Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/01/2015

Kỉ niệm 110 năm phong trào Đông Du : về vai trò của Kỳ Ngoại hầu Cường Để

Bài của cụ Nguyễn Đắc Xuân. Được ghi là hoàn thành năm 2005.

---

Nguyễn Đắc Xuân



Kỳ ngoại hầu Cường Để với phong trào Đông Du[*]




Từ hơn nửa thế kỷ qua, tôi là bạn của nhiều hậu duệ của Kỳ ngoại hầu Cường Để như Liên Phú (con ông Tráng Đinh - một Cư sĩ có công với Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Huế năm 1932) nay là Thượng tọa Chơn Kim (trụ trì chùa Đơn Dương - Lâm Đồng), Liên Đàm (em Liên Phú) là bạn học của tôi thời Trung học, Liên Hương (con ông Tráng Cử (bạn của tôi qua nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)…Các bạn ấy đã kể cho tôi nghe và cho tôi đọc cuốn "Cuộc đời cách mạng Cường Để", do Tùng Lâm (Matsu Bayashi) ghi và Tráng Liệt xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1957.

Tôi biết rất rõ KNH Cường Để (tên thật Nguyễn Phúc Dân, sinh 11/1 năm Nhâm Ngọ - 1882) là một người yêu nước, từ lúc biết suy nghĩ cho đến khi từ giã cuộc đời ông luôn luôn theo đuổi ý chí chống thực dân Pháp để cứu nước. Hơn bốn mươi năm lưu vong ở nước ngoài, ông được nhiều chính khách Nhật bảo trợ cho ông sống và theo đuổi các hoạt động chống Pháp. Nhưng tiếc thay ông là một Hoàng thân, ở nước ngoài thiếu thông tin, nên ông đã cả tin vào nước Nhật “đồng văn đồng chủng” - một nước trong phe Trục mang tiếng chống lại nhân loại trong Thế chiến II. Đồng thời ông không quản được nhiều đồng chí đồng sự của ông (như Hoàng Nam Hùng) đã nhân danh ông cộng tác với quân đội Tưởng Giới Thạch, rồi thực dân Pháp chống lại Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, làm hoen ố thanh danh của ông. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam chưa có điều kiện thu thập các tài liệu nước ngoài để hiểu ông một cách đầy đủ nên không tránh khỏi những ngộ nhận đáng tiếc về ông. Trong tham luận nầy tôi trình bày những điều tôi mới biết về KNH Cường Để mong góp phần đánh giá lại vai trò lịch sử của ông trong lịch sử Việt Nam đầu Thế kỷ XX.    
1. KNH Cường Để - Hội chủ Hội Duy Tân và người  đứng đầu Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX
Sự kiện KNH Cường Để được cụ Phan Bội Châu mời làm hội chủ Duy Tân Hội và sau đó đứng ra tổ chức Phong trào Đông Du được nhiều sử sách thời ấy[1] viết. Chúng tôi xin trích đoạn cụ Phan Bội Châu viết trong tập sách Ngục Trung Thư, như sau:
Tháng ba năm quý mão (1903), tôi tìm tới yết kiến Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Huế, tỏ bày việc lớn.
Kỳ ngoại hầu hớn hở nói:
- Lâu nay tôi vẫn nuôi cái chí lớn đó. Ngặt vì từ lúc Hồ Qúy Châu và Nguyễn Thụ Nam[2] là hai bạn đồng chí của tôi qua đời đi rồi, tôi để ý tìm kiếm mãi nhưng chưa gặp được ai có thể nói câu chuyện ấy với mình. Nay các ông không từ xông pha muôn dặm, vì chỗ tinh khí với nhau mà tìm đến với tôi, tôi xin vui lòng hy sinh tất cả mọi sự, để cùng các ông nằm gai nếm mật, nếu có thể báo đáp quốc ân trong muôn một, dầu tôi có phải tan thây mất xác cũng vui.
 Rồi kỳ ngoại hầu cùng tôi và hai ông Lê, Đặng đi vô Quảng Nam hội họp các đồng chí ở nhà ông Nguyễn Thành trên núi.
Chúng tôi bí mật bàn tính các việc, cùng tôn Kỳ ngoại hầu lên làm hội chủ, và giao công việc của đảng từ hai tỉnh Nam Nghĩa trở về Nam cho Nguyễn Thành gánh vác, còn từ hai tỉnh Bình Trị trở ra Bắc thì do tôi đảm nhiệm[3].
Đầu năm Bính Ngọ (1906), KNH Cường Để sang Nhật với nhiệm vụ xin viện trợ và vũ khí để bí mật gởi về chống Pháp. Nhưng việc không thành, KNH và cụ Phan Bội Châu chuyển qua vận động Phong trào Đông Du. KNH kể:
Thất vọng nầy chồng lên thất-vọng khác đã khiến cho vấn-đề khí-giới đành phải xếp xó, bỉ-nhân cùng ông Phan-Bội-Châu chỉ chuyên nổ-lực về kế-hoạch bồi-dưỡng nhân tài, nghĩa là tuyên-truyền về trong nước khuyến-khích thanh niên sang Nhật lưu-học để nuôi dưỡng nhân-tài hầu sau nầy làm việc.
Hồi đó bỉ-nhân có làm bài “Hịch cáo quốc dân văn” và bài “Phổ cáo Lục tỉnh văn”, gửi về trong nước, phát động phong-trào yêu-nước xuất-dương cứu-quốc, gây được nhiều hiệu lực hơn nên thanh-niên sang Nhật mỗi ngày một nhiều và người trong nước càng thêm phấn khởi.
Vì người sang Nhật phần nhiều do đường Hồng-Kông, nên năm 1907, bỉ-nhân cử ông Phan-Bội-Châu về Hồng-Kông lập một cơ-quan bí-mật để lo liệu mọi sự cho người đi Nhật, như thư từ đi lại, tiền bạc tiếp-tế v.v…Cơ quan ấy giao Đặng-tử-Kính phụ trách”[4].
Với vai trò hàng đầu như thế cho nên năm nay tổ chức 100 năm Phong trào Đông Du (1905-2005) chúng ta không thể không nhắc đến KNH Cường Để.
2. KNH Cường Để với các nhà Cách mạng Việt Nam
Gần 50 năm qua, qua cuốn Cuộc Đời Cách Mạng Cường Để, các nhà nghiên cứu Việt Nam đều đã biết KNH Cường Để là người đã đưa súng và giúp phương tiện cho Tản Anh (Lê Hồng Sơn) từ Nhật sang Trung Quốc giết Phan Bá Ngọc[5]- tên phản bội dân tộc làm mật thám cho Pháp. Và, chính KNH cũng dính dáng vào việc tổ chức cho Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Merlin năm 1924. Đó là những chuyện cũ. Mới đây, GSTS Vĩnh Sính (Canada) - một chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ lịch sử Việt Nhật đã tìm thấy “Trong Văn khố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản (Gaikô Shiryôkan Tokyo) có một tư liệu đáng chú ý về việc tiếp xúc ở Nhật Bản trong khoảng 1931 - 1933 giữa Lê Quốc Vọng (về sau là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng), Bùi Hải Thiệu[6] và một nhân vật khác cũng ở trong phong trào cộng sản Việt Nam ở Trung Quốc là Cao Văn Bình, với KNH Cường Để  lúc bấy giờ đang cư ngụ ở Tokyo. Việc tiếp xúc này hình như chua từng được đề cập đến ở Việt Nam bao giờ.
Tư liệu này mang số A.1.3.5.2 nằm trong hồ sơ “Zai-Shi Chôsenjin oyobi zaihonpô Annanjin ni kansuru Nichi-Futsu jôhô kôkan kankei ikken” (Một hồ sơ có liên hệ đến việc trao đổi tình báo giữa Nhật và Pháp về người Triều Tiên ở Trung Quốc và người An Nam [tên gọi Việt Nam lúc bấy giờ] ở Nhật Bản). Phần đầu của tư liệu này là “phiếu tình báo” (fiche de renseigne -ments) về Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu (không có lý lịch của Cao Văn Bình) bằng tiếng Pháp do Nha Cảnh sát và An ninh (Sûreté) của chính quyền Pháp ở Đồng Dương gửi nhà đương cuộc Nhật (đề ngày 30 tháng 1, 1933)”.
“Phiếu tình báo” về Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu[7] (của Nha Cảnh sát và An ninh của chính quyền Pháp ở Đông Dương)
A. LÊ QUỐC VỌNG:
Lê Văn Nghiễm
tức  Lê Quốc Vọng
tức Lê Như Vọng
tức  Lê Trị Hoàn
Sinh năm 1906 ở làng Đông Thôn[8], xã Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (An Nam).
Con trai của Lê Văn Nghiêm và Trần Thị Sáu, làm ruộng ở Đông Thôn.
Anh em chú bác của Lê Huy Doãn, tức Lê Hồng Phong, tức Litvinov, người thay thế Nguyễn Ái Quốc làm Ủy viên Bộ phương Đông của Quốc tế Cộng sản và là người dẫn đầu Đông Dương Cộng sản Đảng.
Sang Xiêm vào tháng 2 năm 1924 cùng với Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Trương Văn Lệnh [sic][9] .v.v.
Rời Xiêm ngày 5 tháng 2, 1925 sang Quảng Châu nhằm gia nhập một hội đoàn cộng sản có tên là Việt Nam Cách mệnh Thanh niên Hội [sic][10].
Vào học trường quân chính Hoàng Phố (Quảng Châu).
Năm 1928, gia nhập quân đội Trung Quốc vùng Sơn Đông.
Làm liên lạc viên cho các người lãnh đạo của An Nam Cộng sản Đảng.
Năm 1931, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 11, 1931, sang Nhật gặp Hoàng thân (Prince) Cường Để (NĐX nhấn mạnh). Sau đó không lâu trở lại vùng Thượng Hải.
Cuối tháng 11, 1931, về Quảng Châu vì phải bắt liên lạc với các người cộng sản An Nam đang bị giam giữ trong các nhà lao ở Quảng Châu, và giúp Hoàng thân Cường Để hoàn thành một công tác cho An Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Nam Quốc dân Đảng (NĐX nhấn mạnh).
Đầu tháng 12, 1931, thấy xuất hiện lại trong vùng Thượng Hải, và lưu lại đấy cho đến tháng 11, 1932. Sau đó sang Nhật Bản cùng với Bùi Hải Thiệu và Cao Văn Bình. Cả 3 đến Tokyo ngày 24 tháng 11. Cao Văn Bình về lại Hương Cảng ngày 3 tháng 12. Bùi Hải Thiệu và Lê Quốc Vọng được Hoàng thân Cường Để lo việc ăn ở (l’hospitalite). ….”
                                        Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 1933.
B. BÙI HẢI THIỆU
Bùi Hải Thiệu
tức Bùi Tín
tức Nam Hồng
tức Ngọc
25 tuổi - Quê ở làng Phố Đông, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (An Nam) - Mang thẻ căn cước số 162663 cấp ở Vinh ngày 27 tháng 11, 1929.
[...] Sang Trung Quốc khoảng cuối năm đó, bị bắt vài ngày sau khi đến Hương Cảng. Sau khi bị giam giữ khoảng 1 tháng rưỡi, bị nhà đương cuộc Trung Quốc bắt lại ở Sán Đầu (Swatow)[11] và đưa về Quảng Châu.
Bị bỏ ngục ở thành phố này [Quảng Châu], rồi được phóng thích ngày 27 tháng 11, 1931. Rời Quảng Châu - có lẻ không lâu sau khi ra khỏi ngục, nhằm bí mật đến Hương Cảng; tại đây cùng ở chung với Lý Ứng Thuận[12], tức Cô Thuận, một phụ nữ Cộng sản.
Khoảng giữa tháng 8, 1932, hết phương tiện tài chánh, Bùi Hải Thiệu đi Hán Khẩu...Ở Hán Khẩu, giúp Trần Đại Độ - tức Đại Thanh, tức Độ, người Bắc Kỳ, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc - trong công việc tuyên truyền những người lính thủy và lính tập Đông Dương [ở đấy].
Vì cơ quan tuyên truyền ở Hán Khẩu bị theo dõi, Bùi Hải Thiệu rời trung tâm này ngày 10 tháng 11, 1932 để sang Nhật cùng với Lê Quốc Vọng và Cao Văn Bình. Cả ba đến Tokyo hôm 24 tháng 11. Ngày 3 tháng 12, Cao Văn Bình về lại Hương Cảng. Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu được Hoàng thân Cường Để lo việc ăn ở.
Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 1933
“Trong hồ sơ nói trên còn có một lá thư của Tòa Đại sứ Pháp ở Tokyo đề ngày 19 tháng 7, 1933 gửi ông Tani (ghi họ chứ không để tên), Cục trưởng cục Châu Á của Bộ Ngoại giao Nhật, với nội dung như sau:
(a) Nhắc lại sự đồng ý trao đổi tình báo giữa nhà đương cuộc Nhật với Đại sứ quán Pháp ở Tokyo về hoạt động của những “người Đông Dương ở Nhật cùng những người Triều Tiên và người Nhật khả nghi ở Đông Dương”;
b) Yêu cầu chính phủ Nhật theo dõi chặt chẽ Hoàng thân Cường Để (surveille étroitement le Prince Cường Để) và làm tê liệt những toan tính chống Pháp của ông (paralyse ses entreprises anti-francaises), đồng thời nhắc nhở nhà đương cuộc Nhật là “người muốn nhắm ngai vàng”[13] ở An Nam này đang thường xuyên che chở các người cộng sản nguy hiểm “(le Prétendant au trône donne fréquemment l’hospitalité à des communis -tes dangereux), và hai người đang ở với ông lúc đó là Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu. Bức thư này còn nói rằng “hai người này hiện đang tìm cách vào học các trường Nhật, chắc hẳn để tuyên truyền ở đấy”.
Đáp lại lời yêu cầu của Pháp, một bản báo cáo có tiêu đề là “về việc người An Nam đang lưu vong Nguyễn Phúc Cường Để, tức Nam Nhất Hùng [đọc theo tiếng Nhật là Minami Kazuo], hiện nay 49 tuổi” của Bộ Nội vụ (Nhật) xác nhận với Bộ Ngoại giao (Nhật) hai việc. Trước hết về hoàng thân Cường Để, báo cáo viết: “Mặc dầu [chúng tôi] thường chú ý nghiêm trọng đến hành động của người này, tình trạng thực tế là ông chỉ ăn rồi ngồi không[14], không có dấu hiệu gì là ông đang sách động phong trào độc lập ở Ấn Độ Chi-na [Đông Dương]. Gần đây, điều kiện kinh tế của ông cũng chẳng có gì dư dật, phải thay đổi nơi cư ngụ thường xuyên...”. Chúng ta biết rằng vào lúc này vì Inukai Tsuyoshi (Khuyển-Dưỡng-Nghị) - chính khách lừng danh của Nhật và cũng là “ân nhân” của Hoàng thân Cường Để từ những ngày mới đặt chân lên đất Nhật - vừa bị ám sát (ngày 15 tháng 5, 1932) cuộc sống của Hoàng thân này vốn đã không có ổn định nay lại càng thêm bấp bênh. Về sự trợ giúp tài chính của Inukai, trong hồi ký thuật lại cuộc sống lưu vong long đong, lận đận của mình, Hoàng thân Cường Để cho biết là từ năm 1915 cho đến khi tạ thế, chính Inukai đã trợ giúp tiền ăn ở hàng tháng, và “tiền nguyệt cấp ấy chưa từng gián đoạn và cũng không chậm trễ bao giờ... không lần nào là không do ông thân thủ[15] đưa cho bỉ nhân (sic)...”[16]
Trong phần nói về hai nhân vật Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu, bản báo cáo của Bộ Nội vụ Nhật ghi: “trong hai người này, trước hết về nhân vật mà chúng tôi có thể xác nhận là Lê Quốc Vọng, chúng tôi được biết rằng người này đã đến ở với Cường Để vào cuối tháng 11 năm ngoái [1932], đang học tiếng Nhật, nhân vào ngày 27 tháng 2 năm nay [1933] đã bỏ đi Thượng Hải. Người này trong thời gian ở lại Nhật không phát biểu và cũng không làm điều gì có thể xem là một đảng viên của đảng cộng sản[17]. Chúng tôi cũng không phát hiện một ai đi lại với Cường Để có thể nói là Bùi Hải Thiệu”. Nói một cách khác lúc này Bùi Hải Thiệu cũng đã rời Nhật Bản. Việc Lê Quốc Vọng rời Nhật Bản trong khi “đang học tiếng Nhật” (cho dầu việc học tiếng Nhật có thể chỉ là một lý do bên ngoài) có lẽ ngoài ý muốn của đương sự. Có khả năng là sau khi được nhà đương cuộc Pháp cho biết tin là Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu đang ở Tokyo với Hoàng Thân Cường Để (“phiếu tình báo” đề ngày 30 tháng 1, 1933), cơ quan an ninh Nhật đã khuyến cáo Lê Quốc Vọng (cùng Bùi Hải Thiệu) phải rời khỏi Nhật trước một thời hạn nào đó. Tuy nhiên, đây bất quá chỉ là một cách suy diễn, chúng ta không biết chắc lý do gì đã trực tiếp khiến Lê Quốc Vọng phải đột ngột rời Tokyo ngày 27 tháng 2, 1933.
Vài nhận xét về ý nghĩa của tư liệu của GSTS Vĩnh Sính:
1. Điều đáng chú ý trước tiên nhất là qua hai “phiếu tình báo” của cơ quan an ninh Pháp ở Đông Dương về Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiện, ta có thể nói rằng nhà đương cuộc Pháp đã kết hợp với những thông tin trên ba địa bàn Việt Nam, Trung Quốc, và Nhật Bản về động tĩnh của hai nhân vật này rất chặt chẽ và có lẽ là khá chính xác. Người cung cấp những thông tin này cho nhà đương cuộc Pháp chắc hẳn phải là người biết rõ, hay đã tiếp xúc gần gũi với hai đương sự. Về bản báo cáo của Bộ Nội vụ gửi cho Bộ Ngoại giao Nhật, có thể nói là mặc dầu bản báo cáo được viết rất dè dặt, cơ quan an ninh ở Nhật trên thực tế chắc hẳn đã theo dõi sát nút tình hình xung quanh KNH Cường Để nên họ mới biết rõ từng chuyển biến trong cuộc sống của Hầu, cũng như ngày tháng của chuyến tàu mà Lê Quốc Vọng đã đáp từ Nhật về lại Thượng Hải.
Tóm lại, qua tư liệu này ta có thể thấy rằng sự thỏa thuận trao đổi tình báo giữa các nhà đương cuộc Nhật và Pháp (có thể có thêm sự hợp tác của nhà đương cuộc Anh ở Hương Cảng) không chỉ có trên giấy tờ mà trên thực tế đã được thi hành rất chặt chẽ. Đối với người Việt Nam ở Quảng Châu đã từng tham gia đấu tranh trong hàng ngũ cách mạng Trung Quốc như Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu, gọng kìm của “mật thám quốc tế” lại càng được xiết chặt hơn bởi lẽ còn có thêm áp lực của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Có thể phỏng đoán là trên thực tế, chính vì áp bức trực tiếp của Tưởng và Pháp ở Thượng Hải và Quảng Châu nên Lê Quốc Vọng đã đem Bùi Hải Thiệu và Cao Văn Bình lánh sang Nhật, nhưng ở Nhật - như chúng ta đã thấy - lại bị nhà đương cuộc Nhật theo dõi chặt chẽ (do áp bức của Pháp).
2. Về hai nhân vật Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu, như trên đây đã đề cập, những thông tin trong “phiếu tình báo” trên căn bản có lẽ là khá chính xác. Lê Quốc Vọng là chồng của Hồ Diệc Lan, con gái của nhà cách mạng lão thành Hồ Ngọc Lãm; về sau lấy tên là Lê Thiết Hồng (Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam và trước khi nghỉ hưu đã từng làm Đại sứ ở Triều Tiên)[18] - một cái tên quen thuộc với độc giả ngày nay hơn tên cũ là Lê Quốc Vọng. Điều đáng chú ý là từ khi mới sang Quảng Châu, qua Hồ Tùng Mậu, Lê Quốc Vọng đã được giới thiệu với Nguyễn Ái Quốc (dưới biệt hiệu Lý Thụy) và được Nguyễn tận tình dạy dỗ, huấn luyện. Lê Quốc Vọng được tham dự khóa huấn luyện thứ hai từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927 do Nguyễn Ái Quốc tổ chức[19]. Trong hồi ký “Mãi mãi nhớ ơn người”, tác giả Lê Thiết Hùng cho biết là trước khi rời Việt Nam để tham gia phong trào cách mạng ở hải ngoại, “thầy tôi đặt tên cho tôi là Lê Như Vọng”. Lê được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội , kế đó đưa vào “Giáo đạo đoàn”, một bộ phận của trường Hoàng Phố. Sau khi thấy Lê đã thực hiện một số công tác thành công, Nguyễn Ái Quốc kết nạp Lê vào “Thanh niên cộng sản”, một nhóm bí mật trong Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Cái tên “Lê Quốc Vọng” ra đời chính vào lúc đó. Lê thuật lại: “kết nạp tôi xong, Bác đổi tên cho tôi là Lê Quốc Vọng” - năm ấy Lê “vừa tròn 17 tuổi”. Sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố, khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ (tháng 11, 1927), Lê cho biết là Lê đã “tham gia cuộc khởi nghĩa với tình cảm quốc tế sâu sắc nhất mà Bác đã dạy tôi[20]. Người Việt Nam tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu có đến “hơn mấy chục”, ngoài Lê Quốc Vọng còn có những cái tên quen thuộc như Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Lý Tự Trọng.v.v.[21] Việc thay đổi địa bàn hoạt động của Lê từ Quảng Châu lên Thượng Hải và việc Lê Bắc liên lạc với Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Thượng Hải hình như cũng qua sự dàn xếp chu đáo của Nguyễn Ái Quốc[22].
“Phiếu tình báo” cho biết là một năm trước khi cùng Bùi Hải Thiệu và Cao Văn Bình sang Nhật vào cuối tháng 11, 1932, Lê Quốc Vọng cũng đã từng sang gặp Hoàng thân Cường Để vào tháng 11, 1931, tức là khoảng 5 tháng sau khi Nguyễn Ái Quốc bị nhà đương cuộc Anh ở Hương Cảng bắt giam. Chuyến đi sang Nhật lần đầu và việc tiếp xúc của Lê Quốc Vọng với Hoàng thân lưu vong này có mục đích gì? “Phiếu tình báo” cho biết sau khi Lê Quốc Vọng từ Nhật về lại Thượng Hải, chẳng bao lâu sau đó (cuối tháng 11, 1931) Lê về Quảng Châu “vì phải bắt liên lạc với các người cộng sản An Nam đang bị giam giữ trong các nhà lao ở Quảng Châu, và giúp Hoàng Thân Cường Để hoàn thành một công tác cho An Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Nam Quốc dân Đảng”. Chúng ta biết là Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí lúc này đang vận động luật sư biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc. Lê Quốc Vọng vội vã về Quảng Châu lần này có phải để tiếp xúc với Hồ Tùng Mậu chăng? Hoàng Nam Hùng, một nhân vật hoạt động lâu năm ở Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian đó, cho biết rằng khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hương Cảng ông đang ở Quảng Châu, “lập tức anh em vận động phương tiện báo chí Trung Hoa để cực lực phản đối trước dư luận quốc tế[23] Theo Hoàng Nam Hùng, sau đó Nguyễn Ái Quốc có biên thư cảm ơn và ngỏ ý nhờ Hoàng Nam Hùng hỏi Hoàng thân Cường Để về khả năng tạm thời cư trú ở Nhật. Dự định đó theo Hoàng Nam Hùng không thành vì thái độ của nhà đương cuộc Nhật là họ “không thể nào chấp thuận cho một nhân vật cộng sản vào trên đất nước họ được[24]. Trở lại công việc của Hoàng thân Cường Để nhờ Lê Quốc Vọng thực hiện (giả dụ thông tin trong “phiếu tình báo” là chính xác), công việc đó là công việc gì, có liên hệ đến việc cứu giúp Nguyễn Ái Quốc hay chăng? Về lần sang Nhật thứ hai của Lê Quốc Vọng, căn cứ trên “phiếu tình báo” về Bùi Hải Thiệu, chúng ta có thể phỏng đoán - như đã đề cập ở trên - là Lê Quốc Vọng dẫn Bùi Hải Thiệu sang Nhật nhằm tránh mạng lưới truy nã gắt gao của Pháp và Tưởng Giới Thạch.
3Cho đến nay, chúng ta biết ít nhiều về mối dây liên hệ giữa Hoàng thân Cường Để với các nhân vật trong Tâm Tâm Xã (Tân Việt Thanh niên Đoàn) như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn (Tản Anh)[25] .v.v... Tư liệu này cho ta thấy rằng sau khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu và các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, An Nam Cộng sản Đảng...lần lượt ra đời, dây liên hệ giữa Hoàng thân này với một số người cộng sản Việt Nam hoạt động trên địa bàn Trung Quốc vẫn mật thiết. Ngay trong tình trạng túng bấn và cô lập chính trị, Hoàng thân này vẫn không ngần ngại che chở cho Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu.
Tư liệu này cho ta thấy rằng sau khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu và các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, An Nam Cộng sản Đảng... lần lượt ra đời, dây liên hệ giữa Hoàng thân này với một số người cộng sản Việt Nam hoạt động trên địa bàn Trung Quốc vẫn mật thiết. Ngay trong tình trạng túng bấn và cô lập chính trị, Hoàng thân này vẫn không ngần ngại che chở cho Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu. Trong gần 50 năm sống lưu vong ở xứ người, đã đành cá nhân và lập trường chính trị của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để có lúc bộc lộ một số hạn chế sâu sắc, nhân qua việc Hầu đã không ngần ngại, ngay lúc chính bản thân mình đang gặp những khó khăn trầm trọng, che chở cho những người đang xả thân cứu nước như ta đã thấy qua tư liệu này, việc đánh giá cuộc đời của Hầu một cách khách quan chắc hẳn không phải đơn giản[26].
3. KNH Cường Để với Đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Thời Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc còn mang tên Nguyễn Sinh Côn) học tại trường Quốc Học (1908) với thầy Hoàng Thông - người đứng đầu hãng buôn Đồng Vinh vận động tiền bạc cung cấp cho Phong trào Đông Du, chắc hẳn ông đã biết tên tuổi KNH Cường Để - người đứng đầu Phong trào Đông Du lúc ấy, nhưng cho đến nay chưa tìm được tư liệu để xác minh điều đó. Qua hồi ký của những người hoạt động chính trị đồng thời chúng ta có thể biết được thông tin đầu tiên về mối quan hệ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với KNH Cường Để diễn ra vào khoảng những năm 1931-1933. Sự kiện ấy GSTS Vĩnh Sính đã đề cập ở trên, tôi xin dẫn lại đầy đủ đoạn tư liệu trong hồi ký Năm mươi Năm cách mạng hải ngoại của Hoàng Nam Hùng sau đây:
Chúng tôi ở Quảng Châu nghe tin người Anh lên án Nguyễn Ái Quốc một cách bất công, lập tức anh em vận động phương tiện báo chí Trung Hoa để cực lực phản đối trước dư luận quốc tế. Liền đó ban chấp hành Trung-Ương gửi giác thư cho Chính-Phủ Anh-Cát-Lợi để phản kháng về hành động của họ.
Những tin đó làm sôi nổi dư luận quốc tế, nên chính phủ Anh-Cát-Lợi đã đòi bản án cũ bị hủy bỏ, và ra lệnh cho nhà cầm quyền Hướng-Cảng bãi bỏ dự định trao Ông Nguyễn-Ái-Quốc cho người Pháp, nhưng chỉ áp dụng biện pháp trục xuất mà thôi. Nhờ có như thế Ông Nguyễn-Ái-Quốc được nằm lại điều trị ở Bệnh-Viện Hương Cảng thêm một thời gian ba tháng nữa.
Ông có biên thư cho tôi để gửi lời cảm ơn sự tranh đấu của Việt Nam Quốc-Dân Cách-Mệnh-Đảng và yêu cầu tôi nhận tiện chuyến đi sang Nhật sắp tới nói với cụ Cường-Để, xin cụ đề nghị với Chính-Phủ Thiên-Hoàng cho phép ông được cư trú trên đất Nhật. Tôi viết thư nhận lời”[27].
Sau đó ông Hoàng Nam Hùng sang Nhật, gặp KNH Cường Để, tác giả viết tiếp:
Nhân nhớ đến lời ông Nguyễn-Ái-Quốc trước đây có nhờ tôi chuyển đệ lên cụ Cường Để, để xin với Chính-Phủ Nhật cho ông đợc tạm thời cư trú ở đây.
Cụ Cường-Để có đem nguyện vọng này trình lên Chính-Phủ Nhật. Nhưng ít lâu sau phúc thư của họ trả lời là nhà đương cục Nhật, không thể nào chấp thuận cho một nhân vật cộng-sản vào trên đất của họ được” [28].
 Được biết Hoàng Nam Hùng về sau theo quân đội Tưởng Giới Thạch đem quân về cộng tác với Pháp chống phá cuộc kháng chiến chống Pháp của Cách mạng Việt Nam, gây cho Cách mạng Việt Nam bao nhiêu khó khăn, hơn nữa ông lại viết cuốn hồi ký Năm mươi Năm cách mạng hải ngoại  vào thịnh thời của chế độ Ngô Đình Diệm nên những thông tin ông viết về Nguyễn Ái Quốc ta cần biết nhưng không dám tin hoàn toàn. Sở dĩ tôi trích lại ở trên để làm một cầu nối cho những thông tin chính xác sau đây.
Theo sách Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Nxb Chính trị Quốc Gia-Bảo tàng Hồ Chí Minh, HN. 2004) thì:
 “Ngày 6.6. 1931, Cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt Nguyễn Ái Quốc cùng đồng chí Lý Sâm ở số nhà 186 đường Tam Lung, Cửu Long, mà không có lệnh[29].
Ngày 20.8.1931, Toà án tối cao Hồng Kông xét xử Nguyễn Ái Quốc (phiên toà thứ tư), Toà tuyên án  tha bổng Lý Sâm. Thống đốc Hồng Kông ra lệnh trục xuất Nguyễn Ái Quốc đi bằng tàu biển Général Metzinger đi Sài Gòn ngày 1.9.1931 thay cho tàu Alger[30].
“Trước ngày 28.8.1931, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Thái tử (sic) Cường Để ở Nhật Bản nhờ Lý Sâm chuyển khi cô được tự do rời Hồng Kông”[31].
Không rõ nội dung lá thư gởi cho KNH Cường Để, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết những gì[32] và cũng không thấy KNH ghi lại trong hồi ký của mình. Nhưng 3 tháng 20 ngày sau, vào “Ngày 17.12.1931, Thái tử (sic) Cường Để từ Nhật Bản viết thư và gởi tiền cho Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc ốm nặng[33].
Nhưng không may “Bức thư trên đây của Thái tử Cường Để gửi Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã rơi vào tay chính quyền Pháp. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Pasquier lập tức cho điều tra về Cường Để và vô cùng phẫn nộ khi biết rằng ngoài bức thư nầy, Cường Để còn có quan hệ với ông Irukai, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp điện cho Đại sứ Pháp ở Nhật Bản yêu cầu tiến hành điều tra tất cả những thông tin chính xác về nhà riêng, lối sống, quan hệ và hoạt động của cường Để ở Nhật Bản”.[34]
Nguyên văn bức thư bằng chữ Hán được mật thám Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã sưu tầm được và lưu trữ tại tại Bảo tàng có nội dung như sau:
17 décembre 1931.
Au Camarade NGUYEN AI QUOC,
J’ai appris à l’instant que vous êtes gravement malade à Hongkong et cette nouvelle m’inquiète beaucoup.
Je me permets de vous envoyer ci-joint 300 yens pour vos frais médicaux. Soignez-vous bien; il le faut pour la cause de la Patrie.
Meilleurs voeux de prompte guérison.                                                                            
 Phuc Dan
P.C.C.                                                                           
Bản dịch Việt ngữ:
Ngày 17-12-1931
Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm tôi vô cùng lo lắng.
Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 Yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh. Điều đó cần cho sự nghiệp của Tổ Quốc.
Chúc đồng chí sớm bình phục. 
Phúc Dân
P.C.C.” [35].                                                    
Chúng ta biết rằng đến tháng 28. 8.1931 (ngày NAQ gởi thư cho KNH Cường Để), Đảng Cộng Sản Đông Dương đã được thành lập trên một năm rưỡi, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho KNH chứng tỏ lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc và KNH rất gần nhau; lúc đó NAQ đang ở trong tù, bị kiết lỵ và có dấu hiệu lao phổi cần tiền để chữa trị được KNH gởi tiền (dù không đến) nhưng cũng rất có ý nghĩa. Qua bức thư chúng ta thấy KNH rất qúy trọng Nguyễn Ái Quốc. Ông xem sức khoẻ của Nguyễn Ái Quốc “cần cho sự nghiệp của Tổ Quốc”. Đó là một  ý tưởng chính xác, đúng đắn, chân tình không có gì có thể hơn thế được.   
4. Kỳ ngoại hầu Cường Để “Ngày về”
KNH Cường Để qua đời 6.4.1951 tại Tokyo, thọ 69 tuổi, thi hài được thiêu ở Nhật Bản. Đài Phát thanh Pháp Á đưa tin ấy, tướng Tư lệnh Liên khu IV biết được và báo cho gia đình của “bà Hầu” và các con bà đang dạy học ở Thanh Hoá và Nghệ An biết. Sau đó gia đình “bà Hầu” gồm có ông con trai trưởng Tráng Liệt, ông con trai thứ Tráng Cử được tướng Nguyễn Sơn bí mật cho về Hà Nội. Ông Bảo Đại đứng đầu “Chính phủ quốc gia” hay tin cho tàu bay ra Hà Nội rước gia đình “bà Hầu” về Huế.
Sau năm 1954, ông Ngô Đình Diệm - một Đệ tử của KNH từ năm 1943, được làm Thủ tướng ở Sài Gòn, can thiệp với Chính phủ Nhật để ông Phạm Công Tắc và các ông Tráng Liệt, Tráng Cử sang Nhật rước di cốt và một số tài liệu về các hoạt động cách mạng của KNH Cường Để ở Nhật về Việt Nam. Những năm cuối đời KNH Cường Để có giao thiệp và nhận sự giúp đỡ của ông Phạm Công Tắc - người đứng đầu Giáo phái Cao Đài ở Tây Ninh, có di chúc để di cốt còn lại cho Đạo Cao Đài. Vì thế, khi đoàn rước di cốt của KNH từ Nhật về thi đi thằng lên Thánh Thất Cao Đài ở Tây Ninh. Đạo Cao Đài rước di cốt KNH vào cửa chính của Toà Thánh - cửa chỉ dành cho Giáo chủ Phạm Công Tắc. Sau đó họ xây một Báo Quốc Từ để phụng thờ di cốt của KNH Cường Để.
Đến năm 1957, sau khi được Mỹ ủng hộ bày trò trưng cầu dân ý truất phế được Quốc trưởng Bảo Đại, thế lực của ông Ngô Đình Diệm và gia đình ông trở nên vững chắc. Mười bảy tướng lãnh do Pháp để lại thề trung thành với ông. Ông nghĩ đến việc triệt hạ các thế lực có xu hướng đối lập, triệt hạ các giáo phái, trong đó có giáo phái Cao Đài, để nắm trọn quyền cai trị miền Nam Việt Nam. Ông buộc hai người con của KNH Cường Để phải vào Tây Ninh yêu cầu Phạm Công Tắc trả lại di cốt của KNH để đem về Huế. Ông Phạm Công Tắc phải thực hiện yêu cầu của gia đình KNH. Sau đó ông Phạm biết sẽ bị hại nên ông lánh qua sống lưu vong ở Că-pu-chia luôn.
Hôm làm lễ rước di cốt KNH về Huế, ông Ngô Đình Diệm đến viếng và nghiêng mình trước di ảnh và di cốt của ngưới quá cố.


Ông Ngô Đình Diệm nghiêng mình trước di cốt và di ảnh KNH Cường Để . Ảnh TL do NĐX sưu tập
Di ảnh và di cốt KHN Cường Để rước về Huế và được thờ tại nhà ông con trưởng Tráng Liệt (gần cầu Kho Rèn). Thờ như thế mãi thấy không tiện, các con ông bèn rước vô gởi tại chùa Kim Quang ở Tân Lăng của gia đình vua Thành Thái do ông Bảo Hiền (cháu nội vua Thành Thái) quản lý trong vòng 3 năm. Gởi tại chùa cũng không yên, các con cháu lại rước lên gởi tại khu nhà thờ và lăng mộ cụ Phan Bội Châu trên đỉnh dốc Bến Ngự. Năm 1965, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, gia đình và họ hàng của KNH Cường Để xin chính quyền đưa bình tro cốt của KNH lên táng ở một ngọn đồi phía sau thuộc khu vực sinh phần Ngô Đình Cẩn cũ ở ấp Ngũ Tây xã Thủy An. Lúc bấy giờ con cháu của KNH rất khó khăn về kinh tế, nên mộ của ông chỉ là một nắm đất đơn sơ như nấm mộ của một kẻ vô danh qua đường. Trước và sau ngày thống nhất đất nước (1975), người ta ít có dịp nhắc đến tên KNH Cường Để. Cho mãi đến mươi năm gần đây, nhiều du khách Nhật Bản đến Huế tìm thăm những nơi KNH đã sống qua, tìm hiểu về dòng họ và mộ phần của ông, giới nghiên cứu và các hướng dẫn viên du lịch mới quan tâm nghiên cứu tìm hiểu về ông.
Số người Nhật tha thiết với KNH rất đông, có nhiều người già từng chung sống với KNH ở Tokyo, tôi không còn nhớ tên những người ấy. Riêng ông Võ Văn Oanh (cháu rể KNH) cũng đã hướng dẫn cho nhiều người và ông còn nhớ các ông Nakamura Takumi, Fukunaga Hideo. Một người Nhật lớn tuổi, am hiểu lịch sử đấu tranh yêu nước Việt Nam, hiểu rõ mối quan hệ giữa KNH và ông Ngô Đinh Diệm, đứng trước nấm mộ đất của KNH, ông đã rưng rưng nước mắt và nói với giọng phẫn nộ:


Một người Nhật kính cẩn trước ngôi mộ đất KNH Cường Để. Ảnh PTA, 2002
-“Người của chế độ hiện nay, họ ít có quan hệ với Kỳ ngoại hầu. Họ không biết và không chú ý chăm sóc mộ phần của ông là chuyện dễ hiểu. Nhưng tại sao ông Ngô Đình Diệm trước đây là một đồ đệ của KNH, ông làm Tổng thống ở miền Nam, đích thân ông Diệm can thiệp với Chính phủ Nhật để xin đưa tro cốt KNH còn giữ ở Nhật về Việt Nam. Tại sao ông Diệm lại không lo cho KNH được một cái lăng mà để mặc cho ông với một nắm đất như thế nầy ?”
 Nghe một người ngoại quốc phê phán như thế tôi thấy xót xa. Nhưng rất tiếc tôi không được tiếp người khách Nhật ấy. Nếu được nghe trực tiếp câu hỏi ấy tôi sẽ giải thích cho ông ta hiểu sự thực như thế nào. Ông Diệm là một người có nhiều âm mưu chính trị. Lúc đầu ông có tinh thần chống Pháp vì Pháp tin tưởng thượng thư Phạm Quỳnh hơn ông. Ông muốn dựa vào Nhật để đương đầu Pháp. Chỗ dựa tốt nhất của ông là KNH Cường Để - một “lãnh tụ chống Pháp” đã ở bên Nhật từ đầu thế kỷ XX, có uy tín với chính giới Nhật. Nếu năm 1945, Nhật dùng ông Cường Để đứng đầu chính phủ Việt Nam thân Nhật thì có lẽ ông Ngô Đình Diệm đã được mời làm thủ tướng rồi. Nhưng không ngờ KNH Cường Để chỉ có uy tín với một số chính khách Nhật, còn đối với Chính phủ quân phiệt Nhật thì vua Bảo Đại có giá hơn. KNH Cường Để không được Nhật dùng, ông Diệm trở thành “món hàng tồn kho”. Không được cộng tác với Nhật ông Diệm rất tiếc. Sau đó Nhật bại trận, ông Diệm được kẻ thù của Nhật là Mỹ ủng hộ hết mình (1957), bấy giờ ông Diệm cần gì đến vai trò của Nhật nữa ! Do đó tình nghĩa của ông Diệm đối với thầy Cường Để cũng chỉ đến thế thôi (1957). Không những đối với ông Cường Để như thế, đối với nhiều đồng chí đồng sự khác của ông Diệm “thời hàn vi”, sau nầy ông cũng không có chính sách gì khác hơn.
Lại có một người Nhật khác, không rõ họ theo tín ngưỡng gì mà khi đến viếng nấm mộ đất của KNH lại có một cử chỉ khác thường. Ông ta thắp hương khấn vái hương hồn người quá vãng rồi đặt một cái máy gì đó bằng bàn tay lên nấm mộ, miệng  niệm thần chú rồi bảo những người Nhật và Việt Nam có mặt hôm đó rằng:
-“Ngài nói: Các con đến thăm quê hương của Ngài là tốt lắm rồi. Còn chuyện xây dựng lăng mộ của Ngài chưa cần thiết lắm ! Hãy lo cho dân đủ ăn đủ mặt sung sướng đã !”
Hành vi có vẽ mê tín nhưng tất cả những người chứng kiến hôm ấy đều tin một cách chân thành. Dù sao đó cũng là một vài trong những biểu hiện của lòng người Nhật đối với một Hoàng thân yêu nước Việt Nam.    
Mới đây các cháu nội ngoại ở trong và ngoài nước đóng góp tiền bạc xây lăng cho KNH. Công trình vừa hoàn thành vào đầu năm 2005 nầy..


Bia mộ KNH Cường Để tại ấp Ngũ Tây, xã Thủy An. Ảnh NĐX
Tấm bia dựng trong khám bia trước mộ khắc dòng chữ Hán khiêm tốn “Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chi chi mộ’’ . Từ đó đến nay, nhiều đoàn khách Nhật đã đến viếng và họ xem đây là một trong những biểu tượng cụ thể vế lịch sử giao lưu văn hoá giữa Huế-Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều cuộc vận động ngầm đang được thực hiện để phát huy sự kiện lịch sử ấy.     
5. Những thông tin đã biết và còn tiếp tục tìm hiểu
5. 1. Một vài nét về dòng họ:
KNH là hậu duệ của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (sinh năm 1780, con trai cả của vua Gia Long). Năm lên 4 tuổi (1784) Hoàng tử theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Sau về được lập Đông cung Hoàng Thái tử, chức Nguyên súy, giữ thành Gia Định, rồi ra giữ thành Diên Khánh đương đầu với Tây Sơn. Năm 22 tuổi Hoàng Thái tử bi đậu mùa, mất tại Gia Định (20. 3.1801), để lại hai người vợ và hai người con là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Đời Minh Mạng, nhà vua triệt hạ dòng đích, vu cho con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh là Mỹ Đường phạm tội loạn luân, cách hết chức tước và giáng xuống làm dân đinh, con cháu chỉ được chép vào sau tôn phổ. Mỹ Thùy mất sớm nên không bị tội. Đến đời vua Thiệu Trị (Tự Đức ?), Mỹ Đường được giải tội phục hồi lại chức tước và cho bổng lộc để phụng thờ Hoàng tử Cảnh (Phủ Tăng Duệ). Bài Phiên hệ thi vua Minh Mạng dành cho con cháu của Hoàng tử Cảnh như sau:
Mỹ Duệ (Lệ) Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Lệnh Nghi Tàm Tốn Thuận
Vị Vọng Biểu Khôn Quang
Theo Tôn phổ Đệ nhất chánh hệ, Mỹ Đường (đời thứ hai, còn có tên là Đán, tước Ứng Hoà Công) sinh ra Duệ (Lệ) Chung (đời thứ ba, thời Tự Đức được phong Cảm Hoá Quận Công), Duệ (Lệ) Chung sinh ra Tăng Du (đời thứ tư, tước Công), Quận Công Tăng Du sinh ra Cường Để (đời thứ năm, tước Kỳ Ngoại Hầu), Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sinh ra Tráng Liệt (đời thứ sáu), Tráng Liệt sinh ra Liên Á (đời thứ bảy), con của Liên Á hiện nay là Huy….thuộc đời thứ tám. Nhắc đến lý lịch của KNH Cường Để có mấy việc liên quan đến thân sinh ông ít khi được biết đến:
a. Sau khi được vua Tự Đức phục hồi, thân sinh ông là Quận Công Tăng Du được phong tước Công, nhờ thế mà Cường Để được phong tước Hầu[36];
b. Theo tài liệu lưu trữ của Pháp, sau khi vua Đồng Khánh mất (1889), ông Bửu Lân, ông Tăng Du (thân sinh của KNH Cường Để) - thuộc dòng đích của vua Gia Long và Cựu hoàng Hàm Nghi (đang bị lưu đày ở Algérie) có tên trong danh sách 3 người được bàn chọn lên nối ngôi. Nhưng có lẽ vì Bửu Lân - con vua Dục Đức có người dượng là ông Diệp Văn Cương (chồng bà Thiện Niệm, em vua Dục Đức) làm việc với Pháp và Nam triều, tranh thủ được sự ủng hộ của hai bên nên đã được chọn làm vua (tức vua Thành Thái), ông Tăng Du đã chèo đò qua sông rồi đành phải trở lại với tước Công như cũ;
c. Khi rời tổ quốc lên đường sang Nhật cầu viện để chống Pháp, KNH Cường Để biết mình sẽ bị kết án “làm giặc” nên đã hốt hài cốt của cụ thân sinh Tăng Du mang theo đề phòng quan quân nhà Nguyễn đào bới để trả thù. Vì thế mà nay họ hàng không biết hài cốt của cụ Tăng Du  toạ lạc nơi nào (?).
5.2. Gia đình tại Huế.-. Trước khi xuất dương (1906), Kỳ ngoại hầu Cường Để đã có vợ là bà Lê Thị Trân (1883-1956), người làng Dưỡng Mong thượng[37]. Ông bà có 3 người con là Tôn nữ thị Hảo, Tráng Liệt, Tráng Cử (đều đã qua đời). Sau khi chồng xuất dương hoạt động cứu nước, bà Cường Để (thường gọi là Bà Hầu) và các con bị tù 14 năm ở nhà lao Hộ Thành. Ra tù bà dựa vào sự giúp đỡ của gia đình mẹ (một bà chúa con vua Thiệu Trị ở Dưỡng Mong) và những người yêu nước các nơi, tảo tần nuôi con. Các con bà mang tiếng có “cha làm giặc” phải trốn tránh học hành và trở thành các nhà giáo có uy tín ở Huế. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, bà theo gia đình các con ra vùng tự do Thanh Hoá - Nghệ An dạy học. Đến năm 1951, tướng Nguyễn Sơn bí mật cho bà đem các con về thành. Năm 1956, bà qua đời trong hiu quạnh. Vì nhớ đến mối quan hệ của KNH Cường Để với cụ Phan Bội Châu và quý mến sự thủy chung của bà, những người có trách nhiệm quản lý khu Nghĩa địa Phan Bội Châu trước Đàn Nam Giao đồng ý cho táng bà bên cạnh mộ nhà yêu nước cách mạng Nguyễn Chí Diễu. Ngôi mộ của bà Phu nhân Cường Để vừa được cháu nội gái là Tôn nữ Thạch Hà xây dựng khá bền vững.
         
            
            Bia mộ Kỳ ngoại hầu Cường Để phu nhân tại Nghĩa địa Phan Bội Châu. Ảnh NĐX
5.3. Gia đình bên Nhật Bản.
Trong “hồ sơ” của Kỳ ngoại hầu Cường Để có một tấm ảnh với lời ghi chú “Gia đình Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Nhật Bản”. Người trong ảnh: KNH Cường Để mặc véc-tông, cầm quạt ngồi giữa. Bên trái một người đàn bà Nhật trẻ, bên phải một cậu bé chừng 4 tuổi và một người đàn bà Nhật đứng tuổi; hàng đứng phía sau: Một người đàn bà Nhật còn trẻ bế con nhỏ, hai bên phải trái hai trung niên mặc véc-tông. Nhưng không có một thông tin nào nói những người cùng chụp hình chung nầy có quan hệ với KNH như thế nào. Nếu đó là vợ, con, dâu rể của ông ở Nhật thì tại sao từ sau khi ông qua đời không ai báo cho gia đình họ hàng ông tại Huế biết  ? Từ sau 1975 đến nay nhiều người từng hoạt động với ông hoặc từng quý mến ông đã tìm về Huế, những người có mặt trong tấm ảnh quý ấy không thấy ai về Việt Nam cả ? Hay họ đã về mà tôi và nhiều người cháu nội[38] của ông không biết ? Rất mong những người biết cụ thể vấn đề nầy chỉ giáo cho. Xin cám ơn trước.   
                     
                 “Gia đình” Kỳ ngoại hầu Cường Để tại Nhật - Ảnh TL của NĐX
5.4. Việc thờ phụng KNH Cường Để tại Huế hiện nay
Hiện nay, ở Huế chưa có nhà thờ của KNH. Bàn thờ KNH chỉ được đặt tạm ở hai nơi sau đây:
5.4.1.Tại Phủ Tăng Duệ Hoàng Thái Tử Từ[39] (Phủ thờ Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh - con trai trưởng của vua Gia Long), tại 143 Hàn Mặc Tử, P.Vỹ Dạ. Bàn thờ KNH có bức ảnh KNH mặc triều phục, đội mũ cánh chuồng; phía dưới bên trái đặt ảnh ông Tráng Liệt (con trai trưởng của KNH) và bên trái có ảnh KNH Phu nhân (thường gọi là “bà Hầu”). Từ sau năm 1975, nhiều đoàn khách Nhật đã tìm đến đây;


Bàn thờ KNH Cường Để tại Phủ Tăng Duệ Hoàng Thái Tử P. Vỹ Dạ - Ảnh NĐX
5.4.2. Tại nhà số 9 Tân Lăng, P.An Cựu. (của gia đình ông Tráng Cử). Ngoài ảnh KNH mặc triều phục, còn có ảnh mặc véc-tông đã in trên sách Cuộc đời cách mạng Cường Để và được phổ biến lâu nay. Phía dưới có ảnh con trai và dâu (ông Tráng Cử  với người vợ đầu), dưới nữa có ảnh các cháu đã qua đời. Ngôi nhà có bàn thờ KNH nầy là loại nhà cấp 4 đơn sơ nhưng việc thờ tự hương khói hằng ngày rất ấm cúng.

Bàn thờ KNH Cường Để tại 9 Tân Lăng - Ảnh NĐX
Được biết tại nhà ông Liên Á (cháu đích tôn của KNH) tại Gò Vấp TP HCM, cũng đặ tbàn thờ KNH nhưng tôi chưa có dịp đến thăm.
Lời kết
KNH Cường Để là cháu năm đời của Hoàng tử Cảnh. Hoàng tử Cảnh mang tiếng theo đạo Thiên Chúa và theo Pháp nhưng KNH lại có ý chí chống Pháp suốt cả cuộc đời. Ông đi làm cách mạng khiến cho gia đình thân thuộc của ông ở Việt Nam phải gánh chịu bao nỗi điêu linh, ít người được đi học, phần lớn phải làm ruộng, làm thợ, tay lấm chân bùn mà sống. Đặc biệt, sau khi ông ra đi vợ và ba người con của ông phải chịu cảnh tù đày ở nhà lao Hộ Thành suốt 14 năm. Biết thế ông vẫn không nao núng, vẫn đi theo con đường hoạt động chống Pháp đến cùng. Sau 30 năm xa nhà, có lần ông gởi về cho vợ con 4 câu thơ sau:
Long đong đời bố vì trăm họ
Khổ cực đàn con mấy mươi năm
Việc cũ ngày xanh thôi chớ nói
Cố tâm gắng sức để vuông tròn[40]
Việc chống ngoại xâm phương Tây hồi nửa thế kỷ XX, không một nước nào có thể tự mình “độc lập tác chiến” được. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của ngoại bang thì mình phải chủ động và sáng suốt chọn “bạn”. KNH Cường Để vừa thiếu thông tin, vừa quá gần gũi với Nhật nên ông không thấy được trong Thế chiến II - Nhật là một nước trong phe Trục - kẻ thù của nhân loại. Tuy sự tin tưởng “lòng tốt của Nhật” của ông lúc ấy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng đã đủ làm lu mờ mấy mươi năm phấn đấu cách mạng hồi đầu thế kỷ XX của ông. Chuyện KNH Cường Để thân Nhật, lịch sử đã viết nhiều và chính ông cũng đã nói rõ trong Cuộc đời Cách mạng Cường Để, và chắc chắn còn phải nghiên cứu tiếp nữa mới mong có được một nhận định khách quan. Song, tôi có thể khẳng định:
Từ lúc được cụ Phan Bội Châu mời làm Hội chủ Duy Tân Hội (1903) cho đến lúc ông gởi thư và tiền cho Đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (cuối năm 1931), KNH Cường Để là một lãnh tụ chống thực dân Pháp thực sự. Với thành tích gần 30 năm giúp đỡ giáo dục bồi-dưỡng nhân tài, làm cách mạng, che chở giúp đỡ cho những người làm cách mạng lúc khó khăn, tổ chức trừng trị những tên làm tay sai cho địch phản bội cách mạng…tên ông đáng được tô đậm trong trong lịch sử Việt Nam ba thập niên đầu thế kỷ XX.
                                                                                                       Huế, tháng 9/2005,
Nguyễn Đắc Xuân
Sách tham khảo
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933, Nxb Chính Trị Quốc Gia, HN.2004
Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hoá, Huế 1995
Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1975t.1, Tiên Rồng xb 2004, MD USA
Nguyễn Huyền AnhViệt Nam Danh Nhân Từ Điển, Khai Trí, SG 1972
Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá ThếTừ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn Hoá, HN.1999; 
Phan Bội Châu,  Ngục Trung Thư  Bản dịch của Đào Trinh Nhất, Tổng hội Sinh viên Huế ấn hành, Huế 1974
Phan Bội Châu toàn tập, tập VI, Nxb Thuận Hoa 1990
Tùng Lâm ( Matsu Bayashi), Cuộc đời cách mạng Cường Để, do Tráng Liệt xuất bản, SG 1957
Vĩnh SínhViệt Nam và Nhật bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Học và TTNCQH, HN. 2001
Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn1884-1945tập 2 và 3, Văn Hoá, (Houston, USA).2000 
Tài liệu điền dã hỏi chuyện các ông:
Bảo Hiền, người giữ gìn và mai táng hài cốt KNH Cường Để, lăng Dục Đức
Liên Hương (con Tráng Cử, cháu nội KBH Cường Để),  TP HCM
Liên Mai (con Tráng Cử, cháu nội KBH Cường Để), lăng Dục Đức
Thích Chơn Kim, (con ông Tráng Đinh), chùa Đơn Dương, Lâm Đồng,
Tráng Chữ, người giữ Phủ Tăng Duệ, P. Vỹ Dạ Huế
Võ Văn Oanh (chồng bà Tôn nữ Thạch hà-cháu nội KNH Cường Để)

[*] Tham luận HTKH “Việt Nam - 100 năm Phong trào Đông Du và hợp tác Việt Nhật để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Huế”, 27-29 tháng 9 năm  2005
[1] Như Tự Phán (Phan Bội Châu Niên Biểu) của Phan Bội Châu,  Cuộc đời cách mạng Cường Để của Cường Để
[2] Sau ngày vua Hàm Nghi bi bắt, Phong trào Cần Vương cử hai Hồ Quý Châu và Nguyễn Thụ Nam vào gặp KNH Cường Để thăm ằo để mời KNH nắm ngọn cờ Cần Vương tiếp tục sự nghiệp của vua Hàm Nghi, nhưng hai ông mất sớm nên việc không thành
[3] Phan Bội Châu,  Ngục Trung Thư  Bản dịch của Đào Trinh Nhất, Tổng hội Sinh viên Huế ấn hành, Huế 1974
[4] Cuộc đời cách mạng Cường Để, tr.24 
[5] Phan Bá Ngọc. con trai cụ Phan Đình Phùng, theo Phong trào ông Du sang Nhật học (7.8.1906) rồi sang Tàu học thành tài, sau nghe theo Lê Dư làm mật thám cho Pháp dụ dỗ các nhà yêu nước trở về cộng tác với Pháp.
[6] Có lẽ là một biệt hiệu. Chúng tôi không thấy tài liệu nào khác nhắc nhở đến tên của nhân vật này. Mong các bậc thức giả chỉ giáo (Vĩnh Sính).
[7] Có lẽ là một biệt hiệu. Chúng tôi không thấy tài liệu nào khác nhắc nhở đến tên của nhân vật này. Mong các bậc thức giả chỉ giáo.
[8] Theo tiểu sử của Lê Hồng Phong (anh em chú bác của Lê Quốc Vọng) trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb Khoa học Xã hội, 1992, trang 345) do Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn, Lê Hồng Phong sinh ở “thôn Đông Thông”. Tên Đông Thôn (thôn Đông) nghe có vẻ đúng hơn.
[9] Đúng ra là “Trương Vân Lĩnh”. Phần chữ Hán trong tài liệu này và các tài liệu mà chúng tôi có dịp xem cũng điều ghi là Trương Vân Lĩnh.
[10] Tên chính thức là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”.
[11] Có khi phiên âm là Shantou (VS)
[12] Phải chăng đây là Lý Phương Thuận, người cùng Lý Phương Đức, v.v... lo việc cứu thương và tiếp tế trong cuộc đấu tranh của những thành viên trong Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội nhằm trợ giúp Cách mạng Trung Quốc khi cuộc khởi nghĩa “Quảng Châu Công xã” bùng nổ vào cuối năm 1927? (Xem Thanh Đạm, Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, nxb Nghệ An và nxb Trẻ, 1998, trang 147)
[13] Hoàng thân Cường Để là cháu năm đời vua Gia Long, dòng dõi của Đông cung thái tử Cảnh (con trưởng của vị vua này). Ông được Phan Bội Châu và những người lãnh đạo khác trong Duy Tân Hội như Nguyễn Thành và Đặng Thái Thân tôn làm hội chủ (1903) để có “danh chánh ngôn thuận” trong vận động chống Pháp. Danh từ “prétendant au Trône” có lẽ không diễn tả đúng mức thái độ chính trị của Hoàng thân Cường Để (VS).
[14] Nguyên văn tiếng Nhât là “mui toshuku” (vô - vi đồ - thực)
[15] Tự tay; chính tay minh
[16] Xem Cuộc đời cách mạng Cường Để (Sài Gòn, không để tên nhà xuất bản, 1957), trang 127
[17]Có nghĩa là không hoạt động chính trị
[18] Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924 - 1927) (HàNội: Nxb Chính trị Quốc gia, 1998), trang 196
[19] Như trên, trang 57 - 58
[20] Lê Thiết Hùng, “Mãi mãi nhớ ơn Người” trong Đầu nguồn (nxb Văn học, 1975), trang  274 - 297
[21] Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924 - 1927), tr.189
[22] Lê Thiết Hùng, Sđd., tr. 287 - 288
[23] Hoàng Nam Hùng, Năm mươi năm cách mạng ở hải ngoại - Hồi ký (Phạm Giật Đức biên soạn). Sài Gòn: Ấn quán Hồng Phát, không có tên nxb, 1959, trang 159.
[24] Như trên, trang 172
[25] Về mối liên hệ giữa Hoàng  thân Cường Để với Phạm Hồng Thái trong vụ mưu sát Toàn quyền Merlin, xem bài “Tư liệu mới về Phạm Hồng Thái” trong tập Việt Nam và Nhật bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Học và TTNCQH, HN. 2001; về dây liên hệ giữa Hoàng Thân Cường Để với Tản Anh, xem Phan Bội Châu niên biểu
[26] Toàn bộ mục KNH Cường Để với các nhà cách mạng VIỆT NAM trích của GSTS Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Học và TTNC QH, HN. 2001, từ  tr.259 đến 270
[27] Hoàng Nam Hùng  Năm mươi năm cách mạng hải ngoại, Phạm Giật Đức biên soạn, Sài Gòn 1960, tr.159                                                           
[28] Hoàng Nam Hùng, Sđd, tr.172 
[29] Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933,(Tư liệu và hình ảnh), Nxb Chính Trị Quốc Gia -Bảo tàng Hồ Chí Minh, HN.2004, HN. 2004, tr, 279
[30] Như  trên
[31] Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933, Sđd,  tr. 281.
[32] Theo ông Liên Hương -cháu nội KNH Cường Để có nhiều dịp sang Nhật tìm lại dấu vết của ông nội mình trên đất Nhật cho biết Nguyễn Ái Quốc lúc đó nhờ KNH xin chính phủ Nhật cho ông qua Nhật chữa bệnh.
[33] Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933, Sđd,  tr. 281
[34] Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933,   Sđd., tr. 171.
[35] Vụ án Nguyễn Ái Quốc Ở Hồng Kông 1931-1933, Sđd, tr. 170-171
[36] Kỳ Ngoại Hầu là tước phong thời Nguyễn dùng để phong cho người trong tôn thất, có từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839). Là bậc thứ 4 trong tước Hầu, bậc thứ 9 trong 20 bậc của tôn tước, ban trật Chánh tứ phẩm (1-4).
[37] Bà là cháu ngoại vua Thiệu Trị, em bạn dì với Hoà thượng Thích Tịnh Khiết - Trụ trì chùa Tường Vân (Huế), Tăng thống Phật giáo VNTN từ  sau năm 1964.
[38] Ông Liên Hương-cháu nội của KNH khẳng định rằng tất cả những người có mặt trong tấm hình trên là những người mến mộ Hầu chứ không hề có một liên hệ tình cảm hay huyết thống nào. 
[39] Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh có tên thụy là Anh Duệ. Năm 1806 lập nhà thờ ở ấp Bình Lục huyện Phú Vang có tên là Anh Duệ Hoàng Thái Tử Từ. Về sau vì kiên chữ Anh (tên vua Gia Long Nguyễn Phúc Anh) nên đổi thành Tăng Duệ Hoàng Thái Tử Từ và tồn tại cho đến ngày nay. 
[40] Theo hồi ức của ông Liên Hương

http://gactholoc.net/c9/t9-47/ky-ngoai-hau-cuong-de-voi-phong-trao-dong-du.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.