Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/09/2022

Trông lên Cao Bằng hồi thập niên 1700s : 10 cảnh đẹp qua thơ Nôm của Đinh Nho Hoàn (1670-1716)

Đinh Nho Hoàn từng làm đốc trấn Cao Bằng trong khoảng 6 năm (1704-1710).

Về Đinh Nho Hoàn, trên Giao Blog, có thể đọc lại ở đây (tháng 12/2015) hay ở đây (tháng 1/2021).

Từ rất lâu, tôi đã chú ý đến 10 bài thơ Nôm rất thú vị của Đinh Nho Hoàn, gọi là "Cao Bằng thập thủ" (mười cảnh đẹp của Cao Bằng). Trên Giao Blog thời Yahoo, vào ngày 3/9/2011, tôi đã đăng lại một bài viết về "Cao Bằng thập thủ" của học giả Nguyễn Thị Lâm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trên Thông báo Hán Nôm năm 2004. 

Giao Blog thời Yahoo không còn truy cập được nữa (bản lưu trên wordpress cũng không hiện thị tốt, lại cũng khó tìm), nên nay đăng lại ở đây.

Tháng 9 năm 2022,

Giao Blog



---

10 cảnh đẹp của Cao Bằng và đốc trấn Đinh Nho Hoàn (1670-1716)

Category: Nhà Mạc, Tag: Giải trí,Khác
03/09/2011 02:23 pm

---

  Thông báo Hán Nôm >> Năm 2004
35. Đốc trấn Đinh Nho Hoàn và 10 bài thơ vịnh cảnh đẹp Cao Bằng (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 16h39, ngày 25/06/2007


ĐỐC TRẤN ĐINH NHO HOÀN VÀ

MƯỜI BÀI THƠ VỊNH CẢNH ĐẸP CAO BẰNG

NGUYỄN THỊ LÂM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Đinh Nho Hoàn (1670 – 1716), hiệu Mặc Trai, người xã An Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Họ Đinh Nho này nổi tiếng vì có nhiều người hiển đạt như Đinh Nho Công (cha của Đinh Nho Hoàn), Đinh Nho Điền, Đinh Nho Quang... Đinh Nho Hoàn đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà 21 (1700) đời Lê Hy Tông, từng làm Đốc trấn Cao Bằng, rồi Hữu thị lang bộ Công. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) được cử làm phó sứ sang tuế cống nhà Thanh, chẳng may ông bị lâm bệnh và mất ở dọc đường (1716), được truy tặng Tả thị lang bộ Lại. Ông có người vợ thứ là Phan thị, tính tình thùy mị nết na lại am hiểu chữ nghĩa. Những khi ở triều về rảnh việc, ông cùng bà xướng họa thơ văn rất tương đắc, các bài xướng họa đều chép lại ở tập Quan thư hòa minh(1). Khi nghe tin chồng mất, bà đau lòng tuẫn tiết, người đời ca ngợi là “Trinh liệt”, triều đình ban tấm biển đề hai chữ “Tiết phụ”, truy tặng Á thận phu nhân, sai quan lập đền thờ ở xã An Ấp. Tập Truyền kỳ tân phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã có một truyện nói về tiết tháo của bà tài nữ họ Phan, nhan đề An Ấp liệt nữ truyện.

Đinh Nho Hoàn là tác giả của tập thơ Mặc Ông sứ tập bao gồm những bài thơ vịnh cảnh trên đường đi sứ Trung Quốc, những bài họa đáp, tiễn tặng bạn bè và những bài cảm tác thể hiện lòng nhớ nước thương nhà. Trong thời kỳ làm Đốc trấn Cao Bằng ông còn có tập Hoán tỉnh châu dân từ bằng chữ Nôm gồm một bài ca dài 148 câu, thể lục bát kêu gọi nhân dân địa phương làm điều tốt, bỏ điều xấu để an cư lạc nghiệp sau khi chiến tranh giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh với nhà Mạc chấm dứt, nhà Mạc phải thất bại. Cuối cùng là mười bài thơ vịnh các cảnh đẹp ở Cao Bằng gọi là “Cao Bằng thập thủ”. Sách có ký hiệu AB.185, hiện tàng trữ ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm(2).

Trước tác của Đinh Nho Hoàn để lại tuy không nhiều nhưng được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào và chứa chan những tình cảm, ý vị, đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”(3). Tuy nhiên, các tác phẩm của ông hầu như vẫn chưa được khai thác, giới thiệu một cách đầy đủ. Gần đây, Tổng tập văn học Việt Nam, T6 (Văn học thời Trịnh Nguyễn phân tranh, PGS. Bùi Duy Tân chủ biên, Nxb. KHXH, H. 2000) đã tuyển chọn 5 bài thơ chữ Hán và toàn văn bài Hoán tỉnh châu dân từ. Riêng mười bài thơ vịnh cảnh Cao Bằng đều là thơ Nôm Đường luật, thể thất ngôn bát cú, đôi khi xen vào những câu sáu chữ. Lối thơ này đã từng thấy trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông và các tác gia thời Hồng Đức (1470 - 1497), Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)... Đề tài “bát cảnh” hay “thập cảnh” vốn có nguồn gốc từ văn học nước ngoài từ lâu cũng đã được nhiều thi nhân nước ta vận dụng để ngâm vịnh như: Tây hồ bát cảnh (tám cảnh đẹp của Hồ Tây), Trấn doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp ở Lạng Sơn), Hà Tiên quốc âm thập vịnh (thơ vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên)... Ở Cao Bằng thập thủ, dưới ngòi bút của Đinh Nho Hoàn, cảnh non xanh nước biếc nơi địa đầu đất nước hiện lên với những đường nét thật sinh động, hấp dẫn, mang đậm bản sắc riêng của xứ Cao Bằng. Người và cảnh như hòa quyện vào nhau, đâu đó thấp thoáng một tòa thành cổ, một ngôi đền khói hương nghi ngút, bóng áo chàm của đồng bào dân tộc ra vào các hang động, tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm, tiếng sáo véo von của làng chài, tiếng hát của người tiều phu trên sườn núi, những ngôi nhà mới quét vôi, cảnh chợ tấp nập trên bến sông... Đó là bức tranh hiện thực về một cuộc sống đang dần dần hồi sinh sau một thời kỳ loạn lạc kéo dài. Tình cảm của tác giả đối với mảnh đất Cao Bằng còn gắn liền với ý thức rất cao về tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc. Thiết nghĩ đây là một tài liệu có thể giúp ta hiểu biết một cách đầy đủ hơn về con người và sáng tác của tác giả Đinh Nho Hoàn cũng như trong việc nghiên cứu chữ Nôm và thơ Nôm Đường luật vốn là một di sản sáng giá trong kho tàng văn hiến cổ điển nước nhà. Dưới đây xin lần lượt phiên âm, giới thiệu mười bài thơ đã nêu.

CAO BẰNG THẬP THỦ

(Mười bài thơ vịnh cảnh đẹp Cao Bằng)

1. Na Lữ cổ thành (Thành cổ Na Lữ)

Bốn vách thành xưa dựng cội ngàn,

Nền hương khói thuở gian quan.

Ngàn hàng cây đổng bày con mác,

Năm đóa mây che rợp bóng tàn(4).

Đất cũ nhà vua vàng đá vững,

Xương khô họ Mạc cát lầm tan.

Tôi ngươi tới đấy vai quyền nặng,

Đau đáu(5) mười phân một phiến đan.

2. Hoàng Sơn tình vọng (Ngắm Hoàng Sơn lúc trời tạnh mưa)

Da trời rửa sạch bằng tờ,

Chất ngất Hoàng Sơn vẻ vẻ ưa.

Cây thuở mưa thôi xanh rợp rợp,

Đá khi nắng số bạc phơ phơ.

Khe kiều chim gióng tiều(6) về sớm,

Động khẩu hoa ngâm khách ở trưa.

Dửng dửng miếu thần hương chửa lạnh,

Khí thiêng nghi ngút lại hơn xưa.

3. Khâu Sầm mộ vân (Mây chiều ở Khâu Sầm)

Lớp chớp mây hôm quyến(7) nhạn về,

Non Sầm trướng(8) rủ so le.

Rợp đầu đá bạc ngàn hàng tán,

Lạt ngọn cây xanh mấy cỗ xe.

Lạc khách áo sen ra cửa động,

Bận người lắt(9) hạnh xuống cầu khe.

Trông nhà chửa thuở ngưng con mắt,

Lại véo von đâu địch nhạn kia.

4. Đèo Liêu tân nguyệt (Trăng mới mọc ở đèo Liêu)

Lòng vọng chuông hôm mới nện chày,

Đèo Liêu quế đã mọc trời tây.

Loan nghi gương lẻ bay bờ khói,

Vượn khiếp cung treo khóc lọt mây.

Đường tỏ mục(10) về hương bén mặt,

Búa doanh tiều mạn ngọc in tay.

Trăm hoa những biết chào duyên mới,

Nối nữa Trường An(11) một khách hay.

5. Đống Lân dạ chung (Tiếng chuông đêm ở Đống Lân)

Trăng kia quán khói nọ kìa làng,

Vẳng vẳng chuông đâu chốn lửa hương.

Nền tĩnh thổ(12) cao khi nện máy,

Thiền thiên tỏ thuở chú(13) giá sương.

Đèn ngày vì nước khêu chong mộng,

Gối khách lo nhà thức vội vàng.

Lòng vọng nghe thôi mới biết,

Từ bi nọ khéo mênh mang.

6. Xảo giang ngư địch (Tiếng sáo của người đánh cá ở Xảo giang)

Vạn giang(14) trời muộn ác sư tà,

Này địch ai đây chập chập hòa.

Đứt nối xoang trên thuyền chở nguyệt,

Nỉ non kêu đốt bếp hâm trà.

Nhạn lạ tiếng bay sao lãng,

Cá quen hơi vẫy sóng hoa.

Kẻ tôi con nghe dễ trạnh,

Lo ngay đền nước, thảo đền nhà.

7. Mục thành hoa phố (Phố hoa ở Mục thành)

Lớp chớp chân thành mấy dãy hàng,

Ngày ngàn dặm khách mười phương.

Biển(15) bày mực lạt rêu y sĩ,

Vách quét vôi nồng cửa phú thương.

Nương gió miết neo(16) thuyền bãi Sở,

Lồng mây năm sắc của sông Tương.

Lầu thưa mái nọ còn hơi hả,

Suối lợi bên kia ghét chẳng màng.

8. Biên đình thu giác (Tiếng tù và mùa thu ở biên đình(17))

Sa thành(18) lạnh lẽo mảng tin thu,

Nọ giác ai đâu tiếng nhỏ to.

Trên cật ngựa Hồ tâu dửng dửng(19),

Dưới con cờ Hán thổi vo vo.

Trạnh thuở sương hoành đượm(20),

Ai oán nghĩ khi cỏ lục khô.

Kẻ chống thành gan có sắt,

Chinh bào chi khứng(21) để xâm châu.

9. Mạnh Tuyền giang thị (Chợ họp trên bến sông Mạnh Tuyền)

Đất tròn bồ duyên(22) nước xuyên oanh,

Rậm so le mấy quán tranh.

Thuyền nổi lá tre lan mặt nước,

Dù trương nhú nấm rợp ngàn xanh.

Muối nhiều duyên hải yêu như ngọc,

Tiền có chầu ưa diện nữ anh.

Nhận khách thương kia cho thấu lý,

Nguồn tham hay cạn chớ lanh chanh.

10. Án Lại tiều ca (Tiếng hát của người hái củi ở Án Lại)

Non Án dâu hôm bóng xế phiêu,

Ca dắng dỏi(23) mấy ngươi tiều.

Vang động đá dường treo ngọc,

Dội hương trăng mẽ phủ thiều(24).

Cao khoáng(25) giơ tung trời đất Hán,

Biếc xanh thề thốt nước non Nghiêu.

Bạn tri âm nọ nồng nàn bấy,

Suối có cầm thông có tiếng tiêu(26).

Chú thích:

(1) Hoàng Hữu Yên: Liệt nữ An Ấp là người nào ? Tạp chí Hán Nôm, số 4-1996, tr.62.

(2) Ngoài bìa sách đề: “Hoán tỉnh châu dân từ, Ô Châu cận lục trích lục” và ở dòng 1 trang đầu có viết: “Sách này trích từ Ô Châu cận lục, đóng riêng thành một tập, không phải là sách thiếu”. Thực ra, Ô Châu cận lục của Dương Văn An vốn không có Hoán tỉnh châu dân từ. Việc ghép hai tác phẩm này lại với nhau chỉ xảy ra khi chép sách (Theo các tác giả Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. PGS. Trần Nghĩa - Prof. Franoi Gros chủ biên, tr.815).

(3) Tổng tập văn học Việt Nam, T6, sđd, tr.315.

(4) Tàn: chính là chữ “tản” (cái dù, cái lọng), ở đây phiên là “tàn” cho hiệp vận.

(5) Đáu đáu: khăng khăng một lòng một dạ.

(6) Tiều: người hái củi.

(7) Lớp chớp: như lớp lớp. Quyến: nhớ nghĩ, quyến luyến.

(8) Trướng: dãy núi giăng như bức bình phong.

(9) Lắt: ngắt, hái (tiếng địa phương miền Trung): Ra vườn lắt ít lộc thơm.

(10) Mục: trẻ chăn trâu.

(11) Trường An: kinh đô nước Trung Hoa thời xưa, có từ thời Hán. Về sau người ta gọi kinh đô là Trường An.

(12) Tĩnh thổ: thế giới cực lạc, nơi đất Phật.

(13) Thiền thiên: bầu trời tĩnh lặng. Chú: lời bí quyết của thầy pháp.

(14) Vạn giang: làng chài trên sông. Ác: bóng ác, mặt trời.

(15) Biển: tấm gỗ hay sắt nhẹ đề chữ vào để nói về một việc gì đó.

(16) Neo: đồ dùng bằng sắt có hai mỏ nhọn thả xuống đáy nước để giữ thuyền.

(17) Biên đình: như biên thuỳ, biên cảnh.

(18) Sa thành: cái thành ở nơi cát bụi.

(19) Dửng dửng: cất tiếng vừa vừa.

(20) Câu này chỉ có 5 chữ.

(21) Khứng: chịu (từ cổ). Cả câu ý nói kẻ từng mặc áo chiến bào đâu chịu mềm lòng.

(22) Bồ duyên: bờ cỏ bồ, một loài cỏ lác.

(23) Ca dắng dỏi: tiếng hát nổi lên liên tiếp và vang xa. Dắng dỏi bên tai tiếng quản huyền (Quốc âm thi tập).

(24) Phủ: vỗ. Thiều: nhạc thiều.

(25) Cao khoáng: cao rộng.

(26) Cầm thông: gió thổi vào cây thông nghe như tiếng đàn. Tiêu: ống sáo./.

Thông báo Hán Nôm 2004 (tr.396-302)

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.