Thời gian gần đây, ở Hà Tĩnh xôn xao việc liên quan đến 41 đạo sắc phong của các đời vua được phát hiện từ thập niên 90 thế kỷ trước tại Chùa Am (huyện Đức Thọ). Ai là người phát hiện? Vì sao các di sản này hiện lưu lạc mỗi nơi cất giữ một ít? Công tác và trách nhiệm trong việc bảo tồn, lưu giữ các đạo sắc phong này?

Theo tìm hiểu, ban đầu lúc được phát hiện thì 41 đạo sắc phong này được lưu giữ tại Chùa Am - một di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Nhưng đến nay, có 26 bản đã được di dời về xã Ân Phú (huyện Vũ Quang), số còn lại vẫn đang được lưu giữ tại nơi phát hiện ra.

 Sắc phong được đựng trong hộp gỗ.

Ngạc nhiên hơn, số sắc phong di dời về xã Ân Phú hiện nay lại được cất giữ tại trụ sở chính quyền, trong phòng làm việc của Bí thư – Chủ tịch UBND xã Ân Phú.

Xác nhận điều này với nhóm PV, ông Trần Văn Thư, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: Hiện tại tất cả các sắc phong đang được bảo quản ở phòng làm việc của tôi đây, toàn bộ được bỏ vào trong 3 chiếc hộp, chỉ được đưa ra khỏi tủ đựng khi rước vào Đền Vại vào ngày lễ 12/2 (âm lịch) hàng năm”.

 Tiến hành rước và lễ cúng sắc phong.

Cũng theo ông Thư, số sắc phong lưu giữ tại phòng làm việc của ông hiện chưa kiểm đếm chi tiết nên không rõ số lượng, vì số sắc phong này chỉ mở ra vào ngày lễ trọng đại để cho người dân rước về đền cúng bái, rồi trả về cho xã.

Ngày rước sắc phong về đền để cúng bái là ngày 21/3 (tức ngày 12/2 âm lịch), một ngày lễ lớn của người dân xã Ân Phú. Đền tổ chức lễ là Đền Vại - một Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là nơi thờ tự Hoàng hậu Lê triều Ngô Thị Quận Quân, hay còn gọi là Bà Vương mẫu. Bà được cho là một trong những người khai dân mở ấp, thành lập nên cộng đồng người dân ở xã Ân Phú ngày nay.

 Chủ trì tế lễ tại đền Vại.

Theo các chuyên gia, những bản sắc phong được phát hiện ở Chùa Am, có nhiều bản nhắc đến tên bà Lê triều Ngô Thị Quận Quân và đền Vại, cùng các vị thần linh theo quan niệm của người xưa. Bên cạnh bà là đức Phu quân phối vị Đô chỉ huy sứ Tượng Sơn Cao Liệt Lê Ngọc Xán (Cù Ngọc Xán giữ chức Binh bộ thượng thư thời Lê sơ, tước Tuấn vũ hầu, vì có công với nước nên ông được vua Lê ban cho quốc tính (họ vua) nên được gọi là Lê Ngọc Xán). Tương truyền, Đền bà Vại có từ khi Đức Bà tạ thế và hiển thánh tại đây, khoảng thời gian cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16.

Theo ghi chép của đền và khẳng định của Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú, chỉ riêng sắc phong về Đền Vại đã có đến 7 bản do các đời vuaThiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định phong tặng.

 Lễ rước sắc phong.

Trong dịp lễ ở Đền Vại mới đây (ngày 21/3), có Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cùng đông đảo người dân tham gia.  Trước khi diễn ra buổi lễ, Ban tổ chức Đền Vại cùng lãnh đạo xã Ân Phú tổ chức rước hộp đựng sắc phong từ trụ sở xã về đền để cúng bái. Sau khi xong lễ, lại diễn ra nghi thức trả những bản sắc phong từ đền về cho xã. Quá trình này, hộp gỗ đựng sắc phong không được mở ra để mọi người chiêm bái.

Theo chân lãnh đạo xã Ân Phú rước hộp đựng sắc phong quay trả về nơi lưu giữ, là trụ sở UBND xã Ân Phú, nhóm PV khá ngạc nhiên khi số sắc phong này được đưa về phòng Bí thư – Chủ tịch UBND xã để lưu giữ. Tại đây, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương xã Ân Phú đã thắp hương, làm lễ trước khi đưa hộp đựng sắc phong vào nơi cất giữ ngay trong phòng làm việc.

 Chủ tịch xã làm lễ cúng sắc phong tại bàn làm việc.
Điều này đang khiến dư luận hoài nghi, thắc mắc vì sao các đạo sắc phong, là di sản có tính lịch sử, văn hóa có giá trị như vậy lại được lưu giữ tại trụ sở chính quyền, ở trong phòng Chủ tịch UBND xã, mà không phải là 1 điểm di tích lịch sử hoặc một nơi có chức năng lưu giữ, bảo quản, bảo tồn di sản văn hóa?

 
Nhóm P.V