gian như cổ tích. Được học tập, được chăm sóc, được vui chơi như nàng công chúa nhỏ. Cứ y như trí tưởng tượng của tôi khi đọc truyện cổ tích. Cuộc sống của tôi thay đổi như có phép màu.

Về Hội, hằng ngày, chúng tôi được hưởng chế độ nhà nước chăm lo chu đáo. . Mười một tuổi, (Ở nhà, tôi thường phải nấu cơm, nhặt rau, quét dọn). Vậy mà, đến đây, nhóm “nhà văn nhí” được chiều chuộng đủ điều. Bác Thái, người nấu ăn cho cơ quan Hội. Rồi cô Oanh, vợ của nhà thơ Bùi Công Bính vừa làm kế toán, vừa đánh máy, kiêm cả y tá, chăm sóc sức khỏe cho anh em cơ quan và tất cả chúng tôi. Nhiều lúc thư thái, cô thường vào từng phòng thăm chúng tôi làm việc. Cô chải đầu, tết tóc cho nhiều đứa, ân cần như một người mẹ. 

Thường ngày, thì buổi sáng chúng tôi lên hội trường, nghe giảng. Hội trường đẹp. Bàn ghế bóng láng, quạt máy chạy vù vù mát rượi, chả như ở quê phải quạt tay, bằng mo cau. Các thầy tham gia giảng dạy đều là những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Nghe tên Tô Hoài, Phạm Hổ, Bút Ngữ, Định Hải, Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, Lê Bính, Phong Thu … ai nấy đã khát khao, ngưỡng mộ. 

Khác hẳn với trường làng khi di học văn hóa, về lớp “đặc biệt” này, chúng tôi được học tập, sinh hoạt như “những trí thức, những nghệ sĩ tí hon”. Bình đẳng, tự do trong cảm nhận, ghi chép và biểu hiện thái độ, tình cảm trong giao lưu, ngôn luận và sáng tác. Ai nấy, đều được cấp thẻ để vào thư viện tỉnh đọc sách. 

Tôi nhớ, lần đầu bước vào thư viện lớn của tỉnh, tôi như bị thôi miên. Những giá sách chạy dài, đồ sộ với đủ các loại sách. Có cả những cuốn mà tôi khao khát được đọc từ lâu. Tôi mê mải đọc đến quên cả thời gian. Chương trình cuối tuần, cả lớp thường được các chú chở đi xem phim ở Rạp chiếu phim thị xã. Rồi, một tháng hè, lớp sáng tác còn được tổ chức một vài chuyến đi thực tế, lấy cảm hứng để viết. Tôi đã được đi Lăng Bác, thủ đô Hà Nội, làng vườn Thuận Vy, huyện đảo Cát Bà, thị xã Hòn Gai và thăm thú nhiều cảnh đẹp ở khắp miền Tổ quốc.

Bây giờ, nhớ lại những kỷ niệm ấy, lòng tôi lại rạo rực, hân hoan và tươi trẻ như một thuở ấu thơ. 

Có tới 4 năm, vào 4 tháng hè, tôi và nhiều bạn đều được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình “triệu” về lớp học. Nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng trực tiếp “chăn dắt” chúng tôi. (Sau một năm, năm 1977, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào miền Nam công tác. Nhà thơ Lê Bính tiếp tục cùng Kim Chuông gắn bó, làm người “mẹ hiền” “chăn dắt” lớp học này.

Tôi đặc biệt quan tâm và cuốn hút ở các giờ nhà thơ Kim Chuông giảng dạy. Kim Chuông có cách nói riêng. Cách trình bày khá sâu mà giản dị, dễ hiểu. Vẫn là những vấn đề quen thuộc như quan sát, nắm bắt thực tế, ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu … Có cảm giác, nhà thơ Kim Chuông nói rất hay. Trời phú cho ông giọng đọc thơ dễ mê li, quyến rũ. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in giọng thi sĩ Kim Chuông với những vần thơ ông minh họa, dẫn dắt trong bài thơ Lục bát mang tên “Một vùng quê” :

“Tôm mang đèn điện trên đầu
Thắp cho dòng nước chân cầu sáng trong
Cá con tập nhảy cầu vồng
Vẽ lên mặt nước muôn vòng sóng reo…”

Hoặc :
“Con chim vạch ká tập khâu
Con nhện thì tập bác cầu trên cây 
Con bướm tập múa suốt ngày 
Con tò vò cũng tập xây cửa nhà
Cái nắng thì tập đi xa
Cả vườn trưa ập ngân nga hát chèo”…

Trong rất nhiều gương mặt của những người thầy giảng dạy chúng tôi ngày ấy, Nhà thơ Kim Chuông có gương mặt đẹp và sang trọng. Ông đeo cặp kính trắng. Vầng trán cao, miệng rộng. Mắt hơi mơ màng, nụ cười tươi, nom mát lành, hiền hậu. Kim Chuông có mái tóc dài, điệu. Còn trang phục thì lúc nào cũng một kiểu khác người.

Ngoài việc giảng dạy, Kim Chuông luôn gần gũi, đọc và góp ý, sửa cho chúng tôi những bài viết mới. Những tác phẩm được Kim Chuông “nhuận sắc” ai cũng thừa nhận sự hoàn chỉnh và hay lên hơn hẳn. Ở cơ quan Hội, Kim Chuông là nhà thơ nổi tiếng viết nhiều, in nhiều và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Có tác phẩm đã được sách giáo khoa, NXB Giáo dục chọn in.

Tôi hiểu nhà thơ Kim Chuông ở những cuộc tiếp cận hằng ngày. Ở những cuộc trò chuyện, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng thường kể. Tôi biết, đằng sau vẻ nghệ sĩ rất gió mây và sang trọng kia, Kim Chuông gặp khá nhiều vất vả. Ông sinh ra trong một gia đình, bố là một nhà Nho nghèo, ở đất quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo. Hải Phòng. Kim Chuông từng đi bộ đội, làm Phóng viên ở một tờ Báo Quân khu Ba rồi được nhà văn Lê Lựu giới thiệu về làm cán bộ Biên tập và sáng tác Văn học ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Kim Chuông được mọi người yêu quý ở đức tính chân thành, nhiệt huyết và giàu lòng thương cảm, vị tha trước anh em, bầu bạn.

Cùng với nhiều anh chị em nghệ sĩ khác trong Hội, những ngày phụ trách lớp “Viết văn,” lúc nào Kim Chuông cũng tận tụy cùng mọi người đi “gõ cửa” nhiều cơ quan trong tỉnh, nhờ các đơn vị hỗ trợ cho “lớp văn chương Trẻ - Mầm non” có điều kiện tốt cho học tập, tham quan, sáng tác và giới thiệu in ấn, phát thanh ở các Báo Đài trong tỉnh và cả nước ...

Tôi không bao giờ quên được buổi tham quan Vịnh Hạ Long và mỏ Đèo Nai, Quảng Ninh. Một chuyến đi dài ngày. Từ tư trang, tài liệu, sách vở đọc và viết. Hội Văn học, mà cụ thể là Kim Chuông, Võ Bá Cường và các cô chú trong Hội Văn nghệ đã lo cho chúng tôi cả bánh mì, nước uống… Có hôm đưa chúng tôi vào quán ăn, món ngon, nhưng đắt, tiêu chuẩn của đoàn không đủ, nhà thơ Kim Chuông và Khoa Đăng đã tự bỏ tiền của mình góp cho “cô Oanh, kế toán”, lo cho chúng tôi được hưởng bữa liên hoan thật đầy đủ và ngon.

Một chi tiết nhỏ, không mấy ai biết. Đó là, tiêu chuẩn tỉnh chỉ duyệt chi cho các em trong lớp, không có phần cho các nhà văn. Vậy là, “là thầy đấy,” nhưng các nhà văn lại không được ưu tiên. Nhiều buổi, giảng dạy xong, các thầy lại vội mải về nhà để kịp bữa ăn với gia đình. Có lần, chúng tôi ăn trưa xong, còn ít cơm cháy, bác Cương (bà Thái cấp dưỡng) dồn lại để giành cho hai thầy bị nhỡ bữa. Bí mật này, khi nghe cô Oanh kể, lúc ấy, nhiều đứa chúng tôi cứ rưng rưng, vừa xúc động biết ơn, vừa thương các thầy, các nghệ sĩ văn chương quê lúa.

Rồi, không ít bữa, những trưa hè nắng chang chang đổ lửa, Kim Chuông, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính…Mỗi thầy một xe đạp cọc cạch, quay vòng. Mỗi xe chở hai “học viên” đi thư viện đọc sách, hoặc đi xem phim ở Rạp… Những người thầy thực sự dạy mỗi chúng tôi làm văn và cả nhân cách : làm người.
Khi chúng tôi có bài được đăng trên báo hay đọc trên đài phát thanh, các cô chú trong Hội đều thực sự rất vui. Nhà thơ Kim Chuông, dễ xúc động. Những lúc ấy, gương mặt thi sĩ thường rạng ngời, ánh mắt ông nom lung linh, khó tả …
Năm 1982, tôi phải xa quê hương, theo cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Và, từ đây, một nỗi buồn da diết, tôi phải xa Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Xa các chú, các bác, các bạn trong nhóm “Búp trên cành.”

Từ biệt bao kí ức của “mảnh vườn cổ tích” thân thương, mang theo bao nhung nhớ. Nhất là những ngày đầu giữa những người xa lạ, tôi đã khóc bao lần trong nỗi buồn lặng thầm, dài dặc. Thông tin liên lạc hồi ấy quá khó khăn, tôi dần nguôi ngoai, cất nỗi nhớ vào một nơi, góc sâu khuất con tim.

Mãi mùa Hè năm 2015, điều kì diệu bỗng đến. Đó là, ngày các bạn trong nhóm “Búp trên cành đi tìm lại nhau” và rủ về Thái Bình họp mặt. Tình cờ, một bạn liên lạc được với anh họ tôi, hỏi thăm được địa chỉ và số điện thoại của Biên Linh. Và, thế là, một cuộc “mưa điện đàm” … Chúng tôi nối liên lạc. Chúng tôi gọi điện cho nhau trong niềm vui, nước mắt …

Tôi không thể quên giây phút cô bạn cũ Lam Châu, rồi Trần Thị Thu Huê liên tiếp điện cho tôi và nói rằng : “Bùi Thị Biên Linh gặp chú, gặp nhà thơ Kim Chuông nhé.” Ôi. Thật vậy à? Đã ba mươi chín năm rồi. Chú Kim Chuông ngày nào của lớp Văn đó chứ?” Chú ơi. Nhà thơ ơi. Con tim đang muốn vỡ rồi này …”

Tôi bồi hồi khôn tả! Tôi nghe nhà thơ Kim Chuông hỏi thăm gia đình, sức khỏe. Giọng nhà thơ vẫn ngọt lành, ấp áp. Vẫn ân cần, gần gũi như xưa. Kim Chuông hỏi. “Sóng Biển ơi. Biên Linh ơi. Tác giả của “Tản văn” mê ly “Cây bồ kết” và “Bà tôi” đó sao? Biển vẫn trẻ khỏe, giỏi giang và tưởng thành bội phần rồi chứ? Khi xưa, cô gái Biển mới mười một tuổi. Bây giờ là nhà giáo cấp Ba. Bây giờ Văn nghệ Bình Dương, sông Bé tôn vinh và gọi Biển là “Một Xuân Quỳnh của miền Đông đất đỏ” rồi. Mừng sao. Ơn trời biết mấy. Biển đâu còn nỗi lo trong chú cháu ta ngày nào? Biển nhà quê. Gia đình khó khăn… Biển vào Nam….Tháng năm sau này, liệu có được học hành đến nơi đến chốn,? Liệu sau này Biển có đỡ khổ, chút nào không?”…

Ôi, chú. Nhà thơ Kim Chuông quý mến của tôi. Gần bốn chục năm rồi. “Cố nhân ơi, Thi sĩ ơi”… Người vẫn còn nhắc nhớ. Người vẫn không quên câu văn trong tác phẩm tôi viết về bà, về quê, về tâm tình vụng về, chân thực… Quả tình, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi xúc động về tấm lòng yêu thương từ sâu thẳm hồn người.

Biết tôi vẫn sáng tác và từng có tác phẩm văn học được trao giải thưởng ở phương Nam, nhà thơ Kim Chuông thật vui. Tôi kể với ông về ước muốn được thi sĩ trực tiếp đọc, góp ý cho những tác phẩm mới viết. Kim Chuông vui mừng, giục : “Biển gửi ra ngay nhé”. Thế rồi, ít ngày sau, Kim Chuông hồi âm ngay. Thi sĩ khen thơ tôi “vẫn giữ được nét riêng: giàu cảm xúc, câu chữ lung linh, phát sáng. Thơ trong trẻo và ấm áp tình người…” Biết tôi ước mơ có một tập thơ của riêng mình, Kim Chuông động viên và hết lòng giúp đỡ. Từ việc “nhuận sắc”* cho các bài đến việc tuyển chọn và viết lời giới thiệu, tìm họa sĩ thiết kế, xin phép xuất bản… Và, “đứa con tinh thần” của tôi đã nhanh chóng diện trình trước công chúng, bạn đọc. 

Từ Phước Long, Bình Phước, khi nâng trên tay tập thơ “Ý nghĩa ban mai”, nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam cấp phép lưu hành, tôi không sao tả hết niềm hạnh phúc. Tôi biết, để có được cuốn sách này, Thi sĩ Kim Chuông đã giúp tôi bằng tình cảm của người thầy với một “cô học trò xa xưa, bé bỏng.” 

Tôi nhớ mãi lời Kim Chuông ngày ấy. “Chú muốn Bùi Thị Sóng Biển (Biên Linh) người luôn giàu nội lực, giàu khát khao mơ ước, Biển sẽ không ngừng vươn lên. Sẽ không chịu thiệt thòi. Sẽ bằng bầu, bằng bạn…Chú tin, bởi Bùi thị Biên Linh “không đại mộng, đại giác, nhưng thật sự là người có riêng một bến bờ trong ý thức mở nguồn, khai sáng. Người biết sống. Người có nghĩa, có tình…”

Bùi Thanh Huyền. Bạn tôi – Người học cùng nhóm “Búp trên cành” đã viết “Kim Chuông - Một người gieo hạt, chăm sóc, vun trồng. Ông cũng là người sẵn lòng làm bệ phóng cho chúng ta bay vào bầu trời cao rộng…”

Tôi đồng cảm và chia sẻ với Bùi Thị Thanh Huyền. Huyền đã nói đúng, nói chân xác những điều khắc ghi trong sâu thẳm trái tim tôi về Kim Chuông, một nhà thơ tài năng và nhân hậu.

Phước Long, 2016

B.T.B.L

"


3. Bài trên báo Thái Bình, năm 2015 (có nhầm ở chỗ ghi năm xuất bản của cuốn tiểu thuyết Pháo đài đồng bằng)



Cập nhật: Thứ hai, 14/9/2015 | 8:28:23 AM

Nhà văn Bút Ngữ vốn là một đội viên can trường bảo vệ Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp rồi phấn đấu thành cán bộ tuyên truyền. Lúc đào hầm bí mật giấu cán bộ thoát khỏi những trận càn của giặc Pháp, lúc theo sát những trận đánh của bộ đội, du kích, thu thập tin tức viết bài cổ vũ kháng chiến, hoàn cảnh nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hòa bình lập lại (1954), ông là một trong những người tiên phong xây nền, đắp móng cho hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bút Ngữ.


1. Bút Ngữ, danh từ này mỗi lần xướng lên, người nghe trong tỉnh, trong nước đều cảm thấy thân quen. Ðồng hành với bút danh ấy là một loạt tác phẩm truyện ký, tiểu thuyết đáng nhớ như: Ðêm về sáng (1971); Những ngày nước cường (1972); Pháo đài Ðồng Bằng (1997), Chuyện ở xóm Chài (1983); Cao nguyên mưa nắng (1985); Người đi đày trên đại dương (1991); Người thời loạn (1996); Vua Ba vành, Bà Chúa Ngừ (1999); Anh Ngạn (2000); Cụ Bảng Ðôn (2001); Cử nhân Bùi Viện (2004); Cần Vương - Ðông Du (2007)…



Nhà văn Bút Ngữ tên thật là Phan Ðình Khương. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư. Năm 1953, ông được về làm việc tại Ty Tuyên truyền văn nghệ. Ông làm ca dao, diễn ca, hát xẩm, hát chèo rồi tự tay in bột gửi về các huyện. Nhớ nhất là trận càn Thủy ngân, ông nắm tình hình chiến sự, viết nhanh về những trận đánh hay và những đội viên du kích xuất sắc, in gấp, phát tán kịp thời và được hoan nghênh. Thời gian ở Ty Tuyên truyền văn nghệ, được dự nhiều lớp tập huấn của trung ương, quân khu giúp ông trưởng thành, cho ra mắt truyện ngắn "Con thuyền" in trong tập san Tả ngạn sông Hồng, sau đó Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in trong tập "Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội". Thành quả ban đầu tuy còn nhiều hạn chế - như lời tự bạch của ông, nhưng đó chính là niềm tin giúp ông dấn thân vào nghiệp báo, nghiệp văn chương mà cả cuộc đời ông đã lựa chọn.



2. Có một Bút Ngữ nhà văn làm báo như người thợ cày cần mẫn. Năm 1965, ông được giao phụ trách tờ báo của tỉnh. Thời điểm đó, quân xâm lược Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và Thái Bình. Ông kể: Giặc ném bom ác liệt ở các trọng điểm cầu Bo, Ðống Năm, đê Trà Lý, cống Trà Linh và hàng chục nơi khác. Phóng viên của báo phải thay nhau đến nơi nguy hiểm đó viết tin, bài, chụp ảnh, kịp thời tố cáo tội ác của giặc và hướng dẫn kinh nghiệm đánh giặc, tránh giặc. Trong nhiều kỷ niệm làm báo thời chiến, ông nhớ nhất kỷ niệm về trận ném bom của giặc Mỹ xuống làng Phương Man (Thái Thụy) làm 31 người chết, 33 người bị thương. Ông cùng với một phóng viên ảnh xuống ngay. Cả một làng trù phú bỗng tan nát, cây cối đổ gãy ngả nghiêng, nhà sập xen nhà cháy. Người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Xác chết bị quăng xuống ao được vớt lên. Bài viết đã được ông thực hiện ngay trong đêm ấy, dưới ánh đèn dầu che giấy ba mặt. Riêng ảnh, phải đem về Hà Nội để làm bản kẽm. Có phóng viên đã xung phong đi Hà Nội, đây là việc khó và nguy hiểm bởi bấy giờ chỉ có hai đường về Hà Nội là qua phà Tân Ðệ và Triều Dương thì cả hai đều là trọng điểm ném bom của giặc. Ngay sau khi giặc Mỹ ném bom Phương Man, Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ điện về cho tỉnh: "Cử người nắm được tình hình trận bom Phương Man lên báo cáo". Ông được chọn bởi vì ông vừa rời Phương Man sau trận bom. "Ngại thật, không phải việc của mình" - ông thầm nghĩ. Nhưng, cứ nghĩ đến cái chết của những con người vô tội ở Phương Man, ông lại không đành lòng. Ông nhận nhiệm vụ. Phải nhờ người chở bằng xe máy về Hà Nội gấp. Giữa đường, xe hỏng, vừa đi vừa chữa. Quá vất vả để vượt qua quãng đường hơn trăm ki-lô-mét. Ðến Hà Nội, tìm được trụ sở Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ, giao tận tay tờ Báo Thái Bình phản ánh vụ ném bom của giặc Mỹ xuống Phương Man, đồng chí thường trực đọc ngay một mạch rồi ngẩng lên hỏi ông: "Anh có còn gì để nói thêm ngoài tờ báo này?". Ông lắc đầu. Ðồng chí thường trực tỏ vẻ hài lòng: "Tờ báo phản ánh khá kỹ. Chúng tôi sẽ dùng làm tư liệu để tố cáo vụ ném bom đêm vào vùng dân cư này".



Những năm 1967, 1968, mặc dù bận trăm công nghìn việc, sức khỏe không được tốt nhưng Bác Hồ vẫn đọc Báo Thái Bình. Thông qua tờ báo, Bác khen Thái Bình tiến bộ, Bác chú ý đến phong trào "Dũng sĩ năm tấn, phụ nữ ba đảm đang". Ðọc Báo Thái Bình tiến lên, thấy 65 thiếu niên cứu bạn hoặc trả lại tiền đánh rơi, Bác tặng mỗi cháu một huy hiệu và tặng huy hiệu cho một nữ cán bộ xã. Bác không quên hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo tỉnh mỗi khi gặp về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những địa phương được Báo Thái Bình biểu dương như Hợp tác xã Tân Phong đạt 9 tấn thóc/ha; cánh đồng Nguyễn Văn Bé đạt 11 tấn thóc/ha… Bác còn khen Thái Bình có một hợp tác xã làm tốt công tác hậu phương quân đội như lập sổ vàng ghi tên những người đi chiến đấu cứu nước; lập hòm thư "Tiền tuyến - Hậu phương", thông báo thi đua giết giặc và sản xuất giữa bộ đội và người ở nhà… Bác nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: "Báo Thái Bình tiến lên đã biểu dương đấy". Niềm vui lớn lao ấy có hòa chung một niềm vui nho nhỏ của ông.



3. Ðang phụ trách báo Ðảng của tỉnh, cơ quan làm việc vào độ nền nếp thì ông lại "nhận chỉ" gom người thành lập Hội Văn học Nghệ thuật. Lúc này Bút Ngữ vào tuổi 40, độ tuổi sung mãn và chín chắn trong công việc. Ông được giao nhiệm vụ mới và trở thành người sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông sốt sắng kết bạn, tìm người về công tác tại Hội. Lúc ấy, cơ hội thăng tiến với ông rất nhiều. Ông không để ý. Có nhà văn thời bấy giờ "chê" ông là người "dửng dưng" với quyền lực. Tỉnh ủy dự kiến đưa ông vào Ban Chấp hành rồi giữ chức Trưởng Ty Văn hóa nhưng ông cứ chối từ, chỉ xin làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật để có thời gian học tập, sáng tác nhiều hơn.



Văn của ông gần gũi với mọi người. Bài thơ "Làm mưa" của ông được chọn in trong sách giáo khoa bậc tiểu học, dùng đến bây giờ, câu thơ long lanh: "Không mưa từ chín tầng mây/Thì mưa từ những bàn tay con người". Cuộc sống lao động bình dị được chắt lọc và nâng tầm nghệ thuật.



Bút Ngữ dành khá nhiều tâm lực cho văn. Ông viết về kháng chiến chống thực dân Pháp như: Pháo đài Ðồng Bằng. Nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng bình luận: "Pháo đài Ðồng Bằng" là cuốn sách dày dặn đầu tiên của Bút Ngữ. Anh dựng lại địa phương đã diễn ra hình thức chiến tranh đặc biệt, qua đó ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân xã Nguyên Xá (Ðông Hưng). Anh thông thuộc đối tượng mà mình phản ánh, ngòi bút của anh phóng khoáng, chân thực, tỉ mỉ, chi tiết. Làng Nguyễn xứng đáng được Bác Hồ thưởng cờ "Làng kiểu mẫu". Anh Ngạn là tập ký sự dài, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở khu Tả ngạn sông Hồng dưới sự lãnh đạo của Khu ủy do anh Ngạn (đồng chí Ðỗ Mười) đứng đầu. Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia giới thiệu: "Bút Ngữ đã phác họa sự thật sinh động của cuộc kháng chiến gian lao, anh dũng của quân dân Tả ngạn thời kỳ 1951 - 1955, với những việc đánh Pháp, diệt ác, phá tề, trừ gian, chống càn, chống đói, nằm hầm, sản xuất cải thiện đời sống… Không chỉ là tiền tuyến mà còn là hậu phương của Việt Bắc, Tây Bắc… Tất cả những việc đó được biểu hiện một cách sinh động qua từng trang sách của Bút Ngữ".


Bút Ngữ có hai chục tập sách đã xuất bản và mấy tập chờ in, trong số đó có bảy tập về đề tài lịch sử. Sau khi đọc tiểu thuyết lịch sử "Người đi đày trên đại dương", khắc họa chân dung Kỳ Ðồng Nguyễn Văn Cẩm, nhà văn Nguyễn Khải đã nhận xét: "Cái công phu tra cứu, so sánh, tìm hiểu mọi nguồn gốc của một tài liệu lịch sử để phân biệt thực hư của Bút Ngữ là lâu lắm, lâu gấp mấy lần thời gian ông ngồi viết". Ông đã đọc hàng chục công trình của nhiều soạn giả nổi tiếng từ thời Nguyễn đến nay. Trên tạp chí Hồn Việt, GS, TS Mai Quốc Liên nhận xét: "Nhà văn Bút Ngữ có thiên hướng viết về tiểu thuyết lịch sử dưới dạng gạn lọc và dựng lại tư liệu lịch sử. Ông đọc, làm việc kỹ càng, chuẩn xác như một nhà sử học… Bút Ngữ là một người trung hậu của một vùng đất nổi tiếng văn hiến". Nhà phê bình văn học - TS. Nguyên An viết trên tạp chí Nhà Văn: "Nếu có dịp, tôi nghĩ nên đọc kỹ cuốn tiểu thuyết lịch sử Cần Vương - Ðông Du của Bút Ngữ hơn. Ở tác phẩm dày ngót 800 trang này, có thể thấy được khá rõ nhiều điều về một Bút Ngữ trong làng văn đương đại Việt Nam ta: một khả năng đọc, hiểu để chiếm lĩnh, bao quát và chọn ra những tư liệu cần và đủ cho một nhà viết truyện, dựng truyện; một khả năng tái hiện lịch sử chân thực qua hình tượng của nhiều nhân vật có thật và giả tưởng… Ở đây, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông, Nguyễn Hữu Ðộ với những nhà cai trị người Pháp với cả mấy ông vua và rất nhiều văn thân nghĩa sĩ cần vương… tất cả, có tới dăm chục nhân vật, đã được nhà văn cho hiện lên". Cũng tác phẩm ấy, nhà văn Vũ Tú Nam viết: "Anh Bút Ngữ. Tôi vừa đọc xong Cần Vương - Ðông Du, vội biên thư cho anh, với tư cách đồng nghiệp và bạn đọc, tôi cảm ơn anh tuổi cao sức yếu đã cố gắng hoàn thành tập truyện 780 trang, đọc hấp dẫn và có ích… Chân dung của phong trào yêu nước Cần Vương - Ðông Du hiện lên rõ nét và sinh động…". Nhà xuất bản Văn học viết trong lời nói đầu về "Cần Vương - Ðông Du": "...Tập tiểu thuyết được thể hiện với nhiều tâm huyết và công phu của cây bút có kinh nghiệm viết về đề tài lịch sử cách mạng. Tác phẩm sẽ như một dấu ấn - một trong những công trình đồ sộ của những năm đầu thế kỷ XXI nhìn lại chặng đường đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp...".

Ðã có nhiều người viết về Bút Ngữ, nhiều trang viết kín chữ, nhưng điều đó khó cản ngăn tôi viết về ông - một cây bút thực sự từ lao động mà ra nên rất mê say, cần cù lao động. Lao động, tự học, tự rèn, học ngày, học đêm, học thầy, học bạn, có kết quả rõ ràng. Lao động trong thực hành, trong vận dụng kỹ năng, nghệ thuật và sáng tạo thành công. Ðó thật là tố chất đáng quý. Nhờ đó mà ông được Hội Nhà văn tuyển vào học khóa đầu tiên của Trường viết văn Quảng Bá. Ðược lãnh đạo tỉnh giao công tác đúng năng lực, ông sớm phát huy sở trường, trở thành gương lao động, 12 lần là chiến sĩ thi đua. Và như một thiên duyên, ông đã bước vào báo chí, văn học một cách tự nhiên, không gượng ép. Sinh ra từ làng quê, thực sự hiểu đồng quê, sống gắn bó, thấm đẫm chất quê nên văn, thơ của Bút Ngữ luôn sử dụng chất liệu bình dị, gần gũi, đậm đà và căng tràn chất thơ. Ông là cây đa xanh trong vườn văn chương xanh mướt của quê nhà!
Quang Viện

http://baothaibinh.com.vn/55/40304/Nha_van_But_Ngu__Cay_da_xanh_giua_ngan_xanh.htm



2b. Bài trên trang Tổ Quốc (bổ sung ngày 23/5/2023)




Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?

Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?


Nhà văn Bút Ngữ

Duyên do là, vào những năm 1970 - 1971, ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lúc ấy đang là Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nghĩ rằng, Hải Phòng, Quảng Bình rồi Quảng Ninh… lập Hội Văn học Nghê thuật. Thái Bình đâu chỉ “lúa”? Thái Bình đất Văn chứ. Một trăm mười một vị tiến sĩ có bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Những Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Tông Quai, Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Quang Bích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nhữ Dực .v.v…Thái Bình phải có Hội Văn học Nghệ thuật!

Thế là, Bút Ngữ, nhà văn đang phụ trách tờ báo, một cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ Thái Bình được cử giữ vai trò “thủ lĩnh”, đứng đầu nhóm người sáng lập Hội.

Vừa bước vào tuổi bốn mươi, Bút Ngữ trẻ, đẹp. Mặt vuông chữ điền. Nước da trắng hồng. Người lành đến dịu mát.

Những ngày đất nước đang chiến tranh ác liệt, đi lại khó khăn. Xe không. Đường xa. Bom đạn địch bất thường. Bút Ngữ khi một mình. Khi đôi ba người, vai đeo túi vải, khi guồng xe đạp, lúc nhảy xe đò mải mê về các vùng để tìm người lập Hội.

Những người viết Thái Bình có tên thời ấy lần lượt được Bút Ngữ mời về cộng sự. Bùi Công Bính từ Việt Bắc. Nguyễn Khoa Đăng ở một trường Vũ Thư. Võ Bá Cường ở huyện đảo Cẩm Phả. Đức Hậu đào than ở mỏ. Sau nữa, Hà Văn Thuỳ, Lê Bính rồi nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, quê Gò Me, Nam bộ được anh Ngữ đón về từ Phòng văn nghệ của Ty Văn hóa Hà Tây…

Tôi có duyên với Thái Bình từ nhà văn Lê Lựu. Từ buổi đang là phóng viên tờ “Quân khu Tả ngạn”, trong chuyến thâm nhập thực tế vùng công giáo thuộc xã Vũ Việt, Vũ thư. Một sớm cuối năm 1971, cùng Lê Lựu vào thăm cơ quan văn nghệ Thái Bình. Gặp Bút Ngữ. Gặp buổi sơ khai “dựng cờ lập nghiệp”, anh Ngữ bảo, “Thái Bình, sẵn sàng nhận Kim Chuông về Hội, nếu quân đội cho phép chuyển ngành.”

May quá. Lúc này, nhà văn Lê Lựu đang được thủ trưởng Quân khu quý trọng. Tôi nép bóng anh. Vậy là, ý định về Thái Bình của tôi vừa thưa ngỏ đã được các thủ trưởng quân khu giải quyết rất nhanh, công việc hoàn tất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Hai năm sau, đến lượt tôi kéo Thiếu Văn Sơn (người viết văn xuôi, đã có mấy tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Sau này Sơn trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình). Việc Sơn vừa từ chiến trường ra, Thái Bình nhận về làm báo cũng được giải quyết thật nhanh, trong thời gian chỉ kể giờ, kể buổi.

Vậy là, rời Hải Phòng quê mẹ, từ Báo Quân khu, nơi đang công tác, tôi về Thái Bình sống cùng nhà văn Bút Ngữ, thấm thoắt đã qua ba mươi sáu năm ròng.

Với Bút Ngữ, hai mươi năm làm lãnh đạo, là Phó Chủ tịch, Chủ tịch hay khi gọi là “quyền” chủ tịch thì thực ra, Bút Ngữ vẫn là chủ tịch. Vì, “vị chủ tịch danh dự” ngày ấy chỉ đúng nghĩa “cơ cấu”.

Anh Ngữ làm chủ tịch có cái “oách”, ít ai có!

Bút Ngữ “oách” vì cái thời, cái thế của anh.

Về tuổi tác, Bút Ngữ thuộc bậc anh cả của hầu hết anh em trong cơ quan Hội. Về danh tiếng, người ta từng nghe các vị lãnh đạo tỉnh, tự hào khoe rằng, “Bút Ngữ là nhà văn”; “Nhà con một” của Thái Bình. Bởi, tính từ nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn, Thái Bình đi qua hàng thế kỷ nhạt mờ mới có một Bút Ngữ nổi tiếng từ hồi còn là đội viên bảo vệ Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên. Khi trở thành cán bộ tuyên truyền, Bút Ngữ vẫn vừa đào hầm bí mật, vừa đưa cán bộ vượt đường ra vào vùng du kích, vừa theo theo sát những trận càn, theo sát những chiến công của bộ đội, du kích, anh viết bài in báo, in trên đất thó, gộp thành từng tập mỏng gửi vào vùng chiến. Bút Ngữ viết văn, lại có ca dao, có thơ chọn in trong văn tuyển. Bài ca dao “Làm mưa” được giải của Báo Văn nghệ, có câu “Không mưa từ chìn tầng mây/ Thì mưa từ những bàn tay con người…” được Bộ Giáo dục tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, còn dùng đến bây giờ. Rồi bài thơ “Tiền Hải”, Ty Giáo dục Thái Bình tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh trung học, một thuở, học trò học thuộc lòng ra rả.

Bút Ngữ là người dự trại viết đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam từ năm 1959, do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phụ trách. Cùng dự trại này có Chu Văn, Vũ Thị Thường, Ngô Ngọc Bội, Phượng Vũ… Cuối trại, Bút Ngữ có truyện vừa “Bên đồng nước úng,” tập truyện in chung với Ngô Ngọc Bội. Cũng dịp này, Bút Ngữ có chùm thơ in chung với Ngọc Minh đều ở nhà xuất bản Văn nghệ.

Bút Ngữ học trường viết văn Quảng Bá khoá đầu tiên do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm hiệu trưởng. Cùng lớp với anh có Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Xuân Cang, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú…

Bút Ngữ là Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật của một vùng đất. Bút Ngữ lại có uy tín, đang được bầu hai khoá liền (khoá III- khoá IV) là Đại biểu Quốc hội…

Thời ấy, thành tựu của Bút Ngữ với Thái Bình hay nhiều tỉnh khác được coi là thật hiếm.

Tôi nhớ, mấy lần, Tỉnh uỷ lấy phiếu thăm dò uy tín các cán bộ lãnh đạo đầu ngành, một trăm phần trăm anh chị em cơ quan văn nghệ đều có thư trả lời riêng và “trình” rằng, Bút Ngữ là con người “lý tưởng.” Một “lãnh đạo lý tưởng”. Thậm chí, khi anh Ngữ ốm, nhiều người lo lắng, ai nấy đều sợ một cách chân thành, “nhỡ Bút Ngữ mất, văn nghệ Thái Bình sẽ đổ kềnh hoặc bơ vơ không còn chỗ tựa.”

Viết về Bút Ngữ, nhà văn Hà Văn Thuỳ gọi ông là “người thầy đầu tiên”. Bởi, trước hết nơi ông là “cái đức”. Bởi, từ Bút Ngữ luôn toả ra tấm lòng nhân hậu, thương yêu, tôn trọng con người. Ông là tấm gương về “lễ”. Cho đến bây giờ, 30 năm trôi qua, nhưng tôi, (H.V.T) còn nhớ như in hình ảnh ông mỗi cuộc họp, hai tay ông xoa xoa, miệng chào đón khách. Khi đó, tôi gặp nơi ông dáng nét quen thuộc của vị chủ tế trước ngôi đền văn chương. Và cũng một thoáng hình ảnh Tống Giang trong ngày tựu nghĩa. Cách ứng xử lễ nghĩa như vậy, tiếc rằng ngày nay không còn nữa...” (*)

“Thời” của Bút Ngữ cầm nắm là vậy.

“Thế” của anh lại hơn hẳn. Bút Ngữ đứng cách xa anh em khoảng cách, chả ai dám so bì.

Bút Ngữ dễ tin yêu người.

Anh ăn ở với anh em bằng tấm lòng cao đẹp. Những ai từng sống trong cơ quan văn nghệ Thái Bình, người ít kẻ nhiều, không ai không được anh dìu dắt, đắp bồi bằng tình yêu thương nhân ái. Không ai quên, việc anh Ngữ cưu mang, đùm bọc anh Nguyên, một nhà thơ từ quê hương Gò Me, Nam Bộ về Thái Bình sinh sống.Từ công việc, gia đình, vợ con đến nơi ăn chốn ở hằng ngày, anh Ngữ đối với anh Nguyên bằng tất cả tấm tình của người “chủ ngôi nhà”, tấm tình của bạn bầu đồng nghiệp, tấm tình của người miền Bắc với quê hương miền Nam ruột thịt. Buổi anh Nguyên qua đời, sau này cả việc “sang cát,” lo toan mộ phần đẹp đẽ cho nhà thơ, anh Ngữ tận tình, chu đáo mời các bạn của Hoàng Tố Nguyên, các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang, Nguyễn Mại… từ Hà Nội về thắp hương, đưa tiễn nhà thơ lần cuối. Nhiều người đến viếng. Người biết anh Nguyên. Nhiều người chưa biết anh Nguyên. Nhưng, cứ nhìn dáng hình anh Ngữ trong lo toan, trong giọng đọc điếu văn chứa chan tình người, tình đồng nghiệp mà rưng rưng nước mắt.

Sau khi Hoàng Tố Nguyên qua đời, anh Ngữ đã kịp thời sưu tầm, tự ngồi gõ máy chữ, tuyển lại từng bài rồi cho in tập thơ “Tên quê hương” do Hội Văn nghệ Thái Bình xuất bản. Phần tập hợp dày dặn, đầy đủ hơn, Bút Ngữ giao Kim Chuông gặp nhà thơ Chế Lan Viên, nhờ anh tìm cách giúp. Ngày ấy, việc in ấn rất khó, nhưng với tình cảm với Hoàng Tố Nguyên, Chế Lan Viên đã viết lời bình và in, cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Từ nhớ đến thương” của anh Nguyên. Từ Sài Gòn, Chế Lan Viên đã viết thư cảm ơn tấm tình của bầu bạn Thái Bình, cảm ơn nhà văn Bút Ngữ

Anh Ngữ luôn trọng người lao động. Thấy ai chịu đi, chịu viết, anh nói lời khen, vẻ mừng vui ra mặt. Ai có bài “phát”, bài in, anh khoe với mọi người rồi thông báo trong cuộc họp, cuộc giao ban, kịp thời biểu dương, cổ vũ. Một lần, nộp bản thống kê những bài in để báo cáo thành tích trong năm, anh Ngữ xem rồi bảo. “Cậu thống kê còn thiếu tới hai bài”. Thì ra, hàng năm trời, anh Ngữ cứ lặng thầm, tỉ mỉ ghi từ các báo bài in của từng ngưòi. Có tác giả quên chính bài mình viết mà anh vẫn nhớ. Việc làm chân tình ấy, với anh, khó có người noi kịp.

Hai mươi năm dốc lòng dựng xây, phát triển Hội, anh Ngữ làm nên thời “hoàng kim” thật sôi nổi và đẹp. Nhiều trại lớp được mở. Hội không mấy khi vắng khách ra vào. Đúng là, “gia quân tử hiền nhân xuất nhập”. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Tạ Hữu Yên, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Hồ Phương, Đào Vũ… Đến các Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng… Các Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ… Bao nhiêu những gương mặt, tuổi tên từng làm rung động các thế hệ người đọc, người viết đều về với Thái Bình, gắn bó với Hội Thái Bình trong trại lớp, trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trau dồi nghiệp vụ. Có trại viết được tập trung hai tháng. Có lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn thơ, hội họa được Hội tổ chức, duy trì đều đặn tới hai chục năm liền...

Thời ấy, người lãnh đạo như anh Ngữ thật “vô sản,” chỉ một lòng vì Hội. Phòng ở và làm việc của anh là gian nhà “cấp bốn.” Nhà cũ ở dưới quê, anh Ngữ được tỉnh cấp đất ở một vùng ven thị, nhưng lâu, không có đủ tiền để dựng, anh tự nguyện đem trả.

Những năm đầu trong công cuộc đổi mới, vì giá trị văn học, vì tình nghĩa bầu bạn văn chương, anh Ngữ đã sớm nghĩ và quyết định cho tái bản lần đầu cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão, một tác phẩm của nhà văn quê gốc Thái Bình một thời bị nghi kỵ, cấm đoán. Việc làm này, sinh thời, nhà văn Vũ Bão biết ơn nhiều với Bút Ngữ và thêm gắn bó với anh em, với Hội quê nhà.

Trong nghề văn, Bút Ngữ như “thợ cày cần mẫn”. Ở Hội, lúc nào ngưòi ta cũng gặp anh hai chân ngồi cò đậu, mải miết “bơi” trên trang viết. Trên hai mươi đầu sách.. Hàng nghìn bài báo đủ các thể loại “cung cấp” cho tạp chí, cho báo, cho đài. Bài “bắt buộc” anh Ngữ phải viết vì vai trò lãnh đạo. Vì “phải có” để tuyên truyền, quảng bá với tỉnh, với trung ương. Rồi bài đặt của người biên tập từ các nơi “mời” anh . Bài ngẫu hứng từ cảm xúc. Bài xã luận. Bài nghiên cứu, sáng tác… Anh Ngữ như “con gà mắn đẻ”, cứ “cục ta cục tác” chẳng mấy khi dừng. Ngày ấy, anh em nhìn anh mà phục. Bởi, anh họp suốt ngày. Việc suốt ngày. Vậy mà năm nào cũng “tung” ra đầu sách. Chỉ riêng chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên. Nửa tháng trời lăn lộn, về nhà, Bút Ngữ “đẻ” ra ba truyện ngắn và bút ký. Rồi, tiểu thuyết “Cao nguyên mưa nắng” dày tới ba trăm trang .. .

Thời anh Ngữ, văn chương phải gánh vác những sự kiện lớn lao và nóng bỏng của núi sông, dân tộc. Anh Ngữ ý thức rất rõ giá trị hữu ích trên mỗi trang viết của mình. Một tầng bề mặt của biết bao diễn biến ngổn ngang, bề bộn nơi chiến tranh, nơi con người, thế sự… Cái phản ánh. Cái gọi là “minh hoạ”, đôi khi không tránh khỏi sự giản đơn, sơ lược. Coi giá trị ôm trùm trong mô tả là cần kíp, là nét trội, thì những số phận nhân vật, nhất là những tư riêng, coi là vụn, là chưa phải thời điểm để nhắc tới, ca vang…Đây là quan niệm một thời . Là “tự thức” mà anh Ngữ đã sớm tìm cho mình “một miền”, một sở trường để mở hướng cuốc cày, khám phá.

Cùng với những tác phẩm viết về đề tài hiện đại, Bút Ngữ đi sâu vào đề tài lịch sử!

Từ Pháo đài đồng bằng, Chuyện ở xóm chài, Người đi đày đại dương, Người thời loạn, Vua Ba Vành, Cử nhân Bùi Viện, Cụ Bảng Đôn… Gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử “Cần vương Đông du” (2007)…

Trên sáu nghìn trang viết. Cuốn ba trăm trang. Cuốn trên năm trăm trang. Cuốn gần tám trăm trang…Nhìn những cuốn sách dày cộp, đủ thấy sức lao động của đời nhà văn từng “rút ruột nhả tơ”, thật công phu, cực nhọc.

Tìm mình ở đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Khải đã viết, Bút Ngữ đã tìm được một cách đắc địa “đất dụng võ” của mình. Bởi, Bút Ngữ có vốn nho học khá sâu. Anh chịu đọc, chịu tìm tòi nghiên cứu. Với phẩm chất cần cù, cẩn trọng, luôn ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ một cách hệ thống, ngăn nắp, khoa học các tư liệu tìm được.

Viết về đề tài lịch sử, khi dựng lại cuộc kháng chiến chống Pháp ở làng Nguyễn anh hùng. Khi tái tạo, sáng tạo một đời sống người anh hùng Phan Bá Vành, Nguyễn Quang Bích. Những danh nhân: một Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một cử nhân Bùi Viện, một cụ Bảng Đôn .v.v… Bút Ngữ làm bạn đọc thoả mãn ở những tầng, những tuyến, những tư liệu lịch sử thật giàu có và qúy hiếm. Ở sự phản ánh chân xác tin cậy qua tái dựng , sáng tạo. Ở nhân vật anh hùng với những nét điển hình, ngưỡng vọng. Ở những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa trước đời sống, lịch sử, con người.

Trước thành công khác nhau ở hàng ngàn trang viết, tôi nhớ, khi đang giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, nhà văn Nguyễn Khải từ miền Nam gửi cho tôi bài “Đất dụng võ,” đề nghị Tạp chí giới thiệu cuốn “Người đi đày trên đại dương” của Bút Ngữ. Nguyễn Khải viết : “Đây là cuốn sách tốt, hấp dẫn, viết rất gọn, tư liệu phong phú. Đó là thành công của anh Bút Ngữ”.

Quả tình, năm 2002, trong 200 tác phẩm của cả nước dự xét thưởng, “Cụ Bảng Đôn” của Bút Ngữ là tác phẩm hay, được Hội Nhà văn tặng thưởng văn học hàng năm.

Đọc Bút Ngữ, đọc “Vua Ba Vành”, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: “Tôi rất thích lối viết truyện lịch sử của anh, đấy là lối “sử ký” rất hiếm thấy ở nước ta. Khác với “dã sử” tán tụng linh tinh của người khác.”

Trần Đình Nam, Biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng nhận xét: “Các tiểu thuyết lịch sử của Bút Ngữ đều được viết rất cẩn thận, nghiêm túc, thấy rất nhiều hơi thở của thời đại mà các nhân vật đã sống. Chứng tỏ người viết có tấm lòng và rất có duyên với đề tài này”.

Nhà thơ Trần Lê Văn, trong bài “Đọc sách Cụ Bảng Đôn của nhà văn Bút Ngữ”, ông viết: “Đây là truyện ký có chất tiểu thuyết. Lời văn hàm súc, có sức hấp dẫn. Là bức chân dung văn học về nhà bác học Lê Quý Đôn… Người viết đã dày công sưu tầm tư liệu và gửi gắm nhiều tâm tư sâu lắng…”

Nhà văn Vũ Tú Nam đọc “Cần Vương - Đông Du” (sách 780 trang in, khổ rộng), viết: “Với tư cách đồng nghiệp và bạn đọc,tôi cảm ơn anh tuổi cao sức yếu, đã cố gắng hoàn thành tập truyện đọc hấp dẫn và rất có ích. Chân dung của phong trao yêu nước Cần Vương và Đông Du hiện lên rõ nét và sinh động… Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu và biết ơn cha ông đã nối tiếp nhau phấn đấu hy sinh cho đất nước..”

Bút Ngữ đã bốn lần được giải thưởng văn học. Hai lần của Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện dài và tiểu thuyết “Chuyện ở xóm chài” và “Cụ Bảng Đông”. Hai lần tặng thưởng của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Bốn lần giải thưởng văn học mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình…

Chẳng mấy nữa, nhà văn Bút Ngữ đã bước vào tuổi tám mươi hai. Đã hai lần chịu tai biến mạch máu não. “Nhờ Giời”. Nhờ ở sức chịu đựng, giữ gìn, tập luyện. Hai lần ngỡ đổ. Nào ngờ, khi gượng dậy, nhà văn Bút Ngữ lại lao vào đọc và viết. Ông đang tiếp tục hoàn chỉnh truyện dài “Sao đỏ ở ngục Sơn La” và “Học trò của Nguyễn Ái Quốc”….

Những tưởng, Bút Ngữ cần được xem xét, được nhận giải thưởng lớn hơn, xứng hơn với thành tựu có được ở một nhà văn lão thành, người từng có công với Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền đất, ở vai trò sáng lập, dựng xây và phát triển.

Từ Kinh Đào, Vũ Phong, Vũ Thư, Thái Bình, người cùng làng với nhà văn Dũng Hà, người đồng hương với các nhà văn Phạm Lê Văn (Thợ Rèn), Minh Chuyên, Nguyễn Khoa Đăng, Đỗ Vĩnh Bảo… Cái tên Phan Đình Khương, tên thật của nhà văn Bút Ngữ, giờ chẳng mấy ai nhớ. Người ta nhớ, quý yêu và kính trọng nhà văn Bút Ngữ ở ngôi sao văn chương, ngôi sao ban mai luôn lấp lánh dẫn đường trên một vùng đất lúa.

Đã hơn bốn năm rời xa.

Đã ba mươi sáu năm sống và gắn bó đời mình với miền đất ấy. Tôi cũng như những nhà văn bây giờ đã xa cách Thái Bình, nhiều khi nhớ về Hội, tôi bỗng dưng gặp lại bóng hình Bút Ngữ, một nhà văn, một người anh thật nồng thắm thương yêu.

“Một Tống Giang!... Một hình ảnh vị chủ tế trước ngôi đền văn chương trong những ngày tựu nghĩa”… (**)

Ngày ấy sao mà đẹp, mà yêu… Mà trên đời này, rồi còn biết khi nào có nữa?

Quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Tháng 5 - 2010

Kim Chuông



Nhà văn Bút Ngữ sinh năm 1931 tại Vũ Thư, Thái Bình, từng là chiến sĩ bảo vệ huyện Vũ Tiên, Phóng viên Báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá Thái Bình, Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình, Ủy viên UBTW- Hội LHVHNT- Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khoá III và IV.
Nhà văn đã in trên 20 tập sách, trong đó có 11 truyện dài và tiểu thuyết, gồm: Pháo đài đồng bằng (1979), Chuyện ở xóm chài (1983), Cao nguyên mưa nắng (1985), Người đi đày trên đại dương (1991), Người thời loạn (1996), Vua Ba Vành, Bà Chúa Ngừ (1999), Anh Ngạn (2000), Cụ Bảng Đôn (2001), Cử nhân Bùi Viện (2004), Cần Vương- Đông Du (2007)…
Nhà văn Bút Ngữ đã hai lần được giải thưởng và tặng thưởng hàng năm của Hội Nhà văn cho truyện dài “Chuyện ở xóm chài” và tiểu thuyết “Cụ Bảng Đôn”. Hai tặng thưởng của UBTQLH các Hội LHVHNTVN cho các tập “Vua Ba Vành” và “Anh Ngạn”. Bốn lần giải thưởng Văn học Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình. Và, nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn học.

 

------------

(*) Hà Văn Thuỳ

(**) Bài đăng Báo Thái Bình, ngày 13-12-2002, Báo Văn nghệ, số 27 tháng 7/2003


https://toquoc.vn/but-ngu-mot-thoi-nguoi-dep-99104900.htm



2. Bài trên Blog Giao cũ (blog Yahoo), năm 2012



Nhà văn Bút Ngữ (1931–) qua giới thiệu của nhà thơ Kim Chuông


Có thể đọc một bài giới thiệu khác của nhà thơ Kim Chuông về người bạn thơ của ông, là nhà thơ Trọng Khánh (thầy giáo dạy môn Hóa của chúng tôi).
Dưới đây là bài của Kim Chuông về Bút Ngữ – một nhà văn tiêu biểu của vùng Sơn Nam Hạ khoảng 50 năm qua (thế hệ đàn em của Chu Văn).
Những tác phẩm của ông mà tôi đã đọc thời nhỏ:
 Pháo đài đồng bằng,
 Những ngày nước cường,
 Chuyện ở xóm chài,
Ấn tượng nhất là Chuyện ở xóm chài.

Tôi vẫn đang ân hận là làm thất lạc mất một phó bản cuốn hồi kí của ông. Đó là tập bản thảo đánh máy chữ, do chính ông thực hiện, khoảng vào năm 1994, tôi nhận trực tiếp vào khoảng vào năm 1995. Nhưng đến nay, không biết lạc đi đâu. Thường thì ông đã nhân bản thành mấy bản (đặt giấy than), nên dù chưa được xuất bản toàn bộ, nhưng những mảnh rời của cuốn hồi kí ấy đã thấy xuất hiện trên các tạp chí phổ thông.
Mãi sau này, khi tôi tốt nghiệp đại học rồi, về thăm ông, mới vỡ ra là ông có vốn Hán văn không xoàng. Ông viết được bút lông.
Bây giờ, tôi đang lang thang ở vùng các vạn chài, nên nhớ đến Chuyện ở xóm chài của ông.
Từ đây trở xuống là bài của Kim Chuông.


Kim Chuông

Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?

Nhà văn Bút Ngữ


Duyên do là, vào những năm 1970 – 1971, ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lúc ấy đang là Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nghĩ rằng, Hải Phòng, Quảng Bình rồi Quảng Ninh… lập Hội Văn học Nghê thuật. Thái Bình đâu chỉ “lúa”? Thái Bình đất Văn chứ. Một trăm mười một vị tiến sĩ có bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Những Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Tông Quai, Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Quang Bích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nhữ Dực .v.v…Thái Bình phải có Hội Văn học Nghệ thuật!
Thế là, Bút Ngữ, nhà văn đang phụ trách tờ báo, một cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ Thái Bình được cử giữ vai trò “thủ lĩnh”, đứng đầu nhóm người sáng lập Hội.
Vừa bước vào tuổi bốn mươi, Bút Ngữ trẻ, đẹp. Mặt vuông chữ điền. Nước da trắng hồng. Người lành đến dịu mát.
Những ngày đất nước đang chiến tranh ác liệt, đi lại khó khăn. Xe không. Đường xa. Bom đạn địch bất thường. Bút Ngữ khi một mình. Khi đôi ba người, vai đeo túi vải, khi guồng xe đạp, lúc nhảy xe đò mải mê về các vùng để tìm người lập Hội.
Những người viết Thái Bình có tên thời ấy lần lượt được Bút Ngữ mời về cộng sự. Bùi Công Bính từ Việt Bắc. Nguyễn Khoa Đăng ở một trường Vũ Thư. Võ Bá Cường ở huyện đảo Cẩm Phả. Đức Hậu đào than ở mỏ. Sau nữa, Hà Văn Thuỳ, Lê Bính rồi nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, quê Gò Me, Nam bộ được anh Ngữ đón về từ Phòng văn nghệ của Ty Văn hóa Hà Tây…
Tôi có duyên với Thái Bình từ nhà văn Lê Lựu. Từ buổi đang là phóng viên tờ “Quân khu Tả ngạn”, trong chuyến thâm nhập thực tế vùng công giáo thuộc xã Vũ Việt, Vũ thư. Một sớm cuối năm 1971, cùng Lê Lựu vào thăm cơ quan văn nghệ Thái Bình. Gặp Bút Ngữ. Gặp buổi sơ khai “dựng cờ lập nghiệp”, anh Ngữ bảo, “Thái Bình, sẵn sàng nhận Kim Chuông về Hội, nếu quân đội cho phép chuyển ngành.”
May quá. Lúc này, nhà văn Lê Lựu đang được thủ trưởng Quân khu quý trọng. Tôi nép bóng anh. Vậy là, ý định về Thái Bình của tôi vừa thưa ngỏ đã được các thủ trưởng quân khu giải quyết rất nhanh, công việc hoàn tất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Hai năm sau, đến lượt tôi kéo Thiếu Văn Sơn (người viết văn xuôi, đã có mấy tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Sau này Sơn trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình). Việc Sơn vừa từ chiến trường ra, Thái Bình nhận về làm báo cũng được giải quyết thật nhanh, trong thời gian chỉ kể giờ, kể buổi.
Vậy là, rời Hải Phòng quê mẹ, từ Báo Quân khu, nơi đang công tác, tôi về Thái Bình sống cùng nhà văn Bút Ngữ, thấm thoắt đã qua ba mươi sáu năm ròng.
Với Bút Ngữ, hai mươi năm làm lãnh đạo, là Phó Chủ tịch, Chủ tịch hay khi gọi là “quyền” chủ tịch thì thực ra, Bút Ngữ vẫn là chủ tịch. Vì, “vị chủ tịch danh dự” ngày ấy chỉ đúng nghĩa “cơ cấu”.
Anh Ngữ làm chủ tịch có cái “oách”, ít ai có!
Bút Ngữ “oách” vì cái thời, cái thế của anh.
Về tuổi tác, Bút Ngữ thuộc bậc anh cả của hầu hết anh em trong cơ quan Hội. Về danh tiếng, người ta từng nghe các vị lãnh đạo tỉnh, tự hào khoe rằng, “Bút Ngữ là nhà văn”; “Nhà con một” của Thái Bình. Bởi, tính từ nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn, Thái Bình đi qua hàng thế kỷ nhạt mờ mới có một Bút Ngữ nổi tiếng từ hồi còn là đội viên bảo vệ Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên. Khi trở thành cán bộ tuyên truyền, Bút Ngữ vẫn vừa đào hầm bí mật, vừa đưa cán bộ vượt đường ra vào vùng du kích, vừa theo theo sát những trận càn, theo sát những chiến công của bộ đội, du kích, anh viết bài in báo, in trên đất thó, gộp thành từng tập mỏng gửi vào vùng chiến. Bút Ngữ viết văn, lại có ca dao, có thơ chọn in trong văn tuyển. Bài ca dao “Làm mưa” được giải của Báo Văn nghệ, có câu “Không mưa từ chìn tầng mây/ Thì mưa từ những bàn tay con người…” được Bộ Giáo dục tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, còn dùng đến bây giờ. Rồi bài thơ “Tiền Hải”, Ty Giáo dục Thái Bình tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh trung học, một thuở, học trò học thuộc lòng ra rả.
Bút Ngữ là người dự trại viết đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam từ năm 1959, do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phụ trách. Cùng dự trại này có Chu Văn, Vũ Thị Thường, Ngô Ngọc Bội, Phượng Vũ… Cuối trại, Bút Ngữ có truyện vừa “Bên đồng nước úng,” tập truyện in chung với Ngô Ngọc Bội. Cũng dịp này, Bút Ngữ có chùm thơ in chung với Ngọc Minh đều ở nhà xuất bản Văn nghệ.
Bút Ngữ học trường viết văn Quảng Bá khoá đầu tiên do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm hiệu trưởng. Cùng lớp với anh có Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Xuân Cang, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú…
Bút Ngữ là Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật của một vùng đất. Bút Ngữ lại có uy tín, đang được bầu hai khoá liền (khoá III- khoá IV) là Đại biểu Quốc hội…
Thời ấy, thành tựu của Bút Ngữ với Thái Bình hay nhiều tỉnh khác được coi là thật hiếm.
Tôi nhớ, mấy lần, Tỉnh uỷ lấy phiếu thăm dò uy tín các cán bộ lãnh đạo đầu ngành, một trăm phần trăm anh chị em cơ quan văn nghệ đều có thư trả lời riêng và “trình” rằng, Bút Ngữ là con người “lý tưởng.” Một “lãnh đạo lý tưởng”. Thậm chí, khi anh Ngữ ốm, nhiều người lo lắng, ai nấy đều sợ một cách chân thành, “nhỡ Bút Ngữ mất, văn nghệ Thái Bình sẽ đổ kềnh hoặc bơ vơ không còn chỗ tựa.”
Viết về Bút Ngữ, nhà văn Hà Văn Thuỳ gọi ông là “người thầy đầu tiên”. Bởi, trước hết nơi ông là “cái đức”. Bởi, từ Bút Ngữ luôn toả ra tấm lòng nhân hậu, thương yêu, tôn trọng con người. Ông là tấm gương về “lễ”. Cho đến bây giờ, 30 năm trôi qua, nhưng tôi, (H.V.T) còn nhớ như in hình ảnh ông mỗi cuộc họp, hai tay ông xoa xoa, miệng chào đón khách. Khi đó, tôi gặp nơi ông dáng nét quen thuộc của vị chủ tế trước ngôi đền văn chương. Và cũng một thoáng hình ảnh Tống Giang trong ngày tựu nghĩa. Cách ứng xử lễ nghĩa như vậy, tiếc rằng ngày nay không còn nữa…” (*)
“Thời” của Bút Ngữ cầm nắm là vậy.
“Thế” của anh lại hơn hẳn. Bút Ngữ đứng cách xa anh em khoảng cách, chả ai dám so bì.
Bút Ngữ dễ tin yêu người.
Anh ăn ở với anh em bằng tấm lòng cao đẹp. Những ai từng sống trong cơ quan văn nghệ Thái Bình, người ít kẻ nhiều, không ai không được anh dìu dắt, đắp bồi bằng tình yêu thương nhân ái. Không ai quên, việc anh Ngữ cưu mang, đùm bọc anh Nguyên, một nhà thơ từ quê hương Gò Me, Nam Bộ về Thái Bình sinh sống.Từ công việc, gia đình, vợ con đến nơi ăn chốn ở hằng ngày, anh Ngữ đối với anh Nguyên bằng tất cả tấm tình của người “chủ ngôi nhà”, tấm tình của bạn bầu đồng nghiệp, tấm tình của người miền Bắc với quê hương miền Nam ruột thịt. Buổi anh Nguyên qua đời, sau này cả việc “sang cát,” lo toan mộ phần đẹp đẽ cho nhà thơ, anh Ngữ tận tình, chu đáo mời các bạn của Hoàng Tố Nguyên, các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang, Nguyễn Mại… từ Hà Nội về thắp hương, đưa tiễn nhà thơ lần cuối. Nhiều người đến viếng. Người biết anh Nguyên. Nhiều người chưa biết anh Nguyên. Nhưng, cứ nhìn dáng hình anh Ngữ trong lo toan, trong giọng đọc điếu văn chứa chan tình người, tình đồng nghiệp mà rưng rưng nước mắt.
Sau khi Hoàng Tố Nguyên qua đời, anh Ngữ đã kịp thời sưu tầm, tự ngồi gõ máy chữ, tuyển lại từng bài rồi cho in tập thơ “Tên quê hương” do Hội Văn nghệ Thái Bình xuất bản. Phần tập hợp dày dặn, đầy đủ hơn, Bút Ngữ giao Kim Chuông gặp nhà thơ Chế Lan Viên, nhờ anh tìm cách giúp. Ngày ấy, việc in ấn rất khó, nhưng với tình cảm với Hoàng Tố Nguyên, Chế Lan Viên đã viết lời bình và in, cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Từ nhớ đến thương” của anh Nguyên. Từ Sài Gòn, Chế Lan Viên đã viết thư cảm ơn tấm tình của bầu bạn Thái Bình, cảm ơn nhà văn Bút Ngữ
Anh Ngữ luôn trọng người lao động. Thấy ai chịu đi, chịu viết, anh nói lời khen, vẻ mừng vui ra mặt. Ai có bài “phát”, bài in, anh khoe với mọi người rồi thông báo trong cuộc họp, cuộc giao ban, kịp thời biểu dương, cổ vũ. Một lần, nộp bản thống kê những bài in để báo cáo thành tích trong năm, anh Ngữ xem rồi bảo. “Cậu thống kê còn thiếu tới hai bài”. Thì ra, hàng năm trời, anh Ngữ cứ lặng thầm, tỉ mỉ ghi từ các báo bài in của từng ngưòi. Có tác giả quên chính bài mình viết mà anh vẫn nhớ. Việc làm chân tình ấy, với anh, khó có người noi kịp.
Hai mươi năm dốc lòng dựng xây, phát triển Hội, anh Ngữ làm nên thời “hoàng kim” thật sôi nổi và đẹp. Nhiều trại lớp được mở. Hội không mấy khi vắng khách ra vào. Đúng là, “gia quân tử hiền nhân xuất nhập”. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Tạ Hữu Yên, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Hồ Phương, Đào Vũ… Đến các Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng… Các Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ… Bao nhiêu những gương mặt, tuổi tên từng làm rung động các thế hệ người đọc, người viết đều về với Thái Bình, gắn bó với Hội Thái Bình trong trại lớp, trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trau dồi nghiệp vụ. Có trại viết được tập trung hai tháng. Có lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn thơ, hội họa được Hội tổ chức, duy trì đều đặn tới hai chục năm liền…
Thời ấy, người lãnh đạo như anh Ngữ thật “vô sản,” chỉ một lòng vì Hội. Phòng ở và làm việc của anh là gian nhà “cấp bốn.” Nhà cũ ở dưới quê, anh Ngữ được tỉnh cấp đất ở một vùng ven thị, nhưng lâu, không có đủ tiền để dựng, anh tự nguyện đem trả.
Những năm đầu trong công cuộc đổi mới, vì giá trị văn học, vì tình nghĩa bầu bạn văn chương, anh Ngữ đã sớm nghĩ và quyết định cho tái bản lần đầu cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão, một tác phẩm của nhà văn quê gốc Thái Bình một thời bị nghi kỵ, cấm đoán. Việc làm này, sinh thời, nhà văn Vũ Bão biết ơn nhiều với Bút Ngữ và thêm gắn bó với anh em, với Hội quê nhà.
Trong nghề văn, Bút Ngữ như “thợ cày cần mẫn”. Ở Hội, lúc nào ngưòi ta cũng gặp anh hai chân ngồi cò đậu, mải miết “bơi” trên trang viết. Trên hai mươi đầu sách.. Hàng nghìn bài báo đủ các thể loại “cung cấp” cho tạp chí, cho báo, cho đài. Bài “bắt buộc” anh Ngữ phải viết vì vai trò lãnh đạo. Vì “phải có” để tuyên truyền, quảng bá với tỉnh, với trung ương. Rồi bài đặt của người biên tập từ các nơi “mời” anh . Bài ngẫu hứng từ cảm xúc. Bài xã luận. Bài nghiên cứu, sáng tác… Anh Ngữ như “con gà mắn đẻ”, cứ “cục ta cục tác” chẳng mấy khi dừng. Ngày ấy, anh em nhìn anh mà phục. Bởi, anh họp suốt ngày. Việc suốt ngày. Vậy mà năm nào cũng “tung” ra đầu sách. Chỉ riêng chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên. Nửa tháng trời lăn lộn, về nhà, Bút Ngữ “đẻ” ra ba truyện ngắn và bút ký. Rồi, tiểu thuyết “Cao nguyên mưa nắng” dày tới ba trăm trang .. .
Thời anh Ngữ, văn chương phải gánh vác những sự kiện lớn lao và nóng bỏng của núi sông, dân tộc. Anh Ngữ ý thức rất rõ giá trị hữu ích trên mỗi trang viết của mình. Một tầng bề mặt của biết bao diễn biến ngổn ngang, bề bộn nơi chiến tranh, nơi con người, thế sự… Cái phản ánh. Cái gọi là “minh hoạ”, đôi khi không tránh khỏi sự giản đơn, sơ lược. Coi giá trị ôm trùm trong mô tả là cần kíp, là nét trội, thì những số phận nhân vật, nhất là những tư riêng, coi là vụn, là chưa phải thời điểm để nhắc tới, ca vang…Đây là quan niệm một thời . Là “tự thức” mà anh Ngữ đã sớm tìm cho mình “một miền”, một sở trường để mở hướng cuốc cày, khám phá.
Cùng với những tác phẩm viết về đề tài hiện đại, Bút Ngữ đi sâu vào đề tài lịch sử!
Từ Pháo đài đồng bằng, Chuyện ở xóm chài, Người đi đày đại dương, Người thời loạn, Vua Ba Vành, Cử nhân Bùi Viện, Cụ Bảng Đôn… Gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử “Cần vương Đông du” (2007)…
Trên sáu nghìn trang viết. Cuốn ba trăm trang. Cuốn trên năm trăm trang. Cuốn gần tám trăm trang…Nhìn những cuốn sách dày cộp, đủ thấy sức lao động của đời nhà văn từng “rút ruột nhả tơ”, thật công phu, cực nhọc.
Tìm mình ở đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Khải đã viết, Bút Ngữ đã tìm được một cách đắc địa “đất dụng võ” của mình. Bởi, Bút Ngữ có vốn nho học khá sâu. Anh chịu đọc, chịu tìm tòi nghiên cứu. Với phẩm chất cần cù, cẩn trọng, luôn ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ một cách hệ thống, ngăn nắp, khoa học các tư liệu tìm được.
Viết về đề tài lịch sử, khi dựng lại cuộc kháng chiến chống Pháp ở làng Nguyễn anh hùng. Khi tái tạo, sáng tạo một đời sống người anh hùng Phan Bá Vành, Nguyễn Quang Bích. Những danh nhân: một Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một cử nhân Bùi Viện, một cụ Bảng Đôn .v.v… Bút Ngữ làm bạn đọc thoả mãn ở những tầng, những tuyến, những tư liệu lịch sử thật giàu có và qúy hiếm. Ở sự phản ánh chân xác tin cậy qua tái dựng , sáng tạo. Ở nhân vật anh hùng với những nét điển hình, ngưỡng vọng. Ở những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa trước đời sống, lịch sử, con người.
Trước thành công khác nhau ở hàng ngàn trang viết, tôi nhớ, khi đang giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, nhà văn Nguyễn Khải từ miền Nam gửi cho tôi bài “Đất dụng võ,” đề nghị Tạp chí giới thiệu cuốn “Người đi đày trên đại dương” của Bút Ngữ. Nguyễn Khải viết : “Đây là cuốn sách tốt, hấp dẫn, viết rất gọn, tư liệu phong phú. Đó là thành công của anh Bút Ngữ”.
Quả tình, năm 2002, trong 200 tác phẩm của cả nước dự xét thưởng, “Cụ Bảng Đôn” của Bút Ngữ là tác phẩm hay, được Hội Nhà văn tặng thưởng văn học hàng năm.
Đọc Bút Ngữ, đọc “Vua Ba Vành”, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: “Tôi rất thích lối viết truyện lịch sử của anh, đấy là lối “sử ký” rất hiếm thấy ở nước ta. Khác với “dã sử” tán tụng linh tinh của người khác.”
Trần Đình Nam , Biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng nhận xét: “Các tiểu thuyết lịch sử của Bút Ngữ đều được viết rất cẩn thận, nghiêm túc, thấy rất nhiều hơi thở của thời đại mà các nhân vật đã sống. Chứng tỏ người viết có tấm lòng và rất có duyên với đề tài này”.
Nhà thơ Trần Lê Văn, trong bài “Đọc sách Cụ Bảng Đôn của nhà văn Bút Ngữ”, ông viết: “Đây là truyện ký có chất tiểu thuyết. Lời văn hàm súc, có sức hấp dẫn. Là bức chân dung văn học về nhà bác học Lê Quý Đôn… Người viết đã dày công sưu tầm tư liệu và gửi gắm nhiều tâm tư sâu lắng…”
Nhà văn Vũ Tú Nam đọc “Cần Vương – Đông Du” (sách 780 trang in, khổ rộng), viết: “Với tư cách đồng nghiệp và bạn đọc, tôi cảm ơn anh tuổi cao sức yếu, đã cố gắng hoàn thành tập truyện đọc hấp dẫn và rất có ích. Chân dung của phong trao yêu nước Cần Vương và Đông Du hiện lên rõ nét và sinh động… Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu và biết ơn cha ông đã nối tiếp nhau phấn đấu hy sinh cho đất nước..”
Bút Ngữ đã bốn lần được giải thưởng văn học. Hai lần của Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện dài và tiểu thuyết “Chuyện ở xóm chài” và “Cụ Bảng Đông”. Hai lần tặng thưởng của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam . Bốn lần giải thưởng văn học mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình…
Chẳng mấy nữa, nhà văn Bút Ngữ đã bước vào tuổi tám mươi hai. Đã hai lần chịu tai biến mạch máu não. “Nhờ Giời”. Nhờ ở sức chịu đựng, giữ gìn, tập luyện. Hai lần ngỡ đổ. Nào ngờ, khi gượng dậy, nhà văn Bút Ngữ lại lao vào đọc và viết. Ông đang tiếp tục hoàn chỉnh truyện dài “Sao đỏ ở ngục Sơn La” và “Học trò của Nguyễn Ái Quốc”….
Những tưởng, Bút Ngữ cần được xem xét, được nhận giải thưởng lớn hơn, xứng hơn với thành tựu có được ở một nhà văn lão thành, người từng có công với Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền đất, ở vai trò sáng lập, dựng xây và phát triển.
Từ Kinh Đào, Vũ Phong, Vũ Thư, Thái Bình, người cùng làng với nhà văn Dũng Hà, người đồng hương với các nhà văn Phạm Lê Văn (Thợ Rèn), Minh Chuyên, Nguyễn Khoa Đăng, Đỗ Vĩnh Bảo… Cái tên Phan Đình Khương, tên thật của nhà văn Bút Ngữ, giờ chẳng mấy ai nhớ. Người ta nhớ, quý yêu và kính trọng nhà văn Bút Ngữ ở ngôi sao văn chương, ngôi sao ban mai luôn lấp lánh dẫn đường trên một vùng đất lúa.
Đã hơn bốn năm rời xa.
Đã ba mươi sáu năm sống và gắn bó đời mình với miền đất ấy. Tôi cũng như những nhà văn bây giờ đã xa cách Thái Bình, nhiều khi nhớ về Hội, tôi bỗng dưng gặp lại bóng hình Bút Ngữ, một nhà văn, một người anh thật nồng thắm thương yêu.
“Một Tống Giang!… Một hình ảnh vị chủ tế trước ngôi đền văn chương trong những ngày tựu nghĩa”… (**)
Ngày ấy sao mà đẹp, mà yêu… Mà trên đời này, rồi còn biết khi nào có nữa?

Quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Tháng 5 – 2010
Kim Chuông
Nhà văn Bút Ngữ sinh năm 1931 tại Vũ Thư, Thái Bình, từng là chiến sĩ bảo vệ huyện Vũ Tiên, Phóng viên Báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá Thái Bình, Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình, Ủy viên UBTW- Hội LHVHNT- Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khoá III và IV. Nhà văn đã in trên 20 tập sách, trong đó có 11 truyện dài và tiểu thuyết, gồm: Pháo đài đồng bằng (1979), Chuyện ở xóm chài (1983), Cao nguyên mưa nắng (1985), Người đi đày trên đại dương (1991), Người thời loạn (1996), Vua Ba Vành, Bà Chúa Ngừ (1999), Anh Ngạn (2000), Cụ Bảng Đôn (2001), Cử nhân Bùi Viện (2004), Cần Vương- Đông Du (2007)… Nhà văn Bút Ngữ đã hai lần được giải thưởng và tặng thưởng hàng năm của Hội Nhà văn cho truyện dài “Chuyện ở xóm chài” và tiểu thuyết “Cụ Bảng Đôn”. Hai tặng thưởng của UBTQLH các Hội LHVHNTVN cho các tập “Vua Ba Vành” và “Anh Ngạn”. Bốn lần giải thưởng Văn học Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình. Và, nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn học.
————
(*) Hà Văn Thuỳ
(**) Bài đăng Báo Thái Bình, ngày 13-12-2002, Báo Văn nghệ, số 27 tháng 7/2003
https://dzjao.wordpress.com/2012/04/09/nha-van-but-ngu-1931-qua-gioi-thieu-cua-nha-tho-kim-chuong/

1. Bài của Kim Chuông, năm 2010

Vốn trên văn học quê nhà (http://vanhocquenha.vn/view.asp?n_id=3759&n_muctin=10), nhưng bây giờ thì không còn. Tình hình truy cập hiện nay như sau:

"

404 - File or directory not found.

The resource you are looking for might have been removed, had its name changed, or is temporarily unavailable.

"


1 nhận xét:

  1. 2b. Bài trên trang Tổ Quốc (bổ sung ngày 23/5/2023)


    Bút Ngữ: Một thời Người đẹp
    28/06/2010 08:55



    Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.