Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/04/2016

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN phản hồi thông tin ‘Lò sản xuất tiến sĩ’

Tin của các nơi.



---


Viện hàn lâm Khoa học Xã hội VN phản hồi thông tin ‘Lò sản xuất tiến sĩ’


Thứ Năm, 21/04/2016 11:28AM



(VTC News) – Lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thông tin về phản ánh của dư luận cho rằng nơi đây là “lò sản xuất tiến sĩ”.


Mới đây, trên mạng xã hội có thông tin phản ánh về "lò sản xuất tiến sĩ" chỉ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ. Đó là Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

Chia sẻ gây xôn xao dư luận
Chia sẻ về "Lò sản xuất tiến sĩ" gây xôn xao dư luận 

Một nhân vật khá nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục nêu: "Chỉ từ ngày 1/1/2016 đến ngày 11/4/2016, nơi đây đã cho "ra lò" (gọi là "bảo vệ thành công") 58 tiến sĩ. Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một chú tiến sĩ ra lò. Một trong các luận án tiến sĩ mới nhất - vừa bảo vệ thành công ở đây sáng ngày 15/4/2016 - là "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã".



Ngay sau khi được chia sẻ trên trang cá nhân, đã có gần 2.000 người thích và chia sẻ thông tin này. Thông tin này được chia sẻ trên các diễn đàn mạng đã khiến dư luận xôn xao.



Trao đổi với VTC News sáng 21/4, một lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin trên mạng xã hội bàn tán về việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội (Thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).



Vị lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết đây là đợt bảo vệ luận án tiến sĩ của rất nhiều mã ngành khác nhau của các khoa trực thuộc Học viện Khoa học xã hội. Những nghiên cứu sinh sau 3 năm làm luận án tiến sĩ đã đến hạn bảo vệ.



Nếu quá thời hạn trên, những nghiên cứu sinh này chưa bảo vệ thì sẽ được trả về địa phương. Vị lãnh đạo này cho biết ở những cơ sở khác việc đào tạo tiến sĩ có thể kéo dài đến 4 năm nên các đợt bảo vệ luận án tiến sĩ có thể rải rác và không tập trung.



Học viện KHXH được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Như vậy, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu trước đó.



Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng khẳng định việc đào tạo và tiến hành bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ của Học viện Khoa học Xã hội đảm bảo theo các quy định của Bộ GD-ĐT.
Học viện Khoa học xã hội  được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.      Học viện Khoa học Xã hội là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; có chức năng và nhiệm vụ chính sau đây:      - Đào tạo và cấp văn bằng thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam;      - Nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức;      - Tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
http://vtc.vn/vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-vn-phan-hoi-thong-tin-lo-san-xuat-tien-si.538.605682.htm








Thứ năm, 21/4/2016 | 17:51 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
Một người dùng Facebook đưa ra phân tích về lò sản xuấn tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ.


Thông tin được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở ở Hà Nội. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).
Cho rằng thống kê nói trên có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm vì có thể "đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong một năm", nên người dùng Facebook nói trên đã thống kê cho cả năm 2015 để cho số liệu chính xác hơn.
Cụ thể, trong năm 2015, từ 1/1 đến 31/12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ. 
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
thong-tin-lo-san-xuat-tien-si-gay-xon-xao-du-luan
Một số cá nhân bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2016.
Thông tin trên nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn (chưa tính các lĩnh vực an ninh - quốc phòng) càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Vài năm sau là các vị tiến sĩ này thành phó giáo sư, giáo sư hết và sẽ nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ địa phương đến trung ương.
"Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước", vị giáo sư nhận định.
Một số đề tài được người dùng Facebook mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Trả lời báo chí, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1-2 luận án được bảo vệ, có ngành còn không có người nào.
Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, ông Thắng giải thích, đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, còn hiện nay, luận án đã đi vào với những đề tài thiết thực với cuộc sống.
Lan Hạ
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/thong-tin-lo-san-xuat-tien-si-gay-xon-xao-du-luan-3390932.html



Bộ Giáo dục phản hồi thông tin "lò sản xuất tiến sĩ"


 - "Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo".
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet sáng nay (21/4) xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm về hiện tượng nhiều tiến sĩ bảo vệ thành công đề tài trong khoảng thời gian ngắn.
lò sản xuất tiến sĩ,

Xin bà cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong đào tạo tiến sĩ ở nước ta?
Từ năm 2011 đến nay, điều kiện để cho phép các cơ sở đạo tạo trình độ TS ở nước ta được quy định và thực hiện theo Điều 3, Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 của Bộ GD - ĐT. 
Đây là điều kiện cần thiết tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ TS; gồm các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm đào tạo. 
Thực tế những năm qua, Bộ GD - ĐT thực hiện đúng theo quy định này trong việc cấp phép đào tạo cũng như kiểm tra, xử lý sai phạm. 
Năm 2011, Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu. 
Năm 2012, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên. 
Từ năm 2012, Bộ GD - ĐT đã sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo trình độ TS, quy định việc thẩm định hồ sơ, luận án để đảm bảo và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở. 
Điều đó đã thể hiện khá rõ nét quan điểm của Bộ GD - ĐT: Một mặt đảm bảo quyền tự chủ của các nhà trường trong hoạt động đào tạo, Bộ không can thiệp về mặt chuyên môn nhưng mặt khác luôn kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.
 Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên.Có người làm phép tính cơ học để đưa ra kết quả như “Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò”…Điều này nên được nhìn nhận như thế nào?
Việc xác định chỉ tiêu, qui trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ phải tuân thủ đúng các qui định hiện hành. 
Để đảm bảo chất lượng tối thiểu, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo Thông tư 32/2015 của Bộ GD - ĐT (trước đây là Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT) và một số quy định khác về thời lượng và thời gian đào tạo trình độ TS; tiêu chuẩn giảng viên hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm luận án, quy trình bảo vệ,v.v...
Hàng năm, Học viện KHXH xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD - ĐT theo quy định. Trong 3 năm gần đây, học viện xác định và tuyển sinh vào khoảng 350 NCS/năm.
Học viện KHXH được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ TS. 
Như vậy, việc thành lập học viện không phải hình thành một cơ sở đào tạo mới mà là hợp nhất bộ phận quản lý đào tạo của các viện thuộc VASS với mong muốn công tác quản lý đào tạo được chuyên nghiệp và tiết kiệm hơn. 
Chỉ tiêu của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu, nếu tính bình quân thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn. 
Theo qui định hiện hành, Bộ GD - ĐT sẽ thực hiện hậu kiểm, xử lý những đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng qui định.
Việc cho phép học viện đào tạo một lượng lớn tiến sĩ trong thời gian như vậy có đảm bảo chất lượng?
Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu đào tạo trình độ TS lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào số giảng viên cơ hữu có trình độ TS, chức danh GS, PGS… 
Hiện nay, theo báo cáo của học viện, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ TS của cả VASS là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS. Như vậy, chỉ tiêu do học viện xác định vẫn trong phạm vi quy định, không vi phạm lỗi vượt quá chỉ tiêu.
Còn về đánh giá chất lượng, chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định). 
Điều đó phần lớn phụ thuộc vào tính quy chuẩn tương đối của ngành KHXH nhưng một phần cũng phụ thuộc vào mức độ yêu cầu, trách nhiệm của tập thể hướng dẫn và hội đồng chấm luận án. 
Nhà nước chỉ có thể quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện, tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện… còn chất lượng chuyên môn phải do các nhà khoa học, các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ đảm bảo.
Bộ đã qui định các cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót. 
Trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện KHXH không đạt yêu cầu chất lượng. 
Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo. 
Xin cảm ơn bà!
  • Văn Chung(Thực hiện)

Mới đây, trên mạng xã hội có lan truyền “phép tính” ra kết quả “chỉ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ”. Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ”.
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/300657/bo-giao-duc-phan-hoi-thong-tin-lo-san-xuat-tien-si.html




NÓNG: Họp báo về thông tin 'lò sản xuất tiến sĩ'
 -Buổi trao đổi  giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các cơ quan báo chí xung quanh thông tin đang gây xôn xao dư luận về  "lò sản xuất tiến sĩ" diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 10h sáng ngày 22/4.
XEM TƯỜNG THUẬT CHI TIẾT TẠI ĐÂY
Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết chiến lược phát triển của Học viện đã được phê duyệt đề ra mục tiêu tới năm 2020 phấn đấu đào tạo từ 450 – 500 chỉ tiêu nghiên cứu sinh mỗi năm.

GS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội là người nói đầu tiên. Ông Vinh cho biết hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ.
Theo ông Vinh, chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chi đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu.
"Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi" - ông Vinh khẳng định.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lò sản xuất tiến sĩ
Ông Võ Khánh Vinh (Ảnh: Văn Hiệp)
Bên cạnh đó, hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.
Về quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện, ông Vinh nhấn mạnh quy trình rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD-ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại học viện. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm. "Đó là thành công trong đào tạo tiến sĩ của học viện." - lời ông Vinh.
Bên cạnh đó, hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.
Về quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện, ông Vinh nhấn mạnh quy trình rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD-ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại học viện. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm. "Đó là thành công trong đào tạo tiến sĩ của học viện." - lời ông Vinh.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lò sản xuất tiến sĩ
Ông Nguyễn Văn Hiệp (Ảnh: Văn Hiệp)
Sau khi ông Lê Khánh Vinh cho biết tổng quan một số vấn đề về đào tạo tiến sĩ của Học viện, các viện trưởng đã trả lời về những đề tài luận án đang được quan tâm.
GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm luận án cho đề tài nghiên cứu "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" khẳng định đây là đề tài  là đề tài khá tốt và ông đang khuyến khích tác giả in thành sách.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lò sản xuất tiến sĩ
Ông Vũ Dũng (Ảnh: Văn Hiệp)
Khi nói về luận án hành vi giao tiếp của chủ tịch UBND xã với người dân, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học khẳng định: Đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt.
Vấn đề nghiên cứu của đề tài ctx là một vấn đề rất ít được nghiên cứu, thậm chí đây là đề tài đầu tiên về vấn đề này. Đề tài bổ sung lý luận cho lĩnh vực nghiên cứu tâm lý.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lò sản xuất tiến sĩ
 Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghe câu hỏi của phóng viên
Sau đó, các phóng viên tiếp tục đặt các câu hỏi về chủ trương chú trọng chất lượng của viện, cơ chế để người hướng dẫn có thể trả lương cho nghiên cứu sinh (thay vì thu học phí), các thông số về công bố quốc tế.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, lò sản xuất tiến sĩ
Họp báo về thông tin "lò đào tạo tiến sĩ"
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức, cho biết thêm: Tất cả luận án sau khi bảo vệ được Bộ chọn ngẫu nhiên 10% để thẩm định lại. Chưa có luận án nào của Học viện bị đánh giá không đạt yêu cầu.
Sắp tới học viện sẽ mua phần mềm giám định kết quả của luận án, có thể phát hiện hiện tượng gian lận trong nghiên cứu khoa học.
BẤM XEM LẠI NỘI DUNG BUỔI HỌP BÁO: Ban Giáo dục
Clip: Hoàng Long
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/300833/nong-hop-bao-ve-thong-tin-lo-san-xuat-tien-si.html



Thứ sáu, 22/4/2016 | 14:37 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội khẳng định so với khả năng hiện có, Học viện còn có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn chỉ tiêu 350 mỗi năm.
Sáng 22/4, tại cuộc họp báo giải đáp thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" đang gây xôn xao dư luận, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội), cho biết trước khi hợp nhất các viện nghiên cứu thành Học viện năm 2010 thì từ năm 1978 cơ sở đã được đào tạo tiến sĩ.
vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-dao-tao350-tien-si-mot-nam-van-con-khiem-ton
Lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội trao đổi tại họp báo. Ảnh: HT
Hiện Học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Hàng năm, Học viện xây dựng chỉ tiêu và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua là 350, chia cho các ngành chỉ 10 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi ngành. Số ứng viên ứng tuyển thường gấp đôi so với chỉ tiêu. "Như vậy chỉ tiêu không phải do Học viện đề ra mà do Bộ phê duyệt. Số lượng ứng viên dôi dư giúp chúng tôi có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất", GS Vinh nói.
Giám đốc Học viện cũng thông tin, hiện cơ sở có 412 giảng viên tham gia giảng dạy, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là tiến sĩ. Học viện cũng vận động giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường trên cả nước tham gia giảng dạy, nâng tổng số giảng viên lên khoảng 2.000.
Theo quy định, giáo sư, phó giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh độc lập, còn tiến sĩ thì 2 người hướng dẫn một nghiên cứu sinh. "So với khả năng hiện có chúng tôi còn có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, với chỉ tiêu 350 mỗi năm, có năm chúng tôi không tuyển hết để đảm bảo chất lượng", GS Vinh cho hay.
Giám đốc Học viện khẳng định căn cứ số chỉ tiêu tiến sĩ với cơ sở đa ngành thực hiện đào tạo nhân lực cao, lại là cơ sở duy nhất cả nước chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội "thì con số 350 còn khiêm tốn". Việc xác định chỉ tiêu của Học viện là đúng thực tiễn, theo yêu cầu của Bộ.
"Không có chuyện hạ thấp yêu cầu"
Về quy trình đào tạo, ông Vinh khẳng định rất chặt chẽ từ khi tham gia ứng tuyển đến khi trúng tuyển, làm chuyên đề, bảo vệ luận án. Những nghiên cứu sinh không làm đúng quy trình sẽ bị gửi về cơ quan và nếu học lại phải đúng 3 năm. Quy trình đào tạo này "chỉ có chặt chẽ hơn quy trình của Bộ chứ không có hạ thấp".
Học viện cũng báo cáo thường xuyên với Bộ về quá trình đào tạo. Theo đó, khi Học viện hợp nhất chỉ có 286 nghiên cứu sinh. Hiện nay tổng đào tạo 3 năm là hơn 1.000. Trong đó số lượng trả về và không quay trở lại khoảng 10%, khoảng 20% bảo vệ quá hạn, số còn lại đúng hạn.
"Có ngành số lượng nghiên cứu sinh ít nhưng chúng tôi vẫn đào tạo như Khảo cổ học chỉ có một người", ông Vinh nói và cho hay trong 784 tiến sĩ bảo vệ 3 năm qua, số người làm công tác nghiên cứu trong Viện hàn lâm chiếm 10%; giáo viên ở các trường chiếm tỷ trọng lớn; còn lại là cán bộ làm công tác hoạch định tư vấn chính sách cấp bộ, ngành; cán bộ khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được gửi đi học. Số cử nhân đi học tiến sĩ rất ít.
Như vậy, theo GS Vinh, thông qua khả năng lọc ở các địa phương, Học viện Khoa học Xã hội đã đào tạo ra "những máy cái", từ đó đào tạo nhân lực chất lượng cho các địa phương.
vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-dao-tao350-tien-si-mot-nam-van-con-khiem-ton-1
GS Võ Khánh Vinh: "Học viện có khả năng đào tạo nhiều hơn 350 nghiên cứu sinh mỗi năm". Ảnh: HT
"Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ"
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức cho biết, hàng năm sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, Bộ Giáo dục sẽ chọn ngẫu nhiên 10% luận án để thẩm định lại. Và cho đến nay Học viện không có luận án nào chưa đạt yêu cầu. "Sắp tới chúng tôi sẽ mua phần mềm để giám định chất lượng, vì nghiên cứu sinh khoa học xã hội có thể có copy, phần mềm sẽ phát hiện ra", ông Đức cho hay.
Trả lời câu hỏi với tốc độ đào tạo tiến sĩ như hiện tại, liệu Việt Nam có tiến tới phổ cập tiến sĩ, GS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học kể, khi ông sang đại học Tokyo (Nhật Bản) làm việc, lúc đó họ thiếu một giảng viên, nhưng đang có 20 tiến sĩ đăng ký thi. "Ở Việt Nam có chuyện này không? Chỉ một câu chuyện như vậy để thấy chúng ta nhiều hay ít tiến sĩ hơn so với thế giới", GS Dũng nói.
Còn GS Vinh thì khẳng định hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ. Số lượng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục chiếm tỷ lệ ít nên các trường đang tăng cường đào tạo nhân lực trình độ này. "Không thể nhìn số lượng 350 chỉ tiêu hàng năm rồi cho là lớn, mà phải nhìn tầng cao hơn nữa, ở tỷ lệ trong tổng số dân 90 triệu người", ông nói.
Trả lời băn khoăn về đầu ra của các tiến sĩ đào tạo tại Học viện, GS Vinh cho rằng không nên nói đầu ra vì các nghiên cứu sinh gần như 100% là cán bộ đi học. Lúc đó, họ đã giữ vị trí nhất định trong các nhà trường, cơ sở. Họ đi học là để nâng cao chất lượng, tầm nhìn. Hơn nữa, nghiên cứu sinh không chỉ đơn thuần làm công việc nghiên cứu mà còn được cung cấp luận cứ, kiến thức để phân tích và hoạch định chính sách.
Trước đó một người dùng Facebook phân tích Học viện Khoa học Xã hội sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ). Còn trong năm 2015, Học viện cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
Hoàng Thùy
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-dao-tao-350-tien-si-mot-nam-van-con-khiem-ton-3391394.html






Đề tài “giao tiếp của chủ tịch xã” có tính thực tiễn cao


 - “Đề tài có tính thực tiễn cao mà rất tiếc dư luận chưa hiểu được”. Đó là khẳng định của GS Vũ Dũng, Viện trưởng viện Tâm lý học, Chủ tịch hội đồng chấm luận án của đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã” tại họp báo sáng nay, 22/4.
Ngay khi bắt đầu phần trả lời của mình, GS Vũ Dũng khẳng định, đề tài “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã” là một đề tài tốt, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cao.
lò sản xuất tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã
GS Vũ Dũng cho rằng đề tài "Giao tiếp của Chủ tịch xã" là đề tài có tính lý luận và thực tiễn cao, rất tiếc là dư luận chưa hiểu được. Ảnh: Lê Văn.
Theo GS Dũng, về lý luận, nghiên cứu giao tiếp là một trong những vấn đề hết sức quan trọng của đời sống xã hội. “Không có giao tiếp không có con người, không có giao tiếp không có xã hội”, GS Dũng nói.
Từ đó, ông Dũng khẳng định, vấn đề nghiên cứu của đề tài “Giao tiếp chủ tịch xã với dân” là một vấn đề rất ít được nghiên cứu, thậm chí đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về vấn đề này. Do đó “ý nghĩa lý luận càng thiết thực”.
“Kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ góp phần bổ sung những vấn đề lý luận về giao tiếp xã hội trong tâm lý học ở nước ta hiện nay”, GS Dũng cho hay.
Về tính thực tiến của đề tài, GS Dũng cho biết, đây là đề tài được tất cả các cấp hội đồng của ngành đánh giá là đề tài có tính thực tiễn tốt.
Ông Dũng cũng dẫn ra 5 lý do để chứng minh cho tính thực tiễn của đề tài này:
Thứ nhất, theo vị GS Tâm lý học, Việt Nam có số lượng xã lớn. Tính đến tháng 5/2015, Việt Nam có 11164 đơn vị hành chính cấp xã. “11.164 xã đồng nghĩa với có 11.164 chủ tịch UBND xã. Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không, nghiên cứu có ý nghĩa không, chúng ta hãy tự trả lời?”, ông Dũng nêu câu hỏi.
Thứ hai, ông Dũng cho biết, nhiều người đặt câu hỏi "Vì sao đề tài lại nghiên cứu ở cấp xã mà không nghiên cứu cấp cao hơn như cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương?". Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho rằng, xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân và có vai trò quan trọng trong việc triển khai chủ trương chính sách đến với dân. “Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã”, GS Dũng nói.
Trong khi đó, trong bộ máy chính quyền xã thì chủ tịch xã có vai trò quan trọng. Các chính sách có triển khai được hay không không có vai trò quan trọng của chủ tịch xã.
Chủ tịch xã có triển khai được chính sách hay không, có gần dân, hiểu dân hay không có hiểu được nỗi băn khoăn, khó khăn của dân hay không đều phải thông qua hoạt động giao tiếp với dân. Nếu ở trong phòng đóng kín thì chủ tịch xã không hiểu được cái gì hết”, GS Dũng diễn giải.
Từ đó, GS Dũng cho rằng, “đề tài này có tính thực tiễn rất cao mà rất tiếc dư luận và mạng xã hội chúng ta chưa hiểu được”.
Thứ ba, ông Dũng cho rằng, thời gian gần đây, nhiều người nói tới một số hạn chế của của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, xa dân... Đó là dư luận nói, thực tế có phải như thế không phải có nghiên cứu thực chứng, không thể nói cảm tính được. Do đó, việc nghiên cứu đề tài này là cần thiết.
Thứ tư, ông Dũng nhận xét rằng, trong suy nghĩ của nhiều người luận án tiến sĩ phải to tát, hoành tráng nhưng hoàn toàn không phải vậy.
“Tôi được đào tạo nước ngoài về, đi 20 nước, đã tới hàng chục trường đại học, ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể, thực tiễn. Ví dụ, có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở VN sẽ nói rằng, đề tài đó có gì mà nghiên cứu, sẽ thành vớ vẩn, nhưng đằng sau đó là những vấn đề có tính thực tiễn, có giá trị văn hóa”.
Ông Dũng cho biết các đề tài nghiên cứu của Học viện nói chung xuất phát từ yêu cầu gắn thực tiễn… Việc đào tạo của học viện gắn liền với nghiên cứu và nghiên cứu gắn liền với đào tạo. Viện tâm lý học đi theo đường đó, nên đề tài rất gắn với thực tiễn, rất thiết thực, không có đề tài nào mông lung xa vời.
Cuối cùng, ông Dũng nhắc lại quy trình để một luận án tiến sĩ được đưa ra bảo vệ phải trải qua 8 bước, quá trình sàng lọc hết sức nghiêm ngặt, từ thi đầu vào, xác định tên đề tài, góp ý đề cương chi tiết, đánh giá các chuyên đề tiến sĩ, tư vấn góp ý trước khi bảo vệ cấp cơ sở cho tới đánh giá cấp cơ sở.
Ngay hội đồng đánh giá cấp cơ sở theo quy định có 2 người ở ngoài (học viện) và 5 người của học viện nhưng thực tế trong quyết định thành lập hội đồng thì chỉ có 2 người ở trong còn lại tới 5 người ở ngoài, GS Dũng dẫn chứng về tính nghiêm túc và khách quan của việc chấm đề tài.
“Qua các cấp như thế này không có đề tài vớ vẩn, vô nghĩa nào được đưa ra bảo vệ”, ông Dũng khẳng định.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp cận nội dung toàn văn của các luận án tiến sĩ tại Học viện, GS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho biết, sau khi bảo vệ chính thức và hoàn thiện tất cả các thủ tục về mặt quy định thì nghiên cứu sinh phải nộp một bản toàn văn sau khi đã chỉnh sửa lên Thư viện quốc gia. Đó là bản chính thức, ai cũng có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, theo ông Vinh, Học viện còn có quy định nghiên cứu sinh còn phải nộp một bản như vậy tại Trung tâm Thông tin thư viện tư liệu của Học viện. Bản này được sử dụng để cho nghiên cứu sinh nghiên cứu tại học viện có điều kiện thuận lợi tham khảo mà không phải đi xa.
Đối với 2 luận án được dư luận quan tâm là luận án “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” và luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, ông Vinh cho biết, hiện nay chỉ mới có một luận án “Hành vi nịnh trong tiếngViệt” đã chính thức bảo vệ xong, có thể tham khảo được.
Còn lại, luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịchUBND xã” vừa mới bảo vệ xong, còn phải tiến hành sửa chữa sau khi phản biện kín nên chưa thể tiếp cận rộng rãi được.
Lê Văn (Ghi)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/300945/de-tai-giao-tiep-cua-chu-tich-xa-co-tinh-thuc-tien-cao.html








"Tỷ lệ tiến sĩ của ta quá thấp trong khu vực"

Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết chiến lược phát triển của Học viện đã được phê duyệt đề ra mục tiêu tới năm 2020 phấn đấu đào tạo từ 450 – 500 chỉ tiêu nghiên cứu sinh mỗi năm.
350 chỉ tiêu/ năm là mức dưới trung bình
Sáng ngày 22/4, tại cuộc họp báo giải đáp thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" đang gây xôn xao dư luận, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội), cho biết hiện nay Học viện có 20 khoa, đào tạo tiến sĩ ở 36 ngành.
tiến sĩ, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội
Ông Võ Khánh Vinh
Hàng năm, Học viện xây dựng và được Bộ GD-ĐT thông qua 350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, chia cho các ngành chỉ 10 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi ngành. Một số ngành rất quan trọng cũng chỉ có số lượng chỉ tiêu ít ỏi.
Theo ông Vinh, số ứng viên ứng tuyển thường gấp đôi so với chỉ tiêu. Số lượng ứng viên dôi dư giúp Học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.
Về điều kiện giảng viên, ông Vinh cho biết hiện cơ sở có 412 giảng viên cơ hữu, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là tiến sĩ. Học viện cũng huy động giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở các trường trên cả nước tham gia giảng dạy, nâng tổng số người tham gia giảng dạy tại học viện lên khoảng 2.000.
"Chiếu theo quy định và so với khả năng hiện có, chúng tôi có thể đào tạo số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn. 350 chỉ tiêu cho học viện như vậy ở tầm dưới trung bình. Tuy nhiên, có năm chúng tôi không tuyển hết để đảm bảo chất lượng".
Theo ông Vinh, trong chiến lược phát triển học viện tới năm 2020 đã được phê duyệt, nếu số lượng ngành vẫn không thay đổi thì phấn đấu chỉ tiêu ở mức 450 – 500 mới đủ tầm ổn định để phát triển tiếp ở tầm cao hơn.
“Không có số lượng không phát triển về chất lượng. Có số lượng mới có thể sàng lọc. Có số lượng mới đủ kinh phí để trang trải, phát triển”.
Quy trình chặt chẽ, đề tài không xa vời
Cả lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện khoa học xã hội đều đặc biệt nhấn mạnh về điều này.
Ông Vinh khẳng định quy trình đào tạo rất chặt chẽ đối với ứng viên từ khi tham gia ứng tuyển đến khi trúng tuyển. “Quy trình có 8 bước. Những nghiên cứu sinh không làm đúng quy trình, không đúng thời hạn sẽ bị gửi về cơ quan, và nếu học lại phải đúng 3 năm. Việc thực hiện quy trình này là thành công của Học viện”.
tiến sĩ, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội
Ông Nguyễn Văn Hiệp
Theo thống kê của Học viện, khi mới hợp nhất học viện chỉ có 286 nghiên cứu sinh. Còn hiện nay, tổng số lượng đào tạo nghiên cứu sinh 3 năm là hơn 1.000. Trong đó, 70% bảo vệ đúng hạn, 10% bị trả về và không quay trở lại khoảng 10%, khoảng 20% bảo vệ quá hạn.
Trong 784 tiến sĩ đã bảo vệ 3 năm qua, số người làm công tác nghiên cứu trong Viện hàn lâm chiếm 10%. Giảng viên ở các trường đại học chiếm tỷ lệ lớn. Số tiến sĩ còn lại là cán bộ làm công tác hoạch định tư vấn chính sách cấp bộ, ngành, cán bộ khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) được gửi đi học.
Cũng theo ông Vinh, hiện nay tiến sĩ tập trung vào 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, miền Trung và miền Tây rất ít tiến sĩ. “Chúng tôi rất mừng là hiện nay số ứng viên xét tuyển làm tiến sĩ ở miền Trung đã về học viện rất nhiều”.
Về đề tài luận án tiến sĩ, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học nhận xét rằng trong suy nghĩ của nhiều người luận án tiến sĩ phải to tát, hoành tráng.
“Hoàn toàn không phải vậy. Tôi được đào tạo nước ngoài về, đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể, hết sức thực tiễn, cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở VN sẽ nói rằng, đề tài đó có gì mà nghiên cứu, sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, có giá trị văn hóa”.
Ông Dũng cho biết các đề tài nghiên cứu của Học viện nói chung xuất phát từ yêu cầu gắn thực tiễn… Viện Hàn lâm đào tạo gắn liền với nghiên cứu và nghiên cứu gắn liền với đào tạo.Viện Tâm lý học đi theo đường đó, nên đề tài rất gắn với thực tiễn, rất thiết thực, không có đề tài nào mông lung xa vời.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cũng cho biết đề tài nghiên cứu tiến sĩ của Việt Nam là phù hợp với xu hướng thế giới. Ông Hiệp đưa ví dụ về những đề tài nghiên cứu hành vi ngôn ngữ. “Đây là một trụ cột của ngôn ngữ học. Ngôn ngữ nhiều hành vi lắm. tôi đã hướng dẫn thành công luận án về hành vi cầu khiến, hành vi bác bỏ… Người ta còn nghiên cứu về hành vi khen, hành vi từ chối… Có hàng trăm luận án như vậy và có thể kiểm chứng dễ dàng. Và ở Việt Nam, nghiên cứu hành vi ninh hay trì hoãn, từ chối… phù hợp với xu hướng chung của thế giới, không có gì là xa lạ cả”.
Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ
Trả lời câu hỏi với tốc độ đào tạo tiến sĩ như hiện tại, liệu Việt Nam có tiến tới phổ cập tiến sĩ, ông Vũ Dũng đưa ra một ví dụ là khi sang ĐH Tokyo (Nhật Bản) làm việc, ông thấy họ thiếu một giảng viên, nhưng đang có 20 tiến sĩ đăng ký ứng tuyển. "Ở Việt Nam có chuyện này không, hay khi một trường tuyển giảng viên chỉ có vài ba tiến sĩ đăng ký? Chỉ một chuyện như vậy để thấy chúng ta nhiều hay ít tiến sĩ so với thế giới".
tiến sĩ, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội
Ông Vũ Dũng
Còn ông Vinh thì khẳng định luôn hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ.
"Số lượng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục chiếm tỷ lệ thấp, và không phải ngẫu nhiên Bộ GD-ĐT và các trường đang tăng cường đào tạo TS ở cả trong và ngoài nước. Không thể nhìn số lượng 350 chỉ tiêu hàng năm rồi cho là lớn, mà phải thấy rằng so với số lượng hơn 90 triệu dân thì tỷ lệ tiến sĩ của chúng ta là quá thấp trong khu vực", ông nói.
Trước băn khoăn về đầu ra của các tiến sĩ đào tạo tại Học viện, ông Vinh cho rằng ở học viện gần như 100% cán bộ đi học đều đang giữ chức vụ trong nhà trường, cơ sở nghiên cứu, trong quản lý.
“Đầu ra của họ đã có. Nhưng cái hay là việc đi học nâng cao chất lượng, tầm nhìn cách tiếp cận của họ. Đang làm lãnh đạo, nghiên cứu hay giảng dạy đều tốt lên, giải quyết công việc thực tiễn tốt hơn.
“Một số cấn bộ địa phương đã lên được phó chủ tịch chia sẻ rằng từ khi đi học về tầm nhìn, cách lãnh đạo quản lý có khác. Những điều học được từ chương trình đào tạo tiến sĩ đã thấm vào khác với khi học khi chưa đi làm. Đó là độ thấm tự nhiên, có tác động thực tiễn”.
Ít bài báo quốc tế vì chưa thống kê đủ
Một nhóm nghiên cứu sinh truy xuất dữ liệu từ trang Web of Science, thì trong năm 2015 số lượng bài báo ISI trong lĩnh vực khoa học và xã hội và nhân văn do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN công bố là 3 bài, chiếm 1,15% tổng số bài báo ISI trong cùng lĩnh vực của VN.
Trước băn khoăn về chất lượng nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học xã hội như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo tiến sĩ, GS.TS Trần Thị An cho biết đã có một thống kê có lẽ là chưa đầy đủ lắm. Theo đó, trong 5 năm, từ 2011 đến 2015, Học viện có khoảng 400 xuất bản phẩm quốc tế. Trong số đó, có một số được xếp vào ISI và một số ấn bản khác thì không.
tiến sĩ, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội
Bà Trần Thị An, Trưởng ban quản lý khoa học. Ảnh: Lê Văn
Giải thích thêm về điều này, ông Vũ Dũng cho biết Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng thấy được khó khăn của ngành khoa học xã hội nhân văn trong việc công bố quốc tế. “Bởi vì với khoa học tự nhiên công bố quốc tế đơn giản, nhưng khoa học xã hội việc công bố cần cân nhắc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không. Ví dụ như các ngành an ninh, quân sự, dân tộc học, tôn giáo, kể cả tâm lý học hay khảo cổ học, việc công bố quốc tế đều phải tính đến làm sao đảm bảo tính khoa học nhưng không ảnh hưởng lợi ích quốc gia.
Phải đăng bài báo như thế nào để hòa nhập với quốc tế nhưng không ảnh hưởng lợi ích chung. Đó cũng là nguyên nhân tại sao khoa học xã hội ít bài báo quốc tế hơn khoa học tự nhiên” – ông Dũng lý giải.
"Tôi làm chủ nhiệm 3-4 đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, có số liệu rất hay nhưng không đăng bài báo quốc tế nào, vì đăng thì không có lợi cho quốc gia", GS Vũ Dũng cho biết thêm.
Còn GS Võ Khánh Vinh khẳng định đây chỉ là một trong số chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Dẫu vậy, D Học viện có ý tưởng tới đây tìm các nguồn lực lập quỹ hợp pháp đầu tư cho nghiên cứu sinh giỏi, có bài đăng ở tạp chí nước ngoài. Ông cho biết thêm, ở Việt Nam đăng bài báo thì có tiền nhuận bút, còn ở nước ngoài muốn đăng phải nộp tiền.
Theo quan niệm của ông Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nếu đầu tư 100 triệu để đăng bài báo quốc tế thì nên dành cho những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn.
  • Ngân Anh - Lê Văn

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/300973/ty-le-tien-si-cua-ta-qua-thap-trong-khu-vuc.html









Thứ bảy, 23/4/2016 | 14:04 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
Lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, khoảng cách về chế độ chính trị và sự liên thông trong khoa học xã hội không dễ dàng là những lý do được lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ra khi có ít nghiên cứu công bố quốc tế.

Trong buổi họp báo làm rõ thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" gây nóng mạng xã hội, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng lý giải tại sao số lượng nghiên cứu được công bố quốc tế của viện lại thấp.
Theo thông tin công bố trên Web of Science trong năm 2015, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ công bố 3 bài báo ISI, chiếm 1,15% tổng số bài báo ISI trong cùng lĩnh vực của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 19,32%, Trưởng ban quản lý khoa học Trần Thị An cho rằng đó là thống kê chưa đầy đủ.
Bà cho biết, năm ngoái trên một diễn đàn chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ có thông tin số lượng bài đăng trên tạp chí quốc tế của Viện rất ít. Ngay sau đó, Viện đã thống kê lại toàn bộ và cho kết quả chưa đầy đủ là giai đoạn 2011-2015 Viện có khoảng 400 xuất bản phẩm quốc tế ở nhiều dạng. Trong đó, có một số được xếp vào ISI và một số thì không.
Theo bà An, việc công bố quốc tế của khoa học xã hội ít hơn khoa học công nghệ và tự nhiên là tình trạng chung toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Sự liên thông giữa khoa học tự nhiên nhanh và dễ dàng hơn khoa học xã hội. Hơn nữa, nghiên cứu xã hội có những khoảng cách về chế độ chính trị nên để đăng trực tiếp không dễ dàng như khoa học tự nhiên.
vi-sao-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-it-co-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te
Trưởng ban quản lý khoa học Trần Thị An. Ảnh: HT
GS Vũ Dũng, Viện trưởng Tâm lý học cho biết, trong các kỳ họp Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng bàn đến công bố quốc tế và khẳng định đây là xu hướng đúng, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tuy nhiên, Hội đồng cũng thấy được khó khăn của ngành khoa học xã hội, bởi với khoa học tự nhiên công bố quốc tế đơn giản, nhưng khoa học xã hội việc công bố cần cân nhắc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không. Ví dụ ngành an ninh, quân sự, dân tộc học, tôn giáo, kể cả tâm lý học hay khảo cổ học, việc công bố quốc tế đều phải tính đến làm sao đảm bảo tính khoa học nhưng không ảnh hưởng lợi ích quốc gia.
"Tôi là chủ nhiệm 3-4 đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, nhưng không đăng bài báo quốc tế nào mặc dù số liệu rất hay vì nếu đăng thì không có lợi cho quốc gia", ông nói và nhấn mạnh phải đăng bài báo như thế nào để hòa nhập với quốc tế nhưng không ảnh hưởng lợi ích chung. Đó là nguyên nhân tại sao khoa học xã hội ít bài báo quốc tế hơn khoa học tự nhiên.
Trước thông tin một số đại học bỏ tiền cho nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí quốc tế, GS Võ Khánh Vinh (Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội) cho rằng Hội đồng giáo sư nhà nước cũng bàn về vấn đề này, nhưng khẳng định đây chỉ là một trong số chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu.
"Dù là một tiêu chí thôi nhưng hiện Học viện có ý tưởng tới đây tìm các nguồn lực lập quỹ hợp pháp đầu tư cho nghiên cứu sinh giỏi, có bài đăng ở tạp chí nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng phải xem lĩnh vực nghiên cứu là gì. Nếu là an ninh quốc gia, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền... thì không phải đơn giản", ông nói và cho rằng ở Việt Nam đăng bài báo thì có tiền nhuận bút, còn ở nước ngoài muốn đăng phải nộp tiền (chưa kể có năng lực để viết hay không).
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức cho rằng nếu đầu tư 100 triệu để đăng bài báo quốc tế thì nên dành cho những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn.
"Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đặt câu hỏi có nên đầu tư đăng bài báo quốc tế không? Nhưng rồi lại đặt câu hỏi những bài đăng trên tạp chí phục vụ cho ai? Cuối cùng nhiều người thống nhất nghiên cứu khoa học trước hết phải phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam rồi mới đến hội nhập quốc tế", GS Vũ Dũng giải thích. 
Trước đó một người dùng Facebook phân tích Học viện Khoa học Xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. "Vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.
Nhiều người cho rằng việc đào tạo tiến sĩ nhanh và dễ dàng như thế cho thấy chất lượng các nghiên cứu không đảm bảo.  
Hoàng Thùy
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/vi-sao-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-it-co-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te-3391989.html






TP - Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam được mệnh danh là “lò đào tạo tiến sỹ” với chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sỹ/ năm. Một số luận án tiến sỹ mới được bảo vệ của Học viện này đang làm nóng dư luận vì bị cho là không xứng tầm, thậm chí vô bổ.
NCS Nguyễn Thị Hà (ôm hoa) đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với 7/7 thành viên hội đồng nhất trí thông qua. Ảnh: Trang web của Học viện Khoa học Xã hộiNCS Nguyễn Thị Hà (ôm hoa) đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với 7/7 thành viên hội đồng nhất trí thông qua. Ảnh: Trang web của Học viện Khoa học Xã hội
Chúng tôi đã gặp gỡ một số người trong cuộc và ghi nhận được nhiều chuyện bi hài đằng sau tấm bằng tiến sỹ.
Học tiến sỹ để làm gì?
Thời gian này, điện thoại của các vị lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội thường xuyên bị tắt hoặc từ chối không nghe các số máy lạ. Một số GS TS chuyên ngành nhấc máy thì một mực không bình luận vì: Tôi về hưu rồi, tôi không quan tâm tới những chuyện linh tinh trên báo hay trên mạng. Mà với những người không có chuyên môn thì tôi cũng chẳng muốn tốn lời làm gì. (?!)
Một số người hiện là giảng viên đại học, có người đang công tác trong Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Họ đều sở hữu tấm bằng Tiến sỹ dăm năm nay. Là bạn bè, họ mới dám chia sẻ chân tình, nhưng nhất định không đồng ý nêu họ tên và tên trường của họ lên báo.
Một cô bạn là giảng viên một trường đại học cho biết: “Học Tiến sỹ là bắt buộc. Càng học nhiều càng thất vọng vì giáo dục. Chuẩn bị tuyển sinh cao học khóa mới ở trường tớ đây, lắm chuyện hài. Ông chồng tớ thì kết luận, học lắm nhưng chả làm được gì nhiều cho đời, được mỗi cái đẹp điếu văn”.
Trên mạng xã hội, có khá nhiều người lên tiếng chia sẻ về vấn đề này. Anh Lê Ngọc Sơn, hiện đang là giảng viên và đang làm luận án Tiến sỹ tại Đại học Công nghệ Ilenau (trường top đầu của CHLB Đức) viết trên facebook của mình: “Đọc tên một số đề tài không khỏi ngao ngán cho nền khoa học nước nhà. Năm 2012 tôi từ bỏ theo tiến sĩ ngành kinh tế/ quản trị ở một cơ sở đào tạo trong nước. Đó là quyết định đúng đắn.”
Anh Sơn cho biết, anh vốn có bằng tốt nghiệp Thạc sỹ loại giỏi do một trường đại học có tiếng của Thụy Điển cấp, nên anh dự tính tiếp tục làm nghiên cứu sinh để mở mang thêm kiến thức. Tuy nhiên, tại buổi bảo vệ đề cương nghiên cứu sinh, Chủ tịch Hội đồng thẳng thừng tuyên bố: "Kể cả trong nghiên cứu khoa học, thế giới có cách phân loại của thế giới, Việt Nam có cách phân loại của VN. Bạn đừng bảo Tây mà đã ngon. Bạn hiểu rồi chứ!?". Sững sờ trước “lời phán” của Chủ tịch Hội đồng vì quan điểm cực đoan đầy tinh thần phi học thuật đó, anh Sơn đã quyết định không tiếp tục theo làm tiến sỹ ở đây nữa. Sau đó, Lê Ngọc Sơn đã nhận được nhiều lời mời tham gia chương trình tiến sĩ tại nhiều đại học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật. Và năm 2014, anh quyết định nhận học bổng toàn phần theo đuổi nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đại học Ilmenau. Không lâu sau đó, anh được mời làm giảng viên tại trường.
Lạm phát đào tạo tiến sỹ: Những tiến sỹ trong cuộc nói gì? - ảnh 1Lê Ngọc Sơn hiện đang làm luận án Tiến sỹ tại Đức.
Câu chuyện của anh Sơn đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè. Một bạn viết: “May mà đó là lúc bảo vệ đề cương chứ lúc bảo vệ luận án mà làm như vậy kể như CÔNG DÃ TRÀNG mấy năm trời. Tôi cũng không gan như bạn vì vẫn có suy nghĩ "qua sông lụy đò" cho được việc”. Bạn khác bình luận: “Tính khoa học, tính tiên tiến, tính thực tiễn đều không bằng tính thầy! Kinh khủng lắm!”.
Một bạn có nick Thanh Nguyen viết: “Chuyện Sơn kể, tớ gặp tương tự rồi, dĩ nhiên không đến nỗi như vậy, vì họ cũng có 1 vài góp ý có ích, nhưng là sự áp đặt sai lầm trong suy nghĩ về mặt phương pháp. Mình sợ cái học hàm, học vị đang lấn át cả tinh thần khoa học khi mà cái đúng của nghiên cứu KH được đo bằng vị trí công tác, kinh nghiệm lâu năm của người thầy và học hàm học vị của họ chứ không phải là qua khả năng chuyên môn của họ, và khả năng nghiên cứu KH qua những công trình, những bài viết KH mà họ đóng góp cho nền học thuật VN và quốc tế.”
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Bây giờ các trường ĐH, viện nghiên cứu xứ ta bằng mọi cách chiêu sinh NCS, miễn có người dự tuyển; vào rồi kiểu gì cũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Chủ tịch Hội đồng không cần có chuyên môn cùng chuyên ngành với NCS, miễn là có chức vụ! Thành viên hội đồng nào bỏ phiếu chống thì bị nhìn bằng nửa con mắt. Cho nên không ai bẻ nạng chống trời được; biết mà đành chịu.”
Bạn Mai Nguyen viết: “Đào tạo TS bây giờ như làm kinh doanh. Nhiều GV hướng dẫn ngoài cái đề tài TS của chính mình (TS trong nước) chẳng nghiên cứu gì mà cũng hướng dẫn”.
Tiến sỹ Việt, tiếng Anh kém tệ hại
Khi tìm kiếm luận án "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã" để hiểu rõ hơn về vấn đề đang tranh luận, chúng tôi chỉ tìm thấy những thông tin tóm tắt về những đóng góp mới của luận án này đăng trên trang web của Học viện Khoa học xã hội bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Khi đọc phần dịch tiếng Anh phần tóm tắt này, những người am hiểu tiếng Anh đều phải thốt lên:  Tiếng Anh quá dở.  TS Trần Vinh Dự viết: “Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! Dở đến nỗi có khi còn thua cả google translate (phần mềm dịch tự động của google - NV).”
Anh Trần Huy Phương, nguyên giảng viên khoa tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội (tiền thân là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), một tác giả trong nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh từ lớp 6-9 mà học sinh Việt Nam đang học, nhận xét: “Tiếng Anh chuối chuối. Đọc phần dịch tiếng Anh thấy như  dùng "Google translate" các cụm từ rồi ghép vào.”
Chưa nói gì đến câu cú, ngữ pháp, cách hành văn tiếng Anh, chỉ cần  đọc cái tiêu đề của luận án này được dịch sang tiếng Anh, một người có bằng A tiếng Anh (chứng chỉ tiếng Anh thấp nhất) hay một học sinh cấp 2 cũng nhận ra không bao giờ có hai từ “of” (có nghĩa là “của”) đi liền nhau trong đoạn “The information of of new contribution of the thesis” (phần dịch của “Trang thông tin những đóng góp mới của luận án”).
Trong khi đó, trong thông báo tuyển sinh trình độ Tiến sỹ mà Học viện Khoa học Xã hội ban hành ngày 18/12/2015, một trong bốn điều kiện dự tuyển là trình độ ngoại ngữ (Qui định ở mục III. Điều kiện dự tuyển, phần d).
Chúng tôi tìm thấy trên trang web của Học viện Khoa học Xã hội thông tin tóm tắt về luận án tiến sỹ "Câu bị động tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt" đang gây tranh cãi. Một số người am hiểu tiếng Anh đều nhận định, đây là vấn đề quá nhỏ để có thể làm luận án tiến sỹ. Mới đọc phần tóm tắt luận án, có người đã chỉ ra một số điều bất cập của luận án này. Đó là người hướng dẫn đề tài  là một PGS TS rất có uy tín trong ngành ngôn ngữ học. Đọc hồ sơ của vị PGS TS này thấy ông có rất nhiều công trình nghiên cứu lớn về ngôn ngữ học, nhưng chỉ có Bằng C tiếng Anh và tiếng Nga (1989) do trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội cấp.
Một số giảng viên tiếng Anh tại Việt Nam đều cho rằng, bằng C tiếng Anh được cấp ở Việt Nam thì chưa chắc đã đọc thông viết thạo tiếng Anh, chứ chưa nói gì đến việc có thể hướng dẫn luận văn về đề tài tiếng Anh. Một nhà nghiên cứu người Việt ở châu Âu đặt vấn đề: Với cái bằng C tiếng Anh này (cứ coi là "thực học" đi), thì khả năng thực hành chỉ tương đương một em học sinh cấp 3 các nước Pháp, Đức, Bỉ. Với năng lực ngôn ngữ tiếng Anh như thế, làm sao để đủ sức khám phá Anh ngữ học (để mà bàn về câu bị động tiếng Anh)?
Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi phát biểu trên mạng, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước.
Tiến sĩ ngại dùng danh xưng tiến sĩ
hi được hỏi về các luận văn tiến sỹ gây tranh cãi hiện nay cũng như vấn nạn lạm phát sau đại học tại Việt Nam, nguyên Chủ tịch trường cao đẳng Việt- Mỹ (Broward College Vietnam) tại TP.HCM - ông Trần Vinh Dự, tốt nghiệp tiến sỹ từ Đại học Texas - Austin (Hoa Kỳ) không ngần ngại trả lời: “Từ nhiều năm nay tôi và một số bạn bè hiếm khi dùng danh xưng tiến sĩ khi nói về bản thân mình. Chúng tôi cảm thấy ngại. Vì lại phải giải thích làm tiến sĩ ở đâu, trường nào, ngành gì. Còn nếu không giải thích thì như các bạn biết rồi, ở VN nhiều khi nó như cái trò hề, bị giễu cợt vì nó giả nhiều quá, tào lao quá, rẻ rúng quá”.
Ông Trần Vinh Dự cũng cho biết: “Dân Việt Nam mình mua bằng tiến sỹ Mỹ ở các trường rởm nhiều lắm”. Rồi ông giải thích: Ở Mỹ, họ quản lý bằng kiểm định chất lượng. Nhưng một số hiệp hội kiểm định thuộc loại “đểu” (chứ không phải giả) thường chỉ kiểm định các chương trình online hoặc mấy trường nhỏ mới thành lập. Còn bọn giả 100% là bọn không có kiểm định gì cả, hoặc tự phịa ra mấy tổ chức kiểm định của họ để bán bằng. Các trường này được gọi là diploma mills (cơ sở sản xuất bằng giả).
TS Trần Vinh Dự cho biết, ở Mỹ các trường tự quyết, tùy trường, tùy khả năng. Các trường lớn luôn quan tâm nghiên cứu sinh tốt nghiệp có xin được việc không. Có nhiều trường, nếu chưa xin được việc là họ chưa cho tốt nghiệp. Ở Mỹ, không có tình trạng người đi làm rồi mà đi học tiến sỹ. “Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có tiến sỹ tại chức (vừa đi học, vừa đi làm)”, Trần Vinh Dự nói.n
TS Trần Vinh Dự
http://www.tienphong.vn/giao-duc/lam-phat-dao-tao-tien-sy-nhung-tien-sy-trong-cuoc-noi-gi-996230.tpo









Hai chuyện để ngỏ sau họp báo "lò sản xuất tiến sĩ”


 - Câu chuyện đào tạo TS của Học viện Khoa học Xã hội (GASS), thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) làm xôn xao cộng đồng mạng và báo chí mấy ngày qua vừa tạm “lắng xuống” với cuộc họp báo ngày 22/4.
Những tranh cãi không hồi kết
Công bằng mà nói, lãnh VASS đã tổ chức họp báo khá chuyên nghiệp và cởi mở. Họ nêu ra các vấn đề đã được chuẩn bị trước cũng như sẵn sàng trả lời các câu hỏi của phóng viên ngay tại hiện trường.
Bốn điểm cộng chia đều cho tất cả các bên liên quan trong câu chuyện này vì sự phản ứng nhanh nhẹn và khá hợp lý của họ: cộng đồng mạng, các nhà báo, Bộ GD-ĐT và chính GASS.
lò sản xuất tiến sĩ, công bố quốc tế, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội giải thích tại buổi họp báo. Ảnh: Lê Văn
Chuyện các đề tài tiến sĩ (TS) trong ngành khoa học xã hội ở Việt Nam có tên khá “bình dân” đã thỉnh thoảng bị “soi” bởi cộng đồng mạng trong thời gian qua. Câu chuyện thực sự gây ngạc nhiên và tạo ra sự quan tâm lớn khi cộng đồng mạng đưa ra các thống kê về số lượng lớn luận văn TS được hoàn thành trong thời gian ngắn và có nhiều tên đề tài dường như gợi ý các vấn đề được nghiên cứu chưa xứng tầm luận văn TS.
Chuyện tranh luận về “tầm vóc” và “sự quan trọng” của các vấn đề nghiên cứu (cho nghiên cứu TS hay khi tác giả gửi báo đăng trên các tạp chí khoa học) là chuyện xảy ra thường xuyên của giới hàn lâm. 
Kể cả khi đã đồng ý với nhau về sự quan trọng của vấn đền ghiên cứu thì kết quả và khám phá khoa học thế nào là đủ “tầm” luôn là chuyện gây tranh cãi và câu trả lời dù thế nào cũng do các cá nhân (hội đồng chấm luận văn hay các biên tập viên (editor) của tạp chí khoa học) quyết định và tất nhiên là không thể tránh khỏi sai sót và tranh cãi nếu có.
Vì thế, các tranh luận về tầm quan trọng của các đề tài luận văn TS (được đề cập trên mạng và báo chí) sẽlà chuyện không có hồi kết. 
Điều này đặc biệt khó vì các hội đồng chấm luận văn đã theo đúng “quy trình” như đã được trình bày từ lãnh đạo GASS. Tôi cũng tin rằng các GS/TS của viện đủ hiểu biết và tuân thủ các quy trình đấy. Vấn đề thứ 2 liên quan đến chất lượng các luận văn TS cũng không đơn giản hơn, khi các hội đồng chấm luận văn gồm các GS nhiều kinh nghiệm.
Hai vấn đề để ngỏ
Tuy nhiên, tôi muốn bàn một chút về nội dung cuộc họp báo. Các câu hỏi về quy trình đào tạo, nhìn chung lãnh đạo VASS và GASS đã trả lời thỏa đáng. 
Tôi chỉ đặc biệt quan tâm 2 câu hỏi gần cuối cuộc đối thoại do nhà báo Thanh Niên và một nhà báo khác từ VietNamNet. 
Câu hỏi từ báo Thanh Niên liên quan đến chuyện các GS (đặc biệt từ các ĐH có uy tín) thường có quỹ nghiên cứu để hỗ trợ NCS TS, nhằm tìm kiếm ứng viên tốt nhất thay vì mong đợi tiền học phí từ NCS; trong khi câu hỏi từVietNamNet liên quan đến công bố quốc tế.
Cả 2 câu hỏi đều gây ra ít nhiều “lúng túng” cho lãnh đạo viện. 
Một ý khá thú vị được đề cập liên quan đến chuyện viện thường trích các chương của các luận văn để làm thành các đềtài khoa học (nhằm có thêm kinh phí nghiên cứu!).
Câu trả lời về công bố quốc tế cũng gây tranh cãi vì thông tin viện có 400 công bố quốc tế trong 5 năm gần đây (không rõ các công bố đăng trên tạp chí quốc tế nào trừ khi viện cung cấp danh sách các công bố này để cộng đồng có thêm phản biện).
Đi vào vấn đề chuyên môn, các phản hồi về 2 luận văn được đề cập nhiều trên mạng và báo chí (“Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã” và "Hành vi nịnh trong tiếng Việt") đều khẳng định tính “khoa học” và “thực tiễn” cao của cả 2 đề tài. 
Mặt khác một đề tài được hướng dẫn bởi một GS “đầu ngành” được đề cập là một trong "4 tứ trụ" của chuyên ngành. Trong các tranh luận có tính khoa học thế này thì các luận chứng khoa học nên được đề cao thay vì tập trung vào chuyện đối tượng là một “nhà khoa học lớn”.
Như đã nói ở trên, cả chuyện đề tài và chất lượng các luận văn TS đã hoàn thành sẽ là vấn đề khó có hồi kết khi đem ra tranh luận hay “hậu kiểm”.
Tôi chỉ muốn đề cập đền một đặc trưng của nghiên cứu khoa học: Các kết quả khoa học tốt thường “không có biên giới” vì nó thường là các khám phá ra các quy luật có tính phổ quát. 
Chuyện đưa các nghiên cứu trong ngành KHXH của VN về “gần với cuộc sống”,“không viển vông” như được đề cập từ các lãnh đạo viện là các ý dễ gây tranh cãi. Chỉ e rằng khi các vấn đề nghiên cứu (đặc biệt ở mức TS), khi được “bình dân hóa” quá mức để phù hợp (và “hữu ích”?) với tình hình và hoàn cảnh của VN(như các vấn đề liên quan đến tổ chức phường xã) thì sẽ khó dẫn đến các quy luật phổ quát giúp các công trình khoa học có giá trị.
Vấn đề thứ hai liên quan đến công bố quốc tế. Giới hàn lâm ai cũng biết (lãnh đạo GASS cũng thừa nhận) tầm quan trọng của việc khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo và giá trị của các nghiên cứu khoa học qua việc đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí hàng đầu hay sách in từ các nhà xuất bản quốc tế có uy tín.
Vì thế, dù quá trình khám phá và đăng tải các kết quả nghiên cứu trong ngành KHXH trên các tạp chí có uy tín thường chậm và khó khăn hơn so với các ngành KHTN, không nên lấy đó làm lý do để từ chối hay trì hoãn cho việc tham gia tích cực vào các hoạt động hàn lâm thời toàn cầu hóa như công bố quốc tế.
Điều này đặc biệt quan trọng khi VN đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các sân chơi lớn như TPP hay phải giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như chủ quyền trên Biển Đông, hay các vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta nên có các nghiên cứu trong các ngành KHXH đạt tầm vóc toàn cầu để dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách và phát triển của VN.
Một chuyện nữa: Nên chăng có chính sách phù hợp để các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản từ phương Tây và có hiểu biết tốt về các thành tựu KHXH của nhân loại, tham gia nhiều hơn và có chỗ đứng trong nước để họ có thể phát huy khả năng trong sân chơi nghiên cứu KHXH?
Điều đó sẽ giúp phát huy thế mạnh tương trợ của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu (kinh nghiệm, quan hệ và sức trẻ và sáng tạo), sử dụng hiệu quả các quỹ nghiên cứu khoa học và giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn với cộng đồng KHXH toàn cầu.
PGS Lê Bảo Long(Canada)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/301102/hai-chuyen-de-ngo-sau-hop-bao-lo-san-xuat-tien-si.html





Tóm tắt luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh từ “lò đào tạo tiến sĩ” dở hơn... Google Translate
LĐO HUYÊN NGUYỄN   


Bản tóm tắt tiếng Anh bị cho là có nhiều sai sót
TS Trần Vinh Dự chia sẻ, bản tóm tắt luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh dở hơn... Google Translate và không bằng một sinh viên cao đẳng bình thường nơi ông giảng dạy.
TS Trần Vinh Dự bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2007 tại ĐH Texas ở Austin (University of Texas at Austin). Trước thông tin, một loạt đề tài nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội được cộng đồng mạng cho rằng thiếu thực tiễn và không xứng tầm như Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã; Hành vi nịnh trong tiếng Việt; Câu bị động trong tiếng Anh và phương thức dịch sang tiếng Việt; Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề; Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm; Đặc điểm ngữ âm tiếng Sơn Tây…
Ông Dự chia sẻ: Mấy hôm nay dân tình nói nhiều về cái vụ sản xuất bằng tiến sĩ tốc độ cao ở Việt Nam. Trên mạng thì chưa thấy có bản luận án nào được công bố. Chỉ có bản tóm tắt một trang vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh thôi.
Cụ thể, ông Dự cho biết đọc phần tóm tắt của luận án "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã" thì không thấy được cái luận án nghiên cứu và kết luận cái gì. Nó chỉ thấy có một vấn đề lớn rất dễ nhận ra. Đó là tiếng Anh quá dở.
“Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! Dở đến nỗi có khi còn thua cả google translate. Bạn nào rảnh rỗi thử kiểm tra xem phần dịch đó có phải tác giả dùng google translate không.”, TS Trần Vinh Dự nhấn mạnh.
Ông Dự còn cho rằng nếu bạn nghiên cứu sinh (giờ đã là tiến sĩ) này mà thi vào Broward College Vietnam chắc chắn sẽ bị đánh trượt. Nhưng Broward College là chương trình đại học của Hoa Kỳ nên so sánh với bạn tiến sĩ kia về tiếng Anh thì cũng không "fair" (không công bằng - PV) cho bạn ấy. Thôi so với một sinh viên cao đẳng bình thường ở Cao đẳng Việt Mỹ đi, có lẽ tiếng Anh của bạn ấy vẫn thua xa sinh viên cao đẳng nhà mình.
Vị TS đưa giả thuyết: “Mà nếu thua thật thì có nên xé bằng không nhỉ? Hay tiến sĩ nhà mình không cần biết tiếng Anh?”
 Bản tóm tắt tiếng Anh của luận án "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã" được đăng trên webiste của Học viện Khoa học Xã hội
Sau khi đăng tải ý kiến, ngay tập tức người dùng facebok đã tỏ ra bất ngờ và đưa ra nhiều bình luận về bản tóm tắt trên. Ý kiến của bạn Vu Thai Hai cho rằng: “Cái này không phải viết bằng tiếng Anh đâu mà là dịch từ Tiếng Việt sang”.  
Bạn Đỗ Nguyên Ái phân tích “... to promote positive points and restrict limited points...” chắc là dịch từ “... phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế...” như vậy ngay từ tiếng Việt đã sai bét rồi, làm sao mà dịch ra bất cứ thứ tiếng nào khác.
Bạn Linh Nguyen bày tỏ: “Đọc xong muốn xỉu luôn”.
Bạn Trung Tran cho rằng: “Em English TB thế mà đọc chẳng hiểu gì luôn”.

Không chỉ cho rằng bản tóm tắt luận án bằng tiếng Anh sai sót về ngữ pháp, nhiều người còn cho rằng lỗi trong văn bản thể hiện sự cẩu thả không thể chấp nhận được.

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tom-tat-luan-an-tien-si-bang-tieng-anh-tu-lo-dao-tao-tien-si-do-hon-google-translate-544291.bld







Thông tin tóm tắt những đóng góp mới của luận án: "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã"

17/03/2016

Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hà
Họ và tên người hướng dẫn khoa học:
GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn


http://www.gass.edu.vn/Detail.aspx?ArticleID=3046&TenBai=Thong-tin-tom-tat-nhung-dong-gop-moi-cua-luan-an:-







Thứ ba, 26/4/2016 | 08:21 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
"Càng đọc vào bài tóm tắt, lỗi dùng sai cụm từ, chia sai động từ càng nhiều và lỗi ghép từ sơ đẳng như một người mới tập viết tiếng Anh", chuyên gia Nguyễn Anh Đức nhận xét.

Gần đây cộng đồng xôn xao về “lò sản xuất tiến sĩ” với nhiều nhận xét tiêu cực. Thậm chí, một số người dùng Facebook còn đăng tải bản tóm tắt bằng tiếng Anh của luận án tiến sĩ với chủ đề “Giao tiếp của chủ tịch xã với dân” cho thấy sự thiếu cẩn trọng, sự yếu kém toàn diện về khả năng tiếng Anh của tác giả.
ban-tom-tat-luan-van-tien-si-bang-tieng-anh-sai-tu-chinh-ta-toi-van-phong
Bản tóm tắt bằng tiếng Anh của luận án tiến sĩ với chủ đề “Giao tiếp của chủ tịch xã với dân”.
Theo tiến sĩ Ben Williams (tiến sĩ tâm lý học người Canada và cũng là nhà giáo dục giàu kinh nghiệm, kinh qua các vị trí như giáo sư đại học hay hiệu trưởng của chuỗi trường Montessori ở Canada), hiện là giám đốc học thuật của một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội, thì “trình độ tiếng Anh của bản tóm tắt luận án tiến sĩ này chỉ tương đương bài viết của học sinh cấp 3, hoặc cao lắm cũng chỉ bằng trình độ viết của sinh viên mới vào đại học ở những nước nói tiếng Anh xét về mặt văn phong, tạm gạt đi lỗi sai về chính tả, dấu câu, lỗi ngữ pháp và lỗi dùng từ”.
Sự cẩu thả về chính tả và dấu câu
Ngay dòng tiêu đề đã mắc lỗi viết thừa một chữ OF (Information of of new contributions of thesis). Không chỉ đánh thừa chữ, mà chính tả cũng rất nhiều lỗi. Ví dụ “Opening summany” (viết đúng chính tả là opening summary, thay chữ n bằng chữ r ở chữ summary), hay citizents cần phải được sửa lại là citizens.
Ngay cả dấu câu trong bài tóm tắt cũng không đúng, ví dụ chỗ “Name of: PhD Student: Nguyen Thi Ha”, thì chí ít cũng phải bỏ dấu hai chấm (:) sau chữ of đi thành Name of PhD student.
Những lỗi chính tả và đánh máy cứ lặp lại liên tục cho đến cuối văn bản, ngay cả viết ngày tháng cũng khiến người xem không biết nên hiểu theo cách nào khi tác giả viết “Date: 03 May 16, 2016”.
Lỗi ngữ pháp đếm không xuể
Cũng ngay ở dòng đầu tiên viết bằng chữ in hoa, chúng ta thấy ngay lỗi không biết sử dụng cụm danh từ. Cụ thể là “information of new contributions of thesis” phải viết đúng là The information of new contributions of the thesis.
Lỗi dùng cụm danh từ là khó tránh với người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ, nhưng lỗi chia động từ thì thật khó có thể bào chữa. Cụ thể là câu “thesis build a…” thì tối thiểu động từ build phải được chia theo chủ ngữ là ngôi thứ 3 số ít là builds, và chủ ngữ cần phải viết ở dạng cụm danh từ, cụm đó cần viết lại là This thesis builds... Còn nếu muốn viết đúng ở trình độ của một bài viết học thuật thì câu ấy cần được sửa thànhThis thesis seeks to build
Càng đọc vào bài tóm tắt, lỗi dùng sai cụm từ, chia sai động từ càng lặp lại nhiều, cộng với lỗi ghép từ sơ đẳng (word-by-word) như một người mới tập viết tiếng Anh. Cũng vì lỗi ghép từ này mà tiêu đề của luận án “Communication characteristics with the citizens of the president of the commune People’s Committee” trở nên khó hiểu trong mắt người bản ngữ.
Theo tiến sĩ Ben Williams, tiêu đề này nên được đặt lại là Communication characteristics of Presidents of commune People’s Committees with commune citizens dù chưa thật tự nhiên, nhưng ít nhất cũng khiến người đọc không mất nhiều sức để luận ra được nội dung đề tài.
ban-tom-tat-luan-van-tien-si-bang-tieng-anh-sai-tu-chinh-ta-toi-van-phong-1
Anh Nguyễn Anh Đức: "Trình độ B2 với thang điểm IELTS tương ứng là từ 5.5 đến 6.5, chưa thực sự đủ năng lực ngôn ngữ để viết một công trình nghiên cứu học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh". 
Có nhất thiết phải viết bằng tiếng Anh?
Bản tóm tắt luận án tiến sĩ về đề tài giao tiếp của chủ tịch xã với dân bàn về một vấn đề của Việt Nam, hầu như chỉ phục vụ công tác nghiên cứu ở Việt Nam, và người đọc cũng là người Việt Nam. Vậy thì nó có cần thiết phải được viết bằng tiếng Anh không?
Tạm gác qua một bên về tính nghiên cứu và tầm vóc học thuật với một đề án tiến sĩ khi nghiên cứu về đề tài giao tiếp của chủ tịch xã với dân, chỉ cần bàn về nhu cầu cơ bản là ngôn ngữ thể hiện nội dung và để đọc thôi, thì thiết nghĩ bản tóm tắt và cả luận án chính thức cũng chỉ nên viết bằng tiếng Việt.
Có lẽ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với nghiên cứu sinh khi bảo vệ đề án phải đạt trình độ ngoại ngữ là B2 theo khung quy chiếu châu Âu (CEFR) chỉ nên hiểu là yêu cầu về khả năng giao tiếp. Vì bản chất trình độ B2 với thang điểm IELTS tương ứng từ 5.5 đến 6.5, chưa thực sự đủ năng lực ngôn ngữ để viết một công trình nghiên cứu học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh. Do B2 có thể hiểu là trình độ ngoại ngữ cao trung cấp (upper-intermediate) mà ở đó người dùng ngoại ngữ có thể sử dụng độc lập ở mức độ cao, nhưng vẫn còn mắc lỗi nhiều và văn phong chưa tự nhiên.
Trong đó trình độ C1 (cao cấp, tương đương 7.5 IELTS trở lên) mới thực sự đảm bảo rằng người sử dụng ngoại ngữ có thể viết tài liệu nghiên cứu với trình độ học thuật cao. Nhưng để đạt đến trình độ C1, người học cần được đào tạo trong khoảng thời gian là 3.000 giờ học, trong khi đó để đạt đến trình độ B2 người học chỉ cần được đào tạo trong 800 giờ (trích thống kê về thời gian đào tạo tiếng Anh từ A1 đến C2 tại Phần Lan năm 2010).
Để có được 3.000 giờ đào tạo, người học phải mất 3 năm học liên tục với tối thiểu mỗi ngày học 2,5 giờ mà không bỏ bất cứ ngày nào. Liệu điều này có thực tế không?
Nguyễn Anh Đức
Chuyên gia giảng dạy tiếng Anh, CEO công ty Smartcom Việt Nam







Phó Giáo sư bày cách nhận diện luận án tiến sĩ kém chất lượng


HUYÊN NGUYỄN   
PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học.
Vấn đề chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta, đặc biệt là bậc tiến sĩ đang được xã hội rất quan tâm kể từ sau hàng loạt các thông tin về chất lượng tiến sĩ thời gian qua. Vì vậy, PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nêu lên một vài yếu tố dễ nhận ra với một luận án tiến sĩ kém chất lượng của khoa học xã hội, và cũng theo đó là một hội đồng chấm luận án kém chuẩn mực. Với cách này, những người không có chuyên môn sâu về các lĩnh vực của khoa học xã hội vẫn có thể đánh giá được, qua đó góp phần giám sát để nâng cao chất lượng của các luận án tiến sĩ ở nước ta. 
Lỗi trình bày
Đặc điểm dễ nhận diện đầu tiên của một luận án kém chất lượng là lỗi trình bày. PGS Vương Xuân Tình giải thích, một nghiên cứu sinh năng lực kém thường kém ngay ở cách trình bày. “Tôi dám chắc có nhiều nghiên cứu sinh rất kém về văn phạm, và nếu muốn có luận án, hầu như phải nhờ người khác sửa văn. Nhưng người khác sửa đâu xuể! Có thể ai đó lý sự rằng, văn phong là chuyện vặt; song ngược lại, nếu tiến sĩ mà viết câu văn không nên, có đáng tiến sĩ không?”, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học đặt câu hỏi. Theo PGS, một số lỗi trình bày thường mắc trong trình bày luận án có thể như:  Nhiều lỗi sai chính tả và lỗi đánh máy; câu sai hoặc kém chuẩn mực (câu cụt, tối nghĩa, ngô nghê, lòng thòng, rằng thì là mà); các đoạn văn (paragragh) không có cấu trúc, ý nọ nhằng ý kia, lộn tùng phèo…
Ông kể, cách đây chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với ông rằng vừa phản biện một luận án bảo vệ cấp cơ sở, có trang tới 30 lỗi. Với những luận án như vậy, sau 2-3 tháng được chỉnh sửa theo quy định, khó có thể hết lỗi, nên “hở sườn” là chắc.
Lỗi lôgic
Lỗi này thường mắc với phần tiêu đề, mục tiêu luận án một đằng, nội dung một nẻo. “Cách đây cũng chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với tôi rằng, đã từng đọc một luận án bảo vệ cấp cơ sở, trong ruột luận án chỉ có 7 trang phù hợp với tiêu đề”, ông Tình chia sẻ.
Bên cạnh đó, biểu hiện lỗi logic còn ở mục tiêu, nhiệm vụ một đằng nhưng kết luận một nẻo; tiêu đề ở mục lục và tiêu đề ở nội dung không giống nhau; ý của phần sau đá ý phần trước; tiêu đề, nội dung của bản tóm tắt khác bản chính văn...
Đạo văn
Đạo văn là lỗi thường gặp ở những luận án kém chất lượng. Lỗi này cũng không khó phát hiện. PGS cho biết, có thể truy tìm bằng các biểu hiện như: Sử dụng cấu trúc, lấy ý, lấy tài liệu của những luận án đã bảo vệ thành công hoặc những công trình có nhiều liên quan, song không trích dẫn hoặc trích dẫn mập mờ, không minh bạch. Bạn đọc còn có thể tìm ra nguyên đoạn viết của tác giả những công trình kể trên song chỉ thay số liệu, thay địa chỉ để biến thành sản phẩm của  nghiên cứu sinh.
Nếu muốn tìm những công trình nghiên cứu sinh dễ đạo văn, bạn có thể xem tên những công trình có liên quan mật thiết với luận án ở phần Tài liệu tham khảo của luận án.
Hội đồng kém chuẩn mực
Thông tư 05 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012 quy định rõ thành viên Hội đồng thẩm định phải am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; có công trình công bố về lĩnh vực của đề tài luận án trong 3 năm tính đến ngày thành lập hội đồng. Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng có thể tùy tiện theo kiểu “cơ cấu”, cánh hẩu, đãi đằng; để “giao lưu”, “mặt trận” với nhau… Bởi thế, như PGS chia sẻ, không ít tình trạng một người ngồi quá nhiều hội đồng; lĩnh vực nào cũng ngồi; chẳng có chuyên môn cũng ngồi; về hưu hàng chục năm không có nghiên cứu, viết lách gì nữa cũng ngồi; làm quan chức ở trên vẫn lộn về ngồi…
Để tìm hội đồng như vậy cũng không khó. Người quan tâm có thể tìm qua hồ sơ luận án lưu tại Thư viện Quốc gia; qua lưu trữ ở Phòng Đào tạo của cơ sở đào tạo (với Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ chuyên đề).
Từ các hội đồng này, nếu thấy tần suất của “nhà” khoa học nào đó xuất hiện quá nhiều, có thể đặt câu hỏi: Ông/ bà ấy làm việc ở đâu ? Đương chức hay về hưu ? Chuyên môn sâu về lĩnh vực gì ?...; và sẽ tìm ra nhiều yếu tố thiếu chuẩn 
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/pho-giao-su-bay-cach-nhan-dien-luan-an-tien-si-kem-chat-luong-544987.bldmực, thậm chí cả “nhóm lợi ích”. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.