Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (3)

Năm 1910 là cách nay 115 năm.

Cùng đối chiếu năm 1910, về "Phủ Dầy" trong sách Tiên Phả dịch lục (TPDL) của Kiều Oánh Mậu (bản in khắc gỗ, 1910) và "Phủ Giầy" trong tài liệu chính qui của nhà nước (bản in hoạt tự, 1910).

1. Qua hai bài (1 và 2), chúng ta đã biết chắc chắn các điểm như sau về ghi chép đương thời của Kiều Oánh Mậu, thời điểm đầu năm 1910, về Phủ Giầy (Phủ Dầy) ở làng Tiên Hương (xã Tiên Hương huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định):

- Kiều Oánh Mậu tới xã Tiên Hương, thấy cảnh đi trảy hội rất đông. Ông tới thăm lăng mộ của công chúa Liễu Hạnh (lúc đó là lăng mộ xây bằng gạch). Ông có đi thăm khu mộ của họ Trần Lê ở La Hào (dưới chân núi Tiên Hương, cũng là núi An Thái trước đây, và xa xưa là núi Vân Cát).

- Kiều Oánh Mậu về dự Hội Phủ Giầy năm 1910 thì chỉ quanh quẩn ở làng Tiên Hương mà thôi. Ông không đi quá pham vị làng Tiên Hương. 

Ở trang bìa của sách in năm 1910 đó, Kiều Oánh Mậu ghi tên sách: Tiên Phả dịch lục -  Tiên Hương Thần Mẫu truyện (xem ảnh). Tên sách có thể dịch là: Chép lại và dịch Nôm cuốn "Tiên từ phả kí" - Truyện về Thần Mẫu của làng Tiên Hương.


Sách mang kí hiệu R.298 với hàng chữ Hán ở bìa ngoài cùng (chữ viết tay): Tiên Hương Thánh Mẫu sự tích (sự tích về Thánh Mẫu của xã Tiên Hương).

Bìa sách: Tiên Phả dịch lục - Tiên Hương Thần Mẫu truyện

Ông viết: "Tiên Hương xã ấy huyện Thiên, về Sơn Nam trấn cạnh miền núi Gôi" có nghĩa là: "xã Tiên Hương" thuộc vào huyện Thiên Bản trấn Sơn Nam (trước đây thuộc "trấn Sơn Nam", năm 1910 thì là "tỉnh Nam Định"). Xã Tiên Hương năm 1910 ấy nằm cạnh núi Gôi.

Ông ghi chép lại tên ngôi đền lớn ở làng Tiên Hương theo cách gọi của nhân dân địa phương là "Phủ Giầy (Dầy)". Nghĩa hẹp (nghĩa ban đầu) của Phủ Dầy là chỉ ngôi đền lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở làng Tiên Hương. Phủ Dầy luôn gắn với làng Tiên Hương (xã Tiên Hương).

Trong bản in năm 1910, Kiều Oánh Mậu sử dụng mã chữ "Phủ Dầy" như sau (xem ảnh). Chữ "Dầy" này có nghĩa là "dầy" trong "dầy mỏng".  Cấu tạo của chữ "Dầy" này, gọi một cách nôm na dễ hiểu cho bạn đọc phổ thông là "chữ âm ý". Có nghĩa là, chữ được tạo từ 2 nửa, mà trong đó một nửa là "âm" (biểu hiện âm đọc) và một nửa còn lại là "ý" (biểu hiện ý nghĩa của chữ). 

Mã chữ "Phủ Dầy" trong "Tiên Phả dịch lục" (bản in khắc gỗ năm 1910)

- Kiều Oánh Mậu viết:

"Lô hương khuya sớm Phủ Dầy,

Sùng sơn Phố Cát xưa nay hiển thần"

(* chữ "lô hương" còn có thể đọc là "lửa hương").

Vậy là đến thời điểm năm 1910, có 3 điểm chính yếu thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy (trung tâm là công chúa Liễu Hạnh) ở tầm quốc gia, là: 

1). Phủ Dầy (làng Tiên Hương, tỉnh Nam Định);

2). Sùng sơn (đền Sòng, làng Cổ Đam có núi Sùng/Sòng, Thanh Hóa); 

3). Phố Cát (đền Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa).

2. Toàn sách TPDL thì viết bằng văn tự Hán Nôm, nhưng đính ở đầu là một lá thư viết bằng tiếng Pháp (xem ảnh). Sẽ nói rõ về lá thư này ở dịp khác, ở đây chỉ chú ý đến điểm tiếng Pháp mà thôi).

Lúc đó là thời kì chính quyền bảo hộ của Pháp. Văn bản chính qui của nhà nước được viết bằng tiếng Pháp, kèm thêm bản chữ quốc ngữ hay chữ Hán Nôm (nếu có).

3. Bây giờ, ta đến với một tư liệu chính qui của nhà nước lúc đó, viết bằng tiếng Pháp, về ngôi đền lớn gọi là "Phủ Giầy" ở xã Tiên Hương năm 1910.

Chọn tư liệu cùng thời điểm năm 1910 để thấy rõ: ghi chép của học giả tại thực địa (đại diện là Kiều Oánh Mậu) và tài liệu chính thức của nhà nước (tài liệu phát hành rộng rãi, dựa trên một quá trình khảo sát của nhà nước, định hình thành văn bản nhà nước), hai loại tài liệu đó có khớp nhau hay không ?

Tài liệu của nhà nước năm 1910 kí âm là "Phủ Giầy" (Phu Giây). Cụ thể tư liệu đó như sau:

Tư liệu chính thức của nhà nước năm 1910 về Phủ Giầy ở xã Tiên Hương


4. Diễn giải nhanh của tôi về tư liệu này, như sau:

Có 3 điểm nổi bật trong hệ thống tôn giáo truyền thống (khác với  hệ thống Thiên chúa giáo) của tỉnh Nam Định lúc đó, gồm:

(1). Cụm các đền chùa ở xã Tức Mặc gắn với nhà Trần (huyện Mỹ Lộc).

(2). Ngôi đền lớn mang tên Phủ Giầy gắn với công chúa Liễu Hạnhxã Tiên Hương (huyện Vụ Bản).

(3). Cụm đền chùa ở khu vực Núi Gôi gắn với Lã Đại Vương (huyện Vụ Bản).

Về điểm thứ 2, là đền mang tên Phủ Giầy ở xã Tiên Hương thì như sau:




Có nghĩa là, có các điểm chính sau:

(1). Ngôi đền mang tên Phủ Giầy (Phu Giay) tọa lạc tại địa phận xã Tiên Hương (huyện Vụ Bản).

(2). Ngôi đền được lập để tưởng niệm công chúa Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết, khi còn ở trên thiên đình, công chúa đã làm vỡ chiếc chén ngọc mà bị đày xuống trần. Công chúa giáng xuống xã Tiên Hương.

(3). Bà sống đức hạnh mà mất vào ngày 3 tháng Ba (âm lịch). Bà rất được nhân dân sùng kính, được triều đình phong tước hiệu là Mạ Vàng Đại Vương (Ma-vang Dai-Vuong).

(4). Hàng năm, cứ vào ngày giỗ của công chúa, tại xã Tiên Hương sẽ có hội lớn kéo dài 15 ngày, thu hút rất đông khách tới chiêm bái từ miền Bắc.

5. Như vậy, cùng ở thời điểm năm 1910, nội dung ghi chép của học giả Kiều Oánh Mậu (đến tận xã Tiên Hương dự Hội Phủ Giầy 1910 và khảo sát tư liệu) trình bày trong TPDL và nội dung trong tư liệu chính qui của nhà nước trùng khớp nhau.

Phủ Giầy (chữ Pháp, chữ quốc ngữ) và Phủ Dầy (TPDL, chữ Hán Nôm) là một, đều là chỉ ngôi đền lớn thờ Liễu Hạnh công chúa ở xã Tiên Hương (huyện Vụ Bản) vào năm 1910.

Nghĩa gốc, nghĩa ban đầu của Phủ Giầy (Phủ Dầy) là chỉ ngôi đền lớn thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy (trung tâm là Liễu Hạnh công chúa) tọa lạc tại xã Tiên Hương huyện Vụ Bản thời Nguyễn.

Xã Tiên Hương thời Nguyễn (trước đó là xã An Thái thời Lê mạt) là quê hương ở dưới trần gian của Liễu Hạnh công chúa. 

Quê hương Tiên Hương (này là thôn Tiên Hương xã Kim Thái huyện Vụ Bản) đến năm 2025 này, sau 115 năm tính từ năm 1910, sau nhiều dâu bể đổi thay, vẫn đang là trung tâm của hệ thống đền phủ thờ phụng Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy trên toàn quốc.

"Còn trời, còn nước, còn non,
Còn lăng, còn miếu, hãy còn làng Tiên.
Nghìn thu quốc điển còn bền,
Truyền kỳ còn lục, phả biên còn tường
"
(Kiều Oánh Mậu, 1910, Tiên Phả dịch lục bản in khắc gỗ).

Tháng 3 năm 2025,
Giao Blog

...

Các entry liên quan đã đi trên blog này:

...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.