Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/02/2022

Đọc hồi kí của người thầy dân gian Bùi Văn Tam ở Nam Định

Đọc nhanh về học giả Bùi Văn Tam ở đây hay ở đây. Cụ là một trong những người thầy dân gian của tôi. Giao Blog có đặt một nhãn là những-người-thầy-dân-gian, kể dần về những người thầy gặp gỡ nhân duyên ở trong đời, như cụ Dương Quảng Châu ở Thái Bình, cụ Nông Minh Nhằm ở Cao Bằng, cụ Đàm Viết Phòng ở Tây Hồ (Hà Nội), cụ Bùi Văn Tam ở Vụ Bản (Nam Định), cụ Tosu hay cụ Uchida ở Fukuoka,....

Những năm 1990s, tôi đã nhận và lưu giữ mãi mãi những lá thư viết tay của cụ Châu (ví dụ đọc lại ở đây).

Những năm 2000s, tôi đã nhận và lưu giữ mãi mãi những bưu thiếp viết tay và tư liệu viết tay của cụ Tosu, cụ Uchida (ví dụ đọc lại ở đây).

Với cụ Đàm Viết Phòng ở Hồ Tây thì không có thư tay, mà là những cuộc nói chuyện dài và trở đi trở lại nhiều năm (khi ở bên hồ câu cá, khi ở sân đền sân phủ, khi ở tư gia, khi ở ngoài chợ, lúc ở trong khuôn viên chùa đình,...).

Thế rồi những năm 2010s-2020s, tôi nhận và đang lưu giữ những lá thư viết tay của cụ Bùi Văn Tam. Cụ Tam hiện đã vào 91 tuổi, nhưng giọng vẫn sang sảng, mắt vẫn tinh, tai vẫn thính. Cụ vẫn tự ra bưu điện gửi sách về Hà Nội và nhiều nơi khác để tặng bạn bè. Bưu phẩm cụ gửi thường do chính tay cụ làm và đề địa chỉ người nhận. Ở thời điểm các năm 2020-2022, cụ vẫn dùng zalo một cách thông suốt. Cụ viết cho mọi người bằng thư tay, lại cũng có thể chát zalo gõ từ ai-pát.






1. Cuốn hồi kí của học giả Bùi Văn Tam đang được in dần, lần này là tập 1 (về những năm tháng đầu đời, từ 1932 đến 1945). Tên của cả cuốn là Hành trình từ nằng sớm trên núi cao được chính tác giả giải thích rằng, là để kỉ niệm những tác phẩm đầu tay của ông đã xuất bản năm 1961 (cuốn Hoa hồng sớm nở trong sương và cuốn Nắng sớm trên núi cao đều là các truyện dịch được xuất bản năm 1961 bởi Nhà xuất bản Phổ Thông). 

Thêm nữa, theo tác giả, tên của cuốn sách còn là gắn với những kỉ niệm về người thầy Trần Văn Giàu ở thời đại học. Bùi Văn Tam viết rằng, thầy Trần Văn Giàu từng kể về một cuốn sách có tựa đề Dưới ánh mặt trời của một nhà văn Nhật Bản và luôn nhắc các học trò là: hãy noi gương thương nhân Nhật Bản được viết trong cuốn Dưới ánh mặt trời mà chọn tâm thế luôn sẵn sàng đứng dưới ánh mặt trời, tức là phải luôn nghĩ đúng - nói đúng - làm đúng. Bùi Văn Tam viết: "luôn tìm chỗ đứng dưới ánh mặt trời là châm ngôn cuộc sống của tôi, tránh những góc khuất u tối, những trào lưu xã hội đầy rẫy những tiêu cực xấu xa hiện nay để luôn tự chuyển hóa theo chân lí đẹp đẽ của cuộc sống dưới ánh mặt trời quang minh chính đại, luôn vì nước, vì dân" (trang 11).

2. Những trang viết về quê hương của Bùi Văn Tam thật thú vị. Quê nội là làng Cao Phương (cũng có tên Cao Hương) ở huyện Vụ Bản, chính là quê nhà của ông Trạng Lường (Lương Thế Vinh), cũng là một làng buôn thuốc Bắc lâu đời của vùng đồng bằng sông Hồng. Còn quê ngoại là thị trấn Cầu Giát ở xứ Nghệ.

3. Bùi Văn Tam học với các thầy Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo ở đại học. Ông ghi nhớ phương pháp học tập mà thầy Thảo hướng dẫn: kết hợp nghe nội dung bài giảng của thầy ở trên lớp, đó là những gợi ý quan trọng, rồi từ đó phải đọc rộng tài liệu liên quan, viết thành các tiểu luận để được trình bày những suy nghĩ độc lập của mình.

4. Năm 1960, trong thời gian mấy tháng chờ phân công công tác sau khi tốt nghiệp đại học, Bùi Văn Tam đã ở cùng phòng với Nguyễn Đăng Mạnh và Lê Huy Tiêu trong kí túc xã sinh viên Đại học Tổng hợp ở Lương Yên. Ba người nhận phân công công tác muộn hơn các bạn cùng lứa. Đến cuối năm đó, Bùi Văn Tam được phân về dạy học ở trường cấp III Đức Thọ (Hà Tĩnh), rồi Nguyễn Đăng Mạnh được phân về Đại học Sư phạm Vinh.

Với tôi (chủ nhân Giao Blog), sau này có học thầy Lê Huy Tiêu ở đại học vào đầu thập niên 1990. Ông dạy chúng tôi môn Văn học Trung Quốc. Hồi đó, ông tham gia dịch bộ truyện Đô-rê-mon. Đô-rê-mon cùng với Ô-sin là những cái tên đình đám hồi bấy giờ. Tôi chưa tìm hiểu kĩ nhưng có thể nhóm dịch giả hồi đó dịch từ bản tiếng Trung (chưa phải là từ bản tiếng Nhật như sau này). Cũng hồi đó, thầy Tiêu còn giữ vị trí nào đó ở hiệu bộ của nhà trường, nên ở đại học có một câu ca thú vị mà hầu như sinh viên Tổng hợp nào cũng biết, đó là: "Tổng Hợp có cái nhà A, bên Tiêu bên Xí giữa là vệ sinh". Đại khái nghĩa gốc của câu này là: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có cái nhà hiệu bộ là nhà A, mà một bên là phòng của thầy Tiêu và một bên là phòng của thầy Xí, rồi giữa hai cái phòng ấy là nhà vệ sinh ! Rõ chỉ là tả chân hiện thực, mà hiện thực nào thì cũng là dưới ánh mặt trời.

Đại khái là những câu chuyện về trường cũ, thầy giáo cũ, bạn bè cũ luôn thú vị một cách miên man như vậy. Vì cùng là dân Tổng hợp Hà Nội, nên tôi đọc hồi kí của Bùi Văn Tam còn với tâm trạng của một người đàn em được nhâm nhi dần những tâm sự của đàn anh. 

Hà Nội, tháng 2 năm 2022,
Giao Blog




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.