Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/01/2015

Bầy chó đá

Nhiều làng Việt vẫn có tục đặt chó đá ở trước cổng nhà. Với ý như là lính canh. Tư rằm mồng một hay có dịp gì đó thì thắp hương trước những con chó đá như vậy. Có khi có luôn bát hương ở trước mặt chó.



Nên có thể xem chó ấy như là thần giữ cửa. Gọi là thần chó chắc cũng được.

Trích nguyên văn:

"Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết tục thờ chó đá đã có từ lâu. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng."

Dưới là lưu một ít tư liệu của VnEx (đoạn trích trên nằm ở bài dưới).

---
Chủ nhật, 24/8/2014 | 06:00 GMT+7
Chó đá canh cổng cầu phúc, trừ tà

Với ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, xua đuổi tà ma khi canh cổng, chó đá được người Việt ở mỗi vùng thờ theo những cách khác nhau.

IMG-1623.jpg
Người làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) coi những con chó đá như thần. Theo truyền thuyết, con chó đá lớn nhất này là người em quan quận công bị chết oan, trôi trên sông đến làng Địch Vĩ thì được dân làng rước vào thờ cúng và gọi là quan lớn Hoàng Thạch.
IMG-1643.jpg
Dưới chân quan lớn Hoàng Thạch là những con chó đá nhỏ hơn, biểu thị cho quân tướng.
IMG-1670.jpg
Chó đá ở đình Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) được đặt trên bệ thờ, coi như thần cẩu coi đình, giữ yên giấc cho 4 vị thành hoàng được thờ.
IMG-1752.jpg
Trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ) là đôi chó đá đứng canh cổng. Theo ông Toàn, người trông giữ tại đây thì phủ vốn có tổng cộng 6 con: 2 con canh đằng trước, 2 con đằng sau, 2 con ở bên hông. Qua thời gian, đôi chó đá ở bên hông phủ không còn. Phủ thiêng nên trộm cắp cũng không dám bén mảng đến.
IMG-1749.jpg
Con chó đá được chôn chìm dưới đất, dáng vẻ hiền lành, trước mặt có bát hương thờ. Những con chó chôn để canh cổng nhà người dân thường có dáng nhỏ hơn chó canh cổng đền, đình.
IMG-1718.jpg
Đôi chó đá ở phía sau phủ to lớn, ngồi canh như ngăn chặn mọi tà ma, những điều xấu thâm nhập vào trong phủ.
IMG-1711.jpg
Chó được tạc từ đá xanh nguyên phiến, phủ màu rêu phong, đủ tai, mắt và những nếp nhăn ở mõm rất sinh động.
IMG-1713.jpg
Trước cổ chó đá được đeo lục lạc. Theo quan niệm của người xưa, chỉ những nhà quyền quý, làm quan, chó mới được dùng những đồ này.
IMG-1725.jpg
Chó đá được đặt bát hương thờ cúng.
1.jpg
Đôi chó đá canh trước Lăng Mẫu (Thọ Xuân, Thanh Hóa) có kích thước lớn bằng người thật. Ảnh: Nguyễn Nghi.
2.jpg
Chó đá nằm ngay ở lối vào lăng tướng công Nguyễn Văn Nghi (Đông Sơn, Thanh Hóa). Đi từ ngoài vào trong, nơi đây có hai dãy tượng đá, gồm chó đá to, sấu đá, voi, ngựa... Bên ngoài là đôi chó đá được đẽo gọt đơn giản. Ảnh: Nguyễn Nghi.
3.jpg
Chó đá canh trước cửa lăng Đoan Quận công Bùi Thế Đạt (Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Mạnh Cường.
Hoàng Phương
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-viet-xua-da-tho-cho-da-3035161-p2.html




Chủ nhật, 24/8/2014 | 06:00 GMT+7

Người Việt xưa đã thờ chó đá



Trong khi nhiều công sở, di tích đền chùa sử dụng linh vật ngoại lai để gác cửa thì ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. 


Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải ''nuôi'' chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ.
IMG-1695-2609-1408766048.jpg
Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Phương.
Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. 4 con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, con cháu họ Nguyễn Ngọc, cũng là người trông coi không biết những con chó đá này có từ bao giờ, chỉ biết thạch cẩu ngồi đây có ý nghĩa để canh gác cho phủ, giống như những con chó bình thường khác canh nhà cho người dân. "Chó đá có từ khi dựng phủ này vào thế kỷ 18, dòng họ Nguyễn Ngọc bao đời nay đều thờ cúng cẩn thận", ông Toàn cho hay.
Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) thờ chó đá như một vị thần và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. Con chó đá cao 1,4 m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó nhỏ. Quan lớn Hoàng Thạch ngự ở giữa làng, bên cạnh đình và chùa Địch Vĩ. Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn.
Những người cao tuổi nhất trong làng như ông Phạm Văn Toàn (84 tuổi) không biết con chó ở đó từ bao giờ. Chỉ biết trong tâm thức của người Địch Vĩ bao đời, con chó đá này chính là vị thần che chở, mang đến bình yên cho cả làng. "Có tiếng chó sủa thì ma quỷ không dám bén mảng tới nhà. Nuôi chó cũng chính là để đánh động cho người làng biết mỗi khi có giặc giã, trộm cướp", ông Toàn cho hay.
IMG-1633-5204-1408766048.jpg
Chó đá ở làng Địch Vĩ (Phương Đình, Đan Phượng) được đặt trên bệ thờ lớn ở cạnh đình. Ảnh: Hoàng Phương.
Chó đá đặt trong đình làng Phù Trung (Thượng Mỗ, Đan Phượng) lại được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu. Chó đá được đặt lên bệ thờ ở bên phải, vừa để trông coi đình, vừa được thờ cúng như một vị thần. Làng Phù Trung hình thành từ vài trăm năm nay, con chó đá trước được thờ ở gò đất đầu làng. Sau này gò bị phá, các cụ cao niên rước chó đá về đặt trong đình.
Ông Hà Văn Gia (82 tuổi), Trưởng ban di tích làng Phù Trung cho biết: "Mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị thành hoàng làng rồi sau đó là xướng đến thần cẩu. Nhiều đời nay, vị thần cẩu này cùng với các vị thành hoàng làng được dân thờ cúng cẩn thận, không dám lơ là".
Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn, các vùng quanh Hà Nội như Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Sau năm 1954, ở mé nam ngã tư Trung Hiền (phố Đại La tiếp giáp với Minh Khai (Hà Nội) ngày nay) có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá. Qua thời gian, chó đá không còn và tên cửa ô này chỉ tồn tại trong tâm trí rất ít người sống gần đó.
Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt, coi con chó như vật tổ truyền. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.
IMG-1652-4148-1408766048.jpg
Chó đá canh đình Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) được người dân coi là thần cẩu. Ảnh: Hoàng Phương.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng" ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa. Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh từng nhắc: "Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí".
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết tục thờ chó đá đã có từ lâu. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng.
Theo giáo sư Thịnh, chó đá, nghê đá là những con vật gần gũi với tâm linh người Việt, nên được dùng để thay thế sư tử ngoại lai trong một số đình, chùa hiện nay. "Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại. Sư tử chủ yếu được người Trung Quốc dùng để canh lăng mộ. Mang sư tử về trước cơ quan, đình, chùa là việc học đòi mà không hiểu gì về văn hóa", giáo sư Thịnh phân tích.
Hoàng Phương

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-viet-xua-da-tho-cho-da-3035161.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.