Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/11/2016

Việt Nam nội chiến Tây Sơn - Nguyễn qua ghi chép đương thời của John Barrow (1764 - 1848)

Một tác giả không thể bỏ qua khi nhìn lại tình hình Đại Việt cuối thế kỉ 18. Sách của ông đã có bản dịch tiếng Việt trọn vẹn.

Ở dưới là bài của bác Lê Nguyễn.

Lấy nguyên về từ Fb LN. Ảnh và chú thích cũng của LN.

---



"
John Barrow (1764 - 1848)

Một trang tác phẩm 'A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793' của John Barrow

Một buổi hát tuồng tại Đàng Trong cuối thế kỷ 18 - tranh in trong tác phẩm của John Barrow



"


"



Về mặt tư liệu, cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn mà hậu duệ là chúa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn được đề cập đến rất nhiều qua các du ký, hồi ký, thư từ do các giáo sĩ phương Tây viết gửi cho nhau, kể lại nhiều chi tiết sống động trong từng trận đánh, từng chuyển biến của cuộc xung đột kéo dài 30 năm. Trong số những tác phẩm của người phương Tây viết về thời kỳ này, quyển “A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793” (Một cuộc du hành qua xứ Nam Hà vào những năm 1792-1793) của một viên chức người Anh tên John Barrow có một nội dung khá phong phú do tổng hợp được nhiều nguồn tư liệu khác nhau cũng như những lời kể của người đương thời.



***



Vào năm 1792, trong mục đích mở rộng mối bang giao với khu vực Viễn Đông, chính phủ Anh cử Bá tước George Macartney làm đại sứ đầu tiên của nước này tại Trung Hoa. Thành phần của sứ bộ, ngoài Đại sứ, Bá tước Macartney, còn có thư ký riêng của ông là G. Staunton và một chàng trai 28 tuổi tên John Barrow, thầy dạy học của con trai Staunton, được Macartney sử dụng làm quản gia của ông. Cuộc hành trình kéo dài, trải qua nhiều địa điểm khác nhau, ghé lại Côn Đảo (Pulo Condore) một thời gian ngắn rồi rời nơi đây ngày 24.5.1793, hướng về cảng Tourane (Đà Nẵng) của Đại Việt. Không có tài liệu nào nêu rõ sứ bộ lưu lại Đà Nẵng bao lâu, song theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì sứ bộ đã đến Macau ngày 19.6.1793 rồi rời Macau 4 ngày sau đó, và cuối cùng đến Bắc Kinh ngày 21.8.1793. Xem như thế, có thể thấy rằng việc sứ bộ Macartney ghé lại Đà Nẵng diễn ra trong một thời gian rất ngắn, sau khi về nước, John Barrow đã xuất bản một tập hồi ký dày gần 450 trang, trong đó phần dành cho xứ Nam Hà chỉ có 3 chương IX, X, XI, trải dài đúng 120 trang. Tuy nhiên, tập hồi ký lại mang một nhan đề dễ gây sự nhầm lẫn là: “Một cuộc du hành qua xứ Nam Hà vào những năm 1792-1793”, trong đó 8 chương đầu kể lại hành trình qua nhiều nơi trên thế giới như Madeira (Bồ Đào Nha), Teneriffe (Tây Ban Nha), đảo St. Jago, Rio de Janeiro (Brazil), đảo Tristan da Cunha, đảo Java, Batavia (Indonesia). Sách viết bằng tiếng Anh do John Barrow xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 1806, một năm sau, được Malte-Brun dịch sang tiếng Pháp và xuất bản tại Paris (1807). Nội dung quyển hồi ký có những điểm khá đặc biệt cần được nêu rõ như sau:


* Chuyện kể của John Barrow về xứ Nam Hà không giới hạn vào 2 năm 1792-1793 như nhan đề sách đã in, mà trải dài từ đầu những năm 1770 là thời điểm anh em nhà Tây Sơn mới nổi dậy cho đến thời gian đầu những năm 1800.

* Như vậy, nội dung sách không dựa nhiều vào những sự kiện mắt thấy tai nghe của John Barrow như một số người lầm tưởng, vì trong hành trình đi đến Trung Hoa, ông chỉ ghé lại Đà Nẵng một thời gian rất ngắn.

* Những kết quả khảo sát về sau cho biết rằng tập hồi ký của Barrow đã dựa vào các nguồn sử liệu sau:
- Những ghi chép, nhật ký của bản thân Barrow
- Nhật ký của Bá tước Macartney
- Du ký của George Thomas Staunton, thành viên sứ bộ Macartney, xuất bản tại Luân Đôn năm 1797.
- Những ghi chép của Laurent André Barizy, một trong những người Pháp đã phục vụ dưới trướng chúa Nguyễn Ánh từ năm 1789.
Chính với tính cách vay mượn khá nhiều tài liệu mà tác phẩm của John Barrow có nhiều điểm không chính xác, do tác giả không có điều kiện phối kiểm những chi tiết còn nghi ngờ hay mâu thuẫn nhau giữa các nguồn tư liệu khác nhau. Song đặc điểm đáng chú ý trong du ký của ông là những chi tiết độc đáo trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, về con người của Nguyễn vương trong thời gian trước khi lên ngôi vua, một điều rất ít thấy đề cập đến trong các nguồn tư liệu khác của phương Tây.Trong phần đầu của chương XI, Barrow miêu tả sơ lược về lịch sử xứ Nam Hà, trong đó, ông nhắc đến những năm đầu trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, khi họ chiếm lấy thành phố Sài Gòn, đã có 20 ngàn người bị sát hại. Con số này đáng nghi ngờ về độ chính xác, song ít ra nó cũng cho thấy mức độ dữ dội của những cuộc chiến giữa hai phía và nhất là chính sách khắc nghiệt của nhà Tây Sơn tại những vùng đất mà họ chiếm đóng. Barrow cũng cho biết sau khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu, hoàng đế nhà Thanh là vua Càn Long đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông – Quảng Tây) Tôn Sĩ Nghị mang 100 ngàn quân sang Việt Nam để xếp đặt việc triều chính cho họ Lê. Để chống lại số quân hùng hậu này, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho người theo dõi đường hành quân của quân Thanh và áp dụng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến, phá hủy mọi thứ ăn được trên đường quân Thanh đi qua, khiến quân địch thiếu lương thực nặng nề. Sau cuộc chiến này, phía nhà Thanh cũng không muốn tiếp tục gây hấn, vua Càn Long yêu cầu vua Quang Trung qua bệ kiến. Nguyễn Huệ biết rằng không thể không thỏa mãn lời yêu cầu này, song lại sợ khi đến Bắc Kinh sẽ bị triều đình nhà Thanh bắt giữ. Vì tính thế, ông đã nhờ người giả mình đi Bắc Kinh. Người này theo các sử liệu Việt là cháu gọi ông bằng cậu, tên Phạm Công Trị. Điều kỳ lạ hơn cả trong hồi ký của John Barrow là việc ông kể rằng khi Phạm Công Trị cùng sứ bộ đang trên đường trở về Huế thì bị Nguyễn Huệ sai người giết sạch để bịt miệng họ. Chi tiết này không được bộ Đại Nam thực lục nói đến và nhiều nguồn sử liệu Việt khác còn kể rõ các hoạt động của Phạm Công Trị trong một thời gian dài sau khi đi sứ về, vì thế không rõ Barrow đã dựa vào đâu để công bố một chi tiết rất kỳ lạ trên. 

Tháng 2 âm lịch năm 1784, Nguyễn vương cùng các tùy tùng thân tín sang Xiêm ẩn lánh và hồi ký của Barrow đã kể lại hai sự kiện quan trọng vào thời kỳ này. Thứ nhất là việc quân Diến Điện (Miến Điện, nay là Myanmar) tấn công nước Xiêm, nhân khi chiến cuộc đang tiếp diễn, Nguyễn Ánh cùng các tướng đề nghị được giúp nước chủ nhà và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang, được vua Xiêm ca ngợi và trọng thưởng nhiều vàng bạc, châu báu. Sự kiện này cũng được chính sử, bộ Đại Nam thực lục nhắc đến. Song về trường hợp chúa Nguyễn Ánh rời Xiêm quay lại miền Nam, có sự khác biệt quan trọng giữa chính sử Việt và hồi ký của John Barrow. Bộ Đại Nam thực lục chép: “Mùa thu, tháng 7 (năm 1787 – LN), ngày Bính dần, vua tự nước Xiêm về, trú ở Hòn Tre (Trúc Dữ). Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp, cho nên đối với vua, dầu tình lễ có trung hậu hơn, nhưng sự thực là giữ lại đó mà thôi. Vua thầm tính trong lòng biết rốt cuộc họ không thể giúp mình được, túng sử có giúp cũng vô ích. Bởi thế vua quyết chí hồi loan, trước sau Phạm Văn Nhân về Hòn Tre chỉnh bị thuyền ghe để đợi. Vua lại nghĩ rằng nếu nói rõ cho họ biết thì họ hẳn lấy cớ lần trước giúp không thành công mà sẽ tìm lời ngăn đón, bèn nhân đêm viết thư tạ ơn để ở hành tại, rồi rước quốc mẫu và cung quyến xuống thuyền, vẫy quân chèo mau ra cửa biển Bắc Nôm. Đến tang tảng sáng, vua thứ hai nước Xiêm biết, đi thuyền thoi nhẹ đuổi theo, nhưng không kịp, phải trở về…”. Sự kiện này được Barrow kể lại một cách khác hẳn. Theo tác giả này, “dường như” lúc Nguyễn Ánh bận chinh chiến với quân Diến Điện, vua Xiêm tiếp xúc với bà Quốc mẫu (mẹ Nguyễn Ánh), xin cưới em gái chúa Nguyễn để làm hầu thiếp, song bị bà cự tuyệt. Say mê sắc đẹp của nàng công nữ, vua Xiêm quyết chiếm hữu nàng bằng mọi giá nên đề nghị chia sẻ ngôi báu với nàng, song vẫn bị từ chối. Lần này đến lượt vua Xiêm cảm thấy bị tổn thương, đã trút nỗi giận lên chúa Nguyễn Ánh. Barrow nghe đồn là cả hai đức vua đã tranh cãi với nhau quyết liệt, song cũng có tin là các đại thần của vua Xiêm do ganh tị với chiến công của Nguyễn Ánh và tùy tùng, đã lập mưu hãm hại ông. Biết được những nguy hiểm đang rình rập, chúa Nguyễn bàn bạc với quần thần và quyết định rời bỏ tức khắc kinh thành Vọng Các của nước Xiêm. Trong đêm tối, họ chạy đến một cảng gần nhất, chiếm lấy số tàu thuyền đang đậu ở cảng rồi giong buồm về đảo Pulo Wai. Chi tiết do Barrow tiết lộ là một sử liệu thú vị, cần được đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác vào thời điểm này.
Về chuyến đi của Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp đại diện chúa Nguyễn Ánh ký với triều đình vua Louis XVI thỏa ước Versailles ngày 28.11.1787, văn kiện này không được thực thi vì hai nguyên nhân chính, một là tình trạng kiệt quệ của ngân khố Pháp khiến chính quốc không thể trực tiếp thi hình thỏa hiệp Versailles mà ủy toàn quyền cho bá tước de Conway, tổng chỉ huy quân sự của Pháp tại Ấn Độ, hai là mối bất hòa ngày càng trầm trọng giữa Bá Đa Lộc và de Conway khiến cho sự phối hợp giữa hai bên là điều bất khả. Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, John Barrow tiết lộ thêm một sự kiện mới mẻ chi phối mối quan hệ giữa Bá Đa Lộc và de Conway mà hầu như chưa thấy có tài liệu nào nói đến. Đó là sự xuât hiện của bà de Vienne trong mối quan hệ giữa vị giám mục và ông bá tước. Theo Barrow, khi Bá Đa Lộc và phái bộ đến Pondichery, ông nghe chuyện bà de Vienne, đang là vợ người sĩ quan tùy viên của de Conway, nhưng đã xiêu lòng yêu de Conway. Trái với phong tục đương thời, khách mới đến Pondichery thường thăm viếng các bà mệnh phụ, Bá Đa Lộc không bước tới nhà bà de Vienne, mặt khác còn lớn tiếng chê bai, công kích bà ta trước mặt nhiều người. Người phụ nữ danh tiếng đang rơi vào một cuộc tình tai tiếng đã phản ứng trả đũa Bá Đa Lộc bằng cách gây áp lực với bá tước de Conway để ông này tìm cớ bất hợp tác với Bá Đa Lộc. Cuối cùng, viên giám mục này đã gần như thất bại hoàn toàn trong sứ mạng được chúa Nguyễn Ánh giao phó. Cuộc cách mạng Pháp nổ ra ngày 14.7.1789 là dấu chấm hết cho mọi toan tính và hi vọng của ông.

Tóm lại, hồi ký của John Barrow là sự tổng hợp của nhiều nguồn tư liệu, tác giả không có nhiều thì giờ tự mình khảo sát đời sống và các sự kiện lịch sử tại Đàng Trong vào cuối thế kỷ 18, song ít nhất nó cũng có tác dụng gợi lên nhiều vấn đề mới mẻ giúp giới sử học mở rộng việc tìm hiểu, nghiên cứu thêm.

Lê Nguyễn



6.11.2016



(tóm lược từ chương II.4, sách “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài” sắp tái bản)
"

https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1099678560130119

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.