Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyễn-khắc-toàn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyễn-khắc-toàn. Hiển thị tất cả bài đăng

28/02/2021

"Tối tạo" của người Việt là có truyền thống (trì trệ của tư duy chữ Nôm)

Vẫn phải nói rõ hai điều sau về chữ Nôm, dù tôi đã viết cả hai điều này thành các bài học thuật và cho công bố từ lâu rồi (đọc toàn văn bài học thuật ở đây, đọc thêm ở đây và ở đây), đó là:

- Bản thân tôi rất trân quí chữ Nôm, bởi nhờ nó mà đã ghi được một khối lượng thơ văn không nhỏ của người Việt từ khoảng thế kỉ 12 tới đầu thế kỉ 20. Tức trong khoảng 800 năm. Một công việc đã và đang làm của tôi là đọc chữ Nôm, mà một trong đó là đọc các sáng tác bằng chữ Nôm của nhà thơ sứ giả Nguyễn Tông Quai (1693-1767). Đây là nhà thơ độc đáo, đã viết thơ bằng chữ Nôm trên đường đi sứ Trung Quốc hồi thập niên 1740, có tập thơ danh tiếng Sứ trình tân truyện (câu chuyện mới về dường đi sứ). Trong tập truyện bằng chữ Nôm trường thiên ấy, còn có nhiều bài thơ chữ Nôm rời viết rất điêu luyện - từ lâu được xem là những viên ngọc quí trong gia tài văn chương tiếng mẹ đẻ của người Việt --- ra đời trước Truyện Kiều của Nguyễn Du khá lâu.

- Đồng thời với lòng trân quí đối với chữ Nôm, tôi cũng đã và đang phê phán tư duy sáng tạo chữ Nôm. Cả một ngàn năm mũ áo khoa cử chỉ làm ra được một sản phẩm ghi âm rất phồn tạp là chữ Nôm. Đặt trong bối cảnh là khu vực Đông Á, thì đây là sản phẩm văn tự ghi âm kém nhất. Kém nhất là vì dậm chân tại chỗ, chỉ có một loại chữ ghi âm phiên phiến thế thôi, mà nhắm mắt bằng lòng cả làng cả tổng cả nước với nhau tới những ngàn năm, mà không có sáng tạo bứt phá tạo ra được bảng chữ cái.