Làng Kim Lũy, cũng gọi là Hoa Lũy (có sự thay đổi địa danh trong lịch sử) là quê nội quê ngoại của nhóm nhà văn độc đáo của Phủ Diễn Châu: Thanh Châu, Sơn Tùng, Thiên Sơn.
Kim Lũy hay Hoa Lũy ấy, nay thuộc vào xã Diễn Kim huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.
Tôi muốn nhìn quảng vực là "Phủ Diễn Châu" vì muốn nhìn ngắm rộng rãi hơn, gồm cả thị xã Cầu Giát với Đền Cờn, gồm cả Đông Thành hay Đông Lũy cùng Yên Thành ngày trước, gồm cả Diễn Châu ngày nay.
Cả một vệt ven biển, mà giao lưu lịch sử và văn hóa thì rất thú vị.
Đầu năm 2025, nhà văn Thiên Sơn có một tản văn sâu lắng về quê hương Hoa Lũy của anh. Câu chuyện kết hôn của cha mẹ Thiên Sơn thì tôi đã được mẹ anh và cha anh kể trực tiếp mấy lần. Mẹ hơn cha mấy tuổi, sau thì yêu cha rồi nên vợ nên chồng, bởi nhân duyên trời đất: khi đò bị đắm, mẹ không biết bơi đã được một chàng trai họ Nguyễn cùng làng cứu lên bờ.
Chàng trai họ Nguyễn ấy là một lão nông tri điền, một diêm dân của làng biển mặn mòi chang chang nắng, cũng lại là một người thợ cơ khí lành nghề, một người chủ nhiệm hợp tác xã dám nghĩ dám làm (ông đã dẫn dân làng đi miên Nam làm kinh tế mới lập lên các làng Hoa Lũy mới trong đó, lại tự mình mở ra cả công nghiệp liên quan đến phụ tùng ô-tô cho cả làng ở ven đường quốc lộ). Chữ của ông đẹp, nét chữ nét người. Ông là thành viên của Hội Thơ Đường của địa phương. Ông tự viết hồi kí cuộc đời mình và gần đây đã đem xuất bản.
Trân trọng giới thiệu bài tản văn của Thiên Sơn.
Tháng 1 năm 2025,
Giao Blog
---
...
NHỚ LÀNG XƯA…
Tản văn của nhà văn THIÊN SƠN
Có những đêm sâu khó ngủ ở thị thành, tôi ngồi lặng cảm nhận từng giọt thời gian nhỏ xuống lòng mình. Và như có một đôi cánh kỳ lạ nào đưa tôi bay về với những ngày thơ ấu ở quê hương. Từng kỷ niệm như thước phim quay chậm bỗng hiện hình trong tâm tưởng tôi những dáng nét thân quen của làng quê và những con người đã gắn bó từ cái thời xa thẳm…
Tôi bỗng hiểu vì sao thuở xa xưa làng
tôi có tên là làng Hoa Lũy. Đấy là cái tên đẹp đẽ, gắn với một xứ sở thơ mộng,
diễm kiều mà tổ tiên để lại cho người đời sau. Nhưng cái tên ấy giờ cũng đã
thành dĩ vãng sau bao biến thiên dâu bể của cuộc đời.
Tôi nhớ đến mẹ tôi thuở sinh thời tần tảo.
Mẹ tôi mồ côi cha từ tuổi lên mười. Bà ngoại tôi làm lụng vất vả nuôi năm người
con khôn lớn. Mẹ tôi là con thứ, xinh đẹp, đoan trang bậc nhất trong làng. Lớn
lên trong cảnh nghèo, mẹ tôi chuyên cần, nền nã, đằm thắm, ai gặp cũng mến,
cũng yêu…
Ghì néo lòng tôi là hình ảnh quê xưa, một
làng nghèo trước biển sau sông, tách biệt với những nơi phồn hoa đô hội. Từ
làng lên huyện có một con đường độc đạo, qua một bến đò quê. Những ngày chợ
phiên, hoặc những ngày giáp tết, các chuyến đò thường đông và nhiều khi nước
tràn vào cả trong nên phải vừa chèo đò vừa tát nước. Trong một lần đắm đò, đang
vật lộn giữa dòng nước xiết, mẹ tôi may mắn được cha tôi vớt lên. Hai người yêu
nhau từ đó và nên duyên vợi chồng, sinh ra anh chị em chúng tôi. Cha tôi vốn là
con một gia đình nho học, lớn lên có làm cán bộ thoát ly một thời gian rồi về
công tác ở địa phương, góp công cải tạo vùng quê nghèo trở thành một vùng ổn định
về kinh tế.
Vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập
niên 80 của thế kỷ trước, làng tôi nghèo lắm nhưng đẹp một cách lạ lùng.
Hồi ấy, hai bên đường lớn bao quanh làng
ken kín những hàng tre, ruối tạo nên một bức thành lũy. Phía sát biển là rừng
phi lao và rừng dừa, ven con sông Vích là rừng sú vẹt chắn gió chắn sóng. Trong
làng những ruộng dâu, những vườn cau, những thảm lá trầu đan bện như bức vách
hoặc những vườn chanh, vườn bưởi, vườn cam… tất cả tạo thành một không gian
xanh trù phú và đầy sức sống.
Nhà tôi ở ngay con đường lớn trung tâm của
làng. Tôi thường lẫm chẫm đi bộ đến trường mỗi sáng. Vừa đi có khi còn dừng lại
ngắt hoa và nghe chim hót. Trường lợp ngói âm dương đã ngả màu mận chín. Các
phòng học thấp và tối. Sân trường rợp bóng cây. Tôi còn nhớ rõ cây phượng già
cao lừng lững mỗi mùa hè lại trổ hàng ngàn, hàng vạn bông hoa đỏ, từ xa trông lại
như một bó đuốc khổng lồ đang rực cháy. Nhiều cây vông cổ thụ cao vút, tỏa ra
những cành sum suê xanh đậm. Nhiều cây bàng được trồng thành hàng thẳng tắp chìa
ra những cành xanh như những cánh tay vẫy vẫy khi gió đến.
Từ trục đường chính, nhiều con đường nhỏ
tỏa ra khắp nơi trong làng. Hồi ấy, đường làng tôi chỉ là những lối mòn trên đất
cát. Hai bên đường là những bụi tre, bụi ruối, phi lao ken dày như những bức tường
thành. Ban ngày nắng to đã có bóng cây che mát. Ban đêm tối đen tĩnh lặng thỉnh
thoảng mới lóe lên những tia đèn pin của người đi bộ hoặc những tia sáng mỏng
manh từ những chiếc xe đạp thỉnh thoảng lại vụt qua. Hai bên đường những ngôi
nhà thấp tè, lợp ngói âm dương, hoặc lợp tranh rạ hay lá mía giữa các khu vườn um
tùm.
Giữa làng tôi là một cây gạo cổ thụ cao
vút được ví như cái nóc của làng. Không ai biết rõ cây gạo có từ bao giờ. Người
dân làng truyền nhau rằng nó đã có mặt như một chứng nhân của làng từ hơn một
thế kỷ. Chuyện kể rằng những người dân chài lưới từ ngoài khơi xa, trước đây
thường nhìn ngọn cây gạo phượng như một ngọn hải đăng để làm chuẩn trở về sau những
ngày bám biển.
Ngày ấy ở làng tôi chim nhiều lắm. Trên
cánh đồng, từng đàn cò trắng bay lượn trong ánh chiều tà. Những đàn chim sẻ ríu
ran trên các cành cây. Trong ký ức của tôi còn có cả những con chim công, chim
phượng từ đâu bay về lượn vòng quanh làng rồi đỗ trên những cành cây cổ thụ. Vào
những ngày cuối thu đầu đông là dịp những đàn chim từ phương xa đi tránh rét vượt
biển bay vào làng. Chúng sà ngay xuống rừng phi lao ven biển, rồi từ đó tỏa dần
về phương nam. Cùng với những đứa trẻ trong làng, tôi cũng thường bỏ nhà đi ngắm
những đàn chim bay lia thia trong ánh chiều tà hoặc rải nhựa bắt chim mỗi buổi
bình minh. Chim nhiều không kể xiết. Mỗi loài lại có những nét riêng: hiền hậu
xinh đẹp hót hay như vàng anh; sặc sỡ và có cái mỏ dài, gọi lớn như chim trả;
nhanh nhẹn như chèo bẻo; hung dữ như chim cắt…
Ở quê tôi, người dân làm nhiều nghề để
sinh sống, trong đó chủ yếu là nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề đánh cá biển và
làm muối.
Trong ký ức của tôi không thể nào phai
nhòa được hình ảnh những con tằm ăn rỗi. Khi lá dâu vừa rải xuống nong, hàng trăm,
hàng ngàn con tằm liền nhào tới gặm cho đến lúc chỉ còn trơ ra những gân lá cứng
queo, chìa ra như những chiếc xương cá nhỏ; phải lắng tai một chút ta mới có thể
cảm nhận hết cái âm thanh rào rào, miên man, có khi bỗng chìm lắng rồi lại trồi
lên như tiếng nhạc vừa huyền bí lại quyến rũ lạ thừng. Tôi đã đứng hàng giờ xem
tằm ăn rỗi như thế và đợi tằm chín, cả thân hình chúng chuyển dần sang màu hồng
và bắt đầu nhả tơ, làm kén.
Tôi nhớ mẹ tôi ngồi rút tơ mỗi sáng, khi
ánh nắng hồng buông trải trong không gian xanh ngắt của khu vườn, tiếng ống
trúc rung ngân, réo rắt như tiếng nhạc làng quê. Tôi nhớ những lọn tơ trắng muốt
hoặc vàng hoe được hong khô trong mẹt ngoài sân những buổi trưa nắng đậm, và nhớ
tiếng quây tơ kẽo kẹt dưới ánh trăng vàng.
Nếu phần lớn phụ nữ trồng dâu nuôi tằm
thì đàn ông trong làng tôi phần lớn lại làm nghề chài lưới. Từ nhỏ tôi đã quen
với cảnh đan lưới, vá lưới, gắn phao, cặp chì trên từng tấm lưới. Cảnh hong lưới
sau mỗi chuyến ra khơi. Trên bờ biển những con thuyền cập bến lúc hừng đông náo
nhiệt. Những con thuyền nằm nghỉ ngơi trên cát trong tiếng sóng vỗ rì rầm… Tôi
nhớ như in những gương mặt sạm đen nắng gió của ngư dân, những con người lực lưỡng
can trường không ngại chi bão tố hiểm nguy mỗi chuyến ra khơi.
Tôi không rõ nghề làm muối quê tôi có tự
bao giờ. Nhưng tôi được cha tôi kể lại rằng: những ruộng muối hiện nay được xây
dựng phẳng lỳ trài tít tắp với những ô muối sạch đẹp trắng tinh phần lớn được
xây dựng vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Chính cha tôi là một trong những
người góp công xây dựng và đã thuê máy ủi về san lấp làm nên khu đồng muối này.
Có vẻ như nghề muối không phải nghề chính ở làng, nhưng đã thu hút hàng trăm
lao động. Nghề muối cũng là một nghề vất vả nặng nhọc, bởi những lúc nắng to
như đổ lửa, gió lào quất những cơn nóng hầm hập thì người làm muối phải trằn
mình giữa nắng làm việc luôn tay để lóng và chắt nước mặn, phơi muối, giẫy muối…
Từ những gáo nước mặn đầu tiên đổ lên khuông phơi đến những viên muối trắng
tinh là cả một hành trình vất vả, thấm đẫm mồ hôi của người làm muối.
Vất vả thế, vật lộn với cuộc mưu sinh đi
qua những năm tháng đói nghèo trong và sau chiến tranh, nhưng người dân quê tôi
lúc nào cũng hồn hậu yêu đời, yêu văn nghệ. Mỗi khi tết đến xuân về, các cụ già
râu tóc trắng thường làm thơ xuân và ngồi bên nhau nhấp chén rượu xuân, cùng
đàm đạo. Trong làng, có một người mê đắm đàn bầu và tiếng đàn của ông đêm đêm lại
ngân lên du dương, êm dịu trong cái thanh tĩnh lạ lùng của làng quê. Sau này,
khi lớn lên, trước khi chia tay nhau vào đại học hoặc tỏa đi làm việc khắp mọi
miền đất nước, đám bạn bè tôi thường tụ họp những tối thứ bảy bên chiếc ghi ta
và hát say sưa những bài hát tình yêu.
Như một thoáng chốc, thế mà đã ba mươi
lăm năm từ thuở tôi rời xa làng đi ra chốn thị thành. Thời đổi mới, hội nhập đã
mang lại sự no đủ cho biết bao con người. Những luồng văn hóa mới từ khắp hành
tinh dội lại như một dòng thác lũ. Gương mặt làng quê đã nhào nặn lại. Bây giờ
điện sáng thâu đêm. Tiếng nhạc Tây xập xình trong những quán café rực rỡ ánh
đèn màu. Ô tô đỗ kín dọc con đường lớn. Không còn cây gạo cổ thụ xưa. Không còn
những bụi ruối, hàng cau, những vườn cam sai quả trong làng, nhà cửa san sát,
quán hàng chưng ra không biết cơ man nào là hàng hóa.
Mỗi lần về quê, lòng tôi không khỏi vui
mừng cuộc sống ngày càng thay da đổi thịt, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi khi
vẻ đẹp xưa đã mất. Tôi về không gặp lại lớp người thân thiết thưở xưa. Bà tôi,
mẹ tôi, dì tôi, cậu tôi, bác tôi… đã về thế giới nào xa thẳm. Những câu bạn học
trò bạn tôi, nghịch như quỷ sứ ngày xưa giờ tóc đã điểm bạc, vết thời gian đã in
hằn trên gương mặt ngang dọc nếp nhăn. Lớp người sau thì đã lớn, gặp nhau họ chỉ
nói chuyện học hành và những mơ ước xa xăm…Không ít lần tôi đứng lặng bên bến
đò xưa giờ đã thành cây cầu lớn và nhớ lại câu chuyện đắm đò của cha mẹ tôi. Đi
dọc bờ đê và nhớ lại những kỷ niệm một thời thơ ấu, nơi dấu chân tôi đã in hằn
trên con đường nhỏ ngoằn nghoèo, hoặc đứng trước biển để cảm nhận cái mênh mông
vô tận của đất trời. Tôi muốn gọi tên cái làng cũ của tôi, gọi tên những người
thân yêu đã hóa thân vào hoa cỏ. Và bỗng nhiên, từ đâu đó quanh tôi như ngân
vang một tiếng vọng. Một tiếng vọng huyền bí, sâu trầm và da diết xao động tim
tôi…
Hà Nội, ngày giáp tết Ất Tỵ.
T.S
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.