Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/05/2015

Thử ngó lại 82 bia Văn Miếu, liền thấy sự kiện cũ 2009

Nhân có việc, ngó lại 82 bia Văn Miếu một cách tổng thể. Thì ngẫu nhiên thấy sự kiện "nghi án đạo văn" liên quan, mà từ 2009. 

Cụ thể như dưới.


---
Hà Phương

11:13 ngày 16 tháng 10 năm 2009


Sách của Viện trưởng Viện Hán nôm có nguồn gốc bất minh?


TP - Từ vài năm nay, giới nghiên cứu Hán Nôm đã xôn xao về vấn đề bản quyền tác giả cuốn sách "Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam" của tác giả Trịnh Khắc Mạnh do Nxb. Giáo dục ấn hành năm 2006 (được liệt vào loại sách Tham khảo đặc biệt).
Cuốn sách của ông Mạnh và hai cuốn sách mà PGS.TS Ngô Đức Thọ nói ông Mạnh dùng để “chế”
Gần đây, khi Việt Nam đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để UNESCO công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội là Di sản Tư liệu thế giới thì giới nghiên cứu Hán Nôm lại một lần nữa xới lên vấn đề này.
Câu chuyện càng rắc rối khi ông Trịnh Khắc Mạnh, nhân vật chính là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam do Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích là công trình biên dịch 137 bia Văn Miếu trên cả nước, trong đó có 82 bia Văn Miếu Hà Nội, 34 bia Văn Miếu Huế, 12 bia Văn Miếu Bắc Ninh và 9 bia Văn Miếu Hưng Yên.
Với mỗi Văn Miếu, cuốn sách trình bày bản dịch nội dung từng văn bia (không có nguyên bản chữ Hán, không có phần phiên âm) sau đó là phần chú thích về các điển tích nêu trong văn bia và đặc biệt là các thông tin về năm sinh năm mất, thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng được ghi danh trên bia.
Khi tiếp xúc với cuốn sách dịch toàn bộ văn bia đề danh tiến sĩ của bốn Văn Miếu lớn trong cả nước: Hà Nội, Huế, Bắc Ninh, Hưng Yên, những người trong ngành Hán Nôm đã nghĩ ngay đến một công trình khác đã xuất bản từ năm 2002 do GS. Ngô Đức Thọ chủ biên mà ông Trịnh Khắc Mạnh cũng có tham gia. Đó là cuốn Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên; Khảo cứu, giới thiệu và hiệu đính: Ngô Đức Thọ; Dịch và chú giải: TS. Nguyễn Thúy Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh và Nghiên cứu viên Nguyễn Văn Nguyên.
Vậy hai cuốn sách này có gì khác nhau và cuốn Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ của tập thể soạn giả do ông Ngô Đức Thọ chủ biên đã có mặt trong cuốn Văn bia đề danh tiến sĩ chỉ mang tên ông Trịnh Khắc Mạnh như thế nào?
Chúng tôi đã gặp gỡ PGS.TS Ngô Đức Thọ (nguyên Trưởng ban Văn bản học của Viện Hán Nôm). Ông cho biết trước đây, khi ông tổ chức biên dịch cuốn sách Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ thì ông Mạnh có tham gia dịch thô 7 văn bia, ít nhất trong số những người trong nhóm.
Bản dịch của ông Mạnh sau đó đã được ông Thọ bỏ nhiều công sức để sửa chữa, nhuận sắc và tu chỉnh thì mới có thể đưa được vào cuốn sách. “Mặc dù đóng góp của ông Mạnh là rất khiêm tốn, do năng lực giải mã văn bản Hán Nôm của ông Mạnh rất hạn chế, nhưng vì có tham gia dịch, nên tôi vẫn để tên ông Mạnh trong nhóm tác giả”.
PGS Ngô Đức Thọ cho biết, bẵng đi thời gian khá lâu, vào thời điểm trước khi “Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam” ra đời, ông Trịnh Khắc Mạnh có liên lạc với ông, cho biết rằng mình đang làm một cuốn sách với NXB Giáo dục về văn bia Tiến sĩ và đề nghị cho sử dụng bản dịch 82 bia lấy từ cuốn sách Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ do ông Thọ làm chủ biên với sự tham gia của 3 cộng sự (trong đó có ông Mạnh) in năm 2002. PGS Thọ đã đồng ý. Rồi ông Mạnh nói rằng nhà xuất bản yêu cầu phải có sự cho phép bằng văn bản của nhóm.
PGS Ngô Đức Thọ đã viết giấy cho phép. “Tôi nghĩ anh Mạnh thừa hiểu rằng mình vẫn phải ghi rõ nguồn của cả nhóm tác giả, cụ thể là “Ngô Đức Thọ chủ biên; Khảo cứu, giới thiệu và hiệu đính: Ngô Đức Thọ; Dịch và chú  giải: TS. Nguyễn Thúy Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh, Nghiên cứu viên Nguyễn Văn Nguyên”, tức là giữ nguyên bản quyền và tên của nhóm soạn giả.
Nhưng đến khi cuốn sách được in ra, anh Mạnh tặng sách, tôi mới té ngửa khi thấy anh Mạnh đã xóa tên chúng tôi khỏi bản dịch và nghiễm nhiên đề dòng chữ “Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích lên ngay trang tên sách”. Ông Mạnh chỉ khéo léo sửa chữa một số câu chữ, và gần như bê nguyên cả công trình đó vào “công trình dày cộp” của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, PGS Ngô Đức Thọ còn cho biết một khía cạnh khác xung quanh cuốn sách của ông Mạnh: “Tôi đồng ý cho anh Mạnh sử dụng nội dung của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩchứ không hề cho phép sử dụng nội dung của Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 (in năm 1993). Trong khi đó, một phần rất lớn nội dung của Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam” là “chế” lại từ cuốn này.
Theo lời của PGS Ngô Đức Thọ, trong tổng số 1.990 nhà khoa bảng có tên trong 137 bia đề danh tiến sĩ tại 4 Văn Miếu Hà Nội, Huế, Bắc Ninh và Hưng Yên được liệt kê tại cuốn sách của ông Trịnh Khắc Mạnh thì phần tiểu sử của 1.859 vị nằm trong các chú thích ở cuốn sách của ông Mạnh là do ông Mạnh rút ra và “chế” lại từ cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 do GS Thọ làm chủ biên (xuất bản năm 1993).
Như vậy, nó chiếm một dung lượng quá lớn số trang chữ trong một tác phẩm, hoàn toàn không thể chỉ để tên cuốn sách của nhóm Ngô Đức Thọ vào danh mục tài liệu tham khảo hoặc một lời cám ơn chiếu lệ mà được!
PGS Ngô Đức Thọ còn nêu ra trường hợp những chỗ sai trong cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 đã nằm trọn trong cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh. (Những lỗi này hầu như đã được sửa chữa trong lần tái bản cuối năm 2006, sau khi cuốn sách của ông Mạnh phát hành khoảng nửa năm nên ông Mạnh chưa kịp “tiếp thu”).
Theo như ông Trịnh Khắc Mạnh viết trong lời giới thiệu, ngoài “tham khảo” bản dịch văn bia Văn Miếu Hà Nội của nhóm GS Ngô Đức Thọ, cuốn sách của ông còn có “tham khảo” bản dịch văn bia Văn Miếu Huế của nhóm Phạm Đức Thành Dũng – Vĩnh Cao (in năm 2000) và bản dịch văn bia Văn Miếu Bắc Ninh của ông Nguyễn Quang Khải (in năm 2000).
Ông Ngô Đức Thọ
Ông Trịnh Khắc Mạnh cũng cho biết 9 văn bia Văn Miếu Hưng Yên “đã được sinh viên Nguyễn Quang Đồng khảo sát và làm đề tài luận văn tốt nghiệp Cử nhân Hán Nôm khóa 44 năm 2003”, nhưng “trong quá trình dịch, chúng tôi căn cứ vào thác bản văn bia hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và không tham khảo bản dịch của Nguyễn Quang Đồng” (Sđd. tr.16).
Cuốn sách của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh là một cuốn sách dày 1.000 trang khổ 16 x 24 cm, thuộc loại Sách tham khảo đặc biệt, là “bộ sách tham khảo lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục sâu sắc, được trình bày in ấn đẹp”. Và “xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, cao đẳng, dạy nghề, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí xã hội trong thời kỳ mới” (Lời nhà xuất bản, tr.5). Cuốn sách này đã được Giải Đồng Sách hay của ngành xuất bản năm 2007.
Một cuốn sách có giá trị, nhưng lại có dấu hiệu có nguồn gốc bất minh như vậy, Nhà xuất bản Giáo dục và tác giả Trịnh Khắc Mạnh (PGS.TS. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cần có câu trả lời về vấn đề bản quyền trước bạn đọc và công luận.
Một số trường hợp sai sót trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Namdo ông Ngô Đức Thọ (NĐT) chủ biên (in năm 1993), đã được ông Trịnh Khắc Mạnh (TKM) chép nguyên vào công trình của mình:
1. Phạm Cư
Sách NĐT viết: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc – nay là thôn La xã La Phù huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. (tr.82).
Sách TKM chép: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). (tr. 34).
Đúng ra phải là xã La Phù huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây cũ.
2. Phạm Hưng Văn
Sách NĐT viết: Làm quan đến chức Đô ngự sử, được cử đi sứ sang nhà Thanh (1497). (tr.143).
Sách TKM chép: Ông làm quan Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1497) sang nhà Thanh (Trung Quốc). (tr. 72).
Đúng ra là: năm 1497 còn nhà Minh, không phải là nhà Thanh.
3. Vũ Mẫn Trí
Sách NĐT viết: Người thôn Khuê Chương, huyện Kim Thành. (tr. 145).
Sách TKM chép: Người thôn Khuê Chương huyện Kim Thành (nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). (tr. 73).
Đúng ra phải là: nay thuộc xã Lê Thiện huyện An Hải, ngoại thành Hải Phòng.
4. Nguyễn Tuấn
Sách NĐT viết: Người xã Đại Lan, huyện Đông Yên. Nay là thôn Kim Lan huyện Gia Lâm, tp Hà Nội. (tr. 145).
Sách TKM chép: Người xã Đại Lan huyện Đông Yên (nay thuộc xã Kim Lan huyện Gia Lâm, Tp Hà Nội. (tr.73).
Đúng ra phải là: Nay thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
5. Nghiêm Lâm
Sách NĐT viết: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc. Nay là thôn La xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. (tr. 155).
Sách TKM chép: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. (tr. 83).
Đúng ra phải là xã La Phù huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây (cũ).
6. Kiều Văn Bá
Sách NĐT viết: Người xã Đông Ma, huyện Phúc Lộc. Nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây. (tr. 315).
Sách TKM chép: Người xã Đông Ma huyện Phúc Lộc (nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây. (tr. 140).
Đúng ra phải là: Người xã Đông Sàng huyện Phúc Lộc. Nay thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (cũ).
Những lỗi trên hầu hết đã được nhóm của GS Ngô Đức Thọ sửa chữa trong lần tái bản sách CNKBVN, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2006. Khi ông Mạnh xuất bản cuốn sách Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam thì bản thảo cuốn sách tái bản của nhóm ông Thọ còn đang ở nhà xuất bản nên ông Mạnh không kịp “tiếp  thu”.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/sach-cua-vien-truong-vien-han-nom-co-nguon-goc-bat-minh-174704.tpo

7 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ ông Mạnh cần phải trả lời nghiêm túc trước công luận. Dù sao tôi thấy ý kiến của PGS TS Ngô Đức Thọ là đàng hoàng, thẳng thắn. Việc ông Mạnh có được giấy phép sử dụng nhưng tự ý gạch tên người chủ biên và các cộng sự là một việc xấu, thiếu trung thực của người làm khoa học. Tôi không quen biết hai ông. Nhưng tôi thấy cái SAI thuộc về ông Trịnh Khắc Mạnh! Thật đáng buồn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự kiện này, bây giờ, ngẫu nhiên thấy khi tìm lại tư liệu liên quan, như ghi lại việc thế bác Vũ Nho ạ.

      Hình như sau đó có diễn biến nữa, nhưng lúc đó, năm 2009, cháu không để ý, nên chưa rõ tiến triển ra sao nữa.

      Xóa
  2. Chuyện này zui nè bác Giao , Salam không rành về Hán Nôm , nhưng hôm nay có bác Vũ nho tham gia nên có vài lời
    Tôi không biết có bao nhiêu người nghiên cứu về vấn đề " Khó nhằn " này . Tôi chỉ biết ở đây có hai người tôi tin tưởng đó là
    1-- Bác Phạm ngọc Hiệp
    2-- Bác Hoàng tuấn Phổ. ( nếu Bác mất rồi thì còn con Bác " Tuấn công Thư Phòng " )
    Chỉ có hai người này lên tiếng thì tôi mới tin , còn chuyện của ông Hà Phương nói về Ông Mạnh là chuyện của ổng ( Biết đâu con gà tức nhau tiếng gáy ? )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở bình diện bạn đọc phổ thông, và qua kinh nghiệm, bác Salam đưa nhận định cuối cùng rất kinh nghiệm đó.

      Xóa
  3. Cám ơn bác Salam đã có lời tin tưởng. Thực sự tôi không có 2 quyển sách kể trên để bản thân so sánh xem mỗi quyển viết ra sao. Tuy nhiên tôi đã đọc kỹ bài viết của tác giả Hà Phương bên trên. Qua bài báo, những phân tích của chính GS. Ngô ĐứcThọ là người trong cuộc. Sách mới xuất bản gần đây, những người trong cuộc còn đó, không khó để làm rõ trắng đen. Tôi nhận thấy:

    1. Việc tham khảo những tài liệu để viết những quyển sách nặng về nghiên cứu như thế này là rất cần thiết. Tuy không có những quy định về "mức độ tham khảo", nhưng tôi nghĩ những người trong giới học thuật phải biết rõ những thông lệ bất thành văn về nguyên tắc tham khảo. Tham khảo khác với sao chép nguyên văn. Bê nguyên si nội dung từ những sách khác, đứng tên tuổi của những người khác nữa, với "tần suất" dày đặc như GS. Ngô Đức Thọ đã phân tích thì không được. Việc làm này đúng ra là phải xin phép các tác giả khác, và quan trọng hơn là phải được sự chấp thuận, đưa những tác giả khác ấy đứng tên đồng tác giả quyển sách.

    2. Không hiểu sao có những vấn đề cơ bản thuộc về "tham khảo", hoặc căn cứ những chứng cứ nào để mình đưa ra một sự việc gì đó (như chuyện lùm xùm "Hà Đình Sơn" bác Giao đã đưa lên blog mấy ngày qua), bây giờ người ta ít chú ý đến, ngay với những tên tuổi, chức vụ lớn, để khi mọi chuyện đã rồi (mang tiếng hồ đồ, đạo văn...) mới phải đính chính (có người lờ luôn), như ta hay thấy trong xã hội hôm nay. Theo tôi đó là cách làm việc không cẩn trọng, không chuyên nghiệp.

    3. Vụ việc đã xảy ra, dù sao đi nữa thì tác giả của quyển sách nghi án đạo văn (ông Trịnh Khắc Mạnh), phải có ý kiến chính thức. Nếu đúng như GS. Ngô ĐứcThọ đã phân tích thì phải xin lỗi các tác giả khác, thậm chí là thu hồi lại quyển sách đã viết. NXB sách của TS. Trịnh Khắc Mạnh cũng cần phải có ý kiến, chịu trách nhiệm liên đới nếu sự viếc đúng như thế.

    Trả lờiXóa
  4. Rõ ràng khi PGS TS Ngô Đức Thọ làm chủ biên cuốn sách, TS Trịnh Khắc Mạnh chỉ dịch có 7 bia " Chúng tôi đã gặp gỡ PGS.TS Ngô Đức Thọ (nguyên Trưởng ban Văn bản học của Viện Hán Nôm). Ông cho biết trước đây, khi ông tổ chức biên dịch cuốn sách Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ thì ông Mạnh có tham gia dịch thô 7 văn bia, ít nhất trong số những người trong nhóm". Tác giả bài viết trên không thể bịa ra lời của PGS TS Ngô Đức Thọ. Vả lại, cuốn sách còn đó. Các cộng sự và chủ biên còn đó. Ông Trịnh Khắc Mạnh dù thế nào cũng khó mà biện minh việc xóa tên cả Chủ biên và các cộng sự khác. Tôi cho rằng đã đến lúc phải có cơ quan vào cuộc khi có nghi án "đạo văn". Nhất thiết người bị nghi ngờ phải giải trình, phải đối thoại làm rõ. Rất đồng tình với điểm thứ ba trong ý kiến bình luận của bác Phạm Ngọc Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng tình với 2 ý kiến của bác Vũ Nho. Đã quá muộn để nền Học thuật VN thoát ra khỏi những vụ lùm xùm thô thiển như thế này. Nhưng muộn cũng phải làm và cần làm nghiêm túc.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.