Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/11/2013

Báo của Bộ Quốc phòng (2007): Bích Hằng chỉ trúng phóc hài cốt có chiếc răng...sứt

Lần ngược lại, thì năm đó, người thân của liệt sĩ đã tìm được hài cốt có hàm răng bị sứt một chiếc. Số là, người chiến sĩ ấy trước kia được đồng đội gọi thân mật là "Tân sứt".

Chi tiết răng sứt của hài cốt, là do Bích Hằng chỉ ra trước khi đi tìm. Và bản thân số hiệu ngôi mộ chứa hàm răng sứt ấy, cũng do Bích Hằng hướng dẫn từ đầu.


Toàn văn bài báo đó như sau. Tuy nhiên, ở đây là "Nguyễn Bích Hằng", không biết có phải là lầm từ "Phan Thị Bích Hằng" ra, hay là hai người khác nhau ?



---
Lời hứa từ 30 năm trước

          Mùa xuân năm 1974, đại đội xe tăng của đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng sau chiến trận ở Khe Sanh, miền Tây Quảng Trị, bắt đầu hành quân vào chiến trường Quảng Ngãi. Chiến sự ác liệt, máu người lính xe tăng thấm đẫm đất Quảng Nam
Đại đội có anh chàng tân binh Lê Minh Tân người Quảng Nam, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trắng trẻo, thư sinh, công tử… Đoàn Sinh Hưởng liếc nhìn trích ngang lý lịch: Tốt nghiệp đại học Bách khoa, con một cán bộ cao cấp. Chẳng biết có đánh đấm gì được không, thôi được, tay này có trình độ, cử về bộ phận kỹ thuật xem sao… Tân về đơn vị, cuộc sống chiến trường chưa quen, cái gì cũng mới lạ, bỡ ngỡ, lại thêm chưa “dứt điểm” được cái tác phong công tử thị thành, nên đại đội trưởng phải thường xuyên giúp đỡ, bày vẽ từng li từng tí, từ cách tránh bom, tránh pháo đến cuộc sống hòa nhập với anh em đồng đội trong đơn vị…
Nhiều đêm, giữa cánh rừng già, đại đội trưởng và Lê Minh Tân nằm vắt vẻo trên tháp pháo chiếc T54 chỉ huy, ngước nhìn bầu trời ánh sao len qua kẽ lá…
Rồi một lần, Tân đi sửa chữa, cứu kéo một chiếc T54 bị hỏng thì dính bom tọa độ… Anh em trong đơn vị tiếc thương một chiến sĩ mới giỏi giang, tài hoa. Bàn tay Lê Minh Tân đã “cứu sống” không biết bao nhiêu chiếc tăng hùng dũng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng tổ chức anh em tìm kiếm được một ít ván gỗ cũ, tháo ra ghép lại thành chiếc quan tài đơn sơ… “Tân ơi, bây giờ bọn tớ còn bận chiến đấu. Nếu tớ còn sống, anh em còn sống nhất định sẽ quay lại đây đưa Tân về với ba má…”. Lời vĩnh biệt cũng là lời hứa với đồng đội hy sinh…
Chiến dịch mở màn, mùa khô năm 1975, đại đội xe tăng của Đoàn Sinh Hưởng hành quân tiến thẳng vào Buôn Ma Thuột, Đức Cơ, Gia Lai, đánh trận phủ đầu thắng lợi rồi tiến xuống giải phóng Tuy Hòa, Phú Yên, truy kích địch trên đường số 1. Toàn thắng.
Đất nước hòa bình, Đoàn Sinh Hưởng đã trở thành cán bộ cao cấp của quân đội, công việc liên miên. Lời hứa năm xưa với đồng đội vẫn luôn canh cánh trong lòng. Rất nhiều lần ông liên lạc với những đồng đội cũ cùng đơn vị ngày xưa đi tìm hài cốt Lê Minh Tân nhưng không có kết quả. Năm 2001, khi còn là Tư lệnh binh chủng Tăng - Thiết giáp, ông đã tổ chức đi tìm đồng đội. Địa hình xưa giờ đổi thay nhiều quá, với lại, không rõ hài cốt liệt sĩ Tân có được quy tập về nghĩa trang chưa, và đó là nghĩa trang nào? Ông đã đi khắp các nghĩa trang trong khu vực, lục tìm tài liệu hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan chức năng suốt mấy ngày mà không thấy… Bà con địa phương thấy một ông “lính già” lang thang hoài trong các nghĩa trang. Tay cầm bản đồ quân sự, ông cùng anh em trong đoàn băng rừng, lội suối lần mò từng mô đất, gốc cây, săm soi từng hố bom, hố đạn. Xúc động trước nghĩa tình đồng đội của những người lính Cụ Hồ, hàng trăm bà con dân bản tình nguyện kéo đến giúp sức phát rừng, đào tìm nhưng vẫn không thấy…
Ngày cuối cùng, ông thắp ba nén nhang, nước mắt lưng tròng giữa nghĩa trang huyện Khâm Đức bốn phương bời bời gió núi: “Tân ơi, tớ là đại đội trưởng của cậu đây. Lần này tớ chưa tìm được cậu, nhưng nhất định tớ sẽ đưa cậu về với ba má và gia đình”. Ông không quên nhờ các cơ quan chức năng và nhân dân nếu tìm được thông tin về liệt sĩ Tân thì báo cho ông. Tiếp đó là những ngày tháng đợi chờ tin tức… Rồi, ông liên tục nhận được thư của cơ quan chức năng khẳng định hài cốt liệt sĩ Tân đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Khâm Đức. Tuy nhiên, do trong quá trình quy tập các di vật liên quan đến liệt sĩ Tân đều đã bị thất lạc nên rất khó để xác định vị trí mộ. Ban quản trang nghĩa trang liệt sĩ Khâm Đức cho biết, trong hồ sơ mộ chí có một hài cốt liệt sĩ được quy tập nơi đơn vị ông đã đóng quân khi xưa. Do quy tập sau nên được an táng ở dãy trên cùng của nghĩa trang mà trên bia không có tên liệt sĩ. Linh cảm của người lính chiến dạn dày trận mạc đã thôi thúc ông quyết tâm một lần nữa đi tìm…
Tháng 5 - 2007, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng quyết định phối hợp với gia đình, đồng đội của liệt sĩ Tân, về lại nghĩa trang Khâm Đức. Thật bất ngờ khi người quản trang dẫn mọi người đến một ngôi mộ không có tên ở dãy trên cùng, anh Lê Gia Ninh, em trai của liệt sĩ Tân thốt lên: “Sao có sự trùng hợp đến kỳ lạ vậy”. Anh kể: Cách đây mấy năm cũng có một người ngoại cảm đã chỉ cho anh đúng ngôi mộ này. Vừa rồi, anh và các đồng đội của anh Tân gồm Lê Kinh Thông, Trương Công Đạo, Đình Thành, Lập Thành đã bươn bả khắp nơi tìm thông tin, tìm đến nhà ngoại cảm Nguyễn Bích Hằng nhờ giúp đỡ tìm mộ. Bà Hằng khẳng định chắc chắn: “Hài cốt anh Tân đã được đưa về nghĩa trang huyện Khâm Đức, tỉnh Quảng Nam. Đó là ngôi mộ không có tên thứ 13 trong số 18 mộ tính từ bên phải qua của dãy mộ trong cùng”. Vì chưa hết nghi ngờ nên anh đã chần chừ… Khớp nối các thông tin lại với nhau, cả đoàn thống nhất làm giấy cam đoan xin phép ban quản trang được cất bốc ngôi mộ này. Hài cốt của liệt sĩ được cất lên: Hàm răng của liệt sĩ bị sứt một chiếc bên phải! Đó là một chi tiết quan trọng mà bà Hằng đã nói. Đúng Tân rồi! Tân “Sứt”! Lê Kinh Thông, Trương Công Đạo, Đình Thành, Lập Thành và các đồng đội cũ khác cùng reo lên.
Trên tay Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, 28 cây nhang thắp cho 28 người lính hy sinh trong đại đội năm xưa cháy rực: “Các anh em đã hy sinh, hôm nay mình - đại đội trưởng đã thực hiện được lời hứa cách đây hơn 30 năm, đưa Tân về với ba má và gia đình. Nhưng vẫn còn rất nhiều đồng đội chúng ta vẫn chưa được tìm thấy, các cậu có linh thiêng hãy phù hộ cho công việc nghĩa tình này được hanh thông, thuận lợi hơn nữa…”.
Thật kỳ lạ, cả 28 cây nhang, 28 điếu thuốc Vina mà Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng mời đồng đội đều hóa cùng một lượt…

PHAN THANH HẢI - TRẦN HOÀI


---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó

5 nhận xét:

  1. Mới cười chiện Ngô Bảo Châu hổng muốn ngồi chung mâm với mấy bác Tiềm năng
    http://tranhung09.blogspot.no/2013/11/ho-ho-chien-dzui-nhat-trong-tuan-hong.html
    Tiếp chiện Bích Hằng chỉ trúng phóc hài cốt có chiếc răng...sứt. cười ná thở

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơi bất ngờ là Ngô Bảo Châu trả lời như vậy bác ạ.

      Xóa
    2. Bạn Đỏ có ý kiến rất vui về việc này: http://dodonc.blogspot.com/2013/11/luon-i-cho-nuoc-no-trong.html trong đó có nguyên văn ý kiến của NBC trên FB.

      Xóa
    3. Bạn Đỏ viết vui, nhưng rất trúng vấn đề. Mình không nghĩ là Châu lại phát biểu như vậy.

      Xóa
  2. Báo của Bộ Quốc phòng (2013): Không có yếu tố ngoại cảm nhưng hơn 10 năm, thông qua hồ sơ và giải mã các ký hiệu đơn vị, ông Cao Việt Đức đã tìm được 441 mộ liệt sĩ.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.