Di tích đền Gôi Vị tọa lạc ở xóm Trung Mỹ, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Với lối kiến trúc cổ kính cùng với những nét chạm trổ, điêu khắc vô cùng tinh xảo, hàng năm đền Gôi Vị đã thu hút hằng nghìn lượt khách (đa phần là các nhà nghiên cứu) đến tham quan.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngôi đền đang dần bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Những hộ dân sống quanh ngôi đền này tỏ ra rất xót xa: “Đền Gôi Vị được chứng nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2005, nhưng cho đến nay khu di tích này vẫn không được cơ quan chức năng chú trọng tu bổ, khiến cho ngôi đền sắp trở thành... phế tích”, bà Nguyễn Thị Phương cho hay.
 
    
Bên trong ngôi đền nhiều cột gỗ bị xiêu vẹo, mối mọt ăn mục nát. Ảnh: Trần Quốc

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ tường thành bên ngoài ngôi đền đã bị đổ nát chỉ còn lại một đoạn ngắn. Bên trong di tích cũng chẳng khá hơn, khi tòa nhà hữu vu gần như đã bị đổ nát, để mặc cỏ dại mọc um tùm và đã bị đóng cửa. Miếu thờ chính cũng ở trong tình trạng tương tự, tường và nền nhà bị nứt nẻ, bong lột nhiều mảng lớn, những cây cột và kèo bị mối mọt phá hoại nhiều đoạn.
   
Theo gia phả dòng họ Đinh ở huyện Hương Sơn ghi lại, đền Gôi Vị là nơi thờ bà Phan Thị Viên (vợ thứ của tiến sĩ Đinh Nho Hoàn) và là 1 trong 6 Thánh mẫu được nhân dân tôn thờ ở Hà Tĩnh. Đền còn thờ tiến sĩ Đinh Nho Công (cha Đinh Nho Hoàn), Đinh Nho Hoàn và Hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (em Đinh Nho Hoàn).

Ngày 10/8/2005, đền Gôi Vị được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định số 1592 QĐ/UB công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện, ngôi đền được giao cho gia đình anh Nguyễn Khắc Vinh trông coi, chăm sóc. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí để tu bổ nên Đền Gôi Vị đang dần bị mai một.

 

Nhiều đoạn tường bao xung quanh ngôi đền đã bị đổ nát. Ảnh: Trần Quốc

“Gia đình tôi trông nom ngôi đền này đã hàng chục năm nay rồi, nhưng chưa lúc nào thấy nó xuống cấp trầm trọng như trong thời gian gần đây. Trước tình hình đó, chúng tôi đã báo lên chính quyền địa phương song cho đến nay vẫn không thấy có chuyển biến gì” - anh Nguyễn Khắc Vinh, xóm Trung Mỹ, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Di tích đền Gôi Vị bị xuống cấp như vậy trước tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương vì chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn di tích ở địa bàn. Đồng thời, không có kế hoạch đánh giá, báo cáo thực trạng của di tích lên cấp trên để tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Hơn nữa, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 322 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong lúc đó nguồn kinh phí dành cho việc trùng tu, sửa chữa hàng năm là quá ít nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
 

Bức tường ở phía trước cổng chính ngôi đền cũng đã bị lún, nứt nẻ và nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ảnh: Trần Quốc

Với ý nghĩa lịch sử quan trọng như vậy, thiết nghĩ chính quyền địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ngành chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc tổ chức đánh giá thực trạng di tích đền Gôi Vị để xem xét, bố trí các nguồn kinh phí hợp lý khẩn cấp trùng tu, khắc phục kịp thời, nếu không thì nguy cơ đền Gôi Vị trở thành phế tích là điều sẽ sớm diễn ra.
 
Trần Quốc