Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/11/2016

Đào Trinh Nhất đã ghi chép như vậy vào năm 1924 về "chủ nghĩa lao nông"

Mới xuất hiện bài của ông Phùng Hoài Ngọc với tựa đề "Đào Trinh Nhất - nhà báo Việt Nam tiên tri sớm nhất về số phận Nước Nga xô viết".

Tôi thì thấy, nếu năm 1924 mà mới có suy nghĩ như vậy thì làm sao mà là "nhà báo Việt Nam tiên tri sớm nhất" được.

"Chủ nghĩa lao nông" có thành hiện thực hay không, hậu quả ra sao, đã được luận bàn sôi nổi ở thế giới Đông Á (có bao gồm Việt Nam) từ rất lâu. Năm 1919 hay 1924, như thấy ở Đào Trinh Nhất, chỉ là phản ánh sự tranh luận của thời đó mà thôi. Làm gì có "tiên tri" ở đây.


Đào Trinh Nhất đọc, rồi viết lại, nhưng quên dẫn nguồn như đa phần học giả Việt Nam thời đó.

Nhưng, quả thực, trong khoảng thập niên 1930-1950, thì Đào Trinh Nhất là một nhà báo xuất chúng. Ông nằm ở ranh giới giữa "kí giả" và "học giả", hay là cả hai (gọi là kí giả hay học giả đều thấy ok). Đã nói nhanh về điều ấy thời gian trước, xem lại ở đây hay ở đây.

Dưới là nguyên bài của ông Phùng.





---

Phùng Hoài Ngc


*ảnh: nhà báo  Đào Trinh Nht 24 tui năm 1919 khi viết quyn sách đu tay.

Mời quí bạn đọc chương 1, quan điểm kinh tế- chính trị của nhà báo Đào Trinh Nhất:
Một là tư bản và nhân công hợp với nhau. Tư bản với nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường, tất phải tương tư tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay, xướng lên cái chủ nghĩa tư bản, và cái chủ nghĩa lao động, có ý phản đối nhau, song kết quả chỉ thấy là phá hoại, thường khi bọn thợ đình công, mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng, mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chứng cớ rành rành, là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông, mà trong nước tan tành ra đó, chỉ nay mai tất ta thấy nước ấy phải quay về chế độ thường, nghĩa là nhân công phải đi đôi với tư bản. Như thế thì đủ hiểu rằng tư bản với nhân công, không thể bỏ nhau mà làm nên việc được”. (trang 28,29, từ bản gốc: Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, nhà xuất bản Thụy Ký, Hà Nội 1924, do Nxb Hội nhà văn tái bản tháng 8.2016, in nguyên gốc và bìa).



Xin bạn đọc lưu ý, chúng ta vừa đọc gần hai trang sách trên được viết cách đây ngót 100 năm. Tiếng Việt từ đó đến nay đã thay đổi nhiều theo quá trình lịch sử, nên có thể chúng ta có ngỡ ngàng đôi chút về lời văn và từ ngữ. Chẳng hạn, hồi đầu thế kỷ 20, trí thức và báo chí còn dùng nhiều từ Hán Việt, ví như câu “Tư bản với nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường”. Nhà báo dùng từ “tài liệu” rất chuẩn theo nghĩa gốc (nguyên vật liệu để làm việc). Đương đại, tài liệu chỉ còn là “giấy tờ và tương đương”. Lại nữa, nhà báo gọi công nhân thợ thuyền là “bọn thợ đình công” không có ý gì khinh miệt người thợ, đó chỉ là từ Việt cổ quen dùng (bọn: số đông).
Bây giờ chúng ta bàn về quan điểm cơ bản của nhà báo “Thế giới ngày nay, xướng lên cái chủ nghĩa tư bản, và cái chủ nghĩa lao động, có ý phản đối nhau”. 
Ai “xướng lên” cái chuyện đó ?
Chính là những người truyền bá chủ nghĩa Mác Lê đã đưa vào Việt Nam chủ trương đó. Lúc này Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba hải ngoại trời Âu tuồn về nước một số bài báo quảng bá “cách mạng tháng Mười và Lê Nin, chủ nghĩa Mác”. Lúc này Đảng cộng sản chưa ra đời ở nước ta, kể cả Trung quốc. Nhà báo tạm gọi cái chủ nghĩa Mác Lê là “chủ nghĩa lao động”. Chủ nghĩa Mác Lê đưa ra giải pháp “thuyết đấu tranh giai cấp”: kêu gọi giai cấp vô sản tức “giai cấp lao động” phải tiêu diệt giai cấp tư sản.
Nhà báo đã rất ngạc nhiên về “học thuyết” này. Ngay từ năm 1919, Đào Trinh Nhất từ Hà Nội quan sát nước Nga xô viết xa xôi và nhận xét về cuộc “cách mạng” tháng Mười bên đó: “song kết qủa chỉ thấy là phá hoại, thường khi bọn thợ đình công, mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng, mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chứng cớ rành rành, là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông, mà trong nước tan tành ra đó”.
Nhà báo gọi tên chính sách Nga xô xây dựng CNXH từ trước năm 1919 là “chính sách lao nông”. Nghĩa là, chính sách vắt kiệt sức lao động của nông dân (và công nhân) cho sự nghiệp cách mạng, chỉ cậy sức lực số đông vô sản, không quan tâm “tư bản”.
Và kỳ tài thay, nhà báo trẻ từ 1919 đã tiên đoán “…chỉ nay mai tất ta thấy nước ấy phải quay về chế độ thường,nghĩa là nhân công phải đi đôi với tư bản. Như thế thì đủ hiểu rằng tư bản với nhân công, không thể bỏ nhau mà làm nên việc được” (người viết in đậm nhấn mạnh- PHN).
“Chế độ thường” nghĩa là chế độ đúng qui luật, tức là chế độ tư bản. Mặc nhiên nhà báo coi chế độ cộng sản Nga là chế độ “dị thường”.
Lời tiên đoán thiên tài của nhà báo nhà kinh tế chính trị học, trưởng thành từ gốc văn hóa Hán-Pháp, về cái tương lai của nước Nga: “nay mai” tuy chưa xác định cụ thể, nhưng  nhất định nó phải thất bại và thay đổi. Tiên tri đã ứng nghiệm hơn sáu chục năm sau, khi “bức tường Berlin” và hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ.
Trong khi nhà báo viết công trình này (1919) chỉ hai năm sau “cách mạng tháng Mười Nga” 1917, một năm trước khi ông Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng cộng sản Pháp năm 1920. Nguyễn Ái Quốc sau đó đã tìm cách đưa một số người sang Nga học “đại học cộng sản” gọi tên là “ĐH lao động cộng sản phương Đông” để rước “món nợ” về nước Nam ta (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, trước đó cùng 1 nhóm đồng chí đã tham gia hoạt động với Trung cộng).
Công trình Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ được viết từ năm 1919, xuất bản 1924, nội dung chủ yếu nghiên cứu về tình hình người Hoa ở Việt Nam và đề xuất sách lược sống chung với họ, đồng thời lưu ý giải pháp ngăn cản sự bành trướng vô lối của họ. Nhà báo không sa vào ý thức “bài Hoa” theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Ông chỉ cảnh báo cái họa Bắc phương. Và ông không ngờ cái họa “hữu hảo hai Đảng”  sau này còn ghê gớm hơn nhiều. Bởi vì khi nhà báo viết sách, cái họa ấy còn đang manh nha mọc mầm bên kia biên giới. Lúc ấy mới chỉ có lù lù hiện tượng Nga xô, còn Đảng của Mao tới năm 1921 mới mọc lên. Tuy nhiên, tiên tri quá sớm về Nga cộng cũng là tiên đoán về Trung cộng vì họ cùng tôn thờ một “chủ nghĩa lao động”, Nga cộng và Tàu cộng chỉ là thầy và trò mà thôi.

Phụ lục
Lướt qua tiểu sử nhà báo kiệt xuất Đào Trinh Nhất:
Đào Trinh Nhất sinh năm Canh Tý (1900) tại Huế. Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Trưởng thành và làm báo ở Hà Nội. Mất 1951 tại Sài Gòn. Ông là con trưởng của Đào Nguyên Phổ *[1], đỗ Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ (tức hoàng giáp, xếp hạng nhì sau Trạng nguyên). Mẹ là Lương Thị Hòa, con gái nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến và là cháu ngoại  chí sĩ Lương Văn Can.

Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Từ năm 1921 – 1925, ông bước vào làng báo, làm biên tập Hữu thanh tạp chí và Thực nghiệp dân báo. Rồi viết cho các báo: Trung hòa nhật báo, báo Đông Pháp. 14 tháng 11 năm 1925, ông vào Sài Gòn, làm thư ký tại Chez Phan Chu Trinh, số 5 Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Ngày 22 tháng 3 năm 1926, ông sang Pháp du học. Ngày 15 tháng 4 năm đó, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn. Năm 1929, ông về nước, ở luôn trong Nam viết báo, viết sách cho đến bị trục xuất về Bắc vào ngày 25 tháng 7 năm 1939.

Trong khoảng 10 năm ở Sài Gòn, ông đã cộng tác với các báo: Phụ nữ tân văn, Công luận, Thần chung, Tân văn, Việt Nam, Điểm tin. Và làm chủ bút báo Ðuốc Nhà Nam (Flambeau d'Annam) của Bùi Quang Chiêu (năm 1930-1931), tự xuất bản báo Mai (tháng 2 năm 1936-1938).

Ra Hà Nội, Đào Trinh Nhất viết cho tờ Trung Bắc Chủ nhật (1940-1945). báo Nước Nam (1944-1945). Sau năm 1945, ông hồi cư về Hà Nội, tiếp tục viết cho báo Ngày mới, Việt thanh.
Năm 1948, ông viết cho tờ Cải tạo. Năm 1949-1950, ông vào Sài Gòn làm việc trong Bộ ngoại giao với Nguyễn Phan Long và viết cho báo Ánh sáng, Sài Gòn mới, Dân thanh cho đến ngày mất. Ông đang dịch bộ tiểu thuyếtLiêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, mới được nửa bộ đang đăng báo thì từ trần. Ông mất trong một gian nhà nhỏ ở xóm Hòa Hưng (Sài Gòn) vào chiều thứ Sáu ngày 18 tháng Giêng năm Tân Mão (23 tháng 11 năm 1951), hưởng dương 52 tuổi, an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng.
Được tin ông mất, làng báo, làng văn trong Nam ngoài Bắc đều có bài nói về thân thế, văn nghiệp của Đào Trinh Nhất và cho đăng nhiều điếu từ, đối phúng,văn tế, thơ viếng...để tỏ tình mến tiếc. Ngoài ra, báo Tiếng Dội (Sài Gòn) còn chủ xướng việc xây mộ cho ông, báo Cải Tạo (Hà Nội) tổ chức ngày lễ truy điệu long trọng và cho ra một số báo đặc biệt viết đầy đủ về ông (Cải Tạo số 134, năm 1951).

Vốn là nhà báo viết văn, hầu hết tác phẩm của Đào Trinh Nhất đều đăng từng kỳ trên báo rồi sau mới in thành sách. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau 30 năm cầm bút (1921-1951), ông đã để lại khá nhiều tác phẩm (ước 20 cuốn).

  1. Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Thụy Ký - Hà Nội, 1924)
  2. Thần tiên kinh (Dịch sách tiếng Pháp của A lan Kardec, 1930)
  3. Cái án Cao Đài (Sài Gòn, 1929)
  4. Việt sử giai thoại (Hà Nội, 1934)
  5. Nước Nhựt Bổn ba mươi năm duy tân (Đắc Lập-Huế, 1936)
  6. Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời. (Cao Xuân Hữu - Hải Phòng, 1936; Đại La- Hà Nội, tái bản 1945; Tân Việt –Sài Gòn, tái bản 1957)
  7. Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương, Huế-Chợ Lớn, 1937)
  8. Ðông Kinh nghĩa thục (Mai Lĩnh-Hà Nội, 1938)
  9. Ngục trung thư (Đời cách mạng Phan Bội Châu) (Mai Lĩnh-Hà Nội, 1938; Tân Việt-Sài Gòn tái bản, 1950)
  10. Vương An Thạch (Hà Nội, 1943; Tân Việt-Sài Gòn tái bản 1960)
  11. Cô Tư Hồng (tiểu thuyết, Trung Bắc, Hà Nội, 1941)
  12. Chu Tần tinh hoa (dịch, Hà Nội, 1944)
  13. Lê Văn Khôi (1941-1945)
  14. Con trời ngã xuống đất đen (Hà Nội, 1944)
  15. Chu Tần tinh hoa (1944)
  16. Vương Dương Minh-Người xướng ra học thuyết lương tri và tri hành hợp nhất (Hà Nội, 1944; Tân Việt-Sài Gòn tái bản 1950)
  17. Kẻ bán trời
  18. Con quỷ phong lưu
  19. Bùi Thị Xuân
  20. Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (Quốc Dân thư xã- Hà Nội, 1946; Tân Việt- Sài Gòn tái bản 1957).
  21. Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ông mới dịch được nửa bộ, đang đăng báo thì từ trần (Nxb Bốn Phương xuất bản -Sài Gòn, 1950) ¢

PHN




[1] * Đào Nguyên Phổ (1861-1908), quê làng Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông là một văn thân yêu nước tiến bộ, lãnh tụ phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
ông đỗ Cử nhân năm 1884, nhưng chưa dự thi Hội ngay mà ra làm quan nhà Nguyễn. Ban đầu, Đào Nguyên Phổ được bổ chức Huấn đạo huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hóa, rồi làm Tri huyện tại huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Sau vì để mất trộm tiền thuế của huyện, ông bị bãi chức, trở về đi dạy học trên địa bàn tỉnh Nam Định cũ. Trong thời gian này, ông giao du với các chí sĩ yêu nước thời đó. Năm 1895, ông vào Huế, học tại trường Quốc tử giám. Đến 1898, sau 3 năm học tại kinh đô, ông dự thi Hội và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Ngay sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm thừa chỉ. Năm 1902, ông từ quan, ra Hà Nội làm nghề nhà báo, viết cho Đăng cổ tùng báo và L'Annam, và tích cực truyền bá tư tưởng duy tân. Năm 1907, ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng với Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...

Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tiếp đến vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Thành bị thất bại, Đào Nguyên Phổ bị người Pháp truy lùng ráo riết. Ông phải tự sát vào năm 1908 để khỏi bị Pháp bắt, cũng để giữ danh tiết đồng thời tránh hệ lụy cho gia đình và bạn bè. Ngày nay có tên đường phố Đào Nguyên Phổ ở Đà Nẵng.

http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-ao-trinh-nhat-nha-bao-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.