Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/01/2016

Vừa đi vừa đọc lại : Sao phải bỏ lễ khai ấn đền Trần?

Bài của Nguyễn Lương Hải Khôi từ năm 2011.

Chép nguyên về từ VNN.


---


Sao phải bỏ lễ khai ấn đền Trần?

Điều mà các nhà hoạt động văn hóa cần làm không phải là vùi dập cái tờ đóng con dấu ở Đền Trần, mà là cung cấp thêm cho ký hiệu ấy ý nghĩa mới, “văn hóa” hơn theo cách mà mình thích. Đồng thời, cải cách hoạt động lễ hội để nó diễn ra trong trật tự. Có trật tự thì mới có khoảng lặng trong tâm hồn để mà thành kính. Khi không phải giành giật với người khác, những ký hiệu trong ngôi đền ấy càng thêm “linh thiêng”.
 s
LTS: HÌnh ảnh hàng vạn người thức trắng đêm, giẫm đạp lên nhau để tranh cướp lá ấn trong lễ khai ấn đền Trần tuần qua đã gây phản ứng trong dư luận về một sự kiện văn hóa, tín ngưỡng nhưng lại có những hình ảnh phản văn hóa này. Một số nhà nghiên cứu sử học đã lên tiếng khẳng định "lễ khai ấn đền Trần là một sự xuyên tạc lịch sử" và nên xem lại, thậm chí hủy bỏ sự kiện này trong lễ hội đền Trần. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa cho rằng, bản thân lễ khai ấn không có lỗi. Và cách hành xử cũng không thể đơn giản là dẹp bỏ một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo công chúng. Tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam mở diễn đàn tranh luận về vấn đề này. Bài viết dưới đây phản ánh góc nhìn riêng của tác giả. Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận.



"Con người đang là" và "Con người nên là"
Lễ hội ở đền Trần vừa qua, đặc biệt là trong Lễ phát ấn, đã gây phản ứng trong dư luận vì diễn ra cảnh hỗn loạn phản văn hóa. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là niềm tin vào "vận may do vua quan ban phát, xem nó là "lộc trời", "lộc vua" 1. Có ý kiến than thở: "Hãy nghe những lời cầu khẩn quyết liệt của các "tín đồ đô la", "con chiên của tước vị" nơi cửa thánh, để thấy nỗi khát khao tiền tài, danh vọng cháy bỏng của họ" 2.
Những ý kiến phê phán ấy rất đúng đắn, nhưng vẫn còn có thể có một góc nhìn khác.
Cứ cho rằng chẳng ai "hiểu và tự hào về hào khí Ðông A, về vua tôi nhà Trần cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc mà không tham danh vọng, lộc lá của các vị như Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn..." 3. Cứ cho rằng họ chỉ nghĩ đến việc cầu mong cho sự nghiệp của mình thăng tiến tốt đẹp. Người làm quan mong lên chức, người làm kinh doanh mong kiếm được nhiều lợi nhuận.
Ảnh: Tuổi trẻ
Thế nhưng, đó là một cách hợp lí để người ta còn nhớ về ông Trần Hưng Đạo. Ông ấy là con người của 7 thế kỷ trước. Nếu không hiện diện trong đời sống kinh tế của con cháu hôm nay, không dễ gì khiến ông tồn tại trong óc họ.
Họ chẳng có gì sai. Tại sao họ phải nhớ ông ấy theo cách nhớ của một nhà Sử học?
Xã hội nào cũng cần đến những con người có khả năng vận hành thế giới (theo cách nói phương Tây là "Who can run the world"), theo cách của riêng họ. Trong một xã hội như Việt Nam, nếu có được vài ba phần trăm người mang tinh thần ấy đã là rất may mắn.
Những con người ấy, dĩ nhiên, biết Tự do của mình là gì, Tự do ấy nằm ở đâu, biết rằng Tự do của Tinh thần là cái tối cao, biết rằng mình chẳng bao giờ từ bỏ nó vì bất cứ lí do gì, ngay cả khi... Đức Thánh Trần hiện ra trước mắt và dí gươm vào cổ.
Nếu giả sử có một sự thực rằng, chỉ cần một ai đó cúi gập người trước tượng Đức Thánh Trần, anh ta sẽ... có nhiều tiền, thì những con người mang tinh thần "run the world" cũng sẽ chẳng bao giờ hạ mình như thế. Khi bước vào Đền Trần, họ sẽ vẫn thẳng lưng. Và khi bước ra khỏi Đền, người có thể đứng thẳng trước Thần Phật như họ cũng sẽ chẳng bao giờ lại khom lưng trước kẻ khác . Vâng, giả sử có những con người như vậy... Đó là đẳng cấp "nên là" của con người.
Nhưng, mấy chục ngàn người "điên loạn" trong "lễ hội" kia thì khác thế. Và, khó có ai có tư cách lên án họ nếu họ không nhớ về Trần Hưng Đạo theo cách của các nhà sử học. Họ nhớ về Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo theo cách của họ, không phải như những nhân vật lịch sử mà ai đó viết trong những cuốn sách khô khan, mà như là "Phật Hoàng" và "Đức Thánh", những "đấng, bậc" ban phúc cho họ trong đời sống cơm áo hằng ngày.
Khi họ tin rằng, nếu có một bức lụa đóng dấu Vua Trần Nhân Tông thì năm nay sẽ ăn nên làm ra, thì đó là lúc vị Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đức Thánh Trần hiện diện trong miếng cơm manh áo của họ trong một năm. Thường thì chẳng có ai hoàn toàn chỉ có may mắn hoặc vận rủi. Nhưng, khi có may mắn, họ sẽ càng nhớ đến những bậc Thần Phật ấy hơn và tiếp tục viếng Đền trong năm mới. Khi gặp vận rủi, họ sẽ nghĩ là tại họ, bởi những con người ấy chẳng bao giờ đủ can đảm mà trách móc Thánh Thần, dù là trong ý nghĩ.
Như vậy là, ngay cả những con người chưa từng biết Trần Nhân Tông hay Trần Hưng Đạo là ai, qua một mùa lễ hội, biết những "đấng" "bậc" là ai, theo cách của họ. Mà, việc họ biết hay không biết thì cũng đều không quan trọng như nhau. Điều quan trọng là những ký hiệu của lịch sử dân tộc và quốc gia đi vào tận đáy sâu tâm thức họ, thông qua con đường thích hợp với họ: không phải là con đường của trí tuệ sách vở mà là bằng cách hiện diện trong... đời sống cơm áo hàng ngày.
Nếu muốn cho những ký hiệu của quốc gia, lịch sử không chỉ tồn tại trong Viện bảo tàng hay sách giáo khoa, mà tồn tại như một thực thể sống động trong đời sống con người, thì đây là con đường duy nhất: tồn tại trong quá trình mưu sinh của con người.
Nếu lịch sử chỉ là những dòng chữ
Những "nhà hoạt động và quản lý văn hóa" cần phải xuất phát từ tinh thần của con người trong thực tiễn, từ cái "con người đang là" của hôm nay, và khơi dòng để tự chính những con người đó đạt đến đẳng cấp của "con người nên là". Dĩ nhiên, không phải bằng mệnh lệnh và cấm đoán.
Tình yêu nước, đối với rất nhiều người, là một cái gì trừu tượng. Và để cho những "con người đang là" có thể sống với những cái trừu tượng tương tự như vậy, cần ký hiệu hóa nó thành những mã văn hóa cụ thể. Thông qua ký hiệu cụ thể, người ta "nhìn thấy" cái trừu tượng trong vô thức. Không thể xóa đi cái mã ký hiệu ấy để bắt người ta sống với cái trừu tượng khi mà bản thân cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi những ký hiệu.
Nếu dẹp Lễ khai ấn ở Đền Trần, dẹp Lễ phát lương ở đền Trần Thương, cái tinh thần của "con người đang là" kia vẫn không mất đi. Nó vẫn còn đấy. Nó không mất đi do những quyết định hành chính. Nó sẽ biến tướng thành những cái khác, mà nhiều khi... đáng khóc hơn nhiều lần.
Ở trên Cù Lao Phố, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có đền thờ Quan Công và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nằm cạnh nhau bên bờ sông Đồng Nai, được xây từ khoảng 300 năm trước.
Quan Công trong thực tế lịch sử thì chẳng có gì ghê gớm, nhưng được người Hoa vẽ lên thành một ký hiệu cho hai chữ "trung nghĩa", đặc biệt là ở ngòi bút La Quan Trung, và được họ thờ như "thần". Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng vai trò chủ chốt xác lập nền hành chính cho các Chúa Nguyễn ở Miền Nam, giúp lãnh thổ Việt Nam chính thức mang hình chữ S. Sau khi mất, ông được phong là Thượng đẳng thần.
Ngày nay, nếu đến Cù Lao Phố, nhất là vào những ngày Tết, sẽ thấy choáng ngợp khi bước vào đền thờ Quan Công vì khách viếng nườm nượp, cả người Việt lẫn người Hoa. Có một niềm tin đã được xây dựng rằng: cúng "đền Ông" (tên gọi đền này) sẽ may mắn trong làm ăn. Các vị ăn mày xếp hàng la liệt từ bãi giữ xe vào đến chính điện. Thật là "thiếu văn hóa", theo cách nói của nhiều nhà phê bình.
Nhưng, khi bước sang Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh thì chúng ta sẽ ngậm ngùi vì ngôi đền ông thần của nước Việt đóng cửa im ỉm một cách rất... "có văn hóa". Hai ngôi đền cách nhau chỉ vài chục bước chân, nhưng bên kia người Việt khấn vái xì xụp, bên này, nơi thờ đấng công thần khai phá Miền Nam cho cuộc sống họ hôm nay, ngay giữa ngày mùng 1 Tết, anh nhân viên văn hóa xã đóng cửa sớm để còn về cúng ông bà. Bị mời ra khỏi đền, du khách có một không gian rất "có văn hóa" để ngồi bên thềm ngắm... mấy con chuồn chuồn bay rập rờn trong tiết xuân man mát...
Tương tự như hiện tượng thờ Quan Công, người Trung Quốc ở phía nam Dương Tử còn có tục thờ Mã Viện, kẻ đã giết Hai Bà Trưng. Có rất nhiều đền Mã Viện ở vùng này, và cả ở bên Đài Loan. Theo niềm tin của dân chúng thì "rất linh thiêng". Năm ngoái, cư dân mạng Việt Nam xôn xao vì hình ảnh những người Việt Nam đến viếng đền Mã Viện ở Đông Hưng, Trung Quốc, đọc sớ bằng tiếng Trung Quốc được viết dưới dạng phiêm âm sang chữ Việt (chữ quốc ngữ), dâng lên "thần Mã Viện" để "cầu an, cầu tài, cầu lộc". Đó là chưa kể họ biểu diễn hoạt cảnh... Hai Bà Trưng quy phục Mã Viện 4.
Những người Việt ấy có khi chẳng biết Hai Bà Trưng hay Mã Viện là ai, chuyện gì đã xảy ra 2000 năm trước, và bản thân họ thuộc về bên nào. Mà nếu có biết thì chỉ biết lờ mờ. Cái "lờ mờ" ấy không đủ mạnh để đánh bạt cái đang hiện diện mạnh mẽ trong đầu họ là "cầu an, cầu tài, cầu lộc" như là một nhu cầu thực sự giữa một xã hội đầy bất an và cô độc.
Những Đền thờ Hai Bà Trưng ở đây đó trong nước không có những thứ ấy (Vâng, ở đấy chỉ có cái "lịch sử" đầy sang trọng của các nhà nghiên cứu thôi), thì họ sang... đền Mã Viện.
Tương tự như thế, cũng có thể, những người Việt khấn lạy xì xụp trong đền Quan Công cũng chẳng mảy may nghĩ về câu chuyện Tam Quốc, hay mối liên hệ xa xôi giữa Quan Công và Lục Dận, kẻ đã đánh Bà Triệu. (Mà, họ biết để làm gì?).
Nhưng, vấn đề là, khi quỳ rạp mình trước Quan Công, người ta để cho một ký hiệu của văn hóa ngoại bang đi sâu vào tận đáy sâu tâm thức mình một cách thụ động. Đây lại là cách đồng hóa hiệu quả nhất.
Đành rằng bức tượng Quan Công chỉ là một ký hiệu, nhưng cái mà ký hiệu dẫn người Việt đi đến không chỉ là "tài lộc" mà còn là một nỗi sợ, không phải kính sợ Tổ tiên mình như khi người ta quỳ xuống trước những ký hiệu như Phật hoàng Trần Nhân Tông hay Đức Thánh Trần.
Những "con người đang là" ấy cần có những "đấng, bậc" để sợ hãi. Họ cần nỗi sợ hãi, vì chính trong nỗi sợ dâng lên "đấng, bậc" nào đó, họ cảm thấy được an toàn, che chở và nâng niu. Đây là một nhu cầu tinh thần thực sự của họ.
Những kẻ mang ý chí "run the world" thì không biết sợ. Họ, dĩ nhiên, đã mặc định rằng cuộc sống của mình không an toàn. Họ không sợ ngay chính cái "sự không an toàn" này. Nhưng, may lắm cũng chỉ kiếm được vài phần trăm những con người đạt đến đẳng cấp "nên là" ấy (Hay là chẳng có phần trăm nào cũng nên!).
Không thể làm cho những "con người đang là" kia trở nên dũng cảm, xứng đáng với "Con người nên là", bằng cách tước đi cái ký hiệu mà họ đang sùng kính. Họ sẽ tìm đến những ký hiệu khác.
Khi mà Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là Nguyễn Hữu Cảnh của các nhà sử học, hàng nghìn người người Việt kia đã quỳ gối trước Quan Công. Khi Hai Bà Trưng chỉ là Hai Bà Trưng của các nhà sử học, họ đã quỳ gối trước Mã Viện, vì đã có một niềm tin rằng những ngôi đền Mã Viện có thể ban "tài lộc" cho họ.
Các nhà sử học định làm gì họ? Triệu tập những "con người đang là" ấy đến thư viện đọc sách về Hai Bà Trưng, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Hữu Cảnh chăng?
Có người đề nghị, cần tuyên truyền rằng Trần Hưng Đạo chẳng phải thần thánh gì, rằng con dấu trong Đền không có gì linh thiêng 5.
Nhưng vấn đề là, giả sử "đám đông đang là" kia bị tước mất Đức Thánh Trần của họ, họ sẽ phải tìm đến những ông thánh khác. Hiện đã có sẵn nhiều ông thánh khác để lấp chỗ trống đấy. Các nhà hoạt động và quản lý văn hóa muốn họ chọn ai nào, Quan Công hay... Mã Viện?
Sáng tạo những mỹ tục mới
Trong đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản, có những "ông thần" vốn bị Đồng minh treo cổ sau thế chiến 2. Mùa xuân, trong liên tiếp những tuần hoa anh đào nở đẹp, ngôi đền này chật cứng người dân Nhật từ toàn quốc đổ về.
Việc viếng đền được tổ chức rất thông minh, không có cảnh giống như được mô tả ở Đền Trần. Tôi cố thử nghe họ khấn gì ở chính điện: "Thiên hoàng điện hạ vạn tuế".
Ở bên ngoài đền Yasukuni, người Nhật sống với thời đại dân chủ hôm nay, thời mà ông Nhật hoàng chỉ còn là một ký hiệu không có nội dung. Bước vào không gian đền Yasukuni, họ quay về với thời đại mà họ còn một "đấng tối cao" bằng xương bằng thịt để nương tựa tinh thần. Cái họ muốn quay về, có lẽ, là trải nghiệm tinh thần ấy hơn là chủ nghĩa phát xít. Nếu dẹp luôn chế độ Thiên hoàng và ngôi đền ấy, người Nhật cần xây dựng một cái gì tương tự để thay thế, nhằm quy tụ tinh thần của từng cá nhân nhỏ bé trong cộng đồng dân tộc.
So sánh dài dòng như thế để thấy rằng, dù có đạt đến trình độ phát triển về văn minh và giáo dục rất cao, người ta vẫn cần một điểm tựa tinh thần, vẫn chưa thể thực sự Tự do để trở thành "con người phải là" như các nhà trí thức phê phán Lễ hội Đền Trần mong muốn.
Phật nói rằng, thực hành nghi lễ "lạy Phật" không phải là lạy một đấng nào đó ở "trên kia" mà là lạy phần cao cả nhất trong chính con người mình, điều được đặt tên là "Phật tính". Nhưng con người phải có một đẳng cấp tinh thần rất cao, có một cái Tôi cực lớn, mới đạt tới mức "con người nên là" ấy. Cái "vô ngã"
Phật dạy là cái "vô ngã" của một cái Tôi vĩ đại, không phải là trạng thái tinh thần của kẻ phải nương tựa vào những cái tôi khác, hoặc thậm chí không biết mình là ai nữa. Phần đông, người ta vẫn cần một "đấng, bậc" nào đấy để cảm thấy an toàn vì "cái tôi nhỏ bé" của mình được che chở.
Khi phê phán Lễ khai ấn và việc phát ấn, hầu hết các nhà nghiên cứu đều căn cứ vào các cứ liệu lịch sử để cho rằng, con dấu ấy không phải từ thời Trần, rằng Trần Hưng Đạo chỉ "được là Thánh" từ thế kỷ 17.
Những điều này, giả sử là đúng, thì cũng chỉ tương tự như Đấng Jesus trong mắt tín đồ Thiên Chúa giáo và theo như nghiên cứu của các nhà Tôn giáo học. Nếu các nhà nghiên cứu nói với dân chúng rằng họ cần nhìn Phật Hoàng và Đức Thánh Trần như những nhân vật lịch sử, thì cũng giống như vào Nhà thờ và tuyên bố rằng Jesus chỉ là một nhân cách văn hóa. Làm như thế là lẫn lộn hai địa hạt tinh thần khác nhau.
Một con người có thể cùng sống trong nhiều địa hạt tinh thần khác nhau. Một cậu học sinh được dạy trong nhà trường rằng Trần Hưng Đạo đơn giản là một anh hùng dân tộc, và ngày Tết cậu theo mẹ đến "cầu tài, cầu lộc" Đức Thánh Trần. Hai việc ấy thì có gì mâu thuẫn với nhau?
Nếu chưa từng có nghi lễ khai ấn? Nếu con dấu ấy chỉ là "hàng nhái"? Nếu những huyền thoại về "phép thần thông" của Đức Thánh Trần chỉ mới ra đời cách đây 300 năm? Cũng tốt! Nếu nhìn thấy tầm quan trọng của những điều này, cần thấy đó là những "sáng tạo" quan trọng.
Nhờ có những điều ấy, Trần Hưng Đạo trở thành một phần của đời sống cơm áo gạo tiền hàng ngày của con người. Nhờ đó, ký hiệu có tính tôn giáo này đã giành được rất nhiều người Việt khỏi tay của Quan Công và ngăn họ tìm đến Mã Viện trong tương lai.
Điều mà các nhà hoạt động văn hóa cần làm không phải là vùi dập cái tờ đóng con dấu ở Đền Trần, mà là cung cấp thêm cho ký hiệu ấy ý nghĩa mới, "văn hóa" hơn theo cách mà mình thích. Đồng thời, cải cách hoạt động lễ hội để nó diễn ra trong trật tự. Có trật tự thì mới có khoảng lặng trong tâm hồn để mà thành kính. Khi không phải giành giật với người khác, những ký hiệu trong ngôi đền ấy càng thêm "linh thiêng". Và, hơn thế nữa, cần làm cho Đức Thánh Trần lan tỏa đến cả những nơi mà Nguyễn Hữu Cảnh còn chưa cạnh tranh nổi với Quan Công. Đó mới thực sự là sáng tạo văn hóa.
Mà, cải cách lễ hội để chấm dứt sự hỗn loạn liệu có phải là điều gì quá khó? Chỉ cần một cuộc thảo luận, sẽ có nhiều cách tổ chức hiệu quả hơn được nghĩ ra.
Còn nếu tạo ra một khoảng rỗng đến mức một ngày nào đó, người Việt cảm thấy chỉ còn mỗi... đền "thần Mã Viện" là "linh ứng", thì đừng nên viết những bài than thở về lòng yêu nước chỉ vì thấy người ta bực bội khi nghe nhắc đến Hai Bà Trưng.
Có một điều chúng ta không nên quên là, nếu Đức Thánh Trần bị tiêu diệt - bị làm cho "mất thiêng", chỉ còn là một Trần Quốc Tuấn trong sách vở, thì ông Quan Công đã có sẵn để thay thế như một Đức Ông ban tài, ban lộc. Còn Mã Viện thì... đang kiên nhẫn chờ đợi không chỉ ở bên kia biên giới.
Mã Viện từng được thờ ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Ở Miền Nam, Hoa kiều từng thờ Mã Viện ở nhiều hội quán. (Việc này, theo tôi biết, bị dẹp thời Ngô Đình Diệm).
"Theo Dror, các đền thờ Mã Viện tồn tại không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Cổ Loa, cũng như Thanh Hóa và Phúc Yên. Cô còn tìm thấy rằng ở Bắc Ninh nơi người dân thờ Hai Bà Trưng, họ cũng thờ Mã Viện ở trong cùng một ngôi đền. Tất cả những điều này tìm thấy ở miền Bắc, thật kinh ngạc".
Ghi chú:
[1] Khi mê tín được gắn dấu quốc gia
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/425205/Khi-me-tin-duoc-gan-dau-quoc-gia.html
[2] Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/?vnnid=9705

[3] Bi hài chuyện khai ấn http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/425204/Bi-hai-chuyen-khai-an.html
[4].Thực hư chuyện người Việt nhảy múa trong lễ tế Mã Viện
http://www.baomoi.com/Thuc-hu-chuyen-nguoi-Viet-nhay-mua-trong-le-te-Ma-
Vien/52/4058066.epi

[5].Bi hài chuyện khai ấn
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/425204/Bi-hai-chuyen-khai-an.html
Mã Viện từng được thờ ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Ở Miền Nam, Hoa kiều từng thờ
Mã Viện ở nhiều hội quán. (Việc này, theo tôi biết, bị dẹp thời Ngô Đình Diệm).
[6].Đọc thêm: Ghi chép về tôn giáo ở VN thế kỷ 18
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2005/06/050622_adrianobook.shtml
"Theo Dror, các đền thờ Mã Viện tồn tại không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Cổ Loa, cũng như
Thanh Hóa và Phúc Yên. Cô còn tìm thấy rằng ở Bắc Ninh nơi người dân thờ Hai Bà Trưng,
họ cũng thờ Mã Viện ở trong cùng một ngôi đền. Tất cả những điều này tìm thấy ở miền
Bắc, thật kinh ngạc"

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-21-sao-phai-bo-le-khai-an-den-tran-

1 nhận xét:

  1. Thực sự đọc xong chả biết bác Khôi viết cái gì?
    Lối dẫn dắt rườm rà, ý tứ lộn xộn và chủ quan
    Có vẻ bác ý muốn nói thà lôm nhôm lam nham ở lễ hội đền nội còn hơn để bà con đi lam nham, lôm nhôm ở đền thờ ngoại?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.