Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/01/2015

Văn nghệ Thứ Bảy : một truyện ngắn về mối tình Cường Để và Ando

Thuộc vào phạm trù của sáng tác văn học. Nhà văn cho Ando gọi ông hầuHoàng tử điện hạ. Mà thôi, tạm thế, văn chương mà. 

Quả thế, vì văn sĩ mới lướt lướt qua Asakusa một lần, mãi năm 2007. Mà thông tin thì tựa như chủ yếu là từ Mori cùng một ít người khác.


Từ đầy trở xuống là chép nguyên xi từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội về.

---


Nhà văn TRẦN THÙY MAI với truyện ngắn "Nơi có những cây tùng xanh biếc"

20/11/2011
Một người bạn Nhật kể lại với tôi rằng trong suốt mấy mươi năm sau khi Kỳ Ngoại Hầu Cường Để mất, bà Ando Chie sống trong một căn hộ đơn sơ, và giữ mãi trên vách những bức hình của ông….
Tôi rất muốn được tận mắt nhìn nơi đó, nhưng khi tôi đến Tokyo vào năm 2007, bà đã qua đời trước đó không lâu. Cũng may tôi đã đến nghĩa trang Zoshigaya nơi bà chôn nắm tro của nhà chí sĩ Việt Nam. 
Hôm đó là một ngày tháng Tư, trong nghĩa trang có hoa anh đào nở. Tôi hình dung bóng Ando Chie lủi thủi một mình. Trong cảnh vắng lặng, những ngày tháng giữa Cường Để và Ando Chie bắt đầu hiện ra trong tôi. Một câu chuyện về tình yêu và phận người. 
Về phong trào Đông Du, khởi đầu, kết thúc và vai trò lịch sử của nó thì có lẽ ai cũng biết rồi. Tôi chỉ muốn viết về một trái tim ngọt ngào mà Trời đã đem đến cho một người đàn ông trong bước đường cùng.
…Như một ân sủng làm dịu đi nỗi rát bỏng của định mệnh.

Nhà văn  TRẦN THÙY MAI

Nơi có những cây tùng xanh biếc

Ando Chie cúi xuống, nhúng ngón  tay vào chậu nước. Nước ấm vừa đủ tắm. Nàng kéo  màn che cửa sổ. Ngoài kia, một cây anh đào vừa nở, những nhành hoa rủ xuống trắng hồng.
- Xin ngài vào tắm kẻo nước nguội.
Giọng nàng nhỏ nhẹ và lễ phép.
Ngoài ba mươi tuổi, Chie  mạnh khỏe và bầu bĩnh trong bộ kimono giản dị màu lam. Là người giúp việc cho hoàng thân Cường Để, cô đến ở đây đã hai năm theo sự bố trí của Đại tá Wanatabe.
Năm ấy Hoàng thân đã ngoài năm mươi tuổi, dáng vóc nho nhã nhưng khuôn mặt gầy đượm buồn. Ông chăm chú viết, những chữ Nho chân phương rất đẹp trên giấy trắng. Thấy Chie, ông ngẩng lên, vẻ mặt ngần ngừ:
- Lại tắm. Ta mới tắm hôm kia...
Chie mỉm cười. Ông hoàng Việt Nam này rất lười tắm gội. Người Nhật vốn rất  sạch sẽ . Bao giờ cũng thế, Chie rất cương quyết với ông.
Chie đến gần, đặt tay lên nút áo ông. Chiếc áo năm thân màu nguyệt bạch với rất nhiều khuy vải. Ở Nhật đã hai mươi năm, ông vẫn mặc áo Việt. Những chiếc áo ông đem theo từ Việt Nam đã cũ nát từ lâu, chiếc áo này là do Chie phỏng theo áo cũ để may cho ông, kiểu áo Việt trên nền lụa Nhật.
Nhưng hôm nay, ông hoàng dường như trái tính hơn mọi ngày. Ông chùn lại, xua tay, ánh mắt đầy nghi kỵ:
- Để ta yên!
Từ lúc Chie mới đến đây, ông vốn đã không tin nàng. Ông không cho nàng sắp xếp thư từ giấy tờ trên bàn ông, dù chúng thường rất lộn xộn. Mỗi lần đau ốm, ông cố giấu không cho nàng săn sóc.
Chie là người do quân đội Nhật cử đến. Ông nghi kỵ nàng nhưng không thể từ khước nàng. Ông khư khư không cho nàng chạm tới đống thư từ, nhưng lại quá cần nàng thu dọn giường nằm bề bộn, pha cho ấm trà buổi sáng, khâu lại áo xống, cả ánh mắt cương quyết của nàng mỗi lần bắt ông đi tắm…
Nhưng hôm nay nhìn vẻ mặt ông, Chie lẳng lặng không nài ép gì nữa. Nàng quay ra một lúc rồi trở vào với khay trà - Nàng đã quen,  những lúc căng thẳng thế này chỉ có một ấm trà Tàu mới có thể làm ông dịu lại.
 Bước qua ngạch cửa, nàng khựng lại. Kỳ ngoại hầu Cường Để, hoàng đích tôn đời thứ 5 của vua Gia Long đang bưng mặt khóc.
Ando Chie vội vã đặt khay xuống án thư, chạy đến đỡ lấy mái tóc chớm bạc đang rũ rượi gục về phía trước. Tấm thân gầy mỏng của người đàn ông như muốn sụp xuống trong tay nàng.
- Điện hạ, hoàng tử...
Chie cứ nghĩ ông sẽ đẩy nàng ra. Nhưng lần này Cường Để chỉ ngẩng lên, mắt nhìn sững vào khoảng không trước mặt. Nàng nhẹ nhàng chặm những giọt nước ứa ra quanh đôi mắt thất thần. “Có chuyện gì...?”.
 Cường Để không kiềm chế được, khóc nức lên. “Bác Phan mất rồi!”.
Tại Tokyo một buổi chiều tháng tư, Cường Để nhận được thư báo. Phan Bội Châu, người đã tìm đến ông khi ông mới hai mươi mốt tuổi, đã tôn ông làm minh chủ của phong trào Đông du chống Pháp. Người đã đón ông sang Nhật để tính chuyện phục quốc lâu dài. Việc Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đã là một đòn quá mạnh đối với ông. Từ ngày ấy, ông không thôi cảm thấy lạc lõng, hoang mang; cảm giác thối chí thỉnh thoảng lại ám ảnh ông, ông phải hết sức chống lại.
Bây giờ Phan Bội Châu đã mất. Hơn ba mươi năm lưu vong trên đất Nhật, bao nhiêu ý chí, nghị lực của ông dường như được truyền từ sức mạnh tinh thần của con người này. Vậy mà giờ đây người ấy không còn nữa. Số phận đã bỏ rơi ông giữa một thế giới mênh mông xa lạ, trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.
 
 Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Không phải là chuyện có thể chia sẻ với Ando Chie, nhưng biết nói cùng ai ở nơi lữ thứ này. Phong trào Đông du đã tan rã, Trần Đông Phong đã tự vẫn, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Siêu đã trốn đi, chỉ còn mình ông trơ trọi giữa trời cùng đất tuyệt.
Chie cố gắng an ủi ông, dù không biết người chết là ai. Nàng dìu ông vào giường, đắp chăn, buông màn cho ông.
“Để mặc ta”. Cường Để nói, xua tay, quay mặt vào góc tối.
Chie gật đầu, nàng ém màn vào dưới nệm, bước lùi mấy bước.
“Chie, đừng đi!”
Ông ta bíu lấy tay nàng. Chie cảm thấy tất cả nỗi cô đơn, hoảng loạn của người đàn ông. Nàng cúi xuống, lồng tay vào chăn, ôm lấy ông vỗ về, bất giác nàng cũng rơi nước mắt.
 “Thiếp thương Điện hạ lắm”. Chie nói, những tiếng rất giản dị, nàng biết rõ Cường Để không giỏi tiếng Nhật, và nàng cũng không biết  lời an ủi nào hơn. Nhưng linh cảm dạy cho nàng biết phải làm gì: Nàng ghé nằm bên ông và ấp ủ ông bằng thân thể ấm áp của mình.
*
*     *
Đêm ấy trời mưa, khi trời sáng Chie cuốn màn, mở hé cửa sổ, nàng nhìn thấy những cành anh đào sũng nước. Nàng đặt chậu nước nóng cạnh giường, nhúng chiếc khăn bông trắng muốt rồi vắt thật ráo. Người đàn ông của nàng đã tỉnh giấc. Nàng cúi xuống, mỉm cười dịu dàng, lau mặt cho ông.
Kỳ Ngoại Hầu nắm lấy tay nàng, vẻ mặt ông lộ vẻ biết ơn. Chốc lát, ông quên người đàn bà này là người của quân đội Nhật. Ba mươi năm lưu lạc trên đất nước này, ông đã nhiều lần được chở che. Ông Innukai và Kashiwabara đã bảo bọc ông, thuyền trưởng tàu Yayomaru đã hết lòng che chở ông thoát khỏi sự truy lùng của mật thám Pháp. Đó là chuyện hai mươi, ba mươi năm trước. Lúc đó ông còn trẻ, chí khí còn hăng hái; gần mười năm nay, từ khi Innukai bị ám sát rồi, ông quá chật vật với cuộc sống, cô đơn, mệt mỏi. Phải nhận sự bảo trợ của lục quân Nhật là bất đắc dĩ, ông không thể không dựa vào người Nhật, nhưng ông biết Nhật và Pháp có thể bắt tay với nhau bất kỳ lúc nào. Ando Chie có phải là tai mắt của quân Nhật không? Ai biết đâu được. Dù sao lúc này bên ông chỉ còn có nàng thôi, giờ phút này nàng đang dịu dàng lau mặt ông, cảm giác được chăm sóc làm ông bùi ngùi ứa lệ.
Chie chuyển dần chiếc khăn nóng xuống cổ và ngực ông, nàng nhẹ nhàng mở khuy áo để lau vai và lưng. Bỗng Cường Để buột miệng:
- Về Việt Nam! Ước gì ta được về Việt Nam!
Chie khựng lại một giây, rồi nàng hiểu, nàng nhẹ vỗ vào lưng ông như dỗ dành:
- Rồi ngài sẽ về, nhất định có ngày ngài sẽ về mà.
Ông hoàng lưu vong cảm thấy ấm lòng, ông siết chặt tay nàng như muốn  cảm ơn. Trong lúc đó Chie lại thấy lòng âm thầm một nỗi buồn. Ông sẽ đi, sẽ xa nàng, chắc chắn sẽ có ngày ấy...
Cuối tháng, Đại tá Wanatabe gặp Ando Chie ở Bộ Tư lệnh lục quân. Như thường lệ, Chie nói với ông về tất cả những sinh hoạt của Cường Để. Wanatabe hỏi:
- Cô có thấy ông ta tiếp khách khứa từ xa tới không?
- Không ạ.
- Ông ta có nhận thư từ, tin tức gì từ Việt Nam?
- Không ạ.
Chie trả lời, chắc chắn đến nỗi Wanatabe không hỏi thêm gì nữa. Ông ta nhìn Chie từ đầu đến chân như muốn đánh giá lại quan hệ giữa nàng và người ngoại quốc lưu vong ấy. Chie đỏ mặt, nàng hiểu cái nhìn của Đại tá. Chắc chắn là ông ta rất khuyến khích việc nàng lên giường với người đàn ông kia, điều đó rất có lợi cho công việc. Chỉ có điều, ông ta không biết hôm qua nàng đã ủ ấm cho Cường Để, không phải với tư cách một nhân viên của lục quân Nhật, mà với tất cả tấm lòng của một người đàn bà.
Năm năm sau.
Chiến tranh khốc liệt trên khắp đất nước hoa anh đào. Những trận bom Mỹ dội xuống. Những ngôi nhà bằng gỗ và giấy cháy phừng phừng trong các góc phố Tokyo.
Đang mùa lá đỏ nhưng chẳng còn ai nghĩ đến lễ hội mùa thu... Chỉ còn những đoàn người tản cư dắt díu nhau chạy. Ando Chie gói quần áo vào hai chiếc tay nải. Vội vàng, nhưng nàng không quên những chiếc áo lụa năm thân, áo dài the, khăn xếp, và cả bộ bình trà tàu nhỏ xíu.
- Ông ơi!
Chie gọi. Hoàng thân giật mình, quay ra. Hôm nay ông  mặc Âu phục chỉnh tề. Trong cảnh chộn rộn của Tokyo, vẻ chỉnh tề của ông trông thật lạc lõng.
“Mình đi thôi, ông ạ. Mọi người đều tản cư về quê, chiều nay là chuyến chót”.
Hoàng thân hốt hoảng:
- Nhưng ta còn phải chờ máy bay... Biết đâu ngày mai máy bay sẽ tới.
Chie nhìn ông, xót xa. Cuối tháng 7, Nội các  Suzuki Kantaro đã tổ chức bữa tiệc linh đình đưa ông về nước. Sau 32 năm xa quê, cái tin được về nước làm ông bàng hoàng. Trong bữa tiệc linh đình tại khách sạn Đế Quốc, ông  hân hoan từ giã hết các chính khách đã ủng hộ ông... Mãi đến lúc sắp ra sân bay Haneda, cầm gói thức ăn đi đường từ tay Chie, ông mới nhìn thấy vẻ buồn trong mắt nàng. “Đừng buồn Chie, ta về nước rồi sẽ tính chuyện đón nàng sang”.
Chie mỉm cười. Ở Việt Nam, ông còn có người vợ cả và hai con nay đã lớn. Người vợ mà ông đã xa cách từ năm 25 tuổi. Ông sắp về với người đàn bà ấy. Nàng cảm thấy buồn, nhưng nàng mừng cho ông.
Ngày hôm ấy ông đi, rồi đến tối mịt lại quay về. Ông kể, trên sân bay, nhân viên Bộ Tham mưu lục quân Nhật và ký giả báo chí tề tựu để tiễn chân ông... Nhưng máy bay từ Sài Gòn không đến đón. Ông quay về, ngã vật trên giường, mắt mở trừng trừng nhìn lên cao... Chie tháo giày cho ông, lau mặt cho ông. Nàng nhỏ nhẹ bảo ông: “Ông ạ, đừng buồn, chắc máy bay bị trở ngại gì đó thôi, mai lại đến ấy mà!”
Từ đó hôm nào nàng cũng quấn sushi cho ông đem theo... Hôm nào ông cũng ra phi trường Haneda, hôm nào ông cũng trở về. Hơn năm hôm sau, nhân viên lục quân lẫn ký giả không còn ai đến nữa, chỉ còn ông ngày ngày một mình ngồi đợi. Lủi thủi tới, rồi lủi thủi về.
Và hôm nay, ngày cuối tháng 7, bom B29 của Mỹ đã trút xuống Tokyo, ông vẫn còn nghĩ đến chuyện đến phi trường chờ đợi. Chie bảo ông:
- Mình phải đi thôi ông ạ! Phải chạy về quê, nếu không là chết.
- Đúng rồi, nàng  cứ đi, ta ở lại, biết đâu...
Chie nắm lấy tay ông. Bàn tay ông gầy quá. Với mọi người, ông là một Hoàng thân, được các cơ quan tiếp đón, các ký giả săn tin, được các nghị sĩ bảo trợ... Còn với nàng, đây là một người đàn ông tha hương, lạc lõng, túng thiếu, cô độc... Lúc này, nàng nhất định phải cứng rắn với ông, như những lúc bắt ông phải đi tắm vậy; nàng khoác tay nải lên vai ông và đẩy ông đi. Cường Để gượng lại, phản đối, nhưng khi bị đẩy đến cửa, dòng người tay xách nách mang chạy loạn đập vào mắt ông, và ông hiểu ngay điều gì đang xảy ra.
Đêm đó trên chiếc xe bò lắc lư trong dòng xe qua vùng ngoại ô, ông nhìn thấy Tokyo bốc cháy, lửa rực đỏ dưới những lằn máy bay Mỹ vút ngang. Căn nhà mà lục quân Nhật cấp cho ông đã cháy rụi.
Tháng tám, bom nguyên tử dội xuống Nagasaki và Hiroshima, Nhật Bản đầu hàng. Không còn ai đủ sức nghĩ đến vị hoàng tử lưu vong. Chỉ  có một người đàn bà thầm lặng mỗi ngày làm thuê cho một xưởng than ở vùng quê để nuôi một người chồng lớn tuổi. Ando Chie lúc này không còn là nhân viên của lục quân Nhật nữa. Buổi sáng, nàng thức dậy nấu nước nóng cho chồng rồi tất tả đi; nàng vẫn thế, dù làm ở xưởng  than nhưng lúc nào về nhà cũng rất sạch sẽ, còn chồng nàng vẫn vậy, rất lười tắm và suốt ngày ngồi chép những trang sách chữ Hán đã cũ nhàu.
Nhiều người hỏi sao ông chồng nàng chẳng làm việc gì mưu sinh, Chie chỉ cười. Ông ấy là một ông hoàng, dù rất nghèo và chẳng hề có quyền uy. Ông chẳng làm được gì cho nàng cả, nhưng nàng yêu thương ông với tất cả sự trìu mến xót xa. Trong lúc ông thì đau đáu chỉ muốn về quê hương - nghĩa là rời xa nàng. Nhưng nếu ông không có giấc mơ hồi hương, liệu ông có còn là người đàn ông mà nàng thương yêu không?
*
*     *
Năm năm sau. Cơ hội về nước lại đến. Ando Chie lại chuẩn bị hành lý cho Cường Để lên đường.
Nước Nhật đã trở lại thanh bình. Trước ngày Cường Để về nước, bạn bè làm tiệc tiễn đưa. Ký giả báo Asahi cũng đến dự. Cụng ly mừng, nhà báo ngỏ ý muốn đưa tin chuyến trở về của vị hoàng thân sau gần 40 năm biệt xứ.
Chuyến đi lần này bằng đường biển, từ cảng Kobe đáp tàu Hải Minh đến Bangkok rồi theo đường bộ qua Kampuchea về Tây Ninh. Vì sao phải về nước qua cửa khẩu Tây Ninh ? Vì Việt Nam đang thời kỳ chiến tranh Việt Pháp,  Pháp vẫn còn đóng quân ở Nam kỳ. Nhưng Tây Ninh nằm trong lãnh địa của Giáo chủ Phạm Công Tắc. Với sự bảo trợ của Phạm Công Tắc, ông có thể lên bờ an toàn.
 Ký giả Asahi dặn dò:
- Khi ngài tới nơi rồi, xin điện ngay cho tôi biết.
Cường Để ngẫm nghĩ:
- Trong nước hiện đang chiến tranh, tin tức khó gửi. Có lẽ cứ tính theo hải trình, đến trung tuần tháng bảy thì bỉ nhân đã đến quê nhà, quý ông có thể đưa tin được rồi.
Ando Chie đưa ông đến bến cảng. Mùa thu, khí trời se lạnh. Tiếng quạ kêu vang sau những tàn cây lá đỏ. Ông đi rồi, Chie trở lại căn hộ hai phòng ở phố Ogikubo. Con đường bỗng dài hơn bao giờ hết. Ông hứa sẽ có ngày đón nàng sang Việt Nam. Lúc đó nàng chỉ bảo: “Bao lâu cũng được”. Đến bây giờ, một mình trên con đường về nhà, nàng mới thấm thía cả khoảng trống trơ vơ trước mặt, rằng có thể nàng sẽ mãi mãi một mình trên đoạn đường còn lại...
Nàng tiếp tục khâu những con búp bê vải - những con búp bê đã nuôi sống nàng và ông từ lúc về lại Tokyo.
 Đến tối, chủ nhà, bà Hashimoto gõ cửa hỏi thăm nàng. Bà đem vào cho nàng một gói bánh dẻo.
“Trông em xanh quá. Tôi pha cho em một chén trà nóng nhé?”.
Chie uống chén trà từ tay bà chủ nhà tốt bụng. Trà nóng làm nàng hồi tỉnh. Nhìn hộp bánh dẻo xinh xắn, nàng nhớ đến chồng. Ông ấy vẫn thích loại bánh này. Nhưng dùng trong khi uống trà tàu - Ông vẫn không quen với  trà Nhật.
Bây giờ ông ấy đi đến đâu rồi nhỉ? Bà Hashimoto vuốt tóc nàng, dẫn nàng sang phòng làm việc của chồng bà, Giáo sư Hashimoto Masukichi. Trên vách, giữa những tủ sách đồ sộ là tấm bản đồ châu Á. Bà chỉ cho Chie xem chỗ nào là Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam. Chie chăm chú nhìn. Chồng nàng đang ở trên vùng biển xanh xanh kia, ngoài khơi cái khối màu hồng rất lớn mà bà Hashimoto bảo là nước Trung Hoa.
“Em đừng buồn, rồi ông ấy sẽ đạt chí nguyện, sẽ trở lại đón em sang, em phải gắng giữ sức khỏe nhé!” Bà Hashimoto an ủi.
Chie mỉm cười, nàng cúi đầu thật thấp tỏ lòng cảm ơn bà chủ. Chiều hôm ấy nàng đến chùa Senso, bên chiếc đỉnh lớn nghi ngút khói nhang giữa sân chùa nàng vớt nhẹ khói hương ủ vào nơi lồng ngực. Lần trong tay áo, nàng lấy ra số tiền nhỏ, đủ cúng dường để xin một lời nguyện cầu.
Vị sư già hỏi nàng cầu nguyện gì để ghi vào tấm thẻ gỗ trắng ngà. Nàng cúi đầu ngẫm nghĩ. Nàng muốn cầu nguyện những gì, chồng nàng sẽ có quyền uy, sẽ thành lãnh tụ, sẽ giàu sang, sẽ đón nàng về cùng hưởng cuộc sống cao sang? Cầu cho chồng nàng sẽ không quên nàng? Sẽ... Thực lòng nàng muốn gì?
Chie ngập ngừng một lát rồi se sẽ đọc cho vị sư già chép vào thớ gỗ:
- Tôi là Ando Chie... Cầu cho chồng tôi là Cường Để vượt sóng gió về đến quê nhà bình yên, sum họp với gia đình.
Vị sư già ngẩng nhìn nàng. Ông đã viết giúp cho thiện nam tín nữ hàng ngàn lời nguyện. Ông nhìn Ando Chie một lát như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi lại thôi, cúi xuống cắm cúi viết.
Khi trở về nhà, nàng thấy Giáo sư Hashimoto đang chờ trước cổng. “Ando, có tin mừng cho cô đây”. Ông đưa nàng tờ nhật báo Asahi. “Hoàng tử Việt Nam đã về đến quê nhà sau 32 năm ly hương”. Chie mừng rơi nước mắt. Chiều hôm đó nàng làm món mì Nhật và sushi cá hồi, mời ông bà Hashimoto để tỏ lòng biết ơn.
Ông bà về rồi, còn lại một mình Chie trong căn hộ vắng lặng. Một đoạn đời đã chấm dứt, đoạn đời mới bắt đầu, một chặng đường dài hun hút mà nàng sẽ phải đi một mình.
Nàng giở tờ báo Asahi, đọc lại bài viết, rồi lật dần ra những trang sau: những mục tìm nhà, tìm việc.
Cuối tháng 7, bỗng bà Hashimoto đập cửa căn hộ của Ando Chie, hốt hoảng:
- Ando, người ta vừa điện đến cho ông nhà tôi. Cô phải ra ngay cảng Yokohama!
Chie cuống quýt, hai chân run cầm cập, lưỡi líu lại. Nhưng người phụ nữ Nhật dường như được trời phú cho một nghị lực phi thường, nàng kiềm chế thật nhanh cơn hoảng hốt, cầm lấy chiếc ô, chạy ra cửa.
Bà Hashimoto tốt bụng đã kịp thuê giúp nàng một chiếc xe ngựa.
Trên cảng Yokohama về chiều, có một ông già ngồi trên chiếc ghế dài, ngẩn ngơ nhìn quanh với đôi mắt vô hồn, mặc kệ bao nhiêu người qua lại. Chie chạy lại gần. Sao mới có một tháng mà chồng nàng đổi thay đến thế, y phục nhàu nát, khuôn mặt gầy tọp rám nắng, mái tóc bạc xỉn đi và bê bết bụi.
- Ông ơi...
Chie cầm lấy tay chồng. Bàn tay ông gầy trơ xương, nhưng vẫn là bàn tay của ông, ông đang ở đây, bên nàng. “Ông ơi, sao ông lại về được?” Chie hỏi, nhưng người đàn ông ngẩn ngơ nhìn mông lung, vẻ mặt sững sờ tuyệt vọng, dường như không còn nhận ra gì chung quanh nữa. Ông chỉ không ngớt lẩm bẩm: “Không về được! Không về được nữa! Không về nữa!”.
Với Chie, về là về Nhật Bản, với  ông, về là về  Việt Nam.
Hơn một tháng Chie ra sức chăm sóc, Cường Để mới dần dần hồi tỉnh lại. Ông kể với nàng: Tàu Hải Minh bị trục trặc bánh lái nên đã ghé Thượng Hải một tuần. Trong khi đó, báo Asahi đã đưa tin, và mật vụ Pháp biết được rằng chuyến tàu phải cập cảng Bangkok, đã điện cho Bộ ngoại giao Thái. Vì quan hệ giao thương với Pháp, chính phủ Thái đã không cho Cường Để nhập cảnh Thái Lan, buộc lòng phải theo tàu quay về Nhật Bản.
Cường Để không bao giờ còn trở lại như trước kia nữa. Tuyệt vọng, suy sụp, ông đã hoàn toàn là một ông già trái tính trái nết, đau ốm triền miên. Đôi khi, căm hận số phận, ông ném bất cứ cái gì vớ được vào vách. Chie phải cất bộ đồ trà ông đem theo từ Việt Nam thật kỹ, mỗi sáng pha trà xong nàng đứng chờ ông uống xong, đem cất ấm chén rồi mới dám dời mắt.
Cuối mùa thu có hai người khách ở Việt Nam sang ghé thăm. Họ là hai chính khách đang có thế lực, hứa sẽ tìm cách đưa Cường Để về nước.
Khách về rồi, Chie dọn tách chén trên bàn, định bưng đi. Chợt ông níu tay nàng:
- Nàng ơi, nàng có tin ta còn về nước được không?
Chie đặt khay xuống, quay lại cầm cả hai bàn tay ông, vỗ về:
- Thiếp tin.
- Ta cũng tin vậy. Nghe nói chẳng bao lâu nữa người Pháp sẽ rút khỏi Đông Dương...
Chie lau những giọt mồ hôi đang ứa ra trên trán người đàn ông. Dạo này ông yếu quá, chỉ một cơn xúc động  cũng đủ làm mồ hôi toát ra dầm dề.
Mấy hôm sau ông bồn chồn đến mất ngủ, lúc nào khỏe lại lật giở những thư từ, sách vở đã cất giữ từ bốn mươi năm trước, cả bức “Thư huyết lệ của người Việt Nam” mà ông  viết khi mới ngoài ba mươi tuổi.
Ba mươi năm đã qua, sứ mệnh cứu nước không còn nằm trong tay thế hệ ông nữa rồi. Nhưng những bức thư cũ này sẽ mãi mãi là kỷ niệm rực rỡ nhất của đời ông.
- Nàng cất kỹ những giấy tờ này cho ta. Khi ta về nước, đồng bào nhất định  sẽ hỏi đến.
Chie đặt chén thuốc xuống bàn rồi đỡ lấy những tờ giấy cũ vàng tên tay ông.
Bây giờ ông đã tin nàng thật sự, ông giao cho nàng những tờ giấy này, đối với ông nó còn quý hơn cả bạc vàng.
-“Uống thuốc đi mình”. Chie nhắc. Cường Để gật đầu, không đợi Chie nài ép dỗ dành như mọi lần, ông bưng chén thuốc đắng ngắt uống cạn.
Gương mặt đang rạng rỡ của ông bỗng nhăn nhúm lại, một cơn đau đang âm ỉ dưới sườn non chợt nhói lên.
Chie đỡ cái bát, tay kia vỗ nhẹ lên lưng chồng như muốn xoa dịu phần nào cái buốt nhói trong cơ thể ông. Tuần trước, bác sĩ bệnh viện Nihon Ika Daigaku đã nói cho nàng biết, Cường Để đã mắc bệnh ung thư gan, ông chỉ còn sống nhiều lắm là ba tháng nữa.
Chie giữ kín tin dữ không cho ai hay. Nàng biết đây là lúc nàng phải mạnh hơn bao giờ hết.
Cường Để cố uống thuốc cho mau khỏi bệnh. Ông xem đi xem lại bức thư của mấy người Việt vừa ghé thăm tháng tám năm ngoái, bức thư hứa sẽ tìm cách vận động cho ông hồi hương. Mỗi lần đọc thư ông thấy khỏe hẳn lên như vừa uống một thang thuốc bổ.
Nhưng đến đầu tháng tư, sau nhiều cơn đau hành hạ, Cường Để cũng nhận ra rằng mệnh của mình đã hết.
Ông cố mở đôi mắt mệt mỏi, gắng nhìn thật kỹ những gì chung quanh: Khung cửa sổ nhỏ, những chiếc áo Việt may bằng  lụa Nhật treo trên vách, chiếc chậu đồng dưới chân giường, những vật dụng thường ngày của cuộc sống lưu vong tạm bợ, giờ phút này ông nhìn chúng với ánh mắt bịn rịn vô cùng.
Mắt ông dừng lại nơi khuôn mặt Chie đang nhìn xuống, vẻ thầm lặng và nhẫn nhục đầy yêu thương. Ông quờ quạng nắm lấy tay nàng: “Mình ơi, mình có phải là Phật Bà Quan Âm của tôi không?”
Đó là lần đầu tiên ông nói lời tri ân với nàng sau bao nhiêu năm chung sống. Nhưng nàng không hiểu gì cả, vì ông không biết là mình không dùng tiếng Nhật. Như một bản năng, mấy hôm nay ông chỉ nói toàn tiếng Việt.
Chie vẫn cúi nhìn, vẫn vẻ mặt âu yếm xót xa, nàng áp sát mình xuống thân thể còm cõi của ông, tay nắm lấy cả hai tay ông như muốn bảo:  Đừng sợ, có thiếp đây, dù đi đến đâu ngài cũng không cô độc.
 Cường Để dần thiếp đi.
Lúc ấy là năm giờ 5 phút sáng mồng 6 tháng 4 năm 1951. Một mình Ando Chie úp mặt khóc lặng lẽ trên thi thể ông.
Ngoài cửa sổ, hoa anh đào đang nở. Hôm ấy là ngày đầu của lễ hội hoa anh đào trên đất Nhật.
*
*     *
Cửa mở ra, hai người đàn ông theo Ando Chie bước vào căn hộ. Đập vào mắt họ là những tấm hình của Kỳ ngoại hầu Cường Để trên vách. Vị hoàng thân trẻ măng hai mươi lăm tuổi ngày mới đến Nhật. Hội chủ hội Đông Du Phục Quốc, sinh viên trường Đại học Waseda, hình chụp với Thủ tướng Innukai, hình chụp với ký giả Asahi trong bữa tiệc long trọng tại khách sạn Đế Quốc... Tất cả là những trang đời đẹp nhất của Cường Để. Còn hình ảnh buồn thảm những ngày chờ đợi trên sân bay Haneda, những ngày chạy loạn nghèo túng cơ cực, ngày về tang thương trên cảng Yokohama... Những hình ảnh ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức Chie mà thôi.
Hai tay bưng bình tro, Ando Chie trao di cốt Cường Để cho hai con của ông. Nàng cúi mặt thầm nghĩ: Thế là ngài sắp về nhà, giấc mơ cả đời của ngài giờ đây mới thành tựu. Ngài lên đường bình an, lần này thiếp không phải gói sushi cho ngài mang đi nữa rồi.
Người con trai cả của Cường Để đỡ lấy bình tro di cốt của cha. Mặt ông đầy nước mắt. Ông ngạc nhiên thấy người đàn bà Nhật này vẫn bình thản, nét mặt trang nghiêm dịu dàng chỉ hơi phảng phất buồn. Nhưng người con trai thứ hai đứng cách đó vài bước thấy rất rõ đôi bàn tay của Chie sau khi trao xong bình tro. Đôi bàn tay ấy bấu chặt vào nhau, những móng tay quắp vào da thịt, rồi chúng run rẩy bấu víu lấy đôi tay áo kimono, và đến lượt thớ vải giằng co như sắp bị xé rách ra.
Khi hai người đàn ông đi rồi, Chie khép cửa, quỳ xuống sàn. Nàng lấy trong ống tay áo ra một mẩu xương và một nhúm tro nhỏ. Chie đã giữ lại cho mình một phần thân thể của chồng.
Nàng biết mình không làm trái với ý nguyện ông. Dù chẳng hiểu ông nói gì khi sắp mất nhưng nhìn vào mắt ông nàng biết, ông rất muốn ở lại với nàng. Hình như vào giờ phút ấy ông nhận ra mình sắp đi vào một cõi xa thăm thẳm, ở nơi ấy ông sẽ gọi cả trần gian này là quê nhà. Và ở quê nhà đó, một trong những gì giản dị và thân thương nhất chính là Chie...
Ando Chie mất bốn mươi năm sau, trước khi mất bà để lại di chúc muốn được chôn cùng với nắm tro tàn của Kỳ ngoại hầu Cường Để. Nhưng cho đến nay lọ hài cốt của bà vẫn còn trong phòng mộ tập thể của nghĩa trang Zoshigaya, nơi có những cây tùng xanh biếc và tiếng quạ kêu man mác buồn trong những buổi sáng mùa xuân 

TRẦN THÙY MAI
http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/387900/tac-gia-tac-pham/nha-van-tran-thuy-mai-voi-truyen-ngan-noi-co-nhung-cay-tung-xanh-biec-.html








09:04 | 22/10/2008
TRẦN THÙY MAI
Các quan chức ngành khí tượng Nhật Bản đã cúi gập mình xin lỗi toàn dân: Hoa anh đào sẽ nở ngày 23 thay vì 16 - 3 như dự báo. Đến sân bay Narita vào đúng sáng 24, tôi tự nghĩ mình đến rất kịp thời, nên khi cậu cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh hỏi về mục đích đến Nhật, tôi đã không ngần ngại trả lời chắc nịch: “Ngắm hoa anh đào”. Cậu cảnh sát khoanh cái rụp vào lời khai của tôi và “OK” ngay với một nụ cười trên môi.
Tokyo mùa hoa anh đào
Mãi khi đi dạo trong công viên Zempukuji tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nụ cười ấy. 
Dự báo vẫn tiếp tục sai. Công viên Zempukuji vắng lặng, mặt hồ nghiêm nghị, chốc chốc vang tiếng quạ kêu thật cô tịch. Đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về chuyện hoa chưa nở. Với người Nhật, mùa anh đào nở hoa là một sự kiện quan trọng; có lẽ cũng vì thế mà trên thế giới chỉ học sinh Nhật có thêm một kỳ nghỉ xuân (tuần cuối tháng ba và tuần đầu tháng tư). Hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, được trồng khắp nơi trên đất Nhật. Hoa cả năm chỉ nở một lần, nhất loạt và chỉ nở trong một tuần rồi cũng nhất loạt tàn. Vì vậy, người ta canh chừng thời điểm hoa nở để sống cùng hoa, đó là những thời khắc thiêng liêng, như người Nhật thường nói: Trong những ngày hoa nở, mọi việc đều được tha thứ.
Vậy mà năm nay, sau mấy đợt rét trái mùa, hoa đã sai hẹn với người như thế đấy.

Đêm đầu tiên, Mori dặn tôi trước khi đi ngủ: “Nếu động đất thì chị phải chạy về phía này, đừng  để cái tủ nó ập lên đầu”. Tôi hoảng hồn: “Ở Tokyo có hay động đất không?” “Có chứ, đất chao đảo là chuyện thường”.
Nghe mà ớn lạnh. Sáng mai thức dậy, đã nghe ti vi loan tin động đất ở miền Bắc nước Nhật. Phen này đi ngắm hoa không biết có thấy hoa không, lỡ xui xẻo gặp động đất thì thật hết hơi... 
Chúng tôi đi tắm nước nóng, lần đầu tiên tôi vào một nhà tắm chung ở Nhật. Người Nhật có thói quen vài tuần đi tắm một lần, nhà tắm rất sạch sẽ, dựng bên những dòng suối khoáng chảy từ vùng núi lửa. Khi tắm người Nhật chẳng giữ mảnh vải nào trên người, cứ thế hoàn toàn “thiên nhiên” đi hết hồ này sang hồ khác (Tất nhiên nam và nữ tắm trong hai khu vực hoàn toàn riêng biệt). Khi ngâm mình trong nước ấm họ rất lặng lẽ, trầm ngâm, rất đông người nhưng hình như mỗi người một cõi riêng, không hề có tiếng động. Sau vài giờ ngâm mình, xông hơi và “trầm tư mặc tưởng” như vậy, người ta vào phòng lau người, mặc bộ áo vải gai mịn, sấy tóc rồi lên một nhà khác, nơi đấy ta có thể ngủ một lát trên sàn gỗ sạch bóng, ấm áp, trong cảm giác thư giãn đến tận cùng. Nhiều cặp vợ chồng nằm châu đầu với nhau, những đôi tình nhân trẻ thì không dám nằm như vậy, họ ngồi bên nhau nói chuyện thì thầm. Sau giấc ngủ thoải mái, người ta có thể thưởng thức món sushi trong nhà hàng kế cận, cũng rất yên tĩnh và sạch sẽ, trước khi lên xe ra về... Mori bảo tôi, trong cuộc sống bận rộn và hối hả của một Tokyo hiện đại, “tắm nước nóng là niềm an ủi cuối cùng của người Nhật”.
Nhân nói về Sushi, là món cá sống nổi tiếng của người Nhật, Mori dẫn tôi đến ăn ở tiệm sushi gần nhà. Sushi Nhật tươi, ngon và trình bày rất đẹp với nhiều màu sắc. Thế nhưng Imamura bảo tôi: “Mori cho chị ăn sushi giả đấy. Tôi sẽ mời chị sushi thật”. “Sushi thật” của Imamura là sushi trong các hàng ăn ngay chợ cá Tokyo - Chợ cá lớn nhất thế giới. Cả khu chợ mênh mông này tuy mang tiếng là chợ cá nhưng hết sức sạch sẽ, hoàn toàn không có chút mùi tanh nào. Mori giải thích cho tôi biết: người ta cứ tưởng món cá sống có xử lý ngâm tẩm gì đó, nhưng thật ra không ngâm tẩm gì cả, cá không tanh mà lại thơm là vì cá tươi nguyên. Tại đây vì muốn giới thiệu món ăn “quốc hồn quốc túy” của Nhật Bản một cách đích thực, Imamura đã bấm bụng chiêu đãi Mori và tôi món sushi đắt tiền nhất, mỗi miếng đút vào miệng là 5 đôla; vị đậm đà và ngon đặc biệt, màu sushi đỏ thắm, trong vắt như san hô, hỏi kỹ mới biết, thì ra đấy chính là cá ngừ! Tất nhiên đây là loại cá ngừ ở tít ngoài khơi Thái Bình Dương.

Chị Kato Sakae hẹn sẽ đi tàu tốc hành đến Tokyo thăm. Buổi chiều, tôi đang chuẩn bị đến chỗ hẹn thì Mori báo tin đêm nay bão. Tôi hỏi: “Thế thì phải hoãn cuộc hẹn?” Mori cười: “Không, người Nhật đã hẹn thì bão vẫn cứ đi”. Kato vừa đi Việt về đang còn bị rối loạn tiêu hóa, nên ba chị em đành hẹn hò ở tiệm cháo. Kato khuyên tôi nên đổi vé máy bay ở lại cho đến khi anh đào nở. Tôi nói ở gần nhà Mori có một cây vừa nở, xem như tôi đã thấy mùa hoa đào rồi. Kato nhất định không chịu: “Thấy một vài cây, chưa thể nói là đã thấy hoa anh đào”.
Hôm sau Kato dẫn tôi lên một chiếc xe buýt du lịch, đi thăm những vùng nổi tiếng củaTokyo : Hoàng cung, cầu vồng, chùa Senso. Chùa Senso là chùa Nhật Bản tiêu biểu nhất, trên đường vào chùa còn những bức vẽ cổ xưa kể lại cảnh các tướng quân đến thăm chùa thuở trước. Một giàn rất lớn treo lủng lẳng những tấm bảng gỗ nho nhỏ chi chít chữ, đấy là những lời cầu nguyện của thiện nam tín nữ dâng lên đức Phật... Ở nhà ngang người ta bán rất nhiều bùa hộ mệnh với cái giá 500 yên, hóa ra trong những xã hội văn minh nhất con người vẫn sống với rất nhiều niềm tin huyền hoặc...
Rời tháp Tokyo - nơi có thể nhìn bao quát khắp cả thủ đô rộng lớn, chúng tôi đi thăm một ngôi đền nổi tiếng.



Từ cổng đền bước ra, tôi và Kato bàng hoàng: khắp hai bờ hào quanh lâu đài Edo , hoa anh đào đã nở, một màu trắng hồng man mác rợp bóng trên mặt nước. Cảnh tượng đẹp như tranh vẽ, những cành anh đào trắng mỏng manh rủ xuống, vươn ra trên mặt nước trong xanh... Một nỗi xúc động lan tỏa trên nét mặt những người đang đổ ra hai bên bờ hào, nỗi xúc động sau những ngày trông ngóng... Năm nay anh đào trễ hẹn một chút, để giờ gặp gỡ càng ngỡ ngàng, xao xuyến nhiều hơn...

Tôi trở về, báo cho Mori biết tin, hoa đã nở.

Sáng sớm mai, khắp các công viên trong thành phố đã đầy ngập nam thanh nữ tú đi ngắm hoa. Công viên Ueno, công viên Thượng uyển (ngày xưa là vườn cấm dành riêng cho các Shogun tướng quân) v.v... và nhiều công viên khác đều rợp bóng anh đào. Những cây anh đào đã hàng trăm năm tuổi, dáng cao lớn mà vẫn thanh tú, với đặc điểm ngọn cây càng cao dần theo thời gian thì những cành mảnh mai càng sà xuống gần mặt đất, mặt nước, tạo thành một dáng vẻ hài hòa nên thơ, như  biểu trưng cho cả hai xu hướng tâm linh và thực tế hài hòa trong tâm hồn người dân Nhật.

Trên hồ Inokashira, những chiếc thuyền êm đềm trôi. Tục truyền rằng ở hồ này có một nữ thần tên là Bentensama do phải chịu thất vọng trong tình yêu nên rất ghen ghét với những cặp tình nhân hạnh phúc, vì vậy đôi nào dẫn nhau đến đây về sau đều bị chia lìa. Tuy truyền thuyết là vậy nhưng trên hồ tôi vẫn thấy nhiều đôi trai gái kề vai nhau trên những chiếc thuyền con, và cả một vài đôi tóc đã hoa râm cũng buông mái chèo dưới những tàn cây anh đào, trong khi gió thổi cánh hoa bay nhẹ trên mặt nước.

Lác đác hoa anh đào đưa đường chúng tôi đến nghĩa trang, nơi có mộ liệt sĩ Trần Đông Phong! Nghĩa trang vắng lặng, tiếng quạ kêu man mác buồn. Trần Đông Phong nằm đây đã nhiều năm, nấm mộ của ông được bà Ando (người vợ Nhật Bản của Hoàng thân Cường Để, biểu tượng của phong trào Đông du chống Pháp, lưu vong hơn 40 năm trên đất Nhật) chăm sóc. Theo tư liệu của Mori Erisa, khi tro cốt của Cường Để được đưa về nước, bà Ando đã giữ lại cho mình một phần tro xương, về sau bà đã chôn ngay trên nấm mộ này. Bà Ando nay đã mất, cách đây vài năm có người đến viếng đã kể lại mộ rất hoang tàn, cỏ mọc cao ngất. Nhưng hôm nay, khi Mori và tôi đến đặt hoa viếng mộ, mộ rất sạch sẽ tươm tất, có hoa tàn, chứng tỏ trước đó ít lâu vừa có người thăm, trên nền mộ một thứ cỏ đẹp mọc gần kín, chắc phải có người trồng. Phải chăng những năm sau này, du học sinh Việt sang Nhật ngày càng đông, nên nấm mộ của Trần Đông Phong đã có được sự chăm sóc ấm áp của những người ruột thịt?

Ngày chủ nhật, trước khi tôi về Việt , Mori còn rủ tôi “tranh thủ” ngắm hoa đến phút chót. Cả nhà Mori xách theo sushi, bánh ngọt, rượu Sakura và bia Asahi tiến vào công viên Zempukuji. Nơi một tuần trước vắng lặng với tiếng quạ kêu, giờ đây khắp mặt đất người ta trải những tấm vải lớn, ngồi quây quần từng nhóm một ăn uống, chuyện trò, hát karaokê... thật nhộn nhịp; vừa vui chơi, người ta vừa nhìn lên cả rừng hoa đang rợp bóng, nổi bật trên nền trời Tokyo mùa xuân phơn phớt xanh.
Ngồi chơi đến hai giờ trưa thì Mori hối hả kéo tôi dậy, chạy về nhà lấy hành lý, lên taxi. Chuyến tàu cao tốc đưa chúng tôi đến sân bay Narita vừa kịp giờ máy bay cất cánh.
 Một lời chào cũng rất là Nhật Bản: “Chị về nhé, giờ thì em không ân hận gì nữa... Vì chị đã kịp thấy hoa anh đào!”.
T.T.M
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)





“Không phải để kể chuyện ly kỳ!”

Chủ Nhật 7:05 29/04/2012
(HNM) - Một nhà văn từng nói: có ba cây bút nữ đương đại tiêu biểu cho ba vùng miền, phía bắc là Đỗ Bích Thúy, phía nam có Nguyễn Ngọc Tư và Trần Thùy Mai là đại diện của miền Trung nắng gió.

Hơn 30 năm cầm bút, nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai đã và đang tạo lập một giọng điệu riêng đằm thắm, đầy nữ tính. Gần đây, chị dành nhiều thời gian hơn cho những trang viết mang hơi thở lịch sử. Hànộimới có cuộc trò chuyện với chị quanh chủ đề này.


Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải văn chương của Hội Hữu nghị San Francisco - TP Hồ Chí Minh.
- Gần đây trong chùm ba truyện ngắn của chị giới thiệu trên Văn nghệ và website của Hội Nhà văn Việt Nam, thì hai truyện có nhân vật, bối cảnh từ lịch sử là “Thần nữ đi chân không”, “Nơi có những cây tùng xanh biếc”. Hình như những câu chuyện lịch sử đã gợi nhiều cảm hứng để một cây bút ưa sự chiêm nghiệm nhẹ nhàng, sâu sắc như chị thỏa sức sáng tạo?

- Từ mấy năm nay tôi dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu lịch sử, trong đó có lịch sử triều Nguyễn và đã thấy ở đó những gợi ý thú vị cho sáng tác của mình. Vì vậy tôi dành phần lớn không gian mà trang web Hội Nhà văn dành cho tôi để giới thiệu hai truyện ngắn, một lấy cảm hứng từ cuộc tình của vua Gia Long, truyện kia là chuyện đời Ando Chie, người phụ nữ Nhật Bản đã gắn bó và thương yêu một nhà chí sĩ Việt Nam lưu lạc hơn 40 năm trên đất Nhật - Hoàng thân Cường Để.

- Trong các tác phẩm của chị, dù đề tài lịch sử hay đương đại, nhân vật nữ thường là trung tâm và để lại những ám ảnh lớn?

- Tôi là phụ nữ nên trang viết tất nhiên cũng mang ảnh hưởng giới tính của mình, tôi viết nhiều về nhân vật nữ. Vả lại, cứ đọc những pho sử thì thấy, từ sử Trung Hoa đến sử Việt Nam, đa số câu chữ là nói về sự nghiệp của đàn ông và chỉ là sử thôi, chỉ những chỗ nào có bóng dáng phụ nữ xuất hiện thì lúc đó sử bỗng hóa thành truyện… Còn nếu đã nói đến ám ảnh thì truyện không thể chỉ dừng ở sự ly kỳ mà còn phải dựng lại được nội tâm và số phận của nhân vật, phải chạm vào chiều sâu muôn thuở của số phận con người.

- Gần đây, gia đình tác giả Nguyễn Triệu Luật - (một tiểu thuyết gia có vị trí trong văn học sử nước nhà giai đoạn 1930-1945, bị lãng quên lâu nay) đã tập hợp giới thiệu cuốn “Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật”. Dễ thấy, tác phẩm của ông rất rung cảm, nhưng cũng lại chứa đựng khá nhiều sử liệu. Theo chị, viết một tác phẩm văn học đề tài lịch sử, quan trọng nhất là gì?


- Tôi cũng là người rất hâm mộ nhà văn Nguyễn Triệu Luật, thuở còn đi học đã từng say mê đọc bộ ba tiểu thuyết của ông về thời Lê mạt: “Bà chúa chè”, “Chúa Trịnh Khải” và “Loạn kiêu binh”. Nguyễn Triệu Luật tái hiện rất sinh động bối cảnh lịch sử của một thời đã qua, nhờ có trong tay rất nhiều sử liệu hết sức chi tiết. Nét đặc biệt trong truyện ông là phần sử nhiều khi lấn át phần văn nhưng không vì vậy mà khô khan, trái lại còn tạo được nét hấp dẫn riêng cho tác phẩm.

Cái quan trọng nhất trong một tác phẩm văn học đề tài lịch sử? Theo tôi điều này tùy thuộc cách viết của tác giả. Như Alexandre Dumas, nhà văn Pháp, tác giả của “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, lại có quan điểm ngược lại: “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi”.

Quan điểm của riêng tôi nằm giữa hai cách nhìn trên, tôi viết theo sát lịch sử, còn những chỗ lịch sử không nói tới thì tôi mới dùng đến trí tưởng tượng.

- Văn học dịch Trung Quốc gần đây giới thiệu khá nhiều cây bút trẻ thế hệ 8X với những cuốn tiểu thuyết xuyên không (nhân vật chính từ thế giới đương đại, vì lý do nào đó đột ngột trở về sống trong xã hội cách nay cả trăm năm). Dường như cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử đã chắp cánh cho những sáng tạo và góp phần “làm mới” sáng tác của họ? 


- Xuyên không gian và thời gian, lấy cảm hứng từ truyện trong sử là một thủ pháp từng xuất hiện trong văn học, cũng như phim ảnh nước ngoài hiện nay. Đó là một cách dựng truyện rất thú vị nhưng cũng không phải là quá mới mẻ. Tuy vậy loại tiểu thuyết này đang có sức hấp dẫn với tuổi trẻ do tính chất hài hước dí dỏm và sự phóng khoáng vô bờ bến trong tưởng tượng. Bên cạnh tác dụng giải trí, những câu chuyện này, trong khi đặt những nhân vật thuộc nhiều thời đại bên nhau, đã làm người đọc nhận thức được cái gì là vĩnh cửu và cái gì là phù du trong cuộc sống con người.

- Chị nghĩ thế nào về văn học khai thác đề tài lịch sử hiện nay của chúng ta? 

- Ở Việt Nam, đề tài lịch sử từ sau thời tiền chiến (với Nguyễn Triệu Luật và Lan Khai) đến nay vẫn luôn thu hút các nhà văn đương đại. Có thể kể đến các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Văn Chinh, Quỳnh Cư, Vũ Ngọc Tiến, Hoàng Quốc Hải, Phạm Thế Quỳnh…

Nhà văn Việt Nam quay về với lịch sử vì rất nhiều lý do, trong đó theo tôi, lý do thường thấy nhất là vì lịch sử luôn ẩn chứa những kinh nghiệm mà chúng ta có thể dùng để soi chiếu cho chính thời ta đang sống. Vì thế, với nhà văn, văn chương đề tài lịch sử không phải là đem lại những câu chuyện ly kỳ. Mục đích lớn nhất của nó là ghi lại những kinh nghiệm lịch sử và nhân văn, đôi khi không dễ viết ra bằng những câu chuyện của thời hiện đại.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Van-hoa/546158/khong-phai-de-ke-chuyen-ly-ky-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.