Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/02/2025

Lịch sử và truyền thuyết - câu chuyện phục dựng nỏ thần An Dương Vương

Câu chuyện hạt lúa Thành Dền gắn với một sự kiện của khảo cổ học Việt Nam, mà trực tiếp là nhà khảo cổ Lâm Mỹ Dung, với kết luận chính thức: không phải lúa thời Hùng Vương (như nhóm các nhà khảo cổ học VN chủ trương), mà chỉ là hạt lúa Khang Dân (giống lúa mới rất cao sản nguồn gốc Trung Quốc) đã được chuột hay con gì đó mang xuống tầng khảo cổ "thời Hùng Vương". Trên Giao Blog, có thể đọc lại câu chuyện nhiều năm về trước đó, ở đây hay ở đây.

Nhìn chung, kết quả của ngành khảo cổ học, để được công nhận rộng rãi và thực sự khoa học thì cần phải qua nhiều lần kiểm chứng nghiêm ngặt. Nếu không có hỗ trợ của công nghệ cao từ nước ngoài, khả năng cao Việt Nam đã chủ trương tìm được giống lúa thời Hùng Vương (hóa thạch trong di tích khảo cổ học được khai quật vào đầu thế kỉ 21).

Ở Nhật Bản, vào đầu thế kỉ 21, cũng có sự kiện các nhà khảo cổ (một giáo sư và nhiều trợ lí và học trò) đã đem chôn cổ vật xuống lòng đất ! Rồi sau này, qua một thời gian, lại chính nhóm đó đào lên, công bố như sự kiện phát hiện chấn động. Thời kì đó, chúng tôi đang lưu học dài hạn ở Nhật Bản, trực tiếp nhận một số tư liệu thông báo về sự kiện đó, nên Giao Blog sẽ đề cập chi tiết hơn về sự kiện này, khi có điều kiện.

1. Bây giờ, chúng ta đến với câu chuyện nỏ thần An Dương Vương. Liên quan đến An Dương Vương thì là thời kì nhà Triệu, với vua mở nước là Triệu Đà và con trai Triệu Trọng Thủy (được cử sang An Nam đánh cắp bí mật về nỏ thần), thì trên Giao Blog có thể đọc nhanh ở đây hay ở đây.

Quả thực là chúng ta thấy có nhiều di vật của An Nam thời kì Đông Sơn (Hùng Vương, An Dương Vương) trong mộ của vua Triệu Hồ (vua thứ hai của nhà Triệu; Triệu Hồ có khả năng là con trai của Triệu Trọng Thủy - ông Thủy đã sang An Nam mà không làm vua, nên con trai ông lên làm vua thay ông). Mộ của Triệu Hồ được phát hiện năm 1983, nay trở thành bảo tàng, mà là bảo tàng của chính ngôi mộ đó !

Dẫu vậy, ta không thấy (hay chưa thấy) bóng dáng của nỏ thần hay vũ khí tương tự trong mộ của Triệu Hồ. Cũng có thể đến thời Triệu Hồ thì đã bình định xong An Dương Vương rồi, nên nhà Triệu không còn quan tâm đến chiếc nỏ đó nữa.

Việc nghiên cứu các di vật khai quật được từ mộ Triệu Hồ vẫn đang được tiếp tục, các kết quả đã được công nhận cũng đang cập nhật triển lãm cho du khách. Biết đâu đến một ngày, người ta tìm ra một cái bóng dáng gì, dù mờ mờ, dù rõ ràng, về chiếc nỏ của An Dương Vương !

2. Vào đầu thập niên 2020, các nhà khoa học Việt Nam đã phục dựng được nỏ thần An Dương Vương. Phía cơ quan quân đội đã cho thử nghiệm và báo chí đã đưa tin nhiều năm nay.

3. Phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì từ kết quả phục dựng nỏ thần đó, thì đã nhanh chóng công bố: vậy thì câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương là thật, là sự thực lịch sử, mà không phải truyền thuyết.

Đầu tiên, tập hợp tin tức và hình ảnh về việc phực dựng về đây đã.

Các việc thì quan sát và cập nhật/bổ sung dần tư liệu.

Tháng 2 năm 2025,

Giao Blog


---


Phục dựng nỏ thần An Dương Vương - VNEWS
7.018 lượt xem 8 thg 4, 2023 #tinthegioi #vnews #tintuc24h

https://www.youtube.com/watch?v=C_wjuYUbWMo



Sức mạnh 'nỏ thần An Dương Vương' sau khi phục dựng



---


24/12/2019 - 14:53

Kỹ sư tên lửa: "Nỏ thần" An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container?

Đầu tháng 12 vừa qua, kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh đã gửi tờ khai đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) để đăng ký phát minh sáng chế mang tên: “Nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ”. 

Bản thân anh Thanh cho rằng: rất có thể cách vận hành của chiếc nỏ này tương tự chiếc nỏ thần trong truyền thuyết của An Dương Vương. 

"Trước đây nhiều người nghĩ chi tiết "Nỏ Thần có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng" là hư cấu, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy đây là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chiếc Nỏ thần thể hiện cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt và đó là minh chứng cho sự phát triển trong sản xuất, chế tạo vũ khí bảo vệ quốc gia, dân tộc", anh Thanh chia sẻ.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 1

Kỹ sư tên lửa mê giải thích những vũ khí trong sử sách

Anh Vũ Đình Thanh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự của Tiệp Khắc cuối những năm 1980. Anh từng có bằng sáng chế về cánh tên lửa của Cộng hòa Cezch khi còn công tác tại một viện nghiên cứu kỹ thuật tên lửa của quốc gia này. Hiện nay anh đang làm việc tại một tập đoàn nghiên cứu, phát triển tên lửa hàng đầu thế giới.

Làm việc trong môi trường khoa học kỹ thuật tiên tiến tại nhiều quốc gia phát triển, nhưng anh Thanh rất quan tâm đến việc nghiên cứu về các loại vũ khí từng xuất hiện trong sử sách, văn học Việt Nam. 

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 2
Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 3

"Cách đây khoảng 3 tháng, tôi có nghiên cứu và viết bài về nguyên lý: vua Quang Trung phát hiện Phốt-pho và dùng nó để chống quân Thanh. Tình cờ một người bạn trong quân đội có nói rằng, tôi đã tìm hiểu về cách chống giặc của vua Quang Trung thì hãy thử đi tìm lời lý giải về cây nỏ thần của An Dương Vương xem sao. Từ lời gợi ý đó mà tôi lại tìm đọc lịch sử, về Việt Nam thăm bảo tàng và nghiên cứu để giải thích về chiếc nỏ bách phát bách trúng", anh Vũ Đình Thanh chia sẻ.

Chạm để bật tiếng

Kỹ sư tên lửa: "Nỏ thần" An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container?

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 4
Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 5

Anh Thanh cho rằng, chiếc nỏ có kết cấu khá đơn giản, dễ dàng tháo lắp. Các nguyên liệu tạo nên nó cũng không hề khó tìm kiếm. Cánh dây cung được anh tháo dỡ từ một chiếc cung thể thao.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 6

Ống tên và mũi tên là những bộ phận đặc biệt nhất quyết định đến sự khác lạ, hiệu quả của sáng chế này.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 7
Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 8

Sau khi đến xem những mũi tên đồng Cổ Loa vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. anh Thanh đã đặt thợ làm những mũi tên đồng có kích cỡ, hình dáng tương tự như vậy.

"Lần đầu tiên nhìn thấy mũi tên đồng Cổ Loa tại bảo tàng, tôi vô cùng thắc mắc là tại sao mũi tên lại ngắn như vậy. Mũi tên này chỉ dài từ 8 - 11 cm. Nó khác hoàn toàn tưởng tượng trước đó của tôi về độ dài mũi tên và kích cỡ chiếc nỏ", anh Thanh chia sẻ.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 9

Phát hiện đặc biệt

"Tôi cứ trăn trở mãi tại sao mũi tên lại ngắn thế. Nếu gắn thêm phần thân nữa thì gắn kiểu gì. Rồi tôi nghĩ đến phương án khác. Đó là việc những mũi tên này có thể được lắp vào một vật gì khác để bắn”, anh Thanh cho biết thêm.

Anh Thanh lại tiếp tục tìm kiếm tư liệu trong những nghiên cứu về nỏ thần trong truyền thuyết. Không lâu sau, anh tìm thấy thông tin mà PGS-TS Lê Đình Sỹ, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN giới thiệu tại hội thảo khoa học Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước cách đây nhiều năm. PGS-TS Lê Đình Sỹ có nhắc tới việc người dân Cổ Loa kể rằng, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Cổ Loa cũng có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ, trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa. Chiếc ống có lỗ này được phỏng đoán là ống để lắp tên bắn hàng loạt.

Từ những tư liệu lịch sử và kinh nghiệm của một kỹ sư tên lửa, vũ khí, anh Thanh đã nghĩ đến việc sử dụng một chiếc ống đựng mũi tên.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 10
Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 11

"Tôi chế ra một ống đựng mũi tên từ tre. Tôi nghĩ tre, nứa, bầu có thể là nguyên liệu được cha ông ta sử dụng vào thời điểm đó. Một đầu ống tre, tôi chế thêm chiếc nắp vừa lắp khít với ống và đục các lỗ để xếp mũi tên đồng".

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 12

“Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để “phanh” ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Mũi tên bay ra khỏi ống nỏ tương tự như khi bạn đi xe máy tốc độ nhanh, bạn đâm phải chướng ngại vật khiến xe máy dừng lại còn người ngồi trên xe bay về phía trước. Nghĩa là, các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường", anh Thanh giải thích.

"Nếu giữ nguyên lý này, các ống tên có thể chứa đến cả trăm mũi tên."

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 13
Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 14

Anh Thanh cũng trực tiếp trao đổi với nhiều đồng nghiệp, bạn bè là các chuyên gia vũ khí tại Nga - nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí thế giới.

“Họ rất thích các mũi tên đồng vì hình dáng khí động học khiến mũi tên có thể lao rất tốt. Các cụ đã tính toán được việc sức nặng dồn vào phía trước của mũi tên để nó có thể lao nhanh mạnh. Tôi cũng không thể lý giải nổi tại sao ông cha ta lại thông minh đến vậy", anh Thanh chia sẻ.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 15

Theo anh Thanh, nguyên lý  vận hành chiếc nỏ này rất gần với nguyên lý của tên lửa container. Nó là một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ. Khi bay xuống thì quả tên lửa to tách ra, các quả tên lửa nhỏ lại tiếp tục bay tiếp.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 16

Anh Thanh đã tính toán sơ bộ sức tác động của lực mũi tên bắn đi. Theo đó, lực bắn của mũi tên có thể đạt tới rất cao, thậm chí có thể bắn xuyên quả táo, ở cự ly khoảng 500 m. Điều này cũng thích hợp với việc truyền thuyết kể về chuyện nỏ thần có thể gây bất ngờ, sức sát thương lớn.

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 17

TS vật lý Nguyễn Văn Khải khi được anh Thanh giới thiệu về sáng chế này, ông nhận xét: "Nguyên lý thực hiện sáng chế không phức tạp nhưng rất thông minh. Tôi đã xem rất nhiều loại nỏ thần của các quốc gia nhưng loại nỏ sử dụng nguyên lý quán tính thì lần đầu tiên tôi thấy".

Kỹ sư tên lửa: Nỏ thần An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? - 18

Anh Thanh hy vọng có thể tặng sáng chế này cho các Bảo tàng để phục vụ việc phục dựng chính xác chiếc nỏ thần trong truyền thuyết.

Toàn Vũ

https://dantri.com.vn/khoa-hoc/ky-su-ten-lua-no-than-an-duong-vuong-hoat-dong-giong-ten-lua-container-20191224094505655.htm


..


Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: "Nỏ thần" không chỉ là truyền thuyết

Hà Trang

(Dân trí) - Dấu tích khu lò đúc đồng và nhiều khuôn đúc mũi tên bằng đá ở di tích Cổ Loa là chứng tích vật chất quan trọng cho thấy việc sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên là có thật.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 1

Đền Thượng - nơi thờ Thục Phán An Dương Vương.

Tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang lưu giữ những khuôn đá sa thạch dùng để đúc mũi tên và lao đồng có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, thuộc thế kỷ III - II TCN.

Đó là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa - thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 2

 Khuôn đúc mũi tên Cổ Loa đang được quản lý tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa.

Những bảo vật này được phát hiện cùng với di tích lò đúc đồng khi Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đào thám sát và khai quật khảo cổ học trước khi trùng tu di tích đền Thượng ở Cổ Loa từ năm 2004 - 2007.

Di tích lò đúc còn rõ cấu trúc đường ống dẫn gió vào lò, những tàn tích than tro của nhiên liệu đốt đậm đặc, kết hợp với những mang khuôn nguyên vẹn, mang khuôn vỡ, phác vật khuôn, phế vật, phế thải bỏ lại trong quá trình làm khuôn và nhiều đá nguyên liệu chế tạo khuôn cùng những mũi tên đồng, mảnh nồi nấu, xỉ đồng.

Trong số 11 mang khuôn đúc bằng đá được tìm thấy có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và một mang đúc mũi lao hình cánh én.

Theo các chuyên gia, đây là những hiện vật gốc, độc bản được phát hiện duy nhất cho tới nay ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.

Phát hiện này vô cùng quan trọng và giá trị để giải mã bí mật huyền thoại nỏ thần thời kỳ An Dương Vương.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 3
Chiêm ngưỡng khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương ở di tích Cổ Loa

Mang khuôn có hình vật đúc mũi tên đồng ba cạnh (trái) và mũi lao cánh én khai quật được.

Trong số 10 mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh có hai mang khuôn mặt ngoài được mài nhẵn và khắc chìm chữ Hán. Điều này cho thấy nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương dùng chữ Hán để khắc trên các hiện vật quan trọng như khuôn đúc, trống đồng.

Mặt ngoài mỗi mảnh mang được tạo thành hình đã định qua những nhát ghè đẽo sơ sài, đôi chỗ được mài sơ bộ. Mặt trong được chế tác kỹ lưỡng hơn rất nhiều, với kỹ thuật khắc, đục, mài, tu chỉnh để khi hai hoặc ba mang được ráp vào nhau tạo nên một sự trùng khít lý tưởng.

Trong số này, có hai mang khuôn khắc minh văn (chữ Hán), có một mặt ngoài được mài nhẵn, rìa cạnh khắc chữ. Do mang khuôn không còn nguyên vẹn nên chỉ còn hai chữ, trong đó có một chữ còn rõ là "Thần", viết là "臣", tạm dịch là "Quan". Chữ còn lại không rõ nghĩa có mặt ngoài được mài nhẵn, trên có chữ "Nhân", viết là "人", tạm dịch là "Người".

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 4

Mang khuôn khắc chữ Hán khai quật được (trái) và bản dập chữ Hán. Các chuyên gia mới chỉ phiên âm được một chữ "Thần", viết là "臣", tạm dịch nghĩa "Quan", chữ còn lại chưa giải mã được.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 5

Bản dập minh văn (chữ Hán) của một mang khuôn phiên âm là "Nhân", viết là "人", dịch nghĩa là "Người".

Ông Hoàng Công Huy - Lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa cho biết, sưu tập này là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng là hiện tượng khảo cổ học thứ ba ở Cổ Loa, sau kho mũi tên đồng Cầu Vực và trống đồng, lưỡi cày đồng Mả Tre.

"Cả ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng này đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ.

Sưu tập khuôn đúc ở đền Thượng đã đi vào nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học", ông Huy nói và cho biết, tháng 12/2020, sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được Thủ Tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 6

Minh họa quy trình đúc mũi tên đồng ba cạnh từ khuôn ba mang.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 7

Hàng nghìn di vật mũi tên đồng được tìm thấy ở di tích Cổ Loa. Các phát hiện khảo cổ mới này đã chứng tỏ trình độ kỹ thuật và tư duy bậc thầy của các nghệ nhân luyện kim thời Việt cổ.

Tận mắt khuôn đúc đồng Cổ Loa: Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết - 8

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh việc danh tướng Cao Lỗ sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên là có thật.

https://dantri.com.vn/van-hoa/tan-mat-khuon-duc-dong-co-loa-no-than-khong-chi-la-truyen-thuyet-20211216075733108.htm



..

18/07/2022 - 07:40

Vén bức màn bí ẩn về "nỏ thần" An Dương Vương trong huyền thoại

Sau khi có trong tay những mũi tên đồng từ hơn 2.000 năm trước, TS Nguyễn Việt đã cùng các nhà khoa học quân sự đi tìm sự thực về chiếc "nỏ thần chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy" mà chẳng cần đến chiếc móng của thần Kim Quy hay tướng quân Cao Lỗ.

Người Việt xưa nay đã quen với truyền thuyết kể rằng, thời Thục Phán - An Dương Vương, nước Âu Lạc sở hữu "nỏ thần" kỳ diệu, lẫy nỏ được làm từ chiếc móng của thần Kim Quy.

Người chế tác ra "nỏ thần" là tướng quân Cao Lỗ. Nỏ thần có sức mạnh diệu kỳ, có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên, "chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy" khiến quân địch khiếp sợ.

Đây là câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại. Tuy nhiên, trải qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã dần chứng minh được "nỏ thần" không chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Trong lịch sử, nó là loại vũ khí có thật với tên gọi nỏ Liên Châu, thể hiện tài năng quân sự tuyệt vời của nhân dân nước Việt.

"Đơn hàng" đặc biệt của vị tướng và nhà khoa học tài ba

Câu chuyện "nỏ thần" từ lâu đã gắn liền với mảnh đất Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội và vị tướng Cao Lỗ - người sau này được các nhà khoa học chứng minh là một nhân vật lịch sử có thật, tác giả của chiếc nỏ liễu, mỗi lần bắn ra được 10 mũi tên (theo Việt sử lược).

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 1

Hàng nghìn mũi tên đồng được tìm thấy ở di tích Cổ Loa. (Ảnh: H. T)

Chính tại di tích Cổ Loa, tháng 6/1959, trong khi thi công con đường từ Quốc lộ 3 đi qua khu di tích đến xưởng phim, tại khu vực có tên là Cầu Vực, người dân phát hiện một hố vuông mỗi cạnh gần 1m, sâu khoảng 1,2m. Bên trong hố vuông chứa gần 100kg mũi tên đồng, ước tính khoảng gần một vạn chiếc, với rất nhiều kích cỡ khác nhau.

Trong hố khai quật này chỉ có các bó mũi tên. Các nhà khoa học nhận định, các bộ phận khác như phần cán, phần đuôi thường được làm bằng các vật liệu hữu cơ nên có thể đã bị tan vào đất theo thời gian.

Khối mũi tên khổng lồ trong lòng đất khiến giới khoa học vô cùng tò mò về công dụng và mục đích sử dụng của chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, do chưa có điều kiện nghiên cứu nên những câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 2

Mũi tên của "nỏ thần" là mũi tên đồng 3 cạnh. (Ảnh: Hữu Nghị)

Khoảng 20 mũi tên trong số đó sau này được đem về tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Điểm đặc biệt của loại mũi tên này là có 3 cạnh chứ không phải 2 cạnh như nhiều loại mũi tên khác. Niên đại của chúng vào khoảng 2.000 - 2.500 năm trước, đúng vào giai đoạn diễn ra chiến thắng Cổ Loa.

Hàng loạt câu hỏi xoay quanh mũi tên đồng được đặt ra như: Thời xưa người Việt bắn mũi tên này bằng cái cung hay cái nỏ, hình dáng "vũ khí cổ" đó ra sao? Mức sát thương thế nào? Nó có mối liên hệ gì với truyền thuyết về An Dương Vương sai Cao Lỗ chế "nỏ thần" đánh giặc?

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 3

TS Nguyễn Việt dành nhiều năm nghiên cứu về vũ khí cổ. (Ảnh: Toàn Vũ)

Những câu hỏi trên vốn dĩ cũng là nỗi trăn trở suốt nhiều năm của TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. TS Việt vốn là một nhà khoa học lịch sử, lại có quãng thời gian cầm súng chiến đấu trong quân đội nên rất thích nghiên cứu về vũ khí. Ông từng cho ra đời cuốn sách "Quân thủy trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm".

Cùng có chung mối quan tâm, Bảo tàng  Lịch sử Quân sự Việt Nam khi ấy - đứng đầu là Thiếu tướng Lê Mã Lương đã giao cho Thượng úy Phạm Vũ Sơn làm đại diện tìm đến TS Nguyễn Việt. Đôi bên đã cùng bắt tay nghiên cứu phục dựng, chứng minh khả năng sát thương của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ đồng Đông Sơn cách nay 2.000 - 2.500 năm. 

Từ đó một "hợp đồng" đặc biệt giữa những người làm công tác bảo tàng và nhà khoa học nghiên cứu vũ khí cổ được ký kết.

Với TS Nguyễn Việt, ông gọi đó là đề tài "Phục dựng nỏ thần An Dương Vương" bởi chiếc "nỏ thần" từ xa xưa đã gắn với truyền thuyết An Dương Vương giữ nước. Mũi tên đồng tìm thấy tại di tích Cổ Loa lại có niên đại vào thời An Dương Vương lập nên và gìn giữ nhà nước Âu Lạc.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 4

Vén màn bí ẩn trong lòng đất từ cơ sở độc đáo về vũ khí cổ

Nhận "đặt hàng" từ vị tướng nổi tiếng để làm ra một chiếc nỏ mới chỉ được nhắc đến trong lịch sử, nhiều người cho rằng TS Nguyễn Việt quá ư mạo hiểm. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu về vũ khí cổ, vị tiến sĩ này đã tìm ra được không ít lát cắt thú vị để căn cứ vào đó vén bức màn sương khói, đưa "nỏ thần" ra khỏi truyền thuyết.

Ông cho hay: "Vào thế kỉ thứ 3-4 Trước CN, thế giới đã đạt được công nghệ chế tạo vũ khí (trong đó có nỏ). Khảo sát hiện vật dạng vũ khí đào được trong mộ Tần Thủy Hoàng, rồi các mộ khác nhau tương đương thời An Dương vương, ông học được kiến thức về các máy bắn đàn hồi của vùng Địa Trung Hải.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 5

 "Khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi có cơ sở khoa học để trình diễn rằng: Vào thời kì đó, cái nỏ sẽ như thế nào, truyền thống làm nỏ của vùng Đông Nam Á khi ấy ra sao", TS Nguyễn Việt chia sẻ.

TS Nguyễn Việt cũng tìm thấy nguồn sử liệu quan trọng để có cơ sở để kết luận rằng, nỏ là loại vũ khí được người Việt sử dụng từ xa xưa.

Ông kể: Theo nguồn sử liệu, khi sang đây đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã có một báo cáo gửi về cho Hán Quang Đế nói là sẽ mang về 3.000 người Lạc Việt bắn nỏ giỏi giang từ vùng Giao Chỉ để giúp cho triều đình. Lúc đó đang có loạn ở trong nội địa của nhà Hán. Điều đó có nghĩa là từ xa xưa, người Việt sử dụng nỏ là chính chứ không bắn cung.

Khi phục dựng "nỏ thần", TS Việt quyết định dựa vào mẫu Khổng Minh lấy được của Mạnh Hoạch (được mô tả lại trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung).

Theo các tài liệu ông tìm hiểu, vào đời Tống có bức tranh nói về nỏ Khổng Minh. Mạnh Hoạch chính là Lạc Việt, là Bắc của Lào Cai, Tây của Hà Giang, cả vùng Quý Châu (Trung Quốc). Chiếc nỏ đó rất giống nỏ của Đông Nam Á, của người Mường, của bà con vùng Tây Nguyên ở Việt Nam. Cánh nỏ dài khoảng 3m.

Với tất cả những tư liệu trên, TS Nguyễn Việt đã thuyết phục được Thiếu tướng Lê Mã Lương - đơn vị "đặt hàng" đồng ý với mô hình nỏ ông đưa ra.

Trong truyền thuyết lẫy nỏ làm bằng móng rùa nhưng TS Nguyễn Việt phán đoán, rùa là con vật tổ được cư dân Việt cổ tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sự thần kỳ và linh thiêng.

"Tôi cho rằng, kỹ thuật đúc mũi tên và kỹ thuật làm lẫy nỏ của thời đó tạo ra một dư âm vang vọng và đọng lại trong dân gian truyền thuyết mà chúng ta đang có. Sự thực của câu chuyện đó có lẽ chỉ là cái cách sáng chế để tạo ra loại vũ khí có tên nỏ Liên Cơ khi mà chỉ với một động tác có thể làm cho một loạt mũi tên văng đi", TS Việt nêu quan điểm.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 6

Khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương ở di tích Cổ Loa. (Ảnh: H. T)

"Năm 2005, khi tiến hành cuộc khai quật Đền Thượng (hay còn gọi là Đền An Dương Vương) tại di tích Cổ Loa, các nhà khảo cổ lại phát hiện ra lò đúc mũi tên đồng cùng các khuôn đúc mũi tên ba cạnh.

Những gì đã phát hiện cho phép xác định đây có thể là khu vực chuyên trách đúc mũi tên đồng để trang bị vũ khí cho quân binh", TS Nguyễn Việt nói.

Vén bức màn bí ẩn về nỏ thần An Dương Vương trong huyền thoại - 7

Thực hành bắn nỏ Liên Châu tại Hà Nội. (Ảnh: Đ. D. H)

Những nhà khảo cổ như TS Việt chỉ có trong tay mũi tên, nên họ phải kết hợp với đội ngũ làm khoa học quân sự để tạo ra một chiếc nỏ hoàn chỉnh. Công cuộc phục dựng "nỏ thần" có không ít câu chuyện thú vị thể hiện cái tài của những người làm khoa học. 

 (Còn nữa)

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Hữu Nghị

https://dantri.com.vn/doi-song/ven-buc-man-bi-an-ve-no-than-an-duong-vuong-trong-huyen-thoai-20220714142429134.htm


..










..




















..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.