Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/10/2015

Ai là tác giả đích thực, hay là có ma ?

Sự kiện liên quan đến vụ đạo thơ (Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan), đến bây giờ, lại có vẻ lái sang chiều ngoại cảm. Như có ma ấy.

Ai đạo của ai ? 

Hay cả hai cùng đạo của một người thứ ba ?

Dĩ nhiên, án tại hồ sơ công khai thì các bất lợi đang nghiêng về Phan Huyền Thư. 

Cụ thể xem ở dưới.

Bài trên các báo.


(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996” – nhà thơ nói về bài thơ “Bạch lộ”, ban đầu có tên “Độc ẩm trước bình minh”. Phát ngôn này đồng nghĩa với việc Phan Huyền Thư tuyên bố không đạo thơ. Mặc dù vậy, Hội Nhà văn Hà Nội cho biết chưa đủ bằng chứng để khẳng định tuyên bố này là thật.
Sáng 20/10, tiếp tục có thêm diễn biến mới về nghi vấn đạo thơ giữa 2 bài thơ có nhiều câu giống nhau: Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan và Bạch lộ của Phan Huyền Thư.
Phan Huyền Thư phủ nhận đạo thơ
Trong thư điện tử gửi cho một tờ báo được công bố sáng 20/10, Phan Huyền Thư khẳng định: chị làm bài thơ có tên Độc ẩm với bình minh vào cuối năm 1996, viết về một mối quan hệ sóng gió với một người bạn thân. Đến cuối năm 1997, khi gửi bài thơ sang Mỹ để in, chị sửa lại bài thơ, đổi tên thành Độc ẩm cuối thu. Mục đích gửi thơ là để in trên tạp chí thơ của hải ngoại. 

Nhà thơ Phan Huyền Thư
Mặc dù vậy, đến tận bây giờ, tức 18 năm sau, Phan Huyền Thư vẫn chưa rõ bài thơ đó của mình có được đăng trên ấn phẩm nào ở hải ngoại hay không. “Bây giờ tôi chỉ biết kỳ vọng là bên tạp chí Thơ và anh chị em văn nghệ bên đó có thể tìm lại xem đã từng in bài thơ của tôi hay chưa? Hoặc nếu có nhận bản thảo cho tôi thì còn giữ được không? Kể cả thư trao đổi, ghi chú hoặc bản thảo dạng viết tay chẳng hạn...” – chị viết.
“Tôi cũng đã gửi thư nhờ các bạn tôi bên đó tìm kiếm giúp. Như vậy sẽ có thứ để tôi đứng ra thưa chuyện được. Chứ tất cả chuyện có vậy thì tôi biết nói sao bây giờ?”.
Nữ nhà thơ cũng khẳng định, vào năm 2007, chị đổi tên bài thơ một lần nữa thành Bạch lộ khi chuẩn bị bản thảo cho tập Rỗng ngực (in năm 2007), và viết thêm lời đề từ là “độc ẩm với Lã Bất Vi”. Khi đưa vào tập thơ Sẹo độc lập (2014), bài thơ giữ nguyên tên và lời đề từ đó.
Phan Huyền Thư cho biết, sáng 19/10, chị đã gửi các bản thảo thơ mà mình còn lưu cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
Hội Nhà văn Hà Nội: Chưa đủ căn cứ nói Phan Huyền Thư không đạo thơ
Liên quan đến vụ việc, Hội Nhà văn Hà Nội cũng yêu cầu nhà thơ Phan Huyền Thư giải trình vì Hội vừa trao giải thưởng cho tập thơ Sẹo độc lập của chị vào ngày 10/10.
Sáng 20/10, Thể thao & Văn hóa liên hệ với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ông Nguyên xác nhận việc nhà thơ Phan Huyền Thư đã gửi bản thảo cho Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng nhấn mạnh đó là “bản đánh máy”. Khi được hỏi “Trong bản thảo đó, bài thơ tên là gì và đề sáng tác năm nào?”, ông Nguyên cho biết chưa thể cung cấp thông tin này.
“Phan Huyền Thư nói bản thảo chép tay đã gửi đi nên trong ổ cứng máy tính chỉ còn lưu bản đánh máy. Nhưng tài liệu này chưa đủ làm căn cứ”.

Tính đến hôm nay, chưa tìm thấy ấn phẩm nào in bài thơ của Phan Huyền Thư ngoài tập thơ "Sẹo độc lập" năm 2014
“Thời năm 1996, 1997 chưa có mạng Internet, việc thư từ liên lạc giữa Việt Nam và nước ngoài còn khó khăn, các tài liệu cũng chỉ chép tay. Theo Phan Huyền Thư, chị gửi bài thơ này cũng mấy chục bài thơ khác. Gửi sang, bạn bè bên đó cũng đem đi “rải” khắp các tạp chí. Cũng giống như ở một tác giả ở Việt Nam gửi truyện ngắn cho bạn bè nhờ chuyển đến các báo”.
Trước mắt, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ nhờ bạn văn ở nước ngoài xác minh qua nhiều nguồn xem bài thơ của Phan Huyền Thư đã đăng ở ấn phẩm nào chưa. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sau 20/10, Hội mới có câu trả lời chính thức.
Trong khi đó, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vẫn khẳng định bài thơ là của chị và cho biết không có ý định kiện Phan Huyền Thư. Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc về vụ việc.
Nha Đam
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phan-huyen-thu-phu-nhan-dao-tho-hoi-nha-van-hn-chua-du-can-cu-xac-minh-n20151020105816815.htm


Nhà thơ Phan Huyền Thư: "Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996" 


20/10/2015 07:50 GMT+7

TT - LTS: Đến nay, bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan và bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư, “bài thơ nào được sáng tác trước?” vẫn còn là một câu hỏi chưa ai ngoài cuộc có thể trả lời.

Sẹo độc lập được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội
Sẹo độc lập được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội
Chưa vội kết luận ai là người “đạo thơ” khi thấy Buổi sáng in trong tập Đếm cát (NXB Văn Học) ấn hành từ năm 2003, còn Bạch lộ in trong tập thơ Sẹo độc lập (Nhã Nam & NXB Lao Động) ấn hành sau 11 năm, Tuổi Trẻ bước đầu chỉ khách quan ghi lại những “trần tình” từ chính hai tác giả.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và Phan Huyền Thư vừa chính thức gửi email đến Tuổi Trẻ.
Nhà thơ 
PHAN NGỌC THƯỜNG ĐOAN:
Tôi vẫn chờ ở Thư một câu trả lời
19g09 ngày 18-10, tôi nhận được điện thoại của bạn Hà Quang Minh, thông báo rằng trong tập thơ có tên Sẹo độc lập - vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội - của nhà thơ Phan Huyền Thư, ở trang 96, có bài Bạch lộ, rất giống bài thơ Buổi sáng của tôi.
Bài thơ Buổi sáng tôi sáng tác vào ngày 27-6-2000, tại quán cà phê mang tên Catinat trên đường Đồng Khởi ở TP.HCM. Đây là quán của nhạc sĩ Phú Quang, đây cũng là địa chỉ mà giới văn nghệ, làm báo lúc đó thường xuyên hẹn hò với nhau. Sau đó tôi đưa bài thơ này cho anh Phú Quang xem, khi phổ thơ anh ấy đổi tựa là Catinat cà phê sáng. Nhạc sĩ Phú Quang cũng đã phát hành bài thơ phổ nhạc này trong album của mình, và trên các mạng âm nhạc trong nước.
Năm 2003 tôi in tập thơ có tên Đếm cát, trong đó có bài thơ Buổi sáng ở trang 57. Và in bài này rải rác trên các trang sáng tác của các báo trong nước và một mạng báo văn nghệ ở nước ngoài. Hai bài thơ đã được đưa ra công luận về mức độ giống nhau, tôi nghĩ, ai lấy của ai thì người trong cuộc tức khắc phải hiểu và tất cả mọi người, ai quan tâm đến vấn đề này đều nhận ra đâu là sự thật, ai đúng, ai sai.
Lâu nay tôi rất ngưỡng mộ Phan Huyền Thư, vì cô ấy thuộc thế hệ trẻ, năng động, giỏi. Nhưng qua vụ việc này làm tôi bị sốc rất nặng. Tôi vẫn chờ ở Phan Huyền Thư một câu trả lời.
Nhà thơ PHAN HUYỀN THƯ:
Tôi viết bài thơ gốc 
từ năm 1996
Chuyện ra đời bài thơ này không giống với các bài thơ khác của tôi. Tên ban đầu của nó không phải Bạch lộ mà là Độc ẩm trước bình minh, tôi viết cuối năm 1996, lúc đầu nó chỉ mang tính chất ghi chép, cảm xúc với một người bạn thân. Mối quan hệ này về thực chất rất sóng gió.
Đến khoảng cuối năm 1997, vì muốn gửi in bài thơ bên Mỹ nên tôi đã tự sửa lại bài thơ này ngắn gọn hơn, bỏ bớt đi những tình tiết hoặc cảm xúc quá cá nhân, riêng tư của mình để cho mạch bài thơ được rõ ý hơn. Lúc này tôi đang chuẩn bị lấy chồng nên thật sự là cũng tránh, không muốn làm mọi chuyện thêm khó xử. Bài thơ lúc này không còn là Độc ẩm trước bình minh nữa, mà làĐộc ẩm cuối thu.
Tôi nhớ lại, khi ấy hoàn cảnh liên lạc với anh em văn nghệ hải ngoại không hiện đại như bây giờ. Nhiều khi anh em bên đó nhận được bài, tự chọn, tự đưa cho chỗ nào, ở nhà tôi cũng không được biết, anh em văn nghệ có được điều kiện đọc của nhau, in được cho nhau là vui rồi! Nên bản thảo tôi gửi rất vui vẻ, vô tư và chẳng có ý kén chọn hay cầu kỳ nào, lúc thì Hợp Lưu, lúc thì tạp chí Thơ, lúc sang Thế kỷ 21... Chỉ khi nào có ai ở bên ngoài cầm về cho tôi cuốn nào, tôi quý cuốn đó.
Thế là từ một cách ghi chép đầy cảm xúc khá nhiều chi tiết riêng tư của tuổi trẻ: 1996 là Độc ẩm với bình minh, sau gần hai năm đã hạ tông xuống Độc ẩm cuối thu. Nhà thơ Thụy Kha còn bảo tôi nên lấy ngắn gọn là Độc ẩmĐộc ẩmlà một mình rồi, đã một mình lại còn trước bình minh hay cuối mùa thu đều không quan trọng...
Cho đến khoảng thời gian chuẩn bị bản thảo cho tập Rỗng ngực (in năm 2007) tôi tìm thấy bài Độc ẩm cuối thu trong một số những bài thơ khác tản mát ở nơi này nơi kia để ngồi chỉnh trang lại. Vậy là bài thơ được đổi tên lần thứ ba, thành Bạch lộ, với lời đề từ là “độc ẩm với Lã Bất Vi”. Cũng vì tình cờ hôm đó tôi định lấy tờ lịch viết lên mặt sau, thấy có đề là “Bạch lộ - sương trắng - tiết cuối thu...”. Thế là tôi nảy ra một ý chuyển hướng cho bài thơ, không còn là cái khắc khoải kiểu sướt mướt nam nữ nữa, nó thành một người luôn cô độc như tôi, luôn trống vắng như tôi ngồi độc ẩm với tác giả cuốn Lã Thị Xuân Thu, đúng lại là cuốn sách tôi đang đọc dở...
Cũng may cho tôi là các bản thảo thơ vẫn còn lưu được nên khi tìm thấy hai bài thơ Độc ẩm cũ, 7g sáng ngày 19-10 tôi đã gửi ngay cho chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên như anh yêu cầu. Tất nhiên chừng đó cũng chưa đủ để nói gì nhiều, khi bài thơ của chị Đoan đã in trong tập thơ được xuất bản từ năm 2003, còn tôi chỉ có tập thơ của mình in năm 2014!
Bây giờ tôi chỉ biết kỳ vọng là bên tạp chí Hợp Lưu hoặc tạp chí Thơ và anh chị em văn nghệ bên đó có thể tìm lại xem đã từng in bài thơ của tôi hay chưa? Hoặc nếu có nhận bản thảo cho tôi thì còn giữ được không? Kể cả thư trao đổi, ghi chú hoặc bản thảo dạng viết tay chẳng hạn...
Tôi cũng đã gửi thư nhờ các bạn tôi bên đó tìm kiếm giúp. Như vậy sẽ có thứ để tôi đứng ra thưa chuyện được. Chứ tất cả chuyện có vậy thì tôi biết nói sao bây giờ?
Sau khi tiếp nhận được thông tin về sự liên quan giữa hai bài thơ của Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan, Hội Nhà văn Hà Nội đã lập tức liên hệ với chị Thư và đã được chị trình bày sự việc như đã nói trong bài viết gửi Tuổi Trẻ. Từ đó, chúng tôi đang nhờ các văn hữu ở nước ngoài kiểm tra lại sự việc. Chúng tôi cũng cảm ơn các báo đã cung cấp cho Hội Nhà văn Hà Nội những tin tức cần thiết để tìm hiểu rõ ràng mọi chuyện. Hội vẫn khẳng định là sẽ xử lý nghiêm túc, thẳng thắn việc này khi đã có chứng cứ đầy đủ, khách quan. Chúng tôi sẽ thông tin kịp thời, nhanh chóng mọi diễn biến của vụ việc cho báo chí và công luận.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20151020/nha-tho-phan-huyen-thu-toi-viet-bai-tho-goc-tu-nam-1996/987868.html



  • Văn Minh 08:39 20/10/2015
    Không thể tin cái chuyện sáng tác năm 1996 được, khi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cho in tập thơ này vào năm 2003 thì không thấy ai nói gì đến việc bài thơ có vấn đề trong suốt 12 năm (2015), còn Phan Huyền Thư chỉ mới xuất bản có 1 năm là đã bị phát hiện đạo thơ rồi. Cá nhân tôi nghĩ cần phải kiểm tra lại toàn bộ tập thơ của nhà đạo thơ Phan Huyền Thư xem còn bài nào sao chép và chỉnh sửa không, tôi nghĩ có khả năng là còn khá nhiều bài đạo thơ chưa bị phát hiện.
    • Trịnh Xuân An 09:37 20/10/2015
      "... cần phải kiểm tra lại toàn bộ tập thơ của nhà đạo thơ Phan Huyền Thư xem còn bài nào sao chép và chỉnh sửa không... có khả năng là còn khá nhiều bài đạo thơ chưa bị phát hiện".
      Ý
       kiến này hơi ác đó bạn ạ!
  • Trầm Hương 08:53 20/10/2015
    Nếu như là của mình, sao cô Thư đã nghe bài hát Phú Quang phổ nhạc bài thơ của Thường Đoan mà không có động thái phản đối gì?
    • CÔ TÁM TA 09:27 20/10/2015
      Đây là ý kiến rất "đắt". Bởi trước đó chính PHThư đã nói mình từng nghe bài hát Phú Quang phổ nhạc bài thơ của PN Thường Đoan. Nếu là "của mình", sao lúc đó PHThư lại... im re!?
  • Trường Nguyễn 08:43 20/10/2015
    Cô Thư nói thật ly kỳ nhưng cái quan trọng nhất là bằng chứng thì không có. Bây giờ tôi cũng có thể nói chính tôi đã viết Hoa vàng trên cỏ xanh từ năm 1989, có điều chưa kịp in thì Nguyễn Nhật Ánh xuất bản mất rồi :)
  • Ánh Minh 08:27 20/10/2015
    Ôi trời, chắc chắn có "đạo thơ" nhưng ai xem ra cũng phải cố lý giải là của mình. Nếu như cô Thư này không có bằng chứng là những tạp chí ở Mỹ đã in thơ cô thì thôi chịu phép là mình đạo thơ cho rồi.
  • Thanh 09:07 20/10/2015
    Bước tiếp theo mà cô huyền thư này sẽ làm là: ngụy tạo bằng chứng. Có thể sẽ xuất hiện một “người quen” nào của cô này từ bên Mỹ xác nhận về việc bài thơ của cô ta “viết từ năm 1996”. Tôi hi vong Tuổi Trẻ đừng đăng comment này để chờ coi có đúng không nha. tôi bỏ luôn nghề viết. Chỉ thỉnh thoảng ngứa tay viết vài thứ cho đỡ ghiền, để trong tủ tự mình mình đọc thôi
    • tuan 09:46 20/10/2015
      Ôi bạn ơi, cô này thiếu thông minh rồi, thế tại sao lúc cô nghe bài Catinat cô ko lên tiếng luôn là chị Đoan lấy bài của em. Cô không nhận ra thơ của chính mình à ???!!!
  • ANH TÙNG 08:25 20/10/2015
    Cô Thư này trả lời báo như thế chẳng khác nào nói chị Đoan đọc thơ của cô ấy đăng đâu đó trên báo hải ngoại rồi "thuổng" hả???
  • Nguyễn Đăng Ý 08:08 20/10/2015
    Trí thức mà sao giống mua bán quá.
  • Huong 08:44 20/10/2015
    Những thứ cô này đưa ra đều do tự cô ta nói, không hề có bằng chứng rõ ràng.
  • Nguyễn anh tú 08:24 20/10/2015
    Đọc là biết ai đạo thơ rồi.
  • Ngô vương lộc 08:46 20/10/2015
    Có khi nào cả hai người đều lấy ý tứ từ cùng một bài thơ hay bài văn nào đó của Trung Quốc không?


    • e nguyen vu 09:04 20/10/2015
      Hay nghe bài Cafe sáng của nhạc sĩ Phú Quang, giờ mới biết là thơ của Thường Đoan.
    • Nguyễn Thông 10:55 20/10/2015
      Cứ như cô Thư nói thì cô Đoan là người ăn cắp thơ của cô Thư rồi. Hội nhà văn lâu nay ít việc làm, thì bây giờ là lúc cần làm rõ đây, đừng để dân chúng coi khinh văn nghệ sĩ.
    • Công Tín 12:00 20/10/2015
      Trời ơi làm thơ là do cảm xúc bật ra , còn PHT ( nếu đúng như PHT nói) thì làm như thể đẽo cày.giữa đường
    • Vo Danh 11:36 20/10/2015
      "Cũng vì tình cờ hôm đó tôi định lấy tờ lịch viết lên mặt sau, thấy có đề là “Bạch lộ - sương trắng - tiết cuối thu...”. Thế là tôi nảy ra một ý chuyển hướng cho bài thơ". Tôi nghĩ là cô Thư đã bị lộ. Cô toàn là lấy ý tưởng người khác chứ không phải ý tưởng của cô.
    • Công Thương 10:25 20/10/2015
      Các bạn đừng vội. Hãy chờ xem rồi kêt luận vẫn không muộn đâu.
    • Thắng 10:06 20/10/2015
      Ly kỳ thật, lại giống chuyện" Tôi nghe Tổ Quốc gọi tên mình".
    • Chu van lai 10:02 20/10/2015
      Bài thơ và bài hát được phổ nhạc cả trên 10 năm mà tác giả Huyền Thư không có phản ứng gì thì bất thường quá! Thơ sinh ra từ cảm xúc, mà cảm xúc ít khi nào đến với ta 2 lần giống nhau nên các nhà thơ thường chỉ sửa một số từ trong bài chứ ít khi nào "cắt xén" kiểu Huyền Thư lắm!Mà Hội nhà văn Hà Nội cũng rất bất thường, tại sao không nhận ra được việc này hay các vị ấy chẳng đọc và so sánh mà cứ cho đại. Tôi nghĩ lỗi trước tiên thuộc về Hội nhà văn Hà Nội!
    • binhminh 09:58 20/10/2015
      Mọi người đọc qua cũng biết ai đạo rồi. Haizz, có lỗi thì nhận đi.
    • Trần Cường 09:53 20/10/2015
      Cho dù ai "viết trước" đi nữa, thì người nào "in trước" người đó có tác quyền.
    • Minh Hằng 09:43 20/10/2015
      Nếu nói sáng tác năm 1996, vậy khi Phan Ngọc Thường Đoan cho in tập thơ này vào năm 2003 thì không thấy ai nói gì?












  • 19/10/2015 16:26

    (NLĐO) – Nhạc sĩ Phú Quang nói ông vẫn nhớ rõ về bài thơ "Buổi sáng" mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan tố bị Phan Huyền Thư “đạo” lại trong tập “Sẹo độc lập”. Ông cũng đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc "Catinat café sáng" đúng như những gì Thường Đoan chia sẻ.


    • Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận ông còn nhớ rõ buổi sáng mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan ngồi ở quán cà phê Catinat trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) của ông.
      “Tôi coi Thường Đoan như cô em gái, cô ấy rất hay ghé quán tôi ngồi chơi. Sáng ngày 27- 6 - 2000, Thường Đoan ngồi một mình. Khoảng hơn 10 giờ, tôi ra quán. Do đêm nào cũng thức khuya nên hôm sau thường là tầm giờ đó tôi mới ra quán. Thường Đoan cho xem bài thơ mới, cảm xúc rất tốt, lại viết ngay tại quán mình nên tôi cũng thích, phổ nhạc ngay. Tôi đổi tên bài thơBuổi sáng của Thường Đoan thành “Catinat cà phê sáng”.

      Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông vẫn nhớ rất rõ về thời điểm ra đời của bài thơ “Buổi sáng” mà Phan Ngọc Thường Đoan cho ông xem và phổ nhạc.
      Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông vẫn nhớ rất rõ về thời điểm ra đời của bài thơ “Buổi sáng” mà Phan Ngọc Thường Đoan cho ông xem và phổ nhạc.
      Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông đã từng phổ nhạc một bài thơ của Phan Huyền Thư, tên là Buổi sáng nhưng nội dung hoàn toàn khác của Thường Đoan. Ông không bình luận gì về việc tranh chấp bản quyền giữa hai tác giả, bởi vì thơ của ai thì người đó tự biết, ông bảo “thấy phù hợp với tâm trạng và nhạc cảm của mình thì tôi phổ thôi”.
      Ca khúc Catinat café sáng của nhạc sĩ Phú Quang được tuyển chọn vào CD Phú Quang album 5 “Về lại phố xưa”, phát hành năm 2001. Trong album, phần ca khúc Catinat café sáng ghi rõ: Thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhạc Phú Quang. Đến năm 2003, bài thơ Buổi sáng này được in trong tập Đếm cát của Phan Ngọc Thường Đoan (NXB Văn học ấn hành).
      Sau khi bài Buổi sáng công bố lần đầu vào năm 2000, được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc tại thời điểm đó, tận 14 năm sau, đến năm 2014, bài thơBạch lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vy) của Phan Huyền Thư mới in trong tập thơ Sẹo độc lập (NXB Lao động ấn hành), tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015.
      Hiện tại, dư luận đang phát hiện ra nhiều điểm giống nhau “như anh chị em sinh đôi” giữa hai bài thơ nhưng Phan Huyền Thư bình luận trên các diễn đàn, cho rằng chỉ in sau chứ không viết sau Phan Ngọc Thường Đoan.
      Ông Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời là chủ tịch Hội đồng xét giải - cho biết Hội Nhà văn Hà Nội đang yêu cầu Phan Huyền Thư làm giải trình về sự việc sẽ sớm thông tin chính thức tới độc giả.

      Minh Tuệ. Ảnh: NVCC
      http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ns-phu-quang-len-tieng-vu-phan-huyen-thu-bi-nghi-dao-tho-20151019161649776.htm

4 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ bệnh tật mới gây ra dịch.Nào ngờ đạo thơ hồi này cũng lây lan ghê quá?Vi rút này cũng thuộc mã độc bảng A.Ai bảo dạo này các nhà thơ sản xuất ra nhiều quá,OTK không kiểm dịch nổi.Mấy vị giám khảo cũng ít đọc,cho nên lọt sàng xuống lia.Hơn nữa cánh VN dạo này hay đánh bắt sang lãnh vực chánh trị.Họ thích đá xoáy để bêu riếu chứ đâu quan tâm tới thơ với phú.

    Trả lờiXóa
  2. Cũng hay, chẳng có cái mốc nào, một người thường ngày ghé quán uống cà phê, nhạc sĩ lại nhớ cả ngày giờ!

    Tôi nghĩ nhạc sĩ PQ chỉ cần kể lại buổi sáng hôm ấy với những chi tiết cụ thể (và thuyết phục) chút là được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ của Phan Ngọc Thường Đoan ghi rõ ngày tháng năm ở cuối đó hehe.

      Xem ở đây thì rõ:
      http://giaovn.blogspot.com/2015/10/a-thay-seo-oc-lap-cua-phan-huyen-thu.html

      Xóa
    2. Hí hí. mấy bài rồi mà mới hình như... em Bích Hằng của lão chỉ cần 3 cây nhang là xong ngai.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.