Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/10/2024

Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” - đúc mới năm Minh Mệnh 8 (1827)

Bài trên website của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Đoạn mở đầu thì thật vẫn quan ngại, là thế này:

"Theo các kết quả nghiên cứu, ấn Sắc mệnh chi bảo có từ triều Trần được làm bằng chất liệu gỗ (trong đợt khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện ấn cùng loại bằng gỗ trên mặt có khắc Sắc mệnh chi bảo). Đây là ấn của vua Trần Thái Tông (1225-1258) dùng để ban bố mệnh lệnh, sắc chỉ trong giai đoạn những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258)."

Hóa ra mảnh gỗ mới tìm được ở Hoàng thành Thăng Long gần đây, thật sự là cái ấn "Sắc mệnh chi bảo" đầu tiên của Đại Việt chăng ?

Vậy là "Sắc mệnh chi bảo" đã có từ năm 1258 dưới triều Trần rồi !

Nghe hơi có màu sắc hạt lúa Thành Dền, vốn có thuyết mạnh là giống lúa thời các Vua Hùng với chàng Lang Liêu danh tiếng ! Nhưng đi làm "căn cứ" khoa học, thì rút cục: giống lúa Khang Dân có gốc Trung Quốc, tức đời hiện đại mới tinh ! Vụ thành Dền thì trên Giao Blog, xem lại ở đây, gắn với tên tuổi của học giả Lâm Mỹ Dung.

Dưới là chép nguyên bài.

Tháng 10 năm 2024,

Giao Blog


---


Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” Tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827

 09:04 AM 14/02/2016

Theo các kết quả nghiên cứu, ấn Sắc mệnh chi bảo có từ triều Trần được làm bằng chất liệu gỗ (trong đợt khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện ấn cùng loại bằng gỗ trên mặt có khắc Sắc mệnh chi bảo). Đây là ấn của vua Trần Thái Tông (1225-1258) dùng để ban bố mệnh lệnh, sắc chỉ trong giai đoạn những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258).

1

Ấn Sắc mệnh chi bảo.


2

Bản dập Ấn Sắc mệnh chi bảo.

Việc đúc ấn vàng, ấn bạc dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại chính thức được bắt đầu từ đời Lê Thái Tông triều Lê Sơ. Sự kiện này đã được chính sử ghi vào năm Thiệu Bình thứ 2 (1435) đã hoàn thành việc chế tác sáu quả ấn quý. Trong đó có ấn Sắc mệnh chi bảo để dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt, cùng các việc lớn.

Tiếp đến triều Mạc, vẫn dùng theo cách của triều Lê Sơ, các văn bản đều được đóng dấu Sắc mệnh chi bảo ban bố đến các địa phương. Dấu tích là hai điểm di tích thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Tại đền Quang Lãng, xã Thụy Hải, Kiến Thụy, Thái Bình hiện vẫn lưu giữ sắc phong niên đại năm Minh Đức nguyên niên (1527) đời Mạc Đăng Dung, Quảng Hòa sơ niên (1540) đời Mạc Đăng Doanh và năm Sùng Khang thứ 9 (1547) đời Mạc Mậu Hợp.

Đến triều Lê Trung Hưng, ấn Sắc mệnh chi bảo được làm từ triều Lê Sơ vẫn được sử dụng, các vua triều Lê Trung Hưng đóng trên sắc phong theo quy định của các bậc tiền đế.

Dưới triều Tây Sơn (triều Quang Trung và Cảnh Thịnh) dùng ấn Sắc mệnh chi bảođóng trên sắc phong cho quan lại tướng lĩnh có công.

Cho đến ngày nay, ngoài chiếc ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo mới được phát hiện và đang được lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long thì các ấn từ triều Lê Sơ đến Tây Sơn đều không còn.

4

 

Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1801).

5

Sắc phong niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847).

Triều Nguyễn (1802 – 1945), là triều đại cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Trong suốt 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 ấn bằng vàng và bằng ngọc. “Kim ngọc bảo tỷ là ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, ấn được làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ, ấn được đúc bằng vàng bằng bạc gọi là kim bảo tỷ” [1].

Do chiến tranh loạn lạc, một số ấn quý đang lưu lạc tại nước ngoài hoặc trôi nổi trong dân chúng. Nhưng điều may mắn là Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ sưu tập ấn của hoàng đế và vương hậu được tiếp quản từ chính quyền triều Nguyễn năm 1945, trong đó đặc biệt là chiếc ấn vàng  Sắc mệnh chi bảo, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 8(1827).

Vua Minh Mệnh tên là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên là Kiểu, con thứ 4 của vua Gia Long và hoàng hậu Nguyễn Thị Đang (Thuận Thiên Cao hoàng hậu), sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25/5/1791) tại Làng Tân Lộc, Gia Định. Năm Ất Hợi, (1815) được lập làm hoàng thái tử. Vào tháng giêng năm Canh Thìn (1820), hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, làm vua được 21 năm (1820 – 1840). Trong thời gian trị vì, vua Minh Mệnh đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính quy mô và đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bãi bỏ chế độ phân quyền, xây dựng đế chế trung ương tập quyền, đề cao pháp trị và độc tôn Nho giáo.

Năm 1838, nhà vua đổi tên nước là Đại Nam. Có thể nói, vua Minh Mệnh là vị hoàng đế tiêu biểu của nhà Nguyễn, những công lao của ông và thành quả đạt được trong suốt 21 năm trị vì đã được lịch sử ghi nhận và các vị vua kế tiếp noi theo và thi hành. Khi lên ngôi, vua Minh Mệnh đã cho đúc một số ấn bằng vàng 10 tuổi, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ấn chương của vương triều. Đồng thời trong giai đoạn này ông đã đặt ra những quy định về việc chế tác và sử dụng ấn chương các loại nhằm đáp ứng công cuộc cải cách hành chính đồng bộ ở mọi lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) nhà vua cho đúc ấn vàng Hoàng Đế chi bảo và ấn vàngMinh Mệnh thần hàn, nhưng hiện nay hai ấn vàng này không còn nữa.

Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc 5 chiếcấn bằng vàng 10 tuổi, đó là: Sắc mệnh chi bảo, Hoàng Đế tôn thân chi bảo, Khâm  văn chi tỷ, Duệ Vũ Chi Tỷ, Trị lịch minh thời chi bảo. Tất cả đều được đúc vào tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8 năm 1827 [2].

6

Sắc phong niên hiệu Tự Đức (1841-1847).

7

Sắc phong niên hiệu Hàm Nghi (1885).

Sử cũ ghi lại chỉ dụ của vua Minh Mệnh trong việc làm và dùng ấn, chi tiết đến cả kiêng húy. Lời dụ năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) chép rằng: “Ấn báu của Nhà nước là lễ để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn. Đức Hoàng khảo tổ Cao hoàng đế ta định chế độ lập pháp luật, trăm việc đều mới, nhiều lần ban sắc lấy vàng đúc các quả ấn như là ấn Chế cáo chi bảo, ấn Quốc gia tín bảo, ấn Sắc chính vạn dân chi bảo, ấn Thảo tội an dân chi bảo, và ấn Mệnh đức chi bảo. Từ trước đến nay đã kính thi hành, song là lúc mới làm chưa được mười phần chu đáo. Ta vâng nối ngôi báu, may gặp thái bình, những mong làm cho quy mô trước thêm rực rỡ, để tỏ rõ đời sau, cũng dùng vàng tốt đúc thêm ấn Hoàng đế chi bảo,Sắc Mệnh chi bảo và Trị lịch minh thời chi bảo. Chữ “Thời ” là trọng nhưng phải viết chữ “Nhật ” sang bên phải và chữ “Tự ” sang bên trái, hiện đã lần lượt đúc xong[3].

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, có đoạn chép lời vua Minh Mệnh năm 1828: Từ trước đến nay phong tặng cho các thần kỳ cùng các văn võ quan phẩm, thì đều dùng ấnPhong tặng chi bảoNay mới dùng ấn Sắc mệnh chi bảotừ nay phàm có ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân đều dùng. 

Quy định dùng Sắc mệnh chi bảo trong chính sử còn ghi: Người quyền thự chức hàm tuy chưa được cấp sắc, nhưng đối với người tầm thường sai phái có khác biệt thì chiếu văn, thăng chức quyền thự cũng chuẩn cho dùng ấn Sắc mệnh”.

– Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc 5ấn bằng vàng, trong đó có ấn  Sắc mệnh chi bảo.  Ấn Sắc mệnh chi bảo được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Đã có những công trình nghiên cứu về ấn chương Việt Nam đều xác định ấnSắc mệnh chi bảo  là hiện vật gốc, độc bản. Cho đến nay, chưa có ấn vàng nào khácđược phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với ấn vàngSắc mệnh chi bảo  tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

8

Sắc phong niên hiệu Thành Thái (1889-1907).

9

Sắc phong niên hiệu Duy Tân (1907-1916).

10

Sắc phong niên hiệu Khải Định(1916-1925).

11

Sắc phong niên hiệu Bảo Đại (1926-1945).

Ấn có số đăng ký: LSb.34447.

Kích thước: Cao: 11 cm  Cạnh: 14 x 14 cm  Dày mặt: 2,5 cm

Trọng lượng (gr): 8.300.

Ấn đúc bằng chất liệu vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng ngồi, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng(bản ảnh). Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:

Bên trái: (Thập tuế kim trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền (vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền).

Bên phải: (Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo (đúc vào ngày lành, tháng 10,năm Minh Mệnh thứ 8).

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện trong khung diềm: Sắc mệnh chi bảo (bản dập).

– Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc 5ấn bằng vàng, trong đó có ấn  Sắc mệnh chi bảo.

– Ấn Sắc mệnh chi bảo  được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Đã có những công trình nghiên cứu về ấn chương Việt Nam đều xác định ấn Sắc mệnh chi bảo  là hiện vật gốc, độc bản. Cho đến nay, chưa có ấn vàng nào khác được phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với ấn vàng Sắc mệnh chi bảo  tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

– Ấn Sắc Mệnh chi bảo là loại ấn vàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến triều Nguyễn.

– Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều. Mỗi hình dấu của ấn trên văn bản được coi là một văn bản hoàn chỉnh và trung thực nhất.                                                                                                                         

– Ấn Sắc mệnh chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng 10 tuổi), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt trong tổng số 85 chiếc ấn của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

– Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo là đỉnh cao của loại hình ấn chương thời Nguyễn, là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 19,  đầu thế kỷ 20.

Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật) (Theo baotanglichsu.vn)

https://www.archives.org.vn/tin-tong-hop/an-vang-%E2%80%9Csac-menh-chi-bao%E2%80%9D-thang-10-nam-minh-menh-thu-8-1827.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.