Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/10/2016

Chị Ouru-san : nữ phiên dịch người Nhật trong phủ chúa Trịnh thời 1630s

Thông tin về chị Ouru chưa được xác định rõ.

Có tài liệu nói chị kết hôn với một vị tướng trong quân đội của chúa Trịnh. Chị làm công việc phiên dịch giữa người Việt và người Hà Lan. Nên phải chăng chị biết tiếng Hà Lan, và dĩ nhiên là giỏi tiếng Việt.

Tuy nhiên, chưa xác định rõ được phu quân của chị. Chỉ biết đại khái là người vùng Phố Hiến.

Ghi chép đương thời của phía Hà Lan thì có nhắc nhiều chỗ về chị. Người phụ nữ Nhật Bản ấy đã giúp đỡ các nhà buôn Hà Lan tới kinh thành Thăng Long hồi thập niên 1630. Chị dẫn họ tới chỗ chúa Trịnh, và làm công việc thông ngôn.

Trích một ít đoạn trong bản dịch cũ của cụ Phấn. Dịch phẩm của cụ Phấn thì tôi đã tạm đi một entry ở đây.



---




Trong số 13 của tạp chí Excursions et Reconnaissances xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1882, ông A.J.C Geerts, cố vấn Bộ Nội vụ ở Đông Kinh, có dịch ra chữ Pháp tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hòa Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637. Tập nhật ký đã cho thấy phương thức giao thương giữa VN với người phương Tây hồi thế kỷ 17.
Chiếc Grol được viên Giám đốc chi nhánh Ấn Độ Hòa Lan thương hội (Compagnie orientale des Indes néerlandaisee) ở Bình Hộ đảo (Hirado) là ông Koeckebacker cử đi mở đầu cuộc thông thương giữa Hòa Lan và Bắc kỳ. Sau đó Ấn Độ Hòa Lan thương hội mới lập một chi điếm ở Phố Hiến (Hưng Yên).
Ngày 31 tháng giêng tây. - Ngày 31 tháng giêng năm 1637, chiếc Grol rời đảo Bình Hộ (Hirado, Nhật Bản) để sang Đàng Ngoài. Trên thuyền có viên thương đoàn trưởng Karel Hartsinck đứng đầu phái bộ thương mại; ông Vincent Romeyn, người Hòa Lan, trú ngụ ở Trường Kỳ (Nagasaki) không làm cho Ấn Độ Hòa Lan thương hội, một mình đứng buôn bán riêng và trong việc bán buôn thường giao thiệp với lão Melebior Santovoort, là người Hòa Lan đã đến Nhật Bản từ ngày 19 tháng tư năm 1660. Giám đốc chi nhánh của thương hội ở Bình Hộ đảo là ông Nicolaas Keockebacker đã nhờ ông Vincent Romeyn đi chuyến này và đem tri thức và sự từng trải ra giúp thương hội; để đền công ông, hội cho phép ông mua (ở Nhật Bản) chừng hai nghìn rưỡi nén tiền hàng và hội chở không chỗ hàng ấy sang Đàng Ngoài cho ông.
Ông giám đốc của hội ở Nhật Bản có giao cho ông Karel Hartsinck một bức thư để dâng lên quốc vương xứ Đàng Ngoài và ông còn dự định phái một thương thuyền thứ hai là chiếc Waterlooze Werve từ Nhật Bản sang Đàng Ngoài nữa.
Ngày 5 tháng ba. - Bữa 5 tháng ba thì chúng tôi vào vịnh Hàn (Turon, Turan, Tourane, Cửa Hàn).
Ngày 13 tháng ba (1637) chúng tôi rời bến Quinam (Quảng Nam), ông Ducker có trao cho ông Hartsinck tờ báo cáo (mémoire) sau này về xứ Đàng Ngoài:
“Xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong đang chiến tranh; tuy hai chúa thâm thù nhau nhưng nhân dân hai xứ vẫn được thông thương buôn bán. Vậy trong khi đậu lại trong xứ Đàng Ngoài chúng mình vẫn có dịp giao thiệp với chi điếm ở Quinam.
Vào tháng một năm 1636, giá tơ rất hạ ở Đàng Ngoài và chỉ có 45 lạng một tạ. Nhưng vì có ba chiếc mành Bồ Đào Nha đến hai chuyến, một chuyến vào cuối tháng một năm 1636 và một chuyến vào ngày 15 tháng hai 1637, nên giá tơ lại lên 60 lạng một tạ rồi. Chúa Trịnh đã thâu nhận số tiền bốn vạn lạng của người Bồ Đào Nha đem đến và hứa sẽ tìm đủ số tơ cho họ. Trong số bốn vạn lạng nói trên có ba mươi hòm tiền bạc Nhật Bản tiếng Hòa Lan gọi là Schuitjes hoặc Schuitgeld.
Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh vốn là thân thích. Ta nên nhân dịp chiếc Grol thăm xứ Đàng Ngoài để dò hỏi một cách kín đáo xem chúa Trịnh có thể giúp lấy lại số 2 vạn 3 nghìn 5 trăm 80 reales (đơn vị tiền tệ Tây Ban Nha) do chiếc thuyền Grooten Brock chở; số tiền ấy khi thuyền đắm đã cứu được nhưng lại bị dân xứ Quinam chiếm giữ rất trái phép. Việc này cần phải điều đình khéo léo và kín đáo mới được, không nên nói thẳng cho Chúa Trịnh hoặc một vị đại thần nào biết, vì ở triều đình Thăng Long có tin tức gì thì trong Thuận Hóa đã được mật báo rồi. Và nếu Chúa Nguyễn biết chuyện chúng mình vận động, thì tất cả các quan chức trong chi điếm của chúng ta ở Quinam sẽ lâm nguy hết sức và lúc đó cái xứ tàn nhẫn ấy sẽ gây ra một bi kịch thực”.
Ngày 18 tháng ba. - Thời tiết và gió ngược nên chúng tôi lại phải quay mũi lại và bỏ neo gần Cửa Hàn. Sáng nay chúng tôi thấy chiếc Rurop của ta ra khỏi vịnh Hàn.
Ngày 23 tháng ba. - Hôm nay lại giương buồm ra Đàng Ngoài.
Mồng hai tháng tư. - Hôm nay mồng hai tháng tư, viên phụ tá và người thông ngôn của chúng ta trở về thuyền với viên quan coi thuyền chiến và hai người thư ký; tuy vậy họ vẫn còn giữ lại một người lính Hòa Lan tên là Wolf và một người dân bản xứ. Hai ông Eems (phụ tá) và Strick (thông ngôn) đã được đối đãi tử tế; người ta căn vặn hai ông xem người Hòa Lan đến làm gì, tự ý đến hay bị phong ba đánh dạt vào; hai ông giả nhời rằng: “Chúng tôi ở Nhật Bản lại; được nghe đại danh của vua chúa, nhân bên Nhật lại có chiếu cấm dân Nhật không được sang Đàng Ngoài buôn bán nữa nên ông quản lĩnh chi hội của Thương hội Hòa Lan ở bên ấy có phái một chiếc thuyền buôn sang để thân giao và buôn bán với xứ Đàng Ngoài. Hai ông lại có xin các quan cho phép chúng tôi được ngược sông và chở theo cả hàng hóa sớm ngày nào hay ngày ấy”.
Quan trấn hải thấy tặng vật của chúng tôi do viên phụ tá mang đến ít ỏi quá, trước hết khước từ, ý chừng cho rằng không xứng đáng với chức vụ của ông; nhưng sau cũng nhận, lấy cớ rằng chúng tôi là khách lạ ở phương xa mới đến chưa hiểu rõ phong tục ở đây. Ông lại thể tất quá lòng mong mỏi của chúng tôi; ông bảo chúng tôi ứng cho ông năm hòm bạc để ông mua tơ và quế giúp chúng tôi. Viên phụ tá có trả lời rằng không có quyền riêng để trả lời ông về chuyện đó. Sau rồi quan (trấn hải) lại bảo rằng ông Hartsinck là trưởng đoàn thương mại của chúng tôi nên đến công đường ông để bàn về việc ấy.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
http://thanhnien.vn/van-hoa/viet-nam-qua-ghi-chep-cua-nguoi-phuong-tay-thuyen-buon-ha-lan-den-dang-ngoai-692748.html













Việc ông Karel Hartsinck, thương đoàn trưởng của tàu buôn Hà Lan Grol được chúa Trịnh nhận làm dưỡng tử (con nuôi) đã được ghi chép trong nhật ký hàng hải của tàu.

Mồng 9 tháng năm: Chúng tôi dâng lên chúa một tờ sớ để nài cho được tự do buôn bán với dân gian; chúng tôi cũng tâu để chúa hay rằng chúng tôi sắp rời khỏi xứ này.
Chiều nay, vào quãng bốn giờ, chúng tôi được vào bệ kiến. Có nhiều lính mang khí giới. Chúng tôi đứng ở xa mà chào chúa ngự trong một hành lang (có lẽ là một gian điện, đằng trước có nhiều cột, ngai chúa đặt trong cùng điện). Chúng tôi được vời ngồi vào những chiếc chiếu trong một gian khác; ngồi đây thì không thể thấy long nhan được; chúng tôi được ban yến và dùng cơm. Có năm sáu người hòa nhạc cho chúng tôi nghe; một người nhào lộn và biểu diễn nhiều môn thể dục.
Bà Ouru-san (là người Nhật Bản) đi lăng xăng từ chỗ chúng tôi ngồi vào điện, rồi lại từ điện ra; sau cùng cũng dẫn được ông Hartsinck một mình vào triều kiến chúa Trịnh.
Sau khi đã làm lễ chào, ông được lệnh ngồi cách chúa mười ba bước, chúa ban khen ông đã đến đây; hỏi ông tính nết người Hòa Lan, quyền hành của quận vương xứ ta, của vua Tây Ban Nha; ông đối đáp tự nhiên làm chúa đẹp lòng. Sau chúa lại hỏi có phải thương hội ta đổi 150 hạt trai cho chúa Nguyễn để lấy Cù lao Chàm? Ông Hartsinck cải chính lời nói xằng ấy và bảo rằng người Bồ Đào Nha chỉ đặt điều nói bậy; vì hội đã đặt ra nhiều nguyên tắc và huấn lệnh, không bao giờ chúng tôi làm trái cả. Thương hội không muốn có thêm đất đai, chỉ lo mở mang việc buôn bán vào những chốn nhất định thôi.
Câu chuyện thành tự nhiên, thân mật, chúng tôi có lo đến chuyện thuyền buôn Hòa Lan và Bồ Đào Nha gặp nhau trên mặt sông trong xứ; nhưng chúa có nói không bao giờ chúa lại chịu để cho có cuộc tranh chiến ấy trong bờ cõi chúa; còn đánh nhau ngoài khơi thì tha hồ, chúa mặc không can dự. Ông Hartsinck rất cảm ơn chúa về lệ này và có xin chúa cho phép buôn bán tự do với dân chúng; chúa ưng thuận.
Sau cùng chúa có truyền cho ông Hartsinck rõ ràng sáu hôm nữa thì có thể bàn nhiều chuyện to tát; ý chúa muốn vời ông Hartsinck vào chầu để nhận ông làm dưỡng tử và để tiện thể định giá tơ cho chúng tôi mua.
Triều kiến xong thì chúng tôi lui ra, báo tin cho các ông cai bộ. Bây giờ mới biết chỗ dụng tâm của người Bồ Đào Nha làm cho chúa Trịnh nghi chúng tôi không phải là không công hiệu, vì không có lời sàm tấu, thì sao chỉ có một mình ông Hartsinck vào triều kiến thôi, vào chân tay không, không được mang khí giới; cũng vì có lời sàm tấu, nên bọn chúng tôi chờ mãi mới được vào trong triều.
Ngày 11 tháng năm: Viên thuyền chủ của chúng tôi biên thư lên nói rằng mua mọi thức cần dùng hằng ngày cho thuyền và các bạn khó khăn quá. Thế tử gửi cho chúng tôi một con bê và 12 lọ cau.
Chiếc Galiote Bồ Đào Nha bữa nay ra đến bể; chiếc mành và chiếc Nava ra đến trước chín ngày.
Ngày 15 tháng năm, các ông Hartsinck, Vincent Romeyn và Mathys ten Broecke vào chầu có bà Ouru-san theo làm thông ngôn. Đến nơi, chúng tôi làm lễ chào, đoạn người ta dắt chúng tôi vào một gian điện, điện này gần lăng tiên chúa và tổ mẫu của chúa. Chúng tôi lạy chào hai lăng ấy, giữa lúc ấy thì có 8, 9 mụ đàn bà mặc quần áo đến nhảy múa một lối riêng gần chỗ lăng. Họ múa xong, thì chúng tôi trở lại điện chúa. Nhưng chỉ một mình ông Hartsinck được vào bệ kiến thôi.
Chúa hỏi ông thỉnh cầu điều gì thì ông nói: “Những lệnh chúa đã truyền ra không được quan liêu tuân theo, nên xin chúa định cho một giá phải chăng để chúng tôi mua tơ, nhân thuyền chúng tôi chỉ đem có ít vốn đến thôi, chúng tôi mong chóng được về rồi chở bạc đầy thuyền đến mua tơ”.
Chúa hứa từ mai sẽ báo cho nhân dân được buôn bán tự do với người Hòa Lan.
Chúng tôi bái tạ chúa xong thì chúa nhận ông Hartsinck làm dưỡng tử; các quan cai bộ đặt cho ông tên là Heyng Thorgh (nghĩa là có độ lượng?). Chúa truyền ban cho ông Hartsinck một lá cờ để chuyến sau sang thì vào thăm các ông cai bộ được dễ dàng và ngược sông khỏi bị ngăn trở.
Chúng tôi xin phép tải ra ngoài 1, 2 thuyền gạo khi nào thương hội cần đến. Chúa trả lời rằng chúa không ngăn cấm.
Ngày 17 tháng năm: Chúa triệu chúng tôi vào. Đến trưa thì chúng tôi đi với bà Ouru-san vào phủ, có tải theo hai mươi hòm bạc.
Chiều đến, chúa ngự ra điện, ăn yến và xem các vũ nữ ăn mặc xinh đẹp múa. Chúng tôi lại xin chúa cho phép - như chúa đã hứa - vào nhà dân gian để mua tơ cũng như người Nhật Bản. Chúa lại trả lời với bà Ouru-san theo điệu cũ: “Chúa có cấm dân gian bán và có định giá tơ của dân và các quan cai bộ bán bao giờ đâu”. Chúa cho rằng người Hòa Lan ít kiên nhẫn, và còn nhiều thì giờ để mua tơ mà ngày nào dân cũng chở tơ mới quay được đến, chừng năm sáu hôm nữa số tơ đó sẽ nhiều vô số. Chúa cho rằng chúng tôi đáng lý ra phải vừa lòng rồi. Và chuyện tơ hãy xếp lại để bàn khi khác.
Mãi sau này chúng tôi mới biết rõ kết quả của những sự phỉnh phờ ấy - hễ không cho làm quan cai bộ trưởng vừa ý, thì chẳng mua bán gì được cả; họ đã có ý định bán tơ giá thật cao cho chúng tôi thì ắt chúng tôi phải mua cao; họ nói thẳng ý định ấy ra, ít nhiều lần cho chúng tôi biết.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
http://thanhnien.vn/van-hoa/viet-nam-qua-ghi-chep-cua-nguoi-phuong-tay-tro-thanh-con-nuoi-cua-chua-trinh-693328.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.