Truyện kí và tiểu thuyết, thơ ca về vùng mỏ khá phong phú. Trong một bài viết về "văn hóa thợ mỏ" đã công bố năm 2020 (xem nhanh trên Giao Blog ở đây), thì tôi xếp "văn học vùng mỏ" là một nội dung của "văn hóa vùng mỏ" và "văn hóa thợ mỏ".
Bây giờ là về tiểu thuyết Bất khuất của nhà văn Lê Phương.
Mở đầu là một bài viết của bác Đoàn Kiển (tức Đoàn Văn Kiển) - nguyên là Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV (than khoáng sản Việt Nam).
Các thông tin bổ sung và cập nhật sẽ dán dần lên ở bên dưới đó như mọi khi.
Tháng 5 năm 2022,
Giao Blog
---
Đ.c Đoàn Văn Kiển, Nguyên: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn
Ngày 20/5/2022, từ Fb Đoàn Kiển
..
---
BỔ SUNG
3.
VHO- Sau nhiều tháng “ba cùng” - ăn cùng, ở cùng, làm cùng với những người công nhân mỏ than Quảng Ninh, cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” tập trung về phong trào công mỏ từ năm 1930 của nhà văn Lê Phương ra đời. Cuốn thuyết đã đi vào lòng công chúng thợ mỏ, trở thành một cuốn tư liệu về tinh thần người công nhân sống, và làm việc, bất khuất đấu tranh cách mạng.
Trả được món nợ tình nghĩa với những người thợ mỏ
Được NXB Lao động ấn hành lần đầu tiên năm 1964, và 55 năm sau cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” được tái bản lần thứ nhất – một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.71929 – 28.7.2019) và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (10.10.1994 – 10.10.2019), kỷ niệm 83 năm ngày Truyền thống Công nhân vùng mỏ - Truyền thống công nhân ngành than (12.11.1936 – 12.11.1919). Tại buổi ra mắt tái bản cuốn tiểu thuyết, nhà văn Lê Phương (sinh ngày 28.1.1933) cũng có mặt, dù đi lại phải có người dìu, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn và bày tỏ sự xúc động khi “đứa con tinh thần” của mình được thế hệ công nhân mỏ hiện nay nâng niu, trân trọng.
Chia sẻ trong Lời mở đầu cuốn tiểu thuyết, nhà văn Lê Phương cho biết, khoảng những năm đầu 1960 – lúc đó ông là nhà văn cán bộ cơ hữu của NXB Lao động được cử đi viết về quá trình hoạt động của đồng chí trong phong trào công nhân từ 1930. “Chuyến đi khá dài ngày ấy đã cho tôi cơ hội được tiếp cận với hầu hết các vùng mỏ Đông Bắc Tổ quốc, được nghe về lịch sử đấu tranh cách mạng của công nhân vùng mỏ anh hùng…”, tác giả “Bất khuất” tâm sự.
Năm 1962 ông trở lại vùng mỏ lần nữa tìm kiếm nguyên mẫu trong một cuốn tiểu thuyết và hình thành cốt truyện. Đối với tác giả, đi thực tế sáng tác là đi tìm bạn, những người công nhân vùng mỏ hồn hậu, chân chất là những người bạn chí tình, chí nghĩa. Họ cho ông chất liệu để viết từ chính đời sống và lịch sử cá nhân của mỗi người. “Từ những mảnh đời ấy, những chân dung của hạnh phúc và bi kịch một thời trở nên sống động và cuốn hút tôi từng ngày. Tôi chọn cái tên Bất Khuất cho tiểu thuyết của chính mình bởi cái tinh thần ấy toát ra từ nụ cười trên gương mặt lấm lem của mỗi người thợ mỏ, đã trải qua những năm tháng lầm than, nhưng cũng đầy anh dũng của cuộc đấu tranh cách mạng kéo dài hơn chục năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp”, nhà văn Lê Phương hồi tưởng.
Tác giả Lê Phương ký tặng sách trong buổi ra mắt tái bản tiểu thuyết "Bất khuất"
Sau này khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim “Cơn lốc biển” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi) thì tác giả thực sự mãn nguyện vì thấy mình như trả được món nợ tình nghĩa với những người thợ mỏ ấy. Ông tự hào và tâm đắc rằng, chính quá trình viết cuốn tiểu thuyết và “ba cùng” với công nhân vùng mỏ mà dường như cái “chất” công nhân đã thấm vào ông, khiến ông luôn mang cái tinh thần ấy vào mọi sáng tác của mình sau này - đó là một thái độ lao động nghiêm túc, đã nói là làm và làm tốt nhất có thể với tinh thần cống hiến đầy trách nhiệm.
Nhà văn là như vậy đấy!
Cũng có mặt tại buổi ra mắt, ông Hoàng Tuấn Dương nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh năm nay cũng bước sang tuổi 80 thời đó được giao nhiệm vụ đón các đoàn văn nghệ sĩ Trung ương về ‘ba cùng” để tìm hiểu và sáng tác về công nhân mỏ như nhà văn Võ Huy Tâm, nhà thơ Cù Huy Cận, nhạc sĩ Hoàng Vân…, trong đó có nhà văn Lê Phương. “Khi anh Lê Phương về, tôi đã dẫn anh đi tìm những người trực tiếp tham gia đình công năm 1936 gồm 47 cụ, nhưng giờ đã quy tiên 46 cụ, còn một cụ hiện đang sống ở thành phố Hạ Long. Tôi đã đi cùng anh và kể những chuyện về công nhân mỏ cho anh nghe rồi đưa anh đi gặp Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, Thư ký công đoàn, công nhân làm từ thời Pháp, công nhân có nhiều thành tích, thợ bậc cao… phải nói ngay rằng thời kỳ này những người viết tiểu thuyết về đất mỏ rất ít. Tôi ở nhiều với anh Lê Phương, anh ít nói hay cười, vui tính, sống thật, không hề khách sáo, sống với anh em như người thân trong nhà vậy. Có gì ăn nấy, có xe thì đi xe, không xe thì đi bộ cả vài km rất thân tình cởi mở”, người đồng hành của tác giả kể lại.
Cũng theo ông Dương, “Bất khuất” là một cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày dặn, chuyên về sự kiện trong phong trào đấu tranh năm 1936, nếu không gắn bó với công nhân mỏ, không sống ruột gan với công nhân mỏ thì không thể viết được như vậy. “Có lần tôi đã lên nhà anh Phương ở Hà Nội, thật tôi không thể ngờ, nhà văn lại sống đạm bạc đến như vậy. Anh ở tầng 2 trong căn hộ nhỏ hẹp, đồ đạc giường chiếu, bàn ghế chẳng có gì đáng giá. Cầu thang lên nhà anh làm bằng gỗ lại đã hư hỏng, rất ọp ẹp, tí nữa thì tôi hụt chân xuống dưới. Nhà văn như vậy đấy”, ông Dương chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam Lê Thanh Xuân (ngoài cùng bên phải),
nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (giữa) và con gái nhà văn Lê Phương
Cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” của nhà văn Lê Phương được coi là nguồn tư liệu lịch sử quý giá khắc họa phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân mỏ cũng như phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng chính là cuốn tiểu thuyết duy nhất viết riêng về cuộc đình công của thợ mỏ với chủ mỏ Pháp vào tháng 11.1936. Đánh giá về ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết, ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam nhận định, có thể xem tiểu thuyết “Bất khuất” là cuốn tư liệu lịch sử đặc biệt, là tài liệu giáo dục truyền thống công nhân mỏ và mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. “Từ tiểu thuyết đến phim truyện nhựa Cơn lốc biển đã góp phần làm phong phú thêm cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của những người thợ mỏ đầu thế kỷ XX với những con người thật, việc thật. Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội và những khó khăn thách thức mới đan xen. Tiểu thuyết “Bất khuất” được tái bản một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng đặc biệt của những người thợ mỏ trong phong trào công nhân, là một mốc son chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ tầng than, hầm mỏ nhọc nhằn, từ những tháng ngày mang kiếp “culi” đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Thợ mỏ, vùng mỏ không bao giờ khuất phục” là tinh thần cách mạng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân mỏ anh hùng, luôn khẳng định để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam trên con đường đi tới”, ông Lê Thanh Xuân nói.
Quỳnh Hoa
http://baovanhoa.vn/giai-tri/van-hoc/artmid/486/articleid/19678/tieu-thuyet-%E2%80%9Cbat-khuat%E2%80%9D-%E2%80%93-ban-hung-ca-ve-nguoi-tho-mo
2.
Tác giả kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" qua đời
(NLĐO)- Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương, tác giả của những bộ phim nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ... vừa qua đời ở tuổi 89.
Nhà văn Lê Phương qua đời lúc 20 giờ 44 tối 14-5, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông khiến nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người bạn đời của ông, thốt lên hai từ đau đớn: "Anh ơi".
Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu mến hai vợ chồng biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà.
Biên kịch Lê Phương, tác giả kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn", qua đời ở tuổi 89
Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại Đông Anh (Hà Nội). Ông tham gia quân đội từ năm 16 tuổi, từng gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 23 tuổi, ông hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. "Bất khuất" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương được Nhà xuất bản Lao Động in lần đầu năm 1963.
Từ năm 1963-1978, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết với đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như: "Pháo đài 44" (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965), "Thung lũng Cô Tan" (địa chất, 1973), "Bạch Đàn" (lâm nghiệp, 1975), "Ngã Ba thời gian" (thuỷ lợi, 1978), "Bông mai mùa lạnh", "Vết xích đường mòn"…
Vợ chồng biên kịch Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã
Năm 1977, ông Lê Phương bén duyên với điện ảnh và trở thành tác giả của nhiều kịch bản phim gây ấn tượng mạnh với khán giả. Trước khi cùng Nguyễn Thanh viết 4 tập "Biệt động Sài Gòn", ông viết nhiều kịch bản điện ảnh như "Nơi gặp gỡ của tình yêu" "Cơn lốc biển" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Bất khuất"), "Câu lạc bộ không tên"…
Khi phim truyền hình lên ngôi, nhà biên kịch Lê Phương chuyển hướng viết kịch bản phim truyền hình như "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ", "Sống mãi với Thủ đô", "Con nhện xanh", "Ngã ba thời gian".
Yến Anh
https://nld.com.vn/van-nghe/tac-gia-kich-ban-phim-biet-dong-sai-gon-qua-doi-20220515114302242.htm
1.
Ngày đăng: 21/6/2019
Các đại biểu tham dự chương trình cùng gia đình, người thân của Nhà văn Lê Phương
Cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” của Nhà văn Lê Phương, được Công đoàn TKV hỗ trợ kinh phí tái bản với sự cộng tác của một số nhà văn…Đánh giá về cuốn tiểu thuyết, đồng chí Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy TQN; đồng chí Đoàn Văn Kiển, nguyên TGĐ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; NV Nguyễn Thị Thu Huệ… đã khẳng định, đây là tác phẩm văn học quý giá viết về Vùng Mỏ, về thợ mỏ những năm đấu tranh cách mạng. Tác giả phải là người sâu sát, cùng ăn, ở với người thợ, phải hiểu về Vùng Mỏ, cái nôi của cách mạng, của giai cấp công nhân, hiểu về người thợ thì mới cho ra đời một tác phẩm văn học lớn và đã được chuyển thể thành bộ phim “Cơn lốc biển”.
Nhà văn Lê Phương ký tặng sách độc giả
CTV
https://congdoantkv.vn/tin-tuc/chi-tiet/9584/Gioi-thieu-cuon-tieu-thuyet-%E2%80%9CBat-khuat%E2%80%9D-cua-nha-van-Le-Phuong
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.