Ảnh 1 |
Lời dẫn: Bức ảnh đúng là của cụ Võ An Ninh, không cần phải nghi ngờ như của cụ An Chi ở dưới đây (tôi sẽ viết thành bài cụ thể sau). Lời phê của cụ An Chi dành cho sự không cẩn trọng của ông Dương Trung Quốc hoàn toàn xác đáng. Nguyên văn: "David Marr và Cecil B. Currey có thể nhầm lẫn trong việc nhận chân chữ ký của Cụ Hồ và Đại tướng chứ nhà sử học người Việt Nam mà lại bị nét chữ đánh lừa trong trường hợp có liên quan đến lãnh tụ thì hiển nhiên là chuyện hoàn toàn đáng tiếc".
Bài lấy về từ petrotimes. Tôi có đảo vị trí hai tấm ảnh (số 3 lên trước số 2).
Bài lấy về từ petrotimes. Tôi có đảo vị trí hai tấm ảnh (số 3 lên trước số 2).
---
Bức ảnh đặc biệt về cụ Hồ và Đại tướng
trong ngày Độc Lập năm ấy
00:27 | 02/09/2012
An Chi: Bức ảnh này xuất hiện trong bài “Bức ảnh có một không hai về Cụ Hồ và Tướng Giáp”, đăng trên nhiều tờ báo và trang mạng khác nhau.
Ông Dương Trung Quốc cho biết, bức ảnh này được sưu tập từ một cuốn sách biên khảo về lịch sử Việt Nam hiện đại của nhà sử học Australia gốc Mỹ, ông David Marr, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về người chụp và trường hợp nó được chụp. Theo ông Quốc thì nhà báo Vũ Hạnh Hiên (đã qua đời) có cho biết, tác giả bức ảnh đó là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh (cũng đã qua đời), chụp vào ngày độc lập 2/9/1945. Dưới bức ảnh, cũng theo lời ông Quốc, là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng cho một người bạn nước ngoài. Nghệ sĩ Võ An Ninh cho biết, tấm ảnh này đã được treo ở triển lãm nhân ngày độc lập (mà không nói năm nào) ở phố Tràng Tiền... nhưng sau đó, vì nhiều lý do, cả ảnh lẫn phim ông đều để thất lạc... Lời của ông Dương Trung Quốc thì như thế nhưng về phần mình thì chúng tôi lại thấy ngờ vực.
Thứ nhất là ông Quốc đã quá thụ động nghe theo lời kể của nhà báo Vũ Hạnh Hiên mà thuật lại lời của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh như sau:
“Nhà nhiếp ảnh kể lại với nhà báo rằng, vào ngày độc lập, 2/9/1945, dân Hà Nội ai cũng muốn ra đường làm một việc gì đó. Võ An Ninh cầm máy ảnh quyết làm sao chụp cho được ảnh Cụ Hồ trên kỳ đài nhưng không được vì đông quá khó tiếp cận. Cho đến khi buổi lễ đã kết thúc, thấy có chiếc ôtô ghé vào gần kỳ đài, Võ An Ninh bèn chạy đến gần, vừa lúc Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp bước vào trong xe. Nhà nhiếp ảnh vội đưa máy ảnh vào khoang cửa và năn nỉ xin Cụ cho phép chụp bức ảnh. Nhà nhiếp ảnh kể rằng, Cụ Hồ khẽ gật đầu nhưng chiếc mũ cát vành rộng khiến khuôn mặt của Cụ bị xấp bóng. Võ An Ninh đánh liều: “Thưa Cụ, con muốn Cụ hạ mũ xuống ạ” và kể tiếp: “Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý của tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ Cụ đang đội và nhìn tôi... Thế là tôi có được một bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên có ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo trên sợi tóc”.
Tình tiết thì hấp dẫn đấy nhưng, ở chỗ này - vẫn là qua lời kể của ông Dương Trung Quốc - không biết nhà báo Vũ Hạnh Hiên nhớ nhầm hay nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã kể chuyện một cách tréo ngoe. Số là tất cả mọi bức ảnh đều cho ta thấy ngày 2/9/1945, lúc đọc Tuyên ngôn Độc lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc áo đại cán nhưng trong tấm ảnh mà Võ An Ninh cho là do mình chụp cũng đúng vào hôm đó và đúng lúc Cụ Hồ rời lễ đài để bước vào ôtô thì Cụ lại mặc vét tông. Trong trường hợp này, dĩ nhiên là Cụ Hồ không có nhu cầu cải trang như hồi còn hoạt động bí mật vì Cụ đã đường đường chính chính là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy thì chắc chắn bức ảnh đã được chụp trong một dịp khác và nó có phải tác phẩm của Võ An Ninh hay không thì cũng còn là chuyện phải thẩm định lại, nhất là khi mà chính nhà nhiếp ảnh còn nói thòng rằng, ông cũng đã làm thất lạc cả ảnh lẫn phim.
Thứ hai là ông Dương Trung Quốc đã khẳng định rằng, hai chữ ký bên dưới ảnh là của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rõ ràng đây là một lời khẳng định vội vàng và dễ dãi. Bất cứ ai đã quen với nét chữ và chữ ký của Chủ tịch và Đại tướng cũng đều có thể dễ dàng nhận thấy đây chỉ là một sự tự biên tự diễn vụng về (không biết là do ai), chứ không thể là bút tích của Cụ Hồ và Đại tướng. Ngữ đoạn “Best greetings from Hoo chi Minh” được viết một cách nắn nót, gò gẫm - chuyện này đập ngay vào mắt - chứ đâu có bình dị, tự nhiên và thanh thoát như chữ của Cụ Hồ! Huống chi, ở đây, ba chữ “Hoo chi Minh” cũng chẳng phải chữ ký của Cụ mà lại là một thành phần trong lời đề tặng (nên chỉ là chữ viết bình thường). Và cuối cùng là màu mực của “chữ ký” lại quá “mới” so với tuổi của bức ảnh, nhất là khi nó được viết trên giấy ảnh cách đây ước tính đã gần 70 năm. Cái nét mực gốc thì đã phai mờ đến nỗi nhiều chữ không còn đọc được như sẽ thấy thêm ở một phần dưới.
Cuốn sách của David G. Marr mà ông Dương Trung Quốc nói đến là Vietnam 1945: the Quest for Power (University of California Press, Berkeley, 1995). Trong quyển sách này, bức ảnh đã được in thành ảnh đầu sách (frontispiece) và đã được Marr chú thích như sau:
“Ho Chi Minh and Vo Nguyen Giap in Hanoi in early September 1945. Ho often signed himself “Hoo” when communicating with Americans, in this case Major Allison Thomas, head of the Deer Team. Giap’s fedora hat was his trademark in 1945. Courtesy of Allison K. Thomas”.
(Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội đầu tháng chín 1945. Chính ông Hồ thường tự mình ký là “Hoo” khi giao tiếp với người Mỹ, trong trường hợp này là Thiếu tá Allison Thomas, trưởng toán Con Nai (của tổ chức OSS, tiền thân của CIA trước năm 1947 – AC). Chiếc mũ phớt của ông Giáp là nét (phục sức) đặc biệt của ông hồi 1945. Allison K. Thomas có nhã ý [cho sử dụng]).
David Marr viết về lịch sử Việt Nam năm 1945 trong đó ngày 2 tháng chín là một điểm son chói lọi nhưng ông chỉ nói bức ảnh thuộc về “đầu tháng chín”. Đây là một bằng chứng chắc chắn, bên cạnh cái cổ áo vét tông (chứ không phải cổ đại cán) giúp ta phủ nhận lời của Võ An Ninh qua hai “nấc” kể của nhà báo Vũ Hạnh Hiên rồi nhà sử học Dương Trung Quốc. Huống chi, ngoài quyển sách của David Marr, ta còn có quyển Victory At Any Cost: The Genius of Viet Nam’s Gen. Vo Nguyen Giap của Cecil B. Currey (Brassey’s, New York, 1996). Bức đó cũng được in trong quyển này với lời chú thích của Currey:
“Autographed photo of Ho Chi Minh (left) and Vo Nguyen Giap (right) seated in automobile in Ha Noi in 1945. Courtesy of Allison Kent Thomas”.
(Ảnh có bút tích của Hồ Chí Minh (trái) và Võ Nguyên Giáp (phải) ngồi trên xe ô tô (chụp) tại Hà Nội năm 1945. Allison Kent Thomas có nhã ý [cho sử dụng]).
Ảnh 3
Thì cũng chỉ là 1945 chung chung chứ không hề khẳng định là chụp vào ngày 2/9. Vậy ta có thể dứt khoát phủ nhận thời điểm cụ thể mà ông Dương Trung Quốc đã kể lại. Đồng thời, với hai quyển sách của hai tác giả khác nhau nhưng đều có ghi rõ xuất xứ (Courtesy of Allison K(ent) Thomas) thì ta cũng có thể biết được chủ nhân của bức ảnh phải là chính Allison K. Thomas.
Ảnh 2
Thực ra bức ảnh trong bài báo trên, cũng như trong sách của Marr, rồi của Currey (ảnh 1), chỉ là ảnh gốc đã bị cắt bỏ phần dưới. Bức ảnh gốc này (ảnh 2) đã được in nguyên vẹn tại trang 13 và trang 109 trong quyển Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm của Trần Thái Bình (NXB Trẻ, 2011). Tuy là phần trắng của ảnh (không có hình) nhưng phần dưới đó (ảnh 3) lại tối quan trọng vì đây mới chính là phần mang chữ ký. Dù là nét mực rất mờ, nó vẫn còn cho ta thấy được đúng chữ ký của Đại tướng ở nửa bên phải, còn bên trái vẫn là nét chữ của ông: trên là mấy chữ “Thân tặng Anh…” còn dưới là ngày “??/12/19??”. Những chữ này đã mờ hẳn đi nhưng đây mới đích thị là thủ bút của Đại tướng chứ ba chữ “Vo nguyen Giap” nhại chữ ký ở phần trên chỉ là những chữ thêm vào sau một cách vụng về vì nghiệp dư. Ngữ đoạn “Best greetings from Hoo chi Minh” với nét mực rất đậm ở bên trái của phần trên cũng không phải chữ của Cụ Hồ. Sự “chế biến” này đã làm mất đi tính trung thực của một bức ảnh độc đáo, ghi lại một sự kiện quan trọng của đất nước trong buổi đầu độc lập mà ta chưa có thể xác định rõ trường hợp nó được chụp. Nhưng điều có thể khẳng định một cách chắc chắn là bức ảnh này không phải được chụp vào ngày 2/9/1945.
Mục đích của bài này chưa phải là đi đến tận cùng của vấn đề truy nguyên. Chúng tôi chỉ muốn gợi ý về thái độ thận trọng và phương pháp quan sát thực sự khoa học khi đứng trước “hiện vật” mà thôi. David Marr và Cecil B. Currey có thể nhầm lẫn trong việc nhận chân chữ ký của Cụ Hồ và Đại tướng chứ nhà sử học người Việt Nam mà lại bị nét chữ đánh lừa trong trường hợp có liên quan đến lãnh tụ thì hiển nhiên là chuyện hoàn toàn đáng tiếc.
A.C
(Năng lượng Mới số 151+152, ra thứ Sáu ngày 31/8/2012)
---Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Học theo Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, tự truyện của Trần Dân Tiên đáp ứng nhu cầu của đời sống và lịch sử (nhóm Trần Khuê)
- Hồ sơ năm 1933 của trùm mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu
- Năm 1931, Louis thì khen Nguyễn Yêu Nước, còn Phan Khôi thì khen Louis : dám vứt An Nam, dùng Việt Nam
- Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc
- Ai là người đầu tiên tìm ra bức thư xin nhập học năm 1911 : Vũ Ngự Chiêu đưa ra niên đại 1983
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.