Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/01/2016

Di sản báo chí của Phan Đăng Lưu (bài Phan Đăng Nhật)


Bài của một người cháu gọi bằng bác của Phan Đăng Lưu, trên trang Mạc tộc.

Chép nguyên xi.

---



GS.TSKH. Phan Đăng Nhật

Đ/c Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; con cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu.
Đ/c là “một trí thức uyên bác” (Tố Hữu), “trí thức cách mạng tiêu biểu” (Lê Duẩn), giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản ; đã đảm nhiệm xứ ủy Trung kỳ, trung ương ủy viên, rồi Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi đ/c Nguyễn Văn Cừ bị bắt (17-1-1940) Phan Đăng Lưu đảm đương công việc Tổng bí thư/ Bí thư trung ương. Sau khi đ/c Võ Văn Tần, Trung ương ủy viên cuối cùng bị bắt (21-4-1940), đ/c Phan Đăng Lưu tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, giành nhiều thắng lợi. Ở hội nghị VII, đ/c từ chối nhiệm vụ Quyền bí thư , giới thiệu đ/c Đặng Xuân Khu, lúc bấy giờ là xứ ủy viên Bắc Kỳ, để mình nhận đi vào chỗ “sớm muộn cũng bị địch bắt” (lời đ/c Phan Đăng Lưu)
Cuộc đời hoạt động của đ/c rất phong phú , đa dạng, sôi động:
- từ bỏ đời làm cán sự kỹ thuật canh nông “vinh thân phì gia”, dấn thân vào hoạt động cách mạng gian khổ và hiểm nguy,  18 năm , từ đảng Tân Việt đến đảng Cộng  sản;
-7 năm bị tù ở Buôn Ma Thuột;
- thời kỳ Mặt trận dân chủ , đ/c đã vận động và lãnh đạo công cuộc đấu tranh trong và ngoài Viện dân biểu Trung kỳ, rất thắng lợi;
-đã vận động và lãnh đạo có kết quả phong trào mặt trận thống nhất phản đế 1936-1940.
Về tri thức, đ/c uyên thâm văn hóa Á đông, đã qua 10 năm đèn sách, thông thạo tứ thư ngũ kinh, “đã đi thi hương cùng các cụ chống  gậy, khi còn để tóc trái đào” (lời cụ thân mẫu); và về sau, lưu loát Trung văn, nhờ đó đ/c đã đóng vai người Hoa để hoạt động ở Chợ Lớn; uyên bác văn hóa Âu Mỹ, qua tiếng Pháp (rất giỏi, “tự vị sống”) và tiếng Anh; giỏi cả tiếng Ê đê.
Ngoài ra đ/c giỏi bơi lội, leo trèo, viết chữ Hán rất đẹp, được bà con Nam Bộ tôn là “ông đồ mỹ tự” (theo nhà văn Sơn Tùng).
Về tính tình, đ/c rất điềm đạm, giản dị , cởi mở, vui vẻ, hài hước, thân thương, có sức thuyết phục cao đối với mọi tầng lớp, kể cả từ tên cướp ở Ninh Hòa-Phú Yên, đến các vị đại thân sỹ và thượng lưu trí thức.
Với một cuộc đời như vậy, đ/c Phan Đăng Lưu đã hy sinh vì Tổ quốc,  tại pháp trường thực dân, phong kiến,  ngày 26-8-1941, lúc 39 tuổi đời.
*
Đ/c Phan Đăng Lưu là một người mà trí tuệ, tài năng, đạo đức, phẩm chất,… hiếm có. Đ/c đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời, và một kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý báu về nhiều mặt:
-cùng tập thể, chủ động vạch ra đường lối chuyển hướng chiến lược sáng suốt năng động, sau Xô viết Nghệ Tĩnh thất bại, và chỉ đạo vận động thực hiện thắng lợi, 
-tham gia và lợi dụng các tổ chức công khai của địch để đấu tranh giành quyền lợi cho nhân dân,
-đấu tranh trong nhà tù đế quốc,
-chuẩn bị bạo lực cách mạng để giành lại độc lập , tự do từ tay chính quyên địch ; chuẩn bị cho giai đoạn tiền CM và CM tháng Tám,
-sử dụng công cụ văn chương và báo chí để đấu tranh cách mạng.
Vấn đề mà chúng ta bàn trong bài này là một mảng rất nhỏ: đấu tranh báo chí dưới chính quyền địch, thời kỳ Mặt trận dân chủ, lúc bấy giờ đ/c là Thường vụ xứ ủy Trung Kỳ và tiếp sau là ủy viên Trung ương Đảng.
Bài này có 3 mục lớn:
+Hoàn cảnh hoạt động báo chí của đ/c Phan Đăng Lưu.
+Văn chương báo chí của đ/c Phan Đăng Lưu:
a.Đề tài và thể loại chính
b.Ngôn ngữ, nghệ thuật.
+Kết luận.
          I.HOÀN CẢNH HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ CỦA Đ/C PHAN ĐĂNG LƯU.
  1. 1.     Hoàn cảnh ra báo
Khi nhận nhiệm vụ “lợi dụng nghị trường”, đ/c nghĩ ngay đến việc Đảng phảỉ chỉ đạo báo chí công khai và trực tiếp nắm  một tờ báo. Đ/c đi Vinh tổ chức lực lượng. Sau đây là lời đ/c Ngô Đức Mậu kể lại:
-“Vào khoảng tháng Tư, năm 1936, anh Lưu ở Huế ra (Vinh). Anh  bàn với anh Hà Huy Giáp, anh Nguyễn Ngọc Tuyết và tôi (Ngô Đức Mậu) là nên có một tờ báo để mở chiến dịch vận động bàu cử . Nói đến việc xuất bản một tờ báo lúc bấy giờ thì thật là ảo tưởng . Tiền  đâu? Ai đứng ra xin phép ? Và chắc chi đã xin được? Rồi còn việc in nữa….Hiểu nỗi băn khoăn của chúng tôi anh Lưu cười :
          -Các cậu đừng lo, mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo . Việc quan trọng bây gìờ là , nếu tờ báo in ở Vinh thì các cậu có đảm nhiệm được không?  Nếu chậm gửi tiền ra thì các cậu có cách gì bảo đảm tờ báo ra đúng kỳ hạn , và ai đứng ra chủ trì việc này?
          -Chỉ những điều đó thôi thì được-mọi người đều trả lời như vậy
          -Thế thì nói để các cậu biết , bọn mình đã mua lại bản quyền tờ báo Sông Hương của Phan Khôi với giá 50 đồng . Sở dĩ y bán bản quyền cho ta vì tờ báo không ai đọc , bị phá sản và tự đóng cửa không thời hạn. Bây giờ nếu in tờ báo đó ở Huế thì người ta lại lầm là của Phan Khôi, không ai thèm đọc. Hơn nữa, bọn nhà in trong đó cũng gây khó khăn cho ta nhiều . Vì thế mình đề nghị cậu (Ngô Đức Mậu) sẽ đảm nhiệm thư ký tòa soạn , liên lạc với nhà in. Có việc gì bí thì hỏi ý kiến anh Giáp và nhờ Tuyết giúp đỡ tài chính khi cần. Bài vở chính thì Tôn Quang Phiệt và mình sẽ gửi ra đầy đủ . Các cậu ở đây liệu cơm gắp mắm, làm sao cho đủ bài vở từng số là được. Mục đích chính của tờ báo là vận động bàu cử . Tất cả bài vở đều xoay quanh vấn đề đó…..
          Mọi việc đã ổn thỏa, anh Lưu trở về Huế.”[1]
Một lần khác, đ/c Lưu mời ông Mậu vào Huế để thảo luận về tiếp tục ra báo, lúc này, Sông Hương tục bản đã bị bọn cầm quyền rút giấy phép, các đ/c bàn việc ra báo Dân:
 “Tháng 6-1938, sau khi bị tù ở nhà lao Vinh ra, tôi  vào Huế theo thư anh Lưu gọi. Đến nhà số 11 đường Đu-đa đờ la-Grê nơi anh Lưu ở, tôi được anh Lâm Mộng Quang và anh Nguyễn Cửu Thạnh đón tiếp niềm nở. Anh Quang nói với tôi: “Mấy hôm nay, anh Lưu nhắc anh luôn. Bây giờ anh còn đi vắng, chiều mới về. Trước khi đi anh Lưu có dặn, nếu anh đến thì anh thành đưa anh đi chơi, xem lại cảnh sông Hương, núi Ngự, rồi tôi đưa anh đi xem hát hay chiếu bóng cho thoải mái đã. Sáng mai, anh Lưu và các vị dân biểu sẽ gặp anh bàn công việc”…..Sáng hôm sau tôi dậy sớm, chạy thẳng lên gác hai, nơi anh Lưu và ban biên tập nghỉ . Cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên và bỡ ngỡ . Trong phòng chẳng có gì hết , ngoài ba cái giường vải xếp và một cái tủ cũ rích . Nhân vật trong phòng lúc đó , ngoài anh Lưu còn có ông cử Quế và anh Các . Người nào người nấy đều trần trụi với môt cái quần xà lỏn . Chưa kịp chào hỏi nhau tôi buông một câu thỏn lỏn :
          -Các vị ăn ở lúi xùi như thế này à?
          Anh Lưu vừa cười, vừa đáp lại ngay:
          -Ấy! bây giờ thế  này, chứ biết đâu có ngày, nhà này sẽ là trụ sở của Chính phủ Cách   mạng lâm thời đấy .
          Rồi anh nói tiếp: “Cậu vào đây đúng lúc . Ông Cử muốn gặp lại cậu đấy . Nhưng khoan, để bọn mình mặc quần áo và đợi xôi về kiếm mỗi đứa một nắm đã.
          “Chúng tôi đang say sưa chuyện trò thì anh Lưu giục :
          -Nào mời Cụ Cử và ông bạn “cá gỗ” đi làm việc kẻo trưa rồi. Nói xong, anh đọc luôn hai câu thơ Tú Xương:
          Chuyện xưa nhắc lại nhiều câu thú,
          Con trẻ xem chừng lắm đứa ranh.” [2]
…..“Chiều hôm sau, tôi từ giã anh Lưu và mọi người, lên chuyến xe lửa tốc hành về Vinh, vừa vui mừng, vừa tin tưởng. Trước khi ra ga, anh Các đưa cho tôi sáu đồng bạc và tấm thẻ nhà báo, một bên có chữ ký chủ nhiệm Nguyễn Đan Quế, một bên có chữ ký phó khâm sứ Xtốc-Ken.
Anh Lưu nói đùa: “Bùa hộ mệnh đấy. Nhưng làm ăn không khéo, nó nổi khùng lên, thì cũng là tờ giấy lộn thôi”[3]
Qua mấy dòng ngắn ngủi hồi ức của ông Ngô Đức Mậu, chúng ta thấy được cảnh làm báo “bán công khai” của các vị, các đ/c thời bấy giờ. Đặc biệt qua câu chuyện,  chúng ta thấy rõ, đ/c Phan Đăng Lưu đã lo lắng giải quyết , khắc phục mọi khó khăn lớn nhỏ của tờ báo, từ khâu cán bộ, đến bài vở, in ấn, tài chính, thẻ nhà báo,…Những việc khó khăn tưởng không vượt qua được, đ/c cũng lo liệu  chu toàn. Một lần nữa, chúng ta thấy về tính tình,  đ/c là người hoạt bát, xông xáo, vui vẻ, hài hước và chu đáo; đối với công việc, tận tình; đối với anh em, được anh em rất quý mến.
2.Khó khăn trở ngại-vật lộn với nhà cầm quyền
Báo Dân đã góp phần đấu tranh thắng lợi ở Viện Dân biểu Trung kỳ, bọn cầm quyền tức giận truy tố hai vị đứng tên xin ra báo là cụ Quế và cụ Các, báo đã phản ánh và tố cáo thực tế cay nghiệt đó:
-“Báo DÂN đã bị chà nát dưới gót sắt cường quyền. Anh em làng báo Nam Kỳ tính sao đây. Ngờ đâu! Ở Trung Kỳ, công lý chẳng được coi ra gì cả. Công lý chỉ là một con nô bộc của cường quyền !
Chúng tôi vừa được tin Bộ Tư pháp đã y án báo DÂN . Thế là từ đây, hai ông Quế , Các, nếu không muốn ở tù phải nạp tất cả 140 đồng phạt và bị tước hết công quyền, mất chức dân biểu!
Nói một sự thật, một sự thật không thể chối cãi , in sai một chữ đã có cải chính mà bị truy tố , bị phạt , bị tước công quyền , thì thật là một sự áp đặt vượt hẳn ra ngoài phạm vi tưởng tượng của người ta!
Vụ án báo DÂN, như thế chẵng những là một tràng nguyền rủa xả mạnh vào pháp  luật Nam triều và chính sách bảo hộ của người Pháp ở Đông Dương mà thôi, mà còn là một vết nhơ ấn mạnh trên  mặt báo giới Đông Dương.” (Bài số 36-Phan Đăng Lưu văn phẩm).
          Tuy nhiên, xứ ủy và đ/c Lưu không đầu hàng, đ/c tìm cách ra tờ báo mới lấy tên Dân Tiến:
-“Sau khi báo Dân bị đình chỉ, đ/c Phan Đăng Lưu có sáng kiến chủ trương ra một tờ báo mới lấy tên Dân Tiến, biên tập ở Trung Kỳ, đưa vào Sài Gòn in và phát hành, vì ở đây đang được hưởng quyền tự do báo chí theo luật do quốc hội Pháp thông qua ngày 29-7-1881.
……Báo Dân Tiến  vẫn do Phan Đăng Lưu phụ trách và là cây bút chính về các vấn đề chính trị , xã hội. ….
Báo Dân Tiến vượt qua được rào cản về giấy phép, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc lưu hành báo trên đất Trung Kỳ và tài chính, nên  sau khi ra được 5 số phải ngừng hoạt động. Kiên trì thêm một lần nữa, đ/c Phan Đăng Lưu xoay sang tờ báo mới, lấy tên là Dân Muốn, cũng in và phát hành ở Sài Gon, tòa soạn ở số 196 , đại lộ Galieni. Báo ra được 2 số rồi ngừng, vì những lý do như báo Dân Tiến.”[4]
-“Nhận thức rõ báó chí và văn học là công cụ đấu tranh sắc bén , Phan Đăng Lưu vừa xây dựng , chỉ đạo các tờ báo, vừa trực tiếp đào tạo , đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các trí thức trẻ , bồi dưỡng họ , hướng dẫn họ ….Bản thân đồng chí là cây bút chủ lực viết các bài chính luận , tiểu phẩm văn học,…bằng cả tiếng Việt và tiếng  Pháp . Các tờ Sông Hương tục bản ra được 14 số (từ ngày 19-6-1837 đến ngày 14-1-1937); báo Dân ra được 17 số (từ ngày 6-7-1938 đến ngày 7-10-1938); báo Dân tiến ra được 5 số (từ ngày 27-10-1958 đến ngày 12-12-1939); báo Dân muốn ra được 2 số (ngày 20-12-1938 và ngày 25-1-1939). Người Huế và bạn  đọc cả nước thời bấy giờ thấy xuất hiện liên tục các bài báo sắc bén  của Phan Đăng Lưu với hàng loạt bút danh: Sông Hương, Dân, Dân muốn, Phi Bằng, Bằng Phi, Tân Cương, Lý Toét, BCH, QB, SH, KD, Mục Tiêu, Thương Tâm, KĐ, Phan Thị Hồng Anh,…ở cả báo chí xuất bản Huế và Sài Gòn.”[5]
Chúng ta thấy rõ, làm báo đấu tranh với âm mưu của thực dân Pháp và Nam triều thật khó khăn, hiểm nghèo. Tuy nhiên, nhờ nghị lực, quyết tâm rất cao, nhờ trí tuệ sáng suốt, tài năng sáng tạo, đ/c Phan Đăng Lưu đã trăm phương nghìn kế , ra cho được báo, để thực hiện chủ trương “lợi dụng dân biểu, tham gia bầu cử”
II.VĂN CHƯƠNG BÁO CHÍ CỦA Đ/C PHAN ĐĂNG LƯU.
1.Đề tài và thể loại
Văn chương báo chí hiện thu thập được là 96 bài, tạm phân ra các đề tài và thể loại sau đây, sự phân chia này chỉ có tính quy ước, nhằm tiện nắm bắt vấn đề:
2.1.Đề tài tố cáo chế độ nhà tù –nhà tù Buôn Ma Thuột
2.2.Đề tài đấu tranh nghị trường-Viện dân biểu Trung Kỳ
2.3.Đề tài tình hình thế giới
2.4. Thể loại biếm văn
2.1.Đề tài tố cáo chế độ nhà tù –nhà tù Buôn Ma Thuột
Nhà tù Buôn Ma thuột được lập ra là thêm một cơ sở để giết hại lần lần người tù, trước hết là tù chính trị. Để giảm bớt những chết chóc oan uổng của đồng bào, đồng chí, giảm bớt tội ác của bọn sát nhân , đ/c Phan Đăng Lưu không chịu im lặng, nhất quyết phải tố cáo chúng nó. Để có giấy, đ/c nhặt nhạnh từng mẩu giấy rách, rửa sạch, sắp xếp lại. Việc viết và giấy mực phải tuyệt đối bí mật, lọt vào mắt cú vọ của chúng nó là lập tức bi roi đòn, cắt ăn, vào nhà giam cấm cố,…Ngần ấy đã khó, bài báo lại còn phải lọt được ra ngoài, đến tay tòa soạn, che mắt kiểm duyệt. …..
Có một lần, tháng 10-1933, đ/c Đậu Hàm, quê ở Hà Tĩnh, được  mãn hạn tù, đ/c Phan Đăng Lưu đã viết một bài báo vạch trần tội ác của bọn cai ngục Buôn Ma Thuột, nhờ Đậu Hàm mang ra gửi một tờ báo bên Pháp. Đ/c Đậu Hàm đã cẩn thận dấu bài báo trong dép. Nhưng có một tên phản bội tố giác, địch khám và tìm được bài báo, nên Đậu Hàm bị giữ lại. Để đ/c mình khỏi bị tra tấn, Phan Đăng Lưu đã tự nhận  là tác giả bức thư và bị địch nhốt vào xà lim, tăng thêm 5 năm tù, Đậu Hàm bị tăng thêm 3 năm tù.  Có bạn tù hỏi: “Anh sắp hết hạn tù, đợi ít lâu nữa, ra ngoài, anh tha hồ viết, tội gì viết vội ở đây cho chúng nó hành hạ?”. Đồng chí trả lời: “Tình cảnh anh em tù như ở trên  một con thuyền sắp bị đắm , trong một ngôi nhà đang bốc cháy . Phái giành lấy từng phút từng giây báo cho dư luận trong nước và trên thế giới biết để chặn bàn tay tội ác của địch, mong cứu vãn tình thế được phần nào chăng!. Nếu chờ được ra thì e quá muộn.” [6] Thế đấy, viết báo trong tù, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là thế; có lúc phải đổi lấy tù đầy nặng nề.  Một bài báo 5 năm tù cấm cố. Ôi, ác nghiệt quá (!).
Trong tình thế gian nan và hiểm nghèo như vậy, đ/c Phan Đăng Lưu vẫn viết được báo và gửi được ra ngoài, một  số bài được ra mắt bạn đọc, một số bị kiểm duyệt gạt bỏ, sau này được tìm thấy ở Sở kiểm duyệt. Cho đến nay , chúng ta tìm thấy được 5 bài, 12 trang khổ 13x19. Trong các trang , các dòng này, chúng ta nhìn thấy máu xương, bệnh tật hiểm nghèo, sốt rét ác tính, kiệt lỵ ra máu, roi vọt liên miên, gông cùm suốt ngày tháng ,…Nhà tù Buôn Ma Thuột thực sự là một địa ngục khủng khiếp nhất ở trần gian. Sau đây là một số tình cảnh cụ thể:
-Những người tù cấm cố ngày đêm bị cùm chân, đeo gông ở cổ, gắn vào nền nhà: “Hiện nay, ở xà lim A, nhà đày Buôn Ma Thuột, người tù không những bị cùm chân, mà còn bị đeo gông ở cổ và gắn vào nền nhà” (Văn phẩm báo chí-Bài số 5)  
- Và sau đây là tên người cụ thể: “Lúc này có trên 10 người tù giam trong xà lim, bị cùm và ăn cơm không có thức ăn. Trong nhiều ngày họ bị cắt khẩu phần cơm và bị lính Đê hành hạ tàn bạo. Trong số này có thể kể: Nguyễn Duy Lợi, Tôn Gia Chung, Trần Ngọ Danh, Mai Trọng Tín , Đức, Thảo và Châu.” (Văn phẩm báo chí-Bài số 4)  
-Nhiều người bị đánh đập đến chết, chỉ vì lý do vớ vẩn :“Tháng 6 vừa qua, một người tù tên là Lê Kiêm, quê ở phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An , vào 5 giờ chiều,, đi hút thuốc về, bị một tên lính đánh, nửa giờ sau thì tắt thở” (Văn phẩm báo chí-Bài số 4)  
-Bệnh tật hiểm nghèo, ăn mặc thiếu và mất vệ sinh, ốm không thuốc, lao đông khổ sai quá nặng nề, chết ngay trong khi làm khổ sai: “Ăn và mặc mất vệ sinh, ốm không có thuốc, sinh ra bệnh phù thũng, kiết lỵ và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Khi đi khám bệnh, nhiệt độ trong người lên đến 38 hay 39 dộ vẫn phải đi lao công. Người nào đó , nhiệt độ lên đến 40 độ mới được nghỉ. Bệnh viện chỉ nhận những người tù bị bệnh kiết lỵ, khi máu đã chảy ra quần. Nhiều người mắc bệnh này đã bị chết ngay trong khi đang lao động” (Văn phẩm báo chí-Bài số 1)  
-Những người kêu cứu bị trừng phạt nặng nề:  “Ai liều lĩnh xin cai thiện tình hình liền bị lập tức nhốt vào xà lim, ăn nhạt và tăng án lên 5 năm tù” (Văn phẩm báo chí- Bài số 1)
-“Số người chết  tăng lên dần hàng năm do khí hậu độc, do bệnh tât,v.v… đến nay tất cả là 80 người. Họ chết là vì nạn nhân của nhiều bệnh tật. Những người này chết vì sốt rét hay phù thũng, người khác chết sau 1, 2 ngày  mệt và mất máu. Nguy hiểm nhất là bệnh sốt rét ác tính đái ra máu. Người ta nói, ai đã mắc bệnh này thì không có hy vọng gì cứu nổi, cầm chắc cái chết trong tay.” ( Văn phẩm báo chí -Bài số 2)
2.2.Đề tài đấu tranh nghị trường-Viện dân biểu Trung Kỳ
Đấu tranh nghị trừơng ở nước ta thời thực dân phong kiến, cụ thể là Viện dân biểu Trung Kỳ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Làm thế nào để tận dụng Viện này để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho dân chúng? Ba bề bốn bên đều khó.
Thứ nhất là, chính quyền thực dân Pháp, cùng với tay sai chúng huy động cả hai bộ máy thống trị để đàn ấp.
Thứ hai là, Viện dân biểu không có quyền hành gì. Thực dân và Nam triều, bày ra một bánh vẽ để mỵ dân mà không cho nó quyền hành. Điều này đ/c Phan Đăng Lưu biết rất rõ, đã từng nhiều lần nêu lên báo : “Nhưng Dân viện chỉ là một cơ quan tư vấn thì kết cuộc các nguyện vọng của dân rồi cũng bị xếp vào tủ, mà những dự án của chính phủ cũng sẽ thi hành , dẫu Dân viện phản đối hay tán thành cũng mặc.”  (Văn phẩm báo chí-Bài 16)
“Với quyền hạn hẹp hòi của Viện Dân biểu ngày nay mà mong rằng các ông sẽ thay đổi công cuộc xứ này trong  chốc  lát là một điều mong ước quá hão huyền. Trái lại , nếu yên trí rằng các ông cũng sẽ chẳng làm gì được  hơn ai, như thế hóa ra là một thái đô bi quan.” (Văn phẩm báo chí-Bài 15)
Thứ ba là, nhân dân ta chưa được thực hiện quyền dân chủ.
Trước tình trạng đó có thể hoặc là bỏ mặc, không quan tâm , hoặc là tẩy chay. Nhưng đ/c Phan Đăng Lưu và tập thể của mình đã quyết đinh lợi dụng cơ quan dân biểu của kẻ địch:  “Đường lối chỉ đạo sách lược của Trung Ương Đảng là : không tẩy chay tuyển cử, mà tham gia tuyển cử; không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường. Xứ ủy Trung Kỳ là cấp chấp hành đầu tiên chủ trương ấy năm 1937 đúng vào kỳ hạn bầu cử bầu cử sớm nhất trong cả nước ở thời kỳ này” [7]Đây là một quyết định có tinh thần trách nhiệm vô cùng cao với xã hội, với lịch sử  và với quần chúng nhân dân. Nhưng mặt khác quyết định này chứa đựng một tinh thần dũng lược vô song, là nhận đối đầu với kẻ thù độc ác , tàn bạo; là sẵn sàng lao vào gian nan, hiểm nguy .
“Phan Đăng Lưu là người được Xứ ủy phân công  trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh hết sức sôi động  ấy” [8]  Như thế nghĩa là đ/c Phan Đăng Lưu đứng ra gánh lấy hầu hết công cuộc phức tạp, gian truân và hiểm nguy này.
Lại còn phải khắc phục khó khăn tư tưởng nội bộ nữa. Không ít đồng chí vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng “tả khuynh”  “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), mặc dù đã được uốn nắn , nhưng không khỏi băn khoăn trước chủ trương liên hiệp. Để xóa bỏ mọi thắc mắc, mặc cảm, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, đi đến hành động, trong hàng ngũ Đảng viên, cán bộ, cảm tình Đảng… đ/c Phan Đăng Lưu đã kiên trì giải thích chính sách của Đảng trong tình hình mới. [9]
Và như vậy, để nhận nhiệm vụ “tham gia bầu cử” và “lợi dụng nghị trường”, đồng chí  phải huy động các tổ chức, phải chú tâm đến   đại bộ phận mọi công việc, từ A đến Z, từ gốc đến ngọn.
Các công việc chính đó gồm:
-Đối với Viện dân biểu;
-Đối với chính phủ Pháp và Nam triều;
-Đối với dân chúng cử tri.
          2.2.1.Đối với Viện dân biểu
Quan trọng nhất là nhân sự, đ/c đã vận động thuyết phục ông Hoàng Văn Khải đồng tình nhận nhiệm vụ Viện trưởng và sau đó vận động để ông được trúng cử chức Viện trưởng.
Ông Hoàng Văn Khải là một nhân sỹ dân chủ, sinh năm 1876 ở tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia Tân Việt cách mệnh đảng, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù, đày ra Côn Đảo. Thời kỳ vận động dân chủ, xử ủy Trung Kỳ chủ trương tranh thủ ông. Ông tham gia trong mặt trận dân chủ. Xứ ủy giới thiệu ông ra tranh cử vào Viện dân biểu, được phiếu cao; sau đó lại vận động cho ông giành ghế Viện trưởng Viện dân biểu cũng thắng lợi (Văn phẩm báo chí-Bài số 26)
Một nhân vật khác rất quan trọng  là ông PhanThanh. Phan Thanh lúc này đang bị tước quyền công dân vì đã viết bài đăng báo L’Annam của Phan Văn Trường, xuất bản ở Sài Gòn, công kích thực dân Pháp và bọn tay sai. Trong dịp gặp Ngô Đình Diệm để bàn giải pháp liên danh, hợp tác giữa phái dân chủ của Đảng và phái “84” của họ Ngô, đ/c Phan Đăng Lưu đề nghị Ngô Đình Diệm ra quyết định khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh và một số tù chính trị, để anh em được ứng cử vào Viện dân biểu. Họ Ngô kêu là việc này khó quá. Đ/c cười nói: “Ngài là thượng thư Bộ Lại mà không làm nổi việc nhỏ nhặt ấy thì làm sao có thể tính chuyện đòi Pháp thi hành hòa ước 1984 được” [10]  . Cuối cùng Ngô Đình Diệm phải đáp ứng yêu cầu của đ/c Lưu. Một tuần sau, Ngô Đình Khôi- Tổng đốc Nam –Ngãi-ban hành thông tư khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh (Từ đây, có nhiều tù chính trị khác cũng được khôi phục quyền công dân). Phan Thanh ghi tên ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, Được Mặt trận  dân chủ ủng hộ, giành được số phiếu rất cao và trúng cử ngay vòng đầu. Sau đó, Viện Dân biểu bàu anh vào Hội đồng kinh tế , tài chính Đông Dương [11]  Tiếng nói của Phan Thanh có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đấu tranh ở Viện dân biểu đòi tự do dân chủ, đòi cơm áo cho nhân dân [12]
Đ/c Phan Đăng Lư qua báo chí đã động viên , khích lệ các vị Hội đồng đấu tranh cho quyền lợi cúa dân, đ/c chỉ ra, muốn đấu tranh có hiệu quả cần “đứng chung thành một chiến tuyến”:
-“Quốc dân hết lòng mong mỏi về các ông, xin các ông chớ dể cho quốc dân phải thất vọng như bao lần thất vọng trước .
Các ông cứ trả lời một cách dễ dàng : Quyền hạn Viện dân biểu hẹp hòi như thế, bảo làm nên được việc gì?
Chúng tôi thấy rõ, muốn làm được những việc như thế , trước nhất các ông phải có một mặt  trận thống nhất . Dẫu các ông có chỗ quan niệm khác nhau , sinh hoạt khác nhau , quyền lơi khác nhau , nhưng đến vấn đề cải cách dân viện và chế độ bầu cử , cùng những sự lợi ích quốc dân khác , thời các ông nên đứng chung thành một chiến tuyến duy nhất.”  (Văn phẩm báo chí-Bài số 14)
Khi bắt đầu có hiệu quả, đ/c cổ vũ, khuyến khích, động viên, khích lệ các đại biểu dân chủ để họ vững tâm tiếp tục đi con đường đấu tranh vì quyền lợi công chúng:
-“Thái độ của các ông dân biểu đối  với dự án thuế đinh, thuế điền trong kỳ Hội đồng năm nay đã làm cho dân chúng cảm động vô cùng. Họ cảm động vì xưa nay họ chưa từng thấy người ta bênh vực họ một cách mạnh mẽ thành thực như vậy” (Văn phẩm báo chí-Bài số 25)
-“ Viện dân biểu Trung Kỳ khóa này  thiệt là xứng đáng với cái danh của nó là đại biểu cho dân . Vẫn biết rằng, quyền hạn của chế độ đại nghị ở xứ ta còn eo hẹp lắm . Nhưng trong cái quyền hạn ấy mà biết cách tiến hành cho kiên quyết , cho minh chánh , thì ảnh hưởng của nó không phải là nhỏ .
Trước những vấn đề sanh mạng của dân chúng , các ông nghịTrung Kỳ đã hy sinh những tư tưởng đảng phái , những tiểu khí tư tâm , mà thống  nhất lại tất cả để cương quyết đối phó với dự án tăng thuế đinh điền  của Chánh phủ . Thật đáng khen ngợi vô cùng .
Giá trị của Viện dân biểu Trung Kỳ năm nay chính là ở đó .
Mà lực lượng của Viện dân bểu Trung Kỳ năm nay cũng chính là ở đó
Giá trị ấy, lực lượng ấy sở dĩ mà có là một phần do ở lương tâm của các ông nghị , nhưng còn một phần lớn hơn nữa là do phong trào thôi thúc và ủng hộ của dân chúng .
Trước 297 lá đơn kêu cứu với 5.905 người khắp các tỉnh Trung Kỳ ký tên, điểm chỉ ; trước 74 bức điện tín của hầu hết tầng lớp dân chúng đã đánh tới cho Viện ; trước những cuộc biểu tình rất có trật tự ở tành thị và thôn quê; các ông nghị Trung Kỳ đã nhận thấy phận sự thiêng liêng của mình trong cái giờ nghiêm trọng này vậy.”( Văn phẩm báo chí-Bài số 23)
          Để giữ vững và phát huy thắng lợi, đ/c Phan Đăng Lưu, tổng kết và nhấn mạnh “thái độ và tư cách của các ông nghị viên”:
Thái độ và tư cách các ông nghị viên
1. Phải thành thực
Các ông nghị phải là cái ống truyền thanh của dân chúng mà mình thay mặt. Các điều thấy khổ ở dân gian, các điều nguyện vọng của dân chúng, phải thành thực đề đạt lên chính phủ. Không được vì sợ oai  quyền , ham danh vị mà bỏ bổn phận của mình .
2.Phải nhiệt thành với các việc công ích
Những việc xẩy ra trong thôn quê hay thành thị, có quan hệ đến tính mệnh, tài sản của dân, các ông nghị phải can thiệp một cách đắc lực . Hoặc là chuyện kiện tụng điền thổ, hoặc là chuyện nhà thương chánh hay kiểm lâm ức  hiếp , hoặc về chuyện kẻ cai trị lạm quyền, các ông nghị phải điều tra, can thiệp, gây dư luận lên để đề đạt ý nguyện dân chúng.
3.Phải làm việc cả ngoài các ngày hội nghị
Từ xưa đến nay, các ông nghị phần nhiều ngoài mấy ngày hội đồng ở Viện rồi về nhà nằm yên không biết dân nước là gì nữa . Từ khóa này, đã làm nghị  viên , phải để thì giờ làm việc dân. Nghị viên hạt nào phải điều tra tình hình , chính trị, xã hội , kinh tế, cai trị hạt ấy , để kiếm phương bổ cứu những sự khuyết điểm .
4. Nghị viên phải nhận cái địa vị mình
Các ông nghị phải biết mình do mấy ngàn dân cử lên là có cái trách nhiệm nặng nề lắm. Không trọng cái phẩm giá mình tức là khinh rẻ cái phẩm giá quốc dân. Đối với người hành chính phải có thái độ đứng đắn , cái cử chỉ vững vàng, chứ đừng sợ sệt , rụt rè như một kẻ dưới quyền.”
(Văn phẩm báo chí-Bài số 11)
Đ/c còn giúp đỡ các ông nghị về phương pháp làm việc:
-“Các bản thính cầu , chất vấn , cốt tài liệu cho đầy đủ, chứng cứ cho phân minh , số mục cho kỹ lưỡng , nghiên cứu cho chắc chắn , diễn giải cho mạch lạc. Một bản thỉnh cầu hay một cuộc chất vấn như thé mới có giá trị , mà người ta không trâ lời “vong mạng” được.
Thương nước và hăng hái làm việc cho dân là một điều đáng quý lắm rồi. Nhưng chưa đủ , còn phải biết cách làm việc cho có hiệu quả nữa.” (Văn phẩm báo chí-Bài số 19)
2.2.2.Đối với Chính phủ Pháp và Nam triều
Đ/c Phan Đăng Lưu không lạ gì bản chất các âm mưu đàn áp và lột tàn tệ nhân dân ta, của nhà cầm quyền Pháp và Nam triều, nhưng đ/c vẫn kiên trì tìm mọi cơ hội để đấu tranh, lôi kéo.  Vả lại đưa ra những lập luận trên báo chí của Mặt trận dân chủ, đ/c đã chỉ đạo và gợi ý phương thức đấu tranh của các dân biểu tiến bộ và nhân dân.
-“Những nhà cầm quyền thường cũng nhận sự đói khổ của dân xứ này, sao khi dự định ngân sách quên nghĩ rằng tăng thuế điền thổ là đặt thêm lên vai đám dân nghèo khổ ấy một gánh nặng nữa.
Những nhà cai trị thường nói đến việc khuyếch trương nông nghiệp, sao lại quên mất rằng tăng thuế quá nặng nề sẽ làm cho nông dân cùng khổ không thể nào được khí cụ tốt và phân bón” . (Văn phẩm báo chí-Bài số 22)

Đ/c còn nhấn mạnh tình thế chiến tranh và âm mưu của phát xít Nhật để kêu gọi sự hợp lực đấu tranh:
-“Báo Dân một lòng thành thật, cũng như đã bày tỏ cùng Chánh  phủ những nguyện vọng của dân chúng , cũng như đã chỉ trích những sự lạm quyền , nhưng bao giờ cũng tỏ một thái độ thành thực , minh bạch , trông mong cho hai dân tộc Pháp-Nam hợp tác với nhau trong những giờ nghiêm trọng mà quân đế quốc lùn đang dòm dỏ ở Hải Nam, bay liệng ở gần biên giới Bắc Kỳ vậy” (Văn phẩm báo chí-Bài số 34)
-“Chắc các ngài cũng dư biết, suốt một tuần nay, cả thế giới bồi hồi trước tình hình nguy cấp ở châu Âu, mà khói lửa chiến tranh có thể xảy ra một mai, một chiều. Còn như ở Viễn Đông thì chúng tôi không cần nói, các ngài cũng thấy đạn trái phá đang nổ cạnh nhà chúng ta….
Trước tình hình nguy cấp như thế mà Chánh phủ lại đưa ra một dự án có tính chất tăng thuế . Chúng tôi thiết nghĩ , đó là một điều , nếu chúng tôi không nói là thất sách , thì cũng là bất hợp thời “ (Văn phẩm báo chí-Bài số 26).
          Và sưc mạnh và vũ khí ddaaaus tranh có hiệu lực nhất là quần chúng:
-“Trong 10 ngày họp hội đồng, chúng tôi đã tiếp được hơn 300 lá đơn kêu cứu với 5.906 người khắp các tỉnh Trung Kỳ điểm chỉ và ký tên. Chúng tôi lại còn tiếp 64 bức điện tín và nhiều tin tức về các cuộc biểu tình ở thành phố và thôn quê , để chứng tỏ rằng dân chúng tôi đã nghèo khó quá , không thể nào nộp thuế thân được nữa”. (Văn phẩm báo chí-Bài số 26)
          2.2.3.Đối với dân chúng, cử tri
Đối với cử tri, đ/c giúp cho bà con hướng bầu đại biểu , trên tinh thần đoàn kết rộng rãi, lấy tiêu chuẩn trong sạch, yêu nước thương dân đẻ lụa chọn:
 “Trong lúc này không nên phân biệt ai là quốc gia, ai là cọng sản, ai là cấp tiến , ai là hòa bình, ai là tư bản, ai là vô sản, không cần phân biệt làm gì . Trong lúc này , chúng ta chỉ cần biết ai là người trong sạch ; ai là người thiệt lòng yêu nước , thương dân; ai là người muốn làm việc cho dân, cho nước , thời những người ấy , ta sẽ bầu họ vào nghị trường . Các bạn cử tri chỉ nhắm cái đích ấy mà bàu cử , thế là một cái phước lớn cho nước nhà rồi vậy.” (Văn phẩm báo chí-Bài số 9)
Đ/c bày tỏ lòng tin tưởng ở sụ sáng suốt của nhân dân, mặc dầu luôn luôn bị bưng bít thông tin:
-“Đọc những bản nguyện vọng và điện văn của dân chúng khắp nơi, gửi cho các ông nghị , ai cũng nhận ra rằng dân chúng ngày nay đã giác ngộ , những việc quan hệ đến quyền lợi của họ, họ đều hăng hái tham gia thảo luận” (Văn phẩm báo chí-Bài số 24)
          2.2. 5.Kết quả nhiệm vụ đấu tranh nghị trường
-“  Dưới sự chỉ đạo thông minh nhạy bén của Phan Đăng Lưu , báo Dân đã góp tiếng nói mạnh mẽ, kết hợp với phong trào quần chúng và đấu tranh trong nghị trường, làm thất bại dự án thuế thân và dự án  tăng thuế điền thổ của Khâm sử Trung Kỳ. Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị  ở Trung Kỳ thời đó. Chính quyền thực dân cũng biết rõ báo Dân chỉ là sự nối tiếp Sông Hươnng tục bản nên ngày 7-10-1938, Toàn Quyền  ký quyết định thu hồi giấy phép của báo Dân sau khi báo ra được 17 số và  truy tố người phụ trách tờ báo, thực chất là để trả thù vụ  chống dự án tăng thuế. Tại phiên tòa ngày 13-10-1938, hai ông Nguyễn Đăng Quế và Nguyễn Xuân Các bị phạt 5 tháng tù treo và mất chức trong dân biểu” [13]
-“Đồng chí Phan Đăng Lưu đã sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng , báo chí và văn học nghệ thuật được coi là mặt trận  chủ công , nổi bật là các báo : Sông Hương tục bản , Dân, Dân tiến , Dân muốn ,…Bằng việc huy động tổng hợp, đồng bộ các hình thức đấu tranh công khai , hợp pháp, cuộc đấu tranh vào Viện dân biểu do Phan Đăng Lưu làm Tổng tư lệnh, đã thắng lợi rực rỡ đến mức tuyệt đối . Tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ trong Viện từ Viện trưởng, Viện phó đến phần lớn các Ủy viên Ban Thường trực. Đánh giá về thắng lợi này , Đảng ta ghi rõ: “ 18 căng đi đa ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân, được trúng cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập , Ddd, t6, tr.271.). Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội , lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta , dưới thời thống trị của thực dân Pháp.” [14]
Trong thắng lợi trên đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đ/c Phan Đăng Lưu trục tiếp phụ trách, mặt trận báo chí dân chủ góp một quan trọng trong chiến dịch đấu tranh chung.
2.3.Đề tài tình hinh thế giới
Một vốn kiến thức rộng, trải ra xuyên quốc gia và một trình độ tư duy,  sâu sắc, vạch trần bản chất các sự kiện quanh co.
-“Những nước đối nội thì phản động, đối ngoại thì  khiêu khích như thế người ta gọi là những nước phát xít.
Vì vậy, nên khi nào nói đến chiến tranh người ta liên tưởng đến phát xít . Phát xít và chiến tranh không bao giờ  rời nhau . Những nước muốn phá hoại hòa bình của nhân loại , ngày nay chính là những nước phát xít .” (Văn phẩm báo chí-Bài số 39)
-“Lúc này , trên thế giới, quyền lợi các liệt cường đều dính líu với nhau và chằng chịt lấy nhau , chẳng khác  nào một cái váng nhện. Vì lẽ ấy nên cuộc chiến tranh sau này thế nào cũng hóa thành thế giới chiến tranh” (Văn phẩm báo chí-Bài số 39)
-“Người ta to nhỏ nói đến những tên như  ông Sa-ten, ông Grap-phơi, ông Pagie, và cả -ôi ngạc nhiên- ông Payruytông nữa, một vị quan có não phát xít mà bây giờ người ta định giao cho trọng trách cầm tay lái chiếc thuyền Đông Dương đang bị kình ngạc phát xít Nhật bao vây.” (Văn phẩm báo chí-Bài số 41)
-“Trong tình thế ngày nay, đưa đến cho dân chúng một ông Toàn quyền nhân từ bác ái là một sự cần. Nhưng cải cách cái chế độ cai trị  cái xứ này lại là một sự cần hơn nữa “(Văn phẩm báo chí-Bài số 41)
-Trong bài số 49, tác giả ghi lại đầy đủ các chi tiết về sự nghiệp làm giàu của ba ông vua dầu lửa , (Catman, Rôccơphelơ, Đêtectinh ), nói rõ các mánh khóe cạnh tranh của họ để lật đổ nhau, để cướp giật tài nguyên của các quốc gia, đặc biệt là gây chiến tranh tàn khốc để giành giật, cướp đoạt  “cái chất nước có mùi hôi” ấy. Trong đó có những chuyện bí hiểm, kỳ thú như: chàng thám tử người Anh, Rayly, lừa Đacxy đoạt được tờ điều ước khai mỏ dầu của vua Ba Tư ký; việc nữ gián điệp Ghetct’ruydơ Ben , thạo tất cả các thứ tiếng Arập , suốt mấy tháng cưỡi lừa đi khắp nơi mua chuộc các tù trưởng, và tôn Phâyxan lên làm vua. Ông này hàng phục Anh , trao cho Anh toàn quyền khai thác, điều hành đất nước, mình làm vua bù nhìn, nhận mỗi tháng 4 triệu đồng (!).
 Đồng chí đã vạch ra hàng  ngàn mưu mô,  mánh khóe, thủ đoạn của những tập đoàn tư bản lũng đoạn và cuối cùng kết luận: “Vậy đó, các nước lớn đánh nhau để cướp  của cải, dầu, than, sắt, kẽm, đồng, bông,…Hàng trăm, hàng  nghìn người lính Tây, lính bản xứ, thợ thuyền hàng ngày bỏ xác để làm giàu , làm mạnh cho các ông chủ nhà băng, ông chủ xưởng. Song trong cuộc đấu tranh ấy, biết bao nhiêu của cải bị phá hủy, dầu bị dốt cháy, mỏ bị sập, đồng áng bị phá phách .” “(Văn phẩm báo chí-Bài số 49)
 “Lần này tổng thống Rôdơven đã lên án các nước phát xít, đã vạch mặt nạ bọn giết người vô cớ xâm chiếm những nước không gây gổ gì với chúng cả; vô cớ chém giết nhân dân không dự vào chiến tranh bao giờ; vô cớ bắn vào các tàu buôn ghe đánh cá ; vô cớ đã dẫn nhân loại vào con đường chiến tranh thảm khốc vô cùng. …..
          Tuy vậy, chúng ta phải nên để ý, sau những câu nhân đạo và công lý của Rôdơven, vẫn ẩn núp cái quyền lợi của Mỹ ở Tàu bị bọn quân Nhật mon men đoạt cướp . Ngày xưa, Uynxơn tuyên bố thuyết dân tộc tự quyết, rồi đến hội nghị Hoa Thịnh Đốn , qua hiệp ước Kenlôgơ, bao nhiêu cái chánh sách tử tế đối với Tàu không ngoài cái lý do đánh đổ quyền lợi của Nhật ở Tàu đi để mình giữ lấy phần thắng . Cho nên khi nghe các ông đại tư bản nói chuyện nhân đạo thì cũng nên hỏi cái lý do vì sao mà có thái độ nhân đạo ấy, có thế mới tránh những sai lầm về sau” “(Văn phẩm báo chí-Bài số 55)
          “Chính sách bất can thiệp với Tây ban Nha là một chính sách gian  trá.
          Dùng chữ bất can thiệp để chỉ thái độ của liệt cưòng đối với nội chiến Tây Ban Nha thật không đúng chút nào hết . Do nơi miệng của Hitle và Mutxolini thốt ra thì bất can thiệp nghĩa là , chỉ có “chúng ông mới có quyền can thiệp”. Do nơi miệng nhà ngoại giao Hồng mao (Anh) thì nó lại có cái nghĩa : “Ai can thiệp mặc ai, chúng mình đừng can thiệp”. Do nơi miệng người Pháp thì, oái ăm thay-bất can thiệp lại nghĩa là trói tay phái dân chủ!
          Chính sách bất can thiệp, như người ta đã thi hành từ trước đến nay và người ta đương thi hành đó, thật là một chánh sách nhượng bộ và đầu hàng . Kết quả chỉ giúp cho bọn phát xít được thêm vây cánh , để cho chúng kéo dài sự áp bức dân chúng, để cho chúng chiếm những vị trí trọng yếu , để giành phần thắng lợi trong cuộc chiến tranh do chúng gây ra sau này, để cho chúng kéo nhân loại lui về thời đại dã man mấy trăm năm về trước.” “(Văn phẩm báo chí-Bài số 56)
2.4. Thế loại đặc hiệu-biếm văn
Sự phân chia này có tính quy ước và chỉ có giá trị tương đối.
2.4.1.Thế giới nhân vật của biếm văn
*Mấy ông dân biểu
          -Vô trách nhiệm, tham tiền:
          -Hút xách, cờ bạc
          -Tham nhũng của công
          -Gian lận trong bàu cử
          *Mấy ông chủ bút báo:
          -Nịnh Tây, nịnh quan trên
          *Các quan tỉnh, Cụ Thượng, quan Bố, quan Án, quan Phán, quan Đề, thầy Thừa, thầy Đội,….: toàn một bọn hèn nhát, nô lệ Tây, sợ Tây và chó Tây
          *Một vị hoàng phái nam, gọi là “mệ”, kênh kiệu, rỗng tuyêch, diễn thuyết ở Viện dân biểu, về một đề tài to lớn “Vấn đề Thái Bình Dương”, “bằng một dọng các mệ đúng 100%”
          *Một Ủy ban điều tra người Tây từ Tây sang: lừa dối dân Nam
          *Chương trình phòng thủ: vạch trần sự bất tài, mà thích huyênh hoang rỡm, cùa quan lại Huế: lực lượng phòng thủ là các ông đồng bà đồng khăn chầu áo ngự lòe loẹt và đội âm binh hàng mã.
          *Chủ trương mặc triều phục áo gấm: xa xỉ mà không khả thi.
2.4.2.Nghệ thuật của biếm văn
Ba mươi bảy bài biếm văn trên đây là ba mươi bảy kiểu dạng khác nhau, mà mỗi bài lại lôi cuốn người đọc từ phút đầu tiên cho đến giây cuối cùng. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu;
  “Con chó của cụ sứ hay dân ăn tiền quan”.
                    Văn phẩm báo chí-Bài số 86
   Ngay đầu bài đã gợi tò mò. Ở cái xứ phong kiến thuộc địa này, người dân nô lệ nhiều tròng ,  chỉ có quan ăn tiền dân, làm sao mà dân ăn được tiền quan , thật là lạ đời. Mà theo chú thích được ghi ở trong bài “Chuyện này bảo đảm có sự thật 100%”.
Câu chuyện được tác giả dẫn dắt từ chuyện lạ, buồn cười này đến chuyện lạ , buồn cười khác.

-Một tỉnh ở Trung Kỳ có  cụ Sứ nuôi  con chó giống Tét nơ (Terre Neuve), to xấp xỉ bằng con bò con. Cụ Thượng qua chơi cụ Sứ, vuốt ve con chó để lấy lòng chủ. Bất ngờ, cụ Sứ  tặng cụ Thượng con chó quý.
-Cụ Thương cay đắng mang con chó về và buộc phải chăm sóc nó theo lời chủ cũ dặn. Mỗi ngày ít nhất 2 kg thịt bò, tối cháo phổi lợn, ngày nào cũng phải tắm xà bông thơm và cho nó chạy để tiêu cơm.
-Nuôi được một tháng, cụ Thượng bức bối quá nghĩ mẹo gửi qua quan Bố.
-Được 15 ngày, quan Bố phải chuyến qua quan Án
-Quan Án chỉ nuôi được 10 ngày.
-Nguy hiểm là mới gần 2 tháng mà con chó gầy giơ xương. Cụ Sứ mà trông thấy thì chết cả lũ
Các quan tỉnh đều lo sợ chó đến tay mình.
Kết thúc đột ngột là cụ Thượng lừa một “thằng dân” cho nó con chó “để chăn bò”. Ông dân này tinh ma, nói, chó này chỉ “ăn bò” thôi. Cụ Thưởng phỉnh : “Thế thì cho mày thịt nó đi”. Ông dân lại làm cao : “Giống chó Tây tanh lắm”. Cuối cùng cụ Thượng phải đút lót cho “thằng dân” năm đồng bạc Đông Dương.
Đánh tráo khái niệm “mặt nạ” để đả kích những kẻ lừa đảo, dối trá.
                   (Văn phẩm báo chí-Bài số 92)
 “Còn chuyện mặt nạ ở thành Bari người ta đã phát cho dân rồi. , nhưng ở đây không thiết lắm. Vì mặt nạ thì ở mình đây đã nhiều người có rồi. Xin kể ra đây một vài biểu hiện thông dụng:
          Mặt nạ quốc gia (miệng nói theo quốc gia chủ nghĩa mà trong lại bán nước mà ăn)
          Mặt nạ nhân đạo (bộ tịch cho đến lời ăn tiếng nói, nhân đạo lắm, mà trong bụng chỉ lo chuyện bóp cổ dân)
          Mặt nạ xã hội (thề chống thề chết theo lời đảng, vào đến nghị trường đã lo trở giáo như một vài ông nghị ở Bắc Kỳ)
          Mặt nạ cách mạng (nói và viết cực kỳ “tả”, mà lại chia rẽ để phá hoại lực lượng dân chúng.
          Mặt nạ trung lập (ở ngoài thì tuyên bố không đảng phái, mà trong tối lại kéo bè kéo cánh để chửi bới lung tung)
          Dùng phép chơi chữ -“Dân” để nói vai trò của nhân dân.
                       (Văn phẩm báo chí-Bài số 94)
          “Dân có hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu, vô số, muốn mây thì mấy. Này, à thử nghe nhé:
          Dân là một, dân tiến là hai nhé, dân thanh là ba nhé, dân nguyện là bốn nhé, dân chúng là năm nhé, dân ý là sáu nhé, dân chủ là bảy nhé, dân quyền là tám nhé,v.v …
          Nói đảo ngược thì nào là tân dân, quốc dân, cường dân, lao dân, bình dân, nạn dân,v.v…
          Nếu bộ tự vị Tàu mà hết chữ thì đã có tiếng mẹ đẻ mình, tiếng An Nam đó. Này: dân kêu, dân cười, dân đi, dân chơi, dân bíu, dân la, dân khóc, dân hét, dân dậy,.v.v…
          Dân có vô số. dân ở đâu cũng có. Dân trăm hình vạn trạng. Dân sống mãi. Dân tiến mãi”
          Chỉ ra sự khác nhau giữa cái  cười của quan và  dân .
                  (Văn phẩm báo chí-Bài số 78)
          “Những xứ như xứ này , người ta chỉ nghe tiếng cụ cười, tiếng quan cười, nhiều hơn tiếng dân cười.
          Tuy vậy, trong những buổi yến tiệc suốt ngày, chiếu bạc thâu canh, tiếng quan réo như  pháo nổ, thì trong lũy tre xanh, trong đồn điền hầm xưởng, dân khóc ra mặt, rồi cũng phải tươi cười.
          Nhưng cái cười của quan khác với cái cười của dân nhiều lắm .
          Quan cười như bắp rang , như bánh tráng rán , như hoa đào nở . Gặp người trên quan cười mị; gặp chị hầu non , quan  cười tình, gặp bạn đồng liêu quan cười ria mép ; gặp thằng dân đỏ, quan cười tỏi, cười hành . Thiệt quan cười trăm cách mà không cách nào giống cách  nào.
          Chớ còn như dân, thì hẳn chỉ có một cách cười. Đố anh biết cách gì? Cách cười ra nước mắt gừng vậy thôi.”
        Chương trình phòng thủ Huế, chống quân Nhật bằng âm binh
                       (Văn phẩm báo chí-Bài số 87)
          “Tàn quân thua liểng xiểng, phải chạy về đến phố Lở, chùa Ông định nghỉ …Liền một phát súng rơm nổ. một nữ tướng vọt ra, đứng trên mạn thuyền , mình mặc áo vàng theo kiểu đàn ông , vai mang kiếm , tay cầm song đao , sau lưng có cây cờ hiệu với 4 chữ : “Thiên y Thánh mẫu”.Ai cũng biết là bà cụ Thượng nổi danh ăn hiếp chồng . Bà dẫn đạo âm binh từ trên điện Hòn Chén đưa về theo chương trình mai phục ở đó .
          Bà hét lên một tiếng thì các ông quân mường, quân mọi, quân chín, quân mười , ông ngã ba đường cái , bà thủy, bà hỏa , cô nàng , kéo nhau ra, ôi thôi , nào chùy, nào kiếm, nào đao, nào cung, đánh chém, đâm đuổi, địch quân chết lăn chiêng như kiến cỏ , không còn một tấm mén nào sống sót.
          Thế là ta dụng chước “động như thoát thố” và đã thắng trận một cách phi thường . Trăm họ sẽ ca khúc khải hoàn và lo bề an cư lạc nghiệp.”
2. Ngôn ngữ.
Trong biếm văn, ngoài ngôn ngữ thông dụng là văn xuôi, nhiều loại ngôn ngữ khác như thành ngữ, tục ngữ, thơ ca, vân vần dân gian,…được dùng xen kẽ.
-2.1.Thành ngữ và tục ngữ
*2.1.1 .Nguyên dạng
+Người ta thường bảo nhau: lão ấy “bảo hoàng hơn nhà vua”
nữa                                 (Văn phẩm báo chí-tr.327)[15]

+“Còn mấy anh chị khác thì cũng vui vẻ, chứ không đến nỗi gặp các “ông chú mụ o nhọn mồm”, miễn là ông Cảnh ăn ở cho phải đạo làm dâu, nghĩa là đừng ăn vụng, nói thầm là được” nữa                                 (Văn phẩm báo chí-tr.380-381)
+Ông T.N.T.khi ra ứng cử đã đọc cho dân Quảng Ninh, Lệ Thủy nghe một bảng chương trình mấy trang đặc sệt, toàn là chuyện ích quốc lợi dân. Có nhiều người nghe, đến bây giờ đương còn ngớp mắt…Nói “mười voi không được bát xáo”  (Văn phẩm báo chí-tr.304)
+ “Đằng này , có ông ba hoa đưa cái chuyện “trồng cây sống, bứng cây chết” trên mặt báo, ngang nhiên, tự thị, trước mấy ngàn con mắt độc giả, như kẻ “múa gậy vườn hoang”. Cái lối lì lợm ấy, K.Đ. tôi thật phục sát đất”. (Văn phẩm báo chí-tr.356)
+”Ô hô! Ô hô! Ủy ban điều tra! Ủy ban điều tra! “Sinh bất phùng thời, tử vô địa táng”, làm cho dân xứ này dở khóc, dở cười, nhìn nhau méo mặt” (Văn phẩm báo chí-tr.340)
+Vì thế cho nên tục ngữ có câu : “chó Thánh sủa tiếng Thánh” ” (Văn phẩm báo chí-tr.327)
+Tràng An bảo hoàng hơn cả Patrie annamite. “Vừa đánh trống vừa ăn cướp”(Văn phẩm báo chí-tr.328)
+Những cái ghế “ma chê quỷ hờn” ai nghe đến cũng chạy cả (” (Văn phẩm báo chí-tr.326)
+Không phải dân trọng các ông “bẻ nạng chống trời, gắp trăng dưới nước”  (Văn phẩm báo chí-tr.125)
+Chớ còn báo Dân đó, có lão K.Đ.tuy nói cà xấc và “ngủng ngẳng như cẳng thổ công”   (Văn phẩm báo chí-tr.362)
+Cụ Thượng  từ cũng khó từ, lãnh cũng khó lãnh, “đắng cay như ngậm quả bồ hòn”, cũng đành đưa cục nợ đời ấy về nhà vậy. (”   (Văn phẩm báo chí-tr.364)
+Có thằng dân kia lại vào hầu kiện, cụ lớn như “ánh sáng xé mây”, đã tìm ra được một kế tuyệt diệu. (Văn phẩm báo chí-tr.365)
+ “Tĩnh như xử nữ, động như thoát thố” (Văn phẩm báo chí-tr.367)
+Thiệt rầu quá “Con cua nói có, con vọ nói không”, đi lui đi lại xì ra một cái “đít cua” vô chủ. (Văn phẩm báo chí-tr.384)
+Các ngài lại lạ chi cáí thói đời: “đen như mực, bạc như vôi” ấy.
(Văn phẩm báo chí-tr.394)
*2.1.2.Chế biến
+“Ô hô! Thiên ký sinh Quảng há sinh cái bộ râu của cụ cử Hoàng” (Văn phẩm báo chí-tr.380)
+  “Ngạn ngữ có câu: “ra đi là chết mất đi một phần”. Ông Trần Bá Vinh đến bỏ Nghệ An mà đi, thế là ông   chết  không những một phần mà là nhiều phần lắm đấy. Than ôi!”  (Văn phẩm báo chí-tr.388-289)
+”K.Đ. tôi phục ông quá, ước gì sang năm báo Dân tôi ăn lễ tuổi , K.Đ tôi sẽ gửi tặng ông cùng cả tòa  soạn báo Thời vụ, mỗi ông một cái mề đay “Bắc đẩu bội dân” để  các ngài đeo cho sướng, khoái chưa?” (Văn phẩm báo chí-tr.357)
+” Cho biết chữ của Thánh Hiền dạy: “Hậu sinh khả …gớm mặt” là phải lắm (Văn phẩm báo chí-tr.328)
+Có lẽ ông Nguyễn Vỹ nghĩ: “Đã có chút thân (tý thôi) cùng trời đất, nên để danh gì với núi sông” (Văn phẩm báo chí-tr.343)
*2.1.3.Thành ngữ, tục ngữ mới
+Nhưng ngó cũng có “bụng công bằng, có lòng nhân hậu” lắm mà (Văn phẩm báo chí-tr.362)
+Hai cái tệ  ấy đã làm người đại diện  của chính phủ khi trả lời các bản thỉnh cầu , chỉ trả lời theo kiểu “xe lửa tốc hành” qua chuyện thì thôi” (Văn phẩm báo chí-tr.129)
2.2.Ngôn ngữ chuyên ngành (hầu bóng):
“Bà hét lên một tiếng thì các ông quân mường, quân mọi, quân chín, quân mười, ông ngã ba đường cái, bà thủy, bà hỏa, cô nàng,… kéo nhau ra,…..” (Văn phẩm báo chí-tr.371)
2.3.Thơ ca và văn vần
*2.3.1.Nguyên dạng
-Nào mời Cụ Cử và ông bạn “cá gỗ” đi làm việc kẻo trưa rồi. Nói xong, anh đọc luôn hai câu thơ Tú Xương:
          Chuyện xưa nhắc lại nhiều câu thú,
          Con trẻ xem chừng lắm đứa ranh.” (Ngô Đức Mậu, tr.106-197)
+Bọn con nít nhà quê chúng tôi thường hát:
Chị ăn cá, em mút xương
Chị nằm giường, em nằm đất
Chị ăn mật, em liếm ve
Chị ăn chè, em liếm bát.
Té ra phận làm em cũng chẳng khác gì phận làm dân, chỉ rành cả đời mút xương, nằm đất, liếm ve với liếm bát. (Văn phẩm báo chí-tr.342)
*2.3.2.Phỏng tác,
+“Tưởng chừng ba chữ mà chơi rứa
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?” (Văn phẩm báo chí-tr.361)
+ “Phen này báo đã ra đời báo
Thời sổ lồng, ra báo cắn nhau” (Tản Đà)
          Phỏng thơ Tàn Đà:
“Ví chăng báo thiệt ra đời báo
Thời sổ lồng, ra báo cắn ai”.
(Văn phẩm báo chí-tr.392)
*2.3.3.Sáng tác

           1.Lời khuyên các cử tri 
Các cử tri ơi! Ở đời nhiều thứ nghị viên
Nghị thì giết heo đãi khách, nghị thì xuất tiền mua thăm.
Làm ông Nghị, trên thì đưa đãi sắt cầm, dưới thì phải tốn kém đến bạc trăm, bạc ngàn.
Các cử tri ơi! Lại nhiều ông Nghị nhờ quan.
Ép dân bỏ phiếu để được đội ơn cao dày,
Đánh lừa một hạng người ngay,
Mà mưu tư lợi cho dầy túi tham.
Các cử tri ơi! Nếu bọn này trúng cử ra làm
Thì một mai họ sẽ được phẩm hàm,. giàu sang.
Họ mang chức tước về làng,
Họ xây nhà gạch, họ mang  bài ngà.
Các cứ tri ơi! Họ có ngó gì đến quyền lợi chúng ta.
Sưu cao, thuế nặng, họ mà mất chi.
Đến kỳ hội nghị họ đi.
Họ chè chén, họ có nhớ gì đến đám bình dân.
Các cứ tri ơi! Em dây phận gái tảo tần,
Cái quyền bầu cứ chưa đến phần cái hạng nữ lưu.
Ngõ lời em hết sức yêu cầu
Cầm lá thăm cho xứng đáng phải biết bầu cho ai.
Các cử tri ơi ! Vì ta. ta kiếm lấy người
 Rượu chè, cờ bạc, ta phải bỏ ngoài, xem khinh,
Sao cho xứng lá phiếu mình,
Bình dân trong nước còn đợi các anh đó mà.
Các cử tri ơi! Đúng như ai chè rựơu khề khà,
Đem thăm bán quách như tụi Chà và trong Nam,
 Đừng như ai, thấy bạc mà ham
 Một đồng, 5 - 7 cắc mà để tiếng tăm suốt đời.
Anh em ơi! Ghi lẩy mấy lời!
(GÁI QUÊ Báo SÔNG HƯƠNG, tục bản. SỐ 4, ngày 10-7-1937.)
2.Góp ... nhặt ... chuyện tầm phào,
Phen mô chứ phen ni, ông nghị xe tẩu N. Q. T., nguyên chí sĩ tiên sanh không muốn về xứ Quảng Nam nữa, vì ông cũng biết trước:
Một phen ông nghị xách áo ra đi
Có về quê tổ, biết nói chi bây giờ ?
Nói hút sách, nói bạc cờ
Dân xin ông xin chớ xổ ngón oong đơ, thêm phiền
(Mấy câu này hát theo điệu giã gạo Quang Nam, nghĩ hay đáo để)
(Báo SÔNG HƯƠNG, tục bản. Số 4, ngày 10-7-1937.)
          3.“Cua” ai đem bỏ viện này
(“Cua” từ chữ discours , tiếng Pháp có nghĩa là diễn văn)
          K.Đ. thấy tình cảnh ấy cảm kích quá mà ngâm rằng:
          Ủa , ủa “cua” mô mà lạ rứa?
          Cụ Lại vừa nghe toát mồ hôi
          Ông Cảnh nhìn qua càng ngã ngưả
          Cụ Viện trưởng đọc thêm ú ớ
          Quan khách nhìn nhau càng bỡ ngỡ
          Viện nói rằng “cua” trước khác “cua” sau
          Bố cãi: một chấm, một câu cũng không sửa
          Than ôi! Việc đời quá lôi thôi
          “Cua” năm ngoái đã mệt rồi
          “Cua” năm nay càng mệt nữa
          K.Đ. tôi vốn kẻ nể, người dưng
          Nhưng mới nghe qua cũng hơi  ứa vía.
                      (Viết theo điệu thơ mới)”
                          (K.Đ. Báo Dân số 19, ngày 30-9-1938)
          + “K.Đ. tôi vốn không phải thi sỹ, nhưng đối cảnh sinh tình, cũng phải ngâm rống lên mấy câu:
          4.Tết Tây buồn lắm chị em ơi
          Chỉ lội qua sông đã biết rồi
Ví thử ngày mai trời lấp quách
Sang năm con biết món chi coi” (Văn phẩm báo chí-tr.360)
 (K.Đ.Báo Dân số 4 ngay 29-7-1938)
+“Một đại thi sỹ nọ cảm hứng đã ngâm mấy câu thơ:
Nhảy đầm ăn tiệc, ông Tây sướng
Liếm chảo, leo đu, đứa trẻ mê
Trỗi nắng, lợi riêng phường chó chết
Bụi lầm, khó chết lũ buôn xe”  (Văn phẩm báo chí-tr.357)
5. Ý kiến một người dân. 
Cùng các ông Nghị,
Tranh ghế nghị viên mòn túi bạc,
Quay vào thường trực để xoay xu
 Nhưng nghị trường có kẻ trí, có người ngu
Đâu có phải rặt một đám lu bù vì danh lợi.
Ngày họp hội đồng nay sắp tới,
Các nghị tồi họ mớỉ trở đủ tải hay,
Nào nghị nghiền, nghị gật, nghị  nhảy, nghị say,
 Nghị cờ bạc. nghị giơ tay hùà với chúng
 Các thứ nghị ấy là nghị viên lợi quyền dân ( ?).
Nếu  xét mình hèn nhát chẳng nên thân.
Thì khuyên chớ ra tranh phần thường trực.
 Đừng thấy đồng tiền to mà ức,
Máu mủ dân nuốt ực dễ gì đâu ?
Dân chúng tôi thành thực yêu cầu:
Bọn bợ đít, hoạt đầu và lòn cúi,
Ra ứng cứ, xin quý ngài thẳng tay đánh đuổi
 Quyết một lòng đừng cử tụi ấy làm gi,
Chúng tôi xin nói “mét xì” (Văn phẩm báo chí-tr.337)
(Báo SÔNG HƯƠNG, tục bản. Số 12, ngày 7-10-1937.)
 Nhận xét về ngôn ngữ  nghệ thuật của biếm văn
Về ngôn ngữ  nghệ thuật , chúng tôi đã liệt kê được, qua phần biếm văn, rất nhiều kiểu: thành ngữ và tục ngữ, ngôn ngữ chuyên ngành, thơ ca và văn vần dân gian,…Trong số đó xét về xuất xứ có  loại nguyên dạng, có loại chế biến, và có loại sáng tác. Các kiểu ngôn ngữ trên hấp dẫn, thú vị và có sức thuyết phục vì:
-có vần, nhịp điệu, hình ảnh;
-một bộ phận được đúc kết và lưu truyền lâu đời trong dân gian , rất gần guĩ , thân thiết với dân chúng, trở thành chân lý mặc nhiên, không phải chứng minh.
Nhà báo Phan Quang đã rút ra nhận xét tương tự: “Phan đăng Lưu uyên thâm cả về Hán học, Tây học, song văn của ông không mang tính bác học mà bao giờ cũng bình dị. Đọc lại 400 trang tuyển tác phẩm báo chí của ông, (Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu, tiểu sử, tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998), hầu như không hề thấy ông sử dụng điển cố Đông Tây, hơi văn thường thoải mái, giọng điệu bình dân, mà không kém phần trí tuệ. Tôi nghĩ, có lẽ một phần do hoàn cảnh phải đối phó với nhà cầm quyền thực dân và bươn chải để sống nhờ độc giả, song cái cơ bản hơn, sâu xa hơn, chắc chắn là xuất phát từ căn cốt một nhà cách mạng liên hệ máu thịt với nhân dân lao động.”[16]
Đúng là đ/c Phan Đăng Lưu là “một nhà cách mạng liên hệ máu thịt với nhân dân lao động”, nên đã dạy nhà thơ Tố Hữu “lấy ngôn ngữ quần chúng” và bản thân mình đã thực hiện như vậy .Đây là ý kiến của Tố Hữu:
 “Chính anh (Phan Đăng Lưu), một hôm bảo tôi :-Thế thì cậu cứ dấn lên! Chỉ có điều là phải chú ý: hãy ở gần với đời sống, với quần chúng lao động, với công nhân, với nông dân. Cậu phải lấy ngôn ngữ của quần chúng, cậu phải viết dễ đọc , dễ hiểu và đừng quá dài, chớ có khó…” [17]
III.KẾT LUẬN.
1.“Ở đ/c Phan Đăng Lưu, sự nghiệp cách mạng luôn gắn bó hữu cơ với sự nghiệp báo chí và văn hóa-văn nghệ . Nếu làm cách mạng giải phóng dân tộc , phục vụ nhân dân là mục tiêu lý tưởng cao đẹp nhất của đồng chí , thì sử dụng báo chí và văn học đến tầm sâu bản chất nhân văn lại là vũ khí sắc bén hữu hiệu để thực hiện mục tiêu lý tưởng cao đẹp ấy . Ở mối quan hệ nhân quả này, sự nghiệp báo chí, văn học của đồng chí có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để trên đó góp phần xây dựng nền móng của văn học cách mạng , khái quát những quan điểm khoa học, của những người cộng sản Việt Nam, về trí ,thức, về văn nghệ sỹ và nền văn học nghệ thuật; mở đường cho văn học nghệ thuật phát triển.”[18]
2.Cuộc đời và hoạt động của đ/c Phan Đăng Lưu rất phong phú đa dạng và luôn luôn sôi động: 39 năm tại thế, 18 năm cách mạng, hơn 7 năm tù đày,….Trong số đó , thời gian trực tiếp đấu tranh báo chí không nhiều (1936-1939), nhưng đ/c đã đóng góp to lớn cho Cách mạng. Riêng về nghề báo, đ/c đã đóng góp to lớn về “tư duy báo chí”, “phong cách làm việc” (Phan Quang) và kỹ thuật, ngôn ngữ, nghệ thuật làm báo. Sau đây là ý kiến của nhà báo Phan Quang về vấn đề trên.:
“Quãng đời hoạt động của Phan Đăng Lưu với tư cách là nhà báo với nội dung trọn vẹn của hai từ ấy, như đã nói, không dài. Nhưng đó là những năm tháng gặt hái được nhiều kinh nghiệm, mở rộng thanh thế của báo chí cách mạng, gây ảnh hưởng to lớn trong nhân dân, trước hết là trong các tầng lớp trí thức, công chức, học sinh. Tư duy báo chí cũng như phong cách làm việc của ông rất đáng cho các nhà báo chúng ta ngày nay học tập, suy ngẫm. ”   [19]
3.Đúng ra về báo chí của đ/c Phan Đăng Lưu, như trên đã ghi, có nhiều đề tài, và văn chương báo chí của đ/c thay đổi bút pháp , phong cách theo đề tài:
-Tố cáo hành động dã man của kẻ địch ở nhà tù thì chọn những tội ác tiêu biểu nhất, ghi rõ thời gian, địa điểm, tên những người bị hại, “khi cần ngòi bút của ông sắc như gươm” (Phan Quang). Nhờ thế mà nhiều phen chúa ngục phải thua, ví dụ cuộc tuyệt thực 8 ngày ở nhà tù Buôn Ma thuột;
 “…Chiều hôm ấy, tên giám binh và bác sỹ Cô-ly-nô vào, có một số cai đội người Đê đi theo. Với thái độ ôn hòa, tên Công sứ hỏi lại nguyện vọng, anh em kể lại rõ ràng từng khoản một . Hắn nhận tất cả và hứa sẽ giải quyết đầy đủ. Nói xong chúng cho lính tháo cùm và khuyên anh em ăn dần dần , không nên ăn nhiều có hại vì vừa nhịn đói lâu ngày.”[20]
-Về tình hình thế giới thì tri thức mênh mông trải ra trên toàn cầu, qua một sự kiện , có nhiều sự kiện liên quan được dẫn để minh chứng. Đặc biệt, đ/c đã vạch ra bản chất được dấu kín , ngụy trang dưới vỏ hòa bình, dân chủ, nhân đạo,…của các hành động của bọn tư bản , đế quốc, phát xít.
-Khi kể chuyện thì từ chỗ đặt tên , đến lời mở đầu đều đưa ra mâu thuẫn, chỉ ra vấn đề lý thú, lôi cuốn người đọc từng bước cho đến kết thúc  là cởi nút.
-Biếm văn là một thể loại đặc hiệu, có những điểm riêng như đã nêu ở  trên đây.
4. Ở phần mở đầu , chúng tôi đã nêu lên sự đóng góp to lớn của đ/c Phan Đăng Lưu về nhiều mặt. Riêng về báo chí, đ/c là “một là một chiến sỹ tiền phong”:
“Không chỉ là một nhà tổ chức, nhà lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Phan Đăng Lưu còn là nhà báo, nhà lý luận sắc sảo, một chiến sỹ tiên phong của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam”[21]   
Tôi đồng ý với PGS.TS Nguyễn Thế kỷ: “Trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, báo chí Việt Nam, Phan Đăng Lưu có một vị trí đáng kính trọng. Ông mãi mãi được nhớ đến, được ghi công như là một lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta, một nhà báo trung kiên, ưu tú.”[22]
Tuy nhiên, về sự nghiệp báo chí của đ/c Phan Đăng Lưu, chúng ta nghiên cứu dược quá ít, cần phải bỏ nhiều công phu hơn nữa:
 “Sự nghiệp báo chí của Phan Đăng Lưu rất  cần được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu sâu sắc hơn.”[23]  
                                            PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC BÀI BÁO PHÂN CHIA THEO ĐỀ TÀI VÀ THỂ LOẠI
1.Chính luận
Chính luận gồm 37/93 bài= 39,78%, với danh sách sau đây:
  1. Tình hình tù chính trị bị giam cầm ở Buôn Ma thuột .
  2. Sự chết chóc ở ngục Buôn Ma Thuột
  3. Giảm chế độ ăn uống vì bệnh phù thũng
  4. Tình hình những người bị giam cầm ở Buôn Ma Thuột.
  5. Tình hình tù bị đày ở Buôn Ma Thuột.
  6. Nhân cuộc tuyển cử sắp đến, nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước.
  7. Ý tốt của Hoàng thượng đã bị một hạng thừa hành vô tâm hay hữu ý làm sai lạc.
  8. Cuộc tổng tuyển cử dân viện Trung kỳ.
  9. Hỡi anh em cử tri.
  10. Cùng các ông nghị ra tranh cử dân biểu
  11. Chương trình chúng tôi
  12. Chúng tôi yêu cầu để cho cử tri được tự do bỏ thăm và trừng trị những sự ép uổng và gian lận trong cuộc bầu cử
  13. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
  14. Bức thư công khai.
  15. Phương châm hành động của các dân biểu trong Mặt trận Dân chủ.
  16. Nhân kỳ hội đồng thường niên của dân viện.
  17. Muốn cho Viện dân biểu có thể thống, muốn cho Viện dân biểu làm được việc, cần phải có tinh thần đoàn kết chặt chẽ.
  18. Nhân kỳ Hội đồng thường niên của dân viện, xin chính phủ cho dân chúng tự do bày tỏ nguyện vọng.
  19. Muốn cho lời thỉnh cầu có giá trị, chúng tôi mong các ông dân biểu hãy đi sát nguyện vọng thiết tha của dân chúng và phải có tài liệu đầy đủ.
  20. Đã đến lúc phải mở rộng quyền hạn cho dân viện.
  21. Trước vấn đề cải cách thuế đinh, điền ở Trung Kỳ. Thái độ của các dân biểu phải như thế nào?
  22. .Không nên tăng thuế điền thổ nữa.
  23. Trước vấn đề thuế thân, Viện dân biểu Trung Kỳ đã thống nhất lực lượng và tỏ thái độ bênh vực cho dân chúng rất đáng khen ngợi.
  24. Dân viện bế mạc.
  25. Công việc của các ông dân biểu đã kết thúc chưa?
  26. Viện dân biểu bế mạc
37.Vấn đề phòng thủ Đông Dương.
39.Ai muốn phá hoại hòa bình.
47.Nội chiến Tây Ban Nha bao giờ mới kết thúc?
49.Chuyện ba vua.
50.Chuyện xung đột giữa Tàu và Nhật sẽ đi đến đâu?
51.Thời cuộc 1.
52.Thời cuộc 2.
53.Thời cuộc 3.
55.Thời cuộc 4.
56.Chính sách bất can thiệp ở Tay Ban Nha, ai chủ động?
57.Phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình.
58.Nga-Nhật, Nga năm 1935. Nga năm 1938.
2.Tiểu phẩm
Tiểu phẩm gồm 19/93 bài= 20,43%, sau đây là danh sách:
27.Báo Sông Hương bị kiện.
28.Chung quanh vụ kiện báo Sông Hương.
30.Chúng tôi quyết làm phận sự đến giọt mực cuối cùng.
31. Chính phủ còn đợi gì nữa mà chưa ban hành luật báo chí?
32.Tự do báo chí sao lại một mình xứ Nam Kỳ được hưởng?
33.Con đường của chúng tôi.
34. Sau khi tờ báo bất hạnh của dân Trung Kỳ bị kết án, chúng tôi biện hộ cho Dân.
35.Vì sao Trung, Bắc Kỳ lại không được tự do báo chí như Nam kỳ?
36.Báo Dân đã bị chà đạp dưới gót sắt cường quyền, anh em làng báo Nam Kỳ tính sao đây?
37.Chúng tôi đối với vấn đề phòng thủ Đông Dương và cuộc công thải hiện thời.
38.Cuộc bầu cử dân biểu Bắc Kỳ đã tới đâu?
40.Phải để số tiền 3 triệu cho nạn nhân.
41. Xung quanh lịch sử thay đổi ngôi Toàn Quyền.
42. Sau cuộc tuyển cử Bắc Kỳ.
43. Sau cuộc công thải phòng thủ Đông Dương.
44.Chúng tôi chỉ tán thành những cuộc cải cách thật có lợi cho dân.
45. Nguyện vọng chính đáng của dân chúng trong lúc này. Các quyền tự do dân chủ.
46. Không nên dùng chính sách khủng bố trong thời giờ hiện tại.
54. Thư tàu bay.
3.Biếm văn
Biếm văn gồm 37/93 bài=39,78%, sau đây là danh sách:
29.Chiếu điện đó.
60.Góp…nhặt
61.Góp…nhặt chuyện tầm phào.
62.Lời khuyên các cử tri (thơ).
63.Góp…nhặt chuyện tầm phào.
64.Câu chuyện hàng tuần.
65. Câu chuyện hàng tuần. Radio mấy ông nghị.
66. Câu chuyện hàng tuần, lại chiếu điện.
67.Góp…nhặt chuyện tầm phào.
68. Những chuyện hay trong vụ tuyển cử.
69. Những chuyện hay trong cuộc tuyển cử (tiếp theo số trước)
70.Câu chuyện hàng tuần, mỹ nhân kế.                                           
71.Cà kê dê ngỗng. Từ Tây sang Đông họ thi nhau nói láo.
72.Lối thơ vô chính phủ (thơ).
73.Cà kê dê ngỗng. Một trận giặc ở Hà Nội.
74. Chuyện vài hàng…
75.Một đấm với một đá. Chó quan lại sủa tiếng quan.
76.Cà kê dê ngỗng. Ông bà Tưởng Giới Thạch ngồi tụng Nam mô A di đà Phật.
77.Lối thơ vô chính phủ.
78.Dân khóc Uỷ ban điều tra.
79.Nửa chơi nửa thật. Báo Tràng An theo cộng sản.
80.Quan khóc theo áo gấm.
81. Nửa chơi nửa thật. Các mệ diễn thuyết ư?
82.Nửa chơi…nửa thật.
83. Dân là quý.
84. Tết Tây buồn lắm chị em ơi.
85.Ân thưởng vinh hàm.
86.Con chó của cụ sứ hay dân ăn tiền quan.
87.Chương trình phòng thủ Huế khi có loạn.
88.Chuyện cà kê dê ngỗng.
89.Đảng Quốc phòng.
90.K.Đ. đi dự hội đồng thường niên Viện Dân biểu Trung Kỳ.
91.Lại chuyện đít cua.
92.Tờ hiệu thị của K.Đ.
93.Nói chuyện anh Năm Sài Gòn.
94.Coi mặt đặt tên.
95.Vừa chơi vừa thật. Ân huệ.
96.Nụ cười cay đắng. Cái cục phản.
                                         *
                                                          P.Đ.N.
                               TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đinh Xuân Lâm (2010):Về thông tin “Phan Đăng Lưu là Ủy viên Trung ương Đảng từ 1939 đến 1941 và cũng trong thời gian này là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng”, Văn hóa Nghệ an, số 170 ngày 10-4-2010.
-Vũ Văn Thuấn , chủ biên (2015), Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối: Phan Đăng Lưu –Tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015.
- Bùi San (1978):Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 04 (181) tháng 7 và 8 năm 1978.
-Hoàng Tùng (2002): Trường Chinh- một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, NXB chính trị quốc gia, H.,2002.
- T. C. (1939):Tự chỉ trích,  Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
, Văn kiện Đảng toàn tập.    
-Nghị quyết hội nghị VI ngày 6, 7, 8 tháng 11 năm 1939 (Thường được gọi là hội nghị lần thứ VI của Trung ương), Phụ lục 1,  sách Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ.
-Lưu Phương Thanh (1986) : Đồng chí Phan Đăng Lưu, một cán bộ lãnh đạo kiên cường và sáng suốt, Sài Gòn giải phóng, số 22-1-1986
 -Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ (2001) : Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ,Trần Giang chủ nhiệm, TP HCM, 2001.
-Nghị quyết của Ban Trung ương Đảng ngày 6,7,8 Novembre 1939, Phụ Lục I Khỏi nghĩa Nam kỳ.
- -Tuyên bố 1940 Đảng Cọng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7,  .
-Văn kiện Đảng toàn tập, Nghị quyết của hội nghị Trung ương ngày 6,7,8,9-11-1940, .
-Tân Cương (bút danh) : Xã hội tư bản, NXB Tư tưởng mới, (Tua ran) Đà Nẵng, 1937, 32 tr.
-Tân Cương (bút danh): Thế giới cũ và thế giới mới, , NXB Tư tưởng mới, (Tua ran) Đà Nẵng, 1937, 24 tr. .
-Bằng Phi (bút danh): Các tướng Hồng quân Tàu, NXB Trần Đình Tri, H., 1938, tập sách Dân chúng, 40 tr..
-Bằng Phi (bút danh) dịch: Tiểu sử Mao Trạch Đông, Nhà in Trung Bắc tân văn, H., 1938, 45 tr., 24 .
- Phi Bằng (bút danh) : Thi văn các nhà chí sỹ Việt Nam, NXB Tân Thanh, Huế, 1939.
-Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, NXB Nghệ Tĩnh,  1987 .
 -Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử- tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998.
-Uy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc Thôhg nhât  Việt  Nam, tập 1, NXB. Chính trị Quốc gia, 2004.
-Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 26- 6-1940
Đảng Cọng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, SDD, t.7.
-Hoa Trung (biên): Kinh tế học tiểu sử (Quyển hạ) ,  , tủ sách Quan hải tùng thư, nhà in Tiếng dân, năm 1929, đường Đông Ba , Huế.
-Ngô Đức Mậu: Những lần gặp anh Phan Đăng Lưu, “Non nước”, NXB Văn hóa thông tin, H, 1995.
-Bùi San, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 04 (181) tháng 7 và 8 năm 1978.
-Tôn Quang Duyệt: Phan Đăng Lưu- Một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc kiên cường, một người  trí thức cách mạng tiêu biểu,Tạp chí nghiên cứu sử học, số 163, tháng 7 và 8 năm 1975.
-Hồng Phi: Những ngày cuối cùng của đồng chí Phan Đăng Lưu, trong ngục tù đế quốc (ký ức),(Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ  Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ký hiệu 3B.)



[1] Ngô Đức Mậu: Những lần gặp anh Phan Đăng Lưu, “Non nước”, NXB Văn hóa –Thông tin, H, 1995, tr.192-193.
 [2]   Ngô Đức Mậu: Những lần gặp anh Phan Đăng Lưu, “Non nước”, NXB Văn hóa –Thông tin, H, 1995, tr.106-197.
 [3] [3]   Ngô Đức Mậu: Những lần gặp anh Phan Đăng Lưu, “Non nước”, NXB Văn hóa –Thông tin, H, 1995, tr.202.
 [4] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015, tr. 214-215.
 [5]  Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015, tr. 320-321.
 [6]  Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.121.
 [7]  Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu , tiểu sử-tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998, tr. 40)
 [8] Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu , tiểu sử-tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998, tr. 41
 [9] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.155.
 [10] Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu. NXB Nghệ Tĩnh 1987,  tr. 35.
[11] Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu , tiểu sử-tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998, tr. 41-42.
 [12]  Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.181.
 [13] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.181.
[14] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.305.
[15] Các số trang ở mục Ngôn ngữ nghệ thuật ghi theo sách Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu , tiểu sử-tác phẩm, NXB Thuận Hóa, 1998.
 16]  Phan Quang:  Phan Đăng Lưu, nhà báo cách mạng, Phác họa chân dung, NXB Trẻ, 2004,tr.117
 [17] Tố Hữu: Máu và hoa-con đường của nhà thơ Tố Hữu, Tác phẩm mới, số 57, tháng 1-1976, tr.81
 [18] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.322-323.
 [19]  Phan Quang :  Phan đăng Lưunhà báo cách mạng, Phác họa chân dung, NXB Trẻ, 2004, tr.113
 [20] Tôn Quang Duyệt: Phan Đăng Lưu, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, kiên cường, một trí thức cách mạng tiêu biểu, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 1975, số 4(163), tr. 54.
 [21] Vũ Văn Thuấn (chủ biên): Phan Đăng Lưu- tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2015,   tr.5.
 [22] Nguyễn Thế Kỷ:Phan Đăng Lưu, người cộng sản, nhà báo ưu tú, Nhân dân cuối tuần, số 47 (877), ngayf20-11-2005.
[23] Phan Quang: Phác họa chân dung Phan đăng Lưu, Phác họa chân dung, NXB Trẻ, 2004,tr.117

http://mactoc.com/newsdetail/3521/su-nghiep-au-tranh-bao-chi-cua-ong-chi-phan-ang-luu.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.