Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/10/2013

Người biên tập của ĐẠI GIA vừa từ trần - Nhà văn/dịch giả Đà Linh hay Đa Huyên

Đà Linh (hay Đa Huyên) chính là người giữ vai trò "Biên tập viên" cho tiểu thuyết Đại gia của Thiên Sơn. Tôi chưa hân hạnh gặp mặt anh lần nào, chỉ nghe loáng thoáng qua một vài người bạn văn. Hôm nay, thấy trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập tin anh đã từ trần ở tuổi 56

Bây giờ, tôi mới biết tên thật của anh là Nguyễn Đức Hùng.


Có thể đọc lại một bài dưới đây của nhà văn Hồ Anh Thái về Đà Linh lúc mới nghe tin Đà Linh bị ung thư.

Bài lấy về từ Thể thao & Văn hóa.

---

Nhà văn Đà Linh: Mê mải viết sách và làm sách



Thứ Ba, 10/09/2013 13:39


(Thethaovanhoa.vn) -  Từ Iran, nhà văn Hồ Anh Thái (hiện là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran) đã gửi TT&VHbài viết xúc động về một người bạn: Nhà văn Đà Linh khi hay tin ông ốm nặng. TT&VH trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc.

1. Đà Linh là người đứng ra đỡ cho tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế ra đời năm 2002 ở Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng.

Cuốn ấy tôi viết năm 1996, sau đó là sáu năm trời gửi gắm qua hầu như suốt lượt các NXB trong Nam ngoài Bắc, cả NXB trung ương và địa phương. Ở đâu nó cũng bị người ta e ngại, ngại từ cái tên sách trở đi. 

Gần như không còn cửa nào nữa, Song Thủy là người làm sách tư nhân bèn thử lần cuối cùng: Gửi bản thảo đến Đà Linh, Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng. Chẳng ngờ Đà Linh hăm hở đọc, rồi quyết định làm thủ tục cho sách ra ngay.

Cũng nhiều hệ lụy. Sách ra rồi, được tái bản luôn, in lại nhiều lần, số lượng đã vượt quá năm vạn bản, đến năm 2012 dịch ra tiếng Anh in ở Mỹ (Apocalypse Hotel). Nhưng năm 2002 sách mới in ra cũng nhiều điều ra tiếng vào. Gay gắt nhất là có vị ở Hà Nội mách vào với cơ quan văn hóa của Đà Nẵng, nhưng lãnh đạo thành phố khi ấy vững vàng chính kiến, không để nhốn nháo lên. Gay gắt nữa: cuốn sách đã vượt qua hai vòng sơ khảo và chung khảo của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm ấy, chỉ chờ thủ tục cuối cùng là chữ ký quyết định trao giải, thì bị ban chấp hành hội phủ quyết. Nhắc lại thế để thấy không khí lúc ấy không thuận một chút nào cho Đà Linh.


Nhà văn Đà Linh (ngồi) và nhà văn Nguyễn Văn Xuân (Nguồn: internet)

Mỗi lần ra một cuốn sách như vậy, Đà Linh phải chịu nhiều chuyện đau đầu, hao tâm tổn trí. Phải giải trình, phải thuyết phục, phải bảo vệ. Nhưng vẻ ngoài khi gặp bạn văn thì thản nhiên, không để lộ vướng bận, không tỏ ra phiền não hoặc trách móc gì ai. Mỗi lần trở về Hà Nội uống bia với nhau thì chỉ nói chuyện có bản thảo mới rất hay của người này người khác. Thích làm sách văn học và thích cả bộ sách của triết gia Pháp đương đại Francois Jullien. Nghe ngóng hễ ai có bản thảo mới là tìm đến ngay, dù ở Hà Nội, Huế, hay Sài Gòn.

Ngồi với nhau, có lần tôi nhắc lại chuyện long đong của Cõi người rung chuông tận thế. Trước khi đến với Đà Nẵng, nó đã suýt được in ở NXB V., đã được phó giám đốc ký duyệt, đã sửa bản in thử, đã ra bản can là công đoạn cuối. Tôi đã đến NXB ngồi kiểm tra từng trang bản can. Ngay sau đó thì ông giám đốc đi công tác về, có người mách, ông đòi đọc, rồi hủy bỏ quyết định in. Mấy tuần sau, tôi gặp giám đốc một NXB khác, ông này là nhà văn, cũng là chỗ quen biết, ông hồn nhiên bảo: “May quá, nhờ ông giám đốc V. gọi điện sang mách trước là in cuốn ấy thì chết cả nút, vậy là tôi đỡ mất công đọc”. Mách nhau mà cũng thành đường dây bài bản. Về sau, dù có được các ông mời chào, tôi cũng không bao giờ đưa bản thảo mới cho các ông nữa. Rất thông cảm với nỗi sợ thường trực của họ, nhưng tôi không còn coi họ là chỗ có thể hiểu nhau.

Chuyện này thêm một lần chứng tỏ sự bản lĩnh của Đà Linh. Thời anh là người chịu trách nhiệm bản thảo, sách của NXB Đà Nẵng thường được người mua tin bởi đã được đảm bảo chất lượng. Tên của một thành phố, nhưng NXB Đà Nẵng đã trở thành đơn vị xuất bản hàng đầu. Điều này thì giới văn chương báo chí và người đọc còn nhớ.

2. Đà Linh sinh năm 1958 tại Hà Nội. Mỗi lần anh từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tôi dùng từ trở về Hà Nội là theo nghĩa ấy. Ba của anh là người Quảng Nam tập kết ra Bắc năm 1954, Đà Linh quê quán miền Trung nhưng kỷ niệm tuổi thơ và thời thanh niên đại học là ở Hà Nội. Anh yêu Hà Nội và thương Quảng Nam - Đà Nẵng. Hai nơi anh gắn bó và là động lực cho anh làm xuất bản. Đặt tên cho con gái là Đà Linh cũng là một cái tên của quê hương. Rồi anh lấy tên con gái làm bút danh viết văn. 

Tên thật anh là Nguyễn Đức Hùng. Một sự trùng hợp, trong cuốn Cõi người rung chuông tận thế, nhân vật anh lính lạc đường trong rừng, là cha của cô gái Mai Trừng sau này làm người báo thù cái ác, cũng tên là Nguyễn Đức Hùng. Chúng tôi vẫn cười vui vì sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi viết cuốn ấy, tôi còn chưa gặp Hùng - Đà Linh.

Hùng có hai cô con gái, cô chị tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, cô em là nhà văn trẻ Linh Lê đang gây dư luận với các tiểu thuyết Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, Người tình Sài Gòn. Bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu của Linh Lê, Hùng đưa tôi đọc. Rồi hỏi, nên khuyên con gái dùng tên thật hay lấy bút danh. Tôi góp ý nên lấy bút danh, để cháu sau này còn làm việc khác, việc viết văn sẽ bớt chịu sức ép tinh thần từ đồng nghiệp ở công sở. Quả nhiên về sau cháu lấy bút danh là Linh Lê.

Tổng biên tập Nguyễn Đức Hùng, đầu tiên và trên hết là nhà văn Đà Linh. Những tác phẩm của anh được người đọc nhớ là Truyện của Người, Nàng Kim Chi sáu ngón, Giấc mơ của dòng sông… Văn thoáng, hào hoa theo kiểu Hà Nội, dù thảng hoặc vẫn hòa trộn vào đôi ba ngôn từ giọng điệu xứ Quảng quê hương. Nàng Kim Chi sáu ngón là truyện thuần hiện thực, nhưng ấn tượng thì vẫn phảng phất cảm giác rờn rợn và như có yếu tố định mệnh vô hình. Truyện của Người cũng hiện thực, đồng thời lại nhiều ẩn dụ và có tính biểu tượng. Ẩn dụ và biểu tượng ngay từ việc đặt tên nhân vật là Người, rồi cho nhân vật tự xưng là Người.

“Đến phòng cuối, Người gõ cửa.
- Ai đó?
- Tôi.
- Tôi là ai?
- Tôi là Người.
- Ha… ha. Người cần gì?”

Vừa mở rộng chiều kích cho ý tưởng, lại vừa dí dỏm đến thế.

Thời gian về sau, Đà Linh viết ít đi, chắc loay hoay tìm đề tài khác, cách diễn đạt khác. Anh chuyên chú vào việc dịch một số tác phẩm văn chương Pháp. Bút danh Đa Huyên, anh dịch hai tiểu thuyết của Daniel Pennac: Kẻ độc tài và chiếc võng (cùng với Nguyễn Thanh Xuân) và cuốn Cảm ơn. Anh còn dịch cả một tập chuyên luận dày dặn của Francois Ost về ngôn ngữ và nghề dịch sách: Dịch - sự minh giải và bảo vệ đa ngôn ngữ (cùng với Phạm Dõng).

3. Làm sách, Nguyễn Đức Hùng thường chu đáo, tỉ mỉ, cẩn trọng. Những cuốn dự đoán khi phát hành sẽ gây tranh luận trái chiều, anh thường tự tay viết lời nói đầu của NXB. Một cách trình bày quan điểm của NXB và hướng dẫn dư luận. Lời nói đầu này có tác dụng dẹp yên phần nào những ý kiến thiếu thiện chí. Anh cũng đã làm như vậy với cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi in ở Đà Nẵng. Tiếp theo cuốn ấy, do làm việc tâm đắc với Hùng, do sự nhiệt thành bảo vệ tác phẩm của anh, tôi làm tiếp với Đà Nẵng bốn cuốn nữa, tâm niệm rằng mình sẽ chỉ gửi in ở Đà Nẵng. Nhưng rồi Nguyễn Đức Hùng gặp tai nạn nghề nghiệp. Cẩn trọng đến mấy thì cũng không lại được với sự thường trực săm soi. Tiếng vang của NXB có tính hai mặt, và mặt sau của nó là lực lượng công kích luôn sẵn sàng chờ chực để được kích hoạt. 

Hùng rời Đà Nẵng, ra Hà Nội làm biên tập viên cho NXB Lao Động, bắt đầu lại từ bậc thang đầu tiên, rồi sau mấy năm mới lại lên làm trưởng ban biên tập. Đây là chuyến trở về với nơi anh sinh ra và lớn lên. Tôi cũng đưa bản thảo theo anh đến NXB Lao Động. Tôi vẫn nhớ ân nghĩa với NXB Đà Nẵng, nhưng rất nhiều khi cái tên của một NXB gắn với một con người cụ thể, khi vắng con người ấy, NXB không còn mang ý nghĩa như trước nữa.

Cách đây mấy tháng, thêm một cuốn sách dịch của anh mới ra, rồi sách mới của con gái ra, Nguyễn Đức Hùng đều gửi tặng đến nhà tôi để người nhà chuyển tiếp. Anh không quên cả người đã đi vắng.

Bây giờ nghe nói Hùng ốm nặng. Đâu có biết làm gì khác, chỉ còn biết cầu mong cho người bạn sớm qua khỏi mà thôi.  

Hồ Anh Thái
Thể thao & Văn hóa

---



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.