Gian lận trong khoa học, dù ở đâu cũng có thể xảy ra, và nhiều khi rất khó bị phát hiện, ví dụ trường hợp cô Obokata ở Nhật Bản mấy năm trước là một vụ điển hình - một nữ tiến sĩ đang được ca ngợi như một quốc dân tiêu biểu, một nhà khoa học trẻ sáng giá của một đất nước yêu chuộng khoa học, đang dự kiến đề cử cho giải Nobel, thì tất cả sập xuống vì cộng đồng mạng đã phân tích rõ sự gian lận có tổ chức trong nhiều năm ! Thầy giáo phụ trách của Obokata sau đó đã thắt cổ tự tử tại cơ quan vì quá ân hận để học trò qua mặt gian lận nhiều năm, còn bản thân Obokata sau đó còn bị tước mất học vị tiến sĩ vì luận văn tiến sĩ cũng đạo văn quá kinh tởm.
Có thể đọc lại về vụ cô Obokata ở đây (tháng 4/2014) hay ở đây (tháng 8/2014), ở đây (tháng 12/2014).
Cộng động mạng đã phát giác ra vụ Obokata gian lận. Sau đó, giới khoa học mới đi vào kiểm chứng, rồi dần dần lộ diện ra Obokata đã gian lận từ A đến Z ngay từ lúc còn trẻ. Lúc đầu chỉ là lỗi nhỏ, như là sai nhầm, dần dần, tìm tiếp thì hóa ra hành động gian lận liên tục trong thời gian dài !
Lần này, tại Việt Nam, một bài tố Phan Thanh Sơn Nam gian lận cũng xuất phát từ cộng đồng mạng. Ngay sau đó, Nam đã giải trình.
Về Phan Thanh Sơn Nam, trên Giao Blog, có thể đọc nhanh ở đây hay ở đây. Nam đang tự nhận đây là kinh nghiệm xương máu, anh viết trên Fb cá nhân vào ngày 8/3 vừa rồi rằng:
"Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa."