Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/12/2024

Cải cách hành chính 2024 - 2025 : tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả

Bắt đầu điểm tin từ 1/12/2024.

Thông tin cập nhật từ các nơi.

Tháng 12 năm 2024,

Giao Blog


---

Thu Hằng

Sau khi sắp xếp, hợp nhất, dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ và rất nhiều các tổ chức bên trong.

Trao đổi với VietNamNet về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, tổ chức bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến được tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối.

Như vậy, dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ đúng như định hướng của Trung ương.

Cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất nhiều bộ, cơ quan ngang bộ

Theo đó, các bộ ngành thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong gồm có: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (2 bộ này thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị); Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Riêng Bộ Quốc phòng, ngoài việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong, dự kiến sẽ tiếp nhận thêm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

W-phamthithanhtra0.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, từ định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ xây dựng phương án hiện nay, Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 15 bộ, cơ quan ngang bộ.

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, phương án của Chính phủ đưa ra là kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Chính phủ. Đồng thời, kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Cụ thể là hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.

Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Việc hợp nhất 2 bộ này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học…

Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

Ngoài ra có một số bộ, ngành được sắp xếp lại gồm Bộ: Y tế, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc. Cụ thể, Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ từ Bộ Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra phương án sắp xếp đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác.

Sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối

Với phương án này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa 15 và khóa 16 (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn còn: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).

Về tổ chức bộ máy bên trong, tính sơ bộ dự kiến sẽ giảm: 10/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; 52 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 75 cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 61 vụ và tương đương thuộc tổng cục; 264 cục và tương đương thuộc tổng cục, giảm khoảng 15-20% đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, nếu thực hiện theo phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị). Con số này sẽ lớn hơn rất nhiều khi tính cả các tổ chức thuộc diện hợp nhất do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhập các bộ.

Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ về cơ bản sẽ khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.

Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh đến việc cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp.

Việc này nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Để tránh tình trạng hợp nhất cơ học, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một bộ trước mắt có thể duy trì 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên 

Đối với các cơ quan báo chí của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, phương án Chính phủ đưa ra tương tự như định hướng của Trung ương.

Cụ thể là kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC. Các chức năng, nhiệm vụ của các đài truyền hình này sẽ được chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Ngoài ra, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.

Liên quan đến sắp xếp các cơ quan báo, tạp chí khác, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 1 cơ quan báo  (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và 1 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).

Trong quá trình sắp xếp các bộ, trường hợp có 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Những bộ ngành, cơ quan sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động

Những bộ ngành, cơ quan sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động

Theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mới được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng báo cáo, nhiều cơ quan Đảng; bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; các cơ quan của Quốc hội sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động.

https://vietnamnet.vn/bo-may-chinh-phu-se-tinh-gon-the-nao-sau-sap-xep-hop-nhap-bo-nganh-2348278.html?fbclid=IwY2xjawG88QZleHRuA2FlbQIxMQABHRJRePnCJLAKDOFCHUy9kfXAsUBvO-qPfIDlY4UD_Sj7w8-C7T_qf2edkA_aem_zLNC3ccMxQmHqdxMJA3r_A


..



Chính trịChủ Nhật, 01/12/2024 12:36:00 +07:00

(VTC News) - 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu phương án nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị ở các ban Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đề cập khi truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW tại hội nghị sáng 1/12.

Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

Nghiên cứu sáp nhập các cơ quan Đảng

Về phương án cụ thể, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, phương án chung sẽ nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.

Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.

"Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí", ông Lê Minh Hưng nói.

Cụ thể, đối với các cấp Ủy, tổ chức Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.

Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.

Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.

Nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các Ban Đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản. Giao các Ban Đảng Trung ương, Tạp chí Cộng sản chịu trách nhiệm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân. Giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân dân chịu trách nhiệm chính về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

"Tập trung xây dựng báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị và được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi hoạt động", ông Lê Minh Hưng nói.

Cùng với đó, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các ban Đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo ông Lê Minh Hưng, nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, chuyển các tổ chức Đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của Đảng bộ doanh nghiệp).

Nghiên cứu lập Đảng bộ Chính phủ và Đảng bộ Quốc hội

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức Đảng trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số Đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước. Riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay.

Đảng ủy Chính phủ ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự Đảng như hiện nay. Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của Chính phủ và các cấp ủy trực thuộc.

Đảng ủy Chính phủ gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Thủ tướng làm Bí thư; các Phó Thủ tướng, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí 1 Phó Bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy; quy định Ban Thường vụ Đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Ban Cán sự Đảng Chính phủ hiện nay.

Bên cạnh đó, kết thúc hoạt động của các Ban Cán sự Đảng, lập Đảng bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và 1 Phó Bí thư chuyên trách.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông tin, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Quốc hội.

Đảng ủy Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp ủy trực thuộc.

Đảng ủy Quốc hội gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư, các Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể bố trí 1 Phó Bí thư chuyên trách.

Bộ Chính trị chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; quy định Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn Quốc hội hiện nay.

Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ).

Nghiên cứu lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Đảng đoàn các tố chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng ở các cơ quan thuộc khối MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Ủy ban Trung ương MTT Việt Nam.

Đảng ủy MTTQ Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối MTTQ Việt Nam và các cấp Ủy trực thuộc.

"Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, giảm 25 Ban cán sự Đảng, giảm 16 Đảng đoàn trực thuộc Trung ương và tăng 2 Đảng ủy trực thuộc Trung ương", ông Lê Minh Hưng nói.

Đề xuất giảm 5 Bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. (Ảnh: quochoi.vn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. (Ảnh: quochoi.vn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông tin về định hướng phương án nghiên cứu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể:

Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính.

Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, chuyến đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.

Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường; chuyển một số nhiệm vụ khác về các Bộ và các cơ quan liên quan.

Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan liên quan.

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.

Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.

Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu đề xuất kết thúc nhiều mô hình 

Ông Lê Minh Hưng cho biết, nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Giao Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

"Tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia. Tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động", ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành. Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

"Thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 Bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ", ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nói.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: quochoi.vn)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: quochoi.vn)

Giảm 4 Ủy ban của Quốc hội

Trình bày phương án sáp xếp, tinh gọn bộ máy đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ​Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục; sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.

Bên cạnh đó, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện. 

Ngoài ra, nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội. Nghiên cứu chuyển các Vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Ông Lê Minh Hưng, kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Giao Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

"Không bố trí chức danh Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách. Thực hiện phương án này, giảm được 4 Ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nói.

Phương án với Mặt trận Tổ quốc và các Hội

Đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.

Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Định hướng với các địa phương

Đối với các địa phương, ông Lê Minh Hưng nêu rõ, cấp Ủy, Ban thường vụ cấp Ủy, cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.

Cùng đó là kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy khối cấp tỉnh; lập 2 Đảng bộ trực thuộc cấp Ủy cấp tỉnh.

Trong đó Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm:

Các tố chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.

Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tuy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện).

Có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND cấp tỉnh.

Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc cấp Ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự Đảng như hiện nay.

Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của UBND cấp tỉnh và các cấp Ủy (Chi bộ) trực thuộc.

Dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác Đảng vụ của Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về Đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban Đảng cấp Ủy cấp tỉnh thực hiện.

Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.


Anh Văn

https://vtcnews.vn/de-xuat-giam-4-ban-dang-5-bo-2-co-quan-thuoc-chinh-phu-4-uy-ban-cua-quoc-hoi-ar910730.html?fbclid=IwY2xjawG5ioNleHRuA2FlbQIxMQABHe2Lc5-MIX2LJwRLL6b6l0ojp0hcb0hCRaZpfJA-nWI5zLr9Tti5dRtz5g_aem_qlDnbgjcrJO7Wot6iR29Ew


..



---

CẬP NHẬT


5.







4. Cập nhật ngày 19/12/2024


"


Nhận được bản sao Công văn số 2292/KH-KHXH ngày 19/12/2024 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Kế hoạch Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”. Trong đó có :
1. Hợp nhất Ban Quản lỹ khoa học và Ban Kế hoạch – Tài chính thành Ban Kế hoạch, tài chính và Quản lý khoa học;
2. Sáp nhập Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin vào Văn phòng Viện Hàn lâm;
3. Hợp nhất Viện Địa lý nhân văn và Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng thành Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bên vững;
4. Hợp nhất Viện Nghiên cứu Con người và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thành Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới;
5. Hợp nhất Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên thành Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên;
6. Hợp nhất Viện Nghiên cứu Hán – Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội thành Viện Thông tin Khoa học xã hội và Nghiên cứu Hán – Nôm.
7. Hợp nhất Viện Nghiên cứu Trung Quốc với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thành Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương.
8. Hợp nhất Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Tạp chí Khoa học xã hội thành Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học xã hội;
9. Hợp nhất Viện Xã hội học và Viện Tâm lý học thành Viện Xã hội học và Tâm lý học;
10. Hợp nhất Viện Dân tộc học và Viện Nghiên cứu Tôn giáo thành Viện Nghiên cứu Dân tộc và Tôn giáo;
11. Hợp nhất Viện Nghiên cứu Châu Âu và Viện Nghiên cứu Châu Mỹ thành Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ;

12. Hợp nhất Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và Viện Kinh tế Việt Nam thành Viện Nghiên cứu Kinh tế;










"

https://www.facebook.com/long.ngothe.12/posts/pfbid0sMKeiafVDd4fMaJuhyhy41S6Hkdq9rpWKtrSY2DcyzYjgA2B2tBQBTzT9JLYeVi9l



3.


Khi chúng ta thiết kế lại bộ máy, nên theo ba cấp chính quyền như chuẩn chung của đa số các nước thế giới. Hiến pháp năm 1946 đã thiết kế ba cấp chính quyền, năm cấp hành chính, nhưng tiếc là bộ máy đó chưa vận hành nên chúng ta chưa có bài học.

LTS: Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban chấp hành Trung ương đã quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị. Tuần Việt Nam đăng tải tuyến bài trao đổi với các chuyên gia gợi ý các giải pháp cho cuộc cách mạng này.

Xem lại bài 1: “Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”

Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp phần hai cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thưa ông, Hội nghị Trung ương vừa rồi đưa ra một ý là cần học kinh nghiệm trên thế giới khi tinh gọn bộ máy. Là người nghiên cứu sâu về thể chế, xin ông vắn tắt các mô hình trên thế giới?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Thế giới có 4 mô hình cơ bản.

Mô hình thứ nhất là song trùng giám sát (duel supervision) mà nhiều nước áp dụng, đặc biệt là Pháp, gần ta đây là Thái Lan.

Đây là mô hình tập quyền cho trung ương khá mạnh. Bộ nội vụ giám sát các chính quyền địa phương về hành chính; các bộ chuyên ngành giám sát về chuyên môn.

Mô hình này có từ thời đế chế La Mã. Khi đế chế này xâm chiếm gần như toàn bộ Châu Âu, họ đã không phá bỏ cơ cấu quản trị bản địa, mà chỉ cử đại diện của mình xuống để cai quản.

Một phần của mô hình này đã từng tồn tại ở Việt Nam trước năm 1945, khi Pháp cử đại diện của mình đến cả Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.

Mô hình thứ hai là mô hình điều chỉnh (regulation), theo đó luật pháp phân chia quyền nào cho trung ương thì không phân chia cho địa phương và ngược lại. Mô hình này được áp dụng ở Anh và các nước theo truyền thống Anh-Mỹ.

Ví dụ ở Bỉ, các quyền về kinh tế được phân chia cho ba vùng, các quyền về văn hóa cho 3 cộng đồng; còn những vấn đề về ngoại giao, quốc phòng, an ninh thuộc thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương. Họ chia quyền như vậy, thì chính quyền trung ương không có bộ máy to lớn để quản lý kinh tế nữa.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Khi chúng ta thiết kế lại bộ máy, nên theo ba cấp chính quyền như chuẩn chung của đa số các nước thế giới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một ví dụ khác là Mỹ, nếu chính quyền trung ương có quyền của mình, thì các tiểu bang cũng có quyền của họ. Khi tiểu bang giữ quyền nào, thì họ có bộ máy đó để thực thi, còn trung ương sẽ không có bộ máy như vậy. Ông Donald Trump dọa bỏ Bộ Giáo dục của Mỹ là bởi vì quyền giáo dục chủ yếu thuộc về các tiểu bang. Bộ giáo dục của Liên bang chủ yếu chỉ có vai trò điều phối và hỗ trợ là chính.

Mỹ có ba cấp chính quyền là liên bang, tiểu bang và địa phương (thành phố, thị trấn). Theo mô hình này thì chính quyền Trung ương là khá bé, chỉ có 15 bộ.

Mô hình thứ ba là mô hình bổ trợ (subsidiarity). Mô hình này có nghĩa là cái gì cấp dưới làm được thì giao hết cho cấp dưới, chỉ có cái gì không làm được thì mới chuyển lên trên cho cấp trên. Mô hình này xuất phát từ bối cảnh lịch sử và triết lý chính trị đặc thù của Đức và châu Âu. Nó có nguồn gốc từ sự phát triển lịch sử và phản ánh cách các tiểu vương quốc Giéc-manh  từng hợp nhất để bảo vệ lợi ích chung mà không từ bỏ hoàn toàn quyền tự trị của mình.

Nhật Bản tổ chức bộ máy theo mô hình bổ trợ. Họ chỉ có 13 bộ vì cấp tỉnh làm hết rồi. Chỉ những việc gì cấp tỉnh không làm được thì trung ương mới làm. Thành thử, theo nguyên tắc này thì bộ máy biên chế của trung ương cũng rất bé, vì họ đã phân quyền hết cho địa phương.

Về phân cấp, từ mấy chục quốc gia mà tôi được biết và có dịp đi nghiên cứu, khoảng 80% các nước trên thế giới có ba cấp chính quyền; có 15% các nước có hai cấp chính quyền; chỉ có 5% các nước còn lại là có bốn cấp chính quyền. Việt Nam nằm trong số ít nhất này.

Vậy mô hình tổ chức của Việt Nam là mô hình gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Mô hình của Việt Nam là song trùng trực thuộc (duel subordination). Đây là mô hình thứ tư của thế giới. Về bản chất, các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đều theo mô hình này. Nước ta theo mô hình này kể từ khi chúng ta ban hành Hiến pháp năm 1960.

Trung Quốc cũng theo mô hình này nhưng họ đã đổi mới rất nhiều. Họ chỉ còn tập quyền về chính trị, nhưng lại phân quyền rất mạnh về kinh tế cho địa phương; và vì thế họ cải cách và phát triển rất nhanh.

Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã tạo nền tảng pháp lý để phân quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng khi làm Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương thì chúng ta lại chưa thực hiện tốt điều này.

Mô hình song trùng trực thuộc mà nước ta đang theo biểu hiện như thế nào, xin ông mô tả?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta theo mô hình song trùng trực thuộc, tức là bộ máy trải dài theo chiều dọc từ trên xuống và theo chiều ngang, vì thế bộ máy không thể nhỏ được. Ví dụ, các sở vừa trực thuộc bộ, vừa trực thuộc ủy ban nhân dân.

Hơn nữa, chúng ta có 4 cấp chính quyền, nên bộ máy lại càng lớn hơn của các nước. Gần đây, một số cải cách đã được triển khai để giảm bớt các cấp chính quyền ở đô thị. Ví dụ, ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản là có chính quyền hai cấp, tức là cấp trung ương và cấp thành phố là hết; ở Hà Nội có ba cấp chính quyền là trung ương, thành phố và quận.

Vấn đề là các địa phương này chỉ bỏ hội đồng thôi. Còn các hệ thống khác vẫn y nguyên.

Bên cạnh đó, pháp luật lại được thiết kế theo cách làm phình bộ máy. Ví dụ, một dự án đầu tư công phải qua mọi cấp, qua Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở liên quan, qua Ủy ban Nhân dân, qua Hội đồng Nhân dân, lên trên thì qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư rồi mới lên đến Chính phủ.

Một bộ máy nặng nề với tư duy "cấm đoán" thường làm hạn chế đổi mới, sáng tạo và tính hiệu quả trong hoạt động công. Ảnh: Hoàng Giám

Tôi cho rằng, tới đây đồng thời với việc sáp nhập các bộ, cần xem xét sửa cả luật nữa không là ách tắc khắp nơi.

Khi thiết kế lại bộ máy, theo tôi, nên theo ba cấp chính quyền như chuẩn chung của đa số các nước thế giới. Hiến pháp năm 1946 đã thiết kế ba cấp chính quyền, năm cấp hành chính, nhưng tiếc là bộ máy đó chưa đi vào vận hành nên chúng ta chưa có bài học.

Rõ ràng, về mặt lý thuyết thì mô hình song trùng trực thuộc khó có thể thu nhỏ bộ máy.  Nhưng hệ quả của bộ máy cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, có thể gây lãng phí, cản trở tiến trình phát triển.  

Nghị quyết 18 ngày 25 tháng 10 năm 2017 đã đặt ra yêu cầu về việc tinh gọn. Tổng bí thư Tô Lâm - người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện nay đã quyết tâm thực hiện với một tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. 

Sẽ còn nhiều việc cần phải làm, kể cả xem xét thay đổi luật/xem xét mô hình… nhưng trước mắt, việc tinh gọn bộ máy cần bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thưa ông, Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Ông nghĩ cách tiếp cận đó sẽ tác động như thế nào đến (tinh giản) bộ máy?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Yêu cầu từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" của Tổng Bí thư là một tư tưởng đổi mới quan trọng, nhấn mạnh sự thay đổi từ quản lý theo kiểu hạn chế sang quản lý theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ.

Tư duy "không quản được thì cấm" dẫn đến việc chính quyền can thiệp quá sâu vào nhiều lĩnh vực, tạo ra các quy định chồng chéo và cơ chế giám sát phức tạp. Điều này đòi hỏi bộ máy phải cồng kềnh để thực thi.

Chuyển từ "cấm" sang "tạo điều kiện" sẽ giảm bớt số lượng quy định không cần thiết, dẫn đến việc giảm khối lượng công việc quản lý và bộ phận nhân sự phụ trách.

Khi nhà nước tự mình gánh vác hoặc kiểm soát mọi lĩnh vực, bộ máy nhà nước sẽ phải mở rộng để xử lý các nhiệm vụ mà thực chất có thể để xã hội hoặc thị trường đảm nhận.

Tư duy "cấm đoán" dẫn đến việc phải tạo ra các quy trình phức tạp để kiểm soát, đòi hỏi nhiều cấp trung gian và sự tham gia của nhiều cơ quan. Khi các quy định được đơn giản hóa và tập trung vào giám sát thực chất thay vì kiểm soát chi tiết, các cơ quan trung gian không cần thiết sẽ bị loại bỏ, góp phần tinh giản bộ máy.

Một bộ máy nặng nề với tư duy "cấm đoán" thường làm hạn chế đổi mới, sáng tạo và tính hiệu quả trong hoạt động công. Tư duy quản lý linh hoạt, hỗ trợ sự phát triển sẽ thúc đẩy các cơ quan và cán bộ công chức chủ động tìm kiếm giải pháp mới, đồng thời giảm thiểu tình trạng trì trệ.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen quản lý theo tư duy "cấm đoán" cần thời gian và nỗ lực đào tạo. Khi giảm bớt quy định và bộ máy, cần tăng cường các cơ chế minh bạch và chịu trách nhiệm để tránh lạm quyền hoặc bỏ sót quản lý.

“Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”

“Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”

“Đảng quyết định chủ trương, đường lối phát triển. Quốc hội sẽ biến các chủ trương đó thành pháp luật, chính sách và Chính phủ thực thi. Những chính khách tài giỏi thiết kế các chủ trương phát triển phải tập trung bên Đảng” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
‘Tránh bao biện, làm thay, hoặc tồn tại song trùng’

‘Tránh bao biện, làm thay, hoặc tồn tại song trùng’

Khi nói chuyện chuyên đề với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ một số giải pháp chiến lược để đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

https://vietnamnet.vn/viet-nam-nen-theo-mo-hinh-3-cap-chinh-quyen-2348250.html



2.

05/12/2024 22:04 GMT+7


Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các cơ quan đơn vị trong tháng 12 phải hoàn thành và trình đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Trung ương và Quốc hội dự kiến họp bất thường đầu năm 2025 về tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 5-12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết nghị quyết 18 Lê Minh Hưng đã ký công văn về triển khai nhiệm vụ tổng kết nghị quyết 18.

Đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương

Nội dung này để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương nghiên cứu đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công văn đã nêu rõ các nhiệm vụ và ngày hoàn thành từng nhiệm vụ.

Theo đó, thời gian tổ chức Hội nghị Trung ương dự kiến giữa tháng 2-2025 và kỳ họp Quốc hội bất thường dự kiến cuối tháng 2-2025.

Để bảo đảm thời gian tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo yêu cầu:

- Các ban đảng Trung ương chủ trì xây dựng đề án rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối cấp vụ, cấp phòng, đơn vị, tổ chức trực thuộc; trình Bộ Chính trị ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy (hoàn thành trước ngày 31-12).

Rà soát các ban chỉ đạo do cơ quan, đơn vị là cơ quan thường trực, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết thúc hoạt động (hoàn thành trước ngày 31-12).

Kết thúc hoạt động của các tạp chí, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng Sản (hoàn thành trước ngày 15-12).

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì xây dựng đề án kết thúc hoạt động của báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về báo Nhân Dân (hoàn thành trước ngày 15-12);

Chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (hoàn thành trước ngày 31-12).

- Báo Nhân Dân chủ trì xây dựng đề án kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam (hoàn thành trước ngày 15-12).

Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (hoàn thành trước ngày 31-12);

- Tạp chí Cộng Sản chủ trì, phối hợp chuyển giao, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của các tạp chí của các ban Đảng Trung ương; phối hợp thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế của các tạp chí hiện nay (hoàn thành trước ngày 31-12).

- Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chủ trì, phối hợp xây dựng đề án kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương.

Đề xuất phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hiện nay (hoàn thành ngày 15-12).

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ

Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về việc tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

Trước ngày 31-12, trước khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương về:

+ Nghị quyết của Chính phủ về việc giải thể Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

+ Quyết định của Thủ tướng về việc giải thể Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

+ Các quy định pháp luật để sắp xếp 2 đại học quốc gia và 2 viện hàn lâm khoa học.

+ Sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (không thực hiện sắp xếp theo gợi ý, định hướng của Bộ Chính trị) theo hướng rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp tinh gọn các vụ, đơn vị, tổ chức.

Kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam; sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành (hoàn thành trước ngày 15-1-2025).

+ Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy (hoàn thành trước ngày 20-12).

+ Chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Học viện Hành chính quốc gia về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (hoàn thành trước ngày 31-12).

Đối với các cơ quan thuộc Quốc hội

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Trước ngày 31-12, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các quy định để:

+ Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

+ Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+ Quy định không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm.

- Hoàn thành trước ngày 31-12 việc kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và các đảng đoàn, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước

Công văn nêu rõ giao nhiệm vụ:

- Xây dựng đề án sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.

Rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối cấp ban, cấp phòng, đơn vị, tổ chức trực thuộc; chủ trì, phối trình Bộ Chính trị ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội (hoàn thành trước ngày 31-12).

- Rà soát các ban chỉ đạo do tổ chức mình là cơ quan thường trực, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết thúc hoạt động (hoàn thành trước ngày 31-12).

- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp nghiên cứu mô hình tổ chức Đoàn tại các đảng bộ mới trực thuộc Trung ương (hoàn thành trước ngày 31-12).

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trực tiếp người đứng đầu:

Tập trung chỉ đạo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay các công việc được giao, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đề án về Ban Chỉ đạo trước 15h ngày thứ sáu hằng tuần.

Trung ương và Quốc hội dự kiến họp bất thường đầu năm 2025 về tinh gọn bộ máy - Ảnh 3.Phương án cụ thể sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

https://tuoitre.vn/trung-uong-va-quoc-hoi-du-kien-hop-bat-thuong-dau-nam-2025-ve-tinh-gon-bo-may-20241205215154451.htm?fbclid=IwY2xjawG_hZFleHRuA2FlbQIxMQABHc5Eplaw85SVmNO1kbbR3l7cEGPixJUhW00r5-zDEG49v3vIfA90V0wU-w_aem_9L5jDitYtaG0uktQZ0Ki4w



1.








..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.