Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/08/2024

Tư liệu Hội An sau hơn 20 năm (2003-2024) : tên cũ là "cầu Lai Viễn" (Lai Viễn kiều)

Mùa hè năm 2024, thấy rộ lên bàn luận về Chùa Cầu ở Hội An. Là người quan sát, tôi thấy nhiều điểm khá thú vị.

Tên cũ là "cầu Lai Viễn" (Lai Viễn kiều).

Tên "cầu Lai Viễn" là do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào cuối thập niên 1710, tức chỉ tính từ đó cũng đã cách nay hơn 300 năm. Còn bản thân cây cầu ấy thì do người Nhật Bản xây dựng từ trước đó (người Nhật Bản đến buôn bán và lưu trú ở Hội An từ thế kỉ 17).

Bây giờ, đưa lên đây tư liệu cũ do chúng tôi chụp tại Hội An hơn 20 năm về trước (hồi tháng 7 năm 2023, tức bằng giờ năm ngoái, cũng đã nhắc lại tư liệu Hội An một lần trên Giao Blog, ở đây). Lần này là tư liệu văn bia (bia đá) ghi chép về "cầu Lai Viễn" (Lai Viễn kiều), thấy tại cầu Lai Viễn hồi 2003.

Đó là mùa thu năm 2003. Lúc đó, nhóm khảo sát quan tâm đến tư liệu văn tự ở cầu Lai Viễn. Trong ảnh là trích đoạn bài văn bia trùng tu cầu Lai Viễn (bia có tiêu đề chữ Hán là "Trùng tu Lai Viễn kiều kí" - Bài kí về việc trùng tu cầu Lai Viễn).




Đưa tạm hai trích đoạn bài văn bia, có cả Hán văn và Pháp văn.

Tư liệu cập nhật và bổ sung về cầu Lai Viễn và dư luận năm 2024 thì dán dần ở dưới lên như mọi khi.

Tháng 8 năm 2024,

Giao Blog


---

..


---


BỔ SUNG



4.

Trùng tu Chùa Cầu: Cớ gì mà phải xôn xao?
TRẦN ĐỨC ANH SƠN  29/07/2024 10:10

(QNO) - Chùa Cầu, tên chữ là Lai Viễn kiều (來遠橋), còn được biết đến là Nhật Bản kiều (日本橋) là cây cầu được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, tọa lạc ở trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được tôn vinh là biểu tượng của đô thị hơn 400 năm tuổi này.

Chùa Cầu năm 2009. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Chùa Cầu năm 2009. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

* Mời xem thêm bài "Nhìn lại giải pháp trùng tu Chùa Cầu"

Năm 1990, Chùa Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa (của quốc gia). Năm 1999, UNESCO ghi tên đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng hợp thành di sản văn hóa thế giới này. Hình ảnh Chùa Cầu còn được in trên giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng trong hệ thống tiền tệ hiện hành ở Việt Nam.

Hơn 4 thế kỷ tồn tại, công trình kiến trúc này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và đã trải qua 7 lần tu bổ, trùng tu.

Lần trùng tu quan trọng nhất khởi sự từ ngày 28/12/2022, với tổng vốn đầu tư là 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của TP. Hội An và của tỉnh Quảng Nam.

Theo dự kiến, đến ngày 3/8/2024, TP. Hội An sẽ khánh thành công trình trùng tu Chùa Cầu nhân Tuần văn hóa Việt - Nhật lần thứ 20 diễn ra ở Hội An.

Tuy nhiên, trong mấy ngày cuối tháng 7/2024, khi hệ thống nhà bao che phục vụ công tác trùng tu Chùa Cầu được tháo dỡ, xuất lộ di tích này sau gần 2 năm đại trùng tu, với diện mạo “tươi sáng” hơn so với trước, thì trên mạng xã hội và truyền thông chính thống có nhiều ý kiến trái chiều về Chùa Cầu sau trùng tu. Những ý kiến này chủ yếu chê bai, phê phán, dè bỉu… cho rằng Chùa Cầu đã trùng tu sai, đã bị “trẻ hóa” và việc trùng tu đã phá hỏng một “biểu tượng của Hội An”, di sản văn hóa của nhân loại…

Trùng tu Chùa Cầu có sai không?

Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.

Chùa Cầu năm 2009. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Chùa Cầu năm 2009. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Không có gì sai hay đáng chê trách như dư luận đã lên tiếng trong mấy ngày qua, khi so sánh hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu cả.

Vì sao tôi dám khẳng định như trên?

Trước tiên, là vì tôi tán thành phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, sau khi tổ chức hội thảo chuyên gia để đánh giá và lựa chọn phương án trùng tu Chùa Cầu.

Tháng 8/2016, khi nghe tin Chùa Cầu sẽ được hạ giải toàn bộ để trùng tu, nhiều chuyên gia bảo tồn, kiến trúc sư, nhà quản lý và cả lãnh đạo Hội An đều lo lắng trước nguy cơ sẽ “biến cây cầu hơn 400 năm tuổi thành cây cầu … 1 tuổi”. Nhưng sau khi Hội An tổ chức hội thảo chuyên gia, được nghe báo cáo các phương án khả thi về trùng tu Chùa Cầu, trong đó có sự phân tích, đánh giá của các chuyên gia bảo tồn đến từ Nhật Bản, thì phương án “trùng tu hạ giải” đã được lựa chọn.

Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.

Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây.

“Trùng tu hạ giải” đã có tiền lệ thành công

Tại quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở cố đô Huế, từ năm 1998 trở về trước, việc tu bổ các di tích, đặc biệt là di tích có cấu kiện gỗ làm khung chịu lực và có hệ thống tường bao bằng gạch, thường được tu bổ từng phần, nôm na là “hư đâu sửa đó”. Nguyên nhân làm vì thiếu kinh phí và chưa có giải pháp kỹ thuật thích hợp để lựa chọn các phương án trùng tu khác, trong đó có phương án “trùng tu hạ giải”. Vì thế, các di tích được “trùng tu từng phần” này chỉ sau một thời gian ngắn lại tiếp tục xuống cấp, dột nát, gây hư hại nghiêm trọng ở nội thất, khiến cơ quan quản lý các di tích này lại phải lập dự án, xin ngân sách để tái tu bổ di tích.

20240725_102836.jpg
Cận cảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: QUỐC TUẤN

Năm 1995, khi Quỹ Toyota Foundation tài trợ ngân sách trùng tu Hữu Tùng tự (lăng vua Minh Mạng), họ đồng thời tìm kiếm đội ngũ chuyên gia trùng tu di tích từ Đại học Nihon (Nhật Bản), do GS.TS.KTS Shigeeda Yutaka làm trưởng nhóm, với sự cố vấn của thợ cả Takeshi Tanaka (là “nhân gian quốc bảo” - living human treasure - của Nhật Bản) đến Huế để hỗ trợ đội ngũ thợ thuyền ở Huế trùng tu di tích này.

Nhóm chuyên gia Nhật Bản đã kiến nghị với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” và được chấp thuận.

Sau hơn 3 năm trùng tu, di tích Hữu Tùng tự đã được tái hiện với hình hài cũ và vững chãi hơn nhiều. Hữu Tùng Tự trở thành “khuôn mẫu” để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tham khảo và thực hành các dự án trùng tu khác như: Sùng Ân điện, Bi đình, Hiển Đức môn (lăng vua Minh Mạng), Biểu Đức điện, Hồng Trạch môn (lăng vua Thiệu Trị), Ngưng Hy điện, Tả Hữu tùng tự (lăng vua Đồng Khánh)…, và gần đây là Thái Hòa điện (Hoàng Thành), Hòa Khiêm điện Minh Khiêm đường (lăng vua Tự Đức)… cũng đang được trùng tu theo phương pháp “trùng tu hạ giải” này.

Chùa Cầu đã được trùng tu như thế nào?

Chúng ta hãy theo dõi những phát biểu của lãnh đạo TP.Hội An và của đội ngũ trùng tu được báo chí trích dẫn trong mấy ngày qua:

- Của ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An): “… Về nguyên tắc trùng tu Chùa Cầu, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đã tận dụng tốt cấu kiện còn sử dụng được, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can ... nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại. Chỉ một số thanh gỗ mục ruỗng mới được thay mới. Đối với những thanh gỗ mới này, đơn vị thi công cần nghiên cứu, xử lý làm sao cho nó tương đồng với màu phần gỗ cũ. Thậm chí, cần phải khắc rõ ngày, tháng, năm lên các thanh gỗ mới để con cháu đời sau biết được là những phần này đã được tu bổ vào thời gian nào…” (VTC News, 27/7/2024).

- Ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi tổ chức trùng tu, tất cả các cấu kiện gỗ, hoa văn, từng chi tiết nhỏ của di tích đã được giữ lại toàn bộ. Những chi tiết, hoa văn, gỗ, ngói nào hư hỏng thì mình sẽ thay sao cho hợp với màu gỗ cũ giống như di tích… Cấu kết, chi tiết bên trong, hoa văn đều được giữ lại như nét cổ kính của Chùa Cầu… Những cái kết tinh hàng trăm năm thì không thể nào bỏ và thay thế cái mới vào được. Đặc biệt, công năng của Chùa Cầu vẫn như xưa không thay đổi…” (Dân Việt, 28/7/2024);

- Ông Phạm Phú Ngọc (Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An): “… Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An, do đó việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xử lý kỹ thuật, điều chỉnh hồ sơ, đảm bảo cho công việc thi công tu bổ được triển khai một cách thận trọng, bài bản… Màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện còn tồn lại màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm…” (Đại Đoàn Kết, 28/7/2024)…

Cũng như các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán, bỉ bai.

dji_fly_20240725_104528_516_1721879145173_photo_optimized.jpg
Diện mạo Chùa Cầu sau khi trùng tu nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC TUẤN

Tính chân xác của di sản là gì?

Theo Văn kiện Nara về tính Chân xác (Nara Document on Authenticity) được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, ICCROM và ICOMOS thông qua tại Hội nghị Nara về tính Chân xác (thuộc khuôn khổ Công ước Di sản Quốc tế) được tổ chức tại Nara vào tháng 11/1994, thì “tính chân xác” bao gồm cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị của nó… được bảo đảm trong quá trình trùng tu bảo tồn các di tích” (Mục 13 của Văn kiện Nara về tính Chân xác, 1994).

Trong quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, tính chân xác của di tích này đã được Ban Quản lý dự án và đội ngũ trùng tu tuân thủ, thể hiện qua công việc và kết quả trùng tu mà tôi đã đề cập trên đây.

Đồng thời, theo lời ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi trùng tu Chùa Cầu, phía Nhật Bản cũng phái cử chuyên gia từ Tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản qua tư vấn giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu đạt độ chuẩn xác cao...” (Dân Việt, 28/7/2024), thì việc “phê phán online” kiểu “Chùa Cầu bị trùng tu sai, mới hóa, trẻ hóa…” của những người không có chuyên môn, thiếu thiện tâm và bắt trend trên mạng xã hội… là không thỏa đáng.

Vĩ thanh

Trong hai năm 1997 - 1998, khi đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi được cơ quan tiếp nhận đến tu nghiệp là Shimaneken Kokudai Bunka Senta (Trung tâm nghiên cứu văn hóa cổ đại tỉnh Shimane) cử đến nghiên cứu, thực tập thực hành tại nhiều công trường khai quật khảo cổ và trùng tu di tích ở Shimane, Osaka và Nara. Trong đó, tôi được cử theo sát đội ngũ chuyên gia đang trùng tu di tích Suzakumon (Chu Tước môn), cửa chính phía nam của Heijo-kyo (Bình Thành kinh) ở cố đô Nara.

Ðó là một kiến trúc bằng gỗ, hai tầng nhưng đã bị thời gian và những cuộc chiến tranh thời Trung thế kỷ (thế kỷ XVIII - XVI) tiêu hủy hoàn toàn. Người Nhật phát hiện nền móng phế tích này năm 1918 và bắt đầu tiến trình nghiên cứu để phục hồi.

Năm 1993, người Nhật quyết định phục nguyên (fukugen) phế tích Suzakumon.

Thật vô cùng khó khăn để xác định diện mạo của Suzakumon vì không còn dấu tích cấu trúc nào còn sót lại. Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu và những phát hiện khảo cổ học, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara (Nabunken) đã đề xuất mô hình phỏng đoán, dựa trên kiến trúc tương đương ở nơi khác, và đưa ra lấy ý kiến công khai của các chuyên gia bảo tồn học, sử học, kiến trúc học, dân chúng… ở Nara, Tokyo, Osaka, Kyoto… Sau đó hoàn chỉnh đề án trùng tu phế tích Suzakumon với tổng kinh phí là 3,6 tỷ yên (xấp xỉ 360 tỉ đồng Việt Nam vào thời điểm đó). Sau hơn 5 năm tiến hành, đến nay di tích Suzakumon đã được tái thiết đúng như hình hài nguyên thủy của nó.

Suzakumon sau khi trùng tu hoàn chỉnh. Ảnh: NABUNKEN
Suzakumon sau khi trùng tu hoàn chỉnh. Ảnh: NABUNKEN

Điều đáng nói là sau khi phục nguyên, Suzakumon tái hiện với màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, mà không ai phê bình rằng “di tích Suzakumon 1.200 năm tuổi mà trông như một tuổi” cả.

Văn kiện Nara về tính chân xác 1994 đã đưa ra khái niệm về “Giá trị cấu thành di sản” ở Mục 6 (Đa dạng di sản văn hóa tồn tại theo thời gian và không gian) và Mục 9 (Hình thức và thiết kế, vật liệu và vật chất, phương thức sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và khung cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác). Theo đó, di sản văn hóa có những giá trị bắt nguồn từ cộng đồng sản sinh ra nó, được kế thừa và phát triển, không phải bất biến, mà được bảo tồn bởi cộng đồng dựa trên tính chân xác và được cộng đồng bảo lưu và xác nhận.

Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử (historic values, văn hóa (cultural values), nghệ thuật (art values) cùng các giá trị tình cảm (emotional values) và giá trị sử dụng lâu dài (future usage values) vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả.

Vậy thì có gì mà phải “xôn xao” về Chùa Cầu sau trùng tu?


https://baoquangnam.vn/trung-tu-chua-cau-co-gi-ma-phai-xon-xao-3138685.html?fbclid=IwY2xjawEZeGRleHRuA2FlbQIxMAABHUhKz_ay3oe6vukrKw8UKYBQEE2zl2XdjoglDNd3fhPJr4xaJTUjjw1Bzw_aem_KjfK2QyO20Fee6LV_PLg_g




Qua nay rất ấm ức vụ Chùa Cầu sau trùng tu bị dân mạng và báo chí xỉa xói, nhưng do đang sao chụp tư liệu gấp để hôm nay trả cho thư viện nên đành nín. Sáng nay dậy lúc 5h, viết một tràng cho hả dạ, đến 8h thì xong, gửi báo Quảng Nam đăng rồi đây:
TRÙNG TU CHÙA CẦU: CỚ GÌ MÀ PHẢI XÔN XAO?
Trần Đức Anh Sơn
Chùa Cầu, tên chữ là Lai Viễn kiều (來遠橋), còn được biết đến là Nhật Bản kiều (日本橋) là cây cầu được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, tọa lạc ở trung tâm phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được tôn vinh là biểu tượng của đô thị hơn 400 năm tuổi này.
Năm 1990, Chùa Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa (của quốc gia). Năm 1999, UNESCO ghi tên đô thị cổ Hội An vào Danh mục di sản văn hóa thế giới, Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng hợp thành di sản văn hóa thế giới này. Hình ảnh Chùa Cầu còn được in trên giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng trong hệ thống tiền tệ hiện hành ở Việt Nam.
Hơn 4 thế kỷ tồn tại, công trình kiến trúc này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và đã trải qua 7 lần tu bổ, trùng tu.
Lần trùng tu quan trọng nhất khởi sự từ ngày 28/12/2022, với tổng vốn đầu tư là 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của thành phố Hội An và của tỉnh Quảng Nam.
Theo dự kiến, đến ngày 3/8/2024, thành phố Hội An sẽ khánh thành công trình trùng tu Chùa Cầu nhân Tuần văn hóa Việt - Nhật lần thứ 20 diễn ra ở Hội An.
Tuy nhiên, trong mấy ngày cuối tháng 7/2024, khi hệ thống nhà bao che phục vụ công tác trùng tu Chùa Cầu được tháo dỡ, xuất lộ di tích này sau gần 2 năm đại trùng tu, với diện mạo “tươi sáng” hơn so với trước, thì trên mạng xã hội và truyền thông chính thống có nhiều ý kiến trái chiều về Chùa Cầu sau trùng tu. Những ý kiến này chủ yếu chê bai, phê phán, dè bỉu… cho rằng Chùa Cầu đã trùng tu sai, đã bị “trẻ hóa” và việc trùng tu đã phá hỏng một “biểu tượng của Hội An”, di sản văn hóa của nhân loại…
TRÙNG TU CHÙA CẦU CÓ SAI KHÔNG?
Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chải hơn, kiên cố hơn.
Không có gì sai hay đáng chê trách như dư luận đã lên tiếng trong mấy ngày qua, khi so sánh hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu cả.
Vì sao tôi dám khẳng định như trên?
Trước tiên, là vì tôi tán thành phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, sau khi tổ chức hội thảo chuyên gia để đánh giá và lựa chọn phương án trùng tu Chùa Cầu.
Tháng 8/2016, khi nghe tin Chùa Cầu sẽ được hạ giải toàn bộ để trùng tu, nhiều chuyên gia bảo tồn, kiến trúc sư, nhà quản lý và cả lãnh đạo thành phố Hội An đều lo lắng trước nguy cơ sẽ “biến cây cầu hơn 400 năm tuổi thành cây cầu … 1 tuổi”. Nhưng sau khi thành phố Hội An tổ chức hội thảo chuyên gia, được nghe báo cáo các phương án khả thi về trùng tu Chùa Cầu, trong đó có sự phân tích, đánh giá của các chuyên gia bảo tồn đến từ Nhật Bản, thì phương án “trùng tu hạ giải” đã được lựa chọn.
Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.
Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 7 lần trùng tu trước đây.
“TRÙNG TU HẠ GIẢI” ĐÃ CÓ TIỀN LỆ THÀNH CÔNG
Tại quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở cố đô Huế, từ năm 1998 trở về trước, việc tu bổ các di tích, đặc biệt là di tích có cấu kiện gỗ làm khung chịu lực và có hệ thống tường bao bằng gạch, thường được tu bổ từng phần, nôm na là “hư đâu sửa đó”. Nguyên nhân là vì thiếu kinh phí và chưa có giải pháp kỹ thuật thích hợp để lựa chọn các phương án trùng tu khác, trong đó có phương án “trùng tu hạ giải”. Vì thế, các di tích được “trùng tu từng phần” này chỉ sau một thời gian ngắn lại tiếp tục xuống cấp, dột nát, gây hư hại nghiêm trọng ở nội thất, khiến cơ quan quản lý các di tích này lại phải lập dự án, xin ngân sách để tái tu bổ di tích.
Năm 1995, khi Quỹ Toyota Foundation tài trợ ngân sách trùng tu Hữu Tùng tự (lăng vua Minh Mạng), họ đồng thời tìm kiếm đội ngũ chuyên gia trùng tu di tích từ Đại học Nihon (Nhật Bản), do GS.TS.KTS Shigeeda Yutaka làm trưởng nhóm, với sự cố vấn của thợ cả Takeshi Tanaka (là “nhân gian quốc bảo” - living human treasure - của Nhật Bản) cử đến Huế để hỗ trợ đội ngũ thợ thuyền ở đây trùng tu di tích này. Nhóm chuyên gia Nhật Bản đã kiến nghị với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” và được chấp thuận. Sau hơn 3 năm trùng tu, di tích Hữu Tùng tự đã được tái hiện với hình hài cũ và vững chãi hơn nhiều. Hữu Tùng Tự trở thành “khuôn mẫu” để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham khảo và thực hành các dự án trùng tu khác như: Sùng Ân điện, Bi đình, Hiển Đức môn (lăng vua Minh Mạng), Biểu Đức điện, Hồng Trạch môn (lăng vua Thiệu Trị), Ngưng Hy điện, Tả Hữu tùng tự (lăng vua Đồng Khánh)…, và gần đây là Thái Hòa điện (Hoàng Thành), Hòa Khiêm điện Minh Khiêm đường (lăng vua Tự Đức)… cũng đang được trùng tu theo phương pháp “trùng tu hạ giải” này.
CHÙA CẦU ĐÃ ĐƯỢC TRÙNG TU NHƯ THẾ NÀO?
Những phát biểu của lãnh đạo thành phố Hội An và của đội ngũ trùng tu được báo chí trích dẫn trong mấy ngày qua:
* Ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An): “… Về nguyên tắc trùng tu Chùa Cầu, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đã tận dụng tốt cấu kiện còn sử dụng được, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can ... nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại. Chỉ một số thanh gỗ mục ruỗng mới được thay mới. Đối với những thanh gỗ mới này, đơn vị thi công cần nghiên cứu, xử lý làm sao cho nó tương đồng với màu phần gỗ cũ. Thậm chí, cần phải khắc rõ ngày, tháng, năm lên các thanh gỗ mới để con cháu đời sau biết được là những phần này đã được tu bổ vào thời gian nào…” (VTC News, 27/7/2024).
* Ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi tổ chức trùng tu, tất cả các cấu kiệu gỗ, hoa văn, từng chi tiết nhỏ của di tích đã được giữ lại toàn bộ. Những chi tiết, hoa văn, gỗ, ngói nào hư hỏng thì mình sẽ thay sao cho hợp với màu gỗ cũ giống như di tích… Cấu kết, chi tiết bên trong, hoa văn đều được giữ lại như nét cổ kính của Chùa Cầu… Những cái kết tinh hàng trăm năm thì không thể nào bỏ và thay thế cái mới vào được. Đặc biệt, công năng của Chùa Cầu vẫn như xưa không thay đổi…” (Dân Việt, 28/7/2024).
* Ông Phạm Phú Ngọc (Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An): “… Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An, do đó việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xử lý kỹ thuật, điều chỉnh hồ sơ, đảm bảo cho công việc thi công tu bổ được triển khai một cách thận trọng, bài bản… Màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện còn tồn lại màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm…” (Đại Đoàn Kết, 28/7/2024)
Tôi cũng xem các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán, bỉ bai.
TÍNH CHÂN XÁC CỦA DI SẢN LÀ GÌ?
Theo Văn kiện Nara về tính chân xác (Nara Document on Authenticity) được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, ICCROM và ICOMOS thông qua tại Hội nghị Nara về tính Chân xác (thuộc khuôn khổ Công ước Di sản Quốc tế) tổ chức tại Nara vào tháng 11/1994, thì “tính chân xác” bao gồm cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị của nó… được bảo đảm trong quá trình trùng tu bảo tồn các di tích” (Mục 13 của Văn kiện Nara về tính chân xác, 1994).
Trong quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, tính chân xác của di tích này đã được Ban Quản lý dự án và đội ngũ trùng tu tuân thủ, thể hiện qua công việc và kết quả trùng tu mà tôi đã đề cập trên đây.
Đồng thời, theo lời ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch thành phố Hội An): “… Khi trùng tu Chùa Cầu, phía Nhật Bản cũng phái cử chuyên gia từ Tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản qua tư vấn giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu đạt độ chuẩn xác cao...” (Dân Việt, 28/7/2024), thì việc “phê phán online” kiểu “Chùa Cầu bị trùng tu sai, mới hóa, trẻ hóa…” của những người không có chuyên môn, thiếu thiện tâm và bắt trend trên mạng xã hội… là không thỏa đáng.
VĨ THANH
Trong hai năm 1997 - 1998, khi đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi được cơ quan tiếp nhận đến tu nghiệp là Shimaneken Kokudai Bunka Senta (Trung tâm nghiên cứu văn hóa cổ đại tỉnh Shimane) cử đến nghiên cứu, thực tập, thực hành tại nhiều công trường khai quật khảo cổ và trùng tu di tích ở Shimane, Osaka và Nara. Đặc biệt, tôi được cử theo sát đội ngũ chuyên gia đang trùng tu di tích Suzakumon (Chu Tước môn), cửa chính phía nam của Heijo-kyo (Bình Thành kinh) ở cố đô Nara. Ðó là một kiến trúc bằng gỗ, hai tầng nhưng đã bị thời gian và những cuộc chiến tranh thời Trung thế kỷ (thế kỷ XVIII - XVI) tiêu hủy hoàn toàn. Người Nhật phát hiện nền móng phế tích này năm 1918 và bắt đầu tiến trình nghiên cứu để phục hồi. Năm 1993, người Nhật quyết định phục nguyên (fukugen) phế tích Suzakumon. Thật vô cùng khó khăn để xác định diện mạo của Suzakumon vì không còn dấu tích cấu trúc nào còn sót lại. Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu và những phát hiện khảo cổ học, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara (Nabunken) đã đề xuất mô hình phỏng đoán, dựa trên kiến trúc tương đương ở nơi khác, và đưa ra lấy ý kiến công khai của các chuyên gia bảo tồn học, sử học, kiến trúc học, dân chúng… ở Nara, Tokyo, Osaka, Kyoto… Sau đó hoàn chỉnh đề án trùng tu phế tích Suzakumon với tổng kinh phí là 3,6 tỷ yên (xấp xỉ 360 tỉ đồng Việt Nam vào thời điểm đó). Sau hơn 5 năm tiến hành, đến nay di tích Sujakumon đã được tái thiết đúng như hình hài của nó.
Điều đáng nói là sau khi phục nguyên, Suzakumon tái hiện với màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, mà không ai phê bình rằng “di tích Suzakumon 1.200 năm tuổi mà trông như... 1 năm tuổi” cả.
Văn kiện Nara về tính chân xác 1994 đã đưa ra khái niệm về “Giá trị cấu thành di sản” ở Mục 6 (Đa dạng di sản văn hóa tồn tại theo thời gian và không gian) và Mục 9 (Hình thức và thiết kế, vật liệu và vật chất, phương thức sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và khung cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác). Theo đó, di sản văn hóa có những giá trị bắt nguồn từ cộng đồng sản sinh ra nó, được kế thừa và phát triển, không phải bất biến, mà được bảo tồn bởi cộng đồng dựa trên tính chân xác và được cộng đồng bảo lưu và xác nhận.
Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử (historic values, văn hóa (cultural values), nghệ thuật (art values) cùng các giá trị tình cảm (emotional values) và giá trị sử dụng lâu dài (future usage values) vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả.
Vậy thì có gì mà phải “xôn xao” về Chùa Cầu sau trùng tu?
T.Đ.A.S.


3.

Sau trùng tu, "diện mạo" mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính

Mạnh Cường- cuongbaochidhkh@gmail.com


28/07/2024 07:43 GMT+7

Sau khoảng thời gian 1,5 năm che chắn kín để trùng tu, chùa Cầu ở đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đã giới thiệu 'diện mạo' mới.

Chiều 27.7, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đơn vị thi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu (Lai Viễn kiều) ở TP.Hội An (Quảng Nam) đang tích cực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành công trình được xem là "biểu tượng linh hồn" của phố cổ Hội An dự kiến vào ngày 2.8 tới, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 20.

Hiện di tích chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 1.

Di tích chùa Cầu có "diện mạo" mới sau thời gian dài trùng tu.

MẠNH CƯỜNG

Vài ngày qua, khi toàn bộ mái che được tháo dỡ, di tích chùa Cầu đã lộ diện cho người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Có thể dễ dàng nhận thấy di tích chùa Cầu sau khi tu bổ trở nên mới mẻ, sáng hơn bởi màu sơn, màu mái ngói và họa tiết trên mái ngói. Các ký tự cũng được sơn quét lại. Vì thế, nhiều người dân nhận xét di tích này kém phần "cổ kính" so với trước.

Dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...

Current Time0:01
/
Duration2:50
HD
Auto

Diện mạo chùa Cầu sau trùng tu gây tranh cãi: TP. Hội An sẽ xử lý lại

Điều đáng nói, quá trình trùng tu đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người về lịch sử của công trình hàng trăm năm tuổi này.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay không có căn cứ nào để khẳng định lòng chùa Cầu cong hay thẳng, nhưng lại triển khai trùng tu trước khi hạ giải là chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Nguyên tắc quan trọng, lớn nhất của việc trùng tu là làm sao phải tiệm cận "phiên bản gốc".

Dưới đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận về diện mạo mới của di tích chùa Cầu sau thời gian dài chắn kín để trùng tu:

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 2.

Xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ16 đầu thế kỷ17, đến nay đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 3.

Quá trình trùng tu di tích chùa Cầu cũng vấp phải nhiều thông tin trái chiều từ dư luận và các chuyên gia.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 4.

Các họa tiết trang trí trên mái ngói sau trùng tu.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 5.

Theo các tư liệu, chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Đây là lần tu bổ mới nhất.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 6.

Những mái ngói âm dương cũ đã được thay thế bằng những viên ngói mới.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 7.

Họa tiết mới.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 8.

Khu vực thờ cúng bên trong chùa Cầu, thấy rõ 3 chữ "Lai Viễn kiều".

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 9.

Nhiều thanh gỗ hư hỏng, xuống cấp đã được thay mới sau khi trùng tu.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 10.

Trụ cầu được xây dựng kiên cố.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 11.

Đơn vị thi công đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của dự án.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 12.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, biểu tượng đặc trưng của di sản văn hóa thế giới Hội An, trải qua 4 thế kỷ và đã qua 7 lần sửa chữa lớn nhỏ.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 13.

Theo lãnh đạo UBND TP.Hội An, việc tu bổ đến nay sắp hoàn thành, gần như không có gì thay đổi so với hiện trạng. trước đây

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 14.

Những mái ngói âm dương mới lẫn cũ đan xen nhau.

MẠNH CƯỜNG

Sau trùng tu, 'diện mạo' mới của Chùa Cầu bớt... cổ kính- Ảnh 15.

Trước đó, di tích chùa Cầu phải dừng trùng tu một thời gian do gây tranh cãi về mặt cầu "cong hay thẳng" và những kiến trúc liên quan đến mặt cầu.

MẠNH CƯỜNG

https://thanhnien.vn/sau-trung-tu-dien-mao-moi-cua-chua-cau-bot-co-kinh-185240727193957251.htm



2.

Bề dày lịch sử văn hóa của Chùa Cầu nhìn từ một truyền thuyết
Thứ hai - 23/10/2023 14:21


Một truyền thuyết lưu truyền phổ biến tại địa phương kể rằng, thuở xưa Hội An là một cồn đất/ cù lao lớn nổi lên bên bờ biển Đông, vị trí tại nơi hội tụ các dòng sông lớn của xứ Quảng trước khi đổ ra biển. Đây là vùng đất tốt về phong thủy, địa mạch linh vượng nên dân chúng các nơi và thương nhân các nước tụ tập về đây thành nơi đô hội lớn. Thương nhân nước ngoài đến buôn bán, cư trú tại Hội An ngày càng đông, trong đó đông nhất là thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa.
     Người này nhận ra dưới lòng đất Hội An có một con Cù khổng lồ, đầu Cù ở Ấn Độ, đuôi Cù ở đất Phù Tang. Mỗi lần Cù cựa mình thì phố xá Hội An bị sạt lở, hoặc Cù vẫy đuôi thì nước Nhật Bản bị động đất. Để nước Nhật tránh được họa động đất cũng như để phố Hội An được bình yên, người Nhật đã đúc một thanh kiếm bằng vàng yểm vào sống lưng con Cù nơi có huyết mạch chủ đạo nằm ở vị trí Chùa Cầu hiện nay để ngăn không cho “Cù dậy”. Bên trên thanh kiếm người Nhật xây một chiếc cầu có mái che và thỉnh các vị thần về trấn giữ. Chiếc cầu xây nhiều năm mới hoàn thành vì Cù không chịu nằm yên, hễ đổ móng xong thì lại gây mưa gió, nước xoáy cuốn trôi đi. Người Nhật đã phải nấu chì, bạc đổ xuống lòng khe để làm móng, bên trên xây các trụ đỡ bằng đá. Nhờ vậy cây cầu mới bền vững cho đến bây giờ. Về sau, khi tiếp quản, người làng Minh Hương đã đứng ra huy động tiền của xây thêm một miếu thờ giữa mé Bắc cầu và thỉnh Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần nguồn gốc Trung Hoa gắn với tài trị thủy về thờ, do vậy truyền thuyền kéo dài thêm một đoạn về sự trấn áp thủy tai, thủy quái, trấn “Cù dậy” của Bắc Đế. Chiếc cầu ấy chính là Chùa Cầu ngày nay, trong quá khứ nó còn được gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều.

chua cau
Nội thất Chùa Cầu - Ảnh: Hồng Việt
 
     “Cù dậy” là một quan niệm dân gian nhuốm đầy màu sắc huyền ảo về sự cất mình bay lên của một con vật linh thiêng sau một thời gian nằm im dưới lòng đất. Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị định nghĩa: “Cù: loài rồng không sừng, tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chổ nó dậy thành sông. Cù dậy: Cù đội đất mà lên. Tục hiểu cù lao nổi cũng là tại Cù dậy”[1]. Một số người cho rằng “Cù dậy là danh từ phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dùng để chỉ một con cá sấu tu lâu năm ẩn mình dưới các bãi bồi chờ ngày hóa rồng. Khi có mưa gió sấm chớp chúng cựa mình bay lên khiến các bãi bồi lỡ hoặc nổi lên, người ta gọi đó là hiện tượng Cù dậy và đặt tên cho các bãi bồi đó là cù lao”[2]. Truyền thuyết Trấn Cù dậy và quan niệm Cù vẫy đuôi gây động đất có nhiều điểm tương đồng với một truyền thuyết của Nhật Bản về quái vật Mamazu. Theo đó, Mamazu là một loài cá da trơn khổng lồ nằm sâu dưới bùn, hễ nó vẫy đuôi thì gây nên động đất. Nhờ có thần sấm sét và kiếm đạo Kashima dùng một viên đá đè lên đầu Mamazu mới làm nó di chuyển chậm lại và do đó hạn chế được tần suất động đất.

     Truyền thuyết Trấn Cù dậy ở trên đã xác nhận một cách rõ ràng rằng người Nhật là chủ nhân đầu tiên xây dựng chùa Cầu, cây cầu có mái che duy nhất ở Hội An, và là một trong số ít cây cầu có mái che được vẽ trên các bản đồ cổ của nước ta từ thế kỷ 17, 18. Thế nhưng truyền thuyết lại không nói rõ thời gian cụ thể, mà chỉ cho biết cầu được xây dựng vào lúc người Nhật đến buôn bán đông đúc ở Hội An. Cũng không có tư liệu thư tịch nào đề cập đến thời gian xây cầu nên dẫn đến nhiều suy đoán chủ quan khác nhau kiểu “khởi công năm Thân hoàn thành năm Tuất”, dựa vào các linh vật thờ ở hai đầu cầu. Tư liệu sớm nhất được biết cho đến nay đề cập đến cây cầu có mái che ở Hội An là câu chuyên về những người mù coi bói trên cây cầu này của linh mục Bénigne Vachet người đã ở Đàng Trong từ năm 1673 đến 1683[3]. Tư liệu này cho phép xác định cây cầu đã được xây dựng từ trước thời điểm 1683. Đến năm 1695 khi ghé Hội An, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã viết trong Hải Ngoại kỷ sự: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước, thẳng bờ sông một con đường dài 3, 4 dặm, gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc mua bán, những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại, cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, các bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc, …[4] Ghi nhận của Thích Đại Sán là tư liệu văn bản đầu tiên xác định chủ nhân Nhật Bản của cây cầu, qua đó làm cho truyền thuyết Trấn Cù dậy không chỉ mang tính huyền thoại mà còn có nguồn gốc thực tế. Hơn 100 năm sau, trong văn bia trùng tu Chùa Cầu năm 1817 gắn ở phía Đông Bắc cầu có tiêu đề Trùng tu Lai Viễn kiều ký, Đốc học Quảng Nam Đinh Phiên một lần nữa xác định: “Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu khê hữu kiều cổ dã, tương truyền Nhật Bản quốc nhân sở tác” (làng Minh Hương ở phố Hội An, giáp giới Cẩm Phô có một khe nước, khe có cầu đã lâu, tương truyền do người nước Nhật Bản làm nên)[5].

     Lai Viễn kiều là một tên gọi khác của chùa Cầu/ cầu Nhật Bản, tên gọi này gắn với một sự kiện được ghi lại trong Đại Nam thực lục tiền biên: “Kỷ Hợi, năm thứ 28 (1719), mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”[6]. Cầu có mái che ở nước ta thì nhiều nhưng cây cầu do thương nhân nước ngoài đứng ra xây dựng và được một vị chúa đứng đầu tập đoàn quân chủ Đàng Trong ban cho tên hiệu thì có lẽ chỉ có Chùa Cầu Hội An. Sự kiện này đã làm Chùa Cầu trở nên nổi tiếng và mang tính khác biệt so với những cây cầu có mái che khác. Hai chữ Lai Viễn vốn được lấy từ một câu trong sách Luận Ngữ: “Hữu bằng tư viễn phương lai; bất duyệt lạc hồ?” (Có một người bạn từ phương xa đến, há chẳng đáng vui mừng hay sao?). Việc chọn tên hiệu Lai Viễn kiều để ban tặng thể hiện nguyện vọng và xu hướng tích cực mở cửa giao lưu – hội nhập với bên ngoài, đặc biệt đối với Nhật Bản của các vị chúa Nguyễn giai đoạn đầy khởi nghiệp và tên hiệu này cũng đánh dấu một thời kỳ phát triển phồn thịnh của thương cảng quốc tế Hội An.

 
chua cau 1916

     Đến những năm 1634 -1635 những người Nhật ở phố Hội An thưa dần do một lệnh cấm xuất ngoại (Tỏa quốc) của chính quyền Nhật Bản. Rồi người Hoa tiếp quản việc ngoại thương của người Nhật ở thương cảng Hội An và tiếp tục giữ gìn, tu bổ chùa Cầu. Khi người Pháp chiếm đóng Hội An, chiếc cầu cũng đã được Chánh công sứ Lesterlin đứng ra xuất tiền tu bổ vào năm Ất Mão 1915. Những di vật, chứng tích liên quan đến các sự kiện này vẫn được bảo tồn tại chùa Cầu, minh chứng cho bề dày lịch sử - văn hóa và quá trình giao lưu - hội nhập văn hóa gồm nhiều nguồn gốc khác nhau Chăm, Việt, Nhật, Hoa, phương Tây ở Hội An, góp phần làm cho truyền thuyết Trấn Cù dậy càng thêm lung linh huyền ảo,…

     Cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều, Chùa Cầu là kết quả đồng thời cũng là biểu tượng của một thời kỳ Hội An, xứ Quảng tích cực mở cửa giao lưu- hội nhập với thế giới bên ngoài, của sự hợp tác hòa bình, hữu nghị để cùng phát triển giữa Hội An, Việt Nam với Nhật Bản nói riêng, với các quốc gia, dân tộc đã từng có mặt ở Hội An nói chung.

     Chùa Cầu còn gắn chặt với ký ức của nhiều thế hệ cư dân địa phương, thậm chí trở thành biểu tượng linh thiêng về niềm tin trấn Cù dậy nhằm bảo vệ sự bình yên cho phố xá, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho cư dân. Niềm tin, ký ức đó chính là phần cốt lõi, tinh túy góp phần quan trọng tạo nên giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, riêng có của cây cầu trứ danh này.
 
[1] Huỳnh Tịnh Paulus Của - Đại Nam Quốc âm tự vị, Sài Gòn xuất bản, 1895, tr 194
[2] “Rồng và hiện tượng Cù dậy”, Tuvilyso.net
[3] Câu chuyện được linh mục L.Cadière giới thiệu trong BAVH tập 7, 1920 với nhan đề: “Trên cầu Faifo thế kỷ XVII- Câu chuyện khôi hài”.
[4] Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Viện Đại học Huế Sài Gòn, xb 1963, tr 154.
[5] Nhóm nghiên cứu Hội An - Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1, Văn bia, Công ty in – phát hành sách Quảng Nam, 2015, tr 189-191
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn,  Đại Nam thực lục tiền biên (tập I), Nxb Giáo dục, 2007, tr 137

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/be-day-lich-su-van-hoa-cua-chua-cau-nhin-tu-mot-truyen-thuyet-1174.html


1.

CHÙA CẦU – DẤU ẤN NGƯỜI NHẬT TRÊN PHỐ CỔ HỘI AN

Ngày đăng: 19/09/2023 17:14

Nhắc đến Chùa Cầu ở Hội An chắc hẳn sẽ có nhiều người biết đó là hình ảnh được in ở mặt sau của tờ tiền 20.000 VND mà mình thường dùng. Tuy nhiên, để hiểu về ý nghĩa, tên gọi cũng như nguồn gốc lịch sử của Chùa Cầu thì không hẳn ai cũng biết rõ. Chùa Cầu (tên khác là cầu Lai Viễn) là công trình kiến trúc duy nhất của người Nhật còn sót lại trên mảnh đất phố cổ Hội An ngày nay. Đây được xem là biểu tượng gạch nối “giữa quá khứ và hiện tại” trong mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản từ hàng trăm năm qua.

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023), trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.

Hình ảnh cầu Lai Viễn ở phố cổ Hội An được chụp lại và in trên tờ tiền 20 nghìn đồng Việt Nam

Ảnh: Sưu tầm

Về lịch sử xây dựng Chùa Cầu, tục truyền rằng, khi các thương nhân người Nhật tới đây buôn bán (vào khoảng thế kỷ 16, 17), họ cho rằng địa điểm xây dựng Chùa Cầu là cái sống lưng của con cù – một quái vật giống như con rồng, đầu ở tận Ấn Độ và đuôi ở tận đất Phù Tang (Nhật Bản). Mỗi lần nó quẫy đuôi là nước Nhật bị động đất dữ dội. Vì thế họ đã dựng lên Chùa Cầu coi như yểm thanh kiếm xuống huyệt lưng con cù, mong trừ một tai họa cho người dân Nhật Bản.

Về vị trí của Chùa Cầu, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 44 biên chép như sau: “Cầu Lai Viễn ở xã Cẩm Phố về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông Cái, bắc cầu ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc. Dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói…”.

Chùa Cầu do những người khách buôn Nhật Bản xây dựng được khắc trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 44

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là “Lai Viễn Kiều”, nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Đây là tên gọi được chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nhân chuyến thăm dinh Quảng Nam để tỏ ý kêu gọi các thương nhân nước ngoài đến Hội An buôn bán. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 26, ghi như sau: “Mùa xuân, tháng 3, năm Kỷ Hợi (1719), Chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía Tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”.

chua cau

Mộc bản khắc việc chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên cầu Lai Viễn khi đến thăm Hội An vào năm Kỷ Hợi (1719)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Chùa Cầu có kiến trúc hết sức độc đáo. Chùa được xây dựng trên một chiếc cầu bằng gỗ dài khoảng 18m, vắt ngang một lạch nước sâu chảy ra sông. Giữa cầu là lối thẳng cho xe ngựa qua lại, hai bên là hai lối cuốn lưng lừa dành cho khách bộ hành. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều được sơn son và chạm trổ rất tinh vi với nhiều họa tiết rất đẹp mắt, trong chùa có tượng Bắc đế cưỡi con cầu long. Ở hai đầu cầu, một bên có hai tượng chó, một bên có hai tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa.

Vào năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó.

Ngày nay, nét quyến rũ độc đáo của Chùa Cầu đã trở thành điểm du lịch ưa thích của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến phố cổ Hội An. Du khách tới đây ngoài việc được thưởng ngoạn vẻ đẹp kiến trúc đặc biệt của cây cầu mà còn được chiêm nghiệm về dấu ấn lịch sử văn hóa lâu đời của hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;

2. Hồ sơ H20/6, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H28/9, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Quảng Nam – địa lý, lịch sử, nhân vật của tác giả Lâm Quang Thự, năm 1974.

Cao Quang

https://mocban.vn/chua-cau-dau-an-nguoi-nhat-tren-pho-co-hoi-an/


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.