Đó là Bút Ngữ, tác giả của bài ca dao mới in trong sách giáo khoa cấp 1 ngày trước và tiểu học bây giờ. Bài ấy có tiêu đề là Làm mưa, như sau:
"
Bước lên đồng cao
Thấy dòng sông mới
Bước xuống đồng dưới
Thấy con mương đào
Bước về đồng sau
Thấy gàu đang tát
Bước ra đồng trước
Thấy guồng đang quay
Không mưa từ chín tầng mây
Thì mưa từ những bàn tay con người
"
Nội dung câu chuyện trong khoảng hai tiếng đồng hồ với thầy vào đầu năm 2017, sẽ được kể một cách rất từ từ từ hôm nay.
---
BỔ SUNG
4. Bài tiếp của nhà thơ Kim Chuông, từ Fb của ông, năm 2016
"
"
3. Bài trên báo Thái Bình, năm 2015 (có nhầm ở chỗ ghi năm xuất bản của cuốn tiểu thuyết Pháo đài đồng bằng)
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bút Ngữ.
|
http://baothaibinh.com.vn/55/40304/Nha_van_But_Ngu__Cay_da_xanh_giua_ngan_xanh.htm
2b. Bài trên trang Tổ Quốc (bổ sung ngày 23/5/2023)
Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?
Nhà văn Bút Ngữ |
Duyên do là, vào những năm 1970 - 1971, ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lúc ấy đang là Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thái Bình nghĩ rằng, Hải Phòng, Quảng Bình rồi Quảng Ninh… lập Hội Văn học Nghê thuật. Thái Bình đâu chỉ “lúa”? Thái Bình đất Văn chứ. Một trăm mười một vị tiến sĩ có bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Những Lê Quý Đôn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Tông Quai, Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Quang Bích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nhữ Dực .v.v…Thái Bình phải có Hội Văn học Nghệ thuật!
Thế là, Bút Ngữ, nhà văn đang phụ trách tờ báo, một cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ Thái Bình được cử giữ vai trò “thủ lĩnh”, đứng đầu nhóm người sáng lập Hội.
Vừa bước vào tuổi bốn mươi, Bút Ngữ trẻ, đẹp. Mặt vuông chữ điền. Nước da trắng hồng. Người lành đến dịu mát.
Những ngày đất nước đang chiến tranh ác liệt, đi lại khó khăn. Xe không. Đường xa. Bom đạn địch bất thường. Bút Ngữ khi một mình. Khi đôi ba người, vai đeo túi vải, khi guồng xe đạp, lúc nhảy xe đò mải mê về các vùng để tìm người lập Hội.
Những người viết Thái Bình có tên thời ấy lần lượt được Bút Ngữ mời về cộng sự. Bùi Công Bính từ Việt Bắc. Nguyễn Khoa Đăng ở một trường Vũ Thư. Võ Bá Cường ở huyện đảo Cẩm Phả. Đức Hậu đào than ở mỏ. Sau nữa, Hà Văn Thuỳ, Lê Bính rồi nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, quê Gò Me, Nam bộ được anh Ngữ đón về từ Phòng văn nghệ của Ty Văn hóa Hà Tây…
Tôi có duyên với Thái Bình từ nhà văn Lê Lựu. Từ buổi đang là phóng viên tờ “Quân khu Tả ngạn”, trong chuyến thâm nhập thực tế vùng công giáo thuộc xã Vũ Việt, Vũ thư. Một sớm cuối năm 1971, cùng Lê Lựu vào thăm cơ quan văn nghệ Thái Bình. Gặp Bút Ngữ. Gặp buổi sơ khai “dựng cờ lập nghiệp”, anh Ngữ bảo, “Thái Bình, sẵn sàng nhận Kim Chuông về Hội, nếu quân đội cho phép chuyển ngành.”
May quá. Lúc này, nhà văn Lê Lựu đang được thủ trưởng Quân khu quý trọng. Tôi nép bóng anh. Vậy là, ý định về Thái Bình của tôi vừa thưa ngỏ đã được các thủ trưởng quân khu giải quyết rất nhanh, công việc hoàn tất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Hai năm sau, đến lượt tôi kéo Thiếu Văn Sơn (người viết văn xuôi, đã có mấy tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Sau này Sơn trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình). Việc Sơn vừa từ chiến trường ra, Thái Bình nhận về làm báo cũng được giải quyết thật nhanh, trong thời gian chỉ kể giờ, kể buổi.
Vậy là, rời Hải Phòng quê mẹ, từ Báo Quân khu, nơi đang công tác, tôi về Thái Bình sống cùng nhà văn Bút Ngữ, thấm thoắt đã qua ba mươi sáu năm ròng.
Với Bút Ngữ, hai mươi năm làm lãnh đạo, là Phó Chủ tịch, Chủ tịch hay khi gọi là “quyền” chủ tịch thì thực ra, Bút Ngữ vẫn là chủ tịch. Vì, “vị chủ tịch danh dự” ngày ấy chỉ đúng nghĩa “cơ cấu”.
Anh Ngữ làm chủ tịch có cái “oách”, ít ai có!
Bút Ngữ “oách” vì cái thời, cái thế của anh.
Về tuổi tác, Bút Ngữ thuộc bậc anh cả của hầu hết anh em trong cơ quan Hội. Về danh tiếng, người ta từng nghe các vị lãnh đạo tỉnh, tự hào khoe rằng, “Bút Ngữ là nhà văn”; “Nhà con một” của Thái Bình. Bởi, tính từ nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn, Thái Bình đi qua hàng thế kỷ nhạt mờ mới có một Bút Ngữ nổi tiếng từ hồi còn là đội viên bảo vệ Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên. Khi trở thành cán bộ tuyên truyền, Bút Ngữ vẫn vừa đào hầm bí mật, vừa đưa cán bộ vượt đường ra vào vùng du kích, vừa theo theo sát những trận càn, theo sát những chiến công của bộ đội, du kích, anh viết bài in báo, in trên đất thó, gộp thành từng tập mỏng gửi vào vùng chiến. Bút Ngữ viết văn, lại có ca dao, có thơ chọn in trong văn tuyển. Bài ca dao “Làm mưa” được giải của Báo Văn nghệ, có câu “Không mưa từ chìn tầng mây/ Thì mưa từ những bàn tay con người…” được Bộ Giáo dục tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, còn dùng đến bây giờ. Rồi bài thơ “Tiền Hải”, Ty Giáo dục Thái Bình tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh trung học, một thuở, học trò học thuộc lòng ra rả.
Bút Ngữ là người dự trại viết đầu tiên của Hội văn nghệ Việt
Bút Ngữ học trường viết văn Quảng Bá khoá đầu tiên do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm hiệu trưởng. Cùng lớp với anh có Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Xuân Cang, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú…
Bút Ngữ là Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật của một vùng đất. Bút Ngữ lại có uy tín, đang được bầu hai khoá liền (khoá III- khoá IV) là Đại biểu Quốc hội…
Thời ấy, thành tựu của Bút Ngữ với Thái Bình hay nhiều tỉnh khác được coi là thật hiếm.
Tôi nhớ, mấy lần, Tỉnh uỷ lấy phiếu thăm dò uy tín các cán bộ lãnh đạo đầu ngành, một trăm phần trăm anh chị em cơ quan văn nghệ đều có thư trả lời riêng và “trình” rằng, Bút Ngữ là con người “lý tưởng.” Một “lãnh đạo lý tưởng”. Thậm chí, khi anh Ngữ ốm, nhiều người lo lắng, ai nấy đều sợ một cách chân thành, “nhỡ Bút Ngữ mất, văn nghệ Thái Bình sẽ đổ kềnh hoặc bơ vơ không còn chỗ tựa.”
Viết về Bút Ngữ, nhà văn Hà Văn Thuỳ gọi ông là “người thầy đầu tiên”. Bởi, trước hết nơi ông là “cái đức”. Bởi, từ Bút Ngữ luôn toả ra tấm lòng nhân hậu, thương yêu, tôn trọng con người. Ông là tấm gương về “lễ”. Cho đến bây giờ, 30 năm trôi qua, nhưng tôi, (H.V.T) còn nhớ như in hình ảnh ông mỗi cuộc họp, hai tay ông xoa xoa, miệng chào đón khách. Khi đó, tôi gặp nơi ông dáng nét quen thuộc của vị chủ tế trước ngôi đền văn chương. Và cũng một thoáng hình ảnh Tống Giang trong ngày tựu nghĩa. Cách ứng xử lễ nghĩa như vậy, tiếc rằng ngày nay không còn nữa...” (*)
“Thời” của Bút Ngữ cầm nắm là vậy.
“Thế” của anh lại hơn hẳn. Bút Ngữ đứng cách xa anh em khoảng cách, chả ai dám so bì.
Bút Ngữ dễ tin yêu người.
Anh ăn ở với anh em bằng tấm lòng cao đẹp. Những ai từng sống trong cơ quan văn nghệ Thái Bình, người ít kẻ nhiều, không ai không được anh dìu dắt, đắp bồi bằng tình yêu thương nhân ái. Không ai quên, việc anh Ngữ cưu mang, đùm bọc anh Nguyên, một nhà thơ từ quê hương Gò Me, Nam Bộ về Thái Bình sinh sống.Từ công việc, gia đình, vợ con đến nơi ăn chốn ở hằng ngày, anh Ngữ đối với anh Nguyên bằng tất cả tấm tình của người “chủ ngôi nhà”, tấm tình của bạn bầu đồng nghiệp, tấm tình của người miền Bắc với quê hương miền Nam ruột thịt. Buổi anh Nguyên qua đời, sau này cả việc “sang cát,” lo toan mộ phần đẹp đẽ cho nhà thơ, anh Ngữ tận tình, chu đáo mời các bạn của Hoàng Tố Nguyên, các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang, Nguyễn Mại… từ Hà Nội về thắp hương, đưa tiễn nhà thơ lần cuối. Nhiều người đến viếng. Người biết anh Nguyên. Nhiều người chưa biết anh Nguyên. Nhưng, cứ nhìn dáng hình anh Ngữ trong lo toan, trong giọng đọc điếu văn chứa chan tình người, tình đồng nghiệp mà rưng rưng nước mắt.
Sau khi Hoàng Tố Nguyên qua đời, anh Ngữ đã kịp thời sưu tầm, tự ngồi gõ máy chữ, tuyển lại từng bài rồi cho in tập thơ “Tên quê hương” do Hội Văn nghệ Thái Bình xuất bản. Phần tập hợp dày dặn, đầy đủ hơn, Bút Ngữ giao Kim Chuông gặp nhà thơ Chế Lan Viên, nhờ anh tìm cách giúp. Ngày ấy, việc in ấn rất khó, nhưng với tình cảm với Hoàng Tố Nguyên, Chế Lan Viên đã viết lời bình và in, cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Từ nhớ đến thương” của anh Nguyên. Từ Sài Gòn, Chế Lan Viên đã viết thư cảm ơn tấm tình của bầu bạn Thái Bình, cảm ơn nhà văn Bút Ngữ
Anh Ngữ luôn trọng người lao động. Thấy ai chịu đi, chịu viết, anh nói lời khen, vẻ mừng vui ra mặt. Ai có bài “phát”, bài in, anh khoe với mọi người rồi thông báo trong cuộc họp, cuộc giao ban, kịp thời biểu dương, cổ vũ. Một lần, nộp bản thống kê những bài in để báo cáo thành tích trong năm, anh Ngữ xem rồi bảo. “Cậu thống kê còn thiếu tới hai bài”. Thì ra, hàng năm trời, anh Ngữ cứ lặng thầm, tỉ mỉ ghi từ các báo bài in của từng ngưòi. Có tác giả quên chính bài mình viết mà anh vẫn nhớ. Việc làm chân tình ấy, với anh, khó có người noi kịp.
Hai mươi năm dốc lòng dựng xây, phát triển Hội, anh Ngữ làm nên thời “hoàng kim” thật sôi nổi và đẹp. Nhiều trại lớp được mở. Hội không mấy khi vắng khách ra vào. Đúng là, “gia quân tử hiền nhân xuất nhập”. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Tạ Hữu Yên, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Hồ Phương, Đào Vũ… Đến các Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng… Các Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ… Bao nhiêu những gương mặt, tuổi tên từng làm rung động các thế hệ người đọc, người viết đều về với Thái Bình, gắn bó với Hội Thái Bình trong trại lớp, trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trau dồi nghiệp vụ. Có trại viết được tập trung hai tháng. Có lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn thơ, hội họa được Hội tổ chức, duy trì đều đặn tới hai chục năm liền...
Thời ấy, người lãnh đạo như anh Ngữ thật “vô sản,” chỉ một lòng vì Hội. Phòng ở và làm việc của anh là gian nhà “cấp bốn.” Nhà cũ ở dưới quê, anh Ngữ được tỉnh cấp đất ở một vùng ven thị, nhưng lâu, không có đủ tiền để dựng, anh tự nguyện đem trả.
Những năm đầu trong công cuộc đổi mới, vì giá trị văn học, vì tình nghĩa bầu bạn văn chương, anh Ngữ đã sớm nghĩ và quyết định cho tái bản lần đầu cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão, một tác phẩm của nhà văn quê gốc Thái Bình một thời bị nghi kỵ, cấm đoán. Việc làm này, sinh thời, nhà văn Vũ Bão biết ơn nhiều với Bút Ngữ và thêm gắn bó với anh em, với Hội quê nhà.
Trong nghề văn, Bút Ngữ như “thợ cày cần mẫn”. Ở Hội, lúc nào ngưòi ta cũng gặp anh hai chân ngồi cò đậu, mải miết “bơi” trên trang viết. Trên hai mươi đầu sách.. Hàng nghìn bài báo đủ các thể loại “cung cấp” cho tạp chí, cho báo, cho đài. Bài “bắt buộc” anh Ngữ phải viết vì vai trò lãnh đạo. Vì “phải có” để tuyên truyền, quảng bá với tỉnh, với trung ương. Rồi bài đặt của người biên tập từ các nơi “mời” anh . Bài ngẫu hứng từ cảm xúc. Bài xã luận. Bài nghiên cứu, sáng tác… Anh Ngữ như “con gà mắn đẻ”, cứ “cục ta cục tác” chẳng mấy khi dừng. Ngày ấy, anh em nhìn anh mà phục. Bởi, anh họp suốt ngày. Việc suốt ngày. Vậy mà năm nào cũng “tung” ra đầu sách. Chỉ riêng chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên. Nửa tháng trời lăn lộn, về nhà, Bút Ngữ “đẻ” ra ba truyện ngắn và bút ký. Rồi, tiểu thuyết “Cao nguyên mưa nắng” dày tới ba trăm trang .. .
Thời anh Ngữ, văn chương phải gánh vác những sự kiện lớn lao và nóng bỏng của núi sông, dân tộc. Anh Ngữ ý thức rất rõ giá trị hữu ích trên mỗi trang viết của mình. Một tầng bề mặt của biết bao diễn biến ngổn ngang, bề bộn nơi chiến tranh, nơi con người, thế sự… Cái phản ánh. Cái gọi là “minh hoạ”, đôi khi không tránh khỏi sự giản đơn, sơ lược. Coi giá trị ôm trùm trong mô tả là cần kíp, là nét trội, thì những số phận nhân vật, nhất là những tư riêng, coi là vụn, là chưa phải thời điểm để nhắc tới, ca vang…Đây là quan niệm một thời . Là “tự thức” mà anh Ngữ đã sớm tìm cho mình “một miền”, một sở trường để mở hướng cuốc cày, khám phá.
Cùng với những tác phẩm viết về đề tài hiện đại, Bút Ngữ đi sâu vào đề tài lịch sử!
Từ Pháo đài đồng bằng, Chuyện ở xóm chài, Người đi đày đại dương, Người thời loạn, Vua Ba Vành, Cử nhân Bùi Viện, Cụ Bảng Đôn… Gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử “Cần vương Đông du” (2007)…
Trên sáu nghìn trang viết. Cuốn ba trăm trang. Cuốn trên năm trăm trang. Cuốn gần tám trăm trang…Nhìn những cuốn sách dày cộp, đủ thấy sức lao động của đời nhà văn từng “rút ruột nhả tơ”, thật công phu, cực nhọc.
Tìm mình ở đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Khải đã viết, Bút Ngữ đã tìm được một cách đắc địa “đất dụng võ” của mình. Bởi, Bút Ngữ có vốn nho học khá sâu. Anh chịu đọc, chịu tìm tòi nghiên cứu. Với phẩm chất cần cù, cẩn trọng, luôn ghi chép tỉ mỉ, lưu giữ một cách hệ thống, ngăn nắp, khoa học các tư liệu tìm được.
Viết về đề tài lịch sử, khi dựng lại cuộc kháng chiến chống Pháp ở làng Nguyễn anh hùng. Khi tái tạo, sáng tạo một đời sống người anh hùng Phan Bá Vành, Nguyễn Quang Bích. Những danh nhân: một Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một cử nhân Bùi Viện, một cụ Bảng Đôn .v.v… Bút Ngữ làm bạn đọc thoả mãn ở những tầng, những tuyến, những tư liệu lịch sử thật giàu có và qúy hiếm. Ở sự phản ánh chân xác tin cậy qua tái dựng , sáng tạo. Ở nhân vật anh hùng với những nét điển hình, ngưỡng vọng. Ở những bài học sâu sắc, đầy ý nghĩa trước đời sống, lịch sử, con người.
Trước thành công khác nhau ở hàng ngàn trang viết, tôi nhớ, khi đang giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, nhà văn Nguyễn Khải từ miền Nam gửi cho tôi bài “Đất dụng võ,” đề nghị Tạp chí giới thiệu cuốn “Người đi đày trên đại dương” của Bút Ngữ. Nguyễn Khải viết : “Đây là cuốn sách tốt, hấp dẫn, viết rất gọn, tư liệu phong phú. Đó là thành công của anh Bút Ngữ”.
Quả tình, năm 2002, trong 200 tác phẩm của cả nước dự xét thưởng, “Cụ Bảng Đôn” của Bút Ngữ là tác phẩm hay, được Hội Nhà văn tặng thưởng văn học hàng năm.
Đọc Bút Ngữ, đọc “Vua Ba Vành”, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: “Tôi rất thích lối viết truyện lịch sử của anh, đấy là lối “sử ký” rất hiếm thấy ở nước ta. Khác với “dã sử” tán tụng linh tinh của người khác.”
Trần Đình
Nhà thơ Trần Lê Văn, trong bài “Đọc sách Cụ Bảng Đôn của nhà văn Bút Ngữ”, ông viết: “Đây là truyện ký có chất tiểu thuyết. Lời văn hàm súc, có sức hấp dẫn. Là bức chân dung văn học về nhà bác học Lê Quý Đôn… Người viết đã dày công sưu tầm tư liệu và gửi gắm nhiều tâm tư sâu lắng…”
Nhà văn Vũ Tú
Bút Ngữ đã bốn lần được giải thưởng văn học. Hai lần của Hội Nhà văn Việt
Chẳng mấy nữa, nhà văn Bút Ngữ đã bước vào tuổi tám mươi hai. Đã hai lần chịu tai biến mạch máu não. “Nhờ Giời”. Nhờ ở sức chịu đựng, giữ gìn, tập luyện. Hai lần ngỡ đổ. Nào ngờ, khi gượng dậy, nhà văn Bút Ngữ lại lao vào đọc và viết. Ông đang tiếp tục hoàn chỉnh truyện dài “Sao đỏ ở ngục Sơn La” và “Học trò của Nguyễn Ái Quốc”….
Những tưởng, Bút Ngữ cần được xem xét, được nhận giải thưởng lớn hơn, xứng hơn với thành tựu có được ở một nhà văn lão thành, người từng có công với Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền đất, ở vai trò sáng lập, dựng xây và phát triển.
Từ Kinh Đào, Vũ Phong, Vũ Thư, Thái Bình, người cùng làng với nhà văn Dũng Hà, người đồng hương với các nhà văn Phạm Lê Văn (Thợ Rèn), Minh Chuyên, Nguyễn Khoa Đăng, Đỗ Vĩnh Bảo… Cái tên Phan Đình Khương, tên thật của nhà văn Bút Ngữ, giờ chẳng mấy ai nhớ. Người ta nhớ, quý yêu và kính trọng nhà văn Bút Ngữ ở ngôi sao văn chương, ngôi sao ban mai luôn lấp lánh dẫn đường trên một vùng đất lúa.
Đã hơn bốn năm rời xa.
Đã ba mươi sáu năm sống và gắn bó đời mình với miền đất ấy. Tôi cũng như những nhà văn bây giờ đã xa cách Thái Bình, nhiều khi nhớ về Hội, tôi bỗng dưng gặp lại bóng hình Bút Ngữ, một nhà văn, một người anh thật nồng thắm thương yêu.
“Một Tống Giang!... Một hình ảnh vị chủ tế trước ngôi đền văn chương trong những ngày tựu nghĩa”… (**)
Ngày ấy sao mà đẹp, mà yêu… Mà trên đời này, rồi còn biết khi nào có nữa?
Quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Tháng 5 - 2010
Kim Chuông
Nhà văn Bút Ngữ sinh năm 1931 tại Vũ Thư, Thái Bình, từng là chiến sĩ bảo vệ huyện Vũ Tiên, Phóng viên Báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá Thái Bình, Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình, Ủy viên UBTW- Hội LHVHNT- Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khoá III và IV. |
------------
(*) Hà Văn Thuỳ
(**) Bài đăng Báo Thái Bình, ngày 13-12-2002, Báo Văn nghệ, số 27 tháng 7/2003
2. Bài trên Blog Giao cũ (blog Yahoo), năm 2012
Nhà văn Bút Ngữ (1931–) qua giới thiệu của nhà thơ Kim Chuông
Nhà văn Bút Ngữ
Nhà văn Bút Ngữ sinh năm 1931 tại Vũ Thư, Thái Bình, từng là chiến sĩ bảo vệ huyện Vũ Tiên, Phóng viên Báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình, Phó Trưởng Ty Văn hoá Thái Bình, Chủ tịch Hội VHNT Thái Bình, Ủy viên UBTW- Hội LHVHNT- Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khoá III và IV. Nhà văn đã in trên 20 tập sách, trong đó có 11 truyện dài và tiểu thuyết, gồm: Pháo đài đồng bằng (1979), Chuyện ở xóm chài (1983), Cao nguyên mưa nắng (1985), Người đi đày trên đại dương (1991), Người thời loạn (1996), Vua Ba Vành, Bà Chúa Ngừ (1999), Anh Ngạn (2000), Cụ Bảng Đôn (2001), Cử nhân Bùi Viện (2004), Cần Vương- Đông Du (2007)… Nhà văn Bút Ngữ đã hai lần được giải thưởng và tặng thưởng hàng năm của Hội Nhà văn cho truyện dài “Chuyện ở xóm chài” và tiểu thuyết “Cụ Bảng Đôn”. Hai tặng thưởng của UBTQLH các Hội LHVHNTVN cho các tập “Vua Ba Vành” và “Anh Ngạn”. Bốn lần giải thưởng Văn học Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình. Và, nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn học.
|
Vốn trên văn học quê nhà (http://vanhocquenha.vn/view.asp?n_id=3759&n_muctin=10), nhưng bây giờ thì không còn. Tình hình truy cập hiện nay như sau:
"
2b. Bài trên trang Tổ Quốc (bổ sung ngày 23/5/2023)
Trả lờiXóaBút Ngữ: Một thời Người đẹp
28/06/2010 08:55
Vẫn biết, có cái Thời làm nên Đời. Và, cái Đời chứa đựng cái Thời trước bao nhiêu biến thiên dài dặc. Nhưng với ông, Nhà văn Bút Ngữ, một con người mang cái đẹp thờí ấy, trên đời này, rồi sẽ còn mấy ai, gặp nữa?