Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (2)

Về chữ "Phủ Dầy" (trong đó, chữ Dầy có nghĩa là "dầy" trong "dầy mỏng") xuất hiện trong bản in khắc gỗ năm 1910 của cuốn "Tiên Phả dịch lục" (Kiều Oánh Mậu soạn bằng văn tự Hán Nôm).

Vấn đề "Giầy" với "Dầy", cũng giống như một cặp vấn đề Gióng - Dóng (trong Thánh GióngThánh Dóng), sẽ luận bàn cụ thể bằng các bài học thuật sau. 

Ở đây, để tránh rườm rà, chỉ đưa nhanh mã chữ "Phủ Dầy" mà Kiều Oánh Mậu đã viết năm 1910.

1. Ở bài 1, tôi đã khái quát rằng:

"Kiều Oánh Mậu gọi ngôi đền lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại làng Tiên Hương, đúng như cách gọi thống nhất thời đó, là "Phủ Giầy". 

Mã chữ "Phủ Giầy" (mà "Giầy" thì được ghi thành "Dầy" nghĩa là "dầy" trong "dầy mỏng") thấy rõ trong bản in sách năm 1910 của Kiều Oánh Mậu. Có thể sau này mã chữ ấy được đâu đó chép lại, chẳng hạn. Có nghĩa là, người ta có thể đã chép mã chữ "Phủ Giầy" từ sách của Kiều Oánh Mậu.

Dĩ nhiên, không phải đến 1910 mới có chữ "Phủ Giầy" ! Bằng tài liệu xác thực, chúng ta thấy từ thập niên 1880, đã có chữ "Phủ Giầy" (trùng hoàn toàn, "Phủ" đi trước, "Giầy" đi sau).

"Phủ Giầy" nghĩa hẹp (nghĩa ban đầu) là chỉ ngôi đền lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở làng Tiên Hương. Phủ Giầy luôn gắn với làng Tiên Hương (xã Tiên Hương)."

2. Trong bản in năm 1910, Kiều Oánh Mậu sử dụng mã chữ "Phủ Dầy" như sau (xem ảnh ở dưới). Chữ "Dầy" này có nghĩa là "dầy" trong "dầy mỏng". 

Cấu tạo của chữ "Dầy" này, gọi một cách nôm na dễ hiểu cho bạn đọc phổ thông là "chữ âm ý". Có nghĩa là, chữ được tạo từ 2 nửa, mà trong đó một nửa là "âm" (biểu hiện âm đọc) và một nửa còn lại là "ý" (biểu hiện ý nghĩa của chữ). 

Mã chữ "Phủ Dầy" trong "Tiên Phả dịch lục" (bản in khắc gỗ năm 1910)

Cụ thể thì, "Dầy" gồm:

- nửa ghi ý là chữ "Hậu" - nghĩa là "dầy" (trong "dầy dặn", "dầy mỏng", "dầy cộp",...). 

- nửa ghi âm là chữ "Đài" - ta phải đọc chệch chữ "Đài" rồi ướm thử với nghĩa là "dầy", tức ướm thử "ý" với "âm", cuối cùng thì để ra một âm đọc là "Dầy" ! 

Đại khái chữ Nôm là vậy ! Vừa phải đọc vừa phải đoán ! 

3. Cả câu có chữ "Phủ Dầy" thì thật là hay (xem ảnh):

Trích đoạn có chữ "Phủ Dầy" trong TPDL (1910)

Đọc là:

"Lô hương khuya sớm Phủ Dầy,

Sùng sơn Phố Cát xưa nay hiển thần"

Trích đoạn TPDL (1910), gia bút bởi chủ nhân Giao Blog


Đọc thêm một chút cho tròn nghĩa cả đoạn:

"Dấu Tiên giáng về nhà Trần thị,

Cõi Sơn Nam tú khí đốc sinh.

Đôi vai nặng gánh hiếu tình,

Hóa hình rồi lại hiện hình như xưa.

Uy hách hách bây giờ đã hiển,

Tiếng linh linh bia miệng đến rày.

Lô hương khuya sớm Phủ Dầy,

Sùng sơn Phố Cát xưa nay hiển thần."

(bản phiên của chủ nhân Giao Blog)

(* chữ "lô hương", cũng có thể đọc là "lửa hương". Ở đây, tạm dùng cách đọc "lô hương")

Vậy là đến thời điểm năm 1910, có 3 điểm chính yếu thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy ở tầm quốc gia, là: 

1). Phủ Dầy (làng Tiên Hương, tỉnh Nam Định);

2). Sùng sơn (đền Sòng, làng Cổ Đam có núi Sùng, Thanh Hóa); 

3). Phố Cát (đền Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa).

Thời điểm đó, "Phủ Tây Hồ" chưa xuất hiện !

4. Kiều Oánh Mậu về làng Tiên Hương năm 1910 để dự Hội Phủ Giầy (Dầy), mà ông gọi là "Tiên Hương đại hội" (Hội lớn ở làng Tiên Hương/xã Tiên Hương; hội lớn ở quê hương của Tiên), có thể ông đã thấy mã chữ "Phủ Dầy" tại thực địa (như ảnh), rồi chép lại.

Khi về nhà riêng, Kiều Oánh Mấu, sử dụng mã chữ "Phủ Dầy" như trên trong tác phẩm của mình.

Thú vị là, sau này, một số nơi, có bản sách in năm 1910 của Kiều Oánh Mậu thì đã chép luôn cả sách thành thần tích của làng/xã mình để gửi về cho EFEO năm 1938 (từ 1910 đến 1938 là cũng tới gần 30 năm sách ấy phổ biến trong toàn quốc). 

Mã chữ "Phủ Dầy" của Kiều Oánh Mậu trong sách 1910 ấy cũng được photocopy sang các văn bản khác.

Dĩ nhiên, gốc của mã chữ "Phủ Dầy" mà Kiều Oánh Mậu đã dùng năm 1910, có gốc từ quê hương Tiên Hương (xã Tiên Hương lúc bây giờ). Nghĩa gốc, nghĩa ban đầu của Phủ Dầy hay Phủ Giầy, là chỉ ngôi đền lớn thờ Tam vị Thánh Mẫu (trung tâm là Thánh Mẫu Liễu Hạnh) tại xã Tiên Hương thời Nguyễn.

Vai trò của bản in (sách in, tài liệu in), dù là khắc gỗ hay thạch bản, sau này là hoạt tự, đóng vai trò quan trọng trong truyền tải văn hóa và kĩ thuật nói chung, trong đó có một mảng là tôn giáo tín ngưỡng.

Tháng 3 năm 2025,

Giao Blog


1 nhận xét:

  1. Fb: https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid024DBFghzKtGU15AGk7Xrvjj2h9hYL1qnFsmNcikbTQT4EiDAVPmSy2wXECugaLtwzl

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.