Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/10/2013

Người Mĩ cùng Việt Minh đi từ Thái Nguyên xuống Hà Nội vào tháng 8 năm 1945 : Không phải Patti, mà là Thomas


Patti tức Archimedes Patti, năm 1945 là đại tá tình báo Mĩ, một nhân chứng quan trọng của Cách mạng Tháng Tám. Sau năm 1975, ông viết cuốn sách dạng hồi kí mang tên Tại sao Việt Nam - được Đại tá dưới trướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Lê Trọng Nghĩa dịch sang tiếng Việt như vậy gần đây.


Vừa rồi, trên VnEx, Đại tá tình báo ấy đồng thời cũng là dịch giả Lê Trọng Nghĩa (đã 92 tuổi) có cho biết các chi tiết như sau (nội dung này đã được nhà báo viết lại): 

"Giai đoạn Cách mạng Tháng 8, ông Nghĩa đại diện chính quyền Việt Minh liên hệ với quân đội Nhật. Chủ trương lúc đó của ta là chỉ huy quân giải phóng đánh vào quân Nhật đang co cụm ở Thái Nguyên để mở đường Nam tiến. Ngày 23/8/1945 cách mạng thành công, ông Nghĩa thôi nhiệm vụ này, việc liên lạc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm. Đại tướng ra lệnh ngừng trận Thái Nguyên, giao hảo với Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Nhật, tạo điều kiện để nhân dân cả nước giành chính quyền. Nhờ đó, giải phóng quân vào chiếm lĩnh Hà Nội và làm hậu thuẫn để chính quyền cả nước công khai ra mặt quốc dân ngày 2/9 trong bầu không khí hòa bình, không xung đột, đổ máu.

Ngày 22/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các ông Khuất Duy Tiến và Dương Đức Hiền tiếp xúc với phái bộ đồng minh do đại tá Archimedes Patti dẫn đầu. Theo ông Nghĩa, thời điểm này không có chức vụ chính thức nhưng Tướng Giáp đã làm nhiệm vụ của một Bộ trưởng Ngoại giao. Chính ông gặp gỡ với tướng Patti, và sau đó đưa đại diện phái bộ đồng minh đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ này được xem là hội nghị ngoại giao đầu tiên của nước ta."



1. Patti đã gặp phái đoàn của Việt Minh vào tháng 8 năm 1945, nhưng ở Hà Nội, mà không phải ở Thái Nguyên. Quan hệ giữa người Mĩ và Việt Minh đã có từ lâu trước đó, không phải "ngoại giao đầu tiên" như ông Đại tá Lê Trọng Nghĩa kể lại ở trên. Có thể nói: người Mĩ đã có công lớn giúp cho cách mạng Việt Nam thành công vào tháng 8 và 9 năm 1945, cũng như các bước chuẩn bị lâu dài trước đó.



2. Người đã giúp đội quân của Việt Minh đánh Nhật tại Thái Nguyên vào tháng 8 năm đó, như lời thuật lại của Trần Dân Tiên, sau khi đối chiếu các nguồn biết rằng không phải Patti. Thời gian đó, Patti không ở Việt Nam.

Trần Dân Tiên đã viết:

"Dọc đường đến Thái Nguyên, cách Hà Nội sáu mươi cây số, Việt Minh còn phải đánh nhau với Nhật. Ở Thái Nguyên đánh nhau kịch liệt trong hai ngày. Chính đồng chí Võ Nguyên Giáp với sự giúp đỡ của một người Mĩ đã phụ trách giải phóng thành phố này



((Sau khi Thái Nguyên đã giải phóng, Cụ Hồ mới tiếp tục lên đường về Hà Nội))""



3. Tuy nhiên, nhờ có hồi kí của Patti thì ta biết người Mĩ trong đoạn văn trên là ai.

Cụ thể là đọc đoạn sau trong sách của Patti, thì biết rằng, không phải là một người, mà cả toán "Con nai" của Mĩ, đã giúp Việt Minh lúc đó. Cầm đầu toán Con nai ấy là Thomas, một thiếu tá quân đội Mĩ.

Chú ý: Patti cũng viết là toán Con nai đi hộ tống với tư cách là quan sát viên.

Nguyên văn trong sách của Patti như sau:

"

« 31 Tháng Bảy, 2008, 10:01:26 AM »


HỘI NGHỊ CỦA ĐẢNG Ở TÂN TRÀO

Vào ngày 6-8, sự kiện “Hiroshima” đã báo trước kết thúc của cuộc chiến tranh. Trước tình hình đó, ông Hồ chưa thực sẵn sằng; nhưng khi ông được Thomas cho biết sự sụp đổ của Nhật, ông đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đứng chân vững chắc ở nơi ông muốn như Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ông Hồ biết rằng ông phải làm cho mọi người thấy rõ được cả tính chất hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ được vai trò lãnh đạo và đà phát triển của phong trào. Mặc dù còn rất yếu sau một cơn sốt rét và nhiều bệnh tật khác, ông cũng cho triệu tập một cuộc hội nghị các đại biểu Đảng và các lãnh tụ chính trị Việt Minh. 

Ngày 13-8, các đại biểu bắt đầu tới Tân Trào. Tất cả không phải đều đã có thiện ý đối với ông. Nhiều người thắc mắc về địa vị đứng đầu mặc nhiên của ông trong phong trào quốc gia. Một số lại hơi ngại về những tin đồn ông được Đồng minh ủng hộ. Một số khác khao khát địa vị lãnh đạo cho bản thân mình. Mặc dù sức khỏe rất kém, ông Hồ vẫn tỏ ra tự tin, tươi vui, phấn khởi, tự thân đón chào một cách nồng nhiệt từng người mới đến. Ông đi lại giữa mọi người, trao đổi tin tức, quan điểm và ôn lại các câu chuyện cũ. Trong cái “cơ quan và hành dinh” hỗn hợp của ông Hồ trưng bày nhiều tranh ảnh trong đó có Lênin, Mao và tướng Chennault với đủ các giải băng, sao, phù hiệu cấp bậc. Nhiều người tham dự hội nghị đã hỏi xem người sĩ quan ngoại quốc này là ai vậy và ông Hồ đã vui vẻ giải thích cho họ. 

Đến chiều thì một số lớn đại biểu đã đến hội nghị. Họ đại diện cho các cơ quan của Đảng từ ba vùng Bắc, Trung và Nam của Việt Nam, và cũng có một số đại biểu từ ngoài nước trở về. Mưa to và đường sá đi lại khó khăn đã làm cho một số đại biểu phải vắng mặt, một số thì chắc không nhận được giấy triệu tập. 

Công việc đầu tiên phải làm là quyết định về vấn đề khởi nghĩa. Vào buổi tối ngày 13-8, một Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc được thành lập. Ủy ban nhận định là thời điểm cho một cuộc tổng nổi dậy và toàn dân đứng lên cầm vũ khí đã đến. Chính trong đêm đó, Ủy ban đã phát bản Quân lệnh số 1, ra lệnh phát động cuộc tổng khởi nghĩa. Ngày hôm sau, Tổng bộ Việt Minh ra một bản kêu gọi nhân dân nổi dậy đấu tranh giành độc lập. Cũng trong ngày hôm đó, Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc thảo ra bản Kế hoạch hành động dựa trên 4 phương châm cơ bản: kết hợp mọi hành động quân sự và chính trị, tập trung toàn bộ lực lượng dưới quyền một chỉ huy thống nhất, củng cố hàng ngũ cán bộ quân sự, dân sự và giữ vững liên lạc với lãnh đạo. Bản kế hoạch hành động đã hướng dẫn tỉ mỉ việc vận dụng vào thực tế các phương châm công tác nói trên.

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI 

Liền ngay sau cuộc hội nghị của Đảng, Quốc dân đại hội đầu tiên đã được triệu tập họp vào ngày 16-8. Dưới quyền chủ toạ của Hồ Chí Minh, Đại hội gồm hơn 60 đại biểu đại diện cho nhiều đảng phái chính trị trong Mặt trận Việt Minh, các tổ chức quần chúng, các dân tộc (thiểu số), các cộng đồng tôn giáo ở Đông Dương và hải ngoại. 

Vì Đại hội họp ở Tân Trào nên các đại biểu cũng loáng thoáng thấy được một cách kín đáo một số bộ đội mặc đồng phục, được trang bị tốt và rất có kỷ luật đi qua lại trong khu vực hội họp. Người ta đã nhận ra ngay đó là những người Việt Nam và là đội viên của Giải phóng quân. Trang bị và vũ khí Mỹ của họ còn mới, cùng một kiểu và cỡ thống nhất. Ông Hồ vẫn yên lặng một cách khiên tốn nhưng hài lòng về sự tò mò và quan tâm của các đại biểu. Với bức ảnh có kèm theo chữ ký của Chennault trong lều của ông Hồ cùng với những du kích quân trang bị tốt như thế, dư luận lan truyền là Việt Minh và đặc biệt là “Cụ Hồ” đã được Đồng Minh “bí mật ủng hộ”. Trong thâm tâm, chắc ông Hồ đã vui miệng khi thấy toán “Con Nai” đã đến thực đúng lúc, và bằng cách trải loãng nó ra thì lại thấy hình như nhiều hơn lên so với tình hình thực trạng của nó. 

Đại hội đã tán thành nghị quyết về một Cuộc tổng khỏi nghĩa và thông qua Quân lệnh số 1. Trong một phiên họp 2 ngày, Đại hội đã chấp nhận một chương trình 10 điểm, một quốc kỳ có ngôi sao vàng 5 cánh nằm giữa một nền đỏ và một bài quốc ca, bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, hoạt động như một chính phủ lâm thời trong quá trình thưa có Tổng tuyển cử toàn quốc. 

Ông Hồ, luôn luôn thực dụng, đã lái Đại hội đi tới chỗ tán thành một chính sách thực tế “giành lấy chính quyền từ tay người Nhật và Chính phủ bù nhìn trước khi quân đội Đồng minh vào Đông Dương và như thế với danh nghĩa là những người chủ của đất nước, chúng ta hoan nghênh đón quân đội đó đến để giải giáp quân Nhật”. Nghị quyết này của Đại hội đã thể hiện sự lo lắng của ông Hồ trước mưu toan tìm kiếm lợi ích của Pháp và Trung Quốc, mối đe doạ mà mọi người đều biết, đối với sự nghiệp của ông do việc khối Pháp, Anh, Hà Lan muốn thu hồi trọn vẹn các thuộc địa cũ của họ. Ông Hồ đã nhận thức được Đồng minh không phải là đồng minh trong thực tế, mà đó chỉ là một sự liên kết với nhau nhằm mở rộng việc bảo vệ các quyền lợi thực dân ở Đông Nam Á. Căn cứ vào kinh nghiệm trước đây, ông Hồ đã thấy trước một cách rất sáng suốt là Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ qua một cơ hội tốt nào để bóc lột Việt Nam. 

Khi kết thúc Đại hội đáng ghi nhớ này, ông Hồ đã đưa ra một lời kêu gọi hùng hồn với toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có đoạn ghi: 

“Giờ quyết định số phận đất nước chúnlg ta đã điểm. Toàn dân trong nước hãy nổi dậy, dùng sức mạnh của bản thân chúng ta đế giải phóng cho chúng ta. Các dân tộc trên thế giới đang nô nức thi đua để tiến lên giành lấy độc lập. Chúng ta không cam chịu ở lại đàng sau... 
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ của Việt Minh, nhân dân ta hãy anh dũng tiến lên phía trước”. 

Ông Hồ đã ký vào bản kêu gọi với cái tên mà trước đây ông đã dùng khi bắt đầu cuộc đời đấu tranh cách mạng của ông - Nguyễn Ái Quốc. Lời kêu gọi đánh vào tinh thần yêu nước của người Việt Nam và ông muốn cho họ biết ông vốn là “Nguyễn, ngườ coi tình yêu Tổ quốc là đạo đức tối cao”. 

Ngày thứ nhất của Đại hội cũng là ngày xuất phát của toán “Con Nai”. Theo chỉ thị của Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc, một đơn vị dưới quyền chỉ huy của Võ Nguyên Giáp (được toán “Con Nai” huấn luyện trước) đã rời Tân Trào tiến đánh trại lính Nhật ở Thái Nguyên để mở đường tiến về Hà Nội ở phía Nam. Khi mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng, ông Hồ, vị Chủ tịch mới, đã mời tất cả đại biểu các đảng phái và quan khách đến để quan sát đơn vị Việt Nam hành quân tiến ra ngoài doanh trại, có toán “Con Nai” đi cùng

Thiếu tá Thomas là một sĩ quan trẻ tuổi, giỏi, nhưng chất phác một cách dễ hiểu trong lĩnh vực đấu tranh giữa các cường quốc thế giới. Thomas và toán của ông cùng với những người Mỹ được rải ra trên khắp Trung Quốc và Đông Dương đã chán ngán và không hài lòng khi họ thấy bị chính sách của Bộ chỉ huy Chiến trường cấm không được đòi hỏi quân Nhật ở địa phương mình hoạt động đầu hàng, hoặc nếu có việc họ muốn xin hàng thì cũng không được tiếp nhận. Như Thomas đã nêu: “điều đó đã làm cho tôi chán ngán đến cực độ khi tất cả chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã phải liều cả tính mạng mình để đến đây nhưng đến nay, khi công việc đã chạy tốt rồi thì chẳng còn ai đếm xỉa đến chúng tôi nữa...” vân vân và vân vân. Một số toán tình báo này, hoạt động ở cách xa mọi sự chỉ huy của cơ quan quân sự đến hàng trăm dặm, đã làm ầm ĩ lên hơn thế nữa và đã không tuân theo mệnh lệnh của Chiến trường. 

Trong trường hợp của toán “Con Nai”, họ đã làm dịu bớt sự bất mãn của mình bằng cách đi theo cùng với bộ đội Việt Minh suốt trên đường về Hà Nội, nhưng chỉ với tư cách là những quan sát viên. Có thể họ đã hoàn toàn lãng quên mất cái ấn tượng họ đã tạo ra được cho ông Hồ một cách chắc chắn là ông đã có được sự ủng hộ “bí mật” của Đồng minh. Nhưng còn các đại biểu thì sau khi Đại hội kết thúc, họ phân tán trở về địa phương, họ lại mang theo cái ấn tượng nói trên cùng với họ đi khắp đất nước. "

---

1 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.