Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/09/2023

Thánh Láng và những di tích ở bên dòng sông Tô Lịch

Về thánh Láng, liên quan đến chùa Láng và những di tích xung quanh (chùa Nền, chùa Thưa, đền Vĩnh Bảo đài,...) trên Giao Blog có thể đọc ở đây hay ở đây.

Dưới là bài đã công bố năm 2022 của tác giả Văn Hậu.

Tháng 9 năm 2023,

Giao Blog


---




Thánh Láng và những ngôi chùa bên dòng sông Tô

04/10/2022

 

MÃSỐ ISSN: 2734-9195


Mục lục bài viết

§ DI TÍCH

§ 1. Chùa Láng

§ 2. Chùa Tam Huyền

§ 3. Các di tích khác

§ Một số đề xuất:

Tác giả: Văn Hậu – Hội VNDG Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Ở Hà Nội, bên dòng sông Tô có cả một quần thể di tích gắn với lịch sử và sự kiện của vua Lý Thái Tổ lập đô Thăng Long năm Canh Tuất (1010). Nếu tính xung quanh khu vực Hà Nội, đã có trên 20 chùa, đền, miếu thờ Từ Đạo Hạnh.

Dân gian xếp ngoài vào bậc Đại Thánh, nét đặc biệt so với nhiều vị thánh khác là Thánh Từ vừa là đại sư, vừa là vị vua ở kiếp sau, vừa là thi sĩ, vừa là ông tổ ngành múa rối xứ Đoài Việt Nam.

Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách “Hà Nội nghìn xưa văn hiến”: Phái Thiền Tông thứ hai ở Việt Nam là phái Tì Ni Đa Lưu Chi sang đất Việt từ năm 580, trung tâm là chùa Pháp Vân ở Thuận Thành – Bắc Ninh. Đời thứ 12 có thiền sư Vạn Hạnh là người có công trong việc để họ Lý lên ngôi vua và đặc biệt có thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì là chùa Thiên Phúc ở núi Phật tích, năm 1117 sư viên tịch vào ngày 7/3.

Văn bia chùa Láng hiện vẫn còn do Trịnh Tráng hưng công, Binh bộ Tả Thị Lang, Nguyễn Văn Trạc soạn năm Thịnh Đức (1656) ghi: “Thật là danh lam bậc nhất thế gian, không chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng Thành tức Thành Thăng Long, bên hữu tỏa khắp dòng sông Tô bên tả lượn vòng Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên là dãy núi đầy khí đẹp hướng vào như hổ trắng đàn đàn lớp lớp đến tụ họp”. Bia cũng cho biết nhà sư họ Từ kiếp sau hóa thân thành vua Lý Thần Tông (1128-1138).

Sông Tô Lịch nguyên là một nhánh sông Hồng, song Tô còn có nhiều tên gọi khác như: Lai Tô, Lương Bái, Đại Bảo.

Tên Tô Lịch được đặt vào năm 545, và tên đó được giữ mãi đến ngày nay, một con sông phong cảnh nhưng đồng thời cũng là dòng sông lịch sử, mang nhiều huyền thoại.

DI TÍCH

1. Chùa Láng

Láng Thượng là một phường của quận Đống Đa, ở đây có một ngôi chùa cổ, gọi theo tên nôm là chùa Láng, tên chữ là “Chiêu Thiên tự”.

Chùa Láng quay hướng Nam, nhìn ra sông Tô Lịch, tọa lạc trên khu đất thoáng, rộng chừng 15.000m2.


Chùa Láng, Hà Nội – Ảnh: Minh Khang

Chùa Láng, với hệ thống tượng Phật bài trí như nhiều chùa khác, còn có thêm 2 dãy đông, tập thập điện đắp nổi những hình phạt ở âm phủ để răn kẻ ác. Hậu điện ngoài tượng Phật còn có tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tạc bằng gỗ ở phía trước, phía sau tượng vua Lý Thần Tông bằng mây đan ngự trong kiệu, tương truyền, vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã cho xây chùa Láng để thờ vua cha Lý Thần Tôn và tiền thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Dã sử lưu truyền, ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, tu chùa Thiên Phúc núi Phật Tích. Cha là Vinh, làm Tăng quan Đô sát triều Lý, lấy con gái họ Tăng tên là Loan người Yên Lãng, nhân thể ở đó… Sau này Lộ đi tăng hương thi, đỗ khoa Bạch Liên. Không bao lâu cha bị Đại Điên (Lê Nghĩa) đánh chết vứt xác xuống sông Tô, đến cầu An Quyết thì dừng lại… Dân gian truyền rằng Từ Vinh bị Đại Điên chém làm ba khúc: Đầu trôi về làng Mọc Thượng Đình, chân trôi xuống Lủ Cầu, mình xuống làng Pháp Vân. Dân các làng thương xót ông, vớt lên chôn cất và lập đền thờ, vì vậy ở đây ngày nay còn câu: “Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp vân thờ khúc giữa”. Ở Thượng Đình hiện nay vẫn còn đền và lăng mộ Từ Vinh được thờ trong chùa Tam Huyền.

Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ tu học, cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất Rợ Kim Xỉ (răng vàng) hiểm trở bèn quay về ẩn cư ở nước Phật Tích, hàng ngày đọc kinh Đại Bi Đà La, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần.

Thời gian này, mẹ ông chuyển sang ở làng Thượng Yên Quyết (nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hàng ngày đi truyền giáo, khất thực tu ở chùa Hoa Lăng, khi mất được chôn ngay tại chùa.

Một thời gian tu luyện, học được nhiều phép lạ, Lộ biết Đạo pháp đã thành, thù cha có thể trả, bèn đến cầu Yên Quyết ném thử cây gậy chống xuống dòng nước xiết. Gậy trôi ngược dòng đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng quá mà nói rằng: “Phép ta đã thắng được rồi”. Liền đi thẳng đến chỗ pháp sư ở chùa Duệ làng Dịch Vọng Tiền (nay thuộc P.Quan Hoa) đấu phép. Sau đó đi du ngoạn các miền núi để tìm dấu Phật sau lại về chùa Phật Tích làm nhiều việc thiện chữa bệnh cứu người và hóa tại đây…Chùa Láng được Bộ VHTT xếp hạng Di tích ngày 28/4/1962.


Chùa Tam Huyền, Hà Nội – Ảnh: Minh Khang

2. Chùa Tam Huyền

Chùa Tam Huyền thuộc quần thể di tích chùa Láng (thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh), một quần thể đậm dấu ấn Phật giáo triều Lý (1010-1225) dưới thời Vạn Hạnh – thời kỳ hưng thịnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chùa Tam Huyền có tên chữ là Sùng Phúc Tự, nằm bên bờ phải dòng sông Tô Lịch ở địa phận thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục cựu, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Sau thuộc thôn Minh Khai, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, giáp với khu công nghiệp Thượng Đình (Quận Đống Đa). Tháng 1-1997 thuộc phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân.

Chùa Tam Huyền có lăng thánh phụ Từ Vinh, thân phụ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh là vị thiền sư nổi tiếng thời Lý Nhân Tông (1072-1127) thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam.

Năm Bính Ngọ (1726), niên hiệu Bảo Thái từ 7 đời Lê Dụ Tông (1705-1729), Lân Giác thượng sĩ Trịnh Hợp, còn gọi là Trịnh Thập (1690-1733) em ruột của An Đô Vương Trịnh Cương (1686- 1729), sơ Tổ dòng thiền Lâm Tế Đằng Ngoài (Tế Trúc song hành), dựng chùa Liên Phái trên khu đất dinh thự của mình mà lập tổ đình của dòng Thiền. Ngài là bổn sư của hai vị đệ tự Trí Cư và Trạm Công. Sư Trí Cư được truyền đăng tại chùa Liên Phái với pháp hiệu Tích Dược tổ sư. Còn sư Trạm Công về trụ trì tại chùa Sùng Phúc với pháp hiệu Tính Tuyền. Hai vị đều thuộc hệ thứ hai của dòng thiền Lâm Tế Đàng Ngoài.

Sư Trạm Công Tính Tuyền đã cho xây dựng tam quan chùa Sùng Phúc nhìn xuống dòng sông Tô Lịch lững lờ trôi trước cửa chùa, cổng giữa mang dòng chữ “Tam Huyền môn” và từ đó ngôi chùa Sùng Phúc được gọi là chùa Tam Huyền.

Năm Bính Thìn (1736), niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 2 đời Lê Ý Tông (1735-1740), sư Trạm Công Tính Tuyền vâng sắc chỉ nhà vua sang Trung Quốc thỉnh kinh. Nhà sư đã đến núi Đỉnh Hồ, bái yết hòa thượng Kim Quang, thỉnh được nhiều pho kinh Phật. Trước khi lên đường về nước, sư Trạm Công Tính Tuyền rất mực thông tuệ và có tài ứng đối. Vua Càn Long sắc phong sư Trạm Công Tính Tuyền là “Lương Quốc Hòa Thượng”. Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng đây là nhà sư đầu tiên của nước ta được mang danh hiệu này.




Đền Dốc Cót, Hà Nội – Ảnh: Minh Khang

3. Các di tích khác

A – Chùa Nền: xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường ba gian, trung đường ba gian, hậu đường ba gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924) Quả chuông “Đản Thánh Cơ Chung” cao 1m, đường kính 0,5m đúc năm Canh Thân (1740). Văn chuông do Quốc Tử Giám bác sĩ Tuấn Đức Tử Nguyễn Viết Tuấn (người ở Hạ Yên Quyết) phụng soạn. Chuông ghi hai người đỗ sinh đồ là Đỗ Đăng Thụy và Nguyễn Trọng Đạt. Đó là cảnh đẹp, giáp cổ thành Thăng Long bên dòng Kim Ngưu thơ mộng. Chùa tên chữ là Đản Cơ tự hoặc Cổ Sơn tự, nguyên trước là đền thờ song thân của Thánh Từ: Từ Vinh và Tằng Thị Loan. Tương truyền vị trí này làm trên nền nhà của Thánh Từ hồi bé trước khi nhà sư trở thành nổi tiếng. Bộ VHTT xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật 22-4-1992. Một thuyết khác lại nói Thánh Từ được sinh ở Vườn Nở Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh, mẹ là Tằng Thị Loan. Nay là chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.

Hội chùa Đồng Bụt (Tổng Xếp) mở ngày 10-3 đã đi vào câu ca:

Mồng 7 tháng 3 hội Thầy
Mồng 10 hội Xếp nhớ ngày mà đi

B – Chùa Thưa

Theo Việt sử lược, Đại Điên thác sinh làm Giác Hoàng, lên 3 tuổi nói được nhiều chuyện. Vua Lý Nhân Tông lấy làm lạ đón từ Thanh Hóa về chùa Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Thánh Từ nhờ chị Từ Lan giả làm người đi lễ, mang bùa yểm làm cho Giác Hoàng bị chết, sau đó Thánh Từ thác vào con của Sùng Hiền Hầu, em của nhà vua. Đứa trẻ sinh ra sau được lên ngôi vua là Lý Thần Tông… Chùa Thưa bị chiến tranh tàn phá từ cuối thế kỷ XIX. Nay đã được khôi phục dưới dạng một ngôi miếu, nằm trong khu sân của Viện Khoa học Giao thông phía đầu ô Cầu Giấy. Hậu cung có bản sắc phong của Khải Định thứ 9 (1924) phong “Từ Nương Tôn thần”.

C. Đền Vua Bà

Đền Vĩnh Bảo Đài ở cạnh chùa Láng. Bao quanh là hàng cây cổ thụ như cây muỗm, cây đại, cây thông. Đền có 3 gian hướng Nam. Hậu cung có ngai thờ bà vú nuôi của vua Lý Thần Tông hồi nhỏ nên dân làng quen gọi là đền Vua Bà. Bà mất ngày 3/12 được phong là “Từ Phúc Hoa, Lý Mẫu cung thần”. Đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, thập nhị Sơn Trang, Bồ Tất, Thủ đền, lầu Cô, lầu Cậu… Ngày đại hội 7-3 khi kiệu Thánh Láng đi qua thì dừng một lúc làm lễ bái vọng. Bình thường ngày Một ngày Rằm, người đi lễ chùa Láng thường vào lễ coi như đền Trình.

D. Đền Dốc Cót

Ở cạnh cầu Cót lối qua sông Tô sang làng Cót Thượng (P.Yên Hòa) có đền Dốc Cót thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền Dốc Cót xưa có 6 bệ thờ, có cả bệ thờ Thần Nông. Đền là chặng dừng chân của kiệu Thánh trong ngày hội Láng trước khi “độ hà” qua sông Tô. Các bệ thờ để đặt tượng Thánh Từ và 4 ông hộ vệ (gọi là Tứ trấn Thiên Vương). Nay đền còn thờ Sơn trang, Bạch Hoa công chúa, lầu Cậu, lầu Cô. Cây ruối từ hàng trăm năm vẫn được giữ gìn… cũng có một thuyết khác cho là đền Dốc Cót là nền nhà cũ của Sùng Hiền Hầu (?).

Lễ hội Thánh Láng là lễ hội gắn với lễ nghi nông nghiệp có sự tham gia của người nông dân, thợ thủ công, người buôn bán đô thị… nhiều vùng quê, đặc điểm hội chùa Láng mang nét mềm mại, thanh lịch, tài hoa có sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa của các lễ hội dân gian ở miền Bắc.

Có thể so sánh hội chùa thờ Thánh Láng ở Thủ Đô và các tỉnh khác để tìm nét giống nhau, khác nhau trong việc tổ chức hội chùa.

Đạo Phật khi đến Việt Nam đã được dân gian hóa, đặc biệt sau khi quốc giá thoát khỏi ách đô hộ, nền văn hóa dân tộc được xiển dương, đã phản ánh nét văn hóa Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Ngày nay nó vẫn có ảnh hưởng lớn đến nhận thức tâm linh của người Hà Nội.

Từ Đạo Hạnh là một vị thiền sư, một danh nhân văn hóa lịch sử. Nhân vật ấy qua nhiều sách, sử, truyền thuyết để lại một hệ thống chứng tích, lưu giữ ở Chùa Láng, nơi chốn tổ thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (1128-1138). Đó là cả một tổ hợp lễ hội, trò diễn và sự tích bên sông Tô. Đó là di sản gồm 15 tấm bia đá từ đầu thế kỷ XVII, 12 đạo sắc phong. Những mảnh vỡ huyền tích, huyền thoại được phóng đại qua lăng kính dân gian… cho ta biết phần nào về một đại sư có thật từ thời Lý, về văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chùa Láng, chùa Thầy xứ Đoài cũng như nhiều chùa khác với kiểu kiến trúc tiền Phật, hậu Thánh là kiểu kiến thức độc đáo của mái chùa Việt so với các nước ở Đông Nam Á. Phải chăng sự xuất hiện của kiểu chùa được bố trí thờ tự tiền Phật, hậu Thánh khẳng định sự tồn tại của Phật giáo dòng Mật Tông đã sớm được truyền bá vào nước ta?. Dòng Mật Tông này được Từ Đạo Hạnh và hai vị Thánh khác đi ngược sông Nhị, đến vùng Kim Xỉ Man (Ấn Độ) Ngân Xỉ Man (Vân Nam, Trung Quốc) tu đắc đạo rồi trở về.

Có thể chăng, con đường du nhập Mật Tông quan trọng là dọc sông Nhị, sông Tô, sông Đáy, bờ Nam của sông Hồng. Còn dòng Thiền Tông tìm mảnh đất ở phía Bắc sông Hồng quanh trung tâm Luy Lâu Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh?

Một số đề xuất:

Cần tu bổ đền chùa như cảnh quan chùa cần in tờ gấp, sách quảng bá tuyên truyền lễ hội.

Các cơ quan quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương cần hạn chế việc lấn chiếm, gây lộn xộn ở quanh các di tích chùa chiền. Hạn chế việc thương mại hóa khi tổ chức lễ hội dân gian biến lễ hội thành nơi buôn thần bán thánh, diễn các trò chơi thiếu tính dân tộc truyền thống. Chùa chiền hiện nay không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, nơi đi lễ của các bà vãi mà còn là nơi tham quan du lịch của du khách là địa chỉ để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc.

Tác giả: Văn Hậu – Hội VNDG Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

SÁCH THAM KHẢO:
– Lịch sử Thủ đô Hà Nội NXBKHXH 1961
– Hà Nội nghìn xưa Sở VHTT HN 1971
– Thiền uyển tập anh NXB Văn học 1990
– Lịch sử cách mạng P.Láng Thượng NXB HN 1993
– Hà Nội di tích và danh thắng Hội KHLS VN&Sở VHTTHN 2000
– Tạp chí Văn hóa dân gian, Văn hóa nghệ thuật, Nghiên cứu Phật học(1996-2000)
– Chùa Thầy (Ban quản lý xây dựng) 4-2000
– Sông Tô – Nguyễn Bá Đạm – Hà Nội Mới 20-2-1993

 https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thanh-lang-va-nhung-ngoi-chua-ben-dong-song-to.html

..



---

BỔ SUNG


2.


Xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu đường 3 gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành Thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924).

Thánh Láng và di tích chùa bên sông Tô
Chùa Nền
Chùa Nền

Xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu đường 3 gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành Thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924). Quả chuông “Đản Thánh Cơ  Chung” cao 1m, đường kính 0,5m đúc năm Canh Thân (1740). Văn chuông do Quốc Tử Giám bác sĩ Tuấn Đức Tử Nguyễn Viết Tuấn (người ở Hạ Yên Quyết) phụng soạn. Chuông ghi hai người đỗ sinh đồ là Đỗ Đăng Thụy và Nguyễn Trọng Đạt. Đó là cảnh đẹp, giáp cổ thành Thăng Long bên dòng Kim Ngưu thơ mộng. Chùa tên chữ là Đản Cơ tự hoặc Cổ Sơn tự, nguyên trước là đền thờ song thân của Thánh Từ: Từ Vinh và Tằng Thị Loan. Tương truyền vị trí này làm trên nền nhà của Thánh Từ hồi bé trước khi nhà sư trở thành nổi tiếng. Bộ VHTT xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật 22/4/1992. Một thuyết khác lại nói Thánh Từ được sinh ở Vườn Nở  Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, nay là chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Cha là Từ Vinh, mẹ là Tằng Thị Loan, Hội chùa Đồng Bụt (Tổng Xếp) mở ngày 10/3 đã đi vào câu ca:
Mồng 7 tháng 3 hội Thầy

Chùa Thưa

Theo Việt sử lược, Đại Điên thác sinh làm Giác Hoàng, lên 3 tuổi nói được nhiều chuyện. Vua Lý Nhân Tông lấy làm lạ đón từ Thanh Hóa về chùa Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Thánh Từ nhờ chị Từ Lan giả làm người đi lễ, mang bùa yểm làm cho Giác Hoàng bị chết, sau đó Thánh Từ thác vào con của Sùng Hiền Hầu, em  của nhà vua. Đứa trẻ sinh ra sau được lên ngôi vua là Lý Thần Tông… Chùa Thưa bị chiến tranh tàn phá từ cuối thế kỷ XIX. Nay đã được khôi phục dưới dạng một ngôi miếu, nằm trong khu sân của Viện Khoa học Giao thông phía đầu ô Cầu Giấy. Hậu cung có bản sắc phong của Khải Định thứ 9 (1924) phong “Từ Nương Tôn thần”.

Đền Vua Bà

Đền Vĩnh Bảo Đài ở cạnh chùa Láng. Bao quanh là hàng cây cổ thụ như cây muỗm, cây đại, cây thông. Đền có 3 gian hướng Nam. Hậu cung có ngai thờ bà vú nuôi của vua Lý Thần Tông hồi nhỏ nên dân làng quen gọi là đền Vua Bà. Bà mất ngày 3/12 được phong là “Từ Phúc Hoa, Lý Mẫu cung thần”. Đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, thập nhị Sơn Trang, Bồ Tát, Thủ đền, lầu Cô, lầu Cậu… Ngày đại hội 7/3 khi kiệu Thánh Láng đi qua thì dừng một lúc làm lễ bái vọng. Bình thường ngày mùng một, ngày rằm, người đi lễ chùa Láng thường vào lễ coi như đền Trình.

Đền Dốc Cót

Ở cạnh cầu Cót lối qua sông Tô sang làng Cót Thượng (phường Yên Hòa) có đền Dốc Cót thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền Dốc Cót xưa có 6 bệ thờ, có cả bệ thờ Thần Nông. Đền là chặng dừng chân của kiệu Thánh trong ngày hội Láng trước khi “độ hà” qua sông Tô. Các bệ thờ để đặt tượng Thánh Từ và 4 ông hộ vệ (gọi là Tứ trấn Thiên Vương). Nay đền còn thờ Sơn Trang, Bạch Hoa công chúa, lầu Cậu, lầu Cô. Cây ruối từ hàng trăm năm vẫn được giữ gìn… cũng có một thuyết khác cho là đền Dốc Cót là nền nhà cũ của Sùng Hiền Hầu?

Lễ hội Thánh Láng là lễ hội gắn với lễ nghi nông nghiệp có sự tham gia của người nông dân, thợ thủ công người buôn bán đô thị… nhiều vùng quê, đặc điểm hội chùa Láng mang nét mềm mại, thanh lịch, tài hoa có sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa của lễ hội Việt Nam.

Có thể so sánh hội chùa thờ Thánh Láng ở Thủ đô và các tỉnh khác để tìm nét giống nhau, khác nhau trong việc tổ chức hội chùa.

Đạo Phật dân gian hình thành trong nhân dân ta bắt nguồn từ đạo Phật chính thống bên Ấn Độ qua con đường Trung Quốc vào ta. Tuy nhiên nó gạt bỏ triết lý xa xôi, huyền bí mà trở về với cuộc sống trần thế, phần nào phản ánh nét văn hóa Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Ngày nay nó vẫn có tác dụng lớn lao với tâm linh của người Hà Nội.

Từ Đạo Hạnh là một vị thiền sư, một danh nhân văn hóa lịch sử. Nhân vật ấy qua nhiều sách, sử, truyền thuyết để lại một hệ thống chứng tích, lưu giữ ở Chùa Láng, nơi chốn tổ thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (1128-1138). Đó là cả một tổ hợp lễ hội, trò diễn và sự tích bên sông Tô. Đó là di sản gồm 15 tấm bia đá từ đầu thế kỷ XVII, 12 đạo sắc phong. Những mảnh vỡ huyền tích, huyền thoại được phóng đại qua lăng kính dân gian… cho ta biết phần nào về một đại sư có thật từ thời Lý, về văn hóa Phật giáo Việt Nam. Yếu tố truyền kỳ nằm trong quy luật tiểu truyện thiền sư và cốt lõi của đạo Phật là sinh nghiệp luân hồi, nhân quả, chứng quả, tứ diệu đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế…).

Chùa Láng, chùa Thầy xứ Đoài cũng như nhiều chùa khác với kiểu kiến trúc tiền Phật, hậu Thánh là kiểu kiến thức độc đáo của Việt Nam so với các nước ở Đông Nam Á. Phải chăng sự xuất hiện của kiểu chùa tiền Phật, hậu Thánh khẳng định sự tồn tại của Phật giáo, dòng Mật Tông trên lãnh thổ nước ta. Dòng Mật Tông này được Từ Đạo Hạnh và hai vị Thánh khác đi ngược sông Nhị, đến vùng Kim Xỉ Man (Ấn Độ)  Ngân Xỉ Man (Vân Nam, Trung Quốc) tu đắc đạo rồi trở về. Có thể chẳng con đường du nhập Mật Tông quan trọng là dọc sông Nhị, sông Tô, sông Đáy, bờ Nam của sông Hồng. Còn dòng Thiền Tông tìm mảnh đất ở phía Bắc sông Hồng quanh trung tâm Luy Lâu, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 

https://nguoihanoi.vn/thanh-lang-va-di-tich-chua-ben-song-to-14573.html


1.

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

ĐỨC THÁNH TỪA - VĨNH BẢO ĐÀI

Bức ảnh sớm nhất có được về Đền-
nguồn:https://www.facebook.com/media/set/?set=a.720691571278946.1073741884.155459347802174&type=1



  Chỉ mong có được bức Hoành Phi khác thay cho tấm biển tạm bợ này.



  Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết tới sự tồn tại của di tích này mặc dù ngày nào cũng đi qua.
  Cũng chỉ bởi Đền Vĩnh Bảo Đài nằm đã khuất, lại còn bị nghĩa trang của làng bao quanh, mãi vừa rồi mới có được tấm biển cổng Đền. Phần nữa hầu như không có dòng nào trong sử sách đề cập đến mặc dù theo lời kể của bà Nghiêm Thị Thi, người trông coi chăm sóc của nhà Ngài đã mấy chục năm thì theo như các Cụ truyền lại nơi đây vốn được xây để thờ Vua Bà( không rõ là ai, liên hệ thế nào với Đức Thánh Từa mà được xây trước  chùa Láng nằm ngay cạnh.).
  Có người nói Bà là Vú Nuôi( Mẹ nuôi) của Đức Thánh Từa, điều này được nhà Ngoại Cảm Thu Hà( cô là người có khả năng đi tìm mộ chính xác tuyệt vời) xác nhận.
Đoạn trích sau đây từ Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư - Quyển III:

   "THẦN TÔNG HOÀNG ĐẾ Húy Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra. Khi mới lên 2 tuổi, được nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng, bèn lên ngôi báu. Ở ngôi 11 năm [1128 - 1138], thọ 23 tuổi [1116 - 1138] băng ở điện Vĩnh Quang. Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nặt khúc nôi, không gì sai lệch. Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả. Song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng [28b] quý gì.
Mậu thân, Thiên Thuận593 năm thứ 1 [1128], (Tống Kiến Viêm năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Bính Tuất, đổi niên hiệu, đại xá. Tôn mẹ nuôi là Trần Anh phu nhân làm Hoàng Thái hậu."
   Link dẫn:http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt08.html
    Ngày Kỵ của Bà là 14 tháng Chạp.





  Đền nằm ngay cạnh chùa Láng



   Từ đường Láng rẽ vào phố Chùa Láng nơi Đền tọa lạc chỉ độ 200m là đến nơi.



  Mộ dân xung quanh Đền.





   Bà Nghiêm Thị Thi, Thủ Từ của Đền, năm nay đã 81 tuổi, trông nom cửa nhà Ngài từ năm 33 tuổi. Bà kể rằng trước kia nơi đây hoang tàn lắm. Ngoài bốn cây Đại cổ thụ và bệ thờ không tượng ra  chẳng còn gì để lưu lại chứng tích khả dĩ có thể tìm hiểu cội nguồn lịch sử.









  Tượng Phật Di Lặc



  Tượng Phật Bà Quan Âm



   Cây Đại cổ thụ vươn cành tỏa bóng trên cung Tam Tòa Thánh Mẫu. Trên Hoành Phi đắp nổi ba chữ Tiên Thiên Phủ.





  Hiếm có nơi đâu mà ba pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu lại đẹp và tươi đến như vậy, sống động vô cùng.







  Bốn góc quanh Đền là bốn cây Đại cổ thụ.











   Bức đại tự Vĩnh Bảo Đài







  Lầu Cô



  Lầu Cậu














  Toàn cảnh Cung cấm nơi thờ Ngài, dấu vết Mật tông rõ nét nơi đây.













  Đây là những bức ảnh mới nhất chụp trong Cung Cấm



Ông Trường, trong tổ quản Đền, đứng trước gian thờ Mẫu Liễu.





Bây giờ Cậu lại đưa vào đây cùng Chúa Bản Đền.



  Ban Chúa Sơn Trang







   Tuy đã 81 tuổi rồi mà bà Thi vẫn nhanh nhẹn tinh tường lắm



  Bà nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi cúa chúng tôi



  Cây Duối nhỏ góc bên phải là nơi Cô Chín thường mắc võng nằm nghỉ( theo lời kể của ông Oanh).









  Gốc Đại cổ thụ mà theo các Cụ truyền lại cỡ 900 năm tuổi rồi.



  Nghĩa trang của làng xung quanh Đền.





 Trước khi chia tay chúng tôi, các Cụ còn dặn kỹ là ngày 25 tháng 9 này là ngày Kỵ của Ngài( Đức Thánh Từa) bên Đền và Chùa chuẩn bị tổ chức vào buổi tối 25, để  ngày 26 làm lễ. Ngày này thì bên Chùa Láng mở tiệc, tổ chức Dâng Hương. Không dám hứa trước nhưng chúng tôi tâm niệm rằng sẽ còn trở lại nơi đây nhiều lần nữa. Tiếc là đến tận trưa nay tôi mới được nghỉ nên không được tham dự  Lễ Tế của các Cụ, đành đợi sang năm vậy.

Link về Đức Thánh Từa  trên blog này:
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4890
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=3875
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4775
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4774
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=3875
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=3948
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4372
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4029
http://vn.360plus.yahoo.com/vitbeoxn/article?mid=4776

http://vitbeoxn.blogspot.com/2012/12/uc-thanh-tua-vinh-bao-ai.html

..



0.

63. Thêm một văn bản về sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh 安 朗 徐 聖 父 事 跡 略 記,附 編 道 行 來 歷 (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 22h14, ngày 09/02/2015

THÊM MỘT VĂN BẢN VỀ SỰ TÍCH

THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

安朗 徐 聖 父 事 跡 略 記,附 編 道 行 來 歷

NGUYỄN THỊ NGÂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

NGUYỄN THIÊN LÝ

Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long

Ghi chép về sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được các nhà nghiên cứu thống kê khá đầy đủ trong các tư liệu và thư tịch cổ như Việt Điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái lụcThiền uyển tập anh ngữ lụcĐại Việt sử lượcAn Nam chí lượcAn Nam chí nguyênViệt sử tiêu ánĐại Việt sử ký toàn thưĐại Nam nhất thống chíHưng Yên tỉnh Văn Lâm huyện Nghĩa Trai tổng Đình Loan xã Bình Lương thôn thần tíchThánh tổ đại pháp thiền sư, Hoàng Việt thông chí thiên tiên Phật Thánh lục... Tuy nhiên giữa các bản có những xuất nhập cần được xác định về mặt văn bản học. An Lãng Từ Thánh Phụ sự tích lược ký, Phụ biên Đạo Hạnh lai lịch: ghi chép về sự tích Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng, phụ chép lai lịch Từ Đạo Hạnh (dưới đây gọi tắt là Sự tích Thánh Phụ) có thể xem là một tư liệu xác thực bổ sung cho việc nghiên cứu những truyền thuyết sông Tô; sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh với lễ hội chùa Láng, chùa Thầy và Phật giáo Mật tông… trong dòng chảy văn hóa Thăng Long Hà Hội(1).

Về tác giả và niên đại văn bản

Văn bản chép tay chữ Hán thể chân, gồm 19 trang, trang 8 dòng, dòng 7-9 chữ, lưỡng cước chú, không có tựa bạt. Ở trang cuối văn bản ghi: “Chư tế văn tịnh hồ sơ linh toái sự tích cụ hữu biệt bản phụng thủ tại Long Quang tự. Bính Tuất niên thu cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật hạch chính. Nguyễn triều Quang lộc tự khanh (Mão khoa Tú tài) Nguyễn An Lan, tự Hải Văn bái soạn tịnh thư” (Các bản văn tế và các sự tích tản mạn trước đây đều được lưu giữ đầy đủ tại chùa Quang Long. Đối chiếu với chính bản ngày 25 tháng 9 mùa thu năm Bính Tuất. Quang lộc tự khanh triều Nguyễn, Tú tài Mão khoa Nguyễn An Lan, tự Hải Văn bái soạn và viết). Ở dưới nhan đề văn bản trang đầu tiên và ở dưới dòng ghi niên hiệu văn bản, dòng ghi tên tác giả ở trang cuối cùng đều có dấu khắc 4 chữ triện:

Tô Lịch Hải Văn

Hơn nữa, trong văn bản tuân thủ nghiêm ngặt việc kiêng húy chữ (thì) đổi viết thành chữ (thìn) đời vua Thành Thái (1889-1907)(2); hoặc như chữ (Ba) trong tên chùa (Ba Lăng) ở xã Thượng An Quyết, huyện Từ Liêm xưa là do kiêng húy chữ (Hoa) trong tên chùa là 華 陵(Hoa Lăng) đổi viết thành (Ba)(3)... Từ những cứ liệu trên có thể xác định, tác giả Sự tích Thánh Phụ là quan Quang lộc tự khanh triều Nguyễn - Tú tài Mão khoa Nguyễn An Lan, tự là Hải Văn(4). Niên đại văn bản vào khoảng đời vua Thành Thái (1889-1907) trở về sau, và dòng niên hiệu ở cuối văn bản ghi là “Đối chiếu với chính bản ngày 25 tháng 9 mùa thu năm Bính Tuất”, nên văn bản được hoàn thành chính xác vào ngày 25/9/năm Bính Tuất 1946.

Nội dung thần tích gồm hai phần. Phần một về sự tích Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng và Phần hai về lai lịch Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dưới đây chúng tôi dịch theo nguyên bản Sự tích Thánh Phụ:

Đại vương họ Từ, tên húy là Huệ, tên lúc nhỏ là Đăng Vinh, người trại An Lãng huyện Vĩnh Thuận (tức nay là huyện Hoàn Long)(5), làm quan Chánh Đô sát viện(6) triều Lý. Lúc trẻ theo học thầy Đôn Minh (ở núi Câu Lậu huyện Thạch Thất). Vương bẩm tính thông tuệ dị thường nên được thầy dạy cho các phép thuật bí truyền kỳ lạ, tất cả đều thông hiểu, chuyên tâm nghiên cứu, ngày càng tinh vi, biến ảo khôn lường, phàm có thi đấu không gì là không hiệu nghiệm. Sau đó vương cáo biệt trở về nhà cũ (tức nay là chùa Nền là nơi sinh của Thánh)(7), truyền dạy riêng cho con trai là Đạo Hạnh. Thời ấy vua triều Lý tôn sùng Phật giáo, vương bèn dự thi đỗ đầu, được tuyển chọn hậu bổ Chương Đài đạo pháp, hưởng ân sủng của vua ban cho ngày càng nhiều. Thời ấy các nhà vương công, thế tộc, bình dân ai có việc cầu đảo thì vương giúp lập đàn tràng, niệm chú bắt quyết, đều rất ứng nghiệm. Vương vốn có phép ảo hóa nên thường đem ra thí nghiệm, ngẫu nhiên thử cho nhà Diên Thành hầu xem, chẳng ngờ bị Lê Đại Điên ở xã An Quyết(8) cũng là tay kiệt xuất về phù chú, truyền phép thuật cho Diên Thành hầu giết chết vương (ngày mồng 10 tháng Giêng) rồi ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi đến bến Hồng Diên thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục Cựu, huyện Thanh Trì (tức nay là xứ Hàm Long)(9), khi ấy người làng trông thấy, bèn đón xác lên chôn ở bên sông (tức nay là Thánh lăng). Sau khi chôn cất xong, ban đêm thấy thần linh báo mộng, người làng bèn dựng miếu phụng thờ làm Bản cảnh Thành hoàng. Năm Tân Mùi triều Lý(10), thần được sắc phong làm Bảo quốc Anh liệt Diệu cảm Chiêu ứng Thông huyền Hiển thánh Đại vương; lại cấp ruộng là 10 mẫu để cung cấp việc cúng tế giỗ chạp (mỗi giáp canh tác trồng trọt 6 sào ruộng. Ngày giỗ mồng 10 tháng Giêng hàng năm kính lễ mâm xôi, chuối tiêu). Mỗi dịp lễ tết được ân điển của triều đình phong tặng sắc văn, nhưng lâu ngày giấy cũ mất mát không thể ghi chép hết được. Một đạo sắc văn của triều Nguyễn phong làm Dực phù Trung hưng chi thần được cất giữ cẩn thận trong hòm vẽ rồng sơn son. Hàng năm khi gặp hạn hán, kính rước thánh giá cầu đảo thật là linh ứng. Trải mấy ngàn năm linh thần hiển hách như vẫn còn đây!

Vương Phu nhân họ Tăng, tên húy là Loan. Chùa Ba Lăng ở xã An Quyết Thượng, huyện Từ Liêm(11) cúng tế bà, hàng năm ngày giỗ là mồng 10 tháng Tư.

Con trai của vương tên húy là Lộ, tự là Đạo Hạnh, có tiên phong đạo cốt. Thuở niên thiếu thích giao du, hào hiệp phóng khoáng, chí lớn phi phàm, hành động cử chỉ không ai có thể lường được. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì đá cầu thổi sáo đánh bạc, ham sự chơi bời. Cha thường trách con là lười nhác không nghiêm túc. Một đêm bí mật dòm qua khe cửa, thấy trong phòng ánh đèn rực rỡ, sách vở chồng chất, Đạo Hạnh thì gục xuống án mà ngủ nhưng tay vẫn không rời sách, cha ông vì thế không còn lo lắng nữa. Năm sau Đạo Hạnh dự thi khoa Bạch Liên, đỗ Đệ nhất danh (triều Lý có kỳ thi riêng cho tăng đồ tức là khoa này). Nhưng sau đó cha gặp nạn bị giết chết, ông ngày đêm đau đớn xót thương, nung nấu mối thù không đội trời chung, chỉ lo tính việc báo thù cho cha mà chưa có cách nào. Một hôm rình lúc Đại Điên đi ra ngoài, Đạo Hạnh định lấy cây pháp trượng đánh theo cái bóng của y thì bỗng nghe trên trời có tiếng thét ngăn lại, thế là ông quăng gậy trở về, lòng càng thêm căm phẫn. Ông bèn rủ bạn là Minh Không và Giác Hải cùng đến Tây Thiên Ấn Độ để cầu phép lạ. Đường đi qua đất rợ Kim Sỉ(12) hiểm trở, muốn quay về thì bỗng thấy một cụ già chèo chiếc thuyền nhỏ nhàn du trên sông, ba người vái chào cụ già và hỏi đường đi đến Tây Thiên còn bao xa? Cụ già đáp rằng: “Đường núi cao hiểm trở không thể đi được, lão đây có một chiếc thuyền nhỏ có thể giúp đưa qua sông”, bèn lấy cây tiểu trượng chỉ thẳng về Tây quốc(13), trong chốc lát đã đến bờ, Minh Không và Giác Hải theo cụ già lên bờ, còn mình Đạo Hạnh ở lại giữ thuyền đến 3 ngày mà không thấy hai bạn trở lại, không biết tin tức ra sao. Bỗng nhiên thấy một bà lão, Đạo Hạnh hỏi rằng: “Cụ có nhìn thấy hai người đi cầu đạo pháp qua đây không?”. Bà lão đáp: “Hai người đã thụ phép lạ của ta và quay trở về rồi”. Ông bèn nói: “Đệ tử chúng con nghe tiếng tôn sư linh dị, phép thuật biến hóa ứng nghiệm vô cùng, vì thế từ nơi xa đến đây mong được thu nhận dạy bảo, xin muôn phần cảm tạ!”. Bà lão bèn dạy cho tất cả các phép thuật linh dị, Đạo Hạnh đều lĩnh hội sâu sắc, tự cảm thấy lục trí viên thông, đạo pháp đã thành, bèn cáo từ trở về nhà cũ ở An Lãng, ngày đêm tu luyện tìm cách báo thù. Một hôm tự mình đến cầu An Quyết sông Tô Lịch phóng cây trượng sắt ngược dòng nước chảy như tên bay, đến cầu Tây Dương(14) thì dừng lại. Mọi người nhìn thấy đều kinh ngạc báo cho Đại Điên biết. Đại Điên bèn đến bên sông đứng xem, cây trượng lập tức nảy lên đánh vào trán, Đại Điên chết ngay và rơi xuống nước, ông liền dùng phép niệm chú khiến cho xác Điên phóng theo sông Tô Lịch mà trôi đi.

Việc báo thù đã xong, oán thù xưa đã hết và lòng trần đã nguội, Đạo Hạnh bèn đến chùa Thiên Phúc ở núi Sài Sơn để tu luyện đạo pháp như trước kia. Từ đó pháp lực càng tăng, lòng thiền càng chín, có thể khiến cho các giống sơn cầm dã thú đều đến vây quanh hiền lành thuần phục, bấm đốt ngón tay cầu đảo mưa rơi, phun nước trị bệnh, không lúc nào không hiệu hiệm, nhân dân một vùng ngưỡng trông thần hiển linh phù trợ!

Ngày trước phóng xác Đại Điên thuận trôi theo dòng nước đến phủ Thanh Hoa Tràng An (tức nay là tỉnh Ninh Bình) có một khúc cong như hình cái mũ trang sức ở đầu ngựa, hồn của xác ấy liền nhập vào đứa trẻ 3 tuổi tự xưng tên là Giác Hoàng là con của vua. Khi ấy vua Lý Nhân Tông không có con nối ngôi, làm lễ cầu đảo nhưng không hiệu quả. Tháng 3 năm Ất Mùi(15) người ở phủ Thanh Hoa tâu trình lên rằng, ở bãi “mũ ngựa” bên bờ biển có một đứa trẻ 3 tuổi linh dị tự xưng là con vua, dung mạo thanh tú đẹp đẽ, thông hiểu mọi sự lý, phàm những việc trong cung vua không gì là không biết. Vua Nhân Tông bèn sai sứ giả tới xem quả đúng như lời nói, bèn đón về kinh sư, cho ở tại chùa Báo Thiên. Nhà vua thấy đứa trẻ thông minh nên rất mực yêu quý, muốn lập làm Hoàng Thái tử. Triều thần ra sức khuyên can cho là không thể được và tâu vua rằng: “Nếu đứa trẻ kia quả thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm thì sau mới lập được”. Nhà vua nghe theo, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai tại chùa Báo Thiên. Từ Đạo Hạnh nghe tin bèn nói rằng: “Đứa trẻ kia là yêu ma quái dị, mê hoặc nhân tâm quá lắm! Huống hồ nó mà thác thai làm con vua thì nhà ta sao có thể bảo toàn?”. Nhân có chị gái là Từ Nương làm Thị nữ trong triều, cũng là người túc trực ở thai đàn, ông bèn bí mật đưa cho Từ Nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú bảo đặt ở trên rèm. Hội đã qua 3 ngày đêm nhưng Giác Hoàng không thể đầu thai được và lại bị đau lưng, bèn tâu lên rằng: “Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, cửa khóa mấy tầng, cẩn mật kiên cố, mọi lối đi đều bị chẹn kín, tuy muốn thác thai mà sợ không được vậy”. Lời tâu chưa hết thì bỗng nhiên ngã lăn ra chết. Vua Nhân Tông rơi lệ thương tiếc, sai người kiểm soát trong ngoài đạo tràng tất cả mọi nơi, quả nhiên tìm được một dải mấy viên ấn phù ở trên rèm. Tra hỏi những người túc trực thì Từ Nương tự nói rằng, có em trai là Từ mỗ bảo đặt lên, còn mình không hề biết gì về việc ấy. Nhà vua bèn cho gọi Đạo Hạnh đến lầu Hưng Thánh, hội họp các bá quan văn võ cùng bàn bạc. Triều thần tâu rằng: “Bệ hạ đã không có con nối ngôi nên lập đàn cầu đứa trẻ ấy thác thai, thế mà dám càn rỡ tự ý giải chú, đáng phải luận trọng tội để tạ lỗi với thiên hạ”. Chỉ có hoàng thân Sùng Hiền hầu vốn biết ông là người đắc đạo chân nhân, bèn tâu rằng: “Đạo Hạnh lục trí thần thông, thiên hạ đã biết từ lâu. Thiết nghĩ Giác Hoàng nếu có thần lực thì Đạo Hạnh làm sao có thể tiêu trừ được. Nay vì Giác Hoàng mà luận tội Đạo Hạnh thì có ích gì với quốc gia? Huống hồ Đạo Hạnh có thể bay trên không, đi qua biển, niệm chú làm cầu qua sông, dù là hoàn cảnh gian nan nguy hiểm thế nào cũng không hề gì. Vả lại bút lực của triều đình, chẳng gì bằng sự bao dung để mở rộng ân điển. Hoặc như những lúc cần hô phong hoán vũ gọi gió cầu mưa thì biết đâu chẳng giúp ích gì cho tương lai? Thần cúi xin được khoan xá!”. Nhà vua bằng lòng và Đạo Hạnh được tha về. Sùng Hiền hầu bèn mời ông về nhà mình để chúc mừng, ông nói rằng: “May được quan nhân cứu giúp mà mỗ tôi được bảo toàn. Một tấm chân tâm ngang tàng, thân này không biết lấy gì để báo đáp, nguyện xin được thác thai cung để cảm tạ ân đức lớn”, hầu nghe lời nói hợp ý liền gật đầu đồng ý. Chỉ trong phút chốc, Phu nhân của Sùng Hiền hầu ở trong buồng tự nhiên cảm thấy thân mình động đậy như có thai, bèn báo sự việc cho hầu. Hầu đã biết trước điều ấy nên bí mật nói với Phu nhân rằng: “Nếu soi trong nước thấy hình thì chân nhân đã nhập vào thai cung của ta rồi, hãy thận trọng đừng sợ hãi nghi ngờ gì”. Đạo Hạnh lại nói với hầu rằng: “Nhân duyên kiếp trước được làm nghĩa cha con, nay đã đầu thai làm con nối dõi của hầu, xin từ biệt trở về”, và còn dặn thêm rằng: “Đến kỳ sinh nở tất phải đến báo cho biết trước!”. Đến tháng, Phu nhân động sản khó sinh, gia nhân báo với hầu, hầu nói rằng: “Cần phải báo gấp cho tôn sư để biết điều tốt xấu”, bèn ruổi xe đến báo cho Đạo Hạnh. Ông được tin liền nói với môn đồ rằng: “Nhân duyên kiếp trước chưa hết, còn phải thác sinh làm vua. Nếu thấy thân thể ta bị tổn hoại là thai cung của ta đã thâm nhập vào bùn đất (tức là niết bàn vậy)”. Các môn đồ nghe thế, ai cũng cảm động mà khóc. Ông đọc kệ xong bèn leo lên động, đập đầu vào tường đá, rồi dậm chân lên bàn đá nghiễm nhiên mà hóa (tức nay là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, dấu vết vẫn còn), lúc ấy là giờ Ngọ ngày mồng bảy tháng ba năm Bính Thân đời Lý Đại Khánh năm thứ bảy(16). Đạo Hạnh nhập vào cõi niết bàn và hóa, ra đời làm con của Sùng Hiền hầu, không dưỡng dục mà ngày càng lớn; không giáo huấn mà thông minh, dung nhan tuấn tú đẹp đẽ, tài hùng biện không ai sánh bằng. Tháng Giêng năm Đinh Dậu(17) vua Lý Nhân Tông mộng thấy thần nhân đọc thơ rằng: “Dục tri vị lai quả, Vu kim kiến thánh hiền. Bất cầu nhi tự hoạch, Chỉ thị đãi tam niên” (Muốn biết kết quả tương lai, Đã thấy thánh hiền trước mắt. Không cầu mà tự có, Chỉ phải đợi ba năm). Trước đó nhà vua chưa có con nối ngôi, việc ban chiếu thư để cầu tìm con đồng tông thừa kế còn chưa quyết định. Đến năm Mậu Tuất(18) nhà vua tuổi tác đã hơi cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để giáo dục chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử, ông(19) là người được lựa chọn vậy. Khi ấy ông mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sai Thần Anh nguyên phi làm mẹ nuôi dưỡng. Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Phù nguyên niên(20) vua Nhân Tông băng hà, ông lên ngôi (13 tuổi), đổi niên hiệu là Thiên Thuận nguyên niên(21). Đến năm Bính Thìn(22), thân mình ông tự nhiên mọc nanh vuốt rồi không lâu sau biến hình thành hổ, danh y khắp nơi đến chữa bệnh đều không khỏi. Minh Không và Giác Hải nghe tin ông mắc bệnh “kim sang”(23) thì thấy quả nhiên nghiệm với lời nói trước đây (ngày trước ông cùng với Minh Không và Giác Hải đi học tiên thuật đắc đạo, lúc trở về ông đi lên trước biến thành hình hổ để đùa bạn), bèn làm bài ca dao dạy cho trẻ nhỏ hát rằng: “Dục an thiên tử tật, Tu đắc Nguyễn Minh Không” (Muốn chữa bệnh nhà vua, phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều thần bèn theo lời trẻ nhỏ hát, sai sứ giả đi tìm. Nghe nói hai vị sư Minh Không và Giác Hải trụ trì ở chùa Liêu Thủy, sứ giả cùng binh lính 16 người chèo thuyền đến chùa bái kiến, Thiền sư bèn lấy một cái nồi nhỏ nấu cơm và bảo họ rằng: “Bần tăng có ít cơm ăn tạm!”. Quân lính ăn đều no bụng nhưng không thể hết được. Ăn xong thì hai vị Thiền sư theo sứ giả xuống thuyền, Minh Không nói với họ rằng: “Mọi người hãy tạm đi ngủ và nghỉ ngơi, đợi nước triều dâng thì khởi hành lên kinh”. Thế là mọi người đều xuống thuyền ngủ, thuyền đi như bay, ngày hôm sau đã đến bến Đông, Thiền sư bèn gọi mọi người dậy, đã nhìn thấy chùa Báo Thiên, ai nấy đều kinh phục. Hai vị Thiền sư theo sứ giả vào cung vua. Khi ấy các bậc danh sư trong thiên hạ ngồi la liệt, thấy Minh Không hèn mọn quê mùa thì xem thường không thèm đứng lên chào. Minh Không bèn lấy ở trong túi ra một chiếc đinh sắt dài năm tấc rồi dùng tay đóng vào cột điện, đinh ngập sâu vào quá nửa, ông nói với mọi người rằng: “Ai có thể nhổ được chiếc đinh này thì chữa được bệnh cho vua”. Nói như vậy mấy lần, không có ai dám nhổ. Minh Không bèn dùng hai ngón tay phải mà nhổ, đinh theo tay bật ra, bèn bảo lấy cái vạc lớn, 12 hũ dầu, 100 cái kim và 1 cành hòe, đốt lửa nấu, rồi sai khiêng ngọc giá đến đàn. Minh Không bảo Giác Hải đốt lửa suốt mấy ngày liền, bèn thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim. Giác Hải lại bảo Minh Không làm phép, lấy cành hòe nhúng vào vạc dầu rồi rắc vảy lên ngọc thể nhà vua, quát to rằng: “Bậc thiên tử tôn quý cớ sao mà lo buồn phát bệnh như vậy?”. Thế là tất cả lông lá, nanh vuốt đều rụng hết, nhà vua lại ở ngôi đế vị như xưa. Khi đó Minh Không có bài kệ rằng: “Kỳ lân đồ hậu mạt, Nguyệt vọng đáo trung thiên” (Kỳ lân dự liệu về hậu thế, Mặt trăng và mặt trời gặp nhau ở giữa trời)(24). Mọi người không ai hiểu lời nói đó. Đến ngày 26 tháng 9 năm Canh Thân(25) nhà vua thăng hà, miếu hiệu Thần Tông tức là hậu thân của Đạo Hạnh vậy. Ngày ông thăng hà thì nhà cũ ở chùa Sài Sơn linh khí chấn động(26), dân làng thấy thế kinh sợ lạ lùng đem việc tâu lên, vua nối ngôi liền sai triều quan đến tế lễ, trùng tu miếu vũ, ban phong miếu hiệu, bốn mùa cúng tế. Hàng năm mồng 7 tháng 3 là ngày sinh nhật tiền thân(27), có lệ phụng nghênh thánh giá đến xứ Hương Sơn quán để lạy chầu Thánh tổ. Cũng như chùa Chiêu Thiền ở xã An Lãng huyện Từ Liêm phụng nghênh thánh giá đến lạy chầu Thánh tổ ở Thánh am xứ Hàm Long, thôn Thượng Đình (nếu gặp năm hạn hán thì rước thánh giá đến chầu lạy Thánh tổ cầu đảo vô cùng linh ứng). Trai gái bốn phương cùng hân hoan dự hội, đây là lễ hội lớn của một vùng vậy(28)!

 

Chú thích:

(1). Nguyên bản 安 朗 徐 聖 父 事 跡 略 記,附 編 道 行 來 歷(An Lãng Từ Thánh Phụ sự tích lược ký, Phụ biên Đạo Hạnh lai lịch) hiện được lưu giữ trong dòng họ nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987). Qua GS. Phạm Tú Châu (Viện Văn học) giới thiệu và xin ý kiến đồng ý của con cháu trong dòng họ nhà văn, chúng tôi gửi bản thần tích này tới Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2012. Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.

(2). Xem Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, 1997.

(3). Chùa Hoa Lăng ở xã Thượng An Quyết sau đổi là xã An Hòa thuộc quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm, Tp Hà Nội.

(4). Cụ Tú Nguyễn An Lan, tự Hải Văn là phụ thân của nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987). Quang lộc tự khanh là chức trưởng quan của Quang lộc tự chuyên lo việc cỗ bàn, cung cấp lễ phẩm cho các ngày tế lễ, yến ẩm của triều đình. Sự tích Thánh Phụ (Sự tích về Thánh Phụ Từ Vinh ở An Lãng) do cụ Tú Nguyễn An Lan biên soạn ghi chép về sự tích vị Bản cảnh Thành hoàng thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục Cựu (tên Nôm là làng Mọc), huyện Thanh Trì xưa, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội.

(5). Phần trong ngoặc đơn trong bản dịch này đều là nguyên chú của tác giả. Trại An Lãng huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, phường Láng Thượng, quận Ba Đình, Tp Hà Nội.

(6). Đô sát viện là cơ quan tối cao giữ việc giám sát trăm quan, biện minh oan khuất, phàm có án kiện quan trọng thì cùng với Hình bộ và Đại lý tự hội thẩm.

(7). Chùa Nền ở số 1160 Đường Láng, Hà Nội.

(8). Nay là thôn Tiền, phường Dịch Vọng, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội.

(9). Nay là phường Thượng Đình quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội.

(10). Tức năm 1211 đời Lý Huệ Tông (1211-1224).

(11). Nay thuộc quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội.

(12). Theo Từ nguyên (Dân Quốc nhị thập bát niên 1939), tục của tộc người cổ dùng vàng để trang sức răng gọi là man Kim Sỉ, nay là huyện lị Vĩnh Xương Vân Nam Trung Quốc.

(13). Tây quốc là chỉ đất phát nguyên của Phật giáo.

(14). Nay là khu vực Cầu Giấy Hà Nội.

(15). Tức năm 1115 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).

(16). Tức là năm 1116 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).

(17). Tức năm 1117 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).

(18). Tức năm 1118 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).

(19). Tức chỉ Đạo Hạnh lúc này đã đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu.

(20). Niên hiệu Thiên Phù Khánh Thọ là năm 1127 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).

(21). Niên hiệu Thiên Thuận đời vua Lý Thần Tông (1128-1132).

(22). Tức năm 1136 đời vua Lý Thần Tông (1128-1138).

(23). “Kim sang” theo cách gọi của đông y là vết thương do dao kiếm.

(24). Kỳ và lân là hai loại thú thần trong truyền thuyết được coi là điềm lành.

(25). Tức năm 1140 đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

(26). Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây (cũ), nay là xã Sài Sơn huyện Quốc Oai Hà Nội là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, và nơi ngài hóa gọi là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn.

(27). Tiền thân là thuật ngữ Phật giáo, chỉ thân thế kiếp trước.

(28). Chùa Láng ở phố Chùa Láng phường Láng Thượng quận Đống Đa, Tp Hà Nội. Chùa Láng còn gọi là chùa Cả, tên chữ là Chiêu Thiền tự, do vua Lý Anh Tông là con của Lý Thần Tông xây dựng để thờ vua cha và tiền thân của người là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội chùa Láng được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng 3 là ngày hóa và ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: ngày mồng 5 tháng 3 rước thánh đến chùa Nền để Thánh thăm lại nơi sinh; ngày mồng 6 rước kiệu đến chùa Tam Huyền ở làng Mọc để Thánh thăm cha; tối mồng 6 rước kiệu Thánh trong chùa Cả ra nhà Bát giác ở sân để Thánh xem lễ; sáng mồng 7 rước kiệu ra cửa Tam quan để chờ các làng như Nhược Công, Mọc nhập cuộc rước Thánh “Đấu thần” với sư Đại Điên ở chùa Duệ Tú; sau đó tới chùa Hoa Lăng ở Cầu Giấy để Thánh thăm mẹ, rồi hoàn cung.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.502-515

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2361&Catid=997

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.