Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/08/2024

Chuyện cũ chuyện mới Hà Nội : Hiệu sách bác Dư 180 Bà Triệu có truyền thống từ "hiệu Đức Hiên"

Một ít thời gian trước, hậu đại dịch Covid-19 được một thời gian, tôi lên thăm hiệu sách 180 Bà Triệu. Đây là hiệu sách cũ nổi tiếng ở Hà Thành gắn với ông chủ đặc biệt: ông Dư - tên đầy đủ là Lương Ngọc Dư.

Chúng tôi biết ông là một trong những hậu duệ của "hiệu Đức Hiên" - một nhãn hàng nổi tiếng ở Hà Thành trước năm 1954. Về hiệu Đức Hiên, tôi sẽ viết riêng sau. Lần gặp vừa rồi, tôi cũng có hỏi ông Dư thêm về hiệu Đức Hiên.

Ngày trước, có khi, tôi nghe người ta gọi ông bằng một cái tên khá vui: "Dư mắm tôm". Sao lại mắm tôm ? Có lẽ là gắt như mắm tôm ! 

Đó là cách nhìn hài hước về sự đặc biệt của chủ nhân hiệu sách. Một con người có trí nhớ siêu việt, gọi vui là "bộ óc điện tử". Hồi đầu thập niên 1990, hay la cà ở quán ông, ông nhớ, nên tôi biết tính ông. Điểm đặc biệt nhất của ông: đến hiệu sách của ông, thì không nên ngó nghiêng, mà cần hỏi ngay là đang cần tìm cuốn gì. Lập tức ông đọc vanh vách thông tin về cuốn sách và tác giả của nó, và đặc biệt là: hiện hiệu sách còn không, hay phải đợi ông bố trí.

Giới sinh viên đại học, dù là dân Bách - Kinh - Xây (Bách khoa - Kinh tế - Xây dựng) đến hỏi "Dư mắm tôm" sách kĩ thuật, thì ông cũng vanh vách. Vì có lẽ ông vốn học bên kĩ thuật.

Nhưng dân Cao - Xà - Lá (khu vực có các công ty Cao Su - Xà phòng - Thuốc lá) mà tiêu biểu là dân Văn của Tổng hợp, như tôi, đến hỏi, thì ông cũng vanh vách không kém ! Hồi đầu thập niên 1990 tôi mua mấy lần bộ ngữ pháp tiếng Việt của tác giả Diệp Quang Ban. Ông Dư biết và nhớ. Ông hỏi tôi: sao cậu mua lắm thế, mua một bộ là được rồi còn gì ! Tôi bảo: bộ đầu tiên thì của em, còn các bộ sau là em đi tặng đấy. 

Vào hiệu sách của ông, thì nên hỏi tên sách để được chỉ dẫn tức khắc từ bộ vi xử lí cực nhanh, là não bộ chạy cơm (không phải là AI như hiện nay, cũng không phải CPU như máy tính chúng ta còn đang dùng). Chứ nếu cứ ngớ nghiêng, không chịu hỏi, là bị "gắt mắm tôm" ngay. 

Đại khái, hồi thập niên 1990 thì tôi thích sách của Diệp Quang Ban viết về tiếng Việt. Hay tặng sách đó cho các bạn nước ngoài chuyên nghiên cứu về tiếng Việt.

Sau 30 năm, bây giờ ông Dư đã lên hàng ông rồi. Gặp ông bây giở, tôi không cần hỏi sách gì nữa, mà là tôi sẽ hỏi ông những chuyện ngày xưa về Hà Nội mà ông đã kể cho chúng tôi nghe. Ông cũng hỏi lại tôi về các tác giả sách nổi tiếng ngày xưa ông đã bán sách của họ: Phan Ngọc, Phan Đăng Nhật, Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh,... 

Rất kì lạ, là ông vẫn nhớ bài viết chung của hai ông Phan Ngọc và Phan Đăng Nhật về tiếng Việt - Mương chung ! Bài đó là bài tạp chí mà, sao ông Dư nhớ được nhỉ.

Ông cũng nhớ rất rõ những tác phẩm của học giả Vũ Ngọc Khánh. Có lẽ ông thích cách viết của cụ Khánh.

Nhưng bây giờ, ông Dư cũng bảo: trí nhớ của tôi bây giờ cũng sa sút nhiều rồi ! Có khi nhớ, có khi lại không nhớ ra nổi !

Hiệu sách của ông Dư trên phố Bà Triệu


Nay ghi lại một entry mở đầu để đánh dấu.

Dưới đây là chép một bài cũ nhất (năm 2008) và một bài mới nhất (2023) của báo chí mạng về ông và hiệu sách số 180 phố Bà Triệu.

Dưới đó là tư liệu cập nhật và bổ sung được dán dần lên như mọi khi.

Tháng 8 năm 2024,

Giao Blog


---

Bài năm 2008


15/05/2008 04:07 GMT+7
Hiệu sách cũ của "gã ngông"

Ông Lương Ngọc Dư
Ông Lương Ngọc Dư

TT - Có người đã rơi nước mắt khi bất ngờ thấy bút tích của mình trên quyển sách đã bị thất lạc bao năm đang bày bán ở vỉa hè. Có người quyết dốc hết lương hưu dành dụm để mua cho được một độc bản sách. Cũng có người mừng như vớ được vàng khi chỉ trả vài ngàn đồng cho bộ sách cổ nằm lẫn trong đống giấy vụn ve chai...

Trong thế giới sách cũ (Kỳ 1):

iIpx7Q8d.jpgPhóng to
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đó chỉ là những chi tiết nhỏ trong thế giới sách cũ chứa đựng bao thế thái nhân tình. Trong thế giới sách cũ, có người lấy đó để làm giàu, cũng có nhiều người xem là thú chơi, là đạo của đời mình.

Tôi vừa bước vào hiệu sách số 180 Bà Triệu thì bị gọi giật: "Đi đâu đấy?". Một người đàn ông trung niên đang nhìn tôi lừ lừ. Cảm giác ban đầu của tôi thật sốc với tiệm sách cũ có tiếng ở Hà Nội này. Nhưng rồi sau vài câu qua lại hiểu ý khách lạ, ông chủ nhà sách đã nhẹ giọng xuống mặc dù vẫn còn chút bất cần đời. "Anh cứ gọi tôi là gã gàn dở hay gã ngông cũng được. Tôi mới đuổi thẳng cổ mấy cặp sinh viên đấy. Ai đời đi mua sách mà đứa con trai thì tay nhét túi quần, tay phì phèo điếu thuốc, còn con gái vừa xỉa tăm tanh tách vừa trả giá leo lẻo như mua cá” - ông chủ tiệm sách cũ Lương Ngọc Dư lại tự giới thiệu mình bằng một tràng khinh khỉnh.

"Tôi sẵn sàng tặng không"

48KcxeaL.jpgPhóng to
Ông Lương Ngọc Dư (phải) và người bạn trẻ mê sách cũ

Ai biết đọc, biết viết với chút vốn lận lưng cũng có thể buôn sách cũ. Nhưng sẽ không thể có một tiệm sách cũ đàng hoàng nếu như chủ nhân của nó không có vốn đọc đàng hoàng

Nhưng chỉ nhìn thoáng qua "gia sản" sách quí trong ngôi nhà phố trung tâm Hà Nội này cũng biết ông Dư không phải là kẻ gàn. Những hàng kệ sách cao bằng cả hai thân người chồng lên nhau. Các lối đi ở giữa hẹp đến mức khách lạ phải nghiêng người len vào để không chạm rơi sách.

Ấn tượng đập ngay vào mắt là cuốn An Nam tạp chí có ảnh hành quyết tướng sĩ Hoàng Hoa Thám đã ố vàng màu thời gian nhưng vẫn còn rõ mặt những người yêu nước chí lớn không thành. Bộ Thú xem truyện Tàu của lão gia Vương Hồng Sển được đánh số thứ tự, in từ năm 1970 nằm ngay ngắn ở vị trí trang trọng trên kệ sách. Đặc biệt là cuốn Hồng Đức bản đồ của tủ sách Viện khảo cổ, Bộ Quốc gia giáo dục (Sài Gòn - 1962) có nhiều bản đồ minh chứng chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Ông chủ tiệm sách Dư bắt đầu ý hợp với kẻ hậu bối lạ hoắc đến từ miền Nam như tôi. Vừa dẫn tôi đi tham quan "gia sản" sách, ông vừa vui vẻ leo trèo cầu thang để lấy những quyển sách trên cao mà tôi yêu cầu. Người đàn ông tưởng như bất cần đời này cực kỳ nâng niu sách. Nhẹ nhàng lần giở từng trang trong quyển sách ảnh bìa đỏ Chiến tranh giải phóng Việt Nam do Nhật in tặng nhân dân VN, ông rưng rưng kể sách này có những hình ảnh đặc biệt từ cuộc chiến chống Mỹ đến chiến tranh biên giới phía Bắc. Và ông xúc động nhất là chính nhiếp ảnh gia người Nhật đã bỏ mình ở Lạng Sơn để nhân dân VN có quyển sách ảnh quí hiếm.

Bây giờ, ngồi nhớ lại chuyện xưa, ông Dư trầm ngâm: "Ai biết đọc, biết viết với chút vốn lận lưng, cũng có thể buôn sách cũ. Nhưng sẽ không thể có một tiệm sách cũ đàng hoàng nếu như chủ nhân của nó không có vốn đọc đàng hoàng". Ông chủ tiệm sách cũ đầy cá tính này cực kỳ khó tính với những kẻ giả cận thị, giả mê sách để "lấy màu" trí thức, nhưng cũng rất quí những người thật sự mê sách.

Tiệm sách cũ 180 phố Bà Triệu từng bị tiếng tai "máy chém", ông không thanh minh mà còn hãnh diện, vì ông tin rằng sách quí thì vô giá. Vả lại, đôi khi ông cũng muốn hét giá để những kẻ giả vờ mê sách đừng mua về nhà xếp xó. Tuy nhiên, nhiều người cũng đã tận mắt chứng kiến ông bán rẻ, thậm chí tặng không sách quí cho những người nghèo mê sách và cần sách.

Những tủ sách, đời người

iLs91EUN.jpgPhóng to

Quyển Hồng Đức bản đồ quí hiếm của ông Dư

Ông Dư là kỹ sư xây dựng. Thời bao cấp túng thiếu, ông đành phải bán chính mớ sách cũ của mình. Một vài lần riết rồi quen, ông đã biết mua lại sách cũ để bán cho người có nhu cầu. Có vốn đọc từ hồi đi học, ông tự nhiên vào nghề buôn sách cũ và càng ngày càng thấm dần chữ nghĩa.

Những lúc nhàn rỗi, ông miên man đọc hết quyển này đến quyển khác. Ông lặng lẽ trở thành mọt sách lúc nào không biết, thấm thía với từng trang sách hay và xúc động với cả thủ bút của những người đã từng nâng niu nó trước ông.

Thời kỳ bao cấp, nhiều trí thức, kể cả chức sắc, tướng lĩnh gặp khó khăn kinh tế, nhà cửa chật hẹp đành phải rời tủ sách. Biết ông Dư là người kinh doanh sách cũ chuyên nghiệp nhưng không xem sách là món hàng nên họ mời ông. "Nhiều lần tôi không kìm nổi xúc động khi đứng trước những tủ sách quí, đặc biệt là sự giữ gìn, nâng niu sách của chủ nhà. Tôi khuyên họ nếu chưa cần phải bán thì cố giữ lại, vì có thể cả đời người chưa tích lũy nổi tủ sách quí giá như vậy" - ông Dư kể. Sau đó một số người quyết định không bán nữa, nhưng đa số vẫn đành phải ngậm ngùi chia tay nó.

Một học giả tóc bạc phơ vừa tẩn mẩn phủi từng nếp bụi trên những quyển sách văn học cổ trước khi rời chúng đưa cho ông vừa nghèn nghẹn tâm sự: "Tôi giữ lại thì chưa biết lúc mình chết tủ sách sẽ thế nào. Chuyển cho anh, tôi tin những quyển sách đáng kính này sẽ đến người đọc đáng kính".

Ngoài số sách cũ kinh doanh, ông Dư giờ cũng đã có tủ sách của đời mình. Trong đó có một cuốn đặc biệt in ở Pháp vào thế kỷ 18, nội dung viết về địa chí Đông Dương mà nhiều người mê sách cổ trả vàng lượng ông vẫn không bán. Hầu hết chủ nhân những tủ sách quí gia đình đều yêu cầu ông Dư phải xóa dấu tích, thủ bút của họ trên sách. Với ông Dư, "sách quí mà có thêm chữ ký tay, con dấu hay hình ảnh của tên tuổi được xã hội kính trọng thì giá trị của sách sẽ tăng gấp nhiều lần. Nhưng tôi tôn trọng nguyện vọng của những người đã nuốt nước mắt rời nó”. Ông Dư vẫn tâm sự rằng ngày cuối đời nào đó, nếu phải trao lại tủ sách này cho người đọc đáng kính, ông sẽ xóa hết thủ bút khẳng định chủ nhân của mình trên đó.

--------------------------------------

Có một hiệu sách cũ nổi tiếng nhất nhì Hà Nội, nhưng không trưng bày một quyển sách nào ra mặt tiền. Nhiều người mê sách trong nước, kể cả các nhà nghiên cứu, ngoại giao nước ngoài tìm đến...

Kỳ tới: Thư phòng trầm mặc

ÔNG LƯƠNG NGỌC DƯ

https://tuoitre.vn/print/hieu-sach-cu-cua-ga-ngong-257576.htm

https://tuoitre.vn/hieu-sach-cu-cua-ga-ngong-257576.htm


---

Bài năm 2023


Dòng chảy sách cũ

Vài tuần trước, tin "cụ Cảnh Bát Đàn" qua đời nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, kèm theo đó là những ký ức ngậm ngùi của nhiều độc giả ở độ tuổi trung niên. Với họ, chủ nhân hiệu sách số 5 Bát Đàn gần như là biểu trưng còn lại của một dòng chảy đang thay đổi quá nhiều so với chính nó: Sách cũ.

Hiệu sách 180 Bà Triệu nổi tiếng một thời của ông Dư. Ảnh: Tuấn Hiệp
Hiệu sách 180 Bà Triệu nổi tiếng một thời của ông Dư. Ảnh: Tuấn Hiệp

Vốn khá hiếm hoi trong giai đoạn trước 1975, các cửa hiệu sách cũ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại Hà Nội từ giữa thập niên 1980. Bên cạnh không khí của thời kỳ Đổi mới, đó cũng là giai đoạn nền xuất bản trên toàn quốc đang chuyển mình. Các số liệu cho thấy có khoảng 50 nhà xuất bản Trung ương và địa phương ra đời trong 5 năm, kể từ dấu mốc 1986.

Để rồi, bên cạnh lượng sách ra thị trường từ các đơn vị quốc doanh, những người mê sách và có một lượng lớn xuất bản phẩm cũ trong tay cũng nhận thấy cơ hội được chọn một nghề mưu sinh đích thực gắn với sở thích của mình.

Sớm nhất - và được biết tới nhiều nhất - trong số này là hiệu sách số 5 Bát Đàn của ông Phan Trác Cảnh, nguyên cán bộ khoa Văn Trường đại học Tổng hợp. Mở cửa hiệu từ năm 1983, ông Cảnh cũng chọn một con đường riêng: Kinh doanh dựa trên nguồn tư liệu phong phú được sưu tầm nhiều năm trước đó.

"Nhà sách Bát Đàn gần như không có sách văn học. Hơn một tấn sách cũ của cụ Cảnh chủ yếu gắn với mảng tư liệu về lịch sử, địa chí, văn hóa, dân tộc học... Đặc biệt hơn, chủ nhân của nó chủ yếu bán các tư liệu đã được sao chụp lại, chứ không bán sách gốc như các cửa hàng khác" - nhà sưu tập Tạ Thu Phong (Hà Nội) kể - "Là người sưu tập sách, lại từng có kinh nghiệm làm về công tác thư viện, cụ Cảnh rất giỏi trong việc hệ thống, sắp xếp nội dung sách, tư liệu - thậm chí là các bài báo - theo từng danh mục riêng, có khi lên tới cả chục tập cho mỗi chủ đề".

Tìm tới cửa hiệu của cụ Cảnh để được nghe tư vấn, giới thiệu và mua tư liệu trong giai đoạn ấy chủ yếu là giới nghiên cứu, giảng viên Đại học, thậm chí là các học giả nước ngoài cần tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ít phổ biến hơn, một số nhà sưu tập cũng ghé qua đây với hy vọng mua được các bản sách cổ, sách hiếm - vốn được chủ nhân trân quý xếp riêng một chỗ.

Dòng chảy sách cũ ảnh 1

Không gian tiêu biểu trong một nhà sách cũ khi xưa: chật chội, cổ lỗ và... chất đầy sách. Ảnh: Tư liệu

Đến giờ, giới chơi sách vẫn truyền miệng giai thoại về một nhà sưu tập tại Hải Phòng, từng mua được bản sách cổ Đại Việt chỉ Nam với giá kỷ lục ngay từ thời điểm ấy. Quá mê sách, mỗi tháng dăm lần bảy lượt lặn lội đáp xe lên Hà Nội năn nỉ với cụ Cảnh, vị khách này cuối cùng lập tức chớp cơ hội trả tiền khi chủ nhân quá mệt mỏi đành "tố" bừa một mức giá trên trời!

Ngoài ông Cảnh, độc giả giai đoạn sau đó cũng biết tới một số chủ hiệu sách cũ khác - vốn quen được gọi bằng cách ghép giữa tên thật và địa chỉ - như Dư Bà Triệu, Điền Thụy Khuê, Hùng Ngô Thì Nhậm, Giang Ngô Thì Nhậm... Dù không quá khác biệt, nhưng mỗi địa chỉ này vẫn có những đặc trưng riêng và gắn với những nhóm khách hàng riêng. Chẳng hạn, sách cũ tại 352 Thụy Khuê không quá phong phú nhưng giá mềm, được bán bởi vợ chồng ông Điền khá xởi lởi và vui chuyện. Sách tại phố Ngô Thì Nhậm chủ yếu thiên về sách giáo khoa, sách tại Bà Triệu phần nhiều thuộc mảng văn học...

Riêng trường hợp hiệu sách 180 Bà Triệu cũng là một ca đặc biệt. Chủ nhân của nó, ông Lương Ngọc Dư, vốn là dân xây dựng, vì mê sách nên không thèm cho thuê "đất vàng" mà lấy luôn ngôi nhà mặt phố của mình để bán sách cũ. Có điều, ngoài việc bán sách với giá khá đắt, ông chủ hiệu này cũng khá kiêu - tới mức có thể khinh khỉnh vặn lại khách nếu than giá cao hoặc hỏi một câu ngu ngơ về tên sách, loại sách. Bởi thế, ngoài việc nằm ở trung tâm, tính cách không giống ai của ông Dư cũng giúp hiệu sách này khá nổi tiếng theo mọi nghĩa.

"Không khó để khái quát về mô hình của các hiệu sách cũ trong giai đoạn này. Phần lớn đó là những không gian nhỏ, có khi chỉ 20 - 30m2, tứ phía chất toàn sách và do chủ nhân trực tiếp bán hàng, hoặc cùng lắm có thêm một nhân viên" - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books nhớ lại. "Tuy nhiên, hầu hết chủ nhân của nó đều khởi đầu từ những người yêu sách, lại chịu đọc, chịu tìm hiểu nên có một vốn hiểu biết khá đầy đủ để tư vấn, thậm chí là đối thoại sòng phẳng với người mua".

Cụ thể hơn, như một số người mê sách tổng kết, vì là "mọt sách" chính hiệu nên các chủ hiệu sách khi đó thường nắm khá vững giá trị của mỗi cuốn sách - cũng như rất biết... rao giá với khách hàng. Ngược lại, khi không thể tìm được những đầu sách cần thiết (đa phần xuất bản từ lâu) tại các hiệu sách quốc doanh, người mua đành gõ cửa những hiệu sách cũ này - để rồi hoặc ngậm ngùi trả tiền, hoặc lâu lâu ghé lại mặc cả tiếp, bởi với giới mê sách thì thời gian luôn là thứ yếu.

Thêm vài năm nữa, cùng với sự phát triển của thị trường xuất bản, giai đoạn nửa sau thập niên 1990 có thể coi là thời hoàng kim của sách cũ Hà Nội, khi nhiều phố sách cũ nối nhau mọc lên tại đường Láng, phố Trần Quốc Hoàn hay cụm "sách cũ đường tàu" dọc đường Giải Phóng. Đa phần gắn với các khu vực có nhiều sinh viên và có phần hơi "tạp" về nội dung, nhưng các hiệu sách cũ này có số lượng đầu sách khá phong phú, thậm chí có không ít bản sách hiếm, nên luôn thu hút một lượng lớn khách hàng.

Như chia sẻ của chủ một cửa hàng ở đường Láng, thế mạnh của các hiệu sách cũ khi ấy là đáp ứng được nhu cầu đa dạng của độc giả về mọi thể loại, với mức giá thường xuyên rẻ hơn các bản sách in mới. Thêm nữa, muốn tìm sách cũ, người mua có thể đặt các cửa hiệu tìm kiếm qua kênh riêng - mà nhiều khi là được mua lại từ các hiệu sách hoặc khách hàng khác.

Bây giờ, những hiệu sách cũ kể trên đa phần đã lui vào dĩ vãng. Một số hiệu sách cũ khác hoặc đóng cửa, hoặc cho con cháu nối nghiệp nhưng kinh doanh cả sách mới, để có thể quay vòng đồng vốn nhanh hơn. Riêng với các phố sách cũ, nếu các cửa hàng trên đường Láng - từng có lúc tràn ra ngồi cả vỉa hè - chỉ còn lác đác thì cụm "sách đường tàu" tại đường Giải Phóng gần như mất hẳn, chỉ còn một hai cửa hiệu nằm gần Bệnh viện Bạch Mai.

Không khó để nhận ra, sự phát triển của mạng xã hội, cũng như các đơn vị liên kết xuất bản - là lý do trực tiếp để dẫn tới những thay đổi ấy. Nhiều năm qua, một lượng lớn các đầu sách có giá trị trong quá khứ đã được in lại với chất lượng tốt, đủ để độc giả thoải mái lựa chọn thay vì những ấn bản "giấy đen, bìa nát" trong quá khứ. Rồi, nếu chưa có sách in mới, nhiều bản sách cũ ấy cũng được cộng đồng tự số hóa và chia sẻ rộng rãi trên mạng cho thỏa nỗi nhớ của mình.

Cũng phải kể thêm một lý do đặc biệt: Không còn "chung đường" với những bản sách cũ bán đại trà, những bản sách cổ, sách hiếm đã dần tách ra và trở thành một nhánh riêng, khi thú sưu tập các bản sách này trong thời gian qua đang tăng mạnh. Trong khi các bản sách này đã được "lọc" từ sớm để thuộc về địa hạt mua bán - trao đổi riêng của giới sưu tầm, những ấn phẩm còn lại ở các hàng sách cũ lại được chọn lọc theo từng mức: Các bản sách không hiếm nhưng in lâu năm và còn đẹp (hoặc may mắn có thủ bút tác giả) có thể được giới chơi sách "hạ cố" mua về bày trên giá; sách cũ dạng truyện tranh hoặc truyện thiếu nhi được thế hệ 7x, 8x mua vì cảm giác hoài cổ; rồi dưới nữa là dạng sách cũ "tạp pí lù" thường được bán đồng giá để xả hàng... Có điều, khi mạng xã hội phát triển, nhiều địa chỉ sách cũ cũng thiên về mua bán online, thay vì bỏ tiền thuê cửa hiệu theo mô hình truyền thống trước đây.

Sẽ không dễ, nếu mong sách cũ sống lại thời hoàng kim - cũng như mong dòng chảy của nó sớm có thêm những chủ nhân đủ trình độ, kiên nhẫn và đam mê để kinh doanh theo một mô hình độc đáo như ông Phan Trác Cảnh. Vẫn biết, có mới thì đương nhiên có cũ, sách cũ vẫn sẽ tồn tại, giống như các bản sách giấy vẫn sẽ có chỗ đứng trong giai đoạn mà thương mại điện tử và e-book nở rộ như bây giờ. Nhưng đó phải là một con đường dài, với những tìm tòi để có mô hình thích hợp và mức đầu tư tương xứng.

Thay đổi nguồn cung

Nguồn cung cấp cho các hiệu sách cũ trước đây thường đến từ lượng sách được bán thanh lý của các thư viện địa phương hoặc tủ sách được một số gia đình bán lại sau khi chủ nhân qua đời. Đặc biệt, không thể bỏ qua lượng sách đến từ các cửa hàng ve chai đồng nát, thậm chí là từ các điểm chuyên thu mua giấy vụn để tái chế như làng Đống Cao (Bắc Ninh). Tuy nhiên, theo các chủ hiệu sách cũ, với nhu cầu hiện tại trên thị trường, các nguồn sách này hiện nay thường được người bán "lọc" khá kỹ về chất lượng và không còn phong phú, đa dạng như trước.


Đông Mai

https://nhandan.vn/dong-chay-sach-cu-post760214.html


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.