Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/04/2024

Thi sĩ Mộng Lan (thôn nữ) và bài thơ "Vịnh đền Phố Cát" năm 1931 trên Tạp chí Nam Phong

Mấy ngày trước, học giả Đặng Thế Đại - một nhà nghiên cứu vốn ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc VASS) và có một số bài viết học thuật thú vị về Thánh Mẫu Liễu Hạnh - có gợi ý về bài thơ "Vịnh đền Phố Cát" của thi sĩ Mộng Lan thôn nữ.

"Mộng Lan thôn nữ" có lẽ là bút danh của ai đó, chưa biết là nam hay nữ, nhưng xuất hiện trên Tạp chí Nam Phong danh tiếng vào đầu thập niên 1930 (ở các số 160, 162, 163, 164, 166, 168). 

1. Đại khái, thi sĩ này có những thi phẩm như:

- Xuân dạ phiếm chu nhàn ngâm,

- Nguyên tiêu thưởng hoa không có trăng cảm tác,

- Dạo vườn xuân,

- Phong, lan, tuyết, nguyệt, cầm, kì, thi, tửu vịnh,

- Thuyền đi chơi sông Hương,

- Giai nhâ sầu thập vịnh (Vịnh mười cái buồn),

- Vịnh Ngưu Lang,

- Vịnh Chức Nữ,

- Vịnh Bà Trưng,

- Vịnh Bà Triệu Ẩu,

- Vịnh cuội,

- Vịnh cuội cùng trăng,

- Vịnh chùa Hương Tích,

- Tây Hồ vọng nguyệt,

(...)

Chỉ cần xem diện hoạt động (các địa bàn sáng tác) thì cũng biết đây không phải là "thôn nữ" (phụ nữ ở nông thôn). Thi sĩ đi nhiều nơi, vịnh nhiều danh thắng và nhân vật lịch sử (có lẽ hơi ưu tiên cho các nhân vật nữ).

2. Trong số thi phẩm đã đăng tải trên Nam Phong của Mộng Lan thôn nữ, có một bài rất thú vị là "Vịnh đền Phố Cát".

Đây là nguyên bản bài thơ (cắt ra từ số 164, năm 1931).




3. Bản word hóa bài thơ trên, có kèm một lời giới thiệu ngắn, của học giả Đặng Thế Đại thì đọc ở dưới.

"

Trên Tạp chí Nam Phong số 164, ra tháng 7 năm 1931, có chùm thơ của bà Mộng Lan thôn nữ, trong đó có bài:

Vịnh đền Phố Cát
Cát Sơn một giải liệng quanh tròn,
Ngọn núi tuy già tiếng vẫn non;
Muôn kiếp anh linh lừng tiếng mẹ,
Mấy toà hương khói thoả lòng con;
Cá chầu trước giếng bơi lơ lửng,
Vượn hót sau đền, giọng véo von;
Phong cảnh thần tiên nền nếp cũ,
Xuân qua thu lại dấu không mòn.

Mộng Lan thôn nữ

"

(Nguồn:https://www.facebook.com/groups/1100094171128790/posts/1122963508841856/)

Đầu tiên, đưa nguyên bản với lời giới thiệu nhanh như trên đã.

Bài thơ của Mộng Lan thi sĩ đã có tuổi hơn 90 rồi (1931-2024). Cách gọi hiện nay là U95.


Tháng 4 năm 2024,

Giao Blog


---



BỔ SUNG


Hóa ra, bà Mộng Lan chính là bà Đặng Vũ Kính ở làng Hành Thiện ! Bà Mộng Lan là một cây viết của "tao đàn Hành Thiện". Làng Hành Thiện còn có bà Mộng Thiên (bà Cả Tề Đặng Thị Khiêm). Các bà Mông Lan và Mộng Thiên có giao lưu với nữ thi sĩ Tương Phố (phu quân của thi sĩ Tương Phố vốn là quan tri phủ Xuân Trường), với Vũ Hoàng Chương,... (theo tư liệu của bác sĩ Bùi Duy Tâm).

(đã ghi ngày 8/4/2024)


2. Bài của Bùi Duy Tâm 2008

"

Các hội tao đàn của làng Hành Thiện

Làng Hành Thiện trước năm 1954 có nhiều hội thơ họp định kỳ để ngâm thơ, bình thơ như kiểu các phòng khách trưởng giả qúi tộc bên Pháp (Paris). Các buổi bình thơ tại nhà nữ sĩ Mộng Lan (tức cụ bà Đặng Vũ Kính) đặc biệt trong năm 1931 có nữ sĩ Tương Phố (tác giả tập thơ Giọt Lệ Thu) nhiều lần đến tham dự vì khi đó phu quân làm Tri phủ Xuân trường mà phủ lỵ ngay bên cạnh làng Hành Thiện.

Tại nhà nữ sĩ Mộng Thiên (tức bà Cả Tề Đặng Thị Khiêm) trong các buổi ngâm thơ vào các năm 1947, 1948, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường hay đến dự và ngâm các bài thơ của thi sĩ. Đến bây giờ nhiều người còn nhớ đoạn đầu bài thơ “Trả ta sông núi” như sau :

"



"

Bài viết về làng Hành Thiện ( Nam Định) của bs Bùi Duy Tâm


Làng Hành Thiện

Đôi giòng:

Bài viết của bs Bùi Duy Tâm có tính chất văn hoá về làng quê ngoại của ông là làng Hành Thiện, nổi tiếng ở đất Bắc về khoa bảng.


Bùi Duy Tâm


Làng Hành Thiện (huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là quê ngoại của tôi.

Làng không những là đơn vị hành chánh của xã hội Việt Nam mà hơn nữa là gốc gác tinh thần của người Việt Nam – Nguyễn Du người làng Tiên Điền nên thường gọi là Tiên Điền Nguyễn Du. Tú Xương quê ở làng Vị Xuyên nên được gọi là ông Tú Vị Xuyên. Lão thi sĩ Phạm Xuân Ninh nguời làng Hà Thượng nên có bút hiệu là Hà Thương Nhân. Các vị đại khoa, đại quan mỗi khi về làng thăm cha mẹ hay thầy học đều phải xuống ngựa, đi chân đất. “Phép vua thua lệ làng” là thế đấy.

Hành Thiện dưới triều Nguyễn là một làng có nhiều khoa bảng nhất Việt Nam : “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Cổ Am thuộc Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông. Hành Thiện thuộc Nam Định.

Đó là câu nói cho có vần thôi. Thực ra trong khi làng Hành Thiện có 88 cử nhân và đại khoa (Bảng Nhãn, Thám Hoa, Tiến Sĩ, Phó Bảng) thì làng Cổ Am chỉ có 18 cử nhân và đại khoa. Trên Cổ Am còn làng Đông Ngạc (Hà Đông) có 42 cử nhân và đại khoa, làng La Hà (Quảng Bình) có 31 vị, làng An Đồng (Hà Tĩnh) 23 vị và làng Võ Liệt (Nghệ An) 21 vị. Làng Đông Ngạc đứng thứ nhì mà số khoa bảng (42) không bằng một nửa của làng Hành Thiện.

Chuyện khoa bảng ngày xưa đã vậy. Chuyện chính trị thời nay, Hành Thiện vẫn là một làng độc đáo nhất vì có hai nhà cách mạng nổi tiếng cùng chống thực dân Pháp nhưng ở hai chiến tuyến đối kháng, đó là hai ông Nguyễn Thế Truyền và Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh.

Làng Hành Thiện lại có nhiều chuyện đáng nói đến nỗi có cả hàng chục tác giả viết về Hành Thiện. Đáng kể nhất là Tiến sĩ Luật khoa Paris Đặng Hữu Thụ đã viết và tự xuất  bản hàng ngàn trang về làng Hành Thiện ngày xưa, thời Nho học, làng Hành Thiện ngày nay, thời Tây học. Đến nay ông cụ đã 90 tuổi rồi mà còn “dọa” thiên hạ sẽ xuất bản thêm hai cuốn nữa về làng Hành Thiện. Tác giả Đặng Hữu Thụ viết sách rất cẩn trọng. Ngoài việc nghe các bậc tiền bối kể lại, còn đọc sách chữ Nho trong nước, sưu tầm tài liệu chính thức từ các nguồn văn khố Pháp. Có thể nói chưa từng có một làng nào được nghiên cứu và viết lại phong phú bằng làng Hành Thiện.

Quê nội tôi ở đất Lam Sơn (Thanh Hoá), ngoài chuyện Lê Lợi khởi nghĩa, Lam kinh chỉ còn lại một vài cái bia của Nguyễn Trãi và nền cũ cung điện ngày xưa, đúng với câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Thăng Long hoài cổ” :

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Tôi không biết gì nhiều về quê nội có lẽ vì các giai thoại vườn Lệ Chi, suối Côn Sơn cùng bản hùng ca Bình Ngô Đại Cáo đã làm lu mờ 10 năm nằm gai nếm mật của người anh hùng áo vải.

Quê ngoại tôi là làng Hành Thiện thì trái lại, có quá nhiều sự việc có thể viết ra để góp phần với các tác giả đã viết về làng Hành Thiện và để làm món quà văn hóa cho quý độc giả trong dịp xuân về.

Làng Hành Thiện trong lãnh thổ hiện tại đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI. Trước kia làng tên là Hành Cung, mãi đến năm 1823 mới đổi tên là làng Hành Thiện.

Làng Hành Thiện ở hữu ngạn sông Hồng Hà, nơi ngã ba sông, nơi sông Hồng Hà chia ra hai nhánh trước khi chảy ra vịnh Bắc Kỳ. Nhánh chánh vẫn gọi là sông Hồng Hà còn nhánh kia gọi là sông Ninh Cơ chảy qua Lạc Quần (Kiên lao) xuống huyện Hải Hậu rồi ra biển ở cửa Lạch Giang.

Làng Hành Thiện (diện tích khoảng hai cây số vuông) hình con cá chép. Chung quanh làng có một con sông nhỏ gọi là sông Bùi Chu rộng độ 10 mét, dài 10 cây số, nối liền sông Hồng Hà với sông Ninh Cơ. Khi chảy đến Hành Thiện thì tách ra làm hai nhánh, bọc kín làng, từ đầu làng đến cuối làng thì hợp lại để chẩy ra sông Hồng. Làng Hành Thiện nằm ngay ngã ba sông Hồng Hà và sông Ninh Cơ lại được sông Bùi Chu, lúc nào nước cũng đầy ắp bao bọc. Theo phép địa lý, đất Hành Thiện lúc nào cũng ấm áp, đắc địa nên là nơi “Địa linh, Nhân kiệt”.

Làng chia ra hai phần chính :

– Làng Trong là bờ tây nam sông Bùi Chu, là nơi thổ cư của họ Giáp Nguyễn (Hành Thiện có 4 họ Nguyễn khác nhau, phân ra làm Giáp Nguyễn, Ất Nguyễn, Bính Nguyễn và Đinh Nguyễn). Ông Nguyễn Thế Truyền và Mẹ tôi thuộc họ Giáp Nguyễn. Làng Trong nhỏ hơn, có 4 giong, mỗi giong có hai xóm, xóm trước và xóm sau.

– Làng Ngoài lớn hơn gồm 14 giong. Giong là ngõ chạy xuyên qua bề ngang làng, chia làng ra từng khúc như khúc cá. Giong số 1 ở đầu làng, canh Vũ Chí (Hành Thiện có Vũ Chí để thờ các vị nổi tiếng về võ nghệ có lòng trung quân ái quốc, và Văn Từ để thờ Khổng Tử, các vị tiên hiền, các vị khoa mục Hành Thiện đã qúa cố. Văn từ được xây từ thế kỷ XVII ở giữa khu ruông bia thuộc Làng Trong). Giong số 14 ở đầu cá, cạnh chợ cuối làng. Giong số 1 và số 14 ở đầu làng và cuối làng chỉ dài 150 mét. Các giong số 6, 7, 8 ở giữa bụng cá, dài tới 600 mét. Các giong ở làng trong dài 200 mét.

Cạnh Vũ Chỉ có một chỗ trũng gọi là Rốn Cá. Đàn ông đi qua thường đái vào đó nên người làng khác đặt chuyện ra để chế diễu nói là vì thế con gái Hành Thiện hay bị chửa hoang và con trai Hành Thìện có giới tính rất mạnh.

Dân số làng Hành Thiện dựa vào sự kiểm tra năm 1936 là gần tám ngàn người trêm một diện tích khoảng hai cây số vuông. Vậy mật độ là 4,000 người trên một cây số vuông (gấp 4 lần mật độ trung bình của các nơi khác trong tỉnh Nam Định, Thái Bình).

Như đã nói, Hành Thiện có 4 họ Nguyễn phân ra Giáp, Ất, Bính, Đinh. Bên ngoại tôi thuộc họ Giáp Nguyễn là họ to nhất làng. Ông nội của mẹ tôi là cụ An Thái (Án sát Thái Bình), con trai cả Cụ Huyện Quỳnh khi sinh ra có tên là Nguyễn Duy Khiêm nhưng vì chữ đẹp như tiên nên người đòi gọi là Nguyễn Duy Tiên, chơi đàn Nguyệt rất hay, làm quan rất thanh liêm nên nghèo, mất sớm khi đương chơi đàn. Ông Nội của ông Nguyễn Thế Truyền là cụ Nguyễn Duy Hàn, em trai thứ hai của ông Nội  mẹ tôi.

Cụ Nguyễn Duy Hàn làm Tuần Phủ Thái Bình nên thường gọi là cụ Tuần Thái, người đã gửi ông Truyền sang Pháp du học từ lúc 10 tuổi và đã giúp đỡ ông ngoại tôi  tiếp tục học bậc Trung học. Em trai thứ tư của Cụ Án Thái là Nguyễn Duy Thuần (cụ Tư Thuần), bố bà Trường Chinh  Đặng Xuân Khu.

Hành Thiện có 6 họ Đặng phân biệt bằng tên đệm :

– Đặng Vũ (Đặng Vũ Lạc, vị Bác sĩ Y Khoa đầu tiên đậu tại Paris).

– Đặng Đức

– Đặng Xuân (Đặng Xuân Bảng, vị Tiến sĩ đầu tiên của làng Hành Thiện, ông nội ông Đặng Xuân Khu).

– Đặng Ngọc

– Đặng Huy

– Đặng Hữu

Họ Phạm làng Hành Thiện có cư dân ngang với họ Đặng nhưng về số khoa mục chỉ đứng thứ ba sau họ Nguyễn và họ Đặng. Ngoài ba họ chính là Nguyễn, Đặng và Phạm còn hai chục họ nữa nhưng chỉ là thiểu số.

Hành Thiện không có bần cố nông, có nhiều nhà giầu có trên ngàn mẫu ruộng (trong số đó là  Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn, ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền) nhưng không có trọc phú.

Hành Thiện không có nhà tranh vách đất. Hơn một nửa là nhà ngói tường gạch còn lại là mái tranh nhưng có tường gạch hay bằng gỗ lim dầy. Bình thường nhà nào cũng có vườn cây ăn trái, ao nuôi cá, thả sen, một hàng cau cao vút trồng trước nhà và hai bên lối đi từ cổng vào đến sân gạch. Mỗi gia đình làm sở hữu chủ một thửa đất hơn 500 mét vuông, những gia đình giàu có làm sở hữu chủ hai khổ đất liền nhau rộng hơn 1000 mét vuông hay bốn khổ đất liền nhau, rộng hơn 2000 mét vuông như nhà Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Nhà nào cũng có hàng rào tre trúc, hoa dâm  bụt hay tường gạch bao bọc. Các cổng lớn bằng gỗ lim dầy hay xây gạch theo nhiều kiễu khác nhau, có cổng mái ngói, mặt tiền cổng đều trạm trổ các hình rộng phượng, hoa văn rất mỹ thuật. Nhiều ngôi nhà xây từ thế kỷ 18, 19 tường gạch dầy đến 30 cm, cửa toàn bằng gỗ lim dầy, các cột gỗ lim đặt trên  nền đá đỡ mái nhà không có trần. Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 có chừng gần 100 ngôi nhà xây theo kiểu Âu châu, không có cột nhưng có trần, có nhiều cửa kính, có hàng hiên rộng trước nhà hay chung quanh nhà trông ra vườn hoa cây cảnh.

Các ngôi nhà đẹp nhất Hành Thiện kiểu cổ là nhà Thượng thư Đặng Toán, ông Nghè Đặng Hữu Dương, Thượng thư Đặng Đức Địch, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng (ông nội ông Đặng Xuân Khu). Ông Huyện Nguyễn Hân, ông Nghè Nguyễn Ngọc Liên, Thị Lang Nguyễn Xuân Huyên. Nhà xây theo lối mới đẹp nhất và lớn nhất là nhà Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn (em thứ hai của ông Nội mẹ tôi và là ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền). Nhà này chiếm 4 khổ đất rộng hơn 2000 mét vuông, có hiên chạy quanh nhà, riêng phòng khách rộng 390 mét vuông, tiếp được hơn 300 quan khách.

Các ngôi nhà khác kiểu mới rất đẹp là các nhà của Hậu Bổ Nguyễn Đương Hòa (thường gọi là ông Hậu Nô, xây theo kiểu Second Empire), Cử nhân Nguyễn Văn Bình (ông Cử Biềng), Thượng thư Đặng Đức Cường, Á Nguyên Đặng Vũ Cao, Nghị viên Đặng Vũ Kính, Ấm sinh Nguyễn Đương Trinh, Hội viên Nguyễn Hữu Như (bố Giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên, hiệu trưởng trường Phục Hưng Sài Gòn).

Nhà nào phòng khách cũng được trang trí bằng nhiều đồ cổ, đồ đồng, đồ sứ Trung Hoa. Bàn ghế, tủ bằng gỗ gụ khảm xà cừ. Trên tường, trên cột treo hoành phi, câu đối sơn son hay sen then (đen) thiếp vàng.

Hồi kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư từ Hà Nội về quê ngoại Hành Thiện, đến ở nhà ông bà Hàn Năng (ông Nguyễn Văn Năng là em họ ông ngoại tôi và bà Hàn là em ruột bà ngoại tôi). Ông Hàn Năng sau 1954 vào Nam làm Giáo sư Cổ nhạc tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và có cộng tác với Đoàn Gió Khơi của tôi. Ông chế ra cây đàn Phụng Minh và Bằng Minh chịu ảnh hưởng đàn trung hồ cầm (cello) của Tây phương. Ông đã biểu diễn từ trước năm 1945 tại Huế và nhiều nơi khác. Ông bà niềm nở rộng rãi với bà con họ hàng khách khứa và rộng lượng với kẻ ăn người ở trong nhà. Mỗi bữa cơm là một bữa cỗ đủ cả sơn hào hải vị, giò nem,ninh mọc, vây, bóng… bây giờ nghĩ lại còn thấy thèm. Ăn uống no say xong lại được lên phòng khách để chiêm ngưỡng những bức bình phong lá ngọc cành vàng rất quý, gửi mua từ Hồng Kông. Cụ thân sinh là Nguyễn Chấn Hanh (Tú Chấn) đèn sách từ nhỏ như mọi người Hành Thiện nhưng công danh lận đận, đến năm 29 tuổi mới đỗ được tú tài nên chuyển sang làm ruộng, rất thành công. Điền sản có tới 1,800 mẫu ruộng đem chia đều cho con cái: “Hàn Năng, Tú Vũ, Lý Tào” đều giầu có nổi tiếng, tên tuổi đã thành câu vè chỉ 3 nhà giầu của làng.

Hành Thiện có tập tục rất hay là các gia đình giàu có đều gửi con đi học trường tây ở Hà Nội hay gửi con sang Pháp du học. 3 ông Năng, Vũ, Tào đều được học trường Albert Sarraut Hà Nội. Ông Vũ đậu được Tú Tài Pháp.

Gia đình nào dù giàu nghèo đến đâu cũng lo nuôi con ăn học. Nếu đường khoa bảng không thuận lợi thì xoay sang kinh doanh thương mại hay khai khẩn ruộng đất khắp mọi nơi. Điền chủ Đặng Vũ Khâm có 1709 mẫu đồn điền trồng cà phê và nuôi bò tại Chợ Ghềnh huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Điền chủ Đặng Vũ Hùng có 1388 mẫu ruộng tại Rạch Giá, Nam Kỳ.

Làng Hành Thiện có hai ngôi chùa ở đầu làng cách nhau nửa cây số. Chùa Trong hay Thần Quang (xây từ cuối thế kỷ XVI) phía trước thờ Phật, phía sau thờ Đức Không Lộ Dương Minh Nghiêm (có tài chữa bệnh, đã chữa khỏi bệnh cuồng trí cho vua Lý Nhân Tôn nên được tôn làm “Lý triều quốc sư”) làm Thánh tổ của làng. Chùa Ngoài tức chùa Đinh Lan (vào cuối thế kỷ 18 có một tượng gỗ trôi trên sông Hồng, đến địa phận làng Hành Thiện, được trẻ mục đồng vớt lên, thấy có khắc mấy chữ “Thánh Mẫu Đinh Lan”).

Hàng năm hai chùa này đều mở hội linh đình. Chùa Đinh Lan mỗi năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch., chùa Thần Quang từ ngày mùng 9 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch, lôi kéo rất đông khách thập phương về Hành Thiện xem hội.

Hai đặc điểm của hội Chùa Thần Quang là cuộc rước kiệu và cuộc thi bơi trải. Theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu thụ: “Cuộc rước kiệu Thánh Không Lộ có đủ kèn, trống, chiêng, có quạt, tàn làm tăng phần long trọng. Kiệu do các thanh niên mặc đồng phục quần áo đỏ, thắt lưng vàng khiêng từ chùa ra đường trước chùa, đi vòng quanh chùa rồi lại trở về chùa. Trong khi rước kiệu thì một thuyền rồng tức thuyền bằng gỗ thị sơn đỏ, đầu thuyền chạm hình đầu rồng thiếp vàng do các thiếu nữ mặc đồng phục chèo ở hồ trước chùa.

Cuộc bơi trải được tổ chức vào hai ngày. Làng có 21 thuyền trải bằng gỗ vàng tâm dài 10 mét rộng 1,5 mét, cao 0,75 mét. Mỗi thuyền trải có một người lái và 9 người chèo theo nhịp điệu “dô ta”. Người lái và các người chèo đều bận quần cụt, áo cánh ngắn tay, đầu thắt khăn đỏ, khăn vàng, khăn tím đồng màu cho mỗi thuyền trải cũng được gọi là phe. Ở đằng lái mỗi thuyền trải có cắm một lá cờ ghi tên phe, 21 thuyền trải tức 21 phe thuộc ba giáp làng Hành Thiện.

Dân mỗi họ trong làng nhập vào một phe, có họ dân chia thành hai ba nhóm nhập vào hai ba phe khác nhau, mỗi nhóm nhập một phe.

Các trải chạy đua từ sông Bùi Chu nơi gần chùa Thần Quang qua Cổng Bùi ra sông Ninh Cơ và sông Hồng Hà. Các trải phải chạy 5 vòng hay 3 vòng khúc sông ở Mom Rô có cắm cọc cắm cờ ở gần bờ hai bên sông và ở khúc giữa sông để chỉ đường chạy đua. Sau khi chạy 5 hay 3 vòng ở Mom Rô rồi, các trải trở về làng qua Cổng Bùi  và đậu tại nơi khởi hành có cắm nêu chỉ chỗ các trải phải đụng nêu lúc trở về để đoạt giải hơn thua. Tám trải về đầu được giải thưởng bằng tiền và bánh dầy, người lái và các chân chèo chia nhau hưởng. Khi các trải chạy đua thì dân làng đi xem chạy theo ở sông Bùi Chu để vỗ tay cổ võ, khi các trải đã ra tới sông Ninh Cơ và sông Hồng Hà, mỗi khi chạy gần bờ, dân làng đứng trên bờ sông xem lại hô lớn, cổ võ cho phe mình.

Đình làng Hành Thiện trên một khu đất giữa làng, mặt tiền cách một sân rộng.

Sông Bùi Chu rộng trung bình là 10 mét mà đặc biệt khi chảy đến trước đình thì phình ra rộng đến 40 mét. Theo thuyết địa lý, đình làng trông ra khúc sông nở rộng như vậy là đắc địa cho dân làng về khoa cử và tiền bạc. Trong đình có treo một bức hoành phi khắc 4 chữ nho “Mỹ Tục Khả Phong” mà vua Tự Đức ban cho làng để khen làng cho nhiều phong tục tốt. Đình làng Hành Thiện chỉ dùng vào việc hội họp chứ không thờ Thành hoàng vì Đức Không Lộ, Thánh tổ của làng, đã được thờ tại chùa Thần Quang.

Làng có hai ngôi miếu lớn  là Miếu Cuối Làng và Miếu Văn Xương. Miếu Cuối Làng cạnh chợ Dưới trông ra ngã ba sông Bùi Chu, thờ ba vị thần là Đế Thích (Vua cờ, có phép tiên cứu đời), Nam Hải Đại Vương (một vị thủy thần  giúp cho đất Hành Thiện khu ngoại đê khỏi bị lở xuống sông và Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng, quan nhà Lý, khởi nghĩa đánh nhà Trần khi nhà Lý bị nhà Trần cướp ngôi, nhưng bị thua, tử trận. Vì là người nghĩa khí được vua nhà Lê phong làm Phúc thần).

Miếu Văn Xương (Nhị Thánh) tại lối sau Làng Ngoài ở cạnh sông gần giong số 7 do Tuần Phủ Đặng Xuân Bảng, Giáo thụ Đặng Ngọc Toản và Cụ Nguyễn Thành Chân tạo dựng năm 1898. Miếu thờ Quan Công và Đức Văn Xương, vị thần coi về khoa danh thi cử.

Ngoài ra còn mìếu Bách Linh (miếu Âm Hồn) gần chùa Thần Quang do Tri Huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh (Huyện Hàm) cụ nội Mẹ tôi bỏ tiền ra xây năm 1890.

Làng Hành Thiện có ba ngôi chợ ngày nào cũng họp. Một chợ sáng họp từ 6 giờ đến 8 giờ sáng chỉ bán bánh trái, thịt cá tôm cua, rau củ. Hai chợ hôm họp từ 4 giờ đến 6 giờ chiều, ngoài các thứ như chợ sáng  còn bán vải, tơ sợi nên còn gọi là chợ vải, cùng một địa điểm với chợ sáng (trên một khu đất trống làng Trong và một khu đất trống Làng Ngoài, có cầu bắc qua sông Bùi Chu nối hai khu chợ).

Chợ Dưới tọa lạc ở cạnh miếu Cuối Làng, giáp ngã ba sông Bùi Chu. Chợ gồm  một tòa nhà lớn cao ráo, lợp ngói, có cột xi măng đỡ mái, bốn mặt chợ đều trống, mặt sau có tường. Chung quanh tòa nhà lớn này có tám quán ngói, quán nào cũng mặt trước để trống, mặt sau có tường. Chợ Dưới được lập ra từ cuối thế kỷ XVI. Đến năm 1930 chợ được xây lại với qui mô rộng lớn hơn. Cạnh chợ trên sông Bùi Chu ăn thông ra sông Hồng Hà và sông Ninh  Cơ có rất nhiều thuyền nan và thuyền đinh bằng gỗ chở hàng hoá đến chợ bán  và tải hàng hoá từ chợ đi các nơi khác.

Chợ Dưới Hành Thiện là một trong số các chợ lớn nhất của tỉnh Nam Định. Có điểm đặc biệt là chợ ngày nào cũng họp từ khoảng 9 giờ đến 15 giờ và bán hàng hóa đủ loại, từ vải vóc tơ lụa, tạp hóa, gạo ngô, đậu vừng, hoa qủa rau thịt, tôm cá, mắm muối cho đến đồ sành đồ sứ, đồ đồng, hàng thêu cùng các loại hàng ngoại quốc như máy hát, đồng hồ, đèn bão, đèn pin, trà Trung Hoa, pháo Trung Hoa cùng sâm nhung và các thứ thuốc cao đơn hoàn tán.

Ở gần chợ Dưới có một chỗ đất trũng xuống được coi là “mắt cá” như chỗ trũng gần Vũ Chỉ được coi là Rốn Cá.

Làng Hành Thiện có nhiều trường học và nhiều thầy giỏi trong thời kỳ Nho học. Theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu Thụ: Hành Thiện có nhiều trường học, có nhiều thầy giỏi thì từ đầu thế kỷ XIX cho đến năm 1915 là năm có khoa thi hương cuối cùng tại Bắc Kỳ, ở làng Hành Thiện có nhiều vị khoa mục nổi danh mở trường dạy học : Cụ Tri phủ Nguyễn Bá Nghi đậu Cử nhân khoa 1819, Cụ Giáo thụ Nguyễn Bá Huống đậu cử nhân khoa 1821, mở trường trước năm 1850 sau khi hai cụ về hưu trí, Cụ Thượng thư Đặng Đức Địch, Phó bảng khoa 1849 mở trường tại làng  và tại làng Trà Lũ gần làng khoảng thời gian từ năm 1865 đến 1874. Cụ Tuần phủ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ khoa 1856 mở trường dạy học từ năm 1878 cho tới vài năm đầu thế kỷ XX. Cụ Tri phủ Nguyễn Ngọc Liên, Tiến sĩ Khoa 1889, sau khi thôi không làm quan mở trường từ năm 1894 cho đến năm 1915. Cụ Tri huyện Ngọc Quỳnh, Cử nhân khoa 1850 mở trường vào khoảng thời gian từ năm 1865 cho đến năm 1880. Cụ Tri huyện Nguyễn Đôn Thi mở trường vào khoảng thập niên 1890.

Các cụ khoa mục nói trên mà hầu hết đã nhiều lần làm quan trường, có nhiều kinh nghiệm về việc chấm thi, biết rõ phải làm  bài ra sao để thi đậu, mở trường tại làng huấn luyện các sĩ tử thi hương. Hai cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Ngọc Liên và cụ Phó Bảng Đặng Đức Địch còn hưấn luyện cả các sĩ tử đã có bằng cử nhân để dự các kỳ thi hội, thi đình.

Ngoài ra tại làng vào bất cứ thời gian nào từ đầu thế kỷ XIX cho đến năm 1915 cũng có đến mười trường tư của các cụ tú tài, các cụ nhị trường hay tam trường dạy học trò trình độ ấu học, tiểu học. Học trò nào có trình độ học vấn đã cao thì các cụ đồ này giới thiệu tới học các trường của các cụ cử, cụ nghè, cụ bảng nói trên. Vì được học các thầy giỏi nên các sĩ tử Hành Thiện học mau tiến bộ.

Về vấn đề sách học và sách đọc thêm cho rộng kìến thức thì tại Hành Thiện rất nhiều thư viện mà thư viện lớn nhất là thư viện Hi Long của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng. Tại thư viện lớn nhất Bắc kỳ này có đủ các lọai sách luyện thi hương thi hội, thi đình, có cả các loại sách có các bài  mẫu làm sẵn mà đầu đề đã ra trong các kỳ thi. Các bài làm sẵn này là các bài mà học trò giỏi của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng đã làm trong các kỳ thi và được các quan trường phê ưu, bình hoặc các bài xuất sắc đã làm khi học cụ Nghè và được cụ Nghè đặc biệt khen ngợi trong các buổi bình văn. Vì tại thư viện Hi Long có thợ in các loại sách cần thiết cho các học trò học thi nên thư viện cũng bán cả các loại sách này. Các thư viện của cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên, cụ Cử Nguyễn Ngọc Quỳnh, cụ Phó Bảng Đặng Đức Địch cũng chứa rất nhiều sách. Vì có sẵn sách để mua hay để mượn đọc nên các sĩ tử Hành Thiện đọc được nhiều, vì vậy nên có trình độ trí thức cao.

Nhiều trường học, nhiều thầy giỏi, nhiều thư viện đã giải thích khá rõ ràng tại sao làng Hành Thiện có nhiều khoa bảng và đại quan… Ngoài ra còn có những điều kiện thuận tiện sau đây :

– Điều kiện kinh tế : Học trò Hành Thiện phần lớn có cha anh giàu có, nhiều ruộng đất khắp huyện Giao Thủy và các nơi lân cận, vận cho ăn học nên không phải lo về sinh kế… Nhà nghèo mà học giỏi thì được các nhà giàu kén làm rể và vận tiền cho ăn học. Thêm nữa vì làng có nhiều trường dạy giỏi nên học trò không phải tốn kém đi học xa.

– Tinh thần truyền thống : Hiếu học, đua nhau học, trọng sự học. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người người ham học, nhà nhà theo nhau học.

Cụ Nguyễn thúc Tài, kỵ nội của mẹ tôi, làm lang thuốc nổi tiếng về tài chữa bệnh, có ba con trai đều đỗ cử nhân và đều làm quan :

– Nguyễn Hữu Lợi đậu giải nguyên, làm án sát Cao Bằng

– Nguyễn Hữu Thuận đậu cử nhân cũng làm án sát Cao Bằng

– Nguyễn Ngọc Quỳnh, cụ nội của mẹ tôi, đậu cử nhân làm tri huyện huyện Hàm Yên, Tuyên Quang (Huyện Hàm).

Cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh có 4 con đậu cử nhân là

– Nguyễn Duy Khiêm tức Tiên đậu cử nhân làm Án Sát (ông Nội mẹ tôi).

– Nguyễn Duy Hàn đậu cử nhân, làm tuần phủ (ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền)

– Nguyễn Duy Ninh đậu cử nhân làm tri huyện.

– Nguyễn duy Hiếu, đậu cử nhân làm tri huyện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung học Phổ thông là kỳ thi cao nhất được tổ chức trong vùng Xuân Trường – Giao Thủy. Tôi đỗ thủ khoa năm 1950, được dân làng Hành Thiện xôn xao khen ngợi làm cha mẹ tôi được nở nang mày mặt.

Nhiều gia đình khác con em cũng thi đua  học hành thi cử đỗ đạt:

– Gia đình cụ Nhị trường Đặng vũ Kiểm có ba con đậu cử nhân và hai con đậu tú tài.

– Gia đình cụ cử nhân Đặng Văn Tường có 5 con trai thì 4 con đậu cử nhân và 1 con đậu Nhị trường.

– Gia đình cụ Nguyễn Đình Hiệu có hai con trai thì một người đậu cử nhân và một người đậu Tiến sĩ (Ông Nghè Nguyễn Ngọc Liên).

Cho nên trong 6 làng có số cử nhân và đại khoa nhiều nhất nước thì làng Hành Thiện đứng đầu với 88 vị. Làng Đông Ngạc đứng thứ nhì với 42 vị, không bằng nửa của làng Hành Thiện. Số đậu đại khoa của một mình làng Hành Thiện còn nhiều hơn tổng số các vị đại khoa toàn xứ Nam kỳ vì trong suốt triểu Nguyễn, xứ Nam kỳ chỉ có 5 vị đại khoa (trong số đó có cụ Phan Thanh Giản đậu Tiến sĩ đệ tam giáp năm 1826). Số khoa mục của toàn thể các làng thuộc thành phố Nam Định và số khoa mục của 20 làng thuộc thành phố Hà Nội còn ít hơn so với số khoa mục của một làng Hành Thiện.

Đời sống tinh thần của làng Hành Thiện

(Phỏng theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu Thụ) Từ năm 1954 trở về trước, đời sống tinh thần làng Hành Thiện rất phong phú. Làng có nhiều hội hè, nhiều cuộc tế lễ công cộng, nhiều hội tư nhân như các hội thơ, hội nhạc, hội thả diều…và nhất là đám rước Ông Nghè Vinh Qui Bái Tổ trong thời Nho học.

– Lễ tế Đức Khổng Tử : Mỗi năm vào ngày  15 tháng 2 và 15 tháng 8 âm lịch, các vị khoa mục trong Hội tu văn Hành Thiện tổ chức lễ tế Đức Khổng tử, các tiên hiền và các vị khoa mục đã qúa cố tại Văn Từ làng. Cứ mỗi kỳ tế lễ thì một con bò, một con heo, một con dê được hóa kiếp để làm lễ Tam sinh. Khi các vị khoa mục tế xong theo nhịp điệu trống chuông và lời xướng của các người chấp sự thì thì các vị khoa mục lại ngồi ăn uống tại hai giải vũ Văn Từ. Ngoài phần thịt bò, heo, dê đã xả ra nấu cỗ thết các vị khoa mục, phần còn lại được phân chia thành từng phần nhỏ để biếu các cụ khoa mục.

Mỗi năm các cụ trong hội tư văn còn họp mặt thêm một lần vào đầu xuân tại nhà một cụ trong hội để dự bữa tiệc thân hữu thường niên do hội tư văn lấy tiền hoa hồng về ruộng tư văn đài thọ. Nhân dịp này, các cụ khoa mục nói chuyện về văn thơ, về nghĩa lý Khổng giáo, nói về cách xử thế của các bậc chân nho.

– Lễ yến lão : Cứ ba năm một lần, kể từ thế kỷ XVI cho đến năm 1947, làng Hành Thiện tổ chức lễ yến lão để mừng thọ các cụ ông từ 60 tuổi trở lên  và các cụ bà từ 70 tuổi trở lên. Kể từ năm 1947 cho đến năm 1954 các cụ bà cũng như các cụ ông cứ tới 60 tuổi là được dự lễ yến lão. Lễ yến lão các cụ ông  vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, lễ yến lão các cụ bà vào ngày 17 tháng 2 âm lịch.

Ngày yến lão các bô lão từ 90 tuổi trở lên bận áo vóc màu vàng, các bô lão từ 80 tới 89 tuổi bận áo vóc đỏ, các bô lão từ 70 đến 79 tuổi mặc áo lụa màu lam, các bô lão từ 60 đến 69 tuổi không bận áo màu đặc biệt nào. Các áo các cụ từ 70 tuổi trở lên đến trên 90 đều do qũy làng mua sắm biếu các cụ.

Các bô lão đi võng cáng có con cháu theo hầu đến Miếu Cuối làng để lễ miếu rồi được rước lên chùa Thần Quang để lễ thánh, lễ Phật và dự yến. Các bô lão ngồi ăn yến ở hai dẫy hành lang chùa. Cỗ yến có món yến sào nấu với đường thẻ, các thứ bánh ngọt, các thứ mứt cùng trái cây và rượu cúc.

Đám rước yến lão từ miếu Cuối làng lên chùa Thiền Quang đi theo lối đi trước làng Ngoài và đi theo võng cáng cụ tiên chỉ làng đi đầu. Đám rước có cờ quạt, chiêng trống và phường bát âm cử các bản nhạc vui chúc thọ.

Đám rước vinh quy bái tổ của hai ông nghè Hành Thiện khoa Kỷ Sửu (1889)

Năm Kỷ Sửu (1889) tức năm Thành Thái nguyên niên, một khoa thi tiến sĩ được mở tại kinh đô Huế. Làng Hành Thiện có 20 cống sĩ đậu cử nhân các khoa trước dự thí. Trong số đó có hai cụ trên 60 tuổi cũng đi thi, đó là cụ Nguyễn Như Bổng, 62 tuổi, đậu cử nhân năm 1888 lúc 60 tuổi và cụ Đặng Văn Tường 64 tuổi, đậu cử nhân năm 1878 lúc cụ  53 tuổi. Cụ đã làm quan tới chức tri huyện nhưng vì làm tri huyện không được phép thi hội thi đình nên cụ xin cáo quan về Hành Thiện học để dự thi khoa Kỷ Sửu. Lúc đó cụ đã già yếu nên khi vào Huế dự thi, cụ mướn hai người trai tráng võng cáng cụ từ Hành Thiện vào Huế. Cụ đi thi cùng hai con rể của cụ là Nguyễn Ngọc Liên và Đặng Đức Cường. Việc đi đứng vô cùng cực nhọc ở dọc đường. Đường đi từ Hành Thiện vào Huế dài khoảng 600 cây số, các cụ phải đi bộ mất 20 ngày. Các cụ khởi hành từ đầu tháng hai âm lịch để kịp trình giấy hộ chiếu cho Bộ Lễ 10 ngày trước khi thi. Cụ Đặng Văn Tường rất giàu, có ba đầy tớ theo cụ vào Huế, hai người khiêng võng cụ, một người gánh mùng màn quần áo, thuốc thang cùng tiền nong và ít đồ lặt vặt như điếu ống, ấm chén pha trà và một túi lớn đựng đầy sách vì khi đi đường nằm trên võng cáng, cụ Đặng Văn Tường không lúc nào mắt rồi quyển sách. Các cụ khác mỗi cụ đều chỉ đem theo một đầy tớ trai khỏe mạnh gánh chăn màn, quần áo, tiền nong cùng dùi đục mã tấu, dao rựa là những dụng cụ để chặt cây, phạt cỏ chắn lối đi, đẽo thân cây to lấy chỗ đặt chân trèo lên cây để mắc võng ngủ khi đi giữa rừng mà trời đã tối. Các cụ đi đò dọc lên thành phố Nam Định rồi đi bộ theo đường thiên lý tức là đường cái quan nối Hà Nội với Huế và nối Huế với Hà Tiên.

Đường thiên lý nhỏ hẹp, khập khễnh, khi thì trèo qua dốc qua đèo, khi thì bị ngắt bởi sông hay phá (phá là chỗ biển ăn sâu vào đất liền nước mặn. Phá tức là lạch biển giống như sông nhưng nước chảy từ biển vào nội địa , còn sông thì nước chảy từ nội địa ra biển).

Đến Quảng Trị các cụ phải qua bãi cát trắng. Hồi các cụ đi Huế, đến Quảng Bình Quảng Trị vào giữa tháng hai âm lịch, trời còn lạnh nên qua các bãi cát, các cụ không bị bỏng chân. Khi các cụ trở về vào đầu tháng tư âm lịch thì cát nóng bỏng. Các cụ vừa đi vừa quăng gói về phía trước, chạy nhanh để đặt chân lên cho đỡ bỏng. Đường từ Hà Nội vào Huế có hai trở ngại lớn là Truông Nhà Hồ và Phá Tam Giang :

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ Truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Năm 1889 Truông Nhà Hồ tức Hồ Xá Lâm là một bãi cát có rừng thưa thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, không còn nguy hiểm vì cả bọn cướp đường hay tụ tập ở đây đã bị quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan từ thế kỷ trước. Phá Tam Giang ở địa phận tỉnh Thừa Thiên, trước rộng 10 cây số, sóng gíó rất lớn, đi đò phải mất gần một ngày mới qua được.Từ năm 1889 Phá Tam Giang đã bị cát lấp chỉ còn rộng độ 800 mét, đò qua lại dễ dàng. Đến địa phận tỉnh Thừa Thiên  nơi gần đế đô, vườn tược rải rác suốt dọc đường. Sau 20 ngày đi đường vất vả, các cụ mới tới Huế.

Số cống sĩ nạp đơn thi khoảng 300 người nhưng có độ 10 người không thi ngay từ kỳ đầu vì sau khi lên đường dự thí thì được tin cha, mẹ qua đời nên không được phép thi, hoặc vì đi đường qúa mệt nhọc, chữ nghĩa quên nhiều, không dám thi vì sợ làm văn kém qúa có thể bị triều đình trừng phạt bằng cách tước bằng cử nhân.

Khoa Kỷ Sửu (1889) này không có cống sĩ nào đậu tiến sĩ đệ nhất giáp. Suốt triều Nguyễn, từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1822 cho đến khoa thi cuối cùng 1919 chỉ có hai vị đậu bảng nhãn, tám vị đậu thám hoa. Triều Nguyễn không phong hoàng hậu (trừ việc vua Bảo Đại phá lệ phong Nam Phương hoàng hậu), không phong tước vương, không đặt chức tể tướng và không lấy trạng nguyên (tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh là trạng nguyên, đệ nhị danh là bảng nhãn, đệ tam danh là thám hoa, còn lại là đệ nhất giáp đồng tiến sĩ.).

Khoa Kỷ Sửu này trong số gần 300 cống sĩ dự thi, triều đình nhà Nguyễn lấy được hai tiến sĩ đệ nhị giáp (hoàng giáp),10 tiến sĩ đệ tam giáp và vớt vát được 9 phó bảng. Làng Hành Thiện được hai vị đậu đầu bảng Tiến sĩ đệ tam giáp. Khi tuyên bố đến tên hai vị Hành Thiện là Nguyễn Ngọc Liên, đệ nhất danh, 42 tuổi, và Đặng Hữu Dương, đệ nhị danh, 33 tuổi, trong bảng tiến sĩ đệ tam giáp thì mọi người xì xào khen ngợi : “Một làng mà có tới hai tiến sĩ đồng khoa thật là xưa nay ít có”.

Trong đám rước vinh quy ông Nghè Đặng Hữu Dương,ngoài võng cáng hai cụ thân sinh và bà Nghè còn có võng cáng ông nội của ông Nghè lúc đó đã 84 tuổi và võng cáng cụ đồ dạy ông Nghè học vỡ lòng.

Khi thấy ông Nghè Dương còn rất trẻ,vẻ thông minh tuấn tú lộ rõ trên đôi mắt sáng,vừng trán cao,nét mặt thư sinh tươi đẹp ngồi trên ngựa bạch,lỏng buông tay khấu thì một nhà nho đã thốt ra câu: ”Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”. Các bà các cô thuộc gia đình quyền quý vận áo lụa mầu và quần hồng (thời bấy giờ chỉ có phụ nữ bình dân mới mặc quần đen) thấy bà Nghè Dương,áo gấm xanh nhạt thêu hoa vàng,quần lãnh tàu,thắt khăn nhung đen,chân đi giầy cườm, vẻ đẹp cao quý đài các lại nhã nhặn e lệ luôn luôn chào hỏi lễ độ nên tấm tắc khen bà Nghè đẹp như công chúa mặc dầu họ chưa bao giờ thấy mặt công chúa.

Dân làng Hành Thiện, trừ một ít trẻ nít và một ít cụ già đau yếu không xê dịch được,còn thì mọi người đều đi xem đám rước vinh quy.Cụ Huyện Quỳnh quá già mắt kém phải mang người nhà theo để thuật lại cho cụ nghe.Khi đám rước ông Nghè Dương tới chỗ cụ đứng,cụ trố mắt nhìn và nói:”Thật là vinh thịnh,thật là vinh  thịnh.Ta tiếc các cậu nhà ta sau khi đậu cử nhân đừng đi làm quan ngay,học thêm ít năm nữa để đậu Tiến Sĩ cho cả gia tộc được hưởng cái vinh dự của lễ vinh quy”. Các cậu nhà ta đây là 4 người con trai của cụ đậu cử nhân trong số đó có Án Sát Nguyễn Duy Tiên(ông nội mẹ tôi) và Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn( ông nội ông Nguyễn Thế Truyền).

Sau lễ vinh quy, hai ông Nghè đến văn chỉ hàng huyện tọa lạc tại làng Thượng Phúc và văn từ làng để làm lễ tạ ơn Đức Thánh Khổng, các bận tiên hiền cùng các bậc khoa mục của huyện và của làng được thờ cúng tại hai nơi đây. Hai ông nghè đi tạ ơn các thầy học, đi chào cụ Nghè Đặng Xuân Bảng là tiên chỉ tư văn làng và tiên chỉ tư văn huyện. Hai ông đến thăm các vị khoa mục làng và huyện, đi lễ chùa, lễ đình, lễ miếu, lễ nhà thờ nội ngoại.

Khi ông nghè Dương đến nhà cụ đồ Đặng Vũ Diễn thì có hai người đầy tớ đi theo, một người đầu đội mâm xôi gà, trên mâm có đặt một buồng cau, mười hai bao trà Tầu, một người đội một hòm da trong đựng mũ áo, hia tiến sĩ. Ông nghè Dương ghé vào một nhà cạnh nhà cụ đồ Đặng Vũ Diễn, vận phẩm phục tiến sĩ rồi mới vào nhà thầy học. Đến nhà thầy ông kính cẩn chào thầy rồi đặt mâm xôi gà, cau trà lên bàn thờ. Ông thắp hương, đốt nến rồi xin phép thầy lễ trước bàn thờ. Khi lễ xong, ông xụp lạy cụ đồ.

Cụ đồ lấy tay đỡ ông nghè và nói : “Thôi, thôi, ông nghè miễn cho”. Ông nghè thưa một cách cung kính : “Con được ngày nay là do công thầy khai tâm cho con lúc ban đầu, ơn thầy to bằng trời bể, một lễ sống bằng đống lễ chết, xin thầy cho phép”. Nói xong, ông nghè xụp xuống lạy thầy hai lậy và ba vái. Cụ đồ cố tránh ngồi xích ra một bên sập nhưng ông nghè đã lễ xong và xin phép cụ đồ ngồi ở giường bên. Cụ đồ đứng dậy, đối diện với ông nghè và nói : “Ông nghè đã giả nghĩa thầy mà lạy tôi, bây giờ đến lượt tôi là một thầy đồ già không có danh phận gì, xin lạy mừng một vị tiến sĩ của triều đình”. Khi cụ đồ nói xong, xụp xuống lạy thì ông nghè đỡ cụ dậy, ôm chặt lấy cụ, không cho cụ đồ lạy mình.

Ông nghè Liên thì đi lạy tạ hai thầy học là cụ đồ Hữu và cụ cử nhân tri huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh đã lần lượt dạy ông cho đến khi ông đậu cử nhân. Cụ đồ dạy vỡ lòng ông nghè Liên mất đã lâu.

Lễ khao vọng hai ông nghè kéo dài trong mười ngày liên tiếp. Về lễ khao vọng của mỗi ông nghè thì 10 con bò, 30 con lợn, độ 300 con gà, vịt được hoá kiếp. Ngày nào nhà mỗi ông cũng làm khoảng 80 mâm cỗ. Hai ông nghè thỏa thuận với nhau là nếu hôm nay ông nghè Dương mời các vị khoa mục trong làng thì ngày mai ông nghè Liên mời thết tiệc các vị ấy. Nên không có vị nào được hai ông mời trùng ngày.

Tối đến, tại sân nhà hai ông nghè có đốt pháo thăng thiên và có tổ chức hát chèo, hát cô đầu. Các quan khách đến mừng đều được mời ở lại ăn tiệc vì cỗ lúc nào cũng có sẵn. Khách ở các làng xa được mời ở lại xem hát  và ngủ đêm ngay tại rạp, sáng hôm sau trước khi khách về lại có cỗ đãi khách.

Sau lễ khao vọng, hai ông nghè được hội tư văn làng và hội tư văn huyện mời dự tiệc. Cụ nghè Đặng Xuân Bảng, tiên chỉ tư văn làng Hành Thịên và cũng là tiên chỉ tư văn huyện Giao Thủy, mời hai ông nghè và toàn thể các vị khoa mục trong làng, trong huyện đến dự lễ khắc tên hai cụ vào bia đá tại văn từ làng và vào bia đá tại văn chỉ hàng huyện để ghi truyền cho mọi người trong hiện tại và đời sau biết hai ông đã đậu tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889).

Các làng trọng văn học ở Nam Định và Thái Bình (lúc ấy chưa lập tỉnh Thái Bình, địa hạt tỉnh Thái Bình còn thuộc tỉnh Nam Định) đem võng lọng hoặc đem thuyền đinh lớn trong có trải chiếu hoa mời hai ông nghè đến làng dự tiệc mừng hai ông. Các hương chức, thân hào các làng này cho là một điều vinh hạnh lớn cho làng khi được hai ông Nghè đến làng.

Các hội tao đàn của làng Hành Thiện

Làng Hành Thiện trước năm 1954 có nhiều hội thơ họp định kỳ để ngâm thơ, bình thơ như kiểu các phòng khách trưởng giả qúi tộc bên Pháp (Paris). Các buổi bình thơ tại nhà nữ sĩ Mộng Lan (tức cụ bà Đặng Vũ Kính) đặc biệt trong năm 1931 có nữ sĩ Tương Phố (tác giả tập thơ Giọt Lệ Thu) nhiều lần đến tham dự vì khi đó phu quân làm Tri phủ Xuân trường mà phủ lỵ ngay bên cạnh làng Hành Thiện.

Tại nhà nữ sĩ Mộng Thiên (tức bà Cả Tề Đặng Thị Khiêm) trong các buổi ngâm thơ vào các năm 1947, 1948, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường hay đến dự và ngâm các bài thơ của thi sĩ. Đến bây giờ nhiều người còn nhớ đoạn đầu bài thơ “Trả ta sông núi” như sau :

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà

Sông khoe hùng dũng núi nguy nga

Trả ta sông núi bao người trước

Gào thét đòi cho bọn chúng ta

Trả ta sông núi từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha…

Sau tháng 4, 1975 thi sĩ Vũ Hoàng Chuơng phải đi tù cải tạo. Sau khi được thả ra được vài ngày thì mất.

Tại nhà Á Nguyên Đặng Vũ Cao, thi sĩ Đoàn Như Khuê, con rể cụ Đặng Vũ Giá thường ngâm bài thơ “Bể thảm” của thi sĩ, mở đầu như sau :

Bể thảm mông mênh sóng lụt giời

Khách trần chèo một lá thuyền chơi

Thuyền ai ngược  gió, ai xuôi gió

Coi lại, cùng trong bể thảm thôi.

Bài thơ này nhắc lại một kỷ niệm khá sâu đậm cho tôi. Cách đây 17 năm, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam giam tôi ở Hà nội vì tội… vì tội gì nhỉ mà tôi quên mất rồi! Tôi phải xem lại lệnh trục xuất xem tội gì. À, đây rồi, (Tôi còn âu yếm giữ “Lệnh trục xuất”)  về  tội “Chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Eo ôi ! Sao hồi đó tôi dại dột và to gan đến thế. Tôi bị giam trong hai phòng đặc biệt có 5 “đồng chí” sĩ quan công an thay phiên nhau bảo vệ và săn sóc tôi “vì sợ anh Tâm ngã” (!) (theo lời họ) nhưng sau này một “đồng chí” nói nhỏ với tôi là Đại tá Trí, thủ trưởng trại giam, dặn dò họ phải hết sức cảnh giác vì đây là một phạm nhân cực kỳ nguy hiểm.

Thực lòng mà nói, tôi rất yêu mến họ. Họ được đào tạo rất kỹ. Họ rất tế nhị với tôi. Buổi sáng thấy tôi thèm ăn phở, thượng úy Hướng đem bát ra ngoài phố mua phở cho tôi. Trong bữa cơm, thấy tôi gắp món nào nhiều lần, họ đưa mắt bảo nhau nhường món đó cho tôi. Mỗi ngày tôi bị hỏi cung từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, người mệt đừ, họ xúm nhau vào xoa bóp cho tôi và buồn bã nói : “Hỏi cung như vậy thì biết bao giờ anh Tâm mới được về !”. Nhưng đến khi biết nhà nước phải thả tôi ra vì áp lực của Mỹ thì họ sửng sốt, im lặng nhìn nhau một cách “disappointed” và rút dần đi không một lời “congratulations” nào cả. Họ có hai bộ mặt, hai con người ???

Thôi, trở lại câu chuyện về bài thơ “Bể thảm”. Bị giam được hai tháng thì một hôm Trung tướng công an Quang Phòng mang gói cam vào thăm tôi, cho tôi biết: “Mỹ bỏ rơi anh, không ai cứu được anh, anh sẽ bị đưa ra tòa xử nay mai”. Thấy tôi buồn quá, Trung úy Minh (một trong 5 sĩ quan công an canh chừng tôi) đọc bài thơ “Bể thảm” để an ủi tôi : “Anh là một … khách trần, chèo  một lá thuyền chơi trên sông Đà mà chẳng may thuyền anh ngược gió… mới ra nông nỗi này… nhưng anh Tâm ạ… “Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió, Coi lại cùng trong biển thảm thôi”. Đừng buồn, anh Tâm”.

Tôi rất tâm đắc với mấy câu thơ đó và hỏi anh ta tác giả là ai. Anh ta nói không nhớ.

Đến hôm nay, khi soạn tài liệu để viết bài này tôi mới biết xuất xứ của bài “Bể thảm”. Thì ra lại từ cái làng Hành Thiện, quê ngoại của tôi, và đồng thời là quê nội của tổ sư cộng sản Đặng Xuân Khu và tổ sư chống cộng Nguyễn Thế Truyền.. Tôi nghĩ lại mà nửa buồn, nửa… buồn cười.

Ngược dòng thời gian, vào những thập niên 1880, 1890 cụ nghè Đặng Xuân Bảng sáng tác ra một lối chơi thơ rất đặc biệt. Cụ trích ra từ các bài thơ từ các tác giả Trung quốc khác nhau, mỗi bài một câu rồi chắp nối thành một bài mới, có ý nghĩa mới. Cụ ngâm luôn các bài thơ nôm dịch các bài thơ chữ Hán do sự góp nhặt các câu thơ Kiều, thí dụ:

Một bài thơ chữ Hán loại chắp nối và các câu Kiều dịch bài này :

Nguyệt hạ hoài nhân cảm khái trung

                 (Liêu Trai)

Sương kiêu vọng đoạn tín nan thông

             (Trại đào nguyên)

Thiên nhai hải giác tri hà xứ

              (Đường thi)

Sa thảo tiêu tiêu bán nhiễm hồng

               (Thi lãm)

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những

                        rày mong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai ?

Bài thơ chữ Hán nguyên văn và các câu Kiều dịch bài thơ này (Tống Lý Thị Lang, Giả Chí, Đường thi)

Tuyết tình vân tán bắc phong hàn

Sở thủy Ngô sơn đạo lộ nan

Kim nhật tống quân tu tận túy

Minh triêu tương ức lộ man man

Rồi đây bèo hợp mây tan

Nước non luống những

                           bàng hoàng niềm tây

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

Đây là một lối chơi thơ rất khó. Người chơi phải thuộc lòng hàng ngàn bài thơ chữ Hán, phải thuộc lòng Truyện Kiều và hàng trăm bài thơ nôm khác. Cách chơi thật công phu và thật tài tình. Các cụ nhà nho Hành Thiện hưởng ứng lối chơi thơ của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng là hai cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên, Đặng hữu Dương  và các cụ nổi tiếng học giỏi của làng là Á nguyên giáo thụ Đặng Ngọc Toản, Á nguyên giáo thụ Đặng Văn Nguyên và Á nguyên tri phủ Phạm Ngọc Chất. Và câu nói : “Truyện Kiều là bản dịch từ Kinh Thi ra” cũng không phải là ngoa lắm.

Các nhạc sĩ cổ nhạc và tân nhạc của làng Hành Thiện

Vào cuối thế kỹ 19 đầu thế kỷ 20 có hai cụ cử nhân Án Sát Nguyễn Duy Tiên và Nguyễn Xuân Tiên là những bậc danh cầm, xử dụng đàn nguyệt, đàn tranh một cách tuyệt diệu. Hai cụ hay tổ chức tấu nhạc, rất đông người đến nghe.

Khoảng từ năm 1915 đến năm 1945 có hai anh em cụ Tú Tài Nguyễn Văn Anh và cụ cử nhân Nguyễn Văn Tú thường độc tấu huyền cầm và nguyệt cầm tại nhà, rất đông người sành nhạc đến thưởng thức.

Cụ Nguyễn Văn Năng tức Hàn Năng chế ra cây đàn Phụng Minh và đàn Bằng Minh biểu diễn nhiều lần tại nhiều nơi từ trước năm 1945 đến trước năm 1975. Cụ có ban hát chèo và huấn luyện được nhiều môn sinh trong số đó có nữ nghệ sĩ Huyền Trân là nổi tiếng. Cụ sáng tác nhiều vở chèo được Đoàn Gió Khơi của tôi trình diễn trên đài truyền hình và cụ được giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1971 với vở chèo “Vạn Thế sự”. Tôi hay đến nhà cụ ở trên một gác xép khu Bàn Cờ để học hát bài “Trèo lên trên núi, em trông là em ứ ư ừ trông, có con chim phượng về làng… là dân làng ơi …”. Thấy thương cụ. Khi xưa ở làng Hành Thiện thì nhà cao cửa rộng, hàng trăm mẫu ruộng, thẳng cánh cò bay, kẻ ăn người ở, mà nay đến nông nỗi này.

Các nhạc sĩ tân nhạc thì có các ông Nguyễn Quý Lãm, giáo sư vĩ cầm tại Quốc gia Nhạc viện Sài gòn, Đặng Vũ Lung vừa là luật sư vừa dạy đủ thứ đàn.

Hoa và cây cảnh

Hầu hết các nhà Hành Thiện đều có vườn cảnh trồng nhiều loại hoa và nhiều cây cảnh. Trong vườn cảnh, mỗi nhà đều có núi non bộ là hòn giả sơn cao khoảng trên dưới một thước tây, có nhiều tảng đá nhỏ được chắp nối lại. Non bộ có hang hốc có đường lên đỉnh núi, có nhà thủy tạ, có chùa có tháp có cầu bắc qua khe suối, có cây cổ thụ, có bàn cờ tiên với hai ba tiên ông ngồi trên ghế đá dưới gốc cây đánh cờ, có các tiên nữ trẻ đẹp đứng gần bàn cờ theo dõi cuộc tranh tài của các tiên ông.

Diều Hành Thiện

Các diều Hành Thiện hình thoi, được gọi là diều hai mom, hình giống chim cốc gọi là diều cánh cốc. Thân diều làm bằng tre, giấy phất diều là giấy bản được bồi bằng nước cậy cho dai và cứng, cho khỏi bị rách khi rớt xuống đất hay khi bổ vào cây cao. Nước cậy là một thứ nước keo làm bằng qủa cậy được dã dập ra rồi bỏ vào hũ đổ nước ngập lên trên độ vài đốt ngón tay. Sau khi cậy bị ngâm độ một tuần lễ, nhựa cây thấm ra nước, người ta bỏ bã cậy vào khăn vải vắt ra cho hết nhựa rồi vất bã đi. Nước nhựa cậy này dùng để phết  vào giấy diều phơi nắng cho khô rồi giấy diều lại được phết nhựa cây nữa cho đến khi giấy trở nên dai cứng và có màu nâu. Các diều hai mom và cánh cốc loại lớn dài từ hai mét trở nên đều gắn sáo. Diều to đẹp được thả lên cao không có tiếng sáo kèm theo thì không khác gì một giai nhân kiều diễm mà lại mắc tật câm.

Diều Hành Thiện được gắn một sáo, có khi được gắn cả một bộ sáo gồm các sáo lớn nhỏ đến ba bốn năm sáo.

Các người Hành Thiện mê diều thường tổ chức các cuộc đua diều để xem diều nào khi đâm lên không bị chao đi chao lại, để xem diều nào có tiếng sáo hay nhất. Có khi giới chơi diều Hành Thiện tổ chức các cuộc chơi diều trên không trung vào những ngày có gió lớn. Diều chọi không cần phải đúng yên lặng trên không trung, càng chao qua đảo lại càng nhiều càng tốt, miễn là đừng chao xuống đất. Diều chọi phải tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của người cầm dây để có thể bất thần bốc lên cao hoặc từ trên cao bổ xuống như phi cơ khu trục để tấn công diều địch. Diều chọi có hai đầu cánh vót nhọn nếu là diều hai mom, hai đầu được buộc thêm mỗi đầu một mũi dùi bằng tre vót nhọn nếu là diều cánh cốc. Xương cái diều chọi ở giữa diều dù là diều hai mom hay cánh cốc đều được vót nhọn ở đầu. Các diều tham dự cuộc thi phải có kích thước đồng đều.

Nổi tiếng về chơi diều loại lớn nhất Hành Thiện là ông Nguyễn Thế Truyền. Diều của ông là diều hai mom, rất lớn, dài tới bốn mét, sáo diều của ông cũng lớn tương xứng với diều. Mỗi khi có gió lớn, ông thả diều, ông và một người nhà phải cùng cầm dây diều vì nếu chỉ có một người cầm dây diều, diều sẽ kéo người cầm dây diều lên cao khỏi mặt đất. Sáo diều của ông Nguyễn Thế Truyền ngân vang trên không trung, dân cả làng đều nghe rõ. Ông Nguyễn Thế Truyền chơi diều vào khoảng các năm 1920, 1921 và 1928 khi ông ở làng Hành Thiện.

Con cháu cụ nghè Đặng Xuân Bảng và một số dân làng Hành Thiện hưởng ứng việc làm các kiểu diều phất lụa vẽ hình cá chép,hình chim phượng,hình rồng uốn khúc… do cụ Nghè chỉ dẫn nên đã có thời gian có những diều phất lục đẹp như các bức họa bay bổng, đẹp vô cùng trên nền trời Hành Thiện.

Tóm lại, các hội hè đình đám là những dịp cho dân làng vừa được vui chơi giải trí, vừa được biết các phong tục nghi lễ cổ truyền. Các buổi bình thơ, hòa nhạc, thú chơi cây cảnh, non bộ, trồng hoa, thả diều là những thú vui tao nhã làm cho đời sống tinh thần dân làng Hành Thiện phong phú hơn các làng quê khác, và đó là lý do làng Hành Thiện được vua ban bốn chữ “Mỹ tục khả phong”. Bốn chữ này được khắc vào bức hoành phi sơn son chữ vàng treo ở Đình làng tới nay vẫn còn…

Làng Hành Thiện nổi tiếng là có nhiều phong tục tốt và có nhiều bà sương phụ được vua phong “Tiết hạnh khả phong”

Ngoài việc làng Hành Thiện có nhiều người đậu cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, làm quan nổi tiếng thanh liêm, trai chăm chỉ học hành giữ đúng lễ nghĩa, gái siêng năng canh cửi, đoan trang hiền hậu, dân làng đối xử với nhau hòa thuận, không hay kiện cáo, làng Hành Thiện còn có nhiều bà sương phụ, chồng chết sớm, ở vậy nuôi con thành đạt có công danh đức hạnh nên được vua ban cho bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”. Thế kỷ XIX có ba bà và thế kỷ XX cũng có ba bà được vua phong 4 chữ trên. Riêng thế kỷ XX có ba bà là :

– Cụ bà Đặng Vũ Thực : Cụ Đặng Vũ Thực đậu thủ khoa 1878, không ra làm quan, lại tự xuất tiền ra mộ các trai tráng luyện tập võ nghệ để đánh Pháp bằng chiến thuật du kích. Không thành công cụ buồn phiền, sinh bệnh và tạ thế năm 1884. Khi cụ qua đời, cụ bà còn rất trẻ, vào khoảng 25 tuổi. Cụ ở vậy thờ chồng nuôi con. Các con đều thành đạt. Con trai trưởng Đặng Vũ Mậu đậu Nhị trường, tham gia phong trào Đông Du. Con trai thứ hai là Đặng Vũ Cúc đậu cử nhân khoa 1906 là người đầu tiên rước hai thầy giáo tân học về dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp cho học sinh trong làng.

– Cụ bà Phạm Ngọc Nhiễm : Chồng cụ là Phạm Ngọc Nhiễm đậu cử nhân năm 18 tuổi khoa 1874 và mất sớm. Lúc đó cụ bà mới hai mươi tuổi.Cụ ở vậy thờ chồng nuôi hai con  trai đều thành đạt. Cháu nội là tri phủ Phạm Trọng Bào (sau làm chánh án), tri huyện Phạm Thứ Phu và kiến trúc sư Phạm Tư Quảng.

– Cụ bà Đặng Vũ Long tức Núng : Chồng chết khi mới hai mươi tuổi, ở vậy tần tảo nuôi con là ông Đặng Vũ Bàng.

Làng Hành Thiện có nhiều nhân vật được dân làng khác thờ làm Thành hoàng

Có 6 nhân vật làng Hành Thiện được dân làng khác tthuộc vùng Nam Định, Thái Bình thờ làm Thành hoàng :

– Cụ Đặng Đức Trí, sinh năm 1793, học giỏi, tuy không có bằng cử nhân nhưng cũng được quan đầu tỉnh Nam Định đề nghị với triều đình cho dự kỳ thi Hội nên dân Hành Thiện giọi cụ là Cống sĩ. Cụ giúp quan Tham tán Nguyễn Công Trứ đi dẹp giặc Phan Bá Vành. Sau khi dẹp xong giặc, cụ không nhận quan chức của triều đình, chỉ xin khẩn hoang một khu đất phù sa mới được bồi của sông Hồng Hà, cách làng Hành Thiện bốn cây số. Cụ tuyển mộ các gia đình làng Hành Thiện đến đất mới gọi là ấp An Hành, đào ao vượt thổ, đắp đê ngăn nước mặn rồi cầy cấy trồng lúa, ngô khoai. Việc lập ấp thành công. Ấp An Hành cải thành làng An Hành. Khi cụ mất năm 1861 dân làng An Hành thờ cụ làm Thành hoàng cùng với cụ Nguyễn Công Trứ. Như vậy làng An Hành thờ hai vị Thành hoàng.

– Cụ Nguyễn Đôn Thi : Sinh năm 1853, đậu cử nhăn năm 1878, làm tri huyện Thư Trì (Thái Bình). Sau khi cáo quan, cụ xin phép khai khẩn một khu đất bồi ở bờ biển thưộc huyện Giao Thủy  tỉnh Nam Định. Cụ mộ phu đắp đê ngăn nước biển, đào sông con lấy nước ngọt làm ruộng. Cụ đặt tên ấp là Lạc Nông, sau đổi thành làng Lạc Nông. Cụ Nguyễn Đôn Thi mất năm 1925, dân làng Lạc Nông thờ cụ làm Thành hoàng.

– Cụ Đặng Vũ Kiểm : Người làng thượng gọi cụ là cụ Xã Xuân vì cụ có một tên nữa là Xuân  và cụ có hàm xã trưởng. Cụ sinh năm 1836, đậu Nhị trường, mất năm 1895. Cụ lập ra hai xã Thiện Thành và Thiện Tường ở ven biển thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Hai làng này là một khu đất bồi rộng độ 500 mẫu ta. Cụ Đặng Vũ Kiểm mộ dân khẩn hoang, đắp đê để ngăn nước mặn. Đất mới càng ngày càng đông người đến lập nghiệp và được đặt tên là làng Thiện Thành. Sau làng này được tách ra làm hai là làng Thiện Thành và Thiện Tường. Khi cụ mất, dân làng Thiện Thành thờ cụ làm thành hoàng và cụ được vua Thành Thái phong làm “Thiện thành xã phúc thần”.

– Cụ Đặng Xuân Bảng : Cụ sinh năm 1828 đậu tiến sĩ đệ tam giáp đệ nhất danh năm 1856. Cụ làm quan đến chức tuần phủ Hải Dương. Năm 1873 khi giữ chức Tuần phủ Hải Dương, cụ cầm quân chống cự quân Pháp, đi đường thủy đánh Hải Dương. Vì quân ta yếu phải bỏ thành rút lui nên cụ bị cách chức. Năm 1886 cụ được triều đình cho phục chức  và được bổ làm Đốc học Nam Định. Sau hai năm làm đốc học, cụ xin về hưu trí. Sau khi đã về hưu, cụ được nhà vua cho khôi phục nguyên hàm tuần phủ.

Năm 1889 cụ xin phép nhà cầm quyền cho phép cụ khẩn hoang khu đất phù sa sông Hồng Hà bồi lên ở cạnh hai làng Đức Long và Văn Lâm thuộc địa hạt tỉnh Thái Bình. Cụ mộ phu đắp đê ngăn nước sông tràn vào khu đất mà cụ khai khẩn. Dân theo cụ đi lập ấp một phần lớn là dân làng Hành Thịên. Cụ đặt tên ấp là ấp Tả Hành. Sau khi dân số ấp này đã khá đông, ấp này được cải là làng Tả Hành, huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Làng nhiều lần bị cướp đánh phá,cụ Đặng Xuân Bảng huấn luyện bà cụ thứ thất thứ nhất dùng đòn càn gậy gộc để đánh cướp. Mấy lần cướp đến Tả Hành đều bị đánh lui. Có lần bà cụ thứ thất cụ Đặnh Xuân Bảng chỉ huy mười thanh niên thanh nữ làng Tả Hành đánh tan được bọn cướp mười lăm tên.

Làng Tả Hành có số ruộng đất trên 200 mẫu ta. Khi cụ Đặng Xuân Bảng tạ thế vào năm 1910 dân làng Tả Hành thờ cụ làm Thành Hoàng.

– Cụ Nguyễn Âu Chuyên : Cụ sinh năm 1860, đậu thủ khoa kỳ thi hương năm 1879 và đậu phó bảng khoa 1884. Cụ làm quan tới chức Bố chánh Bắc Ninh từ năm 1892 đến 1895 là năm cụ tạ thế tại Bắc Ninh. Cụ có nhiều ruộng ở làng Hành Quán thuộc huyện Giao Thủy, sau đổi thành phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Cụ hô hào nhân dân đào ao, khơi sông rạch để ruộng khỏi bị úng thủy và như vậy cấy đưọc hai mùa. Khi cụ Nguyễn Ân Chuyên tạ thế, dân làng Hoành Quán thờ cụ làm Thành Hoàng.

– Cụ Nguyễn Duy Hiếu : Cụ sinh năm 1868 đậu cử nhân năm 1897. Cụ làm quan tri huyện tòng sự tại tòa án Bắc Giang. Cụ về hưu trí năm 1928. Cụ được thân phụ cụ là cụ huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh là một đại điền chủ chia cho cụ gần 60 mẫu ta ruộng tại làng Roãn Đông huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Cụ có công ơn lớn với dân làng Roãn Đông nên khi cụ tạ thế vào năm 1940 dân làng Roãn Đông thờ cụ làm Thành hoàng (Cụ là em ruột ông nội mẹ tôi).

Làng Hành Thiện thời nho học  với các ông nghè, ông bảng, thượng thơ, tổng đốc với các mỹ tục khả phong, tiết hạnh khả phong, cùng với các con diều phết lụa như những bức hoành phi uốn lượn trên vòm trời thì Hành Thiện cũng mới chỉ như con rồng nằm đợi.

Thời đại mới mở ra với cái văn minh của Trời Tây xanh tươi, cái nóng rực của Đông phương hồng đỏ.. Con cá chép Hành Thiện đã hoá long để nẩy sinh ra các nhân vật hìệt kiệt với tầm vóc quốc gia quốc tế.

– Một nhân vật ngang hàng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh trong công cuộc chống Pháp đòi độc lập, lại tiếp tục chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chống chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam mà vẫn được ông Hồ Chí Minh quí trọng. Đó là nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

– Một lãnh tụ cộng sản hàng đầu với các chiến công kháng chiến hiển hách nhất trong lịch sử các dân tộc nhược tiểu, nhưng đồng thời chịu trách nhiệm cuộc cải cách ruộng đất với các màn đấu tố rùng rợn nhất trong lịch sử loài người. Đó là ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, chủ tịch hội đồng nhà nườc Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đọc đến đây nếu quí độc giả không tức giận, buông câu chửi thề, vứt bài báo xuống thì xin cứ bình tâm, đọc các giai thoại về hai nhân vật này sau khi duyệt qua các thành quả của người Hành Thiện trên các lãnh vực văn chương, khoa học, kinh tế, chính trị trong thời đại tân học.

Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là một người Bắc Kỳ đầu tiên đậu bằng bác sĩ Y Khoa tại Paris năm 1927 và có một bệnh viện tư đầu tiên to nhất Đông Dương hồi bấy giờ. Hồi còn bé, tôi được mẹ dẫn đến Bệnh viện Đặng Vũ Lạc để thăm bà con họ hàng làng Hành Thịên. Một tòa nhà sang trọng, nguy nga ngay tại đại lộ Gambetta trước cửa Đấu Xảo (nay là cung Văn Hoá). Ông là một bác sĩ xuất sắc của Đại học Y Khoa Paris, lại có tài kinh doanh. Đời sống rất phong lưu, hồi đó Bác sĩ đã có xe hơi loại sang, có nhà nghỉ mát tại Đồ Sơn và du thuyền tại Vịnh Hạ Long.

Ông là một người giàu tinh thần dân tộc, yêu quê hương làng nước. Họ hàng bà con Hành Thịên nhiều khi ở chơi nhà ông tại Hà Nội cả tháng. Ông giúp đỡ người làng để có công ăn việc làm trong bệnh viện của ông. Bác sĩ Đặng Vũ lạc có nhân phẩm cao, tính tình nhã nhặn, giao thiệp rộng nên được nhà cầm quyền Pháp rất kính nể.

Học giỏi, kinh doanh giỏi, nhã nhặn, giàu tình đồng hương là đặc tính của nhiều người Hành Thiện.

Khi ở Pháp về năm 1928 cùng với gia đình ông Nguyễn Thế Truyền và ông Nguyễn An Ninh, Bác sĩ Đặng Vũ Lạc xin làm lễ vọng tại văn từ làng. Các cụ khoa bảng nho học không muốn xếp ông vào hàng tiến sĩ lấy cớ thi tiến sĩ thời xưa khó khăn vô cùng như khoa 1884 không có vị nào đậu tiến sĩ trong số 100 vị cử nhân vào Huế dự thi, chỉ có một vị duy nhất đậu phó bảng là cụ Nguyễn Âu Chuyên cũng làng Hành Thiện. Còn như học y khoa để thi bác sĩ thời Tây học thì cứ 100 sinh viên có bằng tú tài theo học thì dù có bị loại dần dần từng năm học, đến khi thi y khoa bác sĩ cũng có tới 30 người đậu. Các cụ còn nói tiến sĩ thời Nho học đòi hỏi một nền học vấn uyên bác, một trí thông minh vưọt bực, những đức tính tinh thần đặc biệt để sau khi thi đậu người thi đậu đưọc bổ làm quan lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng một vùng và nếu làm quan to thì hướng dẫn và điều khiển cả một ngành hoạt động trong nước, còn thi bác sĩ y khoa chỉ cần một trí thông minh vào mức trung bình, chỉ cần học chăm chỉ, cần đủ điểm là đậu.

Cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên cho biết ý kiến của cụ là không nên so sánh những điều không thể so sánh được, cụ đậu tiến sĩ Hán học, nếu giả thử cụ còn trẻ đưọc học lại theo tây học chưa chắc cụ đã đậu đưọc bằng y khoa bác sĩ. Các cụ khoa bảng Hành Thiện vâng lời cụ nghè, không bàn cãi nữa. Vì đậu y khoa bác sĩ không được cấp phát y phục riêng nên cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên cho ông Đặng Vũ Lạc mượn mũ áo tiến sĩ của cụ để lễ tại văn từ làng và khi ông lễ xong, cụ nghè mời ông ngồi ở chiếu cụ.

Thế mới biết, bên cạnh bọn hủ nho đầu óc hẹp hòi (mà chính vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã coi thường) còn có những bậc túc nho có tâm hồn cao thượng của người quân tử. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là con trai cụ Cử nhân đồng tri phủ Đặng Cao Chi. Sinh mẫu là con gái cụ tri phủ Hoàng Thụy Viêm người làng Đông Ngạc tỉnh Hà Đông.

Em gái ruột của ông là bà Đặng Thị Khiêm (tức bà Cả Tề) bút hiệu Mộng Thíên, người hùn vốn lập công ty Fabrinat phố Hàng Gai Hà Nội sản xuất và bán chiếu thảm từ năm 1932 với ông Đặng Vũ Tiết (với em là Đặng Vũ Hàng là những nhà kinh doanh lớn, tài sản kếch xù, lại có tinh thần dân tộc và gia tộc, đóng góp nhiều cho Phong Trào Đông Du) và ông Nguyễn Thế Rục (chú họ của mẹ tôi và của ông Nguyễn Thế Truyền, được ông Truyền gửi sang Nga học trường Staline, một trường đại học cộng sản. Ông mất sớm năm 1938. Đám tang ông có tới 20,000 người đi đưa đám, phần lớn là đảng viên đảng cộng sản Đông dương. Bà Đặng Thị Khiêm còn là một yếu nhân của Đảng Đại Việt kể từ năm 1945. Khi di cư vào Nam, bà trở nên giàu có như xưa nhờ việc thầu đốn rừng, bán gỗ lớn từ Bình Dương Phước Long. Bà được Trung tướng Dương Văn Minh mời làm Hội viên Hội đồng Nhân sĩ năm 1963 và được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất qúi trọng. Tổng thống Thiệu và phu nhân thường mời bà vào Dinh Độc Lập bàn quốc sự và gọi bà là “Chị Cả”.

– Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là Bác sĩ Việt Nam đầu tiên đậu Nội trú Bệnh viện Paris (interne des hospitaux de Paris) tại Bệnh viện Saint Lazare Paris.. Bác sĩ Hỷ được báo Patrie Annamite ca ngợi là một bác sĩ xuất sắc, một người tài đức được mọi người ngưỡng mộ và rất nhã nhặn khéo léo nên được sống yên ổn với Việt Minh. Bác sĩ làm Khoa trưởng Đại học Y khoa vùng Việt Bắc trong thời kháng chiến, được chính phủ Hồ chí Minh cử về Hà Nội cuối tháng 8, 1954 để tiếp thu trường Đại học Y Khoa Hà nội. Nhân dịp này  Bác sĩ Hỷ thúc giục khuyên cha mẹ và người em trai phải di cư vào Nam ngay để tránh đấu tố. (sau này trong cuộc cải cách ruộng đất toàn thể nhà đất của song thân Bác sị Hỷ bị tịch thu). Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là con rể học giả Phạm Quỳnh,chủ bút báo Nam Phong. Bác sĩ Hỷ mất năm 1972 (62 tuổi) tại Trung quốc trong khi đi trị bệnh Parkinson. Bác sĩ Hỷ được truy tặng giải thưởng Hồ chí Minh về công cuộc khảo cứu bệnh cùi và trại phong cùi Quy Hòa đã dựng tượng tưởng niệm Bác sĩ. Bác sĩ có 4 người con đều là Bác sĩ y khoa tại Hà Nội và Tiến sĩ Vật lý tại Nga (ông Đặng Vũ Minh có chân trong ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam).

Làng Hành Thiện có hai vị Đông y sĩ nổi tiếng. Ngày xưa là cụ Lang Tài (Nguyễn Thúc Tài) là cố nội của mẹ tôi. Cụ dị hình dị tướng, bụng to, ăn khoẻ, làm lang  thuốc nổi tiếng, được phong “Hàn lâm viện thị độc”, có ba người con trai đều làm quan cả : 2 người làm Án sát (Án Cả, Án Hai) và người thứ ba làm tri huyện tức Huyện Quỳnh (Nguyễn Ngọc Quỳnh). Cụ Huyện Quỳnh sinh ra Án sát  Nguyễn Duy Tiên (ông nội mẹ tôi), Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn (ông nội ông Nguyễn Thế Truyền), ông Nguyễn duy Thuần (bố bà Trường Chinh, ông ngoại Bác sĩ thú y Đặng Vũ Cảnh, phu nhân ông Phan Trọng Nhiễm, đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Tunisia và phu nhân ông Phạm Trọng Nhân, đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Cao Mên rồi AiLao…)..

Cụ Lang Tài có ba người con trai đều làm quan kể trên  và 4 người con gái lấy chồng cũng khá giả nên dân làng Hành Thiện có câu vè :

Ba con cùng chiếm bảng vàng cả ba

Một bà cai tổng đằng xa

Còn ba bà nữa là ba bà đồ.

Ngày nay Đông y sĩ Nguyễn Tư Phấn (1905-1982) học thuốc với thân phụ là cử nhân Nguyễn Tất Tái. Ông chữa bệnh cho Tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Hùng, các bộ trưởng, tướng lãnh, ủy viên bộ chính trị. Giữa một đêm thu  năm 1967 ông được trung ương đưa từ Hải Phòng (nhà ông) lên Hà nội ngay để xem bệnh cho ông Trường Chinh đương mệt nặng. Ông chẩn mạch xong rồi nói : “Thím yên tâm. Chẳng qua là các bác sĩ chệch hướng điều trị”. (Bà thân mẫu ông Đặng Xuân Khu là em ruột thân phụ Đông y sĩ Nguyễn Tư Phấn). Sáng hôm sau, một hội đồng gồm các giáo sư và bác sĩ giỏi nhất về Tây y và Đông y được triệu tập để nghe ông trình bầy bệnh trạng và phương pháp điều trị. Mọi người đồng ý. Chỉ sau hai tháng dùng thuốc của ông, ông Đặng Xuân Khu đã ngồi dậy tiếp chuyện được. Ông Đặng Xuân Khu nói với mọi người đến mừng ông khỏi bệnh là : “Ông anh tôi thật là một thánh y”.

Con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn bị đau nặng, được đưa sang Bắc Kinh chữa trị trong 4 tháng mà không khỏi nên được đưa về Việt Nam. Ông Nguyễn Tư Phấn cứu sống được cô gái này. Ông Lê Duẩn quý mến ông đã có một lần nói : “Bác là người anh kính trọng của anh Năm (tức Đặng Xuân Khu) từ nay xin phép Bác cho tôi được coi Bác như anh của tôi”. Nhiều lần ông Lê Duẩn đích thân mang cả thùng quà từ Hà Nội xuống Hải Phòng để tặng ông Nguyễn Tư Phấn và nhiều lần ông Lê Duẩn tâm tình với ông Nguyễn Tư Phấn là “việc nhà nhiều khi khó giải quyết hơn việc nước” (việc nhà đây là việc hai bà vợ ông Lê Duẩn, vợ cả người Bắc và vợ hai người Nam).

Ông tạ thế năm 1982 cùng một năm với Bác sĩ Tôn Thất Tùng. Đám tang hai ông có đến 20,000 người đưa tiễn, là hai đám tang to nhất miền Bắc..

Cái máu “Học giỏi,Khoa cử” của Làng Hàng Thiện từ thời Nho Học đến thời Tây Học ngày nay vẫn còn phong phú lắm. Tôi xin nêu ra một vài trường hợp cụ thể mà tôi biết :

Ông anh bà con Nguyễn Thế Đại rất thân mến của tôi, trong 6 năm liền học trường Lycée Albert Sarraut Hà Nội đều đứng nhất lớp và được phần thưởng nhất về Pháp văn (1er Prix de Francais). Mỗi lần đến thăm, bác giáo  Đạt gái (mẹ anh Đại) hay cho anh em tôi xem các mề đay phần thưởng của anh Đại và khuyến khích chúng tôi : “Các cháu là người Hành Thiện phải cố gắng học cho giỏi như anh Đại”. Anh Đại đậu cử nhân Luật năm 1944, được bổ làm tri huyện và sau này làm đến Tổng thanh tra Giám sát viện tại Sài Gòn.

Giáo sư Tiến sĩ Đặng Vũ Biền vừa học Dược khoa vừa học cử nhân Toán và Lý Hoá. Mỗi năm anh Biền thi Dược kỳ tháng sáu thì đến kỳ tháng chín anh lại thi thêm một chứng chỉ toán và lý hoá.. Những chứng chỉ này (Mecanique rationnelle và calculs differentiels et intégrals = cơ học thuần lý và vi tích phân) rất khó, mỗi kỳ chỉ có vài ba người đậu. Mỗi lần sang trường đại học khoa học (tôi cũng vừa học y khoa vừa học cử nhân khoa học) thấy tên anh trong bảng đậu, vừa phục anh vừa hãnh diện vì có người đồng hương học giỏi và cố noi gương anh. Sau này anh đậu tiến sĩ Vật lý tại Paris, làm Phó Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài gòn và làm Đổng lý Bộ Văn hoá Giáo dục Việt Nam cộng hòa.

Hai anh em tôi là Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Quang cũng có 50% máu Hành Thiện (còn 50% là máu Lam Sơn Thanh Hoá) nên cũng tạo được vài thành tích nho nhỏ góp phần với bà con họ hàng bên quê ngoại Hành Thiện.

– Bùi Duy Quang, sau 4 năm sống với chế độ miền Bắc, quyết định liều chết vượt tuyến qua Lào vào Nam vào dịp Tết năm 1958. Sau khi bị chính quyền miền Nam nhốt  hai tháng trong trại để điều tra, Quang được thả ra cuối tháng ba. Cậu ta ngồi xuống học ngay để sửa soạn thi toán học đại cương (Math. Géné.) kỳ tháng 6. Kết quả đỗ đầu với hạng bình thứ. Ba tháng sau, (kỳ tháng chín) Quang lại đỗ đầu chứng chỉ Vật lý học đại cương. Kỳ tháng sáu năm sau 1959, cậu ta đậu Cơ học thuần lý và được vào vấn đáp chứng chỉ Vi Tích Phân. Nhưng giáo sư Benneton người Pháp, nóng mắt thấy Quang thi cử hỗn quá nên cố tình đánh rớt vấn đáp. Đến kỳ tháng chín mới cho đậu Vi Tích Phân, một chứng chỉ khó nhất ban Toán.

Thế là chỉ đúng 18 tháng, Bùi Duy Quang đã nuốt luôn 4 chứng chỉ cử nhân Toán mà mọi người phải mất 4 năm là ít hay không bao giờ đậu được như Giáo sư Nguyễn Chung Tú, Khoa trưởng Đại học Khoa học Sài gòn đến bấy giờ cũng chưa lấy được chứng chỉ Vi Tích Phân. Đó là một kỷ lục không tiền khoáng hậu của ban Cử nhân Toán. Sau này em Quang tôi sang Mỹ, đỗ Ph.D về Vật lý Lý thuyết và làm việc với Giáo sư Heisenberg (Nobel Prize winner) tại Max Planck Institute, Munich, Đức quốc.

– Bùi Duy Tâm theo gương đàn anh Vũ Quý Đài (người làng Duyên Thọ, Giao Thủy) và Nguyễn Xuân Nghiên (Hành Thiện) học nhẩy lớp. Đệ ngũ thi trung học phổ thông (đỗ thủ khoa) và nhẩy thêm một lớp nữa, đệ Tam thi tú tài I và đuổi kịp hai  đàn anh Đài và Nghiên khi vào đại học. Hồi ở trung học, tôi còn được giải thưởng Nhất môn Toán toàn quốc. Thi vào Quân Y (để tránh động viên) tôi đậu thứ nhì dưới Đào Hũu Anh (sau làm quyền Khoa trưởng Y Khoa Sài gòn) và trên Vũ Quí Đài (sau cũng làm Khoa trưởng Y Khoa Sài gòn). Trong khi học Y khoa tôi vừa làm ngoại trú, nội trú bệnh viện vừa đậu cử nhân Khoa học sinh vật lại vừa làm nghiệm chế viên nên khi thi vào ban giảng huấn Y Khoa Sài gòn để được xuất ngũ (ra khỏi Quân Y) đi Mỹ du học, tôi được nhiều điểm nhất trong kỳ thi tước vị đại học (concours de titre). Trong suốt 4 năm học Ph.D. về Biochemistry tại University of California in San Francisco (UCSF) tôi toàn đứng đầu lớp (straight A)

BDT:16 tuổi,thủ khoa      BDT:36 tuổi,.khoa trưởng

trung học phổ thông         lưỡng viện Đại Học Y K

Về nước, năm 33 tuổi tôi làm Khoa trưởng Y Khoa Huế. Năm 36 tuổi, tôi làm một việc kỳ cục nhất trong lịch sử giáo dục đại học là kiêm luôn Khoa trưởng Y Khoa Đại học Minh Đức, nghĩa là tôi dạng cẳng ra, một chân đặt vào Huế, một chân đặt vào Sài gòn. Còn hai tay thì múa võ cứu nguy Y Khoa Huế trong quốc nạn Mậu Thân (1968) và xây dựng Y Khoa Minh Đức trong buổi phôi thai đầy khó khăn và chống đối. Y Huế và Y Minh Đức là hai trường Y trong ba trường Y lúc bấy giờ của Miền Nam Việt Nam. Bằng ấy thứ chắc cũng đủ một lễ vật nhỏ để vọng Văn Từ làng Hành Thiện.

Người Hành Thiện nếu “văn chương phú lục chẳng hay” không thành công trong lãnh vực khoa cử thì khai khẩn ruộng đất, lập đồn điền, làm kỹ nghệ, thương mại cũng rất thành công như các ông bà :

– Đặng Vũ Tiếu (ngành nhuộm, dệt, biến chế hóa chất).

– Đặng Vũ Hàng khai khẩn đồn điền, mua đất xây nhà cửa với các thân chủ rất giàu như Hui Bon Hoa (Chú Hỏa), Lê Phát An, Lê Phát Vĩnh (hai cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu) và Nguyễn Hữu Hào (thân phụ Nam Phương hoàng hậu).

– Đặng Vũ Tiết (công ty Fabrinat dệt chiếu, thảm, các đồ tre mây với Đặng Thị Khiêm (Bà Cả Tề).

– Nguyễn Hữu Tài (Sà phòng Savonta)

– Nguyễn Đức Thụ (Đại lý hãng sà phòng Việt Nam của ông Trương Văn Bền tại Nam Kỳ). Ông mất sớm. Bà Đức Thụ (thứ nữ cụ Nghị viên Đặng đức Kính,người Hành Thiện) tiếp tục việc kinh doanh và còn hoạt động cách mạng trong đảng Đại Việt Duy Dân từ năm 1945 đến nay. Bà Đức Thụ là một nữ lưu thông minh, mẫn tiệp, giàu tinh thần quốc gia dân tộc, có uy tín lớn trong xã hội miền Nam.

Các doanh nhân Hành Thiện đa số làm ăn lớn, lương thiện, nhã nhặn, hay làm từ thiện và tài trợ cho các phong trào, các đoàn thể quốc gia yêu nước.

Về binh nghiệp, trong miền Nam có người cấp tướng như Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng, có bằng Toán học đại cương, Kỹ sư Hải quân tại Ecole Navale de Brest , tốt nghiệp trường Hải chiến Naval College tại Hoa Kỳ và trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam cộng hòa. Ông là vị tướng lãnh rất trí thức, điềm đạm, nhã nhặn. Trong chức vụ Phó tư lệnh Hải quân VNCH ông đã nhiệt tình giúp đỡ phong trào thanh niên thể thao Gió Khơi của tôi các phương tiện tàu bè đi du ngoạn hải đảo. Xin thắp một nén hương lòng để thương tiếc người bạn qúa cố.

Miền bắc có Trung tướng Đặng Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (T2), một cơ quan an ninh quyền lực tối cao, bao trùm cả quân báo, phản gián, bảo vệ quân đội, bảo vệ trung ương đảng, tạo ra vụ T4 (gián điệp CIA trong trung ương đảng) để hạ uy tín các lãnh tụ cao niên như Đại tướng Võ nguyên Giáp… Con rể ông Đặng Vũ Chính là Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) kế vị làm Tổng cục trưởng T2 cho đến bây giờ. Hai người con trai của ông Đặng Vũ Chính là Thiếu tướng Đặng Vũ Hùng và Thiếu Tướng Đặng Vũ Tuấn đều làm Cục trưởng, Cục phó trong T2. Ba người con gái của ông cũng là sĩ quan cấp tá trong T2. T2 như một triều đình gây nhiều tiếng tăm trong giới lãnh đạo.

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, Trưởng ban Khoa giáo trung ương, ủy viên trung ương đảng, hồi cuối năm 1975 ông lên lớp, nói chuyện với “đám trí thức ngụy” của Sài gòn tại rạp Rex. Ông phùng mang trợn mắt nói : “Các anh các chị có biết không, khi tôi ra nước ngoài, nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mọi người phải cúi đầu kính phục…”. Ông chỉ tay xuống đất. May quá ! Ông không nói là “cúi đầu lè lưỡi”. Chúng tôi, một bọn hàng thần lơ láo ngồi dưới phải bấm bụng nín cười.

Bà Song Tường, vợ ông Đặng Xuân Thiều (anh em họ với ông Đặng Xuân Khu) có lần tâm sự, phàn nàn với mẹ tôi (gọi mẹ tôi bằng chị) là có người con trai sắp phải trình diện đi nghĩa vụ nên sang nói với chú Bảo (Đặng Quốc Bảo) mong chú giúp đỡ cháu. Ông Bảo trả lời ngay : “Chị cứ để cháu đi làm nghĩa vụ công dân”. Ông Bảo tỏ ra rất thẳng thắn, chí công vô tư. Hồi sau này, ông hay phản kháng, chỉ trích lãnh đạo là không có tư tưởng đột phá và tầm nhìn chiến lược trong việc đổi mới. Ông bất mãn như những người còn chút lương tri cách mạng. Mỗi lần tôi về Hà Nội thăm mẹ, bà Bảo hay để ý và chia vui với mẹ tôi : “Ông con trai mới về, chị vui lắm nhỉ ?”.

Trước khi nói đến các nhà cách mạng của làng Hành Thiện tôi xin dành ít dòng vinh danh “Tác giả Đặng Hữu Thụ”. Ông Đặng Hữu Thụ sinh năm 1919, con một thầy đồ nho và cháu đích tôn của Cử nhân tri huyện Đặng Hữu Nữu, có bằng Luật khoa cử nhân tại Hà Nội và bằng Luật khoa tiến sĩ tại Paris. Trước tháng 4, 1975 ông giữ chức vụ Phó chưởng lý Tòa Thượng thẩm Sài gòn. Di tản sang Pháp ông làm Giám định cho Tòa Thượng thẩm Paris. Sau khi hưu trí năm 1984 ông bỏ hai năm để học Hán văn tại Institut National des civilisations et des langues orientales de Paris. Với khả năng vững vàng về Việt văn, Pháp văn, Anh văn và Hán văn, ông bỏ nhiều năm vào các thư khố Pháp (như Nha Văn khố quốc gia, Trung Tâm Sưu khảo tài liệu, Thư viện quốc gia, Thư viện Viễn đông Bác cổ, Thư viện trường Đông phương ngữ, Thư viện Bộ Ngoại giao, Thư viện Pháp quốc hải ngoại và Thư viện các trường đại học lớn ở Paris…) để tìm đọc hàng ngàn tài liệu có liên quan đến làng Hành Thiện. Ngoài những tài liệu chính thức của nguồn văn khố Pháp, ông đã đọc các tài liệu ở trong nước, đã được nghe các bậc tiền bối kể lại và viết thư cho từng người, từng gia đình của các nhân vật Hành Thiện để thâu lượm thêm thông tin và kiểm chứng các nguồn tin chưa được thống nhất. Ông viết và tự xuất bản các tài liệu về làng Hành Thiện  “Làng Hành Thiện thời Nho học” (1992 và tái bản  năm 2007), “Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền”(1993), “Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954” (1999) và sắp xuất bản “Tháng ngày qua với những kỷ niệm” và “Làng Hành Thiện và dân Hành Thiện từ 1954 đến nay”.

Trước kia làng Hành Thiện chỉ dùng bia để ghi chép tích sự. Mãi đến năm 1933 Ấm sinh Đặng Xuân Viện (thân sinh ông Đặng Xuân Khu) cùng Tổng sư Nguyễn Văn Bốn soạn ra quyển “Hành Thiện xã chí” mở đầu cho các sách sau này viết về Hành Thiện. Nhưng phải đợi đến lúc hàng ngàn trang sách, viết một cách có phương pháp khoa học,cẩn trọng, đầy đủ thư mục, vô tư và khách quan của tác giả Đặng Hữu Thụ về làng Hành Thiện, người ta mới nhìn rõ được làng Hành Thiện qủa là một viên ngọc quý của một nước Việt Nam Minh Châu trời Đông đã từng đánh bại các đế quốc ngoan cường nhất thế giới của thời xưa và thời nay.

Dân làng Hành Thiện thờ đức Không Lộ thời nhà Lý (chẳng có liên hệ và công cán gì với làng Hành Thiện) làm Thánh tổ ở chùa Thần Quang. Còn đình làng Hành Thiện chưa có Thành hoàng chỉ chổng chơ treo một bức hoành phi với 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”. Sao ta không rước tác giả Đặng Hữu Thụ vào đình làng làm Thành hoàng sống cho xứng với tinh thần vừa truyền thống vừa cách mạng của dân làng Hành Thịên! Riêng việc đó nếu làm đưọc lại thêm một nét độc đáo cho Hành Thịên. Bài viết này chỉ là một tóm lược, trích dẫn rất sơ sài từ những pho sách của tác giả Đặng Hữu Thụ. Quí độc giả nếu đọc bài viết này mà yêu mến Hành Thiện thì nên đọc thêm các sách của Mr Đặng Hữu Thụ, maison de retraite Clément, 2 Rue Freteau de Pény,77011  Mélun Cedex, France.

Các người cộng sản Hành Thiện là các ông Đặng Xuân Khu, Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Thiều và bà Đặng Thị Thiềm

– Ông Nguyễn Thế Rục (chắc tên là Dục nhưng người Hành Thiện nói ngọng chữ d ra chữ r) đảng viên đảng cộng sản Pháp, mất năm 1938. Đám ma ông to nhất hồi bấy giờ với 20,000 người đi dự, phần lớn là đảng viên cộng sản.

– Bà Đặng Thị Thiềm, em họ ông Đặng Xuân Khu, con gái cụ Cử nhân Đặng Đức Quyên, đậu bằng Tú Tài Pháp, thoát ly gia đình, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy ông Trần Xuân Độ, làm đại sứ Bắc Hàn. Ông Độ là người ít học nhưng rất chân thành nên bà Thiềm chịu lấy, do sự mối lái của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Đặng Xuân Khu làm chủ hôn. Ông sống khỏe mạnh đến 103 tuổi.

– Ông Đặng Xuân Thiều, sinh năm 1909, gia nhập đảng Cộng sản từ năm 1930, bị giam tại nhà tù Hà Nội, Bắc Mê, Sơn La, Côn Đảo trước sau là 13 năm. Có hồi bị giam ở Hải Phòng, ông bị mật thám liên tục tra tấn 27 lần mà không chịu khai ra các đồng chí nên được đảng gọi là “Người anh hùng của Thành Ký Con”. Năm 1954 sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, ông làm giáo sư Đại học nhân dân và Đại học tổng hợp, dạy môn Chính trị và Triết học. Năm 1959 ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Bảo Tồn và Bảo tàng Bộ Văn Hoá. Nhờ ông rất nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng để bảo vệ trùng tu.

Ông là người giàu tình đồng hương và tình bà con họ hàng. Ông đã giúp đỡ nhiều gia đình bị đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất vào các năm 1955 và 1956. Người Hành Thiện vẫn còn nhắc đến chuyện ông bà Đặng Hữu Đa bị đấu tố ở Hành Thiện, chạy trốn lên Hà Nội được ông bà Đặng Xuân Thiều cho ở tại nhà và tích cực giúp đỡ. Ấm sinh Đặng Xuân Viện, thân sinh ông Đặng Xuân Khu, cũng chạy kịp lên Hà Nội, thoát cuộc đấu tố, được ông Khu gửi ở nhà ông Thiều (hai người là anh em bà con). Vợ ông Thiều là bà Nguyễn Song Tường, người làng Mọc, Thanh Trì, Hà Đông, có Tú Tài Pháp, dạy bậc trung học, vừa là vai em bà con vừa là bạn thân với Mẹ tôi (cùng là nhà giáo). Gần nhà nên cô Tường hay sang chơi và tâm sự  với Mẹ tôi về chuyện nọ,chuyện kia. Trước khi ông Thiều qua đời vì bệnh ung thư bàng quang năm 1965 (1909-1965) đã tiết lộ việc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hồi bị Tây bắt đã khai hết tên tuổi các đồng chí nên nhiều người sau đó đã bị Tây sát hại. Ông Thiều coi ngành Bảo Tàng nên đọc được các tài liệu đó do Tây để lại nhưng không muốn nói ra, sợ … “Bác Hồ buồn”. Hồi đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được đề cao quá mức như trong bài viết của Trung tướng Nguyễn Đình Ước,Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam : “Nguyễn Chí Thanh : một người cộng sản kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân. Ba lần bị thực dân Pháp bắt , bị tra tấn giam cầm  nhưng trước sau đồng chí vẫn giữ khí tiết người cộng sản, tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc và tìm cách vượt ngục tiếp tục hoạt động..”. Nên trước khi chết, ông Đặng Xuân Thiều đã buộc lòng phải nói lại  với gia đình và một số đồng chí thân tín về chuyện đó.

– Ông Đặng Xuân Khu : Sinh năm 1907 là trưởng nam ấm sinh Đặng Xuân Viện và là cháu nội Tiến sĩ tuần phủ Đặng Xuân Bảng, ông nghè đầu tiên của làng Hành Thiện. Ông học đến năm thứ ba trường Thành Chung Nam Định thì tham dự cuộc bãi khóa để cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Chí sĩ Phan Chu Trinh (qua đời tại Sài gòn ngày 24 tháng 3 năm 1926) nên bị đuổi học. Sau ông học trường Cao Đẳng Thương mại được ba năm thì thôi học và gia nhập đảng Cộng sản năm 1930. Người Hành Thiện cho rằng tuy đối với thời bấy giờ ông Khu cũng là bậc trí thức nhưng đối với các bậc tiền bối của Hành Thiện thì ông Khu còn thua kém nhiều nên phải đi làm cách mạng để tìm một lối khác tiến thân.

Những người ở gần ông cho biết ông rất nhã nhặn, có tình gia đình như đa số những người Hành Thiện khác lại còn giữ được chất quê của làng Hành Thiện và không thông minh lắm… Điều đó chưa chắc đã đúng. Việc ông liên tiếp làm Tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, chủ tịch hội đồng nhà nước rồi trở lại làm quyền tổng bí thư sau khi ông Lê Duẩn qua đời năm 1986 thì, dù ông có là người thông minh như ông nội là Cụ nghè Đặng Xuân Bảng, thì ông cũng phải cảnh giác và tự cải tạo thành một người kém thông minh để tinh hoa không phát tiết ra ngoài mà tồn tại.

Ông Đặng Xuân Khu luôn luôn là người số 2 sau ông Hồ. Hồi ông Hồ về nước (1941) nằm ở hang Pắc Pó, ông Khu lên gặp và hai người đã thoả thuận với nhau là ông Khu sẽ nói cho các đồng chí biết là ông Hồ được cộng sản quốc tế phái về nước, còn ông Hồ sẽ chỉ định ông Khu làm tổng bí thư. Thực ra đế quốc cộng sản Nga không phái ông Hồ về nước vì chưa tin ông Hồ. Ông Hồ có gốc tư sản phong kiến, cha ông là cụ Nguyễn Sinh Huy cùng đậu Phó bảng năm Tân Sửu (1901) với cụ Phan Chu Trinh. Ông Hồ được Liên xô đánh giá là còn để ý niệm quốc gia dân tộc lên trên việc đấu tranh giai cấp. Khi ông Lê Hồng Phong chết, chức Tổng bí thư còn khuyết nên ông Khu muốn nhờ ông Hồ phải là người được cộng sản Nga trao trách nhiệm thì mới đủ thẩm quyền chỉ định cho ông Khu làm tổng bí thư vì tình hình hồi đó không tổ chức họp đại hội đảng để bàu Tổng Bí Thư được..

Năm 1955 sau khi bị Mao Trạch Đông và Staline thúc dục nhiều lần, ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam  quyết định thi hành việc cải cách ruộng đất và ông Đặng Xuân Khu được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cải cách ruộng đất này. Cuộc đấu tố rùng rợn, khủng khiếp, phi nhân đến chừng nào để hơn một trăm ngàn người chết thì tôi chẳng cần phải viết thêm làm gì vì chyện đó nay đã được công khai nói ở trong nước. Gần đây nhà văn Cộng sản Tô Hoài đã viết lại trong cuốn “Ba Người Khác” vừa được xuất bản. Nhiều người cho rằng ông Trường Chinh đấu tố cả bố mình thì không đúng. Chính ông đã cho người về làng Hành Thiện cõng ông Bốn Đễ (tên tục của Ấm sinh Đặng Xuân Viện, thân sinh ông Trường Chinh) lên Hà Nội kịp, vì ông Bốn Đễ hồi đó ốm nặng không đi được. Ông Năm Thêm (em ông Bốn Đễ, làm nghề mạ vàng bạc cho các tượng nhà thờ) không chạy kịp, bị đấu tố và bị nhốt vào cầu tiêu nhiều ngày. Việc này làm cho vài vị trong trung ương trách ông Trường Chinh không mách bảo cho họ để họ di tản cha mẹ kịp thời như ông Trường Chinh. Thực ra,ông Trường Chinh  và các vị lãnh đạo cũng không nắm được mức độ đấu tố đến đâu vì chưa từng làm việc đó và cũng không được trực tiếp điều hành. Mọi việc đấu tố đều nằm trong tay Tổng cố vấn Tầu cộng họ Triệu cùng đoàn cố vấn của ông ta.

Bố vợ Bộ trưởng Y Tế Đặng Hồi Xuân (cháu ông Đặng Xuân Khu) là cụ Đinh Khắc Tánh (em ruột bà ngoại tôi) bị bắn chết hôm trước thì hôm sau Chủ Tịch Hồ chí Minh ban lệnh ngưng đấu tố. Chủ tịch Hồ chí Minh qua Liên xô gặp Staline để cầu viện cho một cuộc kháng chiến chống Pháp trước trận Điện Biên Phủ. Khi về nước ông chỉ tường trình với Ban Thường vụ trung ương là “ Xtalin khuyên chúng ta chú trọng toàn bộ vùng rừng núi phía tây, nắm được vùng này thì sẽ nắm được quyền làm chủ cả nước” (theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). [Nhưng, buổi tối  khi chung quanh đã yên tĩnh, Bác ngồi trầm ngâm và nói với chúng tôi : “Liên xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình : “Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là ghế của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào ?”. Tới đây, chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung quốc hứa giúp ta kinh nghiệm và phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất”. Rồi Bác kể thêm, trong một buổi làm việc, thấy có cuốn họa báo Liên xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Xtalin đề nghị ký một chữ làm kỷ niệm. Xtalin vui vẻ ký rồi chuyển cho các đồng chí Môlôtốp, Kazanôvích ngồi bên ký tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau không còn thấy tờ báo. Bác không bình luận gì về chuyện này] (theo hồi ức của Đ.T.Võ Nguyên Giáp).

Người bênh cho rằng, “Bác Hồ có tinh thần quốc gia dân tộc, bị Nga Tầu ép nên phải bó buộc khởi động cuộc cải cách ruộng đất rồi ngưng lại ngay khi đã quá trớn”. Người ghét thì kết tội ông Hồ là độc ác để chủ nghĩa cộng sản đấu tranh giai cấp lên trên tính mạng của nhân dân. Lịch sử sẽ phán xét cũng như trước kia Gia Long bị kết tội “Cõng rắn cắn gà nhà” dẫn đến nạn mất nước vào tay thực dân Pháp mà nay lại công nhận Gia Long có công lớn thống nhất sơn hà, mở mang bờ cõi.

Có một điều khá chắc chắn là ông Hồ biết rõ đa số không thích cộng sản, sợ cộng sản nên cố dấu cái nhân cộng sản đó bằng việc trước kia lập ra Mặt trận Việt Minh (Việt nam độc lập đồng minh hội), chính phủ liên hiệp và rất ngần ngừ trong việc khởi động đấu tranh giai cấp. Ông Hồ, ít nhất, là người rất khôn. (Chú thích : Việt cách : Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn hải Thần , và Việt Quốc là tên gọi tắt của Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học).

Nếu Mỹ không ủng hộ thực dân Pháp trở lại Việt Nam hồi 1945, 1946 và tiếp tục là đồng minh với Việt Minh như trong thời kháng Nhật thì nước Việt Nam có đi theo hướng dân chủ cộng hòa như trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9,1945 ? Việt Minh có quay lưng lại với cộng sản Nga Tầu để đi với Mỹ như ước vọng của ông Hồ khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập hay chỉ là một chiêu bài tạm thời của người cộng sản để diệt các phe đối lập ? Không thể biết đưọc. Lịch sử không có chữ “Nếu”.

Thôi, xin giới hạn bài này trong những câu chuyện về làng Hành Thiện và tôi xin kể tiếp, sau tháng 4, 1975 ông bà Trường Chinh vào Nam thăm họ hàng bà con Hành Thiện, gặp nhau vui vẻ,niềm nở. Bà Trường Chinh (nhũ danh Nguyễn Thị Minh), con gái ông Tư Thuần (em thứ tư ông nội mẹ tôi) có người chị ruột là bà Phán Thiệu (Đặng Vũ Thiệu) ở Sài gòn lúc bấy giờ. Bà Phán Thiệu có con trai là Bác sĩ Thú y Đặng Vũ Cảnh, rất nổi tiếng bên Pháp, có hai cô con gái lấy hai ông đại sứ VNCH (Phan Trọng Nhiễm và Phạm Trọng Nhân) và cô gái út là Đặng Thị Đào có chồng là sĩ quan cấp tá đi tù cải tạo. Ông chú bà cô Đăng Xuân Khu hứa với cô Đào sẽ can thiệp để chồng cô được thả về. Nhưng, không ăn thua gì. Cô Đào giận lắm, không nhận bà con họ hàng gì nữa. (Hiện cô Đào ở San José). Bà Khu cũng buồn nên khi về Hà Nội nhắn mẹ tôi “đến thăm cô kẻo cô chết mà không được gặp mặt”. Chắc ông Khu cũng nhức đầu vì chuyện bà con trách móc.

Xin nhắc lại chuyện ông Nguyễn Thế Vịnh (cùng với ông Nguyễn Thế Rục và Nguyễn Thế Thạch) được ông Nguyễn Thế Truyền gửi sang Nga học trường Đại học Cộng sản Staline. Khi về Việt Nam ông Vịnh không hoạt động cho cộng sản nữa. Cuối năm 1945 ông Vịnh bị chính phủ Việt Minh bắn chết cùng với tuần phủ Cung Đình Vận và nhà văn Lương Đức Thiệp (đệ tứ quốc tế cộng sản). Ông Vịnh là em ruột bà Trường Chinh.

Vào lúc cuối đời, vào thăm Đà Lạt, hai ông bà được ở trong Dinh Bảo Đại, nằm giường của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu, hai ông bà tỏ ra thích thú lắm nên bị phê bình “còn nhiều chất phong kiến” trong máu.

Ngoài đảng Cộng sản ra, các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong nước có Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tiền thân của Việt Nam Quốc dân đảng là Nam Đồng Thư Xã, do bà Đặng Thị Nhâm, người Hành Thiện, con cụ cử nhân Đặng Vũ Lễ cùng chồng là Phạm Tuấn Tài, anh chồng là Phạm Tuấn Lâm và Hoàng Phạm Trân (nhà văn Nhượng Tống) đứng ra góp vốn mở tiệm sách và nhà xuất bản các loại sách ái quốc, cách mạng ở khu Nam Đồng Hà Nội, đã lôi cuốn được nhiều phần tử ái quốc. Nhiều sinh viên đại học hay lui tới Nam Đồng thư xã để xem sách, dự các buổi hội thảo chính trị như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… Nhóm Nam Đồng thư xã hô hào đòi ân xá Cụ Phan Bội Châu, tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và đi đến việc thành lập một đảng cách mạng theo khuôn khổ Quốc dân đảng Trung Hoa, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, với sự gợi ý của Hứa Gia Ngữ, một đảng viên Trung Hoa quốc dân đảng ở Hà Nội.

Vào trưa ngày 16 tháng 2, 1930 có 5 phi cơ Pháp liệng xuống làng Cổ Am tỉnh Hải Dương (chiến khu của Việt Nam Quốc dân đảng) 57 trái bom từ đầu làng tới cuối làng rồi bay rất thấp, xả súng liên thanh xuống làng : Nhà cháy, cây cối bị thiêu, dân làng bị tàn sát. Ngày 12 tháng 6, 1930 lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính cùng các đồng chí cả thẩy 13 người lên đoạn đầu đài chịu án tử hình. Ông Phạm Quỳnh lên án các hành động qúa khích và bạo động chống chính phủ Đông Dương. Ông viết trật tự là cần thiết, phá rối trật tự là làm chậm bước tiến của dân tộc (báo France-Indochine xuất bản tại Sài gòn ngày 9 tháng 6, 1930). Ông Nguyễn Thế Truyền, người Hành Thiện, bênh vực Việt Nam Quốc Dân đảng ,đòi phải triệt hồi Toàn quyền Réne Robin vì đã khủng bố Việt Nam Quốc dân đảng và cho ném bom triệt hạ làng Cổ Am.

Ngoài việc tham gia các phong trào, đảng phái cách mạng quốc gia trong nước, người Hành Thiện còn tham gia Phong Trào Đông Du trước đây (Làng Hành Thiện đã từng là thành trì của Phong trào Đông Du chống Pháp) và Phong trào Tây Du sau này mà lãnh tụ là nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

Ông Nguyễn Thế Truyền sinh năm 1898, kém ông Hồ chí Minh 8 tuổi và hơn ông Đặng Xuân Khu 9 tuổi. Ông là con Tú tài Tri phủ Nguyễn Duy Nhạc và cháu đích tôn Cử nhân Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn (anh ruột ông Tư Thuần, bố bà Đặng Xuân Khu). Được ông nội lúc đó làm Tuần phủ Thái Bình gửi Phó công sứ Pháp tại Thái Bình là Dupuy đưa sang Pháp học lúc mới 12 tuổi (1910). Lúc ra đi, cụ Tuần nắm tay cháu dặn dò cố học lấy cái bằng Tú tài Pháp (hay bằng Brevet superieur) rồi cụ sẽ cho về thăm nhà. Nào ngờ đó là lần cuối ông cháu gần nhau. Cụ Tuần bị qủa bom của Phan Văn Tráng trong nhóm Việt Nam Quang phục hội  (Nhóm Đông Du của cụ Phan Bội Châu) hạ sát năm 1913 tại trước Dinh Tuần phủ Thái Bình.

Cậu Truyền học rất xuất sắc, học nhẩy ba lớp nên chỉ 5 năm sau đỗ Brevet supérieur (ngang với Tú tài). Cậu về Hành Thiện thăm quê hương với tất cả hào quang của một thiếu niên trí thức nhất làng. Ông Pierre Đỗ Đình trong tạp chí France Indochine số tháng 5, 1953 kể lại chuyện ông Nguyễn Duy Nhạc dẫn cậu Truyền lại thăm gia đình ông. Mọi người chờ đợi cậu Truyền đến nhà để nghe cậu nói tiếng Pháp chắc là hay một cách tuyệt vời. Vì hồi đó nhiều học sinh Việt Nam du học bên Pháp khi về nhà chỉ nói toàn tiếng Pháp và hay giả vờ quên tiếng mẹ đẻ rồi. Nhưng gia đình ông Pierre rất ngạc nhiên và thất vọng vì cậu Truyền chỉ nói tiếng Việt, rất bẽn lẽn và lễ độ, vẫn giữ nguyên phong thể một người Việt Nam. Sau này khi ông Truyền viết báo cũng luôn luôn tự hào là người Việt Nam và hãnh diện nói tiếng “Mẹ ru từ lúc nằm nôi”.

Ở Hành Thiện một năm, cậu Truyền thuyết phục các thanh niên họ Giáp Nguyễn sang Pháp du học. Năm 1916 cậu trở lại Pháp, dắt theo Nguyễn Thế Phu (chú ruột), Nguyễn Thế Tắc (em họ) và sau này là Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Thế Thạch (ba người này là chú họ). Tất cả sau này đều làm cách mạng với Nguyễn Thế Truyền tại Pháp.

Sau 4 năm (1916 đến 1920) cậu Truyền tốt nghiệp Kỹ sư Hoá học và Cử nhân Khoa học ban Lý Hoá. Cậu là người Bắc Kỳ đầu tiên đậu cử nhân Khoa Học nên được trọng vọng, coi như một thần tượng. Người Bắc Kỳ thứ nhì đậu cử nhân Khoa học tại Pháp là ông Hoàng Cơ Nghị (Hà Đông), đậu năm 1923. Ở Hành Thiện một năm, cậu Truyền học chữ Hán với cụ Cả Cung và lấy vợ là con gái ông cả Thông (Phạm Ngọc Thông). Vợ cậu tên là Phạm Thị Luyến trạc tuổi cậu. Đám cưới rất linh đình, cậu Truyền đi cáng võng được che một lọng cùng đám rước dâu đến nhà nhạc gia. Dẫn đầu đám rước dâu là một ban nhạc Tây phương có kèn Tây, trống Tây tiến đến nhà cụ Phạm Ngọc Thông, cử hai bài nhạc Tây phương nghe rất hùng tráng rầm rộ. Cô dâu đi võng được che một lọng về nhà chồng. Đám cưới qua giong nào đều có pháo treo ở cổng giong từ nóc cổng giong đến sát đất nổ vang. Giong tức là đường xuyên qua làng Hành Thiện theo chiều ngang. Tiệc cưới rất lớn được tổ chức tại từ đường cụ Tuần Nguyễn Duy Hàn có đến hai trăm người dự.

Nhưng có một điều lạ là chú rể đêm động phòng hoa chúc lại không vào phòng cô dâu mà ngủ ngoài chõng trên hiên nhà. Sau mọi người mới vỡ lẽ. Cô dâu được nhà trai dạm hỏi từ lâu, cha mẹ chồng đã biết mặt con dâu. Trước ngày cưới chú rể muốn biết mặt cô dâu, cụ bà Nguyễn Duy Nhạc cho nhà gái biết ý muốn của chú rể. Nhà gái báo tin là một ngày nhất định nào đó, cô dâu sẽ đi chợ Dưới vào khoảng trưa và chú rể sẽ đi kèm theo một người biết mặt cô dâu để chỉ cho chú rể rõ.

Đến ngày giờ nhất định, cô dâu đi chợ  và vì bẽn lẽn nên yêu cầu chị ruột đã lập gia đình, đã có con đi kèm. Đến chợ, người đi theo chú rể chỉ hai người phụ nữ trẻ đẹp và bảo chú rể là người trẻ là vị hôn thê. Chú rể thấy rất hợp mắt, về nói với gia đình là rất ưng ý và dục làm lễ cưới ngay. Nào ngờ khi gặp hai con gái cụ cả Thông, chú rể nhìn thế nào tưởng người là hôn thê của mình lại là người chị ruột. Ông nhận đã nhầm lẫn. Ông nhờ cha mẹ xin lỗi cụ cả Thông và cho cô dâu mấy chữ để lấy chồng khác vì ông không muốn cô dâu phải vì mình mà dang dở cuộc đời. Người chị ruột cô Luyến là Phạm Thị Chắt (tức bác giáo Đạt gái, thân mẫu anh Nguyễn Thế Đại (Tổng thanh tra Giám sát viện) của tôi. Sau này khi bác giáo Đạt trai mất, ông Truyền tìm cách gặp lại Bác gái. Ông nhờ anh Nguyễn thế Việt (mẹ và anh cả của anh Việt bị chôn sống hồi cải cách ruộng đất) rủ anh Nguyễn Thế Đại lại thăm ông để ông có cớ lại thăm để gặp bác gái. Ông mời Bác gái đi ăn cơm nhưng bác từ chối. Ông Truyền là một người thật si tình. Chỉ thoáng nhìn trong mấy giây đồng hồ mà như coup de foudre ôm hận cả đời.

Ngay từ thuở thiếu thời, ông Truyền làm gì cũng muốn trội hơn người khác. Đi học lúc nào cũng cố gắng đứng đầu lớp mà chơi cũng rất ngông. Ông chơi diều dài gần ba thước tây, sáo diều dài 30 cm. Khi thả diều của ông ngân vang to hơn các điều khác. Tết Bính Thìn (1916) và Tết Quý Dậu (1921) ông ăn tết ở làng, mỗi tết đốt hết 4 thùng sắt tây pháo bánh và pháo đùng suốt từ đêm 30 đến tối ngày mùng hai. Quan Tri phủ Xuân trường yêu cầu ông đừng đốt pháo đùng vì nghe như tiếng súng, ông không chịu, nói là ngày Tết thì muốn đốt pháo gì thì đốt. Mỗi khi đi cắt tóc, ông Truyền trả cho thợ cạo một đồng bạc thay vì chỉ có 5 xu. Bà mẹ ông than ông hoang phí quá, ông trình mẹ : “Thỉnh thoảng đem sự vui mừng bất ngờ cho người khác, khiến lòng mình cũng được vui lây”.

Các cụ khoa bảng Hành Thiện thấy ông Nguyễn Thế Truyền có nhiều cử chỉ ngang tàng nhưng thấy ông tiếp xúc với mọi người lại rất nhã nhặn lễ độ, khi tiếp xúc với các cụ ông lại đề cao vai trò của các nhà nho nên các cụ rất quí mến ông. Ông thích đọc sách chữ Hán và hay đến nhà các cụ mượn sách chữ Hán hay nói chuyện với các cụ về triết lý Á Đông, triết lý tây phương. Các cụ thấy ông có nhiều nhận xét xác đáng về Nho học nên rất phục ông là tuy theo Tây học mà hiểu thấu Nho học. Ông Nguyễn Thế Truyền ca tụng nền văn hóa Á Đông, ca tụng học thuyết Khổng Mạnh, khen thơ Đường hay hơn thơ Tây vì ý tưởng trong thơ được diễn tả một cách cô đọng hàm xúc, vì nhạc điệu thơ Đường vô cùng quyến rũ. Ông thường nói với các cụ là chỉ có Nho giáo mới cứu được Việt Nam.

Ông trở lại Pháp trong năm 1921. Chỉ một năm rưỡi sau ông đậu cử nhân văn chương triết học trong khi thường ra phải học ba bốn năm mới xong. Trước khi làm chính trị ông lấy cô đầm Pháp Madeleine Marie Clarisse Latour, người duyên dáng xinh đẹp đảm đang và sanh được 4 người con: hai trai và hai gái.

Vào năm 1922 ông bắt đầu hoạt động cách mạng cùng hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và hai ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành trong Hội Liên hiệp thuộc địa (Union Intercoloniale) tại Paris và viết báo Le Paria (Người Cùng Khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội này.

Vào các năm 1922, 1923 nhóm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền , Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh chơi thân với nhau, gặp gỡ nhau luôn tại nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13 Paris là nhà riêng của cụ Phan Văn Trường. Đồng bào Việt Nam tại Paris gọi nhóm này là Nhóm Ngũ Long. Ông Hồ Hữu Tường trong cuốn hồi ký “Bốn mươi năm làm báo” có kể một giai thoại về nhóm ngũ Long, nguyên văn như sau : Người ta cho đó là năm con rồng, bởi người Việt xưng mình là rồng. Linh hồn của nhóm Ngũ Long là cụ Phan Chu Trinh. Và khi chường ra công chúng, nhất là khi viết báo chống thực dân thì ý kiến thường do cụ Tây Hồ xướng ra. Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp và Nguyễn Tất Thành đem giao cho các nhà báo với một bút hiệu chung.

Về cái bút hiệu này, có một giai thoại kể ra buồn cười. Lúc đầu các cụ chọn bút hiệu Nguyễn Ố Pháp, nghĩa là thằng Nguyễn ghét người Pháp. Bút danh này được độc giả Pháp hoan nghênh lắm vì giọng nói dí dỏm đặc  biệt của người Việt lại thêm câu văn của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền gọt rũa. Độc giả gửi thư đến nhà báo hỏi Nguyễn Ố Pháp là ai và tên ấy có nghĩa gì ? Các cụ buộc lòng phải dịch cho ngay tình. Các bạn Pháp phản đối cái tên cực đoan và dễ ghét mà tiếng Pháp gọi là “chauvin” và đề nghị đổi đi. Từ đó bút hiệu Nguyễn Ố Pháp được đổi ra Nguyễn Ái Quốc. Về sau tên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Nguyễn Tất Thành.

Ông Nguyễn Thế Truyền sắp trình luận án tiến sĩ quốc gia khoa học về Vật lý thiên văn vào năm 1923 thì bị chính quyền Đông Dương ngưng cấp học bổng cho ông. Ông liền bỏ việc trình luận án và dành hết thì giờ để hoạt động cách mạng. Ông được Hội Liên Hiệp Thuộc địa  mời làm chủ bút báo Le Paria từ năm 1924. Ông đảm nhiệm chức vụ này cho đến hết năm 1925 thì xin từ chức để lo xuất bản tờ Việt Nam Hồn được viết bằng Việt ngữ, Pháp ngữ và chữ Hán. Ngoài tờ  Việt Nam Hồn, ông còn cho ra đời tờ Phục Quốc cũng được viết bằng ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán…

Trong các tờ báo chống thực dân Pháp vào khoảng thập niên 1920, tờ được nhiều người say mê đọc nhất  là Việt Nam Hồn xuất bản ở Paris. Việc ra báo Việt nam Hồn viết bằng tiếng Việt là ý kiến của ông Nguyễn Ái Quốc.  Nhưng việc ra báo của ông Nguyễn Ái Quốc không thành vì số người đặt mua không tới một trăm người.

Đến cuối năm 1925 sau khi ông Nguyễn tất Thành đã đi Liên xô được hai năm rưỡi rồi, ông Nguyễn Thế Truyền muốn thực hiện việc ra báo Việt Nam Hồn bằng tiếng Việt, ông kêu gọi Việt kiều tại Pháp ủng hộ.Thấy đích thân ông Truyền làm chủ bút tờ báo, Việt kiều hưởng ứng đặt mua đến hàng ngàn người. Lúc đầu tờ báo in 2000 số có lúc tăng tới 10,000 số.

Trong cuốn “Tuấn, chàng trai nước Việt” tác giả Nguyễn Vỹ tả nỗi say mê đọc báo Việt Nam Hồn  của các học sinh Trường cao đẳng tiểu học Qui Nhơn. Có nhiều cô cậu học sinh ở Qui Nhơn quá xúc động nức nở khóc về nỗi dân tộc Việt Nam bị sống trong vòng nô lệ. Học sinh truyền tay nhau đọc tờ  Việt Nam Hồn khiến tờ báo nhàu nát, phải dán lại từng mảnh. Và học sinh đã thưộc lòng bài thơ đăng trên Việt Nam Hồn như sau :

Hăm nhăm triệu đồng bào nổi dậy

Đuổi quân thù ra khỏi giang sơn

Chớ sao ngậm oán nuốt hờn

Để mang tủi nhục cho hồn Việt nam.

Vì say mê đọc báo Việt nam Hồn nên ông Tạ thu Thâu học sinh trung học năm 1926, mỗi khi có tàu biển ở Pháp về đều ra bến tàu đón tìm gặp các thủy thủ Việt Nam đem báo này về để được đọc báo trước mọi người. Cả các nhà cách mạng lão thành đã từng bị kết án tù và bị giam ở Côn Đảo như cụ Nghè Ngô Đức Kế, chủ bút báo Hữu Thanh ở Hà Nội và cụ cử nhân Lương Văn Can, cựu giám đốc trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng cố tìm đọc tờ  Việt Nam Hồn. Mật thám Pháp khám nhà hai cụ, bắt được báo Việt Nam Hồn trong nhà. Ai ai cũng hỏi Nguyễn Thế Truyền là ai ? Họ coi ông như một thần tượng ngang với cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.

Về tài ba của ông Nguyễn Thế Truyền thì một tác giả cộng sản là Nguyễn Khải trong cuốn tiểu thuyết “Gặp gỡ cuối năm” xuất bản năm 1982 chê ông Nguyễn Thế Truyền là sao lại theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi và phản đối chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng xác nhận ông Nguyễn Thế Truyền viết văn Pháp “hay nhất nước Việt nam”. Thật sự ông Nguyễn Thế Truyền tài cao học rộng thông minh lỗi lạc, viết văn và diễn thuyết đều có sức thu hút người đọc người nghe, có óc tổ chức, có tài lãnh đạo, đôi khi ông hơi nóng nẩy khi thấy việc làm sai quấy của người khác nhưng ông giàu lòng nhân ái nên được giới sinh viên Việt nam, giới lao động Việt nam, các cụ nhà nho, và mọi giới Việt nam tại Pháp coi như lãnh tụ của họ.

Ông Nguyễn Thế Truyền và việc cụ Phan Chu Trinh về nước

Từ đầu năm 1924 trở đi, sức khoẻ của cụ Phan Chu Trinh sút kém, phải nằm bệnh viện. Ông Nguyễn Thế Truyền hàng ngày đến bệnh viện chăm sóc cụ. Cụ Phan ngỏ ý muốn về nước thăm quê hương và gia đình sau 14 năm xa cách. Khi cụ ra khỏi bệnh viện, ông Truyền dắt cụ đi lo việc này. Cụ Phan Chu Trinh nói được tiếng Pháp, đọc được báo Pháp nhưng không rành lắm nên khi tiếp xúc với các chính khách hay các thân hữu Pháp thường rủ ông Nguyễn Thế Truyền đi theo. Ông Truyền thảo đơn xin về nước giúp cụ Phan và làm thủ tục xin nhập Pháp tịch cho cụ để khỏi bị Pháp bắt giữ ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn cẩn thận yêu cầu Hội Nhân Quyền chuẩn bị can thiệp cho cụ Phan nếu cụ gặp rắc rối. Như vậy ông Nguyễn Thế Truyền đã góp công không nhỏ trong việc vận động cho cụ Phan về nước sống an toàn.

Ông Nguyễn Thế Truyền với việc Cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt năm 1925

Theo lời khai của ông Nguyễn Thế Vinh tại sở Mật Thám Hà Nội  hồi tháng 8, 1931 thì việc Pháp bắt giam cụ Phan Bội Châu năm 1925, bên Pháp không ai biết nếu không có ông Nguyễn Thế Truyền thông báo cho Việt kiều hay. Khi được tin cụ Phan Bội Châu bị bắt, ông Truyền đã quần áo xốc xếch đến báo tin cho Hội Liên Hiệp Thuộc địa, và ông chạy từ quán cà phê này sang quán cà phê khác trong đó có khách hàng Việt nam, ông chạy từ nhà này tới nhà khác của người Việt Nam báo tin cho Việt kiều biết là cụ Phan Bội Châu bị bắt, yêu cầu tất cả kiều bào có mặt trong cuộc biểu tình ngày 9 tháng 10, 1925 do ông tổ chức để phản đối Pháp tại hội trường Hội Bác học Paris. Ông Hoàng Ngọc Hải nhân danh các người lao động Việt Nam. tại Pháp đọc diễn văn tiếng Việt do ông Nguyễn Thế Truyền sọan thảo. Và khi đến lượt ông Nguyễn Thế Truyền, ông ứng khẩu nói tiếng Pháp, không mảnh giấy trong tay. Ông nói hùng hồn, cảm động khiến cử tọa phải chia sẻ quan điểm của ông.

Tình bạn giữa ông Nguyễn Thế Truyền và ông Nguyễn An Ninh

Ông Nguyễn An Ninh là bạn chí thân của ông Nguyễn Thế Truyền, là người có trí thông minh vượt bực, trọng nghĩa khinh tài, đã cưu mang giúp đỡ ông Truyền rất nhiều về tài chánh. Trước khi cấp tiền cho ông Nguyễn An Ninh đi du học tại Pháp, cụ thân sinh ông đưa ông đến lăng Ông Bà Chiểu Gia Định bắt thề không bao giờ làm tay sai cho Pháp sau khi đỗ đạt. Sang Pháp trong một niên học 1920-1921 ông đậu liên tiếp ba phần cử nhân Luật khiến giới đại học Pháp phải ngạc nhiên. Ông viết báo Pháp lời văn vừa chải chuốt vừa hùng mạnh khiến người Pháp phải thán phục. Ông viết cuốn “La France en Indochine” năm 1925 và trao cho ông Truyền để phổ biến. Bộ Thuộc địa và Phủ toàn quyền tìm hết cách ngăn chặn quyển sách này. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, ông bị bắt và bị đầy ra Côn Đảo. Ông mất tại đây vào tháng 7 năm 1943. Các bạn tù nhặt đá mỗi khi đi công tác để xây cho ông một ngôi mộ rất lớn để ngưỡng mộ một nhà đại ái quốc. Trước năm 1975 đoàn Thanh Niên Gió Khơi của tôi có đưa sinh viên học sinh ra Côn Đảo viếng mộ Nguyễn An Ninh.

Ông Nguyễn Thế Truyền viết bài tựa cuốn “Le Procès de la colonisation francaise” (Bản án chế độ thực dân Pháp) của ông Nguyễn Ái Quốc

Trước khi đi Mạc Tư Khoa (2 tháng 4, 1923) ông Nguyễn Ái Quốc là một người có tinh thần quốc gia dân tộc, đã hoạt động cách mạng bên cạnh các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Khi còn ở Pháp ông có viết cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp, giao bản thảo cho ông Nguyễn Thế Truyền  và nhờ ông Truyền sửa chữa, viết bài tựa và cho in tại Pháp. Sách được ông Truyền in ra năm 1926 với bài tựa của ông Nguyễn Thế Truyền. Vậy cuốn sách đó thực  sự là của Nguyễn Ái Quốc chứ không phải của ông Truyền như lời đồn đại. Sau này chính ông Truyền cũng xác nhận như vậy với lão thi sĩ Hà Thượng Nhân khi gặp nhau tại nhà ông Phan Khắc Sửu ở Hànội. Ông Truyền cười nói : “Đâu phải lối viết tiếng Pháp của tôi”.

Đối với ông Nguyễn Thế Truyền, ông Nguyễn Ái Quốc rất kính nể, vì biết ông Truyền thương ông chỉ vì hoàn cảnh không được tiếp tục học ở trường Quốc học ở Huế nhưng nay biết cố gắng học hỏi. Ông Nguyễn Ái Quốc trước khi xem một cuốn sách nào thường nhờ ông Nguyễn Thế Truyền nói tóm lược các ý chính, rồi sau ông mới vừa đọc vừa tra tự điển. Ông Nguyễn Ái Quốc ngày nào cũng tìm gặp ông Nguyễn Thế Truyền để học hỏi cho rộng kiến văn. Cũng vì tin cậy ông Nguyễn Thế Truyền, coi ông Truyền như người bạn thân nhất trên đời nên ông Nguyễn Ái Quốc trao cho ông Nguyển Thế Truyền cuốn “Le procès de la colonisation francaise” trước khi đi Liên Xô để nhờ sửa chữa,viết bài tựa và đem in..

Ông Nguyễn Thế Truyền và Đảng Cộng sản Pháp. Ý kiến của ông Truyền về chủ nghĩa cộng sản

Đảng Cộng sản Pháp ra đời năm 1920 với đường lối của đảng Cộng sản Liên xô, bênh vực dân thuộc địa (kể cả thuộc địa của Pháp) đòi chính phủ Pháp phải trả độc lập cho các xứ bị trị.

Cũng như ông Nguyễn Ái Quốc (đi Nga năm 1923), ông Nguyễn Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp để học hỏi và tìm phương tiện cứu nước. Vì ông mưu đồ đòi độc lập cho Việt Nam, cần có các cán bộ được huấn luyện kỹ càng  về quân sự, về phương pháp tổ chức, lãnh đạo quần chúng để giúp ông nên ông nhờ đảng Cộng sản Pháp giới thiệu với đảng cộng sản Liên xô cho các người thân tín của ông là các ông Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Đặng Đình Thọ, Bùi Công Trừng được nhập học trường Staline tại Mạc Tư Khoa. Vì thấy trường Staline huấn luyện hữu hiệu các sinh viên nên Thống chế Tưởng Giới Thạch tuy chống việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Trung Hoa cũng gửi con trai là Tưởng Kinh Quốc sang học trường này.

Cũng như ông Ngưyễn Thế Truyền, hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và ông Nguyễn An Ninh chỉ muốn mượn các phương tiện của cộng sản để mưu việc đòi độc lập cho Việt Nam chứ không tán thành việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Theo ông E. Babut thì cụ Phan Chu Trinh có nói với ông Nguyễn Ái Quốc rằng chủ nghĩa cộng sản mà đem tuyên truyền ở Việt Nam thì là một điều nguy hiểm vì dân Việt Nam còn có gì  mà san sẻ ngoại trừ sự cùng khổ, trước hết, dân Việt Nam hãy lo làm giàu đi đã, sau hãy nghĩ đến việc phân chia tài sản một cách công bình. Cụ Phan Văn Trường thì chê chủ nghĩa mác xít là hẹp hòi và cho là dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần giáo lý của Đức Phật Thích ca lấy từ bi bác ái làm tôn chỉ trong cuộc sống không thể chấp nhận chủ nghĩa Mác xít xây dựng trên hận thù được.

Ông Nguyễn Thế Truyền đã vì quyền lợi tối cao của Việt nam mà thân cộng rồi chống cộng triệt để như Giáo sư Hémery nói đến việc ông Nguyễn Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp vào thời kỳ ông viết báo Le Paria và rút chân ra khỏi đảng này vào năm 1926 trước khi lập đảng Việt Nam độc lập. Cũng vào năm 1926 ông trả lại thẻ đảng Cộng sản Pháp. Ông cho đảng Cộng sản Pháp biết là sau khi học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, ông thấy chủ nghĩa này không thể áp dụng ở Việt Nam được vì trái với truyền thống đạo đức Việt  Nam. Ông Nguyễn Thế Truyền cho rằng ở Việt Nam không có giai cấp rõ rệt, toàn thể dân Việt nam là một giai cấp bị thực dân thống trị, vậy toàn thể dân Việt Nam phải đoàn kết chống thực dân, thuyết giai cấp đấu tranh không thể áp dụng giữa các tầng lớp nhân dân Việt nam được.. Ông Nguyễn Thế Truyền hiểu rõ lý thuyết cộng sản, ông chủ trương chống cộng ngay từ năm 1926 khi chưa có đảng cộng sản Việt Nam vì mãi đến năm 1929 mới thấy đảng này xuất hiện ở Việt Nam. Ông cho rằng muốn tạo một xã hội tự do, công bằng, nhân đạo  thì chỉ có cuộc cách mạng quốc gia mới làm được vì cách mạng vô sản chỉ đạp đổ một bất công để tạo ra một bất công khác, chỉ đạp đổ một đế quốc để rước lấy gánh nặng một đế quốc khác, chỉ phá bỏ một xiềng xích nô lệ để cột dân chúng vào một xiềng xích nô lệ khác.

Chắc chắn trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam có nhiều người (nhất là các vị gốc làng Hành Thiện) không hoan hỉ lắm với việc đấu tranh giai cấp kiểu Nga Tầu (chính ông Hồ chí Minh đã ngần ngừ… ngần ngại vì ông rất thông minh ). Họ ở trong cái thế “gân gà” của Tào Tháo trong Tam Quốc.

Đến năm 1927, ông Nguyễn Thế Truyền lập ra đảng Việt Nam Độc lập mà ông làm chủ tịch để tranh đấu công khai, bất bạo động, đòi quyền độc lập cho nước nhà.. Sau khi ông Nguyễn Thế Truyền đáp tàu thủy về nước vào tháng 12, 1927 thì đảng Việt Nam Độc lập được ông Nguyễn Văn Luận và Tạ Thu Thâu lãnh đạo. Ở Việt nam từ đầu 1928 cho đến tháng 2, 1934 ông Nguyễn Thế Truyền bị mật thám Pháp  theo dõi nên không hoạt động cách mạng được.

Hồi đó có giai thoại là ông Nguyễn Thế Truyền đã tát tai Tổng đốc Thái Bình là Vi Văn Định tại bến đò Tân Đệ vào năm 1933. Ông Truyền nói với ông Hà Thượng Nhân : “Tôi là người có ăn học, lẽ nào lại đánh nhau ngoài đường. Ở bến đò Tân Đệ, Tổng đốc Vi Văn Định có chuyện đi gấp, đã ra lệnh đò đã ra giữa sông phải quay lại đón ông. Tôi hỏi tại sao rồi nói : “Việc gì phải quay lại ! Tổng đốc thì tổng đốc chứ”. Hương lý hỏi “Anh là ai mà dám ăn nói như vậy ?”.. Tôi trả lời : “Ta là Nguyễn Thế Truyền”. Có vậy thôi. Đâu có tát tai ai bao giờ !”.

Ông Nguyễn Thế Truyền sang lại Pháp tháng 3, 1934. Tại Pháp, ông thảo bản thỉnh nguyện thư của dân Đông Dương trình lên ông Tổng trưởng thuộc địa vào tháng 6, 1936  đòi chính quyền Pháp phải triệt hồi Toàn quyền René Robin về Pháp  vì viên Toàn quyền này hồi làm Thống sứ  Bắc Kỳ năm 1930 đã ra lệnh ném bom triệt hạ làng Cổ Am (Hải Dương) là nơi các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng hay hội họp. Vào cuối năm 1936  ông Nguyễn Thế Truyền thành lập Tập Đoàn Đông Dương (Rassemblement Indochinois) tại Paris, đòi trả tự do cho các ông Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh bị giam giữ.

Vào ngày 25 tháng 8, 1937 ông Nguyễn Thế Truyền tới Phủ Thủ tướng Pháp gặp ông Thứ trưởng Phủ Thủ tướng là William Bertrand để trình bày các nguyện vọng của dân Đông Dương. Ông Thứ trưởng tiếp ông Truyền trên một giờ, các nguyện vọng như đại xá các chính trị phạm, ban bố các quyền tự do chính trị, nghiệp đoàn, lập đại hội đồng Đông Dương được chấp thuận..

Ngày 17 tháng 10, 1937 ông Nguyễn Thế Truyền và ba đại biểu khác của Liên đoàn Toàn Dân Các Thuộc Địa đến Bộ Thuộc Địa tiếp xúc với ông ông Tổng trưởng  Marius Moutet xin hủy bỏ các nghị định về việc kiểm duyệt báo chí Việt ngữ, xin đừng đàn áp các phong trào chính trị tại các thuộc địa. Ông Marius Moutet chấp thuận các ý kiến của ông Nguyễn Thế Truyền và ba đại biểu nói trên nên sau đó báo chí quốc ngữ tại Việt Nam không còn bị kiểm duyệt nữa và các đảng phái chính trị tại  Việt Nam đưọc hoạt động công khai.

Ông Nguyễn Thế Truyền từ Pháp  về Việt Nam vào cuối năm 1938 và ở Hành Thiện. Khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) một số chính trị phạm Đông Dương đã được ân xá dưới thời Mặt Trận Bình Dân Pháp đã bị bắt trở lại. Vì vậy nên ông Nguyễn Thế Truyền và em ruột ông Nguyễn Thế Song bị bắt ngày 1 th6ang 5, 1941 bị đưa đi an trí tại Sơn La. Sau đó ông bị đưa đi an trí tại Madagascar. Mãi đến tháng 8, 1946 hai ông mới được Pháp phóng thích và đưa về Việt nam. Thời kỳ 1941-1946 là thời điểm cực kỳ quan trọng để dành một thế lãnh đạo Việt Nam mà ông Truyền lại ở trong tù. Âu cũng là vận mệnh của đất nước ta.

Về Việt Nam, ông Nguyễn Thế Truyền khi thì ở Sài gòn khi thì ở Huế hay Hà Nội. Ông xuất bản tờ báo Thân Dân tại Sài gòn năm 1953. Cũng vào năm 1953 ông Nguyễn Thế Truyền trúng cử vào Hội đồng Thành phố Hà Nội với số phiếu nhiều nhất trong số 18 người trúng cử trong cuộc đầu phiếu của dân Hà Nội.

Cách đối xử của ông Hồ chí Minh với ông Nguyễn Thế Truyền

Báo Le Figaro xuất bản tại Pháp số ra ngày 20 tháng 9, 1969 nói ông Nguyễn Thế Truyền được trả tự do tháng 8, 1946 do sự can thiệp của ông Hồ chí Minh sau khi ông Hồ chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp ngày 8 tháng 3, 1946. Nguyên văn đoạn nói về việc này như sau : “M. Truyen a été relâché à la suite d’une intervention d’Ho chi Minh en 1946 après l’indépendance du Viet Nam”.

Ông Hồ chí Minh còn tỏ mối cảm tình nồng hậu đối với ông Nguyễn Thế Truyền bằng hai việc sau đây. Vào năm 1954 sau khi Hiệp ước Genève được  ký kết, ông Hồ cho một cán bộ cao cấp Việt Minh tiếp xúc với ông Nguyễn Thế Truyền  tại Hà Nội, trao cho ông Nguyễn Thế Truyền một lá thư nhắc lại tình bạn thắm thiết giữa hai ông hồi 30 năm trước và mời ông  Nguyễn Thế Truyền ở lại Bắc Việt, cộng tác với ông Hồ với tư cách là Phó chủ tịch nhà nước với nhiều quyền hành. Ông Hồ viết trong thư là ông sẽ rất vui mừng đón nhận sự cộng tác của ông Nguyễn Thế Truyền mà ông Hồ vẫn qúy trọng như bậc thầy. Nhưng ông Nguyễn Thế Truyền từ chối việc ở lại Hà Nội hợp tác với ông Hồ và nhờ người cán bộ đã tiếp xúc với ông chuyển lời cảm ơn của ông đến ông Hồ.

Vào năm 1958 khi ông Nguyễn Thế Truyền ở Sài gòn, ông Hồ chí Minh có nhờ vị Đại sứ Ấn độ, Chủ tịch Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến nhà ông Nguyễn Thế Truyền trao cho ông một lá thư kèm theo một gói sâm Cao ly, nói sâm này do Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Nhật Thành gửi tặng ông Hồ, ông Hồ được tin ông Truyền đau yếu nên gửi tặng ông một nửa. Ông Nguyễn Thế Truyền không nhận qùa tặng và nhờ Đại sứ Ấn Độ chuyển lời cảm ơn ông Hồ đã nghĩ đến ông mà tặng qùa, nhưng vì ông đau gan và bị áp huyết cao, bác sĩ trị bệnh cấm ông không được dùng một thứ thuốc nào khác dù là thuốc bổ ngoài các thứ thuốc mà bác sĩ đã ghi.

Như mọi lãnh tụ cộng sản, ông Hồ đã từng không nương tay với nhiều đối thủ chính trị khác. Nhưng riêng với ông Truyền, ông Hồ đã giữ mối tình bạn ngày nào. Thật là đặc biệt. Tác giả Đặng Anh Đào, con gái ông Đặng Thái Mai, đã viết trong “Hồi ký Tầm Xuân” : Lúc ấy Bác (HCM)  thường hay đến chơi nhà với anh V (Văn, bí danh của tướng Võ Nguyên Giáp).Sau vài lần, ba tôi nhận xét : “Ông cụ thương và cưng anh V.”. Trẻ con rất nhạy cảm với những chuyện đó, tôi cũng thấy như vậy nhưng không suy nghĩ gì thêm. Chỉ sau này khi đã già đi, nhớ lại với cảm tình riêng ấy của Bác và so sánh với một vài người cán bộ cách mạng già dặn khác mà tôi được tiếp xúc : ở họ, hình như không có những tình cảm đặc biệt. Hoặc họ đã giấu nó đi vì ở họ nó không còn vô tư trong sáng hay họ đã từ bỏ nó vì coi đó là chỗ yếu của con người. Tôi không rõ, nhưng cái đó làm tôi khó gần họ”.

Có thể ông Hồ còn giữ chút tình cảm riêng với ông Truyền dù đó chỉ là một biệt lệ cũng đẹp lắm, cũng quý lắm thay.

Sử gia Georges Boudarel trong cuốn Hà Nội 1936 – 1996 do nhà xuất bản Editions Autremen Paris ấn hành năm 1997 trang 124 có nhắc đến lá thư ông Hồ gửi ông Nguyễn Thế Truyền mời ông ở lại Hà Nội, phụ tá ông Hồ, giữ chức Phó chủ tịch nhà nước. Sử gia này đặt câu hỏi là giả sử ông Nguyễn Thế Truyền nhận lời ở lại Hà Nội thì với sự hiện diện của ông trong chính quyền Hà Nội, cuộc cải cách ruộng đất có đỡ đẫm máu không ?

Sử gia này ngây thơ như… một ông Tây. Ông Truyền có nhận lời ở lại thì cũng chỉ ngồi chơi xơi nước trà với ông Hồ để nhắc lại chuyện đời xưa  ở Paris. Nên ông Truyền đủ thông minh để không nhận lời, cũng như ông Truyền không cộng tác với chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chế độ quân phiệt tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu. Vào năm 1961 ông ứng cử Phó Tổng Thống trong liên danh với ông Hồ Nhựt Tân. Ông biết trước là sẽ thất cử vì cuộc bầu cử sẽ đầy gian lận nhưng ông ứng cử để có dịp trong các cuộc vận động tranh cử được tự do nói chuyện với các cử tri, công kích chính sách gia đình trị, chính sách chèn ép các đảng phái quốc gia của ông Ngô Đình Diệm.

Vào năm 1967 ông lại ứng cử Phó Tổng Thống  trong liên danh Nguyễn Hoà Hiệp. Ông cũng biết là sẽ thất cử nhưng ông vẫn cứ ứng cử để được công khai nói trước công chúng rằng chế độ độc tài quân phiệt chỉ trông cậy vào Hoa Kỳ trong việc chống cộng sản Bắc Việt, nạn tham nhũng sẽ đưa miền Nam đến bờ vực thẳm.

Ông Nguyễn Thế Truyền tạ thế ngày 19 tháng 9, 1969 tại Bệnh viện đồn Đất Sàigòn vì bệnh đau gan. Vào giây phút cuối cùng, ông thét lên một tiếng não nùng rồi đi vào cõi ngàn thu. Đại diện Tổng Thống, đại diện Phó Tổng Thống, Đại Tướng Dương Văn Minh,các đảng phái quốc gia, đại diện các tôn giáo,các đoàn thể sinh viên,học sinh và các thân hữu tham dự tang lễ một cách long trọng linh đình, có đến hai vạn người tiễn đưa  ông đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Hội Gò Công Tương Tế ở Tân Sơn Nhất. Mộ ông ở cạnh mộ cụ Phan Chu Trinh, nhưng nay đã bị quật phá và dời đi nơi khác.

Miền Nam có hai đám ma to nhất: đám ma tài tử cải lương Thanh Nga và đám ma tài tử cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

Cô Thanh Nga chết đi ôm theo người tình chăn gối. Ông Nguyễn Thế Truyền chết đi sóng đôi với người bạn tri âm tri kỷ, đồng sàng dị mộng. Ông Hồ chết ngày 2/9/1969, ông Truyền chết ngày 19/9/1969). Hai cái chết cách nhau 17 ngày lại được miền Bắc thêu dệt là ông Truyền tuyệt thực để chết theo ông Hồ ! Câu chuyện không có thật nhưng đẹp như truyện cổ tích ”Trầu Cau”: Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu một cô gái Việt Nam, nhưng mỗi chàng đi một ngả đường…”. Cả hai cùng nằm xuống khi non sông còn nghiêng ngả, trăm họ còn lầm than,lòng người còn phân tán.

Mộ ông Hồ đào lên lấp xuống, thây phơi triển lãm. Mả ông Truyền quật lên vùi xuống di đi nơi khác… như nhà Tây Sơn phá mồ Chúa Nguyễn, như Vua Gia Long đái sọ Quang Trung. Sao không noi gưong người Pháp gìn giữ mộ quân xâm lăng phát xít Đức. Sao không bắt chước Mustapha Kemal chăm sóc mồ quân xâm lăng Tân tây Lan và còn dựng bảng đề : “Hỡi các bà mẹ Tân Tây lan, con các bà đã nằm yên nghỉ dưới lòng đất Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi. Xin các bà an tâm”.

Các bạn đồng hương thân mến, Hành Thiện ngày nay không còn là Hành Thiện ngày xưa. Nếu mai sau ngày nào các bạn có về thăm làng cũ thì chỉ còn một đám người lạ mặt ngơ ngáo cười hỏi khách từ đâu tới (tiếu vấn khách hà xứ lai). Đành lòng, ra bờ đê làng, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa và lặng ngắm một ngày tàn trên mặt nước sông Hồng :

Chiều tàn quê cũ còn đâu nhỉ

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu)

Than ôi ! Nay còn đâu bóng dáng những ông Nghè ông Bảng, những nữ lưu tiết phụ, những anh hùng cách mạng: người hiển hách, nhất tướng công thành vạn cốt khô, kẻ hận lòng, nằm xuống mộng đời còn dang dở.

Hỡi ôi ! Những người muôn năm cũ  Hồn ở đâu bây giờ ?

Viết xong ngày 25/11/2008

Bùi Duy Tâm

Nguồn: Blog Bùi Duy Tâm

Biệt thự Hương Tâm, Đại lộ Hoàng Hôn,Thành phố Cựu Kim Sơn mờ sương, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.


"

https://nguyenchan.wordpress.com/2012/03/24/bai-vi%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-lang-hanh-thi%E1%BB%87n-nam-d%E1%BB%8Bnh-c%E1%BB%A7a-bs-bui-duy-tam/




"

Làng Hành Thiện


Bùi Duy Tâm


Làng Hành Thiện (huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là quê ngoại của tôi.

Làng không những là đơn vị hành chánh của xã hội Việt Nam mà hơn nữa là gốc gác tinh thần của người Việt Nam - Nguyễn Du người làng Tiên Điền nên thường gọi là Tiên Điền Nguyễn Du. Tú Xương quê ở làng Vị Xuyên nên  được gọi là ông Tú Vị Xuyên. Lão thi sĩ Phạm Xuân Ninh nguời làng Hà Thượng nên có bút hiệu là Hà Thương Nhân. Các vị đại khoa, đại quan mỗi khi về làng thăm cha mẹ hay thầy học đều phải xuống ngựa, đi chân đất. “Phép vua thua lệ làng” là thế đấy.

Hành Thịện dưới triều Nguyễn là một làng có nhiều khoa bảng nhất Việt Nam : “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Cổ Am thuộc Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông. Hành Thiện thuộc Nam Định.

Đó là câu nói cho có vần thôi. Thực ra trong khi làng Hành Thiện có 88 cử nhân và đại khoa (Bảng Nhãn, Thám Hoa, Tiến Sĩ, Phó Bảng) thì làng Cổ Am chỉ có 18 cử nhân và đại khoa. Trên Cổ Am còn làng Đông Ngạc (Hà Đông) có 42 cử nhân và đại khoa, làng La Hà (Quảng Bình) có 31 vị, làng An Đồng (Hà Tĩnh) 23 vị và làng Võ Liệt (Nghệ An) 21 vị. Làng Đông Ngạc đứng thứ nhì mà số khoa bảng (42) không bằng một nửa của làng Hành Thiện.

Chuyện khoa bảng ngày xưa đã vậy. Chuyện chính trị thời nay, Hành Thiện vẫn là một làng độc đáo nhất vì có hai nhà cách mạng nổi tiếng cùng chống thực dân Pháp nhưng ở hai chiến tuyến đối kháng, đó là hai ông Nguyễn Thế Truyền và Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh.

Làng Hành Thiện lại có nhiều chuyện đáng nói đến nỗi có cả hàng chục tác giả viết về Hành Thiện. Đáng kể nhất là Tiến sĩ Luật khoa Paris Đặng Hữu Thụ đã viết và tự xuất  bản hàng ngàn trang về làng Hành Thiện ngày xưa, thời Nho học, làng Hành Thiện ngày nay, thời Tây học Đến nay ông cụ đã 90 tuổi rồi mà còn “dọa” thiên hạ sẽ xuất bản thêm hai cuốn nữa về làng Hành Thịện. Tác giả Đặng Hữu Thụ viết sách rất cẩn trọng. Ngoài việc nghe các bậc tiền bối kể lại, còn đọc sách chữ Nho trong nước, sưu tầm tài liệu chính thức từ các nguồn văn khố Pháp. Có thể nói chưa từng có một làng nào được nghiên cứu và viết lại phong phú bằng làng Hành Thiện.

Quê nội tôi ở đất Lam Sơn (Thanh Hoá), ngoài chuyện Lê Lợi khởi nghĩa, Lam kinh chỉ còn lại một vài cái bia của Nguyễn Trãi và nền cũ cung điện ngày xưa, đúng với câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Thăng Long hoài cổ” :

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương


Tôi không biết gì nhiều về quê nội có lẽ vì các giai thoại vườn Lệ Chi, suối Côn Sơn cùng bản hùng ca Bình Ngô Đại Cáo đã làm lu mờ 10 năm nằm gai nếm mật của người anh hùng áo vải.

Quê ngoại tôi là làng Hành Thịên thì trái lại, có qúa nhiều sự việc có thể viết ra để góp phần với các tác giả đã viết về làng Hành Thiện và để làm món qùa văn hóa cho quý độc giả trong dịp xuân về.

Làng Hành Thiện trong lãnh thổ hiện tại đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI. Trước kia làng tên là Hành Cung, mãi đến năm 1823 mới đổi tên là làng Hành Thiện. 

Làng Hành Thiện ở hữu ngạn sông Hồng Hà, nơi ngã ba sông, nơi sông Hồng Hà chia ra hai nhánh trước khi chẩy ra vịnh Bắc Kỳ. Nhánh chánh vẫn gọi là sông Hồng Hà còn nhánh kia gọi là sông Ninh Cơ chảy qua Lạc Quần (Kiên lao) xuống huyện Hải Hậu rồi ra biển ở cửa Lạch Giang.

Làng Hành Thiện (diện tích khoảng hai cây số vuông) hình con cá chép. Chung quanh làng có một con sông nhỏ gọi là sông Bùi Chu rộng độ 10 mét, dài 10 cây số, nối liền sông Hồng Hà với sông Ninh Cơ. Khi chảy đến Hành Thiện thì tách ra làm hai nhánh, bọc kín làng, từ đầu làng đến cuối làng thì hợp lại để chẩy ra sông Hồng. Làng Hành Thiện nằm ngay ngã ba sông Hồng Hà và sông Ninh Cơ lại được sông Bùi Chu, lúc nào nước cũng đầy ắp bao bọc. Theo phép địa lý, đất Hành Thiện lúc nào cũng ấm áp, đắc địa nên là nơi “Địa linh, Nhân kiệt”.

Làng chia ra hai phần chính :

- Làng Trong là bờ tây nam sông Bùi Chu, là nơi thổ cư của họ Giáp Nguyễn (Hành Thiện có 4 họ Nguyễn khác nhau, phân ra làm Giáp Nguyễn, Ất Nguyễn, Bính Nguyễn và Đinh Nguyễn). Ông Nguyễn Thế Truyền và Mẹ tôi thuộc họ Giáp Nguyễn. Làng Trong nhỏ hơn, có 4 giong, mỗi giong có hai xóm, xóm trước và xóm sau.

- Làng Ngoài lớn hơn gồm 14 giong. Giong là ngõ chạy xuyên qua bề ngang làng, chia làng ra từng khúc như khúc cá. Giong số 1 ở đầu làng, canh Vũ Chí (Hành Thiện có Vũ Chí để thờ các vị nổi tiếng về võ nghệ có lòng trung quân ái quốc, và Văn Từ để thờ Khổng Tử, các vị tiên hiền, các vị khoa mục Hành Thiện đã qúa cố. Văn từ được xây từ thế kỷ XVII ở giữa khu ruông bia thuộc Làng Trong). Giong số 14 ở đầu cá, cạnh chợ cuối làng. Giong số 1 và số 14 ở đầu làng và cuối làng chỉ dài 150 mét. Các giong số 6, 7, 8 ở giữa bụng cá, dài tới 600 mét. Các giong ở làng trong dài 200 mét.

Cạnh Vũ Chỉ có một chỗ trũng gọi là Rốn Cá. Đàn ông đi qua thường đái vào đó nên người làng khác đặt chuyện ra để chế diễu nói là vì thế con gái Hành Thiện hay bị chửa hoang và con trai Hành Thìện có giới tính rất mạnh.

Dân số làng Hành Thiện dựa vào sự kiểm tra năm 1936 là gần tám ngàn người trêm một diện tích khoảng hai cây số vuông. Vậy mật độ là 4,000 người trên một cây số vuông (gấp 4 lần mật độ trung bình của các nơi khác trong tỉnh Nam Định, Thái Bình).

Như đã nói, Hành Thiện có 4 họ Nguyễn phân ra Giáp, Ất, Bính, Đinh. Bên ngoại tôi thuộc họ Giáp Nguyễn là họ to nhất làng. Ông nội của mẹ tôi là cụ An Thái (Án sát Thái Bình), con trai cả Cụ Huyện Quỳnh khi sinh ra có tên là Nguyễn Duy Khiêm nhưng vì chữ đẹp như tiên nên người đòi gọi là Nguyễn Duy Tiên, chơi đàn Nguyệt rất hay, làm quan rất thanh liêm nên nghèo, mất sớm khi đương chơi đàn. Ông Nội của ông Nguyễn Thế Truyền là cụ Nguyễn Duy Hàn, em trai thứ hai của ông Nội  mẹ tôi.

Cụ Nguyễn Duy Hàn làm Tuần Phủ Thái Bình nên thường gọi là cụ Tuần Thái, người đã gửi ông Truyền sang Pháp du học từ lúc 10 tuổi và đã giúp đỡ ông ngoại tôi  tiếp tục học bậc Trung học. Em trai thứ tư của Cụ Án Thái là Nguyễn Duy Thuần (cụ Tư Thuần), bố bà Trường Chinh  Đặng Xuân Khu.

Hành Thiện có 6 họ Đặng phân biệt bằng tên đệm :

- Đặng Vũ (Đặng Vũ Lạc, vị Bác sĩ Y Khoa đầu tiên đậu tại Paris).

- Đặng Đức

- Đặng Xuân (Đặng Xuân Bảng, vị Tiến sĩ đầu tiên của làng Hành Thiện, ông nội ông Đặng Xuân Khu).

- Đặng Ngọc

- Đặng Huy

- Đặng Hữu

Họ Phạm làng Hành Thiện có cư dân ngang với họ Đặng nhưng về số khoa mục chỉ đứng thứ ba sau họ Nguyễn và họ Đặng. Ngoài ba họ chính là Nguyễn, Đặng và Phạm còn hai chục họ nữa nhưng chỉ là thiểu số.

Hành Thiện không có bần cố nông, có nhiều nhà giầu có trên ngàn mẫu ruộng (trong số đó là  Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn, ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền) nhưng không có trọc phú.

Hành Thiện không có nhà tranh vách đất. Hơn một nửa là nhà ngói tường gạch còn lại là mái tranh nhưng có tường gạch hay bằng gỗ lim dầy. Bình thường nhà nào cũng có vườn cây ăn trái, ao nuôi cá, thả sen, một hàng cau cao vút trồng trước nhà và hai bên lối đi từ cổng vào đến sân gạch. Mỗi gia đình làm sở hữu chủ một thửa đất hơn 500 mét vuông, những gia đình giàu có làm sở hữu chủ hai khổ đất liền nhau rộng hơn 1000 mét vuông hay bốn khổ đất liền nhau, rộng hơn 2000 mét vuông như nhà Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Nhà nào cũng có hàng rào tre trúc, hoa dâm  bụt hay tường gạch bao bọc. Các cổng lớn bằng gỗ lim dầy hay xây gạch theo nhiều kiễu khác nhau, có cổng mái ngói, mặt tiền cổng đều trạm trổ các hình rộng phượng, hoa văn rất mỹ thuật. Nhiều ngôi nhà xây từ thế kỷ 18, 19 tường gạch dầy đến 30 cm, cửa toàn bằng gỗ lim dầy, các cột gỗ lim đặt trên  nền đá đỡ mái nhà không có trần. Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 có chừng gần 100 ngôi nhà xây theo kiểu Âu châu, không có cột nhưng có trần, có nhiều cửa kính, có hàng hiên rộng trước nhà hay chung quanh nhà trông ra vườn hoa cây cảnh.

Các ngôi nhà đẹp nhất Hành Thiện kiểu cổ là nhà Thượng thư Đặng Toán, ông Nghè Đặng Hữu Dương, Thượng thư Đăng Đức Địch, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng (ông nội ông Đặng Xuân Khu). Ông Huyện Nguyễn Hân, ông Nghè Nguyễn Ngọc Liên, Thị Lang Nguyễn Xuân Huyên. Nhà xây theo lối mới đẹp nhất và lớn nhất là nhà Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn (em thứ hai của ông Nội mẹ tôi và là ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền). Nhà này chiếm 4 khổ đất rộng hơn 2000 mét vuông, có hiên chạy quanh nhà, riêng phòng khách rộng 390 mét vuông, tiếp được hơn 300 quan khách.

Các ngôi nhà khác kiểu mới rất đẹp là các nhà của Hậu Bổ Nguyễn Đương Hòa (thường gọi là ông Hậu Nô, xây theo kiểu Second Empire), Cử nhân Nguyễn Văn Bình (ông Cử Biềng), Thượng thư Đặng Đức Cường, Á Nguyên Đặng Vũ Cao, Nghị viên Đặng Vũ Kính, Ấm sinh Nguyễn Đương Trinh, Hội viên Nguyễn Hữu Như (bố Giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên, hiệu trưởng trường Phục Hưng Sài Gòn).

Nhà nào phòng khách cũng được trang trí bằng nhiều đồ cổ, đồ đồng, đồ sứ Trung Hoa. Bàn ghế, tủ bằng gỗ gụ khảm xà cừ. Trên tường, trên cột treo hoành phi, câu đối sơn son hay sen then (đen) thiếp vàng.

Hồi kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư từ Hà Nội về quê ngoại Hành Thiện, đến ở nhà ông bà Hàn Năng (ông Nguyễn Văn Năng là em họ ông ngoại tôi và bà Hàn là em ruột bà ngoại tôi). Ông Hàn Năng sau 1954 vào Nam làm Giáo sư Cổ nhạc tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và có cộng tác với Đoàn Gió Khơi của tôi. Ông chế ra cây đàn Phụng Minh và Bằng Minh chịu ảnh hưởng đàn trung hồ cầm (cello) của Tây phương. Ông đã biểu diễn từ trước năm 1945 tại Huế và nhiều nơi khác. Ông bà niềm nở rộng rãi với bà con họ hàng khách khứa và rộng lượng với kẻ ăn người ở trong nhà. Mỗi bữa cơm là một bữa cỗ đủ cả sơn hào hải vị, giò nem,ninh mọc, vây, bóng… bây giờ nghĩ lại còn thấy thèm. Ăn uống no say xong lại được lên phòng khách để chiêm ngưỡng những bức bình phong lá ngọc cành vàng rất qúy, gửi mua từ Hồng Kông. Cụ thân sinh là Nguyễn Chấn Hanh (Tú Chấn) đèn sách từ nhỏ như mọi người Hành Thiện nhưng công danh lận đận, đến năm 29 tuổi mới đỗ được tú tài nên chuyển sang làm ruộng, rất thành công. Điền sản có tới 1,800 mẫu ruộng đem chia đều cho con cái: “Hàn Năng, Tú Vũ, Lý Tào” đều giầu có nổi tiếng, tên tuổi đã thành câu vè chỉ 3 nhà giầu của làng.

Hành Thiện có tập tục rất hay là các gia đình giàu có đều gửi con đi học trường tây ở Hà Nội hay gửi con sang Pháp du học. 3 ông Năng, Vũ, Tào đều được học trường Albert Sarraut Hà Nội. Ông Vũ đậu được Tú Tài Pháp.

Gia đình nào dù giàu nghèo đến đâu cũng lo nuôi con ăn học. Nếu đường khoa bảng không thuận lợi thì xoay sang kinh doanh thương mại hay khai khẩn ruộng đất khắp mọi nơi. Điền chủ Đặng Vũ Khâm có 1709 mẫu đồn điền trồng cà phê và nuôi bò tại Chợ Ghềnh huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Điền chủ Đặng Vũ Hùng có 1388 mẫu ruộng tại Rạch Giá, Nam Kỳ.

Làng Hành Thiện có hai ngôi chùa ở đầu làng cách nhau nửa cây số. Chùa Trong hay Thần Quang (xây từ cuối thế kỷ XVI) phía trước thờ Phật, phía sau thờ Đức Không Lộ Dương Minh Nghiêm (có tài chữa bệnh, đã chữa khỏi bệnh cuồng trí cho vua Lý Nhân Tôn nên được tôn làm “Lý triều quốc sư”) làm Thánh tổ của làng. Chùa Ngoài tức chùa Đinh Lan (vào cuối thế kỷ 18 có một tượng gỗ trôi trên sông Hồng, đến địa phận làng Hành Thiện, được trẻ mục đồng vớt lên, thấy có khắc mấy chữ “Thánh Mẫu Đinh Lan”).

Hàng năm hai chùa này đều mở hội linh đình. Chùa Đinh Lan mỗi năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch., chùa Thần Quang từ ngày mùng 9 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch, lôi kéo rất đông khách thập phương về Hành Thiện xem hội.

Hai đặc điểm của hội Chùa Thần Quang là cuộc rước kiệu và cuộc thi bơi trải. Theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu thụ: “Cuộc rước kiệu Thánh Không Lộ có đủ kèn, trống, chiêng, có quạt, tàn làm tăng phần long trọng. Kiệu do các thanh niên mặc đồng phục quần áo đỏ, thắt lưng vàng khiêng từ chùa ra đường trước chùa, đi vòng quanh chùa rồi lại trở về chùa. Trong khi rước kiệu thì một thuyền rồng tức thuyền bằng gỗ thị sơn đỏ, đầu thuyền chạm hình đầu rồng thiếp vàng do các thiếu nữ mặc đồng phục chèo ở hồ trước chùa.

Cuộc bơi trải được tổ chức vào hai ngày. Làng có 21 thuyền trải bằng gỗ vàng tâm dài 10 mét rộng 1,5 mét, cao 0,75 mét. Mỗi thuyền trải có một người lái và 9 người chèo theo nhịp điệu “dô ta”. Người lái và các người chèo đều bận quần cụt, áo cánh ngắn tay, đầu thắt khăn đỏ, khăn vàng, khăn tím đồng màu cho mỗi thuyền trải cũng được gọi là phe. Ở đằng lái mỗi thuyền trải có cắm một lá cờ ghi tên phe, 21 thuyền trải tức 21 phe thuộc ba giáp làng Hành Thiện.

Dân mỗi họ trong làng nhập vào một phe, có họ dân chia thành hai ba nhóm nhập vào hai ba phe khác nhau, mỗi nhóm nhập một phe.

Các trải chạy đua từ sông Bùi Chu nơi gần chùa Thần Quang qua Cổng Bùi ra sông Ninh Cơ và sông Hồng Hà. Các trải phải chạy 5 vòng hay 3 vòng khúc sông ở Mom Rô có cắm cọc cắm cờ ở gần bờ hai bên sông và ở khúc giữa sông để chỉ đường chạy đua. Sau khi chạy 5 hay 3 vòng ở Mom Rô rồi, các trải trở về làng qua Cổng Bùi  và đậu tại nơi khởi hành có cắm nêu chỉ chỗ các trải phải đụng nêu lúc trở về để đoạt giải hơn thua. Tám trải về đầu được giải thưởng bằng tiền và bánh dầy, người lái và các chân chèo chia nhau hưởng. Khi các trải chạy đua thì dân làng đi xem chạy theo ở sông Bùi Chu để vỗ tay cổ võ, khi các trải đã ra tới sông Ninh Cơ và sông Hồng Hà, mỗi khi chạy gần bờ, dân làng đứng trên bờ sông xem lại hô lớn, cổ võ cho phe mình.

Đình làng Hành Thiện trên một khu đất giữa làng, mặt tiền cách một sân rộng.

Sông Bùi Chu rộng trung bình là 10 mét mà đặc biệt khi chảy đến trước đình thì phình ra rộng đến 40 mét. Theo thuyết địa lý, đình làng trông ra khúc sông nở rộng như vậy là đắc địa cho dân làng về khoa cử và tiền bạc. Trong đình có treo một bức hoành phi khắc 4 chữ nho “Mỹ Tục Khả Phong” mà vua Tự Đức ban cho làng để khen làng cho nhiều phong tục tốt. Đình làng Hành Thiện chỉ dùng vào việc hội họp chứ không thờ Thành hoàng vì Đức Không Lộ, Thánh tổ của làng, đã được thờ tại chùa Thần Quang.

Làng có hai ngôi miếu lớn  là Miếu Cuối Làng và Miếu Văn Xương. Miếu Cuối Làng cạnh chợ Dưới trông ra ngã ba sông Bùi Chu, thờ ba vị thần là Đế Thích (Vua cờ, có phép tiên cứu đời), Nam Hải Đại Vương (một vị thủy thần  giúp cho đất Hành Thiện khu ngoại đê khỏi bị lở xuống sông và Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng, quan nhà Lý, khởi nghĩa đánh nhà Trần khi nhà Lý bị nhà Trần cướp ngôi, nhưng bị thua, tử trận. Vì là người nghĩa khí được vua nhà Lê phong làm Phúc thần).

Miếu Văn Xương (Nhị Thánh) tại lối sau Làng Ngoài ở cạnh sông gần giong số 7 do Tuần Phủ Đặng Xuân Bảng, Giáo thụ Đặng Ngọc Toản và Cụ Nguyễn Thành Chân tạo dựng năm 1898. Miếu thờ Quan Công và Đức Văn Xương, vị thần coi về khoa danh thi cử.

Ngoài ra còn mìếu Bách Linh (miếu Âm Hồn) gần chùa Thần Quang do Tri Huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh (Huyện Hàm) cụ nội Mẹ tôi bỏ tiền ra xây năm 1890.

Làng Hành Thiện có ba ngôi chợ ngày nào cũng họp. Một chợ sáng họp từ 6 giờ đến 8 giờ sáng chỉ bán bánh trái, thịt cá tôm cua, rau củ. Hai chợ hôm họp từ 4 giờ đến 6 giờ chiều, ngoài các thứ như chợ sáng  còn bán vải, tơ sợi nên còn gọi là chợ vải, cùng một địa điểm với chợ sáng (trên một khu đất trống làng Trong và một khu đất trống Làng Ngoài, có cầu bắc qua sông Bùi Chu nối hai khu chợ).

Chợ Dưới tọa lạc ở cạnh miếu Cuối Làng, giáp ngã ba sông Bùi Chu. Chợ gồm  một tòa nhà lớn cao ráo, lợp ngói, có cột xi măng đỡ mái, bốn mặt chợ đều trống, mặt sau có tường. Chung quanh tòa nhà lớn này có tám quán ngói, quán nào cũng mặt trước để trống, mặt sau có tường. Chợ Dưới được lập ra từ cuối thế kỷ XVI. Đến năm 1930 chợ được xây lại với qui mô rộng lớn hơn. Cạnh chợ trên sông Bùi Chu ăn thông ra sông Hồng Hà và sông Ninh  Cơ có rất nhiều thuyền nan và thuyền đinh bằng gỗ chở hàng hoá đến chợ bán  và tải hàng hoá từ chợ đi các nơi khác.

Chợ Dưới Hành Thiện là một trong số các chợ lớn nhất của tỉnh Nam Định. Có điểm đặc biệt là chợ ngày nào cũng họp từ khoảng 9 giờ đến 15 giờ và bán hàng hóa đủ loại, từ vải vóc tơ lụa, tạp hóa, gạo ngô, đậu vừng, hoa qủa rau thịt, tôm cá, mắm muối cho đến đồ sành đồ sứ, đồ đồng, hàng thêu cùng các loại hàng ngoại quốc như máy hát, đồng hồ, đèn bão, đèn pin, trà Trung Hoa, pháo Trung Hoa cùng sâm nhung và các thứ thuốc cao đơn hoàn tán.

Ở gần chợ Dưới có một chỗ đất trũng xuống được coi là “mắt cá” như chỗ trũng gần Vũ Chỉ được coi là Rốn Cá.

Làng Hành Thiện có nhiều trường học và nhiều thầy giỏi trong thời kỳ Nho học. Theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu Thụ: Hành Thiện có nhiều trường học, có nhiều thầy giỏi thì từ đầu thế kỷ XIX cho đến năm 1915 là năm có khoa thi hương cuối cùng tại Bắc Kỳ, ở làng Hành Thiện có nhiều vị khoa mục nổi danh mở trường dạy học : Cụ Tri phủ Nguyễn Bá Nghi đậu Cử nhân khoa 1819, Cụ Giáo thụ Nguyễn Bá Huống đậu cử nhân khoa 1821, mở trường trước năm 1850 sau khi hai cụ về hưu trí, Cụ Thượng thư Đặng Đức Địch, Phó bảng khoa 1849 mở trường tại làng  và tại làng Trà Lũ gần làng khoảng thời gian từ năm 1865 đến 1874. Cụ Tuần phủ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ khoa 1856 mở trường dạy học từ năm 1878 cho tới vài năm đầu thế kỷ XX. Cụ Tri phủ Nguyễn Ngọc Liên, Tiến sĩ Khoa 1889, sau khi thôi không làm quan mở trường từ năm 1894 cho đến năm 1915. Cụ Tri huyện Ngọc Quỳnh, Cử nhân khoa 1850 mở trường vào khoảng thời gian từ năm 1865 cho đến năm 1880. Cụ Tri huyện Nguyễn Đôn Thi mở trường vào khoảng thập niên 1890.

Các cụ khoa mục nói trên mà hầu hết đã nhiều lần làm quan trường, có nhiều kinh nghiệm về việc chấm thi, biết rõ phải làm  bài ra sao để thi đậu, mở trường tại làng huấn luyện các sĩ tử thi hương. Hai cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Ngọc Liên và cụ Phó Bảng Đặng Đức Địch còn hưấn luyện cả các sĩ tử đã có bằng cử nhân để dự các kỳ thi hội, thi đình.

Ngoài ra tại làng vào bất cứ thời gian nào từ đầu thế kỷ XIX cho đến năm 1915 cũng có đến mười trường tư của các cụ tú tài, các cụ nhị trường hay tam trường dạy học trò trình độ ấu học, tiểu học. Học trò nào có trình độ học vấn đã cao thì các cụ đồ này giới thiệu tới học các trường của các cụ cử, cụ nghè, cụ bảng nói trên. Vì được học các thầy giỏi nên các sĩ tử Hành Thiện học mau tiến bộ.

Về vấn đề sách học và sách đọc thêm cho rộng kìến thức thì tại Hành Thiện rất nhiều thư viện mà thư viện lớn nhất là thư viện Hi Long của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng. Tại thư viện lớn nhất Bắc kỳ này có đủ các lọai sách luyện thi hương thi hội, thi đình, có cả các lọai sách có các bài  mẫu làm sẵn mà đầu đề đã ra trong các kỳ thi. Các bài làm sẵn này là các bài mà học trò giỏi của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng đã làm trong các kỳ thi và được các quan trường phê ưu, bình hoặc các bài xuất sắc đã làm khi học cụ Nghè và được cụ Nghè đặc biệt khen ngợi trong các buổi bình văn. Vì tại thư viện Hi Long có thợ in các loại sách cần thiết cho các học trò học thi nên thư viện cũng bán cả các loại sách này. Các thư viện của cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên, cụ Cử Nguyễn Ngọc Quỳnh, cụ Phó Bảng Đặng Đức Địch cũng chứa rất nhiều sách. Vì có sẵn sách để mua hay để mượn đọc nên các sĩ tử Hành Thiện đọc được nhiều, vì vậy nên có trình độ trí thức cao.

Nhiều trường học, nhiều thầy giỏi, nhiều thư viện đã giải thích khá rõ ràng tại sao làng Hành Thiện có nhiều khoa bảng và đại quan.. Ngoài ra còn có những điều kiện thuận tiện sau đây :

- Điều kiện kinh tế : Học trò Hành Thiện phần lớn có cha anh giàu có, nhiều ruộng đất khắp huyện Giao Thủy và các nơi lân cận, vận cho ăn học nên không phải lo về sinh kế.. Nhà nghèo mà học giỏi thì được các nhà giàu kén làm rể và vận tiền cho ăn học. Thêm nữa vì làng có nhiều trường dạy giỏi nên học trò không phải tốn kém đi học xa.

- Tinh thần truyền thống : Hiếu học, đua nhau học, trọng sự học. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người người ham học, nhà nhà theo nhau học.

Cụ Nguyễn thúc Tài, kỵ nội của mẹ tôi, làm lang thuốc nổi tiếng về tài chữa bệnh, có ba con trai đều đỗ cử nhân và đều làm quan :

- Nguyễn Hữu Lợi đậu giải nguyên, làm án sát Cao Bằng

- Nguyễn Hữu Thuận đậu cử nhân cũng làm án sát Cao Bằng

- Nguyễn Ngọc Quỳnh, cụ nội của mẹ tôi, đậu cử nhân làm tri huyện huyện Hàm Yên, Tuyên Quang (Huyện Hàm).

Cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh có 4 con đậu cử nhân là

- Nguyễn Duy Khiêm tức Tiên đậu cử nhân làm Án Sát (ông Nội mẹ tôi).

- Nguyễn Duy Hàn đậu cử nhân, làm tuần phủ (ông nội nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền)

- Nguyễn Duy Ninh đậu cử nhân làm tri huyện.

- Nguyễn duy Hiếu, đậu cử nhân làm tri huyện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung học Phổ thông là kỳ thi cao nhất được tổ chức trong vùng Xuân Trường – Giao Thủy. Tôi đỗ thủ khoa năm 1950, được dân làng Hành Thiện xôn xao khen ngợi làm cha mẹ tôi được nở nang mày mặt.

Nhiều gia đình khác con em cũng thi đua  học hành thi cử đỗ đạt:

- Gia đình cụ Nhị trường Đặng vũ Kiểm có ba con đậu cử nhân và hai con đậu tú tài.

- Gia đình cụ cử nhân Đặng Văn Tường có 5 con trai thì 4 con đậu cử nhân và 1 con đậu Nhị trường.

- Gia đình cụ Nguyễn Đình Hiệu có hai con trai thì một người đậu cử nhân và một người đậu Tiến sĩ (Ông Nghè Nguyễn Ngọc Liên).

Cho nên trong 6 làng có số cử nhân và đại khoa nhiều nhất nước thì làng Hành Thiện đứng đầu với 88 vị. Làng Đông Ngạc đứng thứ nhì với 42 vị, không bằng nửa của làng Hành Thiện. Số đậu đại khoa của một mình làng Hành Thiện còn nhiều hơn tổng số các vị đại khoa toàn xứ Nam kỳ vì trong suốt triểu Nguyễn, xứ Nam kỳ chỉ có 5 vị đại khoa (trong số đó có cụ Phan Thanh Giản đậu Tiến sĩ đệ tam giáp năm 1826). Số khoa mục của toàn thể các làng thuộc thành phố Nam Định và số khoa mục của 20 làng thuộc thành phố Hà Nội còn ít hơn so với số khoa mục của một làng Hành Thiện.


Đời sống tinh thần của làng Hành Thiện


(Phỏng theo tài liệu của tác giả Đặng Hữu Thụ) Từ năm 1954 trở về trước, đời sống tinh thần làng Hành Thiện rất phong phú. Làng có nhiều hội hè, nhiều cuộc tế lễ công cộng, nhiều hội tư nhân như các hội thơ, hội nhạc, hội thả diều…và nhất là đám rước Ông Nghè Vinh Qui Bái Tổ trong thời Nho học.

- Lễ tế Đức Khổng Tử : Mỗi năm vào ngày  15 tháng 2 và 15 tháng 8 âm lịch, các vị khoa mục trong Hội tu văn Hành Thiện tổ chức lễ tế Đức Khổng tử, các tiên hiền và các vị khoa mục đã qúa cố tại Văn Từ làng. Cứ mỗi kỳ tế lễ thì một con bò, một con heo, một con dê được hóa kiếp để làm lễ Tam sinh. Khi các vị khoa mục tế xong theo nhịp điệu trống chuông và lời xướng của các người chấp sự thì thì các vị khoa mục lại ngồi ăn uống tại hai giải vũ Văn Từ. Ngoài phần thịt bò, heo, dê đã xả ra nấu cỗ thết các vị khoa mục, phần còn lại được phân chia thành từng phần nhỏ để biếu các cụ khoa mục.

Mỗi năm các cụ trong hội tư văn còn họp mặt thêm một lần vào đầu xuân tại nhà một cụ trong hội để dự bữa tiệc thân hữu thường niên do hội tư văn lấy tiền hoa hồng về ruộng tư văn đài thọ. Nhân dịp này, các cụ khoa mục nói chuyện về văn thơ, về nghĩa lý Khổng giáo, nói về cách xử thế của các bậc chân nho.

- Lễ yến lão : Cứ ba năm một lần, kể từ thế kỷ XVI cho đến năm 1947, làng Hành Thiện tổ chức lễ yến lão để mừng thọ các cụ ông từ 60 tuổi trở lên  và các cụ bà từ 70 tuổi trở lên. Kể từ năm 1947 cho đến năm 1954 các cụ bà cũng như các cụ ông cứ tới 60 tuổi là được dự lễ yến lão. Lễ yến lão các cụ ông  vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, lễ yến lão các cụ bà vào ngày 17 tháng 2 âm lịch.

Ngày yến lão các bô lão từ 90 tuổi trở lên bận áo vóc màu vàng, các bô lão từ 80 tới 89 tuổi bận áo vóc đỏ, các bô lão từ 70 đến 79 tuổi mặc áo lụa màu lam, các bô lão từ 60 đến 69 tuổi không bận áo màu đặc biệt nào. Các áo các cụ từ 70 tuổi trở lên đến trên 90 đều do qũy làng mua sắm biếu các cụ.

Các bô lão đi võng cáng có con cháu theo hầu đến Miếu Cuối làng để lễ miếu rồi được rước lên chùa Thần Quang để lễ thánh, lễ Phật và dự yến. Các bô lão ngồi ăn yến ở hai dẫy hành lang chùa. Cỗ yến có món yến sào nấu với đường thẻ, các thứ bánh ngọt, các thứ mứt cùng trái cây và rượu cúc.

Đám rước yến lão từ miếu Cuối làng lên chùa Thiền Quang đi theo lối đi trước làng Ngoài và đi theo võng cáng cụ tiên chỉ làng đi đầu. Đám rước có cờ quạt, chiêng trống và phường bát âm cử các bản nhạc vui chúc thọ.


Đám rước vinh quy bái tổ của hai ông nghè Hành Thiện khoa Kỷ Sửu (1889)


Năm Kỷ Sửu (1889) tức năm Thành Thái nguyên niên, một khoa thi tiến sĩ được mở tại kinh đô Huế. Làng Hành Thiện có 20 cống sĩ đậu cử nhân các khoa trước dự thí. Trong số đó có hai cụ trên 60 tuổi cũng đi thi, đó là cụ Nguyễn Như Bổng, 62 tuổi, đậu cử nhân năm 1888 lúc 60 tuổi và cụ Đặng Văn Tường 64 tuổi, đậu cử nhân năm 1878 lúc cụ  53 tuổi. Cụ đã làm quan tới chức tri huyện nhưng vì làm tri huyện không được phép thi hội thi đình nên cụ xin cáo quan về Hành Thiện học để dự thi khoa Kỷ Sửu. Lúc đó cụ đã già yếu nên khi vào Huế dự thi, cụ mướn hai người trai tráng võng cáng cụ từ Hành Thiện vào Huế. Cụ đi thi cùng hai con rể của cụ là Nguyễn Ngọc Liên và Đặng Đức Cường. Việc đi đứng vô cùng cực nhọc ở dọc đường. Đường đi từ Hành Thiện vào Huế dài khoảng 600 cây số, các cụ phải đi bộ mất 20 ngày. Các cụ khởi hành từ đầu tháng hai âm lịch để kịp trình giấy hộ chiếu cho Bộ Lễ 10 ngày trước khi thi. Cụ Đặng Văn Tường rất giàu, có ba đầy tớ theo cụ vào Huế, hai người khiêng võng cụ, một người gánh mùng màn quần áo, thuốc thang cùng tiền nong và ít đồ lặt vặt như điếu ống, ấm chén pha trà và một túi lớn đựng đầy sách vì khi đi đường nằm trên võng cáng, cụ Đặng Văn Tường không lúc nào mắt rồi quyển sách. Các cụ khác mỗi cụ đều chỉ đem theo một đầy tớ trai khỏe mạnh gánh chăn màn, quần áo, tiền nong cùng dùi đục mã tấu, dao rựa là những dụng cụ để chặt cây, phạt cỏ chắn lối đi, đẽo thân cây to lấy chỗ đặt chân trèo lên cây để mắc võng ngủ khi đi giữa rừng mà trời đã tối. Các cụ đi đò dọc lên thành phố Nam Định rồi đi bộ theo đường thiên lý tức là đường cái quan nối Hà Nội với Huế và nối Huế với Hà Tiên.

Đường thiên lý nhỏ hẹp, khập khễnh, khi thì trèo qua dốc qua đèo, khi thì bị ngắt bởi sông hay phá (phá là chỗ biển ăn sâu vào đất liền nước mặn. Phá tức là lạch biển giống như sông nhưng nước chảy từ biển vào nội địa , còn sông thì nước chảy từ nội địa ra biển).

Đến Quảng Trị các cụ phải qua bãi cát trắng. Hồi các cụ đi Huế, đến Quảng Bình Quảng Trị vào giữa tháng hai âm lịch, trời còn lạnh nên qua các bãi cát, các cụ không bị bỏng chân. Khi các cụ trở về vào đầu tháng tư âm lịch thì cát nóng bỏng. Các cụ vừa đi vừa quăng gói về phía trước, chạy nhanh để đặt chân lên cho đỡ bỏng. Đường từ Hà Nội vào Huế có hai trở ngại lớn là Truông Nhà Hồ và Phá Tam Giang :

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ Truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Năm 1889 Truông Nhà Hồ tức Hồ Xá Lâm là một bãi cát có rừng thưa thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, không còn nguy hiểm vì cả bọn cướp đường hay tụ tập ở đây đã bị quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan từ thế kỷ trước. Phá Tam Giang ở địa phận tỉnh Thừa Thiên, trước rộng 10 cây số, sóng gíó rất lớn, đi đò phải mất gần một ngày mới qua được.Từ năm 1889 Phá Tam Giang đã bị cát lấp chỉ còn rộng độ 800 mét, đò qua lại dễ dàng. Đến địa phận tỉnh Thừa Thiên  nơi gần đế đô, vườn tược rải rác suốt dọc đường. Sau 20 ngày đi đường vất vả, các cụ mới tới Huế.

Số cống sĩ nạp đơn thi khoảng 300 người nhưng có độ 10 người không thi ngay từ kỳ đầu vì sau khi lên đường dự thí thì được tin cha, mẹ qua đời nên không được phép thi, hoặc vì đi đường qúa mệt nhọc, chữ nghĩa quên nhiều, không dám thi vì sợ làm văn kém qúa có thể bị triều đình trừng phạt bằng cách tước bằng cử nhân.

Khoa Kỷ Sửu (1889) này không có cống sĩ nào đậu tiến sĩ đệ nhất giáp. Suốt triều Nguyễn, từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1822 cho đến khoa thi cuối cùng 1919 chỉ có hai vị đậu bảng nhãn, tám vị đậu thám hoa.Triều Nguyễn không phong hoàng hậu (trừ việc vua Bảo Đại phá lệ phong Nam Phương hoàng hậu), không phong tước vương, không đặt chức tể tướng và không lấy trạng nguyên (tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh là trạng nguyên, đệ nhị danh là bảng nhãn, đệ tam danh là thám hoa, còn lại là đệ nhất giáp đồng tiến sĩ.).

Khoa Kỷ Sửu này trong số gần 300 cống sĩ dự thi, triều đình nhà Nguyễn lấy được hai tiến sĩ đệ nhị giáp (hoàng giáp),10 tiến sĩ đệ tam giáp và vớt vát được 9 phó bảng. Làng Hành Thiện được hai vị đậu đầu bảng Tiến sĩ đệ tam giáp. Khi tuyên bố đến tên hai vị Hành Thiện là Nguyễn Ngọc Liên, đệ nhất danh, 42 tuổi, và Đặng Hữu Dương, đệ nhị danh, 33 tuổi, trong bảng tiến sĩ đệ tam giáp thì mọi người xì xào khen ngợi : “Một làng mà có tới hai tiến sĩ đồng khoa thật là xưa nay ít có”.

Trong đám rước vinh quy ông Nghè Đặng Hữu Dương,ngoài võng cáng hai cụ thân sinh và bà Nghè còn có võng cáng ông nội của ông Nghè lúc đó đã 84 tuổi và võng cáng cụ đồ dạy ông Nghè học vỡ lòng.

Khi thấy ông Nghè Dương còn rất trẻ,vẻ thông minh tuấn tú lộ rõ trên đôi mắt sáng,vừng trán cao,nét mặt thư sinh tươi đẹp ngồi trên ngựa bạch,lỏng buông tay khấu thì một nhà nho đã thốt ra câu:”Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”.Các bà các cô thuộc gia đình quyền quý vận áo lụa mầu và quần hồng(thời bấy giờ chỉ có phụ nữ bình dân mới mặc quần đen)thấy bà Nghè Dương, áo gấm xanh nhạt thêu hoa vàng,quần lãnh tàu,thắt khăn nhung đen,chân đi giầy cườm, vẻ đẹp cao quý đài các lại nhã nhặn e lệ luôn luôn chào hỏi lễ độ nên tấm tắc khen bà Nghè đẹp như công chúa mặc dầu họ chưa bao giờ thấy mặt công chúa.

Dân làng Hành Thiện, trừ một ít trẻ nít và một ít cụ già đau yếu không xê dịch được,còn thì mọi người đều đi xem đám rước vinh quy.Cụ Huyện Quỳnh quá già mắt kém phải mang người nhà theo để thuật lại cho cụ nghe.Khi đám rước ông Nghè Dương tới chỗ cụ đứng,cụ trố mắt nhìn và nói:”Thật là vinh thịnh,thật là vinh  thịnh.Ta tiếc các cậu nhà ta sau khi đậu cử nhân đừng đi làm quan ngay,học thêm ít năm nữa để đậu Tiến Sĩ cho cả gia tộc được hưởng cái vinh dự của lễ vinh quy”.Các cậu nhà ta đây là 4 người con trai của cụ đậu cử nhân trong số đó có Án Sát Nguyễn Duy Tiên(ông nội mẹ tôi) và Tuần Phủ Nguyễn Duy Hàn( ông nội ông Nguyễn Thế Truyền).

Sau lễ vinh quy, hai ông Nghè đến văn chỉ hàng huyện tọa lạc tại làng Thượng Phúc và văn từ làng để làm lễ tạ ơn Đức Thánh Khổng, các bận tiên hiền cùng các bậc khoa mục của huyện và của làng được thờ cúng tại hai nơi đây. Hai ông nghè đi tạ ơn các thầy học, đi chào cụ Nghè Đặng Xuân Bảng là tiên chỉ tư văn làng và tiên chỉ tư văn huyện. Hai ông đến thăm các vị khoa mục làng và huyện, đi lễ chùa, lễ đình, lễ miếu, lễ nhà thờ nội ngoại.

Khi ông nghè Dương đến nhà cụ đồ Đặng Vũ Diễn thì có hai người đầy tớ đi theo, một người đầu đội mâm xôi gà, trên mâm có đặt một buồng cau, mười hai bao trà Tầu, một người đội một hòm da trong đựng mũ áo, hia tiến sĩ. Ông nghè Dương ghé vào một nhà cạnh nhà cụ đồ Đặng Vũ Diễn, vận phẩm phục tiến sĩ rồi mới vào nhà thầy học. Đến nhà thầy ông kính cẩn chào thầy rồi đặt mâm xôi gà, cau trà lên bàn thờ. Ông thắp hương, đốt nến rồi xin phép thầy lễ trước bàn thờ. Khi lễ xong, ông xụp lạy cụ đồ.

Cụ đồ lấy tay đỡ ông nghè và nói : “Thôi, thôi, ông nghè miễn cho”. Ông nghè thưa một cách cung kính : “Con được ngày nay là do công thầy khai tâm cho con lúc ban đầu, ơn thầy to bằng trời bể, một lễ sống bằng đống lễ chết, xin thầy cho phép”. Nói xong, ông nghè xụp xuống lạy thầy hai lậy và ba vái. Cụ đồ cố tránh ngồi xích ra một bên sập nhưng ông nghè đã lễ xong và xin phép cụ đồ ngồi ở giường bên. Cụ đồ đứng dậy, đối diện với ông nghè và nói : “Ông nghè đã giả nghĩa thầy mà lạy tôi, bây giờ đến lượt tôi là một thầy đồ già không có danh phận gì, xin lạy mừng một vị tiến sĩ của triều đình”. Khi cụ đồ nói xong, xụp xuống lạy thì ông nghè đỡ cụ dậy, ôm chặt lấy cụ, không cho cụ đồ lạy mình.

Ông nghè Liên thì đi lạy tạ hai thầy học là cụ đồ Hữu và cụ cử nhân tri huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh đã lần lượt dạy ông cho đến khi ông đậu cử nhân. Cụ đồ dạy vỡ lòng ông nghè Liên mất đã lâu.


Lễ khao vọng hai ông nghè kéo dài trong mười ngày liên tiếp. Về lễ khao vọng của mỗi ông nghè thì 10 con bò, 30 con lợn, độ 300 con gà, vịt được hoá kiếp. Ngày nào nhà mỗi ông cũng làm khoảng 80 mâm cỗ. Hai ông nghè thỏa thuận với nhau là nếu hôm nay ông nghè Dương mời các vị khoa mục trong làng thì ngày mai ông nghè Liên mời thết tiệc các vị ấy. Nên không có vị nào được hai ông mời trùng ngày.

Tối đến, tại sân nhà hai ông nghè có đốt pháo thăng thiên và có tổ chức hát chèo, hát cô đầu. Các quan khách đến mừng đều được mời ở lại ăn tiệc vì cỗ lúc nào cũng có sẵn. Khách ở các làng xa được mời ở lại xem hát  và ngủ đêm ngay tại rạp, sáng hôm sau trước khi khách về lại có cỗ đãi khách.

Sau lễ khao vọng, hai ông nghè được hội tư văn làng và hội tư văn huyện mời dự tiệc. Cụ nghè Đặng Xuân Bảng, tiên chỉ tư văn làng Hành Thịên và cũng là tiên chỉ tư văn huyện Giao Thủy, mời hai ông nghè và toàn thể các vị khoa mục trong làng, trong huyện đến dự lễ khắc tên hai cụ vào bia đá tại văn từ làng và vào bia đá tại văn chỉ hàng huyện để ghi truyền cho mọi người trong hiện tại và đời sau biết hai ông đã đậu tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889).

Các làng trọng văn học ở Nam Định và Thái Bình (lúc ấy chưa lập tỉnh Thái Bình, địa hạt tỉnh Thái Bình còn thuộc tỉnh Nam Định) đem võng lọng hoặc đem thuyền đinh lớn trong có trải chiếu hoa mời hai ông nghè đến làng dự tiệc mừng hai ông. Các hương chức, thân hào các làng này cho là một điều vinh hạnh lớn cho làng khi được hai ông Nghè đến làng.


Các hội tao đàn của làng Hành Thiện


Làng Hành Thiện trước năm 1954 có nhiều hội thơ họp định kỳ để ngâm thơ, bình thơ như kiểu các phòng khách trưởng giả qúi tộc bên Pháp (Paris). Các buổi bình thơ tại nhà nữ sĩ Mộng Lan (tức cụ bà Đặng Vũ Kính) đặc biệt trong năm 1931 có nữ sĩ Tương Phố (tác giả tập thơ Giọt Lệ Thu) nhiều lần đến tham dự vì khi đó phu quân làm Tri phủ Xuân trường mà phủ lỵ ngay bên cạnh làng Hành Thiện.

Tại nhà nữ sĩ Mộng Thiên (tức bà Cả Tề Đặng Thị Khiêm) trong các buổi ngâm thơ vào các năm 1947, 1948, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường hay đến dự và ngâm các bài thơ của thi sĩ. Đến bây giờ nhiều người còn nhớ đoạn đầu bài thơ “Trả ta sông núi” như sau :


Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà

Sông khoe hùng dũng núi nguy nga

Trả ta sông núi bao người trước

Gào thét đòi cho bọn chúng ta

Trả ta sông núi từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha…


Sau tháng 4, 1975 thi sĩ Vũ Hoàng Chuơng phải đi tù cải tạo. Sau khi được thả ra được vài ngày thì mất.

Tại nhà Á Nguyên Đặng Vũ Cao, thi sĩ Đoàn Như Khuê, con rể cụ Đặng Vũ Giá thường ngâm bài thơ “Bể thảm” của thi sĩ, mở đầu như sau :


Bể thảm mông mênh sóng lụt giời

Khách trần chèo một lá thuyền chơi

Thuyền ai ngược  gió, ai xuôi gió

Coi lại, cùng trong bể thảm thôi.


Bài thơ này nhắc lại một kỷ niệm khá sâu đậm cho tôi. Cách đây 17 năm, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam giam tôi ở Hà nội vì tội… vì tội gì nhỉ mà tôi quên mất rồi! Tôi phải xem lại lệnh trục xuất xem tội gì. À, đây rồi, (Tôi còn âu yếm giữ “Lệnh trục xuất”)  về  tội “Chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Eo ôi ! Sao hồi đó tôi dại dột và to gan đến thế. Tôi bị giam trong hai phòng đặc biệt có 5 “đồng chí” sĩ quan công an thay phiên nhau bảo vệ và săn sóc tôi “vì sợ anh Tâm ngã” (!) (theo lời họ) nhưng sau này một “đồng chí” nói nhỏ với tôi là Đại tá Trí, thủ trưởng trại giam, dặn dò họ phải hết sức cảnh giác vì đây là một phạm nhân cực kỳ nguy hiểm.

Thực lòng mà nói, tôi rất yêu mến họ. Họ được đào tạo rất kỹ. Họ rất tế nhị với tôi. Buổi sáng thấy tôi thèm ăn phở, thượng úy Hướng đem bát ra ngoài phố mua phở cho tôi. Trong bữa cơm, thấy tôi gắp món nào nhiều lần, họ đưa mắt bảo nhau nhường món đó cho tôi. Mỗi ngày tôi bị hỏi cung từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, người mệt đừ, họ xúm nhau vào xoa bóp cho tôi và buồn bã nói : “Hỏi cung như vậy thì biết bao giờ anh Tâm mới được về !”. Nhưng đến khi biết nhà nước phải thả tôi ra vì áp lực của Mỹ thị họ sửng sốt, im lặng nhìn nhau một cách “disappointed” và rút dần đi không một lời “congratulations” nào cả. Họ có hai bộ mặt, hai con người ???

Thôi, trở lại câu chuyện về bài thơ “Bể thảm”. Bị giam được hai tháng thì một hôm Trung tướng công an Quang Phòng mang gói cam vào thăm tôi, cho tôi biết: “Mỹ bỏ rơi anh, không ai cứu được anh, anh sẽ bị đưa ra tòa xử nay mai”. Thấy tôi buồn quá, Trung úy Minh (một trong 5 sĩ quan công an canh chừng tôi) đọc bài thơ “Bể thảm” để an ủi tôi : “Anh là một … khách trần, chèo  một lá thuyền chơi trên sông Đà mà chẳng may thuyền anh ngược gió… mới ra nông nỗi này… nhưng anh Tâm ạ… “Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió, Coi lại cùng trong biển thảm thôi”. Đừng buồn, anh Tâm”.


Tôi rất tâm đắc với mấy câu thơ đó và hỏi anh ta tác giả là ai. Anh ta nói không nhớ.

Đến hôm nay, khi soạn tài liệu để viết bài này tôi mới biết xuất xứ của bài “Bể thảm”. Thì ra lại từ cái làng Hành Thiện, quê ngoại của tôi, và đồng thời là quê nội của tổ sư cộng sản Đặng Xuân Khu và tổ sư chống cộng Nguyễn Thế Truyền.. Tôi nghĩ lại mà nửa buồn, nửa… buồn cười.

Ngược dòng thời gian, vào những thập niên 1880, 1890 cụ nghè Đặng Xuân Bảng sáng tác ra một lối chơi thơ rất đặc biệt. Cụ trích ra từ các bài thơ từ các tác giả Trung quốc khác nhau, mỗi bài một câu rồi chắp nối thành một bài mới, có ý nghĩa mới. Cụ ngâm luôn các bài thơ nôm dịch các bài thơ chữ Hán do sự góp nhặt các câu thơ Kiều, thí dụ:

Một bài thơ chữ Hán loại chắp nối và các câu Kiều dịch bài này : 


Nguyệt hạ hoài nhân cảm khái trung 

                  (Liêu Trai)

Sương kiêu vọng đoạn tín nan thông 

              (Trại đào nguyên)

Thiên nhai hải giác tri hà xứ

               (Đường thi)

Sa thảo tiêu tiêu bán nhiễm hồng

                (Thi lãm)


Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những 

                         rày mong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai ?


Bài thơ chữ Hán nguyên văn và các câu Kiều dịch bài thơ này (Tống Lý Thị Lang, Giả Chí, Đường thi)


Tuyết tình vân tán bắc phong hàn

Sở thủy Ngô sơn đạo lộ nan

Kim nhật tống quân tu tận túy

Minh triêu tương ức lộ man man


Rồi đây bèo hợp mây tan

Nước non luống những

                            bàng hoàng niềm tây

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh


Đây là một lối chơi thơ rất khó. Người chơi phải thuộc lòng hàng ngàn bài thơ chữ Hán, phải thuộc lòng Truyện Kiều và hàng trăm bài thơ nôm khác. Cách chơi thật công phu và thật tài tình. Các cụ nhà nho Hành Thiện hưởng ứng lối chơi thơ của cụ Nghè Đặng Xuân Bảng là hai cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên, Đặng hữu Dương  và các cụ nổi tiếng học giỏi của làng là Á nguyên giáo thụ Đặng Ngọc Toản, Á nguyên giáo thụ Đặng Văn Nguyên và Á nguyên tri phủ Phạm Ngọc Chất. Và câu nói : “Truyện Kiều là bản dịch từ Kinh Thi ra” cũng không phải là ngoa lắm.


Các nhạc sĩ cổ nhạc và tân nhạc của làng Hành Thiện


Vào cuối thế kỹ 19 đầu thế kỷ 20 có hai cụ cử nhân Án Sát Nguyễn Duy Tiên và Nguyễn Xuân Tiên là những bậc danh cầm, xử dụng đàn nguyệt, đàn tranh một cách tuyệt diệu. Hai cụ hay tổ chức tấu nhạc, rất đông người đến nghe.

Khoảng từ năm 1915 đến năm 1945 có hai anh em cụ Tú Tài Nguyễn Văn Anh và cụ cử nhân Nguyễn Văn Tú thường độc tấu huyền cầm và nguyệt cầm tại nhà, rất đông người sành nhạc đến thưởng thức.

Cụ Nguyễn Văn Năng tức Hàn Năng chế ra cây đàn Phụng Minh và đàn Bằng Minh biểu diễn nhiều lần tại nhiều nơi từ trước năm 1945 đến trước năm 1975. Cụ có ban hát chèo và huấn luyện được nhiều môn sinh trong số đó có nữ nghệ sĩ Huyền Trân là nổi tiếng. Cụ sáng tác nhiều vở chèo được Đoàn Gió Khơi của tôi trình diễn trên đài truyền hình và cụ được giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1971 với vở chèo “Vạn Thế sự”. Tôi hay đến nhà cụ ở trên một gác xép khu Bàn Cờ để học hát bài “Trèo lên trên núi, em trông là em ứ ư ừ trông, có con chim phượng về làng… là dân làng ơi …”. Thấy thương cụ. Khi xưa ở làng Hành Thiện thì nhà cao cửa rộng, hàng trăm mẫu ruộng, thẳng cánh cò bay, kẻ ăn người ở, mà nay đến nông nỗi này.

Các nhạc sĩ tân nhạc thì có các ông Nguyễn Quý Lãm, giáo sư vĩ cầm tại Quốc gia Nhạc viện Sài gòn, Đặng Vũ Lung vừa là luật sư vừa dạy đủ thứ đàn.


Hoa và cây cảnh


Hầu hết các nhà Hành Thiện đều có vườn cảnh trồng nhiều loại hoa và nhiều cây cảnh. Trong vườn cảnh, mỗi nhà đều có núi non bộ là hòn giả sơn cao khoảng trên dưới một thước tây, có nhiều tảng đá nhỏ được chắp nối lại. Non bộ có hang hốc có đường lên đỉnh núi, có nhà thủy tạ, có chùa có tháp có cầu bắc qua khe suối, có cây cổ thụ, có bàn cờ tiên với hai ba tiên ông ngồi trên ghế đá dưới gốc cây đánh cờ, có các tiên nữ trẻ đẹp đứng gần bàn cờ theo dõi cuộc tranh tài của các tiên ông.



Diều Hành Thiện


Các diều Hành Thiện hình thoi, được gọi là diều hai mom, hình giống chim cốc gọi là diều cánh cốc. Thân diều làm bằng tre, giấy phất diều là giấy bản được bồi bằng nước cậy cho dai và cứng, cho khỏi bị rách khi rớt xuống đất hay khi bổ vào cây cao. Nước cậy là một thứ nước keo làm bằng qủa cậy được dã dập ra rồi bỏ vào hũ đổ nước ngập lên trên độ vài đốt ngón tay. Sau khi cậy bị ngâm độ một tuần lễ, nhựa cây thấm ra nước, người ta bỏ bã cậy vào khăn vải vắt ra cho hết nhựa rồi vất bã đi. Nước nhựa cậy này dùng để phết  vào giấy diều phơi nắng cho khô rồi giấy diều lại được phết nhựa cây nữa cho đến khi giấy trở nên dai cứng và có màu nâu. Các diều hai mom và cánh cốc loại lớn dài từ hai mét trở nên đều gắn sáo. Diều to đẹp được thả lên cao không có tiếng sáo kèm theo thì không khác gì một giai nhân kiều diễm mà lại mắc tật câm.

Diều Hành Thiện được gắn một sáo, có khi được gắn cả một bộ sáo gồm các sáo lớn nhỏ đến ba bốn năm sáo.

Các người Hành Thiện mê diều thường tổ chức các cuộc đua diều để xem diều nào khi đâm lên không bị chao đi chao lại, để xem diều nào có tiếng sáo hay nhất. Có khi giới chơi diều Hành Thiện tổ chức các cuộc chơi diều trên không trung vào những ngày có gió lớn. Diều chọi không cần phải đúng yên lặng trên không trung, càng chao qua đảo lại càng nhiều càng tốt, miễn là đừng chao xuống đất. Diều chọi phải tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của người cầm dây để có thể bất thần bốc lên cao hoặc từ trên cao bổ xuống như phi cơ khu trục để tấn công diều địch. Diều chọi có hai đầu cánh vót nhọn nếu là diều hai mom, hai đầu được buộc thêm mỗi đầu một mũi dùi bằng tre vót nhọn nếu là diều cánh cốc. Xương cái diều chọi ở giữa diều dù là diều hai mom hay cánh cốc đều được vót nhọn ở đầu. Các diều tham dự cuộc thi phải có kích thước đồng đều.

Nổi tiếng về chơi diều loại lớn nhất Hành Thiện là ông Nguyễn Thế Truyền. Diều của ông là diều hai mom, rất lớn, dài tới bốn mét, sáo diều của ông cũng lớn tương xứng với diều. Mỗi khi có gió lớn, ông thả diều, ông và một người nhà phải cùng cầm dây diều vì nếu chỉ có một người cầm dây diều, diều sẽ kéo người cầm dây diều lên cao khỏi mặt đất. Sáo diều của ông Nguyễn Thế Truyền ngân vang trên không trung, dân cả làng đều nghe rõ. Ông Nguyễn Thế Truyền chơi diều vào khoảng các năm 1920, 1921 và 1928 khi ông ở làng Hành Thiện.

Con cháu cụ nghè Đặng Xuân Bảng và một số dân làng Hành Thiện hưởng ứng việc làm các kiểu diều phất lụa vẽ hình cá chép,hình chim phượng,hình rồng uốn khúc… do cụ Nghè chỉ dẫn nên đã có thời gian có những diều phất lục đẹp như các bức họa bay bổng, đẹp vô cùng trên nền trời Hành Thiện.

Tóm lại, các hội hè đình đám là những dịp cho dân làng vừa được vui chơi giải trí, vừa được biết các phong tục nghi lễ cổ truyền. Các buổi bình thơ, hòa nhạc, thú chơi cây cảnh, non bộ, trồng hoa, thả diều là những thú vui tao nhã làm cho đời sống tinh thần dân làng Hành Thiện phong phú hơn các làng quê khác, và đó là lý do làng Hành Thịên được vua ban bốn chữ “Mỹ tục khả phong”. Bốn chữ này được khắc vào bức hoành phi sơn son chữ vàng treo ở Đình làng tới nay vẫn còn…


Làng Hành Thiện nổi tiếng là có nhiều phong tục tốt và có nhiều bà sương phụ được vua phong “Tiết hạnh khả phong”


Ngoài việc làng Hành Thiện có nhiều người đậu cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, làm quan nổi tiếng thanh liêm, trai chăm chỉ học hành giữ đúng lễ nghĩa, gái siêng năng canh cửi, đoan trang hiền hậu, dân làng đối xử với nhau hòa thuận, không hay kiện cáo, làng Hành Thiện còn có nhiều bà sương phụ, chồng chết sớm, ở vậy nuôi con thành đạt có công danh đức hạnh nên được vua ban cho bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”. Thế kỷ XIX có ba bà và thế kỷ XX cũng có ba bà được vua phong 4 chữ trên. Riêng thế kỷ XX có ba bà là :

- Cụ bà Đặng Vũ Thực : Cụ Đặng Vũ Thực đậu thủ khoa 1878, không ra làm quan, lại tự xuất tiền ra mộ các trai tráng luyện tập võ nghệ để đánh Pháp  bằng chiến thuật du kích. Không thành công cụ buồn phiền, sinh bệnh và tạ thế năm 1884. Khi cụ qua đời, cụ bà còn rất trẻ, vào khoảng 25 tuổi. Cụ ở vậy thờ chồng nuôi con. Các con đều thành đạt. Con trai trưởng Đặng Vũ Mậu đậu Nhị trường, tham gia phong trào Đông Du. Con trai thứ hai là Đặng Vũ Cúc đậu cử nhân khoa 1906 là người đầu tiên rước hai thầy giáo tân học về dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp cho học sinh trong làng.

- Cụ bà Phạm Ngọc Nhiễm : Chồng cụ là Phạm Ngọc Nhiễm đậu cử nhân năm 18 tuổi khoa 1874 và mất sớm. Lúc đó cụ bà mới hai mươi tuổi.Cụ ở vậy thờ chồng nuôi hai con  trai đều thành đạt. Cháu nội là tri phủ Phạm Trọng Bào (sau làm chánh án), tri huyện Phạm Thứ Phu và kiến trúc sư Phạm Tư Quảng.

- Cụ bà Đặng Vũ Long tức Núng : Chồng chết khi mới hai mươi tuổi, ở vậy tần tảo nuôi con là ông Đặng Vũ Bàng.


Làng Hành Thiện có nhiều nhân vật được dân làng khác thờ làm Thành hoàng


Có 6 nhân vật làng Hành Thiện được dân làng khác tthuộc vùng Nam Định, Thái Bình thờ làm Thành hoàng :

- Cụ Đặng Đức Trí, sinh năm 1793, học giỏi, tuy không có bằng cử nhân nhưng cũng được quan đầu tỉnh Nam Định đề nghị với triều đình cho dự kỳ thi Hội nên dân Hành Thiện giọi cụ là Cống sĩ. Cụ giúp quan Tham tán Nguyễn Công Trứ đi dẹp giặc Phan Bá Vành. Sau khi dẹp xong giặc, cụ không nhận quan chức của triều đình, chỉ xin khẩn hoang một khu đất phù sa mới được bồi của sông Hồng Hà, cách làng Hành Thiện bốn cây số. Cụ tuyển mộ các gia đình làng Hành Thiện đến đất mới gọi là ấp An Hành, đào ao vượt thổ, đắp đê ngăn nước mặn rồi cầy cấy trồng lúa, ngô khoai. Việc lập ấp thành công. Ấp An Hành cải thành làng An Hành. Khi cụ mất năm 1861 dân làng An Hành thờ cụ làm Thành hoàng cùng với cụ Nguyễn Công Trứ. Như vậy làng An Hành thờ hai vị Thành hoàng.

- Cụ Nguyễn Đôn Thi : Sinh năm 1853, đậu cử nhăn năm 1878, làm tri huyện Thư Trì (Thái Bình). Sau khi cáo quan, cụ xin phép khai khẩn một khu đất bồi ở bờ biển thưộc huyện Giao Thủy  tỉnh Nam Định. Cụ mộ phu đắp đê ngăn nước biển, đào sông con lấy nước ngọt làm ruộng. Cụ đặt tên ấp là Lạc Nông, sau đổi thành làng Lạc Nông. Cụ Nguyễn Đôn Thi mất năm 1925, dân làng Lạc Nông thờ cụ làm Thành hoàng.

- Cụ Đặng Vũ Kiểm : Người làng thượng gọi cụ là cụ Xã Xuân vì cụ có một tên nữa là Xuân  và cụ có hàm xã trưởng. Cụ sinh năm 1836, đậu Nhị trường, mất năm 1895. Cụ lập ra hai xã Thiện Thành và Thiện Tường ở ven biển thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Hai làng này là một khu đất bồi rộng độ 500 mẫu ta. Cụ Đặng Vũ Kiểm mộ dân khẩn hoang, đắp đê để ngăn nước mặn. Đất mới càng ngày càng đông người đến lập nghiệp và được đặt tên là làng Thiện Thành. Sau làng này được tách ra làm hai là làng Thiện Thành và Thiện Tường. Khi cụ mất, dân làng Thiện Thành thờ cụ làm thành hoàng và cụ được vua Thành Thái phong làm “Thiện thành xã phúc thần”.

- Cụ Đặng Xuân Bảng : Cụ sinh năm 1828 đậu tiến sĩ đệ tam giáp đệ nhất danh năm 1856. Cụ làm quan đến chức tuần phủ Hải Dương. Năm 1873 khi giữ chức Tuần phủ Hải Dương, cụ cầm quân chống cự quân Pháp, đi đường thủy đánh Hải Dương. Vì quân ta yếu phải bỏ thành rút lui nên cụ bị cách chức. Năm 1886 cụ được triều đình cho phục chức  và được bổ làm Đốc học Nam Định. Sau hai năm làm đốc học, cụ xin về hưu trí. Sau khi đã về hưu, cụ được nhà vua cho khôi phục nguyên hàm tuần phủ.

Năm 1889 cụ xin phép nhà cầm quyền cho phép cụ khẩn hoang khu đất phù sa sông Hồng Hà bồi lên ở cạnh hai làng Đức Long và Văn Lâm thuộc địa hạt tỉnh Thái Bình. Cụ mộ phu đắp đê ngăn nước sông tràn vào khu đất mà cụ khai khẩn. Dân theo cụ đi lập ấp một phần lớn là dân làng Hành Thịên. Cụ đặt tên ấp là ấp Tả Hành. Sau khi dân số ấp này đã khá đông, ấp này được cải là làng Tả Hành, huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Làng nhiều lần bị cướp đánh phá,cụ Đặng Xuân Bảng huấn luyện bà cụ thứ thất thứ nhất dùng đòn càn gậy gộc để đánh cướp. Mấy lần cướp đến Tả Hành đều bị đánh lui. Có lần bà cụ thứ thất cụ Đặnh Xuân Bảng chỉ huy mười thanh niên thanh nữ làng Tả Hành đánh tan được bọn cướp mười lăm tên.

Làng Tả Hành có số ruộng đất trên 200 mẫu ta. Khi cụ Đặng Xuân Bảng tạ thế vào năm 1910 dân làng Tả Hành thờ cụ làm Thành Hoàng.

- Cụ Nguyễn Âu Chuyên : Cụ sinh năm 1860, đậu thủ khoa kỳ thi hương năm 1879 và đậu phó bảng khoa 1884. Cụ làm quan tới chức Bố chánh Bắc Ninh từ năm 1892 đến 1895 là năm cụ tạ thế tại Bắc Ninh. Cụ có nhiều ruộng ở làng Hành Quán thuộc huyện Giao Thủy, sau đổi thành phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Cụ hô hào nhân dân đào ao, khơi sông rạch để ruộng khỏi bị úng thủy và như vậy cấy đưọc hai mùa. Khi cụ Nguyễn Ân Chuyên tạ thế, dân làng Hoành Quán thờ cụ làm Thành Hoàng.

- Cụ Nguyễn Duy Hiếu : Cụ sinh năm 1868 đậu cử nhân năm 1897. Cụ làm quan tri huyện tòng sự tại tòa án Bắc Giang. Cụ về hưu trí năm 1928. Cụ được thân phụ cụ là cụ huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh là một đại điền chủ chia cho cụ gần 60 mẫu ta ruộng tại làng Roãn Đông huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Cụ có công ơn lớn với dân làng Roãn Đông nên khi cụ tạ thế vào năm 1940 dân làng Roãn Đông thờ cụ làm Thành hoàng (Cụ là em ruột ông nội mẹ tôi).

Làng Hành Thiện thời nho học  với các ông nghè, ông bảng, thượng thơ, tổng đốc với các mỹ tục khả phong, tiết hạnh khả phong, cùng với các con diều phết lụa như những bức hoành phi uốn lượn trên vòm trời thì Hành Thiện cũng mới chỉ như con rồng nằm đợi.

Thời đại mới mở ra với cái văn minh của Trời Tây xanh tươi, cái nóng rực của Đông phương hồng đỏ.. Con cá chép Hành Thiện đã hoá long để nẩy sinh ra các nhân vật hìệt kiệt với tầm vóc quốc gia quốc tế. 

- Một nhân vật ngang hàng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh trong công cuộc chống Pháp đòi độc lập, lại tiếp tục chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chống chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam mà vẫn được ông Hồ Chí Minh qúi trọng. Đó là nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

- Một lãnh tụ cộng sản hàng đầu với các chiến công kháng chiến hiển hách nhất trong lịch sử các dân tộc nhược tiểu, nhưng đồng thời chịu trách nhiệm cuộc cải cách ruộng đất với các màn đấu tố rùng rợn nhất trong lịch sử loài người. Đó là ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, chủ tịch hội đồng nhà nườc Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đọc đến đây nếu qúi độc giả không tức giận, buông câu chửi thề, vứt bài báo xuống  thì xin cứ bình tâm, đọc các giai thoại về hai nhân vật này sau khi duyệt qua các thành qủa của người Hành Thịên trên các lãnh vực văn chương, khoa học, kinh tế, chính trị trong thời đại tân học.

Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là một người Bắc Kỳ đầu tiên đậu bằng bác sĩ Y Khoa tại Paris năm 1927 và có một bệnh viên tư đầu tiên to nhất Đông Dương hồi bấy giờ. Hồi còn bé, tôi được mẹ dẫn đến Bệnh viện Đặng Vũ Lạc để thăm bà con họ hàng làng Hành Thịên. Một tòa nhà sang trọng, nguy nga ngay tại đại lộ Gambetta trước cửa Đấu Xảo (nay là cung Văn Hoá). Ông là một bác sĩ xuất sắc của Đại học Y Khoa Paris, lại có tài kinh doanh. Đời sống rất phong lưu, hồi đó Bác sĩ đã có xe hơi loại sang, có nhà nghỉ mát tại Đồ Sơn và du thuyền tại Vịnh Hạ Long.

Ông là một người giàu tinh thần dân tộc, yêu quê hương làng nước. Họ hàng bà con Hành Thịên  nhiều khi ở chơi nhà ông tại Hà Nội cả tháng. Ông giúp đỡ người làng để có công ăn việc làm trong bệnh viện của ông. Bác sĩ Đặng Vũ lạc có nhân phẩm cao, tính tình nhã nhặn, giao thiệp rộng nên được nhà cầm quyền Pháp rất kính nể.

Học giỏi, kinh doanh giỏi, nhã nhặn, giàu tình đồng hương là đặc tính của nhiều người Hành Thịên.

Khi ở Pháp về năm 1928 cùng với gia đình ông Nguyễn Thế Truyền và ông Nguyễn An Ninh, Bác sĩ Đặng Vũ Lạc xin làm lễ vọng tại văn từ làng. Các cụ khoa bảng nho học không muốn xếp ông vào hàng tiến sĩ lấy cớ thi tiến sĩ thời xưa khó khăn vô cùng như khoa 1884 không có vị nào đậu tiến sĩ trong số 100 vị cử nhân vào Huế dự thi, chỉ có một vị duy nhất đậu phó bảng là cụ Nguyễn Âu Chuyên cũng làng Hành Thiện. Còn như học y khoa để thi bác sĩ thời Tây học thì cứ 100 sinh viên có bằng tú tài  theo học thì dù có bị loại dần dần từng năm học, đến khi thi y khoa bác sĩ cũng có tới 30 người đậu. Các cụ còn nói tiến sĩ thời Nho học đòi hỏi một nền học vấn uyên bác, một trí thông minh vưọt bực, những đức tính tinh thần đặc biệt để sau khi thi đậu người thi đậu đưọc bổ làm quan lãnh đạo và hướng dẫn quần chúng một vùng và nếu làm quan to thì hướng dẫn và điều khiển cả một ngành hoạt động trong nước, còn thi bác sĩ y khoa chỉ cần một trí thông minh vào mức trung bình, chỉ cần học chăm chỉ, cần đủ điểm là đậu. 

Cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên cho biết ý kiến của cụ là không nên so sánh những điều không thể so sánh được, cụ đậu tiến sĩ Hán học, nếu giả thử cụ còn trẻ đưọc học lại theo tây học chưa chắc cụ đã đậu đưọc bằng y khoa bác sĩ. Các cụ khoa bảng Hành Thiện vâng lời cụ nghè, không bàn cãi nữa. Vì đậu y khoa bác sĩ không được cấp phát y phục riêng nên cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên cho ông Đặng Vũ Lạc mượn mũ áo tiến sĩ của cụ để lễ tại văn từ làng và khi ông lễ xong, cụ nghè mời ông ngồi ở chiếu cụ.

Thế mới biết, bên cạnh bọn hủ nho đầu óc hẹp hòi (mà chính vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã coi thường) còn có những bậc túc nho có tâm hồn cao thượng của người quân tử. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc là con trai cụ Cử nhân đồng tri phủ Đặng Cao Chi. Sinh mẫu là con gái cụ tri phủ Hoàng Thụy Viêm người làng Đông Ngạc tỉnh Hà Đông.

Em gái ruột của ông là bà Đặng Thị Khiêm (tức bà Cả Tề) bút hiệu Mộng Thíên, người hùn vốn lập công ty Fabrinat phố Hàng Gai Hà Nội sản xuất và bán chiếu thảm từ năm 1932 với ông Đặng Vũ Tiết (với em là Đặng Vũ Hàng là những nhà kinh doanh lớn, tài sản kếch xù, lại có tinh thần dân tộc và gia tộc, đóng góp nhiều cho Phong Trào Đông Du) và ông Nguyễn Thế Rục (chú họ của mẹ tôi và của ông Nguyễn Thế Truyền, được ông Truyền gửi sang Nga học trường Staline, một trường đại học cộng sản. Ông mất sớm năm 1938. Đám tang ông có tới 20,000 người đi đưa đám, phần lớn là đảng viên đảng cộng sản Đông duơng.. Bà Đặng Thị Khiêm còn là một yếu nhân của Đảng Đại Việt kể từ năm 1945. Khi di cư vào Nam, bà trở nên giàu có như xưa nhờ việc thầu đốn rừng, bán gỗ lớn từ Bình Dương Phước Long. Bà được Trung tướng Dương Văn Minh mời làm Hội viên Hội đồng Nhân sĩ năm 1963 và được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất qúi trọng. Tổng thống Thiệu và phu nhân thường mời bà vào Dinh Độc Lập bàn quốc sự và gọi bà là “Chị Cả”.

- Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là Bác sĩ Việt Nam đầu tiên đậu Nội trú Bệnh viện Paris (interne des hospitaux de Paris) tại Bệnh viện Saint Lazare Paris.. Bác sĩ Hỷ được báo Patrie Anamite ca ngợi là một bác sĩ xuất sắc, một người tài đức được mọi người ngưỡng mộ và rất nhã nhặn khéo léo nên được sống yên ổn với Việt Minh. Bác sĩ làm Khoa trưởng Đại học Y khoa vùng Việt Bắc trong thời kháng chiến, được chính phủ Hồ chí Minh cử về Hà Nội cuối tháng 8, 1954 để tiếp thu trường Đại học Y Khoa Hà nội. Nhân dịp này  Bác sĩ Hỷ thúc giục khuyên cha mẹ và người em trai phải di cư vào Nam ngay để tránh đấu tố. (sau này trong cuộc cải cách ruộng đất toàn thể nhà đất của song thân Bác sị Hỷ bị tịch thu). Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là con rể học giả Phạm Quỳnh,chủ bút báo Nam Phong. Bác sĩ Hỷ mất năm 1972 (62 tuổi) tại Trung quốc trong khi đi trị bệnh Parkinson. Bác sĩ Hỷ được truy tặng giải thưởng Hồ chí Minh về công cuộc khảo cứu bệnh cùi và trại phong cùi Quy Hòa đã dựng tượng tưởng niệm Bác sĩ. Bác sĩ có 4 người con đều là Bác sĩ y khoa tại Hà Nội và Tiến sĩ Vật lý tại Nga (ông Đặng Vũ Minh có chân trong ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam).

Làng Hành Thiện có hai vị Đông y sĩ nổi tiếng .Ngày xưa là cụ Lang Tài (Nguyễn Thúc Tài) là cố nội của mẹ tôi. Cụ dị hình dị tướng, bụng to, ăn khoẻ, làm lang  thuốc nổi tiếng, được phong “Hàn lâm viện thị độc”, có ba người con trai đều làm quan cả : 2 người làm Án sát (Án Cả, Án Hai) và người thứ ba làm tri huyện tức Huyện Quỳnh (Nguyễn Ngọc Quỳnh). Cụ Huyện Quỳnh sinh ra Án sát  Nguyễn Duy Tiên (ông nội mẹ tôi), Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn (ông nội ông Nguyễn Thế Truyền), ông Nguyễn duy Thuần (bố bà Trường Chinh, ông ngoại Bác sĩ thú y Đặng Vũ Cảnh, phu nhân ông Phan Trọng Nhiễm, đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Tunisia và phu nhân ông Phạm Trọng Nhân, đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Cao Mên rồi AiLao…)..

Cụ Lang Tài có ba người con trai đều làm quan kể trên  và 4 người con gái lấy chồng cũng khá giả nên dân làng Hành Thiện có câu vè :

Ba con cùng chiếm bảng vàng cả ba

Một bà cai tổng đằng xa

Còn ba bà nữa là ba bà đồ.

Ngày nay Đông y sĩ Nguyễn Tư Phấn (1905-1982) học thuốc với thân phụ là cử nhân Nguyễn Tất Tái. Ông chữa bệnh cho Tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Hùng, các bộ trưởng, tướng lãnh, ủy viên bộ chính trị. Giữa một đêm thu  năm 1967 ông được trung ương đưa từ Hải Phòng (nhà ông) lên Hà nội ngay để xem bệnh cho ông Trường Chinh đương mệt nặng. Ông chẩn mạch xong rồi nói : “Thím yên tâm. Chẳng qua là các bác sĩ chệch hướng điều trị”. (Bà thân mẫu ông Đặng Xuân Khu là em ruột thân phụ Đông y sĩ Nguyễn Tư Phấn). Sáng hôm sau, một hội đồng gồm các giáo sư và bác sĩ giỏi nhất về Tây y và Đông y được triệu tập để nghe ông trình bầy bệnh trạng và phương pháp điều trị.Mọi người đồng ý. Chỉ sau hai tháng dùng thuốc của ông, ông Đặng Xuân Khu đã ngồi dậy tiếp chuyện được.Ông Đặng Xuân Khu nói với mọi người đến mừng ông khỏi bệnh là : “Ông anh tôi thật là một thánh y”.

Con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn bị đau nặng, được đưa sang Bắc Kinh chữa trị trong 4 tháng mà không khỏi nên được đưa về Việt Nam. Ông Nguyễn Tư Phấn cứu sống được cô gái này. Ông Lê Duẩn qúy mến ông đã có một lần nói : “Bác là người anh kính trọng của anh Năm (tức Đặng Xuân Khu) từ nay xin phép Bác cho tôi đưực coi Bác như anh của tôi”. Nhiều lần ông Lê Duẩn đích thân mang cả thùng qùa từ Hà Nội xuống Hải Phòng để tặng ông Nguyễn Tư Phấn và nhiều lần ông Lê Duẩn tâm tình với ông Nguyễn tư Phấn là “việc nhà nhiều khi khó giải quyết hơn việc nước” (việc nhà đây là việc hai bà vợ ông Lê Duẩn, vợ cả người Bắc và vợ hai người Nam).

Ông tạ thế năm 1982 cùng một năm với Bác sĩ Tôn Thất Tùng. Đám tang hai ông có đến 20,000 người đưa tiễn, là hai đám tang to nhất miền Bắc..

Cái máu “Học giỏi,Khoa cử” của Làng Hàng Thiện từ thời Nho Học đến thời Tây Học ngày nay vẫn còn phong phú lắm. Tôi xin nêu ra một vài trường hợp cụ thể mà tôi biết :

Ông anh bà con Nguyễn Thế Đại rất thân  mến của tôi, trong 6 năm liền học trường Lycée Albert Sarraut Hà Nội đều đứng nhất lớp và được phần thưởng nhất về Pháp văn (1er Prix de Francais). Mỗi lần đến thăm, bác giáo  Đạt gái (mẹ anh Đại) hay cho anh em tôi xem các mề đay phần thưởng của anh Đại và khuyến khích chúng tôi : “Các cháu là người Hành Thiện phải cố gắng học cho giỏi như anh Đại”. Anh Đại đậu cử nhân Luật năm 1944, được bổ làm tri huyện và sau này làm đến Tổng thanh tra Giám sát viện tại Sài Gòn.

Giáo sư Tiến sĩ Đặng Vũ Biền vừa học Dược khoa vừa học cử nhân Toán và Lý Hoá. Mỗi năm anh Biền thi Dược kỳ tháng sáu thì đến kỳ tháng chín anh lại thi thêm một chứng chỉ toán và lý hoá.. Những chứng chỉ này (Mecanique rationnelle và calculs differentiels et intégrals = cơ học thuần lý và vi tích phân) rất khó, mỗi kỳ chỉ có vài ba người đậu. Mỗi lần sang trường đại học khoa học (tôi cũng vừa học y khoa vừa học cử nhân khoa học) thấy tên anh trong bảng đậu, vừa phục anh vừa hãnh diện vì có người đồng hương học giỏi và cố noi gương anh. Sau này anh đậu tiến sĩ Vật lý tại Paris, làm Phó Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài gòn và làm Đổng lý Bộ Văn hoá Giáo dục Việt Nam cộng hòa.

Hai anh em tôi là Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Quang cũng có 50% máu Hành Thiện  (còn 50% là máu Lam Sơn Thanh Hoá) nên cũng tạo được vài thành tích nho nhỏ góp phần với bà con họ hàng bên quê ngoại Hành Thiện.

- Bùi Duy Quang, sau 4 năm sống với chế độ miền Bắc, quyết định liều chết vượt tuyến qua Lào vào Nam vào dịp Tết năm 1958. Sau khi bị chính quyền miền Nam nhốt  hai tháng trong trại để điều tra, Quang được thả ra cuối tháng ba. Cậu ta ngồi xuống học ngay để sửa soạn thi toán học đại cương (Math. Géné.) kỳ tháng 6. Kết qủa đỗ đầu với hạng bình thứ. Ba tháng sau, (kỳ tháng chín) Quang lại đỗ đầu chứng chỉ Vật lý học đại cương. Kỳ tháng sáu năm sau 1959, cậu ta đậu Cơ học thuần lý và được vào vấn đáp chứng chỉ Vi Tích Phân. Nhưng giáo sư Benneton người Pháp, nóng mắt thấy Quang thi cử hỗn qúa nên cố tình đánh rớt vấn đáp. Đến kỳ tháng chín mới cho đậu Vi Tích Phân, một chứng chỉ khó nhất ban Toán.

Thế là chỉ đúng 18 tháng, Bùi Duy Quang đã nuốt luôn 4 chứng chỉ cử nhân Toán mà mọi người phải mất 4 năm là ít hay không bao giờ đậu được như Giáo sư Nguyễn Chung Tú, Khoa trưởng Đại học Khoa học Sài gòn đến bấy giờ cũng chưa lấy được chứng chỉ Vi Tích Phân. Đó là một kỷ lục không tiền khoáng hậu của ban Cử nhân Toán. Sau này em Quang tôi sang Mỹ, đỗ Ph.D về Vật lý Lý thuyết và làm việc với Giáo sư Heisenberg (Nobel Prize winner) tại Max Planck Institute, Munich, Đức quốc.

- Bùi Duy Tâm theo gương đàn anh Vũ Quý Đài (người làng Duyên Thọ, Giao Thủy)  và Nguyễn Xuân Nghiên (Hành Thiện) học nhẩy lớp. Đệ ngũ thi trung học phổ thông (đỗ thủ khoa) và nhẩy thêm một lớp nữa, đệ Tam thi tú tài I và đuổi kịp hai  đàn anh Đài và Nghiên khi vào đại học. Hồi ở trung học, tôi còn được giải thưởng Nhất môn Toán toàn quốc. Thi vào Quân Y (để tránh động viên) tôi đậu thứ nhì dưới Đào Hũu Anh (sau làm quyền Khoa trưởng Y Khoa Sài gòn) và trên Vũ Qúi Đài (sau cũng làm Khoa trưởng Y Khoa Sài gòn). Trong khi học Y khoa tôi vừa làm ngoại trú, nội trú bệnh viện vừa đậu cử nhân Khoa học sinh vật lại vừa làm nghiệm chế viên nên khi thi vào ban giảng huấn Y Khoa Sài gòn để được xuất ngũ (ra khỏi Quân Y) đi Mỹ du học, tôi được nhiều điểm nhất trong kỳ thi  tước vị đại học (concours de titre). Trong suốt 4 năm học Ph.D. về Biochemistry tại University of California in San Francisco (UCSF) tôi toàn đứng đầu lớp (straight A)

.

BDT:16 tuổi,thủ khoa      BDT:36 tuổi,.khoa trưởng 

  trung học phổ thông         lưỡng viện Đại Học Y K                                                                                                                             


Về nước, năm 33 tuổi tôi làm Khoa trưởng Y Khoa Huế. Năm 36 tuổi, tôi làm một việc kỳ cục nhất trong lịch sử giáo dục đại học là kiêm luôn Khoa trưởng Y Khoa Đại học Minh Đức, nghĩa là tôi dạng cẳng ra, một chân đặt vào Huế, một chân đặt vào Sài gòn. Còn hai tay thì múa võ cứu nguy Y Khoa Huế trong quốc nạn Mậu Thân (1968) và xây dựng Y Khoa Minh Đức trong buổi phôi thai đầy khó khăn và chống đối. Y Huế và Y Minh Đức là hai trường Y trong ba trường Y lúc bấy giờ của Miền Nam Việt Nam. Bằng ấy thứ chắc cũng đủ một lễ vật nhỏ để vọng Văn Từ làng Hành Thiện.

Người Hành Thiện nếu “văn chương phú lục chẳng hay” không thành công trong lãnh vực khoa cử thì khai khẩn ruộng đất, lập đồn điền, làm kỹ nghệ, thương mại cũng rất thành công như các ông bà :

- Đặng Vũ Tiếu (ngành nhuộm, dệt, biến chế hóa chất).

- Đặng Vũ Hàng (khai khẩn đồn điền, mua đất xây nhà cửa với các thân chủ rất giàu như Hui Bon Hoa (Chú Hỏa), Lê Phát An, Lê Phát Vĩnh (hai cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu) và Nguyễn Hữu Hào (thân phụ Nam Phương hoàng hậu).

- Đặng Vũ Tiết (công ty Fabrinat dệt chiếu, thảm, các đồ tre mây với Đặng Thị Khiêm (Bà Cả Tề).

- Nguyễn Hữu Tài (Sà phòng Savonta)

- Nguyễn Đức Thụ (Đại lý hãng sà phòng Việt Nam của ông Trương Văn Bền tại Nam Kỳ). Ông mất sớm. Bà Đức Thụ (thứ nữ cụ Nghị viên Đặng đức Kính,người Hành Thiện) tiếp tục việc kinh doanh và còn hoạt động cách mạng trong đảng Đại Việt Duy Dân từ năm 1945 đến  nay. Bà Đức Thụ là một nữ lưu thông minh, mẫn tiệp, giàu tinh thần quốc gia dân tộc, có uy tín lớn trong xã hội miền Nam.

Các doanh nhân Hành Thiện đa số làm ăn lớn, lương thiện, nhã nhặn, hay làm từ thiện và tài trợ cho các phong trào, các đoàn thể quốc gia yêu nước.

Về binh nghiệp, trong miền Nam có người cấp tướng như Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng, có bằng Toán học đại cương, Kỹ sư Hải quân tại Ecole Navale de Brest , tốt nghiệp trường Hải chiến Naval College tại Hoa Kỳ và trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam cộng hòa. Ông là vị tướng lãnh rất trí thức, điềm đạm, nhã nhặn. Trong chức vụ Phó tư lệnh Hải quân VNCH ông đã nhiệt tình giúp đỡ phong trào thanh niên thể thao Gió Khơi của tôi các phương tiện tàu bè đi du ngoạn hải đảo. Xin thắp một nén hương lòng để thương tiếc người bạn qúa cố.

Miền bắc có Trung tướng Đặng Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (T2), một cơ quan an ninh quyền lực tối cao, bao trùm cả quân báo, phản gián, bảo vệ quân đội, bảo vệ trung ương đảng, tạo ra vụ T4 (gián điệp CIA trong trung ương đảng) để hạ uy tín các lãnh tụ cao niên như Đại tướng Võ nguyên Giáp… Con rể ông Đặng Vũ Chính là Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) kế vị làm Tổng cục trưởng T2 cho đến bây giờ. Hai người con trai của ông Đặng Vũ Chính là Thiếu tướng Đặng Vũ Hùng và Thiếu Tướng Đặng Vũ Tuấn đều làm Cục trưởng, Cục phó trong T2. Ba người con gái của ông cũng là sĩ quan cấp tá trong T 2. T2 như một triều đình gây nhiều tiếng tăm trong giới lãnh đạo.

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, Trưởng ban Khoa giáo trung ương, ủy viên trung ương đảng, hồi cuối năm 1975 ông lên lớp, nói chuyện với “đám trí thức ngụy” của Sài gòn tại rạp Rex. Ông phùng mang trợn mắt nói : “Các anh các chị có biết không, khi tôi ra nước ngoài, nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mọi người phải cúi đầu kính phục…”. Ông chỉ tay xuống đất. May qúa ! Ông không nói là “cúi đầu lè lưỡi”. Chúng tôi, một bọn hàng thần lơ láo ngồi dưới phải  bấm bụng nín cười.

Bà Song Tường, vợ ông Đặng Xuân Thiều (anh em họ với ông Đặng Xuân Khu) có lần tâm sự, phàn nàn với mẹ tôi (gọi mẹ tôi bằng chị) là có người con trai sắp phải trình diện đi nghĩa vụ nên sang nói với chú Bảo (Đặng Quốc Bảo) mong chú giúp đỡ cháu. Ông Bảo trả lời ngay : “Chị cứ để cháu đi làm nghĩa vụ công dân”. Ông Bảo tỏ ra rất thẳng thắn, chí công vô tư. Hồi sau này, ông hay phản kháng, chỉ trích lãnh đạo là không có tư tưởng đột phá và tầm nhìn chiến lược trong việc đổi mới. Ông bất mãn như những người còn chút lương tri cách mạng. Mỗi lần tôi về Hà Nội thăm mẹ, bà Bảo hay để ý và chia vui với mẹ tôi : “Ông con trai mới về, chị vui lắm nhỉ ?”.

Trước khi nói đến các nhà cách mạng của làng Hành Thiện  tôi xin dành ít dòng vinh danh “Tác giả Đặng Hữu Thụ”. Ông Đặng Hữu Thụ sinh năm 1919, con một thầy đồ nho và cháu đích tôn của Cử nhân tri huyện Đặng Hữu Nữu, có bằng Luật khoa cử nhân tại Hà Nội và bằng Luật khoa tiến sĩ tại Paris. Trước tháng 4, 1975 ông giữ chức vụ Phó chưởng lý Tòa Thượng thẩm Sài gòn. Di tản sang Pháp ông làm Giám định cho Tòa Thượng thẩm Paris. Sau khi hưu trí năm 1984 ông bỏ hai năm để học Hán văn tại Institut National des civilisations et des langues orientales de Paris. Với khả năng vững vàng về Việt văn, Pháp văn, Anh văn và Hán văn, ông bỏ nhiều năm vào các thư khố Pháp (như Nha Văn khố quốc gia, Trung Tâm Sưu khảo tài liệu, Thư viện quốc gia, Thư viện Viễn đông Bác cổ, Thư viện trường Đông phương ngữ, Thư viện Bộ Ngoại giao, Thư viện Pháp quốc hải ngoại và Thư viện các trường đại học lớn ở Paris…) để tìm đọc hàng ngàn tài liệu có liên quan đến làng Hành Thiện. Ngoài những tài liệu chính thức của nguồn văn khố Pháp, ông đã đọc các tài liệu ở trong nước, đã được nghe các bậc tiền bối kể lại và viết thư cho từng người, từng gia đình của các nhân vật Hành Thiện để thâu lượm thêm thông tin và kiểm chứng các nguồn tin chưa được thống nhất. Ông viết và tự xuất bản các tài liệu về làng Hành Thiện  “Làng Hành Thiện thời Nho học” (1992 và tái bản  năm 2007), “Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền”(1993), “Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954” (1999) và sắp xuất bản “Tháng ngày qua với những kỷ niệm” và “Làng Hành Thiện và dân Hành Thiện từ 1954 đến nay”.

Trước kia làng Hành Thiện chỉ dùng bia để ghi chép tích sự. Mãi đến năm 1933 Ấm sinh Đặng Xuân Viện (thân sinh ông Đặng Xuân Khu) cùng Tổng sư Nguyễn Văn Bốn soạn ra quyển “Hành Thiện xã chí” mở đầu cho các sách sau này viết về Hành Thiện. Nhưng phải đợi đến lúc hàng ngàn trang sách, viết một cách có phương pháp khoa học,cẩn trọng, đầy đủ thư mục, vô tư và khách quan của tác giả Đặng Hữu Thụ về làng Hành Thiện, người ta mới nhìn rõ được làng Hành Thiện qủa là một viên ngọc quý của một nước Việt Nam Minh Châu trời Đông đã từng đánh bại các đế quốc ngoan cường nhất thế giới của thời xưa và thời nay.

Dân làng Hành Thiện thờ đức Không Lộ thời nhà Lý (chẳng có liên hệ và công cán gì với làng Hành Thiện) làm Thánh tổ ở chùa Thần Quang. Còn đình làng Hành Thiện chưa có Thành hoàng chỉ chổng chơ treo một bức hoành phi với 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”. Sao ta không rước tác giả Đặng Hữu Thụ vào đình làng làm Thành hoàng sống cho xứng với tinh thần vừa truyền thống vừa cách mạng của dân làng Hành Thịên! Riêng việc đó nếu làm đưọc lại thêm một nét độc đáo cho Hành Thịên. Bài viết này chỉ là một tóm lược, trích dẫn rất sơ sài từ những pho sách của tác giả Đặng Hữu Thụ. Qúi độc giả nếu đọc bài viết này mà yêu mến Hành Thiện thì nên đọc thêm các sách của Mr Đặng Hữu Thụ, maison de retraite Clément, 2 Rue Freteau de Pény,77011  Mélun Cedex, France.


Các người cộng sản Hành Thiện là các ông Đặng Xuân Khu, Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Thiều và bà Đặng Thị Thiềm


- Ông Nguyễn Thế Rục (chắc tên là Dục nhưng người Hành Thiện nói ngọng chữ d ra chữ r) đảng viên đảng cộng sản Pháp, mất năm 1938. Đám ma ông to nhất hồi bấy giờ với 20,000 người đi dự, phần lớn là đảng viên cộng sản.

- Bà Đặng Thị Thiềm, em họ ông Đặng Xuân Khu, con gái cụ Cử nhân Đặng Đức Quyên, đậu bằng Tú Tài Pháp, thoát ly gia đình, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy ông Trần Xuân Độ, làm đại sứ Bắc Hàn. Ông Độ là người ít học nhưng rất chân thành nên bà Thiềm chịu lấy, do sự mối lái của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Đặng Xuân Khu làm chủ hôn. Ông sống khỏe mạnh đến 103 tuổi.

- Ông Đặng Xuân Thiều, sinh năm 1909, gia nhập đảng Cộng sản từ năm 1930, bị giam tại nhà tù Hà Nội, Bắc Mê, Sơn La, Côn Đảo trước sau là 13 năm. Có hồi bị giam ở Hải Phòng, ông bị mật thám liên tục tra tấn 27 lần mà không chịu khai ra các đồng chí nên được đảng gọi là “Người anh hùng của Thành Ký Con”. Năm 1954 sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, ông làm giáo sư Đại học nhân dân và Đại học tổng hợp, dạy môn Chính trị và Triết học. Năm 1959 ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Bảo Tồn và Bảo tàng Bộ Văn Hoá. Nhờ ông rất nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng để bảo vệ trùng tu.

Ông là người giàu tình đồng hương và tình bà con họ hàng. Ông đã giúp đỡ nhiều gia đình bị đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất vào các năm 1955 và 1956. Người Hành Thiện vẫn còn nhắc đến chuyện ông bà Đặng Hữu Đa bị đấu tố ở Hành Thiện, chạy trốn lên Hà Nội được ông bà Đặng Xuân Thiều cho ở tại nhà và tích cực giúp đỡ. Ấm sinh Đặng Xuân Viện, thân sinh ông Đặng Xuân Khu, cũng chạy kịp lên Hà Nội, thoát cuộc đấu tố, được ông Khu gửi ở nhà ông Thiều (hai người là anh em bà con). Vợ ông Thiều là bà Nguyễn Song Tường, người làng Mọc, Thanh Trì, Hà Đông, có Tú Tài Pháp, dạy bậc trung học, vừa là vai em bà con vừa là bạn thân với Mẹ tôi (cùng là nhà giáo). Gần nhà nên cô Tường hay sang chơi và tâm sự  với Mẹ tôi về chuyện nọ,chuyện kia. Trước khi ông Thiều qua đời vì bệnh ung thư bàng quang năm 1965 (1909-1965) đã tiết lộ việc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hồi bị Tây bắt đã khai hết tên tuổi các đồng chí nên nhiều người sau đó đã bị Tây sát hại. Ông Thiều coi ngành Bảo Tàng nên đọc được các tài liệu đó do Tây để lại nhưng không muốn nói ra, sợ … “Bác Hồ buồn”. Hồi đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được đề cao qúa mức như trong bài viết của Trung tướng Nguyễn Đình Ước,Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam : “Nguyễn Chí Thanh : một người cộng sản kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân. Ba lần bị thực dân Pháp bắt , bị tra tấn giam cầm  nhưng trước sau đồng chí vẫn giữ khí tiết người cộng sản, tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc và tìm cách vượt ngục tiếp tục hoạt động..”. Nên trước khi chết, ông Đặng Xuân Thiều đã buộc lòng phải nói lại  với gia đình và một số đồng chí thân tín về chuyện đó.

- Ông Đặng Xuân Khu : Sinh năm 1907 là trưởng nam ấm sinh Đặng Xuân Viện và là cháu nội Tiến sĩ tuần phủ Đặng Xuân Bảng, ông nghè đầu tiên của làng Hành Thiện. Ông học đến năm thứ ba trường Thành Chung Nam Định thì tham dự cuộc bãi khóa để cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Chí sĩ Phan Chu Trinh (qua đời tại Sài gòn ngày 24 tháng 3 năm 1926) nên bị đuổi học. Sau ông học trường Cao Đẳng Thương mại được ba năm thì thôi học và gia nhập đảng Cộng sản năm 1930. Người Hành Thiện cho rằng tuy đối với thời bấy giờ ông Khu cũng là bậc trí thức nhưng đối với các bậc tiền bối của Hành Thiện thì ông Khu còn thua kém nhiều nên phải đi làm cách mạng để tìm một lối khác tiến thân. 

Những người ở gần ông cho biết ông rất nhã nhặn, có tình gia đình như đa số những người Hành Thiện khác lại còn giữ được chất quê của làng Hành Thiện và không thông minh lắm..  Điều đó chưa chắc đã đúng.Việc ông liên tiếp làm Tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, chủ tịch hội đồng nhà nước rồi trở lại làm quyền tổng bí thư sau khi ông Lê Duẩn qua đời năm 1986 thì, dù ông có là người thông minh như ông nội là Cụ nghè Đặng Xuân Bảng, thì ông cũng phải cảnh giác và tự cải tạo thành một người kém thông minh để tinh hoa không phát tiết ra ngoài mà tồn tại.

Ông Đặng Xuân Khu luôn luôn là người số 2 sau ông Hồ. Hồi ông Hồ về nước (1941) nằm ở hang Pắc Pó, ông Khu lên gặp và hai người đã thoả thuận với nhau là ông Khu sẽ nói cho các đồng chí biết là ông Hồ được cộng sản quốc tế phái về nước, còn ông Hồ sẽ chỉ định ông Khu làm tổng bí thư. Thực ra đế quốc cộng sản Nga không phái ông Hồ về nước vì chưa tin ông Hồ. Ông Hồ có gốc tư sản phong kiến, cha ông là cụ Nguyễn Sinh Huy cùng đậu Phó bảng năm Tân Sửu (1901) với cụ Phan Chu Trinh. Ông Hồ được Liên xô đánh giá là còn để ý niệm quốc gia dân tộc lên trên việc đấu tranh giai cấp. Khi ông Lê Hồng Phong chết, chức Tổng bí thư còn khuyết nên ông Khu muốn nhờ ông Hồ phải là người được cộng sản Nga trao trách nhiệm thì mới đủ thẩm quyền chỉ định cho ông Khu làm tổng bí thư vì tình hình hồi đó không tổ chức họp đại hội đảng để bàu Tổng Bí Thư được..

Năm 1955 sau khi bị Mao Trạch Đông và Staline thúc dục nhiều lần, ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam  quyết định thi hành việc cải cách ruộng đất và ông Đặng Xuân Khu được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cải cách ruộng đất này. Cuộc đấu tố rùng rợn, khủng khiếp, phi nhân đến chừng nào để hơn một trăm ngàn  người chết thì tôi chẳng cần phải viết thêm làm gì vì chyện đó nay đã được công khai nói ở trong nước. Gần đây nhà văn Cộng sản Tô Hoài đã viết lại trong cuốn “Ba Người Khác” vừa được xuất bản. Nhiều người cho rằng ông Trường Chinh đấu tố cả bố mình thì không đúng. Chính ông đã cho người về làng Hành Thiện cõng ông Bốn Đễ (tên tục của Ấm sinh Đặng Xuân Viện, thân sinh ông Trường Chinh) lên Hà Nội kịp, vì ông Bốn Đễ hồi đó ốm nặng không đi được. Ông Năm Thêm (em ông Bốn Đễ, làm nghề mạ vàng bạc cho các tượng nhà thờ) không chạy kịp, bị đấu tố và bị nhốt vào cầu tiêu nhiều ngày. Việc này làm cho vài vị trong trung ương trách ông Trường Chinh không mách bảo cho họ để họ di tản cha mẹ kịp thời như ông Trường Chinh. Thực ra,ông Trường Chinh  và các vị lãnh đạo cũng không nắm được mức độ đấu tố đến đâu vì chưa từng làm việc đó và cũng không được trực tiếp điều hành. Mọi việc đấu tố đều nằm trong tay Tổng cố vấn Tầu cộng họ Triệu cùng đoàn cố vấn của ông ta.

Bố vợ Bộ trưởng Y Tế Đặng Hồi Xuân  (cháu ông Đặng Xuân Khu) là cụ Đinh Khắc Tánh (em ruột bà ngoại tôi) bị bắn chết hôm trước thì hôm sau Chủ Tịch Hồ chí Minh ban lệnh ngưng đấu tố. Chủ tịch Hồ chí Minh qua Liên xô gặp Staline để cầu viện cho một cuộc kháng chiến chống Pháp trước trận Điện Biên Phủ. Khi về nước ông chỉ tường trình với Ban Thường vụ trung ương là “ Xtalin khuyên chúng ta chú trọng toàn bộ vùng rừng núi phía tây, nắm được vùng này thì sẽ nắm được quyền làm chủ cả nước”. (theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). [Nhưng, buổi tối  khi chung quanh đã yên tĩnh, Bác ngồi trầm ngâm và nói với chúng tôi : “Liên xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình : “Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là ghế của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào ?”. Tới đây, chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung quốc hứa giúp ta kinh nghiệm và phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất”. Rồi Bác kể thêm, trong một buổi làm việc, thấy có cuốn họa báo Liên xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Xtalin đề nghị ký một chữ làm kỷ niệm. Xtalin vui vẻ ký rồi chuyển cho các đồng chí Môlôtốp, Kazanôvích ngồi bên ký tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau không còn thấy tờ .báo. Bác không bình luận gì về chuyện này] (theo hồi ức của Đ.T.Võ Nguyên Giáp).

Người bênh cho rằng, “Bác Hồ có tinh thần quốc gia dân tộc, bị Nga Tầu ép nên phải bó buộc khởi động cuộc cải cách ruộng đất rồi ngưng lại ngay khi đã qúa trớn”. Người ghét thì kết tội ông Hồ là độc ác để chủ nghĩa cộng sản đấu tranh giai cấp lên trên tính mạng của nhân dân. Lịch sử sẽ phán xét cũng như trước kia Gia Long bị kết tội “Cõng rắn cắn gà nhà” dẫn đến nạn mất nước vào tay thực dân Pháp mà nay lại công nhận Gia Long có công lớn thống nhất sơn hà, mở mang bờ cõi.

Có một điều khá chắc chắn là ông Hồ biết rõ đa số không thích cộng sản, sợ cộng sản nên cố dấu cái nhân cộng sản đó bằng việc trước kia lập ra Mặt trận Việt Minh (Việt nam độc lập đồng minh hội), chính phủ liên hiệp và rất ngần ngừ trong việc khởi động đấu tranh giai cấp. Ông Hồ, ít nhất, là người rất khôn. (Chú thích : Việt cách : Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn hải Thần , và Việt Quốc là tên gọi tắt của Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học).

Nếu Mỹ không ủng hộ thực dân Pháp  trở lại Việt Nam hồi 1945, 1946 và tiếp tục là đồng minh với Việt Minh như trong thời kháng Nhật thì nước Việt Nam có đi theo hướng dân chủ cộng hòa như trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9,1945 ? Việt Minh có quay lưng lại với cộng sản Nga Tầu để đi với Mỹ như ước vọng của ông Hồ khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập hay chỉ là một chiêu bài tạm thời của người cộng sản để diệt các phe đối lập ? Không thể biết đưọc. Lịch sử không có chữ “Nếu”.

Thôi, xin giới hạn bài này trong những câu chuyện về làng Hành Thiện và tôi xin kể tiếp, sau tháng 4, 1975 ông bà Trường Chinh vào Nam thăm họ hàng bà con Hành Thiện, gặp nhau vui vẻ,niềm nở. Bà Trường Chinh (nhũ danh Nguyễn Thị Minh), con gái ông Tư Thuần (em thứ tư ông nội mẹ tôi) có người chị ruột là bà Phán Thiệu (Đặng Vũ Thiệu) ở Sài gòn lúc bấy giờ. Bà Phán Thiệu có con trai là Bác sĩ Thú y Đặng Vũ Cảnh, rất nổi tiếng bên Pháp, có hai cô con gái lấy hai ông đại sứ VNCH (Phan Trọng Nhiễm và Phạm Trọng Nhân) và cô gái út là Đặng Thị Đào có chồng là sĩ quan cấp tá đi tù cải tạo. Ông chú bà cô Đăng Xuân Khu hứa với cô Đào sẽ can thiệp để chồng cô được thả về. Nhưng, không ăn thua gì. Cô Đào giận lắm, không nhận bà con họ hàng gì nữa. (Hiện cô Đào ở San José). Bà Khu cũng buồn nên khi về Hà Nội nhắn mẹ tôi “đến thăm cô kẻo cô chết mà không được gặp mặt”. Chắc ông Khu cũng nhức đầu vì chuyện bà con trách móc.

Xin nhắc lại chuyện ông Nguyễn Thế Vinh (cùng với ông Nguyễn Thế Rục và Nguyễn Thế Thạch) được ông Nguyễn Thế Truyền gửi sang Nga học trường Đại học Cộng sản Staline. Khi về Việt Nam ông Vịnh không hoạt động cho cộng sản nữa. Cuối năm 1945 ông Vịnh bị chính phủ Việt Minh bắn chết cùng với tuần phủ Cung Đình Vận và nhà văn Lương Đức Thiệp (đệ tứ quốc tế cộng sản). Ông Vinh là em ruột bà Trường Chinh.

Vào lúc cuối đời, vào thăm Đà Lạt, hai ông bà được ở trong Dinh Bảo Đại, nằm giường của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu, hai ông bà tỏ ra thích thú lắm nên bị phê bình “còn nhiều chất phong kiến” trong máu.

Ngoài đảng Cộng sản ra, các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong nước có Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tiền thân của Việt Nam Quốc dân đảng là Nam Đồng Thư Xã, do bà Đặng Thị Nhâm, người Hành Thiện, con cụ cử nhân Đặng Vũ Lễ cùng chồng là Phạm Tuấn Tài, anh chồng là Phạm Tuấn Lâm và Hoàng Phạm Trân (nhà văn Nhượng Tống) đứng ra góp vốn mở tiệm sách và nhà xuất bản các loại sách ái quốc, cách mạng ở khu Nam Đồng Hà Nội, đã lôi cuốn được nhiều phần tử ái quốc. Nhiều sinh viên đại học hay lui tới Nam Đồng thư xã để xem sách, dự các buổi hội thảo chính trị như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… Nhóm Nam Đồng thư xã hô hào đòi ân xá Cụ Phan Bội Châu, tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và đi đến việc thành lập một đảng cách mạng theo khuôn khổ Quốc dân đảng Trung Hoa, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, với sự gợi ý của Hứa Gia Ngữ, một đảng viên Trung Hoa quốc dân đảng ở Hà Nội.

Vào trưa ngày 16 tháng 2, 1930 có 5 phi cơ Pháp liệng xuống làng Cổ Am tỉnh Hải Dương (chiến khu của Việt Nam Quốc dân đảng) 57 trái bom từ đầu làng tới cuối làng rồi bay rất thấp, xả súng liên thanh xuống làng : Nhà cháy, cây cối bị thiêu, dân làng bị tàn sát. Ngày 12 tháng 6, 1930 lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính cùng các đồng chí cả thẩy 13 người lên đoạn đầu đài chịu án tử hình. Ông Phạm Quỳnh lên án các hành động qúa khích và bạo động chống chính phủ Đông Dương. Ông viết trật tự là cần thiết, phá rối trật tự là làm  chậm bước tiến của dân tộc (báo France-Indochine xuất bản tại Sài gòn ngày 9 tháng 6, 1930). Ông Nguyễn Thế Truyền, người Hành Thiện, bênh vực Việt Nam Quốc Dân đảng , đòi phải triệt hồi Toàn quyền Réne Robin vì đã khủng bố Việt Nam Quốc dân đảng và cho ném bom triệt hạ làng Cổ Am.

Ngoài việc tham gia các phong trào, đảng phái cách mạng quốc gia trong nước, người Hành Thiện còn tham gia Phong Trào Đông Du trước đây (Làng Hành Thiện đã từng là thành trì của Phong trào Đông Du chống Pháp) và Phong trào Tây Du sau này mà lãnh tụ là nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

Ông Nguyễn Thế Truyền sinh năm 1898, kém ông Hồ chí Minh 8 tuổi và hơn ông Đặng Xuân Khu 9 tuổi. Ông là con Tú tài Tri phủ Nguyễn Duy Nhạc và cháu đích tôn Cử nhân Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn (anh ruột ông Tư Thuần, bố bà Đặng Xuân Khu). Được ông nội lúc đó làm Tuần phủ Thái Bình gửi Phó công sứ Pháp tại Thái Bình là Dupuy đưa sang Pháp học lúc mới 12 tuổi (1910). Lúc ra đi, cụ Tuần nắm tay cháu dặn dò cố học lấy cái bằng Tú tài Pháp (hay bằng Brevet superieur) rồi cụ sẽ cho về thăm nhà. Nào ngờ đó là lần cuối ông cháu gần nhau. Cụ Tuần bị qủa bom của Phan Văn Tráng trong nhóm Việt Nam Quang phục hội  (Nhóm Đông Du của cụ Phan Bội Châu) hạ sát năm 1913 tại trước Dinh Tuần phủ Thái Bình.

Cậu Truyền học rất xuất sắc, học nhẩy ba lớp nên chỉ 5 năm sau đỗ Brevet superieur (ngang với Tú tài).Cậu về Hành Thiện thăm quê hương với tất cả hào quang của một thiếu niên trí thức nhất làng. Ông Pierre Đỗ Đình trong tạp chí France Indochine số tháng 5, 1953 kể lại chuyện ông Nguyễn Duy Nhạc dẫn cậu Truyền lại thăm gia đình ông. Mọi người chờ đợi cậu Truyền đến nhà để nghe cậu nói tiếng Pháp chắc là hay một cách tuyệt vời. Vì hồi đó nhiều học sinh Việt Nam du học bên Pháp khi về nhà chỉ nói toàn tiếng Pháp và hay giả vờ quên tiếng mẹ đẻ rồi. Nhưng gia đình ông Pierre rất ngạc nhiên và thất vọng vì cậu Truyền chỉ nói tiếng Việt, rất bẽn lẽn và lễ độ, vẫn giữ nguyên phong thể một người Việt Nam. Sau này khi ông Truyền viết báo cũng luôn luôn tự hào là người Việt Nam và hãnh diện nói tiếng “Mẹ ru từ lúc nằm nôi”.

Ở Hành Thiện một năm, cậu Truyền thuyết phục các thanh niên họ Giáp Nguyễn sang Pháp du học. Năm 1916 cậu trở lại Pháp, dắt theo Nguyễn Thế Phu (chú ruột), Nguyễn Thế Tắc (em họ) và sau này là Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Thế Thạch (ba người này là chú họ). Tất cả sau này đều làm cách mạng với Nguyễn Thế Truyền tại Pháp.

Sau 4 năm (1916 đến 1920) cậu Truyền tốt nghiệp Kỹ sư Hoá học và Cử nhân Khoa học ban Lý Hoá. Cậu là người Bắc Kỳ đầu tiên đậu cử nhân Khoa Học nên được trọng vọng, coi như một thần tượng. Người Bắc Kỳ thứ nhì đậu cử nhân Khoa học tại Pháp là ông Hoàng Cơ Nghị (Hà Đông), đậu năm 1923. Ở Hành Thiện một năm, cậu Truyền học chữ Hán với cụ Cả Cung và lấy vợ là con gái ông cả Thông (Phạm Ngọc Thông). Vợ cậu tên là Phạm Thị Luyến trạc tuổi cậu. Đám cưới rất linh đình, cậu Truyền đi cáng võng được che một lọng cùng đám rước dâu đến nhà nhạc gia. Dẫn đầu đám rước dâu là một ban nhạc Tây phương có kèn Tây, trống Tây tiến đến nhà cụ Phạm Ngọc Thông, cử hai bài nhạc Tây phương nghe rất hùng tráng rầm rô. Cô dâu đi võng được che một lọng về nhà chồng. Đám cưới qua giong nào đều có pháo treo ở cổng giong từ nóc cổng giong đến sát đất nổ vang. Giong tức là đường xuyên qua làng Hành Thiện theo chiều ngang. Tiệc cưới rất lớn được tổ chức tại từ đường cụ Tuần Nguyễn Duy Hàn có đến hai trăm người dự. 

Nhưng có một điều lạ là chú rể đêm động phòng hoa chúc lại không vào phòng cô dâu mà ngủ ngoài chõng trên hiên nhà. Sau mọi người mới vỡ lẽ. Cô dâu được nhà trai dạm hỏi từ lâu, cha mẹ chồng đã biết mặt con dâu. Trước ngày cưới chú rể muốn biết mặt cô dâu, cụ bà Nguyễn Duy Nhạc cho nhà gái biết ý muốn của chú rể. Nhà gái báo tin là một ngày nhất định nào đó, cô dâu sẽ đi chợ Dưới vào khoảng trưa và chú rể sẽ đi kèm theo một người biết mặt cô dâu để chỉ cho chú rể rõ.

Đến ngày giờ nhất định, cô dâu đi chợ  và vì bẽn lẽn nên yêu cầu chị ruột đã lập gia đình, đã có con đi kèm. Đến chợ, người đi theo chú rể chỉ hai người phụ nữ trẻ đẹp và bảo chú rể là người trẻ là vị hôn thê. Chú rể thấy rất hợp mắt, về nói với gia đình là rất ưng ý và dục làm lễ cưới ngay. Nào ngờ khi gặp hai con gái cụ cả Thông, chú rể nhìn thế nào tưởng người là hôn thê của mình lại là người chị ruột. Ông nhận đã nhầm lẫn. Ông nhờ cha mẹ xin lỗi cụ cả Thông và cho cô dâu mấy chữ để lấy chồng khác vì ông không muốn cô dâu phải vì mình mà dang dở cuộc đời. Người chị ruột cô Luyến là Phạm Thị Chắt (tức bác giáo Đạt gái, thân mẫu anh Nguyễn Thế Đại (Tổng thanh tra Giám sát viện) của tôi. Sau này khi bác giáo Đạt trai mất, ông Truyền tìm cách gặp lại Bác gái. Ông nhờ anh Nguyễn thế Việt (mẹ và anh cả của anh Việt bị chôn sống hồi cải cách ruộng đất) rủ anh Nguyễn Thế Đại lại thăm ông để ông có cớ lại thăm để gặp bác gái. Ông mời Bác gái đi ăn cơm nhưng bác từ chối. Ông Truyền là một người thật si tình. Chỉ thoáng nhìn trong mấy giây đồng hồ mà như coup de foudre ôm hận cả đời.

Ngay từ thưở thiếu thời, ông Truyền làm gì cũng muốn trội hơn người khác. Đi học lúc nào cững cố gắng đứng đầu lớp mà chơi cũng rất ngông. Ông chơi diều dài gần ba thước tây, sáo diều dài 30 cm. Khi thả diều của ông ngân vang to hơn các diều khác. Tết Bính Thìn (1916) và Tết Quý Dậu (1921) ông ăn tết ở làng, mỗi tết đốt hết 4 thùng sắt tây pháo bánh và pháo đùng suốt từ đêm 30 đến tối ngày mùng hai. Quan Tri phủ Xuân trường yêu cầu ông đừng đốt pháo đùng vì nghe như tiếng súng, ông không chịu, nói là ngày Tết thì muốn đốt pháo gì thì đốt. Mỗi khi đi cắt tóc, ông Truyền trả cho thợ cạo một đồng bạc thay vì chỉ có 5 xu. Bà mẹ ông than ông hoang phí qúa, ông trình mẹ : “Thỉnh thoảng đem sự vui mừng bất ngờ cho người khác, khiến lòng mình cũng được vui lây”.

Các cụ khoa bảng Hành Thiện thấy ông Nguyễn Thế Truyền có nhiều cử chỉ ngang tàng nhưng thấy ông tiếp xúc với mọi người lại rất nhã nhặn lễ độ, khi tiếp xúc với các cụ ông lại đề cao vai trò của các nhà nho nên các cụ rất qúi mến ông. Ông thích đọc sách chữ Hán và hay đến nhà các cụ mượn sách chữ Hán hay nói chuyện với các cụ về triết lý Á Đông, triết lý tây phương. Các cụ thấy ông có nhiều nhận xét xác đáng về Nho học nên rất phục ông là tuy theo Tây học mà hiểu thấu Nho học. Ông Nguyễn Thế Truyền ca tụng nền văn hóa Á Đông, ca tụng học thuyết Khổng Mạnh, khen thơ Đường hay hơn thơ Tây vì ý tưởng trong thơ được diễn tả một cách cô đọng hàm xúc, vì nhạc điệu thơ Đường vô cùng quyến rũ. Ông thường nói với các cụ là chỉ có Nho giáo mới cứu được Việt Nam.

Ông trở lại Pháp trong năm 1921. Chỉ một năm rưỡi sau ông đậu cử nhân văn chương triết học trong khi thường ra phải học ba bốn năm mới xong. Trước khi làm chính trị ông lấy cô đầm Pháp Madeleine Marie Clarisse Latour, người duyên dáng xinh đẹp  đảm đang và sanh được 4 người con: hai trai và hai gái.

Vào năm 1922 ông bắt đầu hoạt động cách mạng cùng hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và hai ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành trong Hội Liên hiệp thuộc địa (Union Intercoloniale) tại Paris và viết báo Le Paria (Người Cùng Khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội này.

Vào các năm 1922, 1923 nhóm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền , Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh chơi thân với nhau, gặp gỡ nhau luôn tại nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13 Paris là nhà riêng của cụ Phan Văn Trường. Đồng bào Việt Nam tại Paris gọi nhóm này là Nhóm Ngũ Long. Ông Hồ Hữu Tường trong cuốn hồi ký “Bốn mươi năm làm báo” có kể một giai thoại về nhóm ngũ Long, nguyên văn như sau : Người ta cho đó là năm con rồng, bởi người Việt xưng mình là rồng. Linh hồn của nhóm Ngũ Long là cụ Phan Chu Trinh. Và khi chường ra công chúng, nhất là khi viết báo chống thực dân thì ý kiến thường do cụ Tây Hồ xướng ra. Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp và Nguyễn Tất Thành đem giao cho các nhà báo với một bút hiệu chung.

Về cái bút hiệu này, có một giai thoại kể ra buồn cười. Lúc đầu các cụ chọn bút hiệu Nguyễn Ố Pháp, nghĩa là thằng Nguyễn ghét người Pháp. Bút danh này được độc giả Pháp hoan nghênh lắm vì giọng nói dí dỏm đặc  biệt của người Việt lại thêm câu văn của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền gọt rũa. Độc giả gửi thư đến nhà báo hỏi Nguyễn Ố Pháp là ai và tên ấy có nghĩa gì ? Các cụ buộc lòng phải dịch cho ngay tình. Các bạn Pháp phản đối cái tên cực đoan và dễ ghét mà tiếng Pháp gọi là “chauvin” và đề nghị đổi đi. Từ đó bút hiệu Nguyễn Ố Pháp được đổi ra Nguyễn Ái Quốc. Về sau tên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Nguyễn Tất Thành.

Ông Nguyễn Thế Truyền sắp trình luận án tiến sĩ quốc gia khoa học về Vật lý thiên văn vào năm 1923 thì bị chính quyền Đông Dương ngưng cấp học bổng cho ông. Ông liền bỏ việc trình luận án và dành hết thì giờ để hoạt động cách mạng. Ông được Hội Liên Hiệp Thuộc địa  mời làm chủ bút báo Le Paria từ năm 1924. Ông đảm nhiệm chức vụ này cho đến hết năm 1925 thì xin từ chức để lo xuất bản tờ Việt Nam Hồn được viết bằng Việt ngữ, Pháp ngữ và chữ Hán. Ngoài tờ  Việt Nam Hồn, ông còn cho ra đời tờ Phục Quốc cũng được viết bằng ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán…

Trong các tờ báo chống thực dân Pháp vào khoảng thập niên 1920, tờ được nhiều người say mê đọc nhất  là Việt Nam Hồn xuất bản ở Paris. Việc ra báo Việt nam Hồn viết bằng tiếng Việt là ý kiến của ông Nguyễn Ái Quốc.  Nhưng việc ra báo của ông Nguyễn Ái Quốc không thành vì số người đặt mua không tới một trăm người.

Đến cuối năm 1925 sau khi ông Nguyễn tất Thành đã đi Liên xô được hai năm rưỡi rồi, ông Nguyễn Thế Truyền muốn thực hiện việc ra báo Việt Nam Hồn bằng tiếng Việt, ông kêu gọi Việt kiều tại Pháp ủng hộ.Thấy đích thân ông Truyền làm chủ bút tờ báo, Việt kiều hưởng ứng đặt mua đến hàng ngàn người. Lúc đầu tờ báo in 2000 số có lúc tăng tới 10,000 số.

Trong cuốn “Tuấn, chàng trai nước Việt” tác giả Nguyễn Vỹ tả nỗi say mê đọc báo Việt Nam Hồn  của các học sinh Trường cao đẳng tiểu học Qui Nhơn. Có nhiều cô cậu học sinh ở Qui Nhơn qúa xúc động nức nở khóc về nỗi dân tộc Việt Nam bị sống trong vòng nô lệ. Học sinh truyền tay nhau đọc tờ  Việt Nam Hồn khiến tờ báo nhàu nát, phải dán lại từng mảnh. Và học sinh đã thưộc lòng bài thơ đăng trên Việt Nam Hồn như sau :


Hăm nhăm triệu đồng bào nổi dậy

Đuổi quân thù ra khỏi giang sơn

Chớ sao ngậm oán nuốt hờn

Để mang tủi nhục cho hồn Việt nam.


Vì say mê đọc báo Việt nam Hồn nên ông Tạ thu Thâu học sinh trung học năm 1926, mỗi khi có tàu biển ở Pháp về đều ra bến tàu đón tìm gặp các thủy thủ Việt Nam đem báo này về để được đọc báo trước mọi người. Cả các nhà cách mạng lão thành đã từng bị kết án tù và bị giam ở Côn Đảo như cụ Nghè Ngô Đức Kế, chủ bút báo Hữu Thanh ở Hà Nội và cụ cử nhân Lương Văn Can, cựu giám đốc trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng cố tìm đọc tờ  Viẹt Nam Hồn. Mật thám Pháp khám nhà hai cụ, bắt được báo Việt Nam Hồn trong nhà. Ai ai cũng hỏi Nguyễn Thế Truyền là ai ? Họ coi ông như một thần tượng ngang với cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.

Về tài ba của ông Nguyễn Thế Truyền thì một tác giả cộng sản là Nguyễn Khải trong cuốn tiểu thuyết “Gặp gỡ cuối năm” xuất bản năm 1982 chê ông Nguyễn Thế Truyền là sao lại theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi và phản đối chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng xác nhận ông Nguyễn Thế Truyền viết văn Pháp “hay nhất nước Việt nam”. Thật sự ông Nguyễn Thế Truyền tài cao học rộng thông minh lỗi lạc, viết văn và diễn thuyết đều có sức thu hút người đọc người nghe, có óc tổ chức, có tài lãnh đạo, đôi khi ông hơi nóng nẩy khi thấy việc làm sai quấy của người khác nhưng ông giàu lòng nhân ái nên được giới sinh viên Việt nam, giới lao động Việt nam, các cụ nhà nho, và mọi giới Việt nam tại Pháp coi như lãnh tụ của họ.


Ông Nguyễn Thế Truyền và việc cụ Phan Chu Trinh về nước


Từ đầu năm 1924 trở đi, sức khoẻ của cụ Phan Chu Trinh sút kém, phải nằm bệnh viện. Ông Nguyễn Thế Truyền hàng ngày đến bệnh viện chăm sóc cụ. Cụ Phan ngỏ ý muốn về nước thăm quê hương và gia đình sau 14 năm xa cách. Khi cụ ra khỏi bệnh viện, ông Truyền dắt cụ đi lo việc này. Cụ Phan Chu Trinh nói được tiếng Pháp, đọc được báo Pháp nhưng không rành lắm nên khi tiếp xúc với các chính khách hay các thân hữu Pháp thường rủ ông Nguyễn Thế Truyền đi theo. Ông Truyền thảo đơn xin về nước giúp cụ Phan và làm thủ tục xin nhập Pháp tịch cho cụ để khỏi bị Pháp bắt giữ ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn cẩn thận yêu cầu Hội Nhân Quyền chuẩn bị can thiệp cho cụ Phan nếu cụ gặp rắc rối. Như vậy ông Nguyễn Thế Truyền đã góp công không nhỏ trong việc vận động cho cụ Phan về nước sống an toàn.


Ông Nguyễn Thế Truyền với việc Cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt năm 1925


Theo lời khai của ông Nguyễn Thế Vinh tại sở Mật Thám Hà Nội  hồi tháng 8, 1931 thì việc Pháp bắt giam cụ Phan Bội Châu năm 1925, bên Pháp không ai biết nếu không có ông Nguyễn Thế Truyền thông báo cho Việt kiều hay. Khi được tin cụ Phan Bội Châu bị bắt, ông Truyền đã quần áo xốc xếch đến báo tin cho Hội Liên Hiệp Thuộc địa, và ông chạy từ quán cà phê này sang quán cà phê khác trong đó có khách hàng Việt nam, ông chạy từ nhà này tới nhà khác của người Việt Nam báo tin cho Việt kiều biết là cụ Phan Bội Châu bị bắt, yêu cầu tất cả kiều bào có mặt trong cuộc biểu tình ngày 9 tháng 10, 1925 do ông tồ chức để phản đối Pháp tại hội trường Hội Bác học Paris. Ông Hoàng Ngọc Hải nhân danh các người lao động Việt Nam. tại Pháp đọc diễn văn tiếng Việt do ông Nguyễn Thế Truyền sọan thảo. Và khi đến lượt ông Nguyễn Thế Truyền, ông ứng khẩu nói tiếng Pháp, không mảnh giấy trong tay. Ông nói hùng hồn, cảm động khiến cử tọa phải chia sẻ quan điểm của ông.


Tình bạn giữa ông Nguyễn Thế Truyền và ông Nguyễn An Ninh


Ông Nguyễn An Ninh là bạn chí thân của ông Nguyễn Thế Truyền, là người có trí thông minh vượt bực, trọng nghĩa khinh tài, đã cưu mang giúp đỡ ông Truyền rất nhiều về tài chánh. Trước khi cấp tiền cho ông Nguyễn An Ninh đi du học tại Pháp, cụ thân sinh ông đưa ông đến lăng Ông Bà Chiểu Gia Định bắt thề không bao giờ làm tay sai cho Pháp sau khi đỗ đạt. Sang Pháp trong một niên học 1920-1921 ông đậu liên tiếp ba phần cử nhân Luật khiến giới đại học Pháp phải ngạc nhiên. Ông viết báo Pháp lời văn vừa chải chuốt vừa hùng mạnh khiến người Pháp phải thán phục. Ông viết cuốn “La France en Indochine” năm 1925 và trao cho ông Truyền để phổ biến. Bộ Thuộc địa và Phủ toàn quyền tìm hết cách ngăn chặn quyển sách này. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, ông bị bắt và bị đầy ra Côn Đảo. Ông mất tại đây vào tháng 7 năm 1943. Các bạn tù nhặt đá mỗi khi đi công tác để xây cho ông một ngôi mộ rất lớn để ngưỡng mộ một nhà đại ái quốc. Trước năm 1975 đoàn Thanh Niên Gió Khơi của tôi có đưa sinh viên học sinh ra Côn Đảo viếng mộ Nguyễn An Ninh.


Ông Nguyễn Thế Truyền viết bài tựa cuốn “Le Procès de la colonisation francaise” (Bản án chế độ thực dân Pháp) của ông Nguyễn Ái Quốc


Trước khi đi Mạc Tư Khoa (2 tháng 4, 1923) ông Nguyễn Ái Quốc là một người có tinh thần quốc gia dân tộc, đã hoạt động cách mạng bên cạnh các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Khi còn ở Pháp ông có viết cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp, giao bản thảo cho ông Nguyễn Thế Truyền  và nhờ ông Truyền sửa chữa, viết bài tựa và cho in tại Pháp. Sách được ông Truyền in ra năm 1926 với bài tựa của ông Nguyễn Thế Truyền. Vậy cuốn sách đó thực  sự là của Nguyễn Ái Quốc chứ không phải của ông Truyền như lời đồn đại. Sau này chính ông Truyền cũng xác nhận như vậy với lão thi sĩ Hà Thượng Nhân khi gặp nhau tại nhà ông Phan Khắc Sửu ở Hànội. Ông Truyền cười nói : “Đâu phải lối viết tiếng Pháp của tôi”.

Đối với ông Nguyễn Thế Truyền, ông Nguyễn Ái Quốc rất kính nể, vì biết ông Truyền thương ông chỉ vì hoàn cảnh không được tiếp tục học ở trường Quốc học ở Huế nhưng nay biết cố gắng học hỏi. Ông Nguyễn Ái Quốc trước khi xem một cuốn sách nào thường nhờ ông Nguyễn Thế Truyền nói tóm lược các ý chính, rồi sau ông mới vừa đọc vừa tra tự điển. Ông Nguyễn Ái Quốc ngày nào cũng tìm gặp ông Nguyễn Thế Truyền để học hỏi cho rộng kiến văn. Cũng vì tin cậy ông Nguyễn Thế Truyền, coi ông Truyền như người bạn thân nhất trên đời nên ông Nguyễn Ái Quốc trao cho ông Nguyển Thế Truyền cuốn “Le procès de la colonisation francaise” trước khi đi Liên Xô để nhờ sửa chữa,viết bài tựa và đem in..


Ông Nguyễn Thế Truyền và Đảng Cộng sản Pháp. Ý kiến của ông Truyền về chủ nghĩa cộng sản


Đảng Cộng sản Pháp ra đời năm 1920 với đường lối của đảng Cộng sản Liên xô, bênh vực dân thuộc địa (kể cả thuộc địa của Pháp) và đòi chính phủ Pháp phải trả ngay độc lập cho các xứ bị trị.

Cũng như ông Nguyễn Ái Quốc (đi Nga năm 1923), ông Nguyễn Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp để học hỏi và tìm phương tiện cứu nước. Vì ông mưu đồ đòi độc lập cho Việt Nam, cần có các cán bộ được huấn luyện kỹ càng  về quân sự, về phương pháp tổ chức, lãnh đạo quần chúng để giúp ông nên ông nhờ đảng Cộng sản Pháp giới thiệu với đảng cộng sản Liên xô cho các người thân tín của ông là các ông Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Đặng Đình Thọ, Bùi Công Trừng được nhập học trường Staline tại Mạc Tư Khoa. Vì thấy trường Staline huấn luyện hữu hiệu các sinh viên nên Thống chế Tưởng Giới Thạch tuy chống việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Trung Hoa cũng gửi con trai là Tưởng Kinh Quốc sang học trường này.

Cũng như ông Ngưyễn Thế Truyền, hai cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và ông Nguyễn An Ninh chỉ muốn mượn các phương tiện của cộng sản để mưu việc đòi độc lập cho Việt Nam chứ không tán thành việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Theo ông E. Babut thì cụ Phan Chu Trinh có nói với ông Nguyễn Ái Quốc rằng chủ nghĩa cộng sản mà đem tuyên truyền ở Việt Nam thì là một điều nguy hiểm vì dân Việt Nam còn có gì  mà san sẻ ngoại trừ sự cùng khổ, trước hết, dân Việt Nam hãy lo làm giàu đi đã, sau hãy nghĩ đến việc phân chia tài sản một cách công bình. Cụ Phan Văn Trường thì chê chủ nghĩa mác xít là hẹp hòi và cho là dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần giáo lý của Đức Phật Thích ca lấy từ bi bác ái làm tôn chỉ trong cuộc sống không thể chấp nhận chủ nghĩa Mác xít xây dựng trên hận thù được.

Ông Nguyễn Thế Truyền đã vì quyền lợi tối cao của Việt nam mà thân cộng rồi chống cộng triệt để như Giáo sư Hémery nói đến việc ông Nguyễn Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp vào thời kỳ ông viết báo Le Paria và rút chân ra khỏi đảng này vào năm 1926 trước khi lập đảng Việt Nam độc lập. Cũng vào năm 1926 ông trả lại thẻ đảng Cộng sản Pháp. Ông cho đảng Cộng sản Pháp biết là sau khi học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, ông thấy chủ nghĩa này không thể áp dụng ở Việt Nam được vì trái với truyền thống đạo đức Việt  Nam. Ông Nguyễn Thế Truyền cho rằng ở Việt Nam không có giai cấp rõ rệt, toàn thể dân Viêt nam là một giai cấp bị thực dân thống trị, vậy toàn thể dân Việt Nam phải đoàn kết chống thực dân, thuyết giai cấp đấu tranh không thể áp dụng giữa các tầng lớp nhân dân Việt nam được.. Ông Nguyễn Thế Truyền hiểu rõ lý thuyết cộng sản, ông chủ trương chống cộng ngay từ năm 1926 khi chưa có đảng cộng sản Việt Nam vì mãi đến năm 1929 mới thấy đảng này xuất hiện ở Việt Nam. Ông cho rằng muốn tạo một xã hội tự do, công bằng, nhân đạo  thì chỉ có cuộc cách mạng quốc gia mới làm được vì cách mạng vô sản chỉ đạp đổ một bất công để tạo ra một bất công khác, chỉ đạp đổ một đế quốc để rước lấy gánh nặng một đế quốc khác, chỉ phá bỏ một xiềng xích nô lệ để cột dân chúng vào một xiềng xích nô lệ khác.

Chắc chắn trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam có nhiều người (nhất là các vị gốc làng Hành Thiện) không hoan hỉ lắm với việc đấu tranh giai cấp kiểu Nga Tầu (chính ông Hồ chí Minh đã ngần ngừ… ngần ngại vì ông rất thông minh ). Họ ở trong cái thế “gân gà” của Tào Tháo trong Tam Quốc.

Đến năm 1927, ông Nguyễn Thế Truyền lập ra đảng Việt Nam Độc lập mà ông làm chủ tịch để tranh đấu công khai, bất bạo động, đòi quyền độc lập cho nước nhà.. Sau khi ông Nguyễn Thế Truyền đáp tàu thủy về nước vào tháng 12, 1927 thì đảng Việt Nam Độc lập được ông Nguyễn Văn Luận và Tạ Thu Thâu lãnh đạo. Ở Việt nam từ đầu 1928 cho đến tháng 2, 1934 ông Nguyễn Thế Truyền bị mật thám Pháp  theo dõi nên không hoạt động cách mạng được.

Hồi đó có giai thoại là ông Nguyễn Thế Truyền đã tát tai Tổng đốc Thái Bình là Vi Văn Định tại bến đò Tân Đệ vào năm 1933. Ông Truyền nói với ông Hà Thượng Nhân : “Tôi là người có ăn học, lẽ nào lại đánh nhau ngoài đường. Ở bến đò Tân Đệ, Tổng đốc Vi Văn Định có chuyện đi gấp, đã ra lệnh đò đã ra giữa sông phải quay lại đón ông. Tôi hỏi tại sao rồi nói : “Việc gì phải quay lại ! Tổng đốc thì tổng đốc chứ”. Hương lý hỏi “Anh là ai mà dám ăn nói như vậy ?”.. Tôi trả lời : “Ta là Nguyễn Thế Truyền”. Có vậy thôi. Đâu có tát tai ai bao giờ !”.

Ông Nguyễn Thế Truyền sang lại Pháp tháng 3, 1934. Tại Pháp, ông thảo bản thỉnh nguyện thư của dân Đông Dương trình lên ông Tổng trưởng thuộc địa vào tháng 6, 1936  đòi chính quyền Pháp phải triệt hồi Toàn quyền René Robin về Pháp  vì viên Toàn quyền này hồi làm Thống sứ  Bắc Kỳ năm 1930 đã ra lệnh ném bom triệt hạ làng Cổ Am (Hải Dương) là nơi các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng hay hội họp. Vào cuối năm 1936  ông Nguyễn Thế Truyền thành lập Tập Đoàn Đông Dương (Rassemblement Indochinois) tại Paris, đòi trả tự do cho các ông Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh bị giam giữ.

Vào ngày 25 tháng 8, 1937 ông Ngưyễn Thế Truyền tới Phủ Thủ tướng Pháp gặp ông Thứ trưởng Phủ Thủ tướng là William Bertrand để trình bầy các nguyện vọng của dân Đông Dương. Ông Thứ trưởng tiếp ông Truyền trên một giờ, các nguyện vọng như đại xá các chính trị phạm, ban bố các quyền tự do chính trị, nghiệp đoàn, lập đại hội đồng Đông Dương được chấp thuận..

Ngày 17 tháng 10, 1937 ông Nguyễn Thế Truyền và ba đại biểu khác của Liên đoàn Toàn Dân Các Thuộc Địa đến Bộ Thuộc Địa tiếp xúc với ông ông Tổng trưởng  Marius Moutet xin hủy bỏ các nghị định về việc kiểm duyệt báo chí Việt ngữ, xin đừng đàn áp các phong trào chính trị tại các thuộc địa. Ông Marius Moutet chấp thuận các ý kiến của ông Nguyễn Thế Truyền và ba đại biểu nói trên nên sau đó báo chí quốc ngữ tại Việt Nam không còn bị kiểm duyệt nữa và các đảng phái chính trị tại  Việt Nam đưọc hoạt động công khai.

Ông Nguyễn Thế Truyền từ Pháp  về Việt Nam vào cuối năm 1938 và ở Hành Thiện. Khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) một số chính trị phạm Đông Dương đã được ân xá dưới thời Mặt Trận Bình Dân Pháp đã bị bắt trở lại. Vì vậy nên ông Nguyễn Thế Truyền và em ruột ông Nguyễn Thế Song bị bắt ngày 1 th6ang 5, 1941 bị đưa đi an trí tại Sơn La. Sau đó ông bị đưa đi an trí tạiMadagascar. Mãi đến tháng 8, 1946 hai ông mới được Pháp phóng thích và đưa về Việt nam. Thời kỳ 1941-1946 là thời điểm cực kỳ quan trọng để dành một thế lãnh đạo Viẽt Nam mà ông Truyền lại ở trong tù. Âu cũng là vận mệnh của đất nước ta.

Về Việt Nam, ông Nguyễn Thế Truyền khi thì ở Sài gòn khi thì ở Huế hay Hà Nội. Ông xuất bản tờ báo Thân Dân tại Sài gòn năm 1953. Cũng vào năm 1953 ông Nguyễn Thế Truyền trúng cử vào Hội đồng Thành phố Hà Nội với số phiếu nhiều nhất trong số 18 người trúng cử trong cuộc đầu phiếu của dân Hà Nội.


Cách đối xử của ông Hồ chí Minh với ông Nguyễn Thế Truyền


Báo Le Figaro xuất bản tại Pháp số ra ngày 20 tháng 9, 1969 nói ông Nguyễn Thế Truyền được trả tự do tháng 8, 1946 do sự can thiệp của ông Hồ chí Minh sau khi ông Hồ chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp ngày 8 tháng 3, 1946. Nguyên văn đoạn nói về việc này như sau : “M. Truyen a été relâché à la suite d’une intervention d’Ho chi Minh en 1946 après l’independance du Viet Nam”.

Ông Hồ chí Minh còn tỏ mối cảm tình nồng hậu đối với ông Nguyễn Thế Truyền bằng hai việc sau đây. Vào năm 1954 sau khi Hiệp ước Genève đuợc  ký kết, ông Hồ cho một cán bộ cao cấp Việt Minh tiếp xúc với ông Nguyễn Thế Truyền  tại Hà Nội, trao cho ông Nguyễn Thế Truyền một lá thư nhắc lại tình bạn thắm thiết giữa hai ông hồi 30 năm trước và mời ông  Nguyễn Thế Truyền ở lại Bắc Việt, cộng tác với ông Hồ với tư cách là Phó chủ tịch nhà nước với nhiều quyền hành. Ông Hồ viết trong thư là ông sẽ rất vui mừng đón nhận sự cộng tác của ông Nguyễn Thế Truyền mà ông Hồ vẫn qúy trọng như bậc thầy. Nhưng ông Nguyễn Thế Truyền từ chối việc ở lại Hà Nội hợp tác với ông Hồ và nhờ người cán bộ đã tiếp xúc với ông chuyển lời cảm ơn của ông đến ông Hồ.

Vào năm 1958 khi ông Nguyễn Thế Truyền ở Sài gòn, ông Hồ chí Minh có nhờ vị Đại sứ Ấn độ, Chủ tịch Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến nhà ông Nguyễn Thế Truyền trao cho ông một lá thư kèm theo một gói sâm Cao ly, nói sâm này do Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Nhật Thành gửi tặng ông Hồ, ông Hồ được tin ông Truyền đau yếu nên gửi tặng ông một nửa. Ông Nguyễn Thế Truyền không nhận qùa tặng và nhờ Đại sứ Ấn Độ chuyển lời cảm ơn ông Hồ đã nghĩ đến ông mà tặng qùa, nhưng vì ông đau gan và bị áp huyết cao, bác sĩ trị bệnh cấm ông không được dùng một thứ thuốc nào khác dù là thuốc bổ ngoài các thứ thuốc mà bác sĩ đã ghi.

Như mọi lãnh tụ cộng sản, ông Hồ đã từng không nương tay với nhiều đối thủ chính trị khác. Nhưng riêng với ông Truyền, ông Hồ đã giữ mối tình bạn ngày nào. Thật là đặc biệt. Tác giả Đặng Anh Đào, con gái ông Đặng Thái Mai, đã viết trong “Hồi ký Tầm Xuân” : Lúc ấy Bác (HCM)  thường hay đến chơi nhà với anh V (Văn, bí danh của tướng Võ Nguyên Giáp).Sau vài lần, ba tôi nhận xét : “Ông cụ thương và cưng anh V.”. Trẻ con rất nhạy cảm với những chuyện đó, tôi cũng thấy như vậy nhưng không suy nghĩ gì thêm. Chỉ sau này khi đã già đi, nhớ lại với cảm tình riêng ấy của Bác và so sánh với một vài người cán bộ cách mạng già dặn khác mà tôi được tiếp xúc : ở họ, hình như không có những tình cảm đặc biệt. Hoặc họ đã giấu nó đi vì ở họ nó không còn vô tư trong sáng hay họ đã từ bỏ nó vì coi đó là chỗ yếu của con người. Tôi không rõ, nhưng cái đó làm tôi khó gần họ”. 

Có thể ông Hồ còn giữ chút tình cảm riêng với ông Truyền dù đó chỉ là một biệt lệ cũng đẹp lắm, cũng quý lắm thay.

Sử gia Georges Boudarel trong cuốn Hà Nội 1936  - 1996 do nhà xuất bản Editions Autremen Paris ấn hành năm 1997 trang 124 có nhắc đến lá thư ông Hồ gửi ông Nguyễn Thế Truyền mời ông ở lại Hà Nội, phụ tá ông Hồ, giữ chức Phó chủ tịch nhà nước. Sử gia này đặt câu hỏi là giả sử ông Nguyễn Thế Truyền nhận lời ở lại Hà Nội  thì với sự hiện diện của ông trong chính quyền Hà Nội, cuộc cải cách ruộng đất có đỡ đẫm máu không ?

Sử gia này ngây thơ như… một ông Tây. Ông Truyền có nhận lời ở lại thì cũng chỉ ngồi chơi xơi nước trà với ông Hồ để nhắc lại chuyện đời xưa  ở Paris. Nên ông Truyền đủ thông minh để không nhận lời, cũng như ông Truyền không cộng tác với chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chế độ quân phiệt tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu. Vào năm 1961 ông ứng cử Phó Tổng Thống trong liên danh với ông Hồ Nhựt Tân. Ông biết trước là sẽ thất cử vì cuộc bầu cử sẽ đầy gian lận nhưng ông ứng cử để có dịp trong các cuộc vận động tranh cử được tự do nói chuyện với các cử tri, công kích chính sách gia đình trị, chính sách chèn ép các đảng phái quốc gia của ông Ngô Đình Diệm.

Vào năm 1967 ông lại ứng cử Phó Tổng Thống  trong liên danh Nguyễn Hoà Hiệp. Ông cũng biết là sẽ thất cử nhưng ông vẫn cứ ứng cử để được công khai nói trước công chúng rằng chế độ độc tài quân phiệt chỉ trông cậy vào Hoa Kỳ trong việc chống cộng sản Bắc Việt, nạn tham nhũng sẽ đưa miền Nam đến bờ vực thẳm.

Ông Nguyễn Thế Truyền tạ thế ngày 19 tháng 9, 1969 tại Bệnh viện đồn Đất Sàigòn vì bệnh đau gan.Vào giây phút cuối cùng, ông thét lên một tiếng não nùng rồi đi vào cõi ngàn thu. Đại diện Tổng Thống, đại diện Phó Tổng Thống, Đại Tướng Dương Văn Minh,các đảng phái quốc gia, đại diện các tôn giáo,các đoàn thể sinh viên,học sinh và các thân hữu tham dự  tang lễ một cách long trọng linh đình, có đến hai vạn người  tiễn đưa  ông đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Hội Gò Công Tương Tế ở Tân Sơn Nhất. Mộ ông ở cạnh mộ cụ Phan Chu Trinh, nhưng nay đã bị quật phá và dời đi nơi khác.

Miền Nam có hai đám ma to nhất: đám ma tài tử cải lương Thanh Nga và đám ma tài tử cách mạng Nguyễn Thế Truyền.

Cô Thanh Nga chết đi ôm theo người tình chăn gối. Ông Nguyễn Thế Truyền chết đi sóng đôi với người bạn tri âm tri kỷ, đồng sàng dị mộng. Ông Hồ chết ngày 2/9/1969, ông Truyền chết ngày 19/9/1969).Hai cái chết cách nhau 17 ngày lại được miền Bắc thêu dệt là ông Truyền tuyệt thực để chết theo ông Hồ ! Câu chuyện không có thật nhưng đẹp như truyện cổ tích”Trầu Cau” : Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu một cô gái Việt Nam, nhưng mỗi chàng đi một ngả đường…”. Cả hai cùng nằm xuống khi non sông còn nghiêng ngả, trăm họ còn lầm than,lòng người còn phân tán.

Mộ ông Hồ đào lên lấp xuống, thây phơi triển lãm. Mả ông Truyền quật lên vùi xuống di đi nơi khác… như nhà Tây Sơn phá mồ Chúa Nguyễn, như Vua Gia Long đái sọ Quang Trung. Sao không noi gưong người Pháp gìn giữ mộ quân xâm lăng phát xít Đức. Sao không bắt chước Mustapha Kemal chăm sóc mồ quân xâm lăng Tân tây Lan và còn dựng bảng đề : “Hỡi các bà mẹ Tân Tây lan, con các bà đã nằm yên nghỉ dưới lòng đất Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi. Xin các bà an tâm”.


Các bạn đồng hương thân mến, Hành Thiện ngày nay không còn là Hành Thiện ngày xưa.Nếu mai sau ngày nào các bạn có về thăm làng cũ thì chỉ còn một đám người lạ mặt ngơ ngáo cười hỏi khách từ đâu tới (tiếu vấn khách hà xứ lai). Đành lòng, ra bờ đê làng, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa và lặng ngắm một ngày tàn trên mặt nước sông Hồng :

Chiều tàn quê cũ còn đâu nhỉ

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu)

Than ôi ! Nay còn đâu bóng dáng những ông Nghè ông Bảng, những nữ lưu tiết phụ, những anh hùng cách mạng: người hiển hách, nhất tướng công thành vạn cốt khô, kẻ hận lòng, nằm xuống mộng đời còn dang dở.

Hỡi ôi ! Những người muôn năm cũ  Hồn ở đâu bây giờ ? 


Viết xong ngày 25/11/2008 

Bùi Duy Tâm










-


Biệt thự Hương Tâm, Đại lộ Hoàng Hôn,Thành phố Cựu Kim Sơn mờ sương, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

"

https://docs.google.com/document/d/1Kvwy0nce97gJQvCuZYzgwlU4uX-AAB_G3SEpcU_d2sE/edit?hl=en




1. Bài của Nguyễn Minh San từ 2012

"Bà Phạm Thị Thức sinh năm Ất Mão (1915), là tiểu thư đài các, đoan trang của quan Thượng thư – Học giả Phạm Quỳnh – Chủ bút tạp chí Nam Phong rất nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Xuất thân trong một gia đình nền nếp Nho phong, tiểu thư Phạm Thị Thức sớm được song thân đính ước với chàng trai Đặng Vũ Hỷ – người con cả của bà Đặng Vũ Kính, tức Nữ sĩ Mộng Lan, một bạn thơ của tạp chí Nam Phong do cha tiểu thư làm chủ bút. Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 trong một gia đình dòng họ khoa bảng lâu đời ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đặng Vũ Hỷ đã được gia đình cho học hành chu đáo, đến nơi đến chốn ngay từ khi còn trẻ. Học xong tiểu học ở Nam Định, rồi trung học ở Trường Anbe Xarô, ông thi đậu vào trường Y Dược khoa Hà Nội (thường gọi là Trường Thuốc) – một trong những ngôi trường danh giá, thời thượng nhất thời thuộc Pháp. Sau 4 năm học ở Trường Y Dược khoa Hà Nội, ông được gia đình cho sang Pháp học tiếp để lấy bằng bác sỹ y khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu và được tuyển dụng vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris – Bệnh viện Saint – Lazare. Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng làm việc tại đây. Trở về nước, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ được mời làm Bác sĩ trưởng của Bệnh viện mỏ than Đông Triều. Sau đó, do bất bình với chế độ thực dân hà khắc và không cam chịu cảnh phải làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” kém mình về chuyên môn nhưng ngạo nghễ phi lý, ông từ bỏ cương vị trên, trở về Hà Nội mở phòng mạch tư. Thời đó, bác sĩ là nghề được trọng vọng và “hái ra tiền”. Với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris, phòng mạch tư của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều bệnh nhân, trở thành bậc danh giá và giầu có vào loại nhất nhì ở Hà Nội lúc ấy. Bà Phạm Thị Thức trở thành con dâu cả của gia đình dòng học Đặng Vũ có 10 anh em (4 trai, 6 gái) – dòng tộc hiếu học và thành đạt làng Hành Thiện – tỉnh Nam Định. Cuộc sống lứa đôi thật êm đềm hạnh phúc và tạo được sự thương yêu của ông bà chú bác hai dòng họ Phạm và Đặng Vũ. Ba đứa con, con trai đầu lòng là Đặng Vũ Tứ, con gái thứ hai là Đặng Nguyệt Bính và con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh lần lượt ra đời."


"


TS Nguyễn Minh San

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài đăng trong mục Đời sống quanh ta, các trang 44- 47 tạp chí Khoa học Tổ quốc tháng 12/2012.

—o0o—

“Tôn vốn là con gái một quan Thượng thư trong triều đình. Từ bé đến lớn sống sung sướng, ăn trắng mặc trơn, không biết khổ là cái gì. Lớn lên lấy chồng, nhà tôi là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Paris, khi trở về cũng danh giá và giầu có vào loại nhất nhì Hà Nội. Thế mà Cách mạng nổi lên, theo Cách mạng, kháng chiến bùng nổ, cả gia đình đi theo ông nhà tôi vào chiến khu. Tôi chẳng thấy khổ là gì cả!”

Lời bộc bạch của một con người điển hình cho đức hy sinh, sự chịu đựng gian khổ để chồng, con làm việc nhiều nhất, tốt nhất cho nhân dân, cho Tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam trên đây chính là lời bộc bạch của bà Phạm Thị Thức – vợ của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học, người mẹ của bốn người con – bốn trí thức có nhiều cống hiến cho đất nước.

Bà Phạm Thị Thức sinh năm Ất Mão (1915), là tiểu thư đài các, đoan trang của quan Thượng thư – Học giả Phạm Quỳnh – Chủ bút tạp chí Nam Phong rất nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Xuất thân trong một gia đình nền nếp Nho phong, tiểu thư Phạm Thị Thức sớm được song thân đính ước với chàng trai Đặng Vũ Hỷ – người con cả của bà Đặng Vũ Kính, tức Nữ sĩ Mộng Lan, một bạn thơ của tạp chí Nam Phong do cha tiểu thư làm chủ bút. Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 trong một gia đình dòng họ khoa bảng lâu đời ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đặng Vũ Hỷ đã được gia đình cho học hành chu đáo, đến nơi đến chốn ngay từ khi còn trẻ. Học xong tiểu học ở Nam Định, rồi trung học ở Trường Anbe Xarô, ông thi đậu vào trường Y Dược khoa Hà Nội (thường gọi là Trường Thuốc) – một trong những ngôi trường danh giá, thời thượng nhất thời thuộc Pháp. Sau 4 năm học ở Trường Y Dược khoa Hà Nội, ông được gia đình cho sang Pháp học tiếp để lấy bằng bác sỹ y khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu và được tuyển dụng vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris – Bệnh viện Saint – Lazare. Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng làm việc tại đây. Trở về nước, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ được mời làm Bác sĩ trưởng của Bệnh viện mỏ than Đông Triều. Sau đó, do bất bình với chế độ thực dân hà khắc và không cam chịu cảnh phải làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” kém mình về chuyên môn nhưng ngạo nghễ phi lý, ông từ bỏ cương vị trên, trở về Hà Nội mở phòng mạch tư. Thời đó, bác sĩ là nghề được trọng vọng và “hái ra tiền”. Với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris, phòng mạch tư của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều bệnh nhân, trở thành bậc danh giá và giầu có vào loại nhất nhì ở Hà Nội lúc ấy. Bà Phạm Thị Thức trở thành con dâu cả của gia đình dòng học Đặng Vũ có 10 anh em (4 trai, 6 gái) – dòng tộc hiếu học và thành đạt làng Hành Thiện – tỉnh Nam Định. Cuộc sống lứa đôi thật êm đềm hạnh phúc và tạo được sự thương yêu của ông bà chú bác hai dòng họ Phạm và Đặng Vũ. Ba đứa con, con trai đầu lòng là Đặng Vũ Tứ, con gái thứ hai là Đặng Nguyệt Bính và con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh lần lượt ra đời.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong lòng vị bác sĩ tài năng Đặng Vũ Hỷ. Ông đã từ bỏ hết giầu sang phú quý để dấn thân phục vụ nhân dân và đất nước. Đóng cửa phòng mạch, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội theo lời mời của Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Dược khoa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoài giảng dạy, ông còn làm Chủ nhiệm Phòng khám và hàng ngày trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là khuôn viên Bệnh viện Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô).

Cuối năm 1946, tình hình Hà Nội khá căng thẳng vì quân Pháp gây hấn ở nhiều nơi trong thành phố. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ phải 20130220_222954-1thu xếp đưa vợ, con, gia đình về quê Hành Thiện. Thu xếp cho vợ con vừa xong thì tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Là một bác sĩ được đào tạo bài bản, hơn ai hết, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ biết rằng đây là lúc dân tộc cần đến mình, các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận đang cần đến minh, nhưng ông vẫn còn chút băn khoăn cho người vợ trẻ phải một mình nuôi ba đứa con nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh có thể tràn đến quê hương ông một ngày nào đó. Là vợ cùng chia ngọt sẻ bùi với người chồng bao năm nay, bà Thức đã hiểu và vô cùng kính phục người chồng có tấm lòng nhân ái với người bệnh, nặng lòng với quê hương đất nước, vì vậy, bà đã động viên để ông yên tâm lên đường. Trong một đêm giá lạnh đầu năm 1947, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã từ biệt người vợ trẻ và ba người con, gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn, trở thành người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Ông được phân công phụ trách Trạm quân y Cổ Lễ – mặt trận Hà Nam Ninh. Năm 1948 khi bác sĩ Đặng Vũ Hỷ chuyển sang phụ trách dân y, làm Trưởng ty Y tế tỉnh Ninh Bình, ông đã đưa vợ và ba con theo kháng chiến.

Năm 1949, tại làng Thư Điền, thuộc huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, bà Thức sinh người con gái út là Đặng Thị Kim Chi. Người trực tiếp đỡ đẻ cho bà chính là bác sĩ Hỷ với sự giúp đỡ của một nữ hộ sinh. Từ đây, hễ bác sĩ Hỷ theo cơ quan di chuyển tới đâu, thì bà Thức lại dắt díu các con “bám sát đội hình” theo tới đó. Năm 1950, khi bác sĩ Hỷ được điều về làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu III – IV ở Nông Cống – Thanh Hóa (Trường là nơi đào tạo y tế dân y cho toàn Bắc Bộ và học sinh tốt nghiệp của Trường là cán bộ lãnh đạo dân y các tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và trong những ngày hòa bình lập lại sau 1954, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc), thế là bầu đoàn thê tử của ông lại cùng ông từ Ninh Bình chuyển vào Thanh Hóa. Trường Y sĩ Liên khu III-IV đóng ở Nưa, xã Cổ Định, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Ngôi nhà của bác sĩ Hỷ ở làng Ất. Từ nhà, hàng ngày, bác sĩ Hỷ đi giảng bài ở giảng đường chính là ngôi đình làng Giáp và đến bệnh viện đóng ở làng Tuy Yên. Ông đi xe đạp hay đi bộ, nhưng thường là đi bộ đến nơi làm việc. Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, bác sĩ Hỷ đã ngày đêm tìm tài liệu tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp. Nhiều năm sau, một học sinh cũ của Trường – Bác sĩ Nguyễn Thương Liễn, bồi hồi nhớ về người thầy của mình: “Hai ông bà ở Hà Nội, nhà cao cửa rộng, cuộc sống đầy đủ, vậy mà đã từ bỏ chốn phồn hoa đô hội ra vùng tự do, đi kháng chiến. Về nơi tản cư, cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả trăm bề, thiếu thốn đủ thứ, lại máy bay địch rình rập. Dùng đèn dầu cũng phải tùng tiệm, còn nước sinh hoạt thì chỉ có nước giếng và nước sông. Tôi phục ông bà lắm. Rất lấy làm lạ, tại sao ông bà lại chịu đựng cuộc sống cực nhọc, khó khăn như vậy được, không ca thán, kêu ca, phàn nàn một điều gì. Nhiều lần tôi nhìn thấy bà Hỷ với khuôn mặt hiền lành phúc hậu, đi trên đường làng Ất mấp mô sỏi đá, trẹo cả chân mà bà vẫn tươi cười như xưa kia bà đi trên đường phố Hà Nội”.

Từ 1953, Trường Y sĩ Liên khu III-IV được lệnh chuyển từ Thanh Hóa lên Việt Bắc. Lại một lần nữa, bà Thức thu xếp hành lý cho cái gia đình nhỏ để di chuyển theo. Song, đây là cuộc di chuyển đường xa và nhiều nguy hiểm hơn những lần di chuyển trước. Bác sĩ Hỷ mua một chiếc xe đạp thồ và may 2 cái võng bằng vải dù mắc vào hai bên chiếc xe đạp thồ. Bé Minh 7 tuổi và bé Chi 4 tuổi được nằm trên hai cái võng đó để thồ. Bà Thức được ngồi xe đạp có người thồ. Còn bác sĩ Hỷ đạp xe đèo cô con gái thứ hai 14 tuổi. Trên suốt chặng đường dài gần 400km từ Thanh Hóa lên đến chiến khu Việt Bắc, thức ăn chủ lực là nước mắm cô đặc do bà Thức chuẩn bị trước, khi còn ở Thanh Hóa. Dọc đường, để tránh máy bay địch, ban ngày bác sĩ Hỷ đưa gia đình trú lại ở những chiếc lán trong những cánh rừng hai bên đường. Sẩm tối, cả gia đình lại hối hả lên đường đi tới sáng. Trời rét căm căm, thỉnh thoảng bác sĩ Hỷ lại vén tấm ni lông phủ phía trên võng để xem hai đứa con có thò chân ra ngoài sương lạnh không. Sau ngót 1 tháng trời ròng rã, bà Thức cùng gia đình đã lên tới xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là địa điểm đặt Trường Đại học Y khoa kháng chiến. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại trường này.

Gia đình bà Thức được bố trí ở trong ngôi nhà nhỏ làm bằng tre nứa, lợp lá gồi, phía sau là một rừng vầu. Người dân trong bản và các sinh viên chứng kiến tiểu thư đài các Phạm Thị Thức năm nào, ngày ngày tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Noi gương mẹ, các con bà cũng tham gia chăm chỉ. Những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Hỷ cũng tăng gia cùng gia đình. Hai ông bà và các con hăm hở khai phá mảnh đất sau nhà, mảnh vườn phía trước cửa trồng rau cải, su hào, cà rốt, ngày hai buổi chịu khó xách từng xô nước ra tưới vườn. Những mầm rau xanh tươi làm vui lòng người canh tác, đất chẳng phụ ai cho nên chỉ hơn một tháng sau, vườn rau xanh tốt và mỗi bữa ăn của gia đình đã có thêm bát canh rau, đĩa cải luộc chấm với chén nước mắm (nước mắm cô đem từ Thanh Hóa). Rồi tiếng gà cục tác đã rộ quanh nhà. Mười con gà đẻ mỗi ngày cũng cho gia đình dăm ba quả trứng. Thế là trong mâm cơm gia đình xuất hiện bát nước chấm dầm hột gà luộc, đôi khi còn có đĩa trứng rán to, lũ trẻ háu ăn, ông bà nhìn nhau mãn nguyện. Nhiều năm sau này, bà Thức vẫn nhớ về những tháng ngày sống ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến 9 năm: “Tôi còn nhớ, những năm ở Việt Bắc, tôi lội xuống suối tìm những bãi đất ven suối để cấy rau muống. Rau muống lên tốt quá, ăn không hết, cho bớt nhà anh em cán bộ xung quanh. Nuôi gà vịt cũng thế, không hiểu tại sao vịt đẻ cũng nhiều, gà đẻ cũng nhiều. Rồi tôi lại còn học cách làm tương. Tương tôi làm rất ngon, đem bán cho các gia đình xung quanh cũng được một ít tiền… Ông Trường-Chinh có lần nói đùa với tôi: “Chị ơi, chị nên kinh doanh rau muống, trứng gà trứng vịt đem bán cho cơ quan chính phủ để nuôi các cháu”. (Trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ , trang 404).

Giống như những năm ở Ninh Bình, Thanh Hóa, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, bà Thức giúp chồng trong công tác nghiên cứu về một chứng20130220_223140-1 bệnh nan y là bệnh phong/cùi, để không lâu sau đã góp phần quan trọng trong việc chữa trị và đề phòng bệnh quái ác này cho nhân dân ta. Tại ngôi nhà này, bà Thức đã tiếp nhiều giáo sư bác sĩ nổi tiếng có những đóng góp lớn lao cho nền y học cách mạng Việt Nam như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên,… Nhiều lần, khách dùng bữa trưa cùng gia đình. Bữa cơm thân mật có rau muống chấm tương, bí ngô, trứng rán, thỉnh thoảng lại có thịt gà kho gừng… với những câu chuyện dí dỏm làm cho cuộc sống kháng chiến ở chiến khu tuy còn đạm bạc nhưng đầy hạnh phúc và lạc quan.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chính là nơi thử thách lòng yêu nước, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ của người dân Việt, đặc biệt là tầng lớp trí thức và những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ. Đã có không ít trí thức do không hòa nhập được với cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ ngoài mặt trận, do không chịu đựng được khó khăn thiếu thốn đủ bề nơi chiến khu, nhất là thiếu lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đã về sống trong thành phố do Pháp tạm chiếm đóng. Vậy mà tiểu thư khuê các Phạm Thị Thức năm xưa, đã đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của dân tộc, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ mà không một lời than vãn. Không những vậy, bà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống kháng chiến, như lời bà thổ lộ: “Tôi thấy vui lắm, không biết khổ là gì”. Nhưng, đối với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, có thể nói chỉ một mình ông hiểu vợ ông đã chịu khổ đến mức nào. Bởi ông thấu hiểu hoàn cảnh xuất thân của vợ, bởi ông nhất mực thương yêu, quí trọng vợ. Là người rất tâm lý, thấy bà cực khổ quá, ông xót xa, buồn lắm. Thấy vậy, bà hỏi tại sao ông buồn. Ông đã nói thực lòng mình với bà: “Anh thương em khổ sở, không biết em có muốn trở về Hà Nội không?”. Bà trả lời: “Em chẳng thấy khổ. Ở đâu có anh, có các con là em sung sướng. Ở đây thế này cũng được, em ở mãi cũng không sao. Anh cứ đi theo kháng chiến đến bao nhiêu năm em cũng theo được, chẳng việc gì phải về theo Tây”. (trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ, trang 404). Bà thường nói với các con “kháng chiến giành độc lập tất nhiên phải chịu khổ cực, cả nước chịu cực thì gia đình mình cũng phải chịu cực”.

Bà Thức đã sát cánh cùng bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia kháng chiến 9 năm liền cho tới khi thành công, đem lại hòa bình cho đất nước. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bà Thức đồng hành cùng chồng trên mọi nẻo đường kháng chiến, sát cánh cùng chồng trong mọi công việc chung cũng như riêng của gia đình. Chặng đường từ sau khi hòa bình lập lại năm 1954 cho đến ngày Giáo sư Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4/10/1972, không khi nào ông vắng bóng bà, ngay cả những ngày cuối cùng của ông trên đất Trung Quốc. Và, tấm gương đi theo kháng chiến của bà – người chị trong gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới các em trong việc định hướng cuộc đời và sự nghiệp vì dân tộc, vì đất nước; mà điển hình là GS.BS Phạm Khuê – Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam và Nhạc sỹ Phạm Tuyên – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.

Trong việc dạy dỗ các con, ông bà không bao giờ dạy dỗ bằng lời, mà chủ yếu bằng tấm gương của cuộc đời mình, bằng những việc làm, học tập của mình hằng ngày. Cuộc đời và sự nghiệp của ông bà chính là tấm gương sáng về đạo đức và tài năng đã tác động trực tiếp đến các con cháu trong gia đình. Hai con là Đặng Vũ Tứ, Đặng Nguyệt Bính theo nghề của cha làm bác sĩ. Con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh sau này là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ), Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8, 9, 10, nguyên là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Con gái út sinh ra trong kháng chiến của ông bà là Đặng Thị Kim Chi, sau trở thành Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là một trong những chuyên gia hàng đầu về môi trường ở nước ta, được tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Ông bà có 8 cháu nội, ngoại, đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, trong đó có 3 Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ. Cháu gái Nguyễn Diệu Hoa, con gái Bác sĩ Đặng Nguyệt Bính, là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Hoa hậu Việt Nam năm 1990, Á hậu cuộc thi “Hoa hậu Quý bà Thế giới” năm 2008.

“Khổ tận đến ngày cam lai”. Người chồng mà bà Thức nhất mực yêu thương, quý trọng và thề theo ông suốt đời, sau 31 năm lạnh lẽo trên đất khách, đã trở về với bà, khi con trai Đặng Vũ Minh đưa di cốt ông từ Quảng Châu về với đất Mẹ. Sau 31 năm xa cách, từ ngày 13/3/2007 cho đến muôn sau, đêm đêm, ngày ngày, bà cùng ông “đi đâu cũng đi, ở đâu cũng sống được”.

Bà đã đạt tới quả Phúc!

N.M.S.

(Bài đã in trong cuốn sách Rạng rỡ sử xanh Phụ nữ Việt Nam (Những tấm gương tiêu biểu từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh) của TS. Nguyễn Minh San, do NXB Dân Trí ấn hành, tháng 12/2012).

"

https://phamquynh.wordpress.com/2013/02/22/ba-pham-thi-thuc-diem-tua-va-cam-hung-cho-thanh-cong-cua-nhung-tri-thuc-lon/

..



1 nhận xét:

  1. Hóa ra, bà Mộng Lan chính là bà Đặng Vũ Kính ở làng Hành Thiện ! Bà Mộng Lan là một cây viết của "tao đàn Hành Thiện". Làng Hành Thiện còn có bà Mộng Thiên (bà Cả Tề Đặng Thị Khiêm). Các bà Mông Lan và Mộng Thiên có giao lưu với nữ thi sĩ Tương Phố (phu quân của thi sĩ Tương Phố vốn là quan tri phủ Xuân Trường), với Vũ Hoàng Chương,... (theo tư liệu của bác sĩ Bùi Duy Tâm).

    (đã ghi ngày 8/4/2024)

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.