Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/04/2022

Học giả nhà văn Nguyễn Sỹ Tế (1922 - 2005)

Gần đây, tôi mới biết Nguyễn Sỹ Tế là thuộc vào gia tộc có nhà đông y Nguyễn Sĩ Lâm. Một gia tộc gắn bó với đông y.

Tôi cũng mới nhận một tập thơ viết thuần bằng tiếng Pháp của Nguyễn Sỹ Tế in tại USA vào năm 1997 (quà gửi tặng của con cháu gia tộc Nguyễn Sĩ ở Nam Định). Lúc đó, Nguyễn Sỹ Tế cho in tập thơ này và giữ bản quyền, ở bên trong tựa như có chữ kí của ông.

Bài giới thiệu đầu tiên về Nguyễn Sỹ Tế là của Viên Linh.

Các tư liệu khác thì dán dần lên ở dưới.

Tháng 4 năm 2022,

Giao Blog


---




2-8-2019

Nguyễn Sỹ Tế, người tù kiên giam


  VIÊN LINH

Các tác phẩm Nguyễn Sỹ Tế đã được xuất bản: - Luận Đề Về Nguyễn Du Và Đoạn Trường Tân Thanh, Thăng Long, Hà Nội 1953. - Hồ Xuân Hương, Người Việt Tự Do, Sài Gòn 1956. – Việt Nam Văn Học Nghị Luận, Trường Sơn 1962. – Chờ Sáng, tập truyện, Sáng Tạo 1962. Khoảng trên 20 cuốn luận đề khác về văn học Việt Nam thế kỷ XIX, về nhóm Nam Phong Tạp Chí và các tác giả cổ điển Việt Nam. Một số giảng thuyết và luận thuyết đại học về Văn Học luận, Thi Ca luận, Phê Bình luận, Văn Thể luận, các trào lưu văn học Tây phương hiện đại. Về kịch có Mưa, Trắng Chiều (...)

Nguyễn Sỹ Tế nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, xa rời chúng ta cho đến tháng này là vừa trọn 5 năm (bài viết nhân ngày giỗ thứ 5 của ông). Ông mất lúc 12 giờ 10 trưa thứ tư 16.11.2005 tại bệnh viện Coastal Communities thuộc hạt Santa Ana, California, sau nhiều tháng hôn mê vì những biến chứng khi mổ tim. Không một ngày cầm súng, nhưng ông đã ở tù cộng sản hơn 12 năm. Trả lời cuộc phỏng vấn của Tạp chí Khởi Hành "ông nghĩ vì sao ông bị cộng sản giam giữ lâu thế?” tác giả “Chờ Sáng" cho biết: "Sau khi cộng sản kiểm soát được miền Nam, tôi có viết một bài nhan đề là “Để tiến tới chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người,” vào năm 1976...


Ngay sau đó ông bị bắt.


Ông Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định, trong một gia đình Nho giáo khoa bảng. Khai tâm chữ Hán, học tiếng Pháp; ông làm thơ| bằng những ngôn ngữ này trước khi viết bằng tiếng Việt. Sau bậc Thành Chung ở quê nhà, ông lên Hà Nội học tại trường Bưởi và sau đó tại Đại Học Luật Khoa. Ông viết văn, soạn sách và dạy học liên tục từ 1945, phần lớn dùng tên thật, đôi khi ký là Người Sông Thương khi làm thơ. Là hiệu trưởng trường tư thục Trường Sơn từ 1958, chuyên dạy đệ nhị cấp, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế còn dạy văn học tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và các Đại Học Văn khoa Vạn Hạnh, Đà Lạt, Cần Thơ. Có một thời gian ông làm phụ khảo Luật cho Khoa trưởng Luật khoa Vũ Văn Mẫu và chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Ngoại Trưởng Phan Huy Quát.


Trước 1975, giáo sư, nhà văn nhà thơ Nguyễn Sỹ Tế đã cộng tác với các tạp chí Phổ Thông (Hà Nội), Dân Chủ, Sáng Tạo, Vạn Hạnh, Vấn Đề, Văn, Thời Tập. Vào Nam năm 1954, ông cùng nhóm sinh viên Hà Nội làm tờ Lửa Việt đặt tòa soạn tại một túp lều trên nền đất Khám Lớn Sài Gòn. Lửa Việt là tiền thân Sáng Tạo sau này, ba người chủ trương Lửa Việt sau là ba người trong số bảy người trong Ban Chủ trương Sáng Tạo: Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. (Chủ nhiệm Mai Thảo của Sáng Tạo không thuộc nhóm sinh viên di cư, đến với Lửa Việt như một người gửi bài tới.)


Ra hải ngoại ông viết cho Khởi Hành, tờ tạp chí do nguyên chủ nhiệm Thời Tập trước kia điều hành. Ông là hội viên liên kết của Trung Tâm Văn Bút Pháp. Hội viên danh dự Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Ông tới Hoa kỳ năm 1992, cư ngụ với gia đình tại California.


Ngoài các tác phẩm và giảng thuyết nói trên, ông còn tập truyện dài Gió Cây Trút Lá. Đang xuất bản truyện dài Bốn Phương Mây Trắng thì từ trần. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã ngồi tù cộng sản từ 1976 tới 1987. Ông từng bị kiên giam hơn một năm; ít ai có thể sống sót khi bị cùm riêng lâu như thế, một mình trong một cái cũi nhỏ xíu để giữa trời, ngày qua ngày, đêm qua đêm, trong nắng lửa và mưa bão... Ông cho biết nhờ một học trò vẫn ném vào cho ông những viên vitamin, nếu không ông đã không thể tồn tại. Lúc được rời cũi kiên giam, ông không thể đi được, vì hai chân đã cứng lại. Năm 1992, ông tới Hoa Kỳ và đã có thời làm Trưởng ban Văn Học Viện Việt Học ở Quận Cam.


Tác phẩm đầu tay của ông tại hải ngoại là Khúc Hát Gia Trung do nhóm LMN in tại Đức năm 1994, thi tập này là một phần trong dự án năm thi phẩm cùng phát hành một ngày tại Đức: bốn thi phẩm kia là Hóa Thân của Viên Linh, Lời Viết Hai Tay (hai tay đều bị còng số 8, có nghĩa là tập thơ viết trong tù) của Cung Trầm Tưởng, Thơ Tô Thùy Yên của Tô Thùy Yên, Viết Từ Phương Đông của Mai Vi Phúc. Mỗi thi sĩ có thi tập in lúc đó đều được trả nhuận bút US 1,000 ngay hôm ra mắt ở Đức quốc. Dự án này do Mai Vi Phúc chủ nhà xuất bản LMN ở Đức và Viên Linh, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thực hiện. [LMN là chữ viết tắt tên họ của ba người chủ trương nhà xuất bản: Lê Trọng Phương, Mai Vi Phúc, Nguyễn Nam]. Hơn ba trăm người đã tham dự ngày thơ nói trên tại Dormund cũng như mấy ngày sau tại Berlin.


Để viết về người bạn vong niên, những ngày đáng nhớ nhất của chúng tôi là thời gian đi dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế năm 1994 tại Prague, Tiệp Khắc. Trong lịch sử Văn Bút Việt Nam, chưa bao giờ phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Quốc tế đông như thế, 9 người, khi điểm danh chỉ thua phái đoàn 11 người của Đại Hàn. Chúng tôi còn có Cung Trầm Tưởng, Phạm Việt Tuyền, Cao Mỵ Nhân, Minh Nguyệt, Nguyễn Ngọc Nhuận (cựu thượng nghị sĩ, cựu đại tá VNCH), Đỗ Kh., Lê Đô, và trưởng phái đoàn Viên Linh. Đó là năm thứ hai trong nhiệm kỳ của tôi. Chính trong Đại Hội này, Nghị quyết tranh đấu cho các nhà văn bị cầm tù của Việt Nam – danh sách dẫn đầu bởi Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát -- đã được thông qua với tuyệt đại đa số, nghĩa là không có một phiếu trắng hay phiếu chống. Nghị quyết viết bằng tiếng Pháp, qua ngòi bút của anh Nguyễn Sỹ Tế. Tôi cũng nhờ anh làm phát ngôn viên tiếng Pháp.

 

Trong dinh Tổng thống Tiệp Khắc, nhân Đại hội Văn Bút Quốc Tế 1994 tại Prague,hàng đầu từ bên phải qua: Nguyễn Sỹ Tế, Viên Linh đang hỏi chuyện Taslima Nasreennhà văn Bangladesh bị kết án tử hình lưu vong tại Thụy Điển. Photo LEDO.


Theo thông lệ của PEN International, (Văn Bút Quốc Tế), cho dù phái đoàn đi đông bao nhiêu người, chỉ có hai người là đại biểu chính thức, được bỏ phiếu, tức là chỉ có anh Tế và tôi. Thế nhưng tới một lúc sắp bỏ phiếu để ủng hộ nghị quyết của phái đoàn Hung Gia Lợi (đòi dạy tiếng Hung ở Pays Basse, mà tôi đã hứa bỏ phiếu thuận, để đổi lấy phiếu của Hung cho Nghị quyết Việt Nam lưu vong), thì vì nhịn đã quá lâu, anh Tế bảo tôi anh phải chạy ra ngoài hiên hút một hơi thuốc lá! Khi anh chưa kịp vào, tôi gọi anh Phạm Việt Tuyền vào thay chỗ anh Nguyễn Sỹ Tế, dự phòng lỡ ra... Quả nhiên, khi tác giả Bốn Phương Mây Trắng còn mơ màng với một đám mây do mình tạo ra ở ngoài hiên, thì ông Tổng thư ký Alexandre Block, dùng tiếng Anh, kêu bỏ phiếu cho nghị quyết tiếng Hung. Ông không hỏi Ai thuận bỏ phiếu cho phái đoàn Hung, mà lại hỏi Những ai chống lại Nghị quyết của phái đoàn Hung? Anh Tuyền vì bất ngờ, dơ tay lên. Tôi buồn cười giật tay anh xuống. Lúc ấy thì anh Tế còn đang chạy vào... Anh cứ tiếc mãi. Hỏng quá! Hỏng quá! Trong cuộc sống, có nhiều chuyện không đáng xảy ra đã xảy ra, vì một vài giây ta vắng mặt đúng lúc phải có mặt.


Hơn 12 năm ở tù cộng sản chỉ vì một bài tiểu luận, chữ nghĩa đanh thép của Nguyễn Sỹ Tế, và của bất cứ kẻ sĩ nào quyết định “trí thức thì phải nói,” (nói sự thật, và nói thật).


Một vài bài thơ chọn lọc của Nguyễn Sỹ Tế, chọn trong tập bản thảo trong tủ sách Viên Linh.

NHÌN KHÁI HƯNG


Tôi vẫn ưa nhìn một Khái Hưng:

Mắt thâu trời thẳm, bước xuyên rừng,

Tai nghe chim hót bên bờ suối,

Gác bỏ kinh kỳ chuyện đấu thưng,


Ai bảo Khái Hưng làm cách mạng

Hay làm văn hóa buổi giao thời

Anh em có việc thì ông giúp

Ông chỉ đi tìm cái đẹp thôi!


Tôi vẫn ưa nhìn một Khánh Giư:

Một trang tân học cốt nhà nho,

Đã không thiên kiến đường kim cổ,

Chẳng để Đông Tây lỗi hẹn hò.

 

Một bước vương chân vào chính trị,

Nát tan hồn bướm giấc mơ tiên.

Tài danh riêng để thơm tình bạn,

Mà hổ muôn đời lũ đảo điên!

Garden Grove 5.12.97


KHÔNG XUÂN


Đông cắt thịt trại tù buổi sớm

Lên sườn đồi. Trưa, hạ như thiêu.

Chiềucu, thu lại điệu tù về trại

Tù thiếu mùa xuân, thiếu đủ điều.


HẠNH PHÚC NHỎ NHOI


Tên cán bộ hợm mình đấm bạo,

Chú vụng cơm lảo đảo lăn quay.

Cán đi, chú mở bàn tay,

Cười trông thấy nắm cơm nay vẫn còn.


CƠ HỘI CUỐI


Rừng núi bao la toàn khối nặng

Lạnh lùng che khuất cả trời xa,

Sườn non bỗng thấy trên màu lá,

Ngói đỏ nhô lên một mái chùa.

Viên Linh

Nguồn: Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam
Nxb Khởi Hành, Hoa Kỳ, 2017


http://www.hocxa.com/VanHoc/TacGia/NguyenSyTeNguoiTuKienGiam_VienLinh.php


---

BỔ SUNG


2.

22-03-2012

Nguyễn Sỹ Tế


Sinh năm 1922 tại Vụ Bản Nam Định. Gia đình nội, ngoại thuộc hàng Nho học có khoa bảng. Đã theo học: chữ Hán tại nhà, trường Thành Chung - Nam Định, trường Bưởi Hà Nội và trường Đại học Luật khoa Hà Nội.


Đã vào ngành giáo dục và viết văn từ 1945. Đã dạy học tại các trường Trung học: Nguyễn Khuyến (Yên Mô - Ninh Bình), Chu Văn An (Hà Nội và Sài Gòn), Trưng Vương (Sài Gòn), Đông Tây, Cộng Hòa, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Công Trứ (Sài Gòn). Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Trường Sơn (Sài Gòn) từ 1958.


Làm Phụ khảo (assistant) môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho cố giáo sư Vũ Văn Mẫu, khoa trưởng trường Luật Sài Gòn trong những năm đầu khi trường chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt (1956-58).

Từ 1962, dạy tại các trường Đại học miền Nam: Đại học Sư Phạm, Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ. Làm Chánh văn phòng bộ Ngoại giao cho cố bác sĩ Phan Huy Quát (1964).


Đã ngồi tù cộng sản (trại tập trung cải tạo) tại các trại Gia Trung và Hàm Tân (1976-87). Tị nạn qua Hoa Kỳ từ 1992. Hiện là Trưởng ban Văn học Viện Việt Học tại Quận Cam (California), Hoa Kỳ.


Đã viết cho các báo: Phổ Thông (Cựu Sinh viên Luật Hà Nội), Người Việt, Chuyển Hướng (Đoàn sinh viên di cư), Hòa Bình, Dân Chủ, Sáng Tạo, Văn Học, Vấn Đề, Văn (Sài Gòn), Trúc Lâm (cơ quan của Giáo hội Liên Tông Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Khởi Hành (Quận Cam) Phụ Nữ Việt (Quận Cam), Vietnam News (Atlanta).


Tác phẩm:


I. Sáng tác:

- Thi ca: Khúc Hát Gia Trung (1994, Đức), Chants d'Ya (thơ Pháp ngữ 1997, Quận Cam).

- Truyện ngắn: Tuyển tập Chờ Sáng (1961, Sài Gòn).

- Truyện dài: Gió Cây Trút Lá (1975 - mất bản thảo).

- Kịch ngắn: Mưa (1953, Hà Nội), Trắng Chiều (1955, Sài Gòn).


II. Khảo luận:

Hồ Xuân Hương (Người Việt tự do, 1956 Sài Gòn).

Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Trường Sơn, 1962).


III. Sách giáo khoa Việt văn Trung học:

- Luận đề về các tác giả cận kim và hiện đại Việt Nam (khoảng vài chục cuốn).

- Luận Phổ thông và Luận Tú tài (3 cuốn).

- Quốc văn Toàn thư lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ và đệ Tứ (4 tập, cùng soạn chung với cố GS. Tô Đáng và cố GS. Vũ Khắc Khoan).


IV. Giảng thuyết văn học bậc Đại học (1962-75):

Phương pháp luận về Văn học sử, Văn thể học, Thi ca luận, Phê bình luận, Các trào lưu văn học Tây phương thời hiện đại. (Tất cả đều chưa in thành sách).


(Trích "Tiểu Luận Văn Hóa & Giáo Dục", Trúc Lâm xuất bản, năm 2000)


http://www.hocxa.com/TieuSu/NguyenSyTe_TieuSu.php


1.


Nguyễn Sỹ Tế, tác giả tác phẩm


Posted: 19/12/2012 

Thẻ:Nguyễn Sỹ Tế


Nguyễn Mạnh Trinh

nguyen_sy_te_2
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005)

Nguyễn Sỹ Tế là một khuôn mặt văn hóa và trí thức có thể nói là tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Ông là một nhà thơ, một nhà văn và rất trân trọng văn chương chữ nghĩa. Ðọc thơ văn của ông, thấy được tấm lòng với nghệ thuật. Dù đời sống thực tế có nhiều thăng trầm nhưng tâm tình của ông vẫn khoan hòa và trong bất cứ hoàn cảnh nào, văn chương vẫn là của thẩm mỹ quan sâu sắc và chính xác. Là một nhà giáo dục, làm hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn và là giáo sư của nhiều viện đai học Việt Nam như Ðại Học Sư Phạm, Ðại Học Vạn Hạnh, Ðại Học Ðà Lạt, Ðại Học Cần Thơ và có nhiều môn sinh thành đạt. Là một nhà văn hóa, ông có nhiều đóng góp vào những công trình giá trị trong mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc và tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác.

Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Vụ Bản, Nam Ðịnh. Gia đình bên nội và bên ngoại đều thuộc hàng Nho Học khoa bảng. Ông đã theo học chữ Hán nhiều năm trong gia đình, học trung học tại trường Thành Chung – Nam Ðịnh, trường Bưởi – Hà Nội và tốt nghiệp Ðại Học Luật Khoa Hà Nội. Ông bắt đầu đi dạy học năm 1945 và từ đó đã viết văn làm thơ đăng báo. Và sự nghiệp giáo dục của ông đã kéo dài đến năm 1975 qua nhiều nơi, nhiều trường từ Bắc đến Nam. Ông đã làm phụ khảo môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho giáo sư Vũ Văn Mẫu khoa trưởng Ðại Học Luật Khoa Sài gòn trong những năm đầu khi chương trình học được chuyển đổi từ Pháp ngữ sang Việt ngữ (thời gian năm 1956-1958). Ông cũng là giáo sư của môn kịch nghệ trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn cũng như là giáo sư thực thụ hoặc thỉnh giảng của các Viện Ðại Học ở miền nam. Về hoạt động chính trị ông cũng là một khuôn mặt chính khách có khuynh hướng Quốc gia, đã tham chính làm Chánh Văn phòng cho Bộ trưởng Ngoại Giao Phan Huy Quát năm 1964. Ông bị chế độ Công sản cầm tù khổ sai trong 11 năm từ 1976 đến 1987 tại các trại tù Gia Trung và Hàm Tân. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 và đã từ trần năm 2005 tại Quân Cam, Nam California

Ông đã viết, cộng tác hoặc chủ trương rất nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài gòn và ở hải ngoại. Ðặc biệt ông là một trong những nhà văn di cư chủ trương tờ báo Chuyển Hướng và Người Việt trong giai đoạn sau năm 1954 di cư vào Nam cùng với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và sau đó cùng với các nhà văn Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ… chủ trương tạp chí Sáng Tạo khởi đầu cho một cao trào văn chương bắt đầu cho Hai mươi năm văn học miền nam đầy chất sáng tạo và khai phá.

Tác phẩm của ông: về thi ca: Khúc hát Gia Trung và Chants D’Ya (thơ Pháp ngữ). Truyện ngắn Chờ Sáng, truyện dài: Gió Cây Trút Lá, trường thiên hai quyển: Bốn Phương Mây Trắng. Khảo luận “Tiểu luận Văn Hóa Giáo Dục. Kịch ngắn: Mưa ; Trắng Chiều. Ngoài ra ông còn viết các bộ sách giáo khoa cho học sinh trung học như Quốc Văn Toàn Thư. Và các tập sách giáo khoa cho sinh viên Ðại học như Phương pháp luận về văn học sử, văn thể học, thi ca luận, phê bình luận, các trào lưu văn học tây phương thời hiện đại, …

Nếu qua báo chí sách vở thì tôi đọc ông rất sớm từ lúc còn là cậu bé học sinh trung học đệ nhất cấp. Tôi đọc những bài viết của ông đăng trong tạp chí Sáng Tạo ký tên Người Sông Thương với tâm tư của một cậu học trò học hỏi chuyện văn chương mà lúc đó tôi thấy xa vời và quá sức.. “vĩ đại”. Tôi nhớ không quên cảm giác tôi mua được cuốn sách Chờ Sáng bìa mầu trắng bạch rất trang nhã ở tiệm sách cũ ở gần trường tư thục Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế. Những cuốn sách cũ làm tôi ham mê đến nỗi phải nhỉn đói buổi điểm tâm sáng hoặc cuốc bộ để hà tiện tiền xe buýt đến trường…

Tôi coi ông như một vị thầy đáng kính mến mặc dù tôi chưa học ông bao giờ. Ðối với ông, qua những lần cùng các anh em đến thăm ông tại tư gia ông hay trong những buổi gặp mặt tại quán xá, tôi vẫn giữ một khoảng cách lễ độ của một người học trò với một người thầy.

Tôi nhớ vào khoảng năm 2005 lúc thầy bị bệnh thì một bữa vào buổi sáng cuối tuần gặp anh Duy Lam và tôi mới được anh nói về tình cảnh của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế. Mấy tháng trước tôi có nghe là ông bị bệnh nặng và phải vào bệnh viện nằm. Nhiều người muốn thăm viếng nhưng gia đình ngại nên chỉ có vài người bạn thân đến thăm thôi. Ðến nay, theo lời anh Duy Lam kể lại thì ông đã bị hôn mê từ đó đến giờ. Lúc đó dù bác sĩ ngần ngại khi ông muốn mổ van tim vì tình trạng cơ thể của ông sợ không chịu đựng được những phản ứng khi chữa trị. Sở dĩ ông muốn giải phẫu để có sức khỏe tốt đủ để hoàn tất bộ trường thiên “Bốn Phương Mây Trắng” mà cuốn đầu tiên đã hoàn tất và do chị Trương Anh Thụy của “Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ” ấn hành. Bộ trường thiên này trước đã đăng từng kỳ trên tạp chí “Phụ nữ Việt” của anh Long Ân và khi anh còn sinh tiền cũng nỗ lực nuốn in tác phẩm này.

Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế trong lúc cuối đời đã thể hiện tấm lòng với văn chương thật là đáng kính trọng. Qua sự kiện nói trên, tôi nhận thấy một điều, khi tuổi già và quỹ thời gian gần cạn thì văn chương chính là những ước muốn được trân trọng nhất. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã muốn hoàn thành bộ trường thiên của mình cũng như những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam như Thanh Nam, Nguyên Sa, Trần Hồng Châu,… khi nằm trên giường bệnh trong cảnh gần đất xa trời cũng vẫn tâm đắc và lo lắng về tác phẩm đang được in. Hình như, cuộc đời rốt lại chỉ còn là những trang sách giở để lại cho hậu thế.

Nói đến tên tuổi Nguyễn Sỹ Tế, người ta thường nghĩ về nhiều phương diện. Là một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều viện đại học ở miền Nam Việt Nam. Là một nhà báo, ông đã chủ trương những tạp chí kỳ cựu nhất có sự góp mặt của nhiều cây bút thời danh từ lúc sau cuộc di cư năm 1954 và là cái nôi để những người viết mới thuở đó có cơ hội chiếm lĩnh văn đàn sau này. Là một nhà thơ, khi ở hải ngoại sau một thời kỳ bị đầy ải, ông đã in “Khúc Hát Gia Trung” và “Chants D’Ya” thơ Pháp Ngữ. Là nhà văn, ông đã xuất bản “Chờ Sáng” và “Bốn Phương Mây Trắng”. Là nhà phê bình văn học, ông đã mang kiến thức về nghệ thuật nhân văn và triết học để có những nhận xét chính xác và sâu sắc về những trào lưu văn chương Việt Nam và thế giới.

Như bài thơ “Phiêu“, ông đã hòa mình vào thiên nhiên để tìm lại những an tĩnh cho cuộc sống. Thơ vượt trên những độ thấp của cuộc sống để đến những cao rộng của nhân sinh:

“ Cỏ rêu nở nụ hoa vàng
Một con suối nhỏ lang thang trong rừng
Khói tuôn mép rẫy ngập ngừng
Ðôi ba mái lá ngủ lưng chừng đồi
Non mờ chắn lối xa xôi
Bốn phương mây trắng một trời hoang liêu
Gió lên thung đã rất chiều
Nhân sinh trọn một chữ“ phiêu” vô tình.!”

Hình như cảnh và người có một chút gì phảng phất liên quan với nhau. Dù thực tế của những đọa đầy tù ngục nhưng người đọc cảm thấy trong thơ có một sự an nhiên tự tại.

Hơn thế nữa, thơ của ông có man mác thi vị của thời xa xưa. Dù, nói về nỗi đau hôm nay. Dù, là nỗi niềm của những kẻ sĩ bị nung nấu trong lò cừ thời cuộc. Thơ có ngôn ngữ mà người đọc dễ liên tưởng đến những thầm trao, những gửi đến. Thi sĩ gợi lại những hình ảnh cũ xưa, của một cảnh tượng đền đài nào gợi lại một thời hoàng kim nhưng nay hoang phế. Trong cái chạnh lòng, của cảm khái tâm sự, vẫn có tấm lòng vượt lên trên cuộc sống để có cái nhìn lạc quan cho tháng ngày hiện hữu bây giờ

Như bài “ Phương Hải Tần”:

“ Giã từ thành quách hoang liêu
Trăm năm để hận một chiều nước mây
Mái sương chia nửa chốn này
Nghe tâm tư động sáu giây nguyệt cầm
Khúc nghê thường những huyễn âm
Vành môi ngọc thụ một mâm hoang đường
Ðan thanh khép kín nẻo tường
Bước chân hoang dại nhớ phương hải tần
Lên cao giũ áo phong trần
Xuống khe gột rửa nợ nần hôi tanh
Một mùa xuân thật hiền lành
Cỏ cây dệt mộng áo xanh trong đời.”

Thơ là người. Có người nói như vậy bởi vì qua không gian và thời gian của thơ thì đời sống biểu hiện chân thực bằng chân dung tạo thành bắng ngôn ngữ vần điệu. Ông đã làm thơ, như một cách thế gửi chính mình, “Gửi hành nhân” :

“ Gửi người lặng lẽ đăng trình
Hơi sương lạnh lẽo bình minh tới gần
Gửi người tìm chốn nương thân
Bếp không lửa tắt thập phần ủ ê
Gửi người đi chẳng trở về
Hẻm cùng ngõ cụt bốn bề lặng yên
Gửi người chạy trốn đêm đen
Một trang lịch sử ố hoen quê nhà! “

Người đang đi trên những quãng đường núi sọ. Là ai? Có phải là cả một thế hệ Việt Nam trong thời thế ngả nghiêng của chiến cuộc. Có chút chia sẻ nào với thơ “ Khúc hát Gia Trung” và Chants D’Ya”?

Dù là ở thế hệ sau của thi sĩ, nói cho cùng tôi cũng là một “hành nhân” trong một cuộc đăng trình bất đắc dĩ. Là kẻ đi tìm chỗ nương thân nhưng chỉ toàn gặp nơi “bếp không lửa tắt”. Cũng có thể là người đi chẳng thể trở về nơi dù là hẻm cùng ngõ cụt vẫn lạnh lùng lặng câm. Là người chạy trốn đen tối của một thời lịch sử? Có phải không những nỗi niềm chung mang của cả một thế hệ?

Có người nhận định Thơ của ông trầm mặc và đẫm màu suy tư. Có phải hình ảnh ông thầy giáo đã chiếm nhiều phần hơn con người thi sĩ?

Tuy có chừng mưc, có đạo mạo, có nghiêm chỉnh nhưng thơ của ông cũng không thiếu vẻ thơ mộng lãng mạn. Trong cái nhìn trong sáng không bị vẩn đục bởi những trăn trở đa đoan của cuộc sống, có khi là cái nhìn siêu thoát nhiễm mùi đạo học. Không phải đó là sự trốn tránh hiện thực mà chính là sự đi tìm cái thẩm mỹ quan để thăng hoa đời sống.

Thí dụ như :

“rừng núi bao la toàn khối nặng
lạnh lùng che khuất cả trời xa
sườn non bỗng thấy trên màu lá
ngói đỏ nhô lên một cảnh chùa.”

Có phải Nhà Văn Nguyễn Sỹ Tế không chiến đấu bằng ngòi bút. Ông chỉ giáo dục, cảm hóa người khác bằng ngòi bút?

Nếu có nhận định trên bởi vì trong thơ văn lúc nào ông cũng khoan hòa nhân ái với mọi người ngay cả với những kẻ đã gây ra những thảm kịch cho đất nước, những kẻ đã đày ải bóc lột và đối xử dã man tán ác với ông và đồng bào ruột thịt. Tôi thì nghĩ rằng mỗi tác giả đều có một tâm tư riêng một cảm nhận riêng nhưng văn chương mà hướng về cái đẹp, cái thiện là đáng tôn vinh. Một tác giả mà tôi nghĩ lúc nào cũng tràn đầy cái thiện, cái đẹp trong tác phẩm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Ông cũng như nhà văn Nguyễn Sỹ Tế dù viết về đời sống lao nhục khổ ải lúc nào cũng chan chứa tâm tình trong sáng, yêu mình nhưng cũng yêu người và nhân sinh quan tràn đầy lạc quan dù thực tế toàn là những bóng tối bi đát.

Có người lại nói ông được biết đến là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa, một nhà văn hơn là một nhà thơ? Theo tôi, thì ở trường hợp ông, thơ náu vào bên trong tâm tư trong khi ở thể văn xuôi và khảo luận thì trình diễn ra bên ngoài. Cả khi ông viết khảo luận bàn về thơ ký tên Người Sông Thương trên tạp chí Sáng Tạo ngày xưa có nhiều tìm kiếm cái mới lạ cho con đường sáng tác nhưng trong cái thâm trầm vẫn thấp thoáng những chân trời cổ điển của thơ đời Ðường Tống của Trung hoa thời xưa hay thi văn đời Lý Trần của Việt Nam nhiễm nhiều thiền vị của đạo học. Ðó là ý kiến riêng rất chủ quan của tôi. Và tôi nghĩ, có lẽ còn phải bàn luận nhiều về chủ đề trên.

Một nhà văn ở trong nước, Ngọc Trúc, có bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ về một kỷ niệm với thầy hiệu trưởng Trường Sơn: “lên cấp 3, tôi vào ban văn chương. Giờ học đầu tiên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Sỹ Tế (giáo sư triết) đích thân đến lớp chúng tôi để giới thiệu ban giám hiệu và các giáo sư (các ban khác thì thầy hiệu phó hay giám thị đến). Thầy nói một câu mà chúng tôi rất tự hào và nhớ mãi: “Xin trân trọng kính chào lớp hậu bối. Các em chọn ban văn chương có nghĩa là các em đã đến với môn học được xếp vào hàng cao quý nhất! các em có biết trong tất cả các lễ trao giải giải thưởng của ngành giáo dục trong nước cũng như trên toàn thế giới, phần thưởng môn văn sẽ được chính nguyên thủ quốc gia hoặc người nào giữ chức vụ cao nhất có mặt tại buổi lễ đích thân trao tặng đầu tiên”

Không chỉ dưới mắt thầy cô, chúng tôi những học sinh chuyên văn luôn được yêu quý và trân trọng. Trong mắt bạn bè các lớp chuyên văn lúc nào cũng là thế giới hấp dẫn các bạn khác phái cùng trường lẫn khác trường. Chúng tôi rất hãnh diện vì mình đang học ban văn chương. Thế rồi 20 năm sau. Năm lớp 9, con gái tôi đoạt giải nhất môn văn cấp thành phố. Tôi cũng hãnh diện đi theo con mình đến Hội trường Thống Nhất để dự lễ trao giải thưởng. Thật lòng thời điểm đó chuyện cơm áo gạo tiền cứ cuốn hút tôi lao vào nên mọi chuyển biến trong xã hội tôi ít biết. Cho đến lúc trao giải thưởng môn văn khi nghe một giáo sư nói:”Ngày nay trước thực trạng đa số các em học sinh thờ ơ với môn văn chúng tôi những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học cảm thấy vô cùng có lỗi với các bậc tiền bối Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tiên sinh…”. Tôi bất chợt bàng hoàng nghe rưng rưng nước mắt.”

Tôi biết tại sao học sinh chán môn văn mà một người cầm bút ở trong nước đã viết. Học về những Hồ Chí Minh, Tố Hữu hay những văn nô khác hoặc những bài văn thơ tuyên truyền phục vụ cho chế độ thì làm sao có hứng thú được?

Tác phẩm Chờ Sáng là tập truyện ngắn của ông in năm 1961. Viết “Chờ Sáng”, nhà văn viết trong tâm cảnh của một người di cư đến đất lạ. Là tâm cảm của một người lữ khách, đi tìm những lôi cuốn của xã hội mới nhưng vẫn còn mang nặng tâm cảm của một người xứ Bắc. Trong hoàn cảnh trại tạm cư lều Phú Thọ hay đại học xá Minh Mạng của những ngày miền Nam mưa nắng hai mùa ấy, những ước vọng cũng như những nỗi niềm đã cống hiến cho văn chương khởi đầu những hứa hẹn của bình minh rực rỡ. Như Nguyên Sa đã viết về những ngày đầy hứng thú chiếm lĩnh văn đàn để trở thành một trào lưu văn học in hằn tâm tư kẻ sĩ của một thời đại lịch sử đầy biến cố. Tạp chí Sáng Tạo, Hiện Ðại, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi,… đã có mặt đúng thời đúng thế và tạo được những đóng góp vào văn chương dân tộc.

Khi viết trong tạp chí Sáng Tạo, đôi khi ông dùng bút hiệu Người Sông Thương trong những bài tiểu luận về thơ. Ðiều ấy chứng tỏ cái tình quê hương đã bắt rễ ăn sâu vào ông để trở thành một bản sắc thấy rõ trong những điều diễn tả.

Những truyện ngắn là những nhịp cầu nối liền những kỷ niệm nơi chốn xưa, Hà Nội, và, bây giờ , SàiGòn, đã thành một hành trang để người cầm bút có thể trang trải được món nợ với quê hương, dân tộc. Không còn là người lữ khách ghé thăm qua nữa, mà, là ở lại để tạo dựng một cơ đồ mới, một cuộc sống mới. Niềm tin tưởng ấy, có lẽ là một trong những động lực để văn học lên đường nghệ thuật lên ngôi. Những thành quả của hai mươi năm văn học Miền Nam chứng minh điều ấy…

Ở vị trí của một người tị nạn Cộng sản từ miền Bắc vào, lẫn lộn giữa niềm hoài nhớ quê hương vừa xa và nỗi háo hức xây dựng một nền văn học mới thể hiện được khát vọng và ý hướng của những người Việt Nam yêu nước, ông viết bằng tâm cảm thực của mình với ngọn lửa đốt lên từ những ước vọng và giấc mộng tuổi trẻ.

Tiểu thuyết thứ hai của ông “Gió cây trút lá” đã đuợc viết trong hoàn cảnh và tâm sự thế nào? Tác giả “Gió cây trút lá” đã viết về tác phẩm của mình: “…Cuộc di cư vĩ đại hơn một triệu người miền Bắc đủ thành phần xã hội đã mở ra một môi trường dân tộc mới cho tôi. Bao công việc nặng nề đang chờ đợi khiến tôi chưa có cơ hội để nghĩ sâu hơn nữa về tác phẩm dư tính của mình.

Mặc dầu vậy, năm 1974 do thúc đẩy của bằng hữu và cũng của lớp trẻ miền Nam tôi cũng hoàn thành được một cuốn truyện dài hướng vào ý nghĩ và việc làm của giới thanh niên học đường tại miền Nam lúc đó. Bắc Nam gặp gỡ giao động rồi hòa hợp trong một thời đoạn ngắn từ 1954 đến 1963. Ðó là cuốn truyện Gió Cây Trút Lá. Gió trút lá cây như thời thế trút bỏ những mặc cảm phân chia, nghi kỵ giữa con người và con người cùng chung một vận mệnh”

Tác giả đã thai nghén bộ trường thiên tiểu thuyết cuối cùng của ông, Bốn Phương Mây Trắng, trong không gian và thời gian đặc biệt của dân tộc. Theo ông sau năm 1963 tình hình đất nước biến chuyển mạnh. Chiến tranh tái diễn mỗi lúc một tăng cường độ và quay cuồng vì sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp của các siêu cường ủy nhiệm qua các tay sai của ngoại bang. Sự can thiệp trực tiếp rồi tham chiến của quân viễn chinh Hoa Kỳ tạo thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ và chấm dứt bằng hội nghị Paris năm 1973 để năm 1975 chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ và Công sản miền Bắc chiếm được cả miền Nam. Với sự thành lập của chính quyền cộng sản tại miền nam một chương lịch sử dài đau thương đã khép lại thời gian chín mùi cho ông khởi sự viết Bốn Phương Mây Trắng như dự tính. tiếc rằng cơ hội vẫn chưa cho phép. Bởi vì ông bị 12 năm trong tù.

Như vậy chắc thời gian ở trong trại giam khổ sai cải tạo ông ngưng công việc cầm bút hoặc suy nghĩ về văn chương nghệ thuật?

Không hẳn như vậy. Theo ông kể thì suốt trong thời gian dài mười hai năm đằng đẵng nói trên, mỗi khi có dịp ông lại đem tác phẩm của mình ra suy nghĩ thêm, đào sâu vào các chủ đề, phác họa những nhân vật chính, dàn trải bố cục và sắp xếp hành động cũng như cá tính của nhân vật chính. Ðương nhiên đây chỉ là suy nghĩ và sắp xếp trong đầu óc mà thôi. Ðời sống khắc nghiệt của trại tù cũng không làm ông ngưng suy nghĩ về văn chương. Con tằm phải nhả tơ dù hiện tại không biết lúc nào được ra tù và nếu có viết được thì viết cho ai và phổ biến thế nào. Suy tư thì vẫn suy tư và tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng vẫn cứ dầy lên trong ký ức.

Ðến “Bốn Phương Mây Trắng”, tác giả Nguyễn Sỹ Tế viết trong tâm cảm của một người viễn khách. Bây giờ, dù quê hương vẫn hiển hiện nhưng đã xa xôi lắm rồi. Hành trình đi tìm cội nguồn có lẽ là ước vọng cuối đời. Thời đại ấy, chúng tôi đã sống. Nỗi niềm ấy, chúng tôi đã mang. Ðoạn trường ấy, chúng tôi đã đủ. Thời thế ấy, bây giờ phải làm sống lại bằng văn chương. Ðể những lớp người đi sau hiểu được những trớ trêu của lịch sử và những bất hạnh của một dân tộc. Viết, để sống lại một đời .Viết, để tìm lại một thời …

Như vậy có sự gì khác biệt giữa văn phong cũng như thông điệp chuyên chở theo tác phẩm của hai thời kỳ văn học này của tác giả Nguyễn Sỹ Tế?

Từ “Chờ sáng” của một lữ khách đến “Bốn Phương Mây Trắng” của một viễn khách, tuy khác biệt nhưng vẫn là một. Vẫn là những ray rứt rất tiểu tư sản của thời kháng chiến. Vẫn là những nỗi niềm rất kẻ sĩ Ðông phương trước một thế thời ngửa nghiêng.

Ðịnh cư ở Hoa Kỳ năm 1992 thì ông in và ra mắt tập thơ Khúc Hát Gia Trung năm 1994 rồi sau đó, ra mắt tập thơ Chants D’Ya năm 1997. Những bài thơ này ông đã sáng tác trong tù nay nhớ lại và sửa chửa.

Thơ, một phần là tâm cảm nhưng văn mới chính là thịt da tượng hình vóc dáng văn chương ông. Có lẽ, ông không muốn nói về một khuôn dáng chiến sĩ dù trong suốt một thời gian dài từ 1945 trở về sau, Việt nam là một chiến trường ác liệt. Mà, ông muốn vẽ lại một hành trình mà, trong đó, con người đã bị đẩy vào những tình trạng bất đắc dĩ. Với bản tính trầm lặng hiếu hòa, với cá tính của một nhà giáo, văn chương ông không có nhiều chất chiến đấu hiểu theo nghĩa đơn giản. Nhưng, trong cung cách diễn tả, vẫn là sự hào sảng của một người biết và hiểu được triết lý của cuộc nhân sinh. Không kêu gào bạo lực, không muốn tham dự cảnh tương tàn, nhưng vẫn phải nhập cuộc, hiểu theo một nghĩa tích cực.

Sau khi hoàn tất tập thơ Pháp ngữ ông chuyên tâm vào việc viết bộ trường thiên này. Những chương đầu tiên được đăng trên Phụ Nữ Việt của nhà văn Long Ân. Ông hoàn tất đuợc phần đầu gồm hai cuốn dày chừng hơn 7 trăm trang. Cuốn thứ ba đang viết dở dang mấy chương thì ông bệnh nặng và từ trần. Theo dự trù của ông bộ trường thiên này sẽ kéo dài thành nhiều cuốn lần lượt theo từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

Tác giả sau nhiều năm nghiền ngẫm nhất là khoảng thời gian bị tù đày mười hai năm, đã thai nghén và khởi đầu viết một trường thiên nhiều tập về quê hương và dân tộc chúng ta như một chứng nhân. Dù chỉ là một nhà giáo day văn chương nhưng ông cũng phải trải qua những thăng trầm của lịch sử vừa đóng vai chứng nhân vừa là nạn nhân.

Ông đã phác thảo và khắc họa nên một số nhân vật thanh niên, nói chung là trẻ và đầy nhiệt huyết và nhiều cá tính không những chỉ ở hai nhân vật chính là Bạch và Vân mà ngay cả ở những nhân vật phụ như Mến, như Quân, như Chấn, như Lan,… tất cả đều là những thanh niên sinh trưởng trong những gia đình tử tế và nề nếp có lý tưởng và tâm hồn thì trong sáng ngay thơ khi bước vào đời. Nhưng chả mấy lúc họ đã bị đưa đẩy vào thời cuộc với những lốc xoáy thời đại. Họ bị thử thách cam go phức tạp về mọi phương diện từ cái học, cái tư cách, cái bản chất trong những hoàn cảnh của một cuộc chiến phức tạp. Qua những cơn bão tố, tiểu thuyết trường thiên mở ra những phận đời, kể về những cuộc đời mà đôi khi, những độc giả có cảm tưởng là mình đang đóng một vai trò trong đó.

Tiểu thuyết kể lại nhiều trang của lịch sử Việt nam, như vậy cái cương vị là người chép sử có ảnh hưởng đến công việc của một tiểu thuyết gia không? Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế xác định mình chỉ là một tiểu thuyết gia. Những biến cố lịch sử dù trong khoảng thời gian của tiểu thuyết dù có quan hệ tới đâu cũng không được đề cập tới nếu không có liên quan với nhân vật hoặc bố cục của truyện.

Như vậy tiểu thuyết này hoàn toàn hư cấu? Thực sự không hẳn như vậy. Tác giả đã dùng những kinh nghiệm đời sống thực của với những biến chuyển thời sự để tái tạo lại một thế giới khác, có không gian thời gian khác nhưng vẫn có hơi hướng của lịch sử. Nhân vật của lich sử dưới con mắt sử gia khác biệt rất lớn với nhân vật lịch sử của tiểu thuyết gia. Thẩm mỹ quan của tiểu thuyết gia khác với cái ý nghĩa về “chân” của sử gia.

Có nhận xét cho rằng trong tiểu thuyết Bốn phương Mây Trắng tác giả muốn tái tạo lịch sử theo chủ quan mình? Nhưng thế nào là tái tạo lịch sử? Lịch sử của tiểu thuyết gia khác với của sử gia. Như vậy danh từ tái tạo có lẽ không thích hợp lắm. Trong Bốn Phương Mây Trắng những nhân vật sống trọn vai trò của mình mang theo thông điệp của tác giả kèm theo. Danh từ thông điệp không biết có ý nghĩa rộng lớn nào không nhưng tôi hiểu rằng ngôn ngữ văn chương của tác giả có mục đích nhắm đến điều ấy.

Kinh nghiệm sống của tác giả trong một thời gian của lịch sử đã thể hiện như thế nào trong bộ trường thiên này? Tác giả viết “Trong cái rủi tôi có phần may là đã sống trọn vẹn cái giai đoạn trớ trêu của nước nhà, dòng dã ba mươi năm được nói tới trong Bốn Phương Mây Trắng ngay sau khi tôi thành niên và vào học trường đại học nơi quê nhà. Suốt đời tôi chỉ có hai cái nghề để theo đuổi là dạy học và viết văn và tôi không có chân trong một đảng phái hay liên minh chính trị nào. Tôi đã viết bộ tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng với tư cách của một chứng nhân luôn thể nạn nhân của thời thế như tuyệt đại đa số đồng bào của tôi.”

Phong cách tiểu thuyết của Bốn Phương Mây Trắng? Ðây có phải là một chuyện tình lồng trong thời thế của một đất nước chiến tranh?

Ðúng vậy, đây là một truyện tình với các nhân vật tuy là ảo và hư cấu nhưng lại dựa trên sự thật của lịch sử trong một thời gian và không gian dài và rộng. Hai người trẻ có mối tình bị chia ly bởi vì ý thức hệ của hai người trái ngược nhau. Trong thực tế Việt Nam, đã có rất nhiều mối tình như vậy. Từ lúc còn tuổi trẻ khi đi còn đang đi học đến lúc vì thời cuộc kẻ Bắc người Nam cho đến lúc lìa đời vẫn không thể nào toàn vẹn mối chân tình ấy được.

Viết về một thời đại đầy phân ly và bi kịch như thế, Tác giả đã gửi gầm gì trong bộ trường thiên đang viết dang dở này? Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế:

“Tấn thảm kịch trong Bốn Phương MâyTrắng đã qua đi một phần tư thế kỷ nay rồi nhưng dư vang của nó vẫn còn. Bởi thực tại của ngày hôm nay không có khả năng khỏa lấp nó và tương lai không định hướng cũng chẳng đem lại một niềm tin nào cho ai. Nếu được phép biện hộ cho dân tộc đau khổ của tôi trước mọi người tôi xin biện hộ nhận tội – plaider coupable, vâng, ai cũng đúng cả chỉ có chúng tôi là sai thôi! Xin mượn một câu thơ trong bài Chị Tôi mà tôi đã sáng tác cách nay bốn mươi tư năm:

Phải nguyền rủa tất cả mọi người như tôi
Không ai có năng quyền làm lịch sử
Ngoại trừ trẻ thơ và những người đã chết

Tôi nghĩ rằng trong cái “hư” của Bốn Phương Mây Trắng là có cái “thực” của lịch sử nước nhà hiện đại”

Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Tác giả gửi

https://sangtao.org/2012/12/19/nguyen-sy-te-tac-gia-tac-pham/

..


---

CÁC BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN SỸ TẾ


1.

  Bìa sau sách "Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục" của GS Nguyễn Sỹ Tế



24-7-2018

Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam

NGUYỄN SỸ TẾ

Trong bài Khái niệm Văn hóa, nối kết vấn đề văn hóa với vấn đề giá trị, ta đã đưa ra định nghĩa: "văn hóa là toàn bộ những giá trị mà một dân tộc (hay một cộng đồng xã hội) tuân thủ và vun trồng trong cuộc sống chung của mình". Toàn bộ giá trị đó tất nhiên là một toàn bộ có sắp xếp. Sự sắp xếp chặt chẽ đưa tới ý niệm hệ thống giá trị hay thang giá trị.


Bởi giá trị có rất nhiều nên lại được chia thành nhiều phân loại giá trị tùy theo các khía cạnh của cuộc sống phức tạp. Kiểm điểm những phân loại chính thường gặp, người ta kể: giá trị tinh thần, giá trị vật chất, đạo đức, chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật... và giá trị tôn giáo.


Căn cứ vào nền khoa học tâm lý còn sơ khoáng của thế kỷ 19, người cộng sản chỉ nói tới việc phân chia cấu trúc tâm lý con người ra làm hay tầng kiến thiết là con người lao tác (homo faber) và con người tư duy (homo sapiens) với dụng ý đề cao con người lao tác (công nhân) đối với con người suy tưởng, song song với việc đề cao hạ tầng kiến thiết xã hội là kinh tế hay vật chất đối với thượng tầng là tinh thần, chính trị. Họ đưa ra khẩu hiệu: "Vật chất quyết định tinh thần" và "kinh tế chỉ huy đạo đức".



    Nguồn: Kệ sách Học Xá

Lối phân chia quá thô sơ và có dụng đích chính trị thiên lệch đó ngày nay đã trở nên quá lỗi thời. Chỉ cần tiến xa hơn một bước, người ta đã thấy cấu trúc tâm lý của con người phức tạp hơn nhiều và bao hàm hơn một tầng kiến thiết: con người đạo đức (homo virtus), con người chính trị (homo politicus), con người kinh tế (homo oeconomicus), con người nghệ thuật (homo artifex), con người quân sự (homo martius)... và con người tôn giáo (homo religiosus).


Gợi lại vài điều trên đây, tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng nơi mỗi người chúng ta đều có một con người tôn giáo đậm hay lợt tùy theo cá tính và khuynh hướng của mỗi người. Và cũng không thể nhất đán nói một cách dứt khoát rằng trong các loại "con người" kể trên, con người nào chỉ huy con người nào. Sự xếp đặt giá trị trên dưới còn tùy thuộc ở việc xây dựng hệ thống giá trị (hay cái thang giá trị) của mỗi dân tộc và tùy theo từng thời đại lịch sử.


Nay bàn về tinh thần tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, tất nhiên ta lại định nghĩa danh từ tôn giáo. Một định nghĩa cổ điển cho ta biết: "Tôn giáo là toàn bộ những tín lý và giáo điều cùng những nghi thức trong mối tương quan giữa con người và một (hay nhiều) thế lực siêu nhiên, thiêng liêng gọi chung là Thượng đế". Vào sâu hơn nữa, người ta phân tích tôn giáo thàn": một siêu hình học (tức triết học) + một đạo đức học + một (hay nhiều) điều kỳ bí (mystères) + một giáo hội có phẩm trật + một nghi thức phụng thờ. Bỏ ngoài những điiều kỳ bí mà người ta phải tin (tín lý), đường hướng siêu hình, tổ chức giáo phẩm và nghi thức phụng thờ ra, hầu hết các tôn giáo đều có những điểm tương đồng trong đạo đức học: cứu nhân, độ thế, công bằng, bác ái, giảm dục, hy sinh, chịu đựng... và tin tưởng một thế lực siêu nhiên với một nơi cứu rỗi con người bây giờ và mãi mãi gọi chung là thượng giới.


Hiểu văn hóa và tôn giáo như trên ta có thể khẳng định ngay rằng: tinh thần tôn giáo trong nền văn hóa của dân tộc ta đã hình thành từ lúc sơ khai của dân tộc, lúc nào cũng đậm đà và có tính chất tác động. Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh điều đó.


*


Sinh hoạt tôn giáo của dân tộc Việt Nam xoay chung quanh mấy tôn giáo lớn và nhỏ, cũ và mới, không phức tạp lắm. Những tôn giáo này được du nhập từ ngoài, đã phát triển sâu xa và đồng hóa vào căn bản tư duy và hành sử của dân tộc để trở thành những yếu tố tâm linh bất khả tách rời trong nếp sống nội tâm của người dân Việt. Điều đó khiến cho dân tộc ta có một tinh thần tôn giáo vững vàng và đôn hậu. Ta hãy kiểm điểm các nền tôn giáo đã đi vào dân tộc theo thứ tự thời gian:


PHẬT GIÁO: Tôn giáo này khởi nguyên từ Bắc Ấn Độ vào thế kỷ 6 trước Tây lịch và đã được truyền bá sang Việt Nam bằng hai con đường: con đường gián tiếp qua Trung Hoa do các vị sư Tàu và con đường trực tiếp từ Ấn Độ sang do các vị sư Thiên Trúc. Cuộc du nhập này khởi sự từ cuối thế kỷ 2 sau Tây lịch và như vậy đã có hơn 18 thế kỷ lịch sử ở nước ta. Đặc biệt, Phật giáo đã đạt được tới mức toàn thịnh suốt bảy thế kỷ, từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, rực rỡ nhất là vào triều các vị vua nhà Lý. Sau đó, không còn được vương quyền săn sóc nữa thì Phải giáo đã đi vào dân gian, có cơ sở, có tổ chức do chính người dân tự lo liệu. Nhờ đó các chùa chiền được dựng nên ở khắp nơi, các vì tăng lử mỗi lúc một đông và dân chúng mỗi lúc một thực thi giáo lý nhà Phật phổ cập hơn.


Triết lý của Phật giáo cốt yếu là triết lý diệt dục, diệt khổ cho con người ngõ hầu thoát khỏi vòng trầm luân đầy ải mà vào cõi Niết Bàn bất tử, bất diệt. Triết lý Phật còn bao hàm một quan niệm nhận thức khá xác đáng: muốn nhận thức đúng, con người cần phải biết diệt trừ ngay từ nguồn gốc của sự sai lầm là đam mê và dục vọng. Phật giáo cũng đặt nặng vấn đề tu thân nhưng lại với một tinh thần cởi mở rộng rãi: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Và đạo đức của Phật học thì ai cũng biết: từ bi, hỉ xả, diệt tham vọng. Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở đón khách thập phương. Trong khuôn viên Phật đường, khách sống hòa mình với các vì tăng lử trong một nếp sống vô cùng thanh bạch và chay tịnh. Dân chúng, vì bận lam lũ canh tác không có nhiều cơ hội đến chùa, nhưng ngày ngày vẫn sống trong cái không khí đầy những ảnh tượng thoát tục của Phật đường: tiếng chuông triệu mộ sau mái tam quan tiếng gõ mõ tụng kinh của cha mẹ già bên bếp lửa đợi con về, bóng dáng áo nâu, áo vàng của các vì sư lặn lội vào rừng sâu hái thuốc... Tất cả những âm thanh, màu sắc, đường nét và hương vị đó là những vì "khách" đầu tiên đến cư ngụ nơi ý thức của trẻ thơ theo dòng sữa mẹ, đợi ngày lắng xuống tiềm thức để phát sinh văn hóa.


Lão Giáo: Còn gọi là Đạo giáo, căn cứ vào "nguyên lý diệu huyền" của vũ trụ mà Lão tử (Trung Hoa, thế kỷ 6 trước Tây lịch) phát hiện ra và gọi là "Đạo". Thực ra thì đây không phải là một tôn giáo hiểu theo ý nghĩa chặt chẽ và đầy đủ của danh từ tôn giáo, mà chỉ là một nền triết học khá siêu việt, nặng về mặt vũ trụ quan hay hình nhi thượng, đối nghịch với triết học Khổng Phu tử. Nguyên lý siêu nhiên kia, chân lý mở đầu cho vũ trụ là cội nguồn của mọi sinh, hóa tạo nên đất trời và vạn vật để cuối cùng lại trở về với Đạo.


Lão giáo cũng đã được du nhập Việt Nam từ sớm, không bao lâu sau Khổng giáo, do các sách vở mà các học giả phóng khoáng đem sang ta cùng với các sách Nho, và thường bị các nhà Nho nghiêm khắc gọi là "ngoại thư".


Từ vũ trụ quan của Lão tử nói trên, các đồ đệ của ngài như Liệt từ, Trang tử triển khai thành cả một triết lý sống lấy vô vi, thanh tĩnh, xuất thế theo tự nhiên. Ảnh hưởng phóng khoáng của Lão Trang đã thấy rõ không những trong văn chương bác học mà còn cả trong văn chương bình dân muôn thuở của ta. Điển hình là câu chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ trong đó tác giả vô danh kể lại một câu chuyện tình duyên giữa một người trần là Tú Uyên và một nàng tiên là Giáng Kiều.


Sở dĩ nhiều nhà văn học sử kể đạo Lão như là một thứ tôn giáo vì như đã nói trên đây, triết học này mang một tính chất kỳ bí của tôn giáo và trong thực tế ngoài đời đã dẫn dắt dân gian tới một thực hành mang tôn giáo tính là phép "tu tiên". Khổng giáo, trái lại không thế nên chỉ được kể như là một triết thuyết mà thôi.


THIÊN CHÚA GIÁO: Sau Phật giáo với đầy đủ tính chất của một tôn giáo, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo lớn mà ảnh hưởng tới nếp sống của dân tộc khá rõ ràng vào thời cận kim và hiện đại.


Thiên Chúa giáo đã hình thành ở Tây phương từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, lúc hai ngàn năm nay. Tôn giáo mới này thực ra cũng đã bắt đầu. du nhập Việt Nam từ thế kỷ 15 và 16 do các nhà buôn, các nhà du lịch, các nhà mạo hiểm, nhờ sự phát triển của nghề hàng hải mà đặt chân lên những nước Viễn Đông trong đó có Việt Nam. Trải qua một thời kỳ bị cấm đoán, các nhà truyền giáo bị giết hại, nhất là vào hồi cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, Thiên Chúa giáo đã đạt được một thế đứng vững chãi trong một phần quốc dân quan trọng của ta.


Siêu hình học Thiên Chúa giáo có một số nét gần kề với triết thuyết duy tâm tuyệt đối của Platon, và thuyết cứu rỗi của Phật giáo, tin tưởng ở một thế giới thượng đẳng tràn đầy ân phúc mà con người phải biết dọn mình để mà bước vào sau cuộc sống nơi trần thế này. Điều đặc biệt trong đạo đức học là Thiên Chúa giáo đã triển khai đầy đủ và sống động các ý niệm về công băng, bác ái, tự do, nhân phẩm nhờ đó đã đi sát tới những kẻ khốn cùng nhất trong xã hội.


Với những ý thức phụng thờ mới mẻ đem từ nếp sống Tây phương sang, với những công trình nghệ thuật tuyệt vời về kiến trúc, âm nhạc, hội họa và văn chương, Thiên Chúa giáo đã làm say mê hơn một thế hệ những tâm hồn trẻ Việt Nam. Tiếng chuông nhà thờ gióng lên hòa hợp với tiếng chuông chùa, lời cầu kinh trầm trầm nối tiếp lời niệm Phật, những bóng dáng áo đen, áo trắng đi vào với dân khắp cùng thôn xóm Việt Nam là những yếu tố tâm linh đồng điệu với văn hóa dân tộc chẳng còn ai bỡ ngỡ để mà không chấp nhận. Mùa Giáng Sinh tới, cây thông và máng cỏ đầy cánh thiếp hồng được trưng lên trong không khí ấm cúng của mọi gia đình bất kể là có đạo hay không.


Sát kề với Thiên Chúa giáo là đạo Tin Lành khởi nguyên cùng một gốc. Và triển khai môn phái Phật giáo ở miền Nam nước ta, có Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài.


Có một tập tục, một thực hành mang tôn giáo tính mà tôi thấy cần bàn tới ở đây: đó là nghi thức thờ cúng tổ tiên, một nghi thức đã có từ ngàn đời ở nước ta. Nghỉ thức này không phải là một tôn giáo hiểu theo nghĩa đầy đủ và chặt chẽ của danh từ như đã phân tích ở trên kia. Tin tưởng ở sự bất tử của linh hồn là một thái độ triết lý phổ thông. Lòng ghi nhớ công ơn của tổ tiên, cũng thế, một bài học đạo đức phổ quát. Để liên lạc với từ ngữ triết học Tây phương, ta có thể dùng danh từ religiosité (tôn giáo tính) khác với danh từ religion (tôn giáo). Religiosité - tôn giáo tính - là một thái độ, một khuynh hướng tâm lý thế nhân có mang tôn giáo tính mà không buộc phải nằm trong khuôn khổ của một tôn giáo đích danh nào. Tỉ như ta phải công nhận hiện-tượng-luận như là một thái độ triết học chứ không phải là một nền triết học riêng rẽ.


*


Những bài học lịch sử và biện luận phổ thông trên đây cho phép ta hiểu danh từ "con người tôn giáo - homo religiosus" đề ra trong tâm lý học một cách rộng rãi không thu hẹp vào một tôn giáo nào. Và một lần nữa, ta lại phải xác nhận rằng văn hóa Việt Nam từ xưa cho tới nay lúc nào cũng thấm nhuần một tinh thần tôn giáo đậm đà đã đem lại cho nó một sắc thái thâm trầm hiền hòa, khoáng đạt che dấu bên trong nó những đắm say lãng mạn riêng tư và nhất là một quyết tâm chung bảo vệ giang sơn, tổ quốc như bảo vệ những Đức Tin của mình.


Con người tôn giáo Việt Nam đôn hậu là như thế. Cho nên kẻ nào phủ nhận con người tôn giáo nơi mỗi chúng ta là đã phạm một lỗi lầm to lớn. Những ai gia công diệt trừ con người này là vừa phạm một trọng tội, vừa húc đầu vào một công việc không thể thành công. Lại càng đáng nên lên án hơn nữa cái chủ nghĩa kia tự cho mình là vô thần nên sử dụng mọi thủ đoạn tàn ác để diệt trừ tôn giáo mà xét ra cho minh lại chính là một tôn giáo không hơn không kém, một thứ tôn giáo phong kiến, giáo điều độc hại không biết đến đâu mà kể.


Hiện tình tôn giáo ở Việt Nam từ 1945 đến nay là như thế. Đối với người cộng sản, đốt được một ngôi chùa, phá sập được một nhà thờ còn có công hơn là giết được một "sư đoàn giặc". Đã nửa thế kỷ nay, toàn thể các tôn giáo ở Việt Nam lâm vào một "giáo nạn" toàn diện. Đã một thời có phong trào tổ chức "liên tôn kháng cộng" rồi cũng tiêu tan. Đến như ngay hiện thời, trong giờ dẫy chết của họ, người cộng sản vẫn còn không buông tha các vị tăng lữ, linh mục, Phật tử và giáo dân công khai nói lên những lời phê phán chế độ. Bao giờ lại có một liên tôn thứ hai nhỉ? Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy ở trong nước vẫn còn có những kẻ làm cò mồi tôn giáo cho chính quyền và ở ngoài nước những kẻ chủ mưu phá hoại tình đoàn kết tôn giáo của đồng bào chỉ vì những quyền lợi chính trị hay riêng tư của phe nhóm mình. Những cản trở hoặc không phê chuẩn những quyết định và ý nguyện của Giáo hội Công giáo, những bản án lao tù nặng nề dành cho tăng lữ Phật giáo mới đây của chính quyền cộng sản không hiểu đã mở mắt cho những kẻ u mê chưa? Còn để cho dân tộc phải lầm than cơ cực tới bao giờ nữa?


May thay, ở trong nước đồng bào và các vị lãnh đạo tôn giáo vẫn không hề nao núng trước mọi thủ đoạn khủng bố và dối gạt của chính quyền, vẫn luôn luôn giữ một thái độ bất khuất và đề kháng tới cùng. Ở hải ngoại, những lũng đoạn trong tinh thần tôn giáo có thể nói là không đáng kể. Nơi nơi, chùa chiền và nhà thờ vẫn được dựng lên mỗi ngày một nhiều với đồng bào mọi giới tới lui rất đông đảo. Các vị lãnh đạo tôn giáo nhìn xa trông rộng đã khéo biết vừa lo phận sự tôn giáo vừa tham dự vào việc thúc đẩy mọi phong trào quần chúng tranh đấu cho tự do của quê hương và nhân phẩm cho con người tại quê nhà.


Với các bạn trẻ hải ngoại chưa biết nhiều về quê hương và chế độ hiện thời trên đất nước, các bậc phụ huynh cần phải ân cần giúp đỡ họ một đường lối tiến thân xứng đáng, một hiểu biết xác thực, một hành sử nghiêm túc sao cho không hổ thẹn là con dân của đất nước Việt Nam đang trong cơn hoạn nạn.


Về tinh thần tôn giáo, các bạn trẻ cần biết tường tận những mưu mô quỷ quyệt của người cộng sản nhằm chia rẽ để hủy diệt mọi tôn giáo. Nếu có ai nhắc nhở họ quyền tự do tín ngưỡng thiêng liêng của con người thì họ lại đưa ra một quan niệm và một lối giải thích ngược chiều để cuối cùng phủ nhận luôn cả cái quyền tự do tín ngưỡng đó. Họ bảo: Tự do tín ngưỡng bao hàm luôn của quyền tự do không tín ngưỡng, và quyền không tín ngưỡng tích cực là quyền cản trở kẻ khác thực thi tín ngưỡng của họ; nói khác đi, quyền tự do không tín ngưỡng trở thành quyền phá tín ngưỡng của kẻ khác theo thủ thuật của chính quyền.


Trước kia, người cộng sản đã lợi dụng tình yêu gia đình và tình yêu tổ quốc của đồng bào ta để gọi là đánh đuổi thực dân, tranh thủ độc lập và tự do cho quê hương mà chủ đích ngấm ngầm là chiếm đoạt chính quyền cho riêng họ để rồi sau đó đặt đất nước vào trong xiềng xích của đế quốc đỏ mà họ là kẻ thừa sai. Trong khi đó, nói câu chuyện lý thuyết, họ rõ ràng chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Cái mâu thuẫn giữa ý nghĩ và việc làm đó, họ không che đậy được lâu dài khiến cho đồng bào sớm đã rời xa họ lần lần.


Mới đây, khi thấy nhân tâm đã mất tin tưởng nơi họ thì họ lại ra chiều lùi bước mà nói với mọi người: Ai bảo chúng tôi chủ trương tam vô là không đúng; chúng tôi yêu gia đình và tổ quốc lắm chứ, trước sau chúng tôi chỉ có vô thần mà thôi.


Các bạn trẻ là những tâm hồn lý tưởng ưa sự lý luận chặt chẽ, vững vàng. Và cái gì nói ra một cách thuận luận lý là họ chấp nhận và tin tưởng không thắc mắc. Với đầu óc lý tưởng như thế các bạn ấy có biết đâu rằng từ ý nghĩ đến cái sống con đường còn xa lắc xa lơ. Các bạn cần phải theo dõi thật sát thực tế và nhận diện trực tiếp hiện tượng như nó diễn ra trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Đã xa rồi cái thời của chủ thuyết khái niệm luận với những danh từ định nghĩa một lần cho chót, để khi thời thế đổi thay thì những khái niệm làm sẵn đó chẳng còn có một ý nghĩa nào nữa mà dễ đưa con người tới chỗ sai lầm tệ hại.


Lý trí của con người cũng có thể sai lầm và cũng chỉ có khả năng hạn hẹp. Văn minh nhân loại càng tiến lên, lý trí của con người cũng mỗi thời thêm sắc sảo. Lý trí có những thời kỳ vận hành của nó. Trước đây, nó chỉ làm việc và xoay sở trên hai nguyên lý là nguyên lý đồng nhất và nguyên lý nhân quả theo đó thì mỗi sự vật chỉ có một ý nghĩa, một giá trị đơn nhất và bất luận một sự việc gì cũng có cái nguyên nhân của nó. Ngày nay, lý trí của con người đã có thêm một nguyên lý mới: nguyên lý thực tại (principe de réalité). Theo nguyên lý này thì một biện luận dầu tinh vi, chặt chẽ biết mấy đi chăng nữa đến khi áp dụng vào thực tại mà thấy thực tại ngược hẳn lại thì biện luận đó là sai và cần phải bãi bỏ. Rộng ra một học thuyết có biện luận tinh xảo, theo đúng những quy tắc thông thường của luận lý mà bị thực tại cho thấy điều ngược lại thì học thuyết cần đào thải ngay, nhân danh nguyên lý thực tại.


Bám lấy thực tại để nhận xét là điều rất hay, rất phải, đáng nên làm. Nhưng thư tại cũng có nhiều thứ phức tạp. Các bạn nên so sánh những thực tại đó với nhau. Và khi cần, phải biết chấp nhận cái xấu-ít để tránh khỏi cái xấu-nhiều, đừng để khích đông bởi các gần để quên cái xa. Các bạn hẳn biết môi trường xã hội của mình có những cái xấu mà ta nhìn thấy nhãn tiền, nhưng nơi xa kia còn có cái xấu tệ hại và ác độc hơn nhiều, thì không vì lý do nào mà ta lại bỏ gần mà mong xa, hay thả mồi bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ như sự khôn ngoan của bình dân khuyên nhủ. Tôi biết có một số bạn đã mắc mưu tuyên truyền nhất là những mưu mô tuyên truyền đó lại được đúc khuôn vào những pho sách đồ sộ trên những ngăn kệ uy nghi của một thư viện hùng vĩ.

 

Với những bạn chưa có một tôn giáo để phụng thờ, thì hãy xin chăm sóc con người tôn giáo (homo religiosus) nơi mình để giúp tìm một lý tưởng mà phục vụ mai hậu.

 

Với những bạn đã có một tôn giáo theo truyền thống gia đình hay tự chọn, xin các bạn hãy bảo tồn bằng mọi giá. Một đường lối để bảo tồn và phát triển tinh thần tôn giáo là hai công cuộc tối cần để bổ xung nhau là: "hãy tin để hiểu" (crede ut intelligas) và ngược lại, "hãy hiểu để tin" (intelligas ut crede). Xa hơn nữa, cũng nên nhớ rằng nếu chẳng may đã có một "cam kết sai lầm" thì ta cũng lại có "cái quyền và bổn phận giải kết (droit au dés-engagement)".


*


Để kết luận, con người tôn giáo, ai cũng có. Nhìn chung, con người tôn giáo nơi người Việt Nam ta có phần đậm đà hơn ở nhiều nơi. Cho nên tinh thần tôn giáo là một giá trị tinh thần lớn lao làm nên một viên đá tảng trong nền văn hóa của dân tộc ta. Tinh thần đó không những nhiều lần đã cứu nguy dân tộc mà luôn luôn làm cao nền văn hóa của ta mang một nét đặc thù tốt đẹp mà tác động là khích lệ và nâng cao phẩm giá con người để từ đó ta ung dung vui sống và nhìn cuộc nhân sinh dưới một góc cạnh trung thực nhất.


Một lời khuyên chí tình gửi bạn trẻ: hãy chăm sóc con người tôn giáo (homo religiosus) nơi các bạn; hãy yêu thương và phụng thờ niềm tin mà bạn đã chọn nhận (foi, croyance).


Không ai yêu thương các bạn hơn chính những người đã sinh thành ra các bạn. Tinh thần tôn giáo phải lồng chung với tình yêu thương gia đình và phụng sự tổ quốc. Đó là khởi điểm cho mọi điều cao đẹp mà bạn sẽ gặt hái trong đời.


Nguyễn Sỹ Tế

Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục, trang 91

Trúc Lâm, 2000

http://www.hocxa.com/TieuLuan/NguyenSyTe_TinhThanTonGiaoTrongVanHoaVietNam.php

Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Triết Lý Giáo Dục Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Vũ Khắc Khoan Và Tôi Nguyễn Sỹ Tế Tạp luận

Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Tinh thần giáo dục trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận

Giá trị gia đình trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận


2.

3-8-2019

Triết Lý Giáo Dục

   NGUYỄN SỸ TẾ


Trong phần tư chót của thế kỷ 20 này, có một hiện tượng khá phổ thông ở hầu hết khắp nơi, đó là sự suy vi trầm trọng song song của văn hóa và giáo dục. Người ta đã phàn nàn quá nhiều về sự suy thoái của các giá trị gia đình, học đường và xã hội. Sự tàn phá của xã hội tại mấy nước độc tài cộng sản còn sót lại trên thế giới là một điều đương nhiên và dễ hiểu. Số thiếu niên phạm pháp ngày một gia tăng, những trọng tội kinh hoàng vượt ngoài trí tưởng tượng của con người tại nhiều nước văn minh Tây phương mới thật là điều đáng cho ta lo ngại và suy nghĩ.



Sở dĩ nói có sự khủng hoảng song song của văn hóa và giáo dục vì giữa hai phạm trù này có một mối tương quan mật thiết. Giáo dục không những là một giá trị tự tại mà còn là một phương thức quan trọng bậc nhất để phổ biến và lưu truyền văn hóa. Cuộc khủng hoảng của phạm trù này kéo theo sau nó khủng hoảng của phạm trù kia. Vấn đề giáo dục phải được đặt ra và giải quyết trong mối tương quan đó.


Bài tiểu luận này được giới hạn vào vấn đề triết lý giáo dục, danh từ triết lý hiểu theo nghĩa bình thường của nó là “bất luận sự suy nghĩ sâu xa và có hệ thống nào về một vấn đề gì”.


Vấn đề giáo dục là một vấn đề xưa cũ, đặt ra từ thuở khai sinh của xã hội con người, từ lúc có các bậc cha mẹ sinh ra các con cái của mình. Bởi vậy, trước khi bàn về hiện trạng của vấn đề giáo dục, tưởng rằng cũng nên điểm qua những tiền lệ của nó.


I. Tiền Lệ Của Vấn Đề


Nhìn lại giáo dục Đông, Tây từ cổ thời cho đến thời gian gần đây, người ta cũng có thể rút tỉa được một số những bài học kinh nghiệm đáng giá.


1. Giáo dục ở Tây phương:

Từ cổ thời Hy La (trước Công nguyên) giáo dục sớm đã được lo toan và phát triển. Tiêu biểu cho tổ chức giáo dục lúc đó là hai trường đại học lớn: Đại học La Mã ở phương Tây và Đại học Alexandrie phương Đông. Mỗi trường đại học đó có những nét đặc thù và một tinh thần học hỏi riêng. Nói chung, giáo dục cổ thời Hy La bao hàm một triết lý nhân bản (humanisme) và một tinh thần quảng bác đại đồng (universalisme), chú tâm nghiên cứu và suy tư mọi mặt về con người, cho nên ngay từ lúc đó các môn văn học, triết học, nghệ thuật đã đạt tới một mức phồn thịnh khiến sau này, hồi thế kỷ 16 (thế kỷ Phục Hưng), Âu Châu phải chủ trương phục hồi những ngành học nhân bản đó.


Hồi thế kỷ 17, Âu Châu cũng đạt được một sự hòa đồng trí tuệ nào đó, giảm bớt cái ngăn cách giữa các quốc gia. Kết quả sự hòa đồng đó là một nền văn học cổ điển ở Pháp với chủ trương “một tư tưởng đại đồng trong một hình thức quốc gia” hay là ý "tưởng của mọi người trong ngôn từ của mỗi người”.


Qua thế kỷ 18, - thế kỷ của triết học và cách mạng - cái học của Tây phương bước qua một bước ngoặt nhằm đáp ứng cho những nhu cầu đổi mới của thời đại. Triết thuyết giáo dục của J.J. Rousseau ra đời, hướng học đường vào khuôn viên thiết thực của một xưởng tập việc. Từ đó phương hướng sư phạm cũng phải đổi thay mạnh mẽ theo.


Sang thế kỷ 19, tiếp tục cái đà của thời kỳ trước các môn khoa học thực nghiệm, hướng vào thiên nhiên hơn là vào con người, bắt đầu bước vào thời kỳ toàn thịnh. Điều này khiến cho Auguste Comte (Pháp, thế kỷ 19) đã phải lấy thế kỷ đó là khởi điểm cho thời kỳ chứng nghiệm là thời kỳ thứ ba trong quá trình tiến hóa của trí óc con người, tiếp theo hai thời kỳ trước là thời kỳ thần học và thời kỳ triết học.


Có thể tóm tắt lại là: Tinh thần nhân bản, tinh thần đại đồng, tinh thần thực tiễn xã hội và tinh thần khoa học chứng nghiệm là những dấu ấn còn giữ được một vai trò nào đó trong cái kiến trúc phức tạp của nền giáo dục hiện đại.


2. Giáo dục ở Đông phương:

Cũng từ trước Công nguyên, giáo dục đã là mối ưu tư của các triết gia và các nhà truyền giáo Đông phương. Về giáo dục, triết lý tiêu biểu cho giáo dục Đông phương xưa là triết lý Nho giáo.


Nho học đề cao giáo dục tới mức tột đỉnh, lấy chính ngay kết quả của giáo dục làm giá trị của người học trò và khả năng cải thiện xã hội của ông thầy: Lương sự hưng quốc (ông thầy giỏi đem lại sự hưng thịnh cho quốc gia).


Từ khởi điểm trên, các nhà Nho đã tôn giáo dục lên hàng một cái “đạo”: Đại học chỉ đạo tại minh đức, tại tân dân (cái học lớn nhằm làm sáng cái đức của con người, làm mới người dân). Hiểu theo ý cổ nhân, đạo là con đường đặc biệt, một con đường thiêng liêng mà người ta phải tuân thủ một cách chặt chẽ và chi li trong khuôn viên của những nghi thức tỉ mỉ nào đó, với tất cả tấm lòng thành kính của mình.


Và cũng từ quan niệm giáo dục đó, cổ nhân đã đề ra và thực hiện những chủ trương:

- Học lấy lễ nghĩa và phong thái cư sử rồi mới học lấy kiến thức (Tiên học lễ, hậu học văn).

- Ai cũng phải học (tự thiên tử chí ư thứ dân giai dĩ tu thân vì bản – từ nhà vua tới thường dân ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc).

- Cái học là mênh mông không bao giờ hết.

- Học phải đi với hành để tạo kinh nghiệm (Học nhi thời tập chi – học mà ngày ngày đem ra thực hành).

– Thứ tự tôn kính trong xã hội là quân - sư – phụ (sau vua tới thầy, sau thầy mới tới cha).


Nho giáo còn đưa ra một kiểu mẫu làm người mà ông thầy phải tạo dựng nơi người học trò, đó là mẫu người “quân tử”. Nói một cách vắn tắt thì quân tử là người tài đức kiêm toàn, trí tâm phối hợp, tuân theo lẽ trung hòa của vũ trụ, sử sự đúng theo những quy tắc đạo đức của Nho giáo đứng đầu là tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Nhà Nho chân chính gặp thời thì xuất (ra làm quan giúp dân, giúp nước), không gặp thời thì sử (về ở ẩn, tu tâm dưỡng tính, truyền bá cái học của mình cho những người chung quanh). Như vậy, người quân tử là một kẻ hiền tài, một con người thành tựu. Đây cũng là nhằm ngắm cuối cùng của triết lý Nho giáo nói chung: “Thành giả thiên chi đạo, thành chi giả nhân chi đạo giã” – Trời đất ở trong đạo thành, tiến tới đạo thành là đạo làm người vậy.


Tóm lại là một triết lý giáo dục quá cao vọng, hơn cả ngành đại học, tới mức siêu đại học. Nó không có tính cách phổ cập đến quảng đại quần chúng vốn là thành phần căn bản của quốc dân ngày nay. Với tính khắt khe của nó (như: “Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” – Một ngày ba lần khám xét thân mình), nó lại càng dễ biến học đường thành một tu viện hay một trại binh. Tuy nhiên, ta vẫn phải công bằng nhận xét rằng thuyết giáo dục của Nho giáo cũng cho ta một kinh nghiệm, một tiền lệ đáng nên tuân thủ trong ngày nay: Cần phải coi trọng giáo dục tới hàng quốc sách; không nên xa rời khỏi mục đích đạo đức của giáo dục; cần phải có một nghi thức tối thiểu nào đó trong nếp sống và phong cách nói năng, sử sự tại học đường.


3. Giáo dục ở Việt Nam

Trong những nét tổng quát, nền giáo dục ở nước ta xưa kia cũng xây dựng trên quan niệm của nền giáo dục Nho gia trình bày trên đây. Tất cả đã qua đi theo cơn gió cuốn của thời gian, nhưng đặc biệt, ông cha ta đã để lại cho con cháu một bài học quý giá về tinh thần giáo dục, đó là tinh thần tự do, độc lập và sáng tạo trong việc học.


Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn phải dày công chiến đấu để giữ gìn bờ cõi trước nhiều cuộc xâm lăng kéo dài, từ Bắc phương tới cũng như từ Nam phương lên và từ Tây phương qua. Trong việc kiến tạo văn minh, xây dựng văn hóa và giáo dục, Việt Nam quả là nơi gặp gỡ, qua lại của hơn một luồng tư tưởng, hơn một cái học. Ông cha ta đã khéo biết chọn lựa một thái độ thích hợp và xứng đáng: một mặt, mở rộng cửa đón nhận những luồng tư tưởng khác nhau từ bên ngoài tới; mặt khác đem cái sở đắc từ ngoài vào đồng hóa với cái sở hữu căn bản của mình mà luôn thể chống đối sự đồng hóa của ngoại bang. Do đó dân ta vẫn tạo nên được cái mới cho mình và dù phải trải qua một thời gian dài tổ tiên ta “học sách Tàu mà vẫn chẳng thành người Tàu” và sau này chúng ta “học sách Tây mà chẳng để thành Tây”.


II. Hiện Trạng Của Vấn Đề


Ta vừa kiểm điểm sơ lược nền giáo dục cũ từ Tây sang Đông để rút ra một số những bài học khả thi cho thời hiện đại, biết rằng vấn đề giáo dục thời nay phức tạp vô cùng bởi sự xuất hiện của quá nhiều biến cố lịch sử và của quá nhiều sự kiện mới trong xã hội. Sau đây xin lần lượt xét xem vấn đề giáo dục đặt ra những giả thuyết nào để sau đó hoạch định vài phương hướng mới cho giáo dục.


1. Giả thiết của vấn đề:

Trước hết trên phương diện lý thuyết vẫn còn hai thuyết giáo dục hiện hành, tiêu biểu cho cứu cánh giáo dục:


a. Thuyết hội nhập (Reintegration) - Đây là thuyết rất khái quát được nhà sư phạm René Hubert trình bày trong tác phẩm của ông “Biên Tập Về Sư Phạm Tổng Quát”. Thuyết này hướng công cuộc giáo dục vào hai cứu cánh bổ xung nhau:


Cứu cánh hội nhập con người vào trong xã hội quốc gia. Giáo dục nhằm chống lại chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng ly khai xã hội, ý tưởng mưu cầu kiến thức và đạo đức riêng cho cá nhân. Giáo dục có mục đích viên mãn cái bản năng xã hội nơi con người để biến cái bản năng đó thành một tình yêu xã hội có ý thức. Bởi lẽ xã hội đó trước nhất là dân tộc, nên giáo dục là phải trau dồi cho thanh thiếu niên ý thức dân tộc và tinh thần thực tiễn đóng góp chung vào sự an ninh và phú cường của quốc gia.


Cứu cánh hội nhập con người vào trong cộng đồng nhân loại. Ngoài biên giới quốc gia còn có quốc tế mà quốc gia phải gắn bó vì lẽ hưng thịnh chung của mọi dân tộc. Cũng thế, bên trên nền văn minh dân tộc còn có nền văn minh chung của nhân loại mà mỗi dân tộc phải đóng góp vào. Vượt ngoài lãnh thổ quốc gia còn có nhiều kiểu mẫu xã hội khác với kiểu mẫu xã hội quốc gia của chúng ta. Giáo dục phải làm sao cho học trò am tường, cảm thông và hòa hợp với nếp sống và lối nghĩ của các kiểu mẫu xã hội khác đó. Nói điều cụ thể, giáo dục phải chuẩn bị cho con người gia nhập vào sinh hoạt quốc tế, gánh vác những công việc và những trách nhiệm quốc tế nhất định.


b. Thuyết thực dụng (Pragmatisme). Khác với thuyết hội nhập có tính cách là phương hướng khái quát, thuyết thực dụng là cả một nền triết học tổng quát áp dụng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Nó ra đời vào lúc mà đâu đâu người ta cũng tranh thủ lấy độc lập và tự do. Đặc biệt tại Mỹ quốc, trong bối cảnh văn hóa, người ta chứng kiến sự trổi dậy rất hùng mạnh về mọi mặt, nhất là mặt kinh tế và xã hội, nhờ vào những tiến bộ vượt bực của các ngành khoa học thiên nhiên sử dụng phương pháp thí nghiệm.


Triết lý thực dụng chia sẻ quan điểm của thuyết tiến hóa của nhà sinh vật học Darwin, thuyết tương đối của nhà vật lý học Einstein và thuyết duy dụng của nhà tâm lý học Bergson. Các tác giả và bình luận gia chủ chốt là: J. Dewy, W. James, C. Peirce, G. Mead, JL. Childs và E. Bayles. Các tác giả Mỹ quốc luôn luôn nối kết tư tưởng với hành động và nhận định rằng một tư tưởng chỉ có giá trị nếu nó là tinh lý, là linh hồn, là bộ óc của một chương trình hành động.


Giáo dục nhằm thúc đẩy và giúp đỡ con người dồn nỗ lực thường xuyên vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết, những mối quan tâm của đa số người trong cộng đồng.


Vươn lên hàng triết học tổng quát, các nhà thực dụng xác nhận: thế giới là thế giới hình tượng, bản chất con người là sử dụng những chức năng tâm lý của mình để hình tượng hóa vũ trụ và xã hội. Chuyển qua giáo dục: việc học là việc trau dồi các khả năng khéo léo của mình và truyền bá chúng bằng cách sử dụng chúng cho người ta chứng kiến. Cuối cùng, thuyết thực dụng chỉ chấp nhận có một cái tri (le savoir): biết là biết làm, biết cách sử dụng. Tức là một cái tri thực tiễn, hữu ích.


Trở lại với sinh hoạt học đường và xã hội, triết lý thực dụng đưa ra một quan niệm về một thứ xã hội được ủy nhiệm trong công cuộc tuân thủ một đường lối khoa học trong suy tư, và thực hiện một nếp sống tự do, dân chủ.


Nói tóm lại triết lý thực dụng là sự trả thù của khoa học về thiên nhiên đối với khoa học về con người, sự thắng thế của phương pháp thí nghiệm đối với phương pháp thuần luận, sự lên ngôi của lý trí thực tiễn, ưu thế tuyệt đối của sinh hoạt tự do dân chủ đối với sinh hoạt cổ truyền phong kiến.


Những quy tắc kể trên tất nhiên có cái hay, cái đúng của nó. Nhưng chỉ với riêng những qui tắc đó, triết lý giáo dục có một khuyết điểm lớn là thiếu sót. Hơn nữa nó còn gặp phải nhiều điều bất thuận hợp đáng tiếc. Thiếu sót và bất thuận hợp đó là gì, tưởng nửa thế kỷ qua xã hội Hoa Kỳ đã cho ta thấy rõ: sự lấn áp của tiền tài và bạo lực, sự suy vị của các giá trị gia đình, học đường và xã hội. Coi nhẹ khoa học nhân văn là một điều thiếu sót và bất công. Tự do quá mức dễ bề lạm dụng. Nhìn chung toàn bộ nền văn minh Hoa Kỳ, người ta có lý do để phàn nàn về sự thiếu hụt của các yếu tố nhân bản trước các yếu tố máy móc, của những giá trị đạo đức tinh thần đối với giá trị quyền lợi vật chất.


Chuyển qua những giả thiết thực tại của vấn đề giáo dục. Ngoài hai thuyết hội nhập và thực dụng giáo dục hiện đại còn phải quan tâm tới nhiều sự kiện văn hóa đã diễn ra trên thế giới hiện thời.


a. Trước hết người ta chứng kiến sự phá sản của nền giáo dục mác xít tại các nước đã hoặc còn đang theo chủ nghĩa Mác-Lê. Sau một thời gian điên cuồng phá phách con người, gia đình, quốc gia và xã hội, nền giáo dục đó đã tự đào hố chôn mình. Sự lầm than của xã hội cộng sản, sự suy thoái trầm trọng của xã hội hậu cộng sản là một điều đương nhiên vậy. Giáo dục phải suy nghĩ lại về chủ nghĩa xã hội và tái cấu trúc nó trên cơ sở hợp tình hợp lý, nhân bản hơn.


b. Song song với sự vong thân của chủ nghĩa vô sản là sự thay hình đổi dạng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản trở nên tinh khôn hơn để kéo dài sự sống còn. Nó chuyển hướng vào việc nắm giữ những thế lực kinh tế, bỏ đi các bộ dạng bảo hộ, toàn quyền. Nhưng rất tiếc là nó vẫn chưa dứt bỏ được những tham vọng đế quốc của nó. Giáo dục phải suy nghĩ lại về chủ thuyết tư bản nói chung và đem những khả năng to lớn, diệu kỳ của khoa kinh tế học tân tiến mà phụng sự mọi người, mọi dân tộc. Tôi nghĩ chủ trương “toàn cầu hóa” mô thức kinh tế cũng không nên và không thể tách rời cứu cánh đạo đức của nghĩa hợp quần và ý thức công lý giữa con người và con người.


c. Nền giáo dục trong tương lai gần tưởng cũng có một bổn phận và trách nhiệm nào đó trong việc hàn gắn những đau thương do hai cuộc chiến tranh nóng và lạnh vừa qua còn để lại cho bao người trên thế giới: những phá tán toàn bộ một quốc gia dân tộc, những va chạm tơi bời về văn hóa đưa tới những đổ vỡ, những chán chường cho từng mảng dân tộc di cư, tị nạn hàng loạt. Chủ trương toàn cầu hóa tưởng cũng cần phải đặt ra cho phạm trù văn hóa chứ không riêng gì cho phạm vi kinh tế.


d. Trong hoàn cảnh đặc biệt của một vài nơi, chẳng hạn như Trung Đông, Ba Nhĩ Cán, cựu Liên Sô, vấn đề xung đột tôn giáo và dân tộc sẽ còn là một vấn đề hàng đầu của thế kỷ 21 tới đây. Ở những nơi đó, chiến tranh lạnh vẫn chưa chấm dứt mà còn đe dọa chuyển thành chiến tranh nóng. Giáo dục không thể chỉ giới hạn vào lãnh thổ và lợi quyền của một quốc gia.


e. Xuống một bình diện thấp hơn triết lý, bình diện chính sách và định chế giáo dục, người ta nêu ra những mục tiêu, những khuynh hướng cho giáo dục: dân tộc, khoa học, đại chúng, khai phóng, truyền thống... Đó là những mốc mà giáo dục cũng cần phải chú ý tới.


2. Phương hướng giải quyết vấn đề.

Sau khi ôn lại những bài học của quá khứ và nêu ra những điều kiện hiện đại của vấn đề, xin đi vào trọng tâm của bài tiểu luận: nói về triết lý của giáo dục. Đây là một vấn đề rất rộng lớn, cũng rộng lớn như những vấn đề văn hóa vốn liên hệ mật thiết với giáo dục. Thật thế, trong một cuộc phân tích và tổng hợp sơ đẳng, ta đã thấy văn hóa là một toàn bộ, một tổng thể, một gestalt – nói theo tâm lý học hình thức – một tổng thể trong đó giáo dục chỉ là một trong nhiều thành tố. Vậy ta phải công nhận rằng triết lý giáo dục cũng là một “thứ triết lý văn hóa”.


Nói tới triết lý giáo dục là nói tới những cứu cánh đặc thù của nó. Những phần kiểm điểm trên cho thấy cứu cánh của giáo dục phải là một cứu cánh đa phương (finalité pluraliste). Điều này cũng là điều phù hợp với cấu trúc tâm lý đa tầng, đa dạng của con người tư duy, con người lao tác qua các con người nghệ sĩ, chính trị, kinh tế, chiến tranh... tới con người đạo đức, con người tôn giáo (homo sapiens, homo faber, homo artifex, politicus, eacomomicus, martius... homo virtus, homo religiosus). Như vậy triết lý giáo dục phải là một triết lý nhân bản do con người và cho con người.


Bàn về bản chất con người, đã đến lúc ta phải xóa bỏ dứt khoát cuộc tranh luận lỗi thời “Con người sinh ra vốn thiện hay vốn ác”. Con người chẳng phải là thiên thần mà cũng chẳng phải là ác quỷ. Giáo dục phải vun trồng thêm cái thiện và giảm trừ bớt cái ác nơi đối tượng được giao phó.


Theo đường hướng chính trị thuận lợi với đạo đức hiện thời, ta phải thêm vào nhận xét trên đây về bản chất của con người như từng rêu rao trong các bản tuyên ngôn độc lập, nhân quyền, dân quyền: “Con người sinh ra là tự do”. Giáo dục phải tuân thủ đường hướng tự do và khai phóng trong mục đích theo đuổi. Thời đại này là thời đại của dân chủ. Chủ thuyết thực dụng có lý ở điểm này ít nhất trên phương diện nguyên tắc, bởi lẽ từ tinh thần dân chủ đến định chế dân chủ con đường không ngắn. Hãy nhìn học trò như là một thế giới riêng rẽ, độc đáo mà ông thầy phải biết tới, phải tôn trọng để cho tư cách của học trò được bảo tồn và cá tính của học trò được phát triển. Danh dự và hạnh phúc (tinh thần cũng như vật chất) cũng là một viễn tượng của giáo dục vậy.


Rời vị trí con người bản nhiên qua khía cạnh con người tương quan (côté relationnel). Người ta thường nhắc lại một nhận xét đã cũ “Con người là một sinh vật xã hội”. Xác nhận tổng quát thì thế, nhưng cuộc tranh luận “Khuynh hướng vị kỷ” hay “Khuynh hướng vị tha” nơi con người, cái nào có trước cái nào có sau, cái nào dẫn dắt cái nào thì quả là lỗi thời, vô bổ. Với xã hội tính đương nhiên của mình, học trò phải góp công, góp sức thực lòng vào sinh hoạt cộng đồng mà cộng đồng phải quan tâm hơn cả là dân tộc và gia đình. Triết lý giáo dục cần phải có một sắc thái xã hội đậm đà. Thuyết hội nhập trên kia mở rộng tới mức hội nhập vào cộng đồng nhân loại là một viễn tưởng tốt lành của giáo dục. Bởi con người riêng rẽ đã có nhu cầu và quyền lợi phát triển thì cộng đồng lớn, nhỏ của con người cũng cần như thế. Danh dự và hạnh phúc – tinh thần cũng như vật chất – của dân tộc đôi khi phải kể như là tối thượng. Trường hợp Việt Nam suy vi do Cộng Sản là một trường hợp điển hình: Có khoa học, có vật chất mà thiếu tinh thần lại càng nguy hại, tôi nghĩ tự do và dân chủ cần hơn là khoa học, kỹ thuật và tiền bạc.


Trên đây ta đã đưa ra một dè dặt về mục đích tạo dân chủ của giáo dục, tưởng cần phải bổ sung ở đây bằng một dè dặt song song, dè dặt về tinh thần khoa học mà thuyết giáo dục thực dụng từng đề cao: Cần phải giữ gìn tinh thần khoa học cũng như phương pháp thí nghiệm ở một mức độ thỏa đáng nào đó và chỉ ở mức độ đó thôi, nơi khoa học nhân văn cũng như khoa học thiên nhiên vậy. Đây cũng là yếu tố nhân bản tính của triết lý giáo dục. Lời phàn nàn dành cho triết lý thực dụng là có lý. Khoa học nhân văn có đối tượng là con người trong khía cạnh tâm linh thiêng liêng không thể sử dụng như là vật chất thông thường để bỏ vào ống nghiệm được! Sự thất bại của lề lối đó là tất nhiên!


Cũng trong khía cạnh con người tương quan vừa nói trên kia, sự đoàn kết con người trong không gian e rằng còn hẹp. Chuyện cũ vẫn còn đúng. Con người đoàn kết trong thời gian. Quá khứ vẫn cho ta những bài học tốt. Đối với những con người và những công trình trong lịch sử, ta không thể nào quên được. Ngoài giá trị sư phạm giới hạn nào đó, khuynh hướng truyền thống trong giáo dục này là bổ ích.


Để kết luận: Ta vừa phác họa mấy nét đại cương của triết lý nhân bản cho giáo dục. Bảo là mới cũng được mà bảo là cũ cũng được. Mới ở chỗ nó là tổng hợp mới hoàn thiện hơn với thiện chí giải quyết những mối xung khắc đương thời, những mối lo toan hiện tại của con người và xã hội với những sự kiện mới được đề cập tới. Cũ ở chỗ nó chỉ rút tỉa những điều hợp lý hợp tình và những cái hay cái đẹp của nhiều triết lý giáo dục đã được thử nghiệm.


Trong bối cảnh của một xã hội còn đầy tranh chấp, còn chạy theo nhiều cái tham vọng quyền hành, lợi nhuận, chạy theo cái ảo ảnh của khả năng chinh phục đất trời, tôi nghĩ rằng chúng ta đã bỏ quên quá khứ nơi từ đó ta đã ra đi, và bỏ quên cả thiên nhiên trước mặt, cái vành nôi sinh sống của chúng ta. Trở về với lịch sử mà ta chưa lợi dụng được đủ điều hay đẹp, cúi xuống với thiên nhiên, với môi sinh mà ta đang tàn phá là ý nghĩ và việc làm tốt vậy.


Nguyễn Sỹ Tế

Tiểu Luận Văn Hóa Và Giáo Dục, trang 141

Trúc Lâm, 2000

http://www.hocxa.com/TieuLuan/NguyenSyTe_TrietLyGiaoDuc.php


3.

Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam

  

NGUYỄN SỸ TẾ


Nói tới văn hóa là nói tới dân tộc mà nó là biểu thức của nếp sống đặc thù. Lịch sử thế giới đã cho ta thấy rằng: Cuối cùng thì mọi đế quốc cũng sụp đổ, chuyện đại đồng không tưởng bất thành, tinh thần dân tộc ở khắp nơi vẫn là động cơ thúc đẩy mọi sinh hoạt quốc tế. Từ đó chủ nghĩa quốc gia cũng mỗi ngày một chỉnh đốn, tô bồi rạng rỡ hơn. Bởi một chân lý xã hội đơn giản là: Dân tộc là một kích thước xã hội ưu thuận nhất cho việc thành lập một quốc gia, thể hiện một nền văn hóa và xếp đặt mọi mặt của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.


Tìm hiểu một nền văn hóa cho đến nơi đến chốn, người ta không thể chỉ dừng bước ở cái bề ngoài trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng... hay trước các công trình kiến trúc như điện đài thành quách cùng các công trình văn học và nghệ thuật khác. Chiều sâu của văn hóa Việt Nam nằm trong tâm trí của mọi nguời Việt Nam qua mọi thời đại lịch sử của họ. Cái phần sâu xa này, người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau là thần trí, hồn tính, tâm địa hoặc bằng những nhóm danh từ tinh thần dân tộc, cá tính dân tộc. Và cái sâu thẳm của cá tính dân tộc này, Tây phương gọi là vô thức dân tộc.


Mỗi dân tộc có một cá tính mà người dân nước khác dễ nhận biết trong nếp sống hàng ngày và đường lối cư xử của dân tộc đó. Cá tính này có phần thiên bẩm thuộc bản chất chung của nhân loại, nhưng phần chính yếu là do sự tác động của những điều kiện địa lý lịch sử và xã hội riêng, rồi theo lẽ di truyền mà được nối dõi từ đời này qua đời nọ thành truyền thống dân tộc. Theo đường lối nhận thức này, để tìm hiểu cá tính của dân tộc ta, trước hết xin ghi nhận những nét đại cương về địa lý, lịch sử và xã hội Việt Nam.


A. Điều Kiện Tác Động


1. Nước Việt Nam ta là một nước tương đối nhỏ bé. Diện tích, sau những nỗ lực phát triển liên tục của tổ tiên ta đã dừng ở con số khiêm nhường là 300.000 cây số vuông. Trái lại, dân cư với mức sinh sản mạnh, vào những thập kỷ gần đây, đã đạt tới một con số lớn lao là 72 triệu người. Đất hẹp dân đông, đó cũng là một điều kiện bất thuận lợi cho sự phát triển chung.


Dân tộc ta một phần là những người từ cao nguyên đổ xuống đồng bằng ra biển cả, từ trung tâm lục địa châu Á theo lưu vực con sông Hồng Hà và con sông Cửu Long kéo tới phối hợp với một phần khác là những người từ quần đảo Nam Dương theo sóng biển và gió Nam đổ bô lên. Xa xôi hơn nữa, về nguồn gốc của dân tộc ta có thần thoại con Rồng cháu Tiên". Nói bằng hình ảnh: Dân tộc Việt Nam là một lớp người chiến sĩ và hiệp khách, sau thời gian tung hoành, đã rút khỏi chiến trường, khước từ giang hồ, về nghỉ ngơi ở cái giải đồng bằng nhỏ hẹp, kẹp giữa đại dương và đông nam lục địa châu Á. Nơi đây, khí hậu nhiệt đới và chế độ gió mùa, ảnh hưởng của núi rừng xen lẫn biển cả, khắc khổ pha hòa với dịu dàng đã ru người chiến sĩ trong một giấc mộng chập chờn, huyền ảo.


Cho đến nay, nền kinh tế của dân tộc Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thô sơ nghèo nàn. Người dân quê phải làm ăn đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mới kiếm được miếng cơm manh áo. Huyền thoại "ông ba bị" và "con ngoáo ộp" đã nói lên cái thử thách đắng cay về kinh tế mà dân ta hằng chịu đựng.


2. Trên dây, ta vừa nói rằng nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là những người từ cổ xưa và từ nhiều nơi tụ lại trên giải đồng bằng nghèo, bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng rồi những con người đó vẫn chưa thực sự tìm được sự nghỉ ngơi trên mảnh đất bội bạc. Lịch sở của họ là lịch sử của những nỗ lực không ngùng để trường tồn và phát triển. Trường tồn trong công cuộc chống kẻ thù lăm le thôn tính đất đai của mình,- ba lần từ Bắc phương xuống, một lần từ Tây phương sang. Phát triển trong công cuộc tiến về phương Nam tìm phương sinh sống.


Trước khi tiếp xúc với Tây phương, Việt Nam đã là sân khấu giao động của hai nền văn minh kỳ cựu là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, với ba luồng tư tưởng Đông phương đem tới là Khổng, Phật, Lão. Kịp khi gặp gỡ Tây phương, văn hóa Việt Nam lại phải giải quyết sự va chạm giữa nền văn minh đạo đức tinh thần Đông phương với nền văn minh cơ khí vật chất Tây phương. Vào thời đại ngày nay, người ta còn nhận biết vị trí chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế là cái ngã tư quốc tế từ Âu sang Á, một đồn cảng từ biển Nam xâm nhập lục địa. Đó là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một mối lo cho dân tộc.


3. Vài ghi nhận về xã hội Việt Nam- Nét căn bản cần nhắc nhở ngay là: Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp. Với tinh thần hiếu học, trọng ngăn nắp trật tự, xã hội nông nghiệp đó cho mãi tới thời kỳ gần đây, vẫn đề xướng một thứ bậc xã hội từ trên xuống là sĩ-nông-công-thương.


Xã hội Việt Nam sống tập hợp thành những đơn vị hành chính nhỏ là xóm làng, khoảng dăm ba trăm người quây quần sau lũy tre xanh kiên cố. Xóm làng đã trở thành một thứ "tổ quốc thứ hai" thường được yêu thương và trọng vọng hơn cả tổ quốc lớn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trọng đại hay ngặt nghèo của lịch sử thì xóm làng cũng như gia đình cũng mờ xóa đi một cách dễ dàng.


Mặt khác, làng mạc Việt Nam lại hòa mình vào thiên nhiên bao quanh là ruộng đồng, đồi núi, sông ngòi. Như thế, cuộc sống của người dân quê Việt Nam đã diễn ra trọn vẹn giữa lòng thiên nhiên khiến cho thị thành đô hội chỉ còn là những ngoại lệ hiếm hoi. Cho nên người kẻ chợ vẫn hướng về chốn thôn quê cũng là lẽ bình thường vậy.


B. Những Nét Cơ Bản


Những điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội gợi lại trên đây giúp ta giải thích những nét lớn trong cá tính của dân tộc Việt Nam mà ta có thể suy nghiệm sau đây:


1. Một đời sống nội tâm phong phú. Trước hết, ta phải công nhận rằng người Viết Nam có một đời sống nội tâm rất phong phú mà biểu lộ là nét mặt trầm ngâm, cử chỉ chậm chạm, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng từ tốn.

Cuộc sống nội tâm phong phú này chính là do sự tác động của nền kinh tế cơ cực, của dòng lịch sử gian lao của dân tộc ta. Mệt mỏi và thất vọng về bên ngoài, con người phải quay vào nội tâm của mình để tìm ở đó một nơi nương tựa, một chỗ ẩn náu, một phương dệt mộng giải thoát, lên Niết bàn, lạc vào Tiên cảnh, tới miền Thượng giới. Cũng do cuộc sống nội tâm phức tạp này mà nơi mỗi người Việt Nam có hai con người khác nhau: một con người giao tế xã hội trọng nghi thức, ước lệ cùng phong tục tập quán, và một con người riêng tư tìm đến những giá trị siêu nhiên, những thăng hoa cao cả, khó có trong cuộc đời.


Cái thái độ trầm lặng, hiền hòa, quân bình không cần phải cố gắng và chẳng lúc nào có tính cách giả tạo đó, người Tây phương phải công nhận là một thái độ tự nhiên mà thành hiền triết (une attitude de vie naturellement philosophique). Đây cũng là sự theo đuổi của một thứ triết lý "thiên nhân tương dữ", con người với thiên nhiên nối kết với nhau thành một mối, của dân tộc ta vậy. Và cũng bởi nội tâm phong phú đó mà hầu hết các người Việt Nam đều có khuynh hướng tự nhiên về văn học và nghệ thuật vốn đòi hỏi một cảm quan sâu sắc và bén nhạy.


Tất nhiên cái nếp sống nặng về nội tâm này cũng có cái sở đoản của nó: Quay vào trong, con người dễ lãng quên ngoại giới, giảm hạ những kiến thức khoa học về thiên nhiên, kém tiến thủ trong những công trình chinh phục môi sinh, cải thiện đời sống vật chất. May thay nếp sống nội tâm của đa số chúng ta không đi tới chỗ cực đoan để trở thành tiêu cực.


2. Một bản chất giầu tình cảm. Đời sống nội tâm tự nó đã bao gồm tình cảm bên cạnh nhiều chức vụ tâm lý khác. Tuy nhiên xét riêng tình cảm, ta sẽ có nhiều điều đặc biệt để nói về cá tính của dân tộc ta. Hầu hết, những quan hệ xã hội của người Việt Nam,- với đồng bào hay với người nước khác,- được khởi sự bằng tình cảm để phát huy bằng nghĩa vụ, tình và nghĩa gắn liền với nhau khiến quan hệ được trọn vẹn và lâu bền. Nhờ đó, người ta xử sự với nhau bằng tình (tức tình cảm) hơn là bằng lý (tức lý trí), đúng như một câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du:


Bề ngoài là lý song trong là tình.


Và chính vì chữ "tình" buộc lấy chỗ "nghĩa" mà Thúy Kiều hỏi vọng Thúy Vân xem đã giúp mình trả nghĩa Kim Trọng chưa:


Tình sâu mong trả nghĩa dầy,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?


Có những mối tình cảm sâu xa và vững bền đến độ khiến người ta giữ thái độ câm lặng có khi suốt cả cuộc đời. Tình không nói ra bằng lời mà bằng xử sự, bằng nghĩa.


Khác với nhiều người Tây phương, người Việt Nam chủ trương "ơn đền, oán trả". Đó cũng là một nền công lý thế nhân vậy. Những kẻ lợi dụng tình cảm của người khác, những kẻ vong ân bội nghĩa bị người ta lên án một cách nghiêm khắc. Do đó, để bù đắp lại chuyện ơn phải đền, nên mới có chuyện oán phải trả. Nếu bảo "oán không cần trả" thì đặt ra trừng phạt làm gì? Hơn thế, bắt chuyện với một kẻ tội lỗi ngập trời lại còn ngoan cố chạy tội và không quên tìm cách hại mình, đó là điều không thể nào quan niệm được.


Ca ngợi giá trị của tình yêu, các triết gia ngày nay thường nói: Tình yêu là đường lối chân xác và phong phú nhất để con người nhận thức một đối tượng. Ta có thương yêu một người nào thì người đó mới mở toang bản ngã của mình ra cho ta nhận biết.


3. Một đầu óc tổng hợp và dung nạp. Sớm nhận biết những cực đoan trong vũ trụ và nhân sinh, kinh qua bao thử thách của một nền địa lý khắc khổ, và của một lịch sử gian truân, dân tộc Việt Nam đã tạo được một đường lối kinh nghiệm để giải quyết những xung khắc, những mâu thuẫn giữa các sự vật. Với Tây phương, phân tích thì dễ, tổng hợp mới khó. Và họ đã phải công nhận rằng: Phải nhờ có những tổng hợp tài tình, con người mới tạo nên được những công trình thật sự và vĩ đại.


Cũng xin lưu ý rằng trong khoa học nhân văn, đầu óc tổng hợp không phải là thái độ chiết trung tầm thường và đơn giản chỉ gặt hái được những kết quả nghèo nàn và khả nghi. Tổng hợp là tạo nên một thực thể mới khởi đi từ những dữ kiện tách biệt để cuối cùng thì những dữ kiện này không còn hiện diện nguyên hình trong kết quả nữa.


Bây giờ ta hãy xét xem tiền nhân đã đem lại gì cho con người Việt Nam và cá tính dân tộc. Xin kể ra một số những thành quả của khả năng trí tuệ mẫn tiệp này:


- Ta đã nói ở trên kia là người xưa tổng hợp hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ như thế nào. Tiền nhân đã hòa hợp tam giáo Đông phương để theo đuổi, luôn một lúc hoặc theo thứ tự trước sau, triết lý nhập thế hành đạo và triết lý xuất thế hưởng nhàn trong khi vẫn mở rộng tấm lòng cưu mang những kẻ hoạn nạn. Đó chính là nhờ trí và tâm hợp nhất, tinh thần dung nạp đi song song với tinh thần chống mưu đồng hóa của tha nhân.


- Trong phong cách sống, người Việt Nam có những thái độ tưởng chừng mâu thuẫn (nhất là đối với người Tây phương). Một mặt người Việt Nam vừa mơ mộng, lãng mạn như đã nói trên kia, nhưng mặt khác lại thực tế đến chi li, phũ phàng. Nguời Việt Nam chắt chiu từng miếng cơm manh áo, giữ gìn đồng tiền bát gạo, nhìn vào bất luận một sự vật nào ở ngoại giới cũng nghĩ ngay tới một phương tiện mưu sinh, một cơ may tiến thủ. Có khác chi bảo: Người Việt Nam vừa thực tế lại vừa lý tưởng.


- Sống với hiện tại nhưng người Việt Nam vẫn nhớ tới quá khứ một cách thành khẩn và hướng về tương lai với tính phòng xa, cẩn trọng. Học giả Phạm Quỳnh có nói tới đầu óc "phụng tổ tiên và tôn cổ điển" trong nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam. Tương tự thế, người Việt Nam khéo biết nối kết cái nhất thời với cái trường cửu, cái cao với cái thấp, lý trí với tình cảm, kỷ nhân với tha nhân, lòng ẩn nhẫn chịu đựng với ý chí quật cường... kể ra không hết


4. Một lòng yêu nước mãnh liệt phối hợp với tình gia đình mặn nồng. Trong đời sống giầu tình cảm của người Việt Nam, có một tình cảm vượt trội hẳn lên, đã trải qua nhiều thử thách để mỗi ngày một thêm vững mạnh, đó là lòng yêu nước. Trước hết, đây cũng là một điều thuận hợp với chân lý phổ thông trong nhân loại: đất đai càng cằn cỗi bao nhiêu, thiên nhiên càng bạc đãi bao nhiêu, lịch sử càng gian khổ bao nhiêu thì người con dân lại càng tha thiết với quê hương bấy nhiêu. Riêng về nước ta, lịch sử còn ghi rất nhiều những trang oai hùng, hiển hách trong hơn một lần tranh đấu để phục hồi và giữ gìn nền tự chủ cho mình. Điển hình xưa kia là câu nói của Trần Bình Trọng: "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Và thời nay, câu nói của Nguyễn Thái Học: "Không thành công cũng thành nhân".


Lòng ái quốc mãnh liệt trên tuy chỉ biểu hiện từng lúc trong lịch sử quốc gia nhưng luôn luôn không ngừng được bồi đắp bằng một thứ tình gia đình thâm sâu không thể nào tả xiết. Để rồi hai tình yêu vĩ đại đó phối hợp với nhau, dắt díu nhau để gia đình đồng nghĩa với quê hương và đất nước như trong những câu Kiều của Nguyễn Du:


Đoái thương muôn dặm tử phần,

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

Xót thay thông cỗi, huyên già,

Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?


Tiếc thay tình gia đình đó, lòng yêu nước đó, người cộng sản đã lợi dụng đến cùng cho chiêu bài đế quốc của ngoại nhân


*


Để kết thúc, xin mở rộng vấn đề. Cá tính của một dân tộc nào thì cũng có kẻ khen người chê, không phải là không có lý. Nhưng xin nói ngay rằng đó là một thực thể lịch sử mà con người không có thể phủ nhận và phải ít nhiều chấp nhận và tôn trọng.


Với các bạn trẻ hải ngoại, xin nói thêm rằng: Văn hóa cũng như cá tính của dân tộc không phải là những gì bất biến. Đất đai sẽ còn được nuôi dưỡng, lịch sử sẽ còn mở nhiều trang, con người cũng do đó mà đổi thay theo hướng chân thiện mỹ chung của nhân loại. Những sở đoản trong cá tính dân tộc chắc sẽ phôi pha trong suy ngẫm và cố gắng hành động của tất cả mọi người chúng ta hôm nay và mai hậu. Nhưng có điều chắc chắn là những sở trường, những ý nghĩ những tình cảm đẹp lành trong truyền thống dân tộc là điều vĩnh cửu mà ta phải nhìn cho đúng để mà bảo tồn. Bằng không, sẽ chẳng còn có dân tộc Việt Nam trên cõi đời này nữa.


Nguyễn Sỹ Tế

(Tiểu Luận Văn Hóa & Giáo Dục,
Trúc Lâm xuất bản, năm 2000)

http://www.hocxa.com/TieuLuan/NguyenSyTe_CaTinhDanTocVietNam.php


4.

Giá Trị Gia Đình Trong Văn Hóa Việt Nam

  NGUYỄN SỸ TẾ

Gia đình Việt Nam là một kiến trúc xã hội có những nét đặc thù trong cách cấu tạo, tổ chức điều hành và sinh hoạt mà chỉ có một cuộc sống hòa đồng lâu dài người ta mới có thể lý hội được một cách thấu đáo. Luật pháp thành văn xưa kia vốn ít, phong tục tập quán lại quá nhiều, những định chế xã hội ngày nay có tính cách cóp nhặt và pha trộn bừa bãi nên cũng nói lên được cái chân­bản-chất của tổ chức xã hội đó. Bởi vậy, những hiểu lầm, nhất là từ phía nước ngoài, về gia đình Việt Nam không phải là thiếu. Chẳng hạn, một hiểu lầm đáng tiếc là người ta đồng hóaa gia đình Việt Nam với kiểu mẫu đại gia đình phụ hệ Trung quốc thời trước.


Sau ngót một thế kỷ kết hợp vội vàng với Tây phương kế đến là những biến động chính trị liên miên kéo dài với chiến tranh, nghèo đói và khủng hoảng ý thức hệ, người ta chẳng còn biết gia đình Việt Nam đích xác là cái gì nữa: Nó lớn hay nhỏ, chặt chẽ hay lỏng lẻo, tập quyền hay tự do, phụ hệ hay mẫu hệ, khép kín hay mở ngỏ, kiên cố hay dễ xâm phạm ...


Bài tiểu luận văn hóa này cố gắng vượt lên trên những lũng đoạn lịch sử và biến động xã hội nhất thời, đem cái sống với cái nghĩ kết hợp lại, làm một cuộc phản tỉnh vào lòng dân tộc để nhận định xem người Việt Nam ta đã nghĩ gì, làm gì và muốn gì cho gia đình Việt Nam. Muốn thế, ta phải đặt sinh hoạt gia đình vào trong khung cảnh của sinh hoạt dân tộc.



. Dân tộc Việt Nam vốn sống bằng nông nghiệp thô sơ, nghèo nàn. Người dân quê gắn bó với thiên nhiên, ruộng đồng và cần cù canh tác. Con người xây dựng lũy tre xanh, cố thủ xóm làng, tình quê hương chất đầy vô thức. Những ma xát lịch sử với những nỗ lực để trường tồn đã sớm dạy cho người Việt Nam một bài học đoàn kết, hòa đồng các giai tầng, cảm thông xuyên thế hệ, khoan chấp những khổ đau, dung nạp nhân loại trong một tinh thần tự do và sáng tạo. Người ta trọng nhân nghĩa, chuộng thủy chung, quý người trí thức. Người ta ẩn nhẫn chịu đựng số phận, hòa mình vào vũ trụ, ghét điều quá đáng mất tự nhiên. Người ta khinh rẻ kẻ ăn sổi ở thì, người ta tính toán sinh kế nhưng không chèn ép kẻ khác để được giầu sang. Trong cái bối cảnh thiên nhiên và những đặc tính của xã hội đó, ta hãy theo dõi sự hình thành, phát triển và trường tồn của đơn vị xã hội mệnh danh là gia đình Việt Nam.


Người Việt ta vốn có một triết lý tự nhiên về vũ trụ nhân sinh, một bản chất giầu tình cảm và xúc động cho nên trong việc tạo lập gia đình nghĩa là thực hiện hôn phối, bao giờ cũng nhận biết rõ giá trị của tình yêu coi như là phép nhiệm mầu của Tạo hóa. Nhưng ta cần phải nhận định ngay rằng nơi dân tộc Việt Nam, hay nơi dân tộc Đông phương nào khác, tình cảm tình yêu không buông xuôi thả lỏng mà khéo biết dung hòa với lý trí để cá nhân được thuận tình với tập thể.


. Thường khi tình yêu nhóm lên trong sinh hoạt tổng làng, trong vui chơi hay lao tác, giữa hai thái cực là cái nhỏ bé của thôn xóm với cái mênh mông của đất trời, nối liền cái nhất thời với cái trường cửu của nhân sinh. Tình đã tạo ra nghĩa và trường tồn nhờ cái nghĩa mà nó đã sinh ra. Câu chuyện "Hòn vọng phu" là một biểu trưng cao sâu của tình nghĩa vợ chồng vậy.



Vượt lên trên tình yêu trai gái, vợ chồng, trong những tình cảm gia đình, ta còn phải kể tới tình mẫu tử, tình huynh đệ, tình cảm này cũng cao sâu chẳng kém và từng làm đề tài cho rất nhiều những câu chuyện cổ tích cửa miệng của mỗi người dân Việt Nam. Chỉ xin đơn cử vài câu ca dao và tục ngữ:


- Công cha như núi Thái Sơn,

  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

- Anh em như thể chân tay,

- Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì.

- Quyền huynh thế phụ ...


Khía cạnh tình cảm trên đây đã nói lên được cái ý nghĩa cao sâu và thắm dịu lòng người của tập thể gia đình. Người ta sinh ra để kết hợp thành gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Mối đoàn kết sinh, tử của gia đình Việt Nam đó xây dựng trên nền tảng tình cảm trước khi được củng cố bằng nền tảng thuần lý. Người ta nói "Trái tim biết làm nên luật lệ" là thế!


. Chuyển qua nền tảng thuần lý, luật pháp và phong tục xứ sở lại càng nói rõ hơn cái ý nghĩa đoàn kết, cái tinh thần tự do, cái ý thức trách nhiệm tự giác trong gia đình Việt Nam. Ta cần minh xác thêm ít điều.


Trước hết, gia đình Việt Nam không phải là kiểu mẫu đại gia đình gò bó của Trung Hoa, thứ gia đình mở rộng tới gia tộc, họ hàng bao gồm tất cả những người cùng sinh ra từ một tổ phụ. Chú bác cô dì Việt Nam không được luật pháp minh thị công nhận cho có những quyền hành rõ rệt đối với một gia đình nào đó. Trái lại, gia đình Việt Nam cũng không phải là kiểu mẫu gia đình Tây phương, kiểu mẫu tiểu-gia-đình chỉ gồm có cha mẹ và con cái vị thành niên. Sự cấm đoán việc dựng vợ, gả chồng giữa những người gọi là có họ với nhau không quá khắt khe như ở Trung Hoa, nhưng cũng không quá dễ dãi như ở Tây phương.


Gia đình Việt Nam là kiểu mẫu trung-gia-đình, không quá tập quyền như gia đình Trung Hoa, cũng không quá tự do như gia đình Tây phương. Kiểu mẫu trung-gia-đình này xum họp trung bình ba thế hệ, ít khi bốn. Quyền hành gia đình ở trong tay ông bà hay cha mẹ tùy theo tuổi tác và sự minh mẫn của hai thế hệ đó. Có nhiều trường hợp ông bà sớm rút lui, hưởng nhàn ngay giữa lòng gia đình, nhường quyền cai trị lại cho cha mẹ nếu xét ra cha mẹ có thể đảm đang được cái "bổn phận cai trị" đó. Tề gia là một công cuộc thiết yếu mở đường cho công cuộc trị nước. Những chuyện ông bà hỏi ý kiến cha mẹ trước khi quyết định một việc quan trọng trong gia đình là một câu chuyện thuận thường. Và trong trường hợp cha mẹ thay thế ông bà để cai quản gia đình với quyền huynh thế phụ, họ phải trông nom các em thơ như trông nom chính con cái của mình, đó cũng là một chuyện thuận thường.



Một lý thuyết luật học còn chủ trương rằng chế độ gia đình Việt Nam đứng ở giữa chế độ phụ hệ và chế độ mẫu hệ. Có phụ hệ tính vì chịu ảnh hưởng của gia đình Trung quốc, nước đã nhiều lần đô hộ nước ta. Có mẫu hệ tính vì chịu ảnh hưởng của gia đình Chàm, dân tộc mà ta chinh phục, theo một lẽ đặc biệt là "kẻ chiến thắng cũng có thể chịu ảnh hưởng của kẻ chiến bại". Cho nên, theo thuyết trên, hơn đâu hết, gia đình Việt Nam vẫn thực hiện được sự bình đẳng, bình quyền giữa người chồng và người vợ trong gia đình, hay nói theo ngôn ngữ luật học Tây phương, gia đình Việt Nam vẫn thực thi sự "giải phóng người đàn bà có chồng - émancipation de la femme mariée", điều mà Tây phương phải dầy công tranh đấu và vun đắp. Ta hãy xét qua cái "thân phận" rất đáng nên mong ước của người đàn bà có chồng ở Việt Nam. "Lệnh ông không bằng cồng bà!". Nếu như các bà có bị các ông chồng gọi một cách ngoại giao với người ngoài là "tiện nội", các bà vẫn được mọi người nhìn nhận như là những "nội tướng". Nếu bảo gia đình Việt Nam là phụ hệ thì đó cũng chỉ là chuyện hình thức bề ngoài. Ai bảo Anh quốc không dân chủ với một Hoàng gia cồng kềnh những lễ nghi, chức tước?


. Gia đình Việt Nam có một sự phân nhiệm rõ rệt: người chồng mạnh chân khỏe tay tiến thủ phía bên ngoài xã hội, người vợ chân yếu tay mềm trấn giữ phía bên trong gia đình, chăm sóc toàn gia. Nếu ý thức một cách nghiêm túc và trong lành, thì công cuộc giáo dục tình cảm tư buổi ấu thơ của con cái do người mẹ đảm nhiệm rất quan trọng và mang kết qủa rất lâu bền.


Nhìn sâu hơn nữa vào công việc quản trị gia đình, ta thấy rõ cái tinh thần hợp tác bình đẳng vợ chồng Việt Nam. Tài sản gia đình đổ vào một khối chung, quản trị các tài sản chung đó là một việc quản trị song song hay phối hợp. Sự thất tung, chế độ góa bụa, sự phân chia gia tài cho con cháu, phần tài sản dưỡng lão, phần hương hỏa tổ tiên, tất cả những quy định liên quan đều hướng vào sự hợp tác bình đẳng nói trên. Có vài điều đặc biệt trong những định chế đó là: Trong những công việc có tầm quan trọng nào đó, người đàn ông quản trị tài sản gia đình phải có sự ưng thuận minh thị của người đàn bà. Và trong lúc người chồng vắng xa, người vợ hoàn toàn thay thế người chồng. Trong chế độ góa bụa người đàn bà có quyền khước từ sự phân chia của cải cho con cái bình thường cho tới lúc người con út thành niên.



Gia đình Việt Nam không khép kín mà cũng không mở rộng cửa đối với người ngoài. Vợ chồng sẵn sàng đón nhận bạn bè của nhau, đôi lúc còn hy sinh giúp đỡ bạn bè của người phối ngẫu. Thí dụ điển hình là chuyện Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long. Cũng thế, cha mẹ vui lòng dung nạp những giao du của con cái. Tất cả phải ở trong đạo nghĩa và nghi thức tối thiểu, tôn trọng nền tảng và ý nghĩa thiêng liêng của gia đình. Do đó, gia đình Việt Nam có sinh khí, có cơ trường tồn và phát triển khó có thể xâm phạm hay tiêu diệt được.


Trên đây là mấy điều đại cương về gia đình Việt Nam trước đây, trước những cơn tai biến lịch sử kéo dài nửa thế kỷ nay. Bây giờ ở trong nước, hình thái gia đình đó đã tiêu tan trong chế độ văn hóa và chính trị mác xít. Ở đó, chủ nghĩa xã hội của họ là trên hết. Người ta tìm đủ mọi cách để móc con cái ra khỏi các gia đình ngay từ tuổi ấu thơ. Đến như tình yêu nước còn thiêng liêng và cao cả hơn tình gia đình mà người ta còn bẻ cong đi mà dạy trẻ con rằng "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội". Người ta tập cho trẻ con báo cáo về sinh hoạt trong gia đình của chúng. Thậm chí, đối với những gia đình bị tình nghi về chính trị mà họ gọi là phản động, người ta còn khuyến khích trẻ con tố cáo hành vi của cha mẹ. Bao đổ vỡ, bao đau thương đã xảy đến cho không ít các gia đình Viêt Nam vì thế! Lời phê phán xưa cũ dành cho cộng sản cái nhãn hiệu "vô gia đình" cũng không phải là phi lý.


. Lý thuyết "dẹp bỏ gia đình" như vừa nói đã được áp dụng khi gay gắt, khi nhẹ nhàng tùy từng lúc và từng nơi. Nhưng rồi trên thực tế, câu chuyện không suông sẻ như người cộng sản muốn. Sự phản ứng của quốc dân lúc nào cũng có, khi âm thầm lặng lẽ, khi sôi nổi công khai. Tương quan cường quyền - dân chúng trở thành một thứ hài kịch mà người ta cố đóng cho xong. Nhất là khi dân chúng cũng thấy rõ cái bệnh "vị gia đình" của chính một số những đảng viên cộng sản ở ngay bậc cao. Điều này chứng tỏ gia đình kiểu cộng sản là trái với lòng dân và lòng người không trừ một ai.


. Cho đến thời điểm ngày nay, sau khi cộng sản chiếm trọn miền Nam, thì trên thực tế, dân chúng lại lục tục phục hồi ít nhiều tinh thần gia đình theo truyền thống dân tộc. Người ta đi tìm mồ mả ông cha đã bị chính quyền buộc phải dời đi lúc trước. Người ta sưu tầm gia phả dòng họ. Người ta xây lại từ đường thờ cúng tổ tiên. Người ta dựng vợ gả chồng cho con cái nếu không theo kiểu môn đăng hộ đối cũ thì cũng theo những tiêu chuẩn tương đương giầu sang nghĩa là những tiêu chuẩn phi xã hội chủ nghĩa. Công cuộc chống đối của toàn dân đó sẽ mỗi ngày thêm hùng hậu và sẽ dẫn dắt tất yếu tới tự do và dân chủ.



Tình hình gia đình Việt Nam ở nước ngoài lại bầy ra một cục diện khác. Xin nói ngay rằng đây chỉ là một va chạm văn hóa không có tính cách toàn bộ. Nguyên nhân là yếu tố luật pháp và phong tục tập quán. Đồng bào ta đều tị nạn tại các nước dân chủ và tự do nên không có vấn đề chính trị. Thế mà lác đác cũng đã có những đổ vỡ đau thương nặng nề không kém. Đây là nói về những thảm kịch nội trong gia đình Việt Nam. Bởi lẽ hai nền văn hóa nếu có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong các lãnh vực dân chủ và nhân quyền, thì cũng có những điều tương phản, nhất là những điều đó được minh thị xác nhận trên các văn kiện pháp lý về quyền lợi và bổn phận hỗ tương giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái và anh chị em. Ở đây, người ta chỉ còn có kiểu mẫu tiểu gia đình tự do với cha mẹ và con cái vị thành niên. Tự do ban phát cho mọi phía hơi quá mức. Quyền lợi và bổn phận không cân xứng. Thêm vào đó là cảnh sống xã hội quá rộng rãi và cởi mở, v.v... Đây không phải là một phê bình hay chỉ trích đối với những nền văn hóa bạn, mà chỉ là những nhận định từ nhãn quan của đa số người Việt Nam còn tha thiết với nền văn hóa dân tộc.


. Tất nhiên, thái độ, nếu không muốn nói là bổn phận, của người lánh nạn là phải tuân thủ luật lệ của địa phương nơi mình sinh sống. Sự hội nhập là điều cần thiết và tốt đẹp. Nhưng "hòa nhi bất đồng" cũng là một nguyên lý có giá trị lớn lao không kém, hơn nữa còn là một bảo đảm cho con người khỏi mại vong phong thái riêng trong cuộc sống của dân tộc mình. Không ai ngăn cấm ta không thực thi một cái quyền ban phát cho mình khi thấy nó lợi ít mà hại nhiều cho cuộc sống chung của gia đình và rộng ra của cộng đồng mình. Cũng không ai ngăn cấm ta thực hiện những bổn phận đạo đức mà luật pháp còn chưa biến thành bổn phận pháp lý. Không ai ngăn cấm ta tự học lấy tiếng mẹ đẻ và giữ nguyên tác phong lễ nghĩa đối với mọi người trong cộng đồng và gia đình. Cũng không ai ngăn cấm ta thực hiện những nghi thức tôn giáo mà ta tôn thờ cũng như những tục lệ mà ta gắn bó, trong điều kiện khách quan sắp xếp được, để không cản trở dòng bình thường của cuộc sống chung của mọi người nơi ta sống. Nói ra cho hết thì còn nhiều, bởi luật pháp hay phong tục cũng chỉ là những chỉ thị đại cương đưa con người vào trong một trật tự và công bằng tối thiểu nào đó. Những nơi luật không xét tới là những nơi ta có cơ hội làm theo lương tri của mình, theo văn hóa gốc của mình.


Nói theo các tôn giáo và các đại triết gia thì luật pháp ấy tại tâm. Con tim biết cách làm ra luật pháp cho mình và cho chung quanh. Và khi đã có tâm là có thuật. Bằng như vạn bất hạnh cái tâm chưa hòa thì hãy sử sự theo lẽ phải thông thường mà người ta gọi là cái "common sense" của nhân quần.


Trên kia ta có bàn qua về kiểu mẫu gia đình lý tưởng của những thời đã qua. Tất nhiên, kiểu mẫu đó cũng chỉ là một kiểu mẫu để ta suy ngẫm, không phải để phục hồi trọn vẹn một cách cực đoan. Lịch sử đổi thay thì văn minh, văn hóa cũng đổi thay. Đó là lẽ tự nhiên vậy. Và đổi thay muốn cho tốt đẹp phải có tính toán kế hoạch thực hiện về mọi phương diện.



Để kết luận: Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là một tế bào xã hội đầy đủ, trọn vẹn có khả năng sinh tồn và tiến hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng một quốc dân thuần nhất để không một thế lực nào có thể xâm phạm và phá phách được.


Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là nơi mà con người lớn, nhỏ tìm thấy một nguồn hạnh phúc trong lành đáng cho người ta hy sinh tâm lực mà xây dựng, một cái đà tiến bước trong xã hội dân tộc.


Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là một cái tổ ấm của những người chân thật nhất, nơi mà con người luôn luôn tìm đến, trong may mắn cũng như trong rủi ro của cuộc đời.


. Lấy quyền lợi để xây dựng gia đình là thất bại. Quá nhiều lý trí cũng không đem lại sự vững chắc cho gia đình. Gia đình phải phát xuất từ tình yêu và nuôi dưỡng bằng tình yêu, vì tình yêu là đường lối nhận thức và tiếp cận nhân quần sâu xa, phong phú và chính xác nhất. Tình yêu làm nên tất cả.


. Ước mong mọi người trong gia đình Việt Nam, bất luận ở trong vị thế nào là vợ chồng, cha mẹ hay con cái, hãy sửa soạn bản thân mình để đi vào môi trường đó ban phát tình yêu và dang tay hái quả. Trách mhiệm không phải chỉ đơn phương nơi một phía. Trách nhiệm là chung và phải được kiện toàn theo mức phát triển của tâm trí và tuổi tác của mình. Phụ có từ thì tử mới hiếu, người xưa nói vậy! Và khi đã thuận vợ thuận chồng thì tát biển Đông cũng cạn.


Nguyễn Sỹ Tế

(Tiểu Luận Văn Hóa & Giáo Dục)

http://www.hocxa.com/TieuLuan/NguyenSyTe_GiaTriGiaDinhTrongVanHoaVietNam.php


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.