Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/02/2016

100 năm Xuân Diệu và thói quen "kem trứng đánh đường"

Kỉ niệm được ghi lại sau cả nửa thế kỉ, của nhà thơ Bùi Kim Anh.

Bà vốn là cô giáo dạy Văn phổ thông. Là phụ huynh của một bạn học của chúng tôi. Thời mà Trinh Đường làm tuyển thơ Việt Nam, chúng tôi có dịp liếc liếc. Ông chọn thơ của Bùi Kim Anh vào tập đó, với bản thảo đánh máy, tôi cũng có dịp liếc liếc sau câu tâm sự của ông đại khái: "Hai mẹ con cùng làm thơ. Nhưng mình chọn thơ của người mẹ".

Thói quen "kem trứng đánh đường" của Xuân Diệu làm chợt nhớ về thói quen "no beer no class" (không có bia không lên lớp) của Trần Quốc Vượng.


Toàn văn (cả lời và ảnh) lấy nguyên về từ Fb Bùi Kim Anh.




---

"




Cái cô học trò yêu văn thơ ấy đã giữ tấm hình nhà thơ Xuân Diệu từ tháng 2/1963, bọc trong một mảnh giấy bóng. Giấy hoen vàng còn ảnh vẫn đẹp
Rồi lớn lên là cô giáo dạy văn trường cấp 3 Cổ Loa. Năm ấy nhà trường mời nhà thơ Xuân Diệu sang nói chuyện. Kỷ niệm lần đầu gặp nhà thơ theo mãi tháng năm


Một thày giáo văn, thày Tôn Đại Diệu đi đón nhà thơ. Đứng mãi nơi lối vào trường để đợi. Kia rồi, nhà thơ cùng thày giáo đạp song song hai xe đạp vừa đi vừa nói chuyện. Con đường từ Phố sang trường nào có gần gì. Qua cầu Long Biên, vòng đường đê ven sông , sang đò nơi bến Đông Trù, rồi qua một cánh đồng rộng tới trường. Tất cả chừng gần 20 cây số. 

Ngôi trường Cổ Loa với 2 dãy nhà tranh, vách đất chờ đón nhà thơ lớn. Nghe trong phòng họp hội đồng thôi nên chỉ có giáo viên và học trò lớp 10 bấy giờ. 
Tổ trưởng phân công, cái cô giáo trẻ mới về trường ngồi gian bên đánh trứng đường cho nhà thơ. Vừa nghe vừa chăm chú dùng thìa ngồi ngoáy ngoáy. Cốc trứng đường sủi kem thơm ngon. Giờ nghỉ vội vàng bê sang thì bị mắng. Nhà thơ uống kiểu đổ nước sôi sau khi thành cốc trứng đường. Lúc ấy non nớt chỉ lặng lẽ sửa sai
Tan buổi nói chuyện, mấy anh em tổ văn đưa nhà thơ sang thăm đền Cổ Loa. Nhà thơ coi chăm chú từng nơi đi qua - mảnh tường, giếng nước, tượng, đền... Cái cô giáo trẻ ấy lại bị mắng khi le te nói - sơ sài quá ạ, không hiểu xưa triều đình ngồi đứng ra sao ạ
- Trẻ người non dạ, không hiểu gì về lịch sử
Thế là lúc ấy sợ lắm nhưng nhớ, nhớ mãi, vương vấn mãi
Năm 1985, khi ông mất , cái cô giáo ấy không còn trẻ nữa đã làm bài thơ tiễn biệt cho riêng mình. Sau này đã đưa vào 1 tập thơ. 
Rồi tình cờ, lúc cuối đời nhà thơ Huy Cận, cái cô giáo về hưu, lại là hàng xóm của ông Huy Cận và là học trò xưa của vợ của nhà thơ, đã tặng ông Huy Cận những tập thơ của mình. Ông đọc và nói - cái ông Xuân Diệu này sướng thật, mất rồi có người làm thơ yêu

100 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Diệu, ngồi nhớ ông, nhớ lần gặp và sống lại cảm xúc thơ ngây, lãng mạn của mình

GỬI NGƯỜI VỘI VÀNG
Người đi để nắng cho đông
Nhạt màu sắc
Úa nhành lá thắm
Gió cồn cào thổi trời yên lặng
Mùa ngẩn ngơ lạc bước chân
Có thể yêu thêm nữa một lần
Xuân đang tới và người đã mất
Có ngày tháng xuân đâu mà thi nhân giã biệt
Để Vội vàng hối thúc kẻ tình si

Một nửa nào Người đã mang đi
Còn một nửa ta tìm mải miết
Ta muộn màng chịu lời cách biệt
Đến bây giờ là khoảng hư vô
Còn bao xuân cho ta đợi chờ
Mau thế mỗi giờ không trở lại
Nơi cõi xa có xuân hồng ươm trái
Mà thơ tình trải mãi nhân gian

Ta muốn yêu Người cách lối xa đường
Gửi nắng tắt gói vào cho gió
Tình không tuổi chẳng âm dương cách trở
Cho riêng ai đâu mà nặng thế chữ tìnho

"
https://www.facebook.com/kimanh.bui.56/posts/1343532469003225


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.