Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/12/2021

Sau khi nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) tạ thế : con trai Sơn Định và những người xung quanh

Nhà văn Sơn Tùng đã từ trần vào tháng 7 năm 2021 (xem lại tin tổng hợp trên Giao Blog ở đây). Sau tang lễ, thi hài nhà văn đã được chôn cất ở nghĩa trang quê nhà (làng Hoa Lũy xưa, nay thuộc xã Diễn Kim huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An)

Về người con trai của nhà văn, là anh Sơn Định với chí hướng tiếp nối công việc của cha mình từ nhiều năm trước, thì trên Giao Blog có thể đọc lại ở đây (tháng 2 năm 2015) hay ở đây (tháng 2 năm 2016), ở đây (tháng 1 năm 2020).

1. Một ít ngày gần đây (cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2021), trên Fb của anh Sơn Định có kể chuyện về Chiếu Văn (một câu lạc bộ văn học do nhà văn Sơn Tùng chủ trương và duy trì tại nhà riêng), rồi những người trẻ tuổi ngày trước ở xung quanh Chiếu Văn: nhà văn Thiên Sơn (tác giả bộ tiểu thuyết Đại gia), nhà báo Kiều Mai Sơn,...

Cùng lúc, trên Fb Kiều Mai Sơn cũng xuất hiện những bài ngắn phê bình tiểu thuyết mới ra của Thiên Sơn (cuốn Gió bụi đầy trời - do covid kéo dài mãi, không gặp được nhà văn trực tiếp, nên hiện chủ nhân Giao Blog chưa có và chưa đọc).

Anh Sơn Định và Kiều Mai Sơn cùng lúc ra các đoạn ngắn nói về việc Thiên Sơn đã làm sai về thần tích đền làng Hoa Lũy. Hai người này thì đang lên tiếng là Thiên Sơn làm sai lạc ! Kiều Mai Sơn nhắc đến tên của tôi, ví dụ "nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao" hay "anh Chu Xuân Giao", với ý là Thiên Sơn và tôi đã làm sai lạc ý của nhà văn Sơn Tùng, rồi còn vu là "lừa đảo" người xã Diễn Kim - quê hương của cả nhà văn Sơn Tùng và nhà văn Thiên Sơn.

2. Câu chuyện đi tìm lai lịch các vị thần đã được thờ ở làng Hoa Lũy rất dài. Với tư cách là học giả, tôi đã đã tham gia bởi lời đề nghị của người bạn lâu năm là nhà văn Thiên Sơn.

Sở dĩ phải đi tìm lại là vì: các ngôi đền đã bị phá từ lâu (trong các thập niên 1950-1960). Từ nửa cuối thập niên 1960 đến khoảng năm 2010, tức khoảng 50 năm, người làng Hoa Lũy đã quên hẳn các vị thần của làng mình. Người ta không nhớ gì cả. Các cụ già ở quê mà chúng tôi đã được giới thiệu tới phỏng vấn hơn 10 năm về trước cũng không nhớ gì ! 

Số tư liệu Hán Nôm (các sắc phong cho các ngôi đền được bảo quản tại nhà riêng của nhà văn Sơn Tùng cho đến năm 2016) không giúp cho việc xác định được ngay tên vị thần.

Tài liệu lưu trữ liên quan (các kho ở trung ương và tỉnh, huyện, xã) coi như số không tròn trĩnh. Không có bất cứ ghi chép gì. Có một số thông tin được văn bản hóa gần đây (ở tỉnh Nghệ An) thì không thống nhất.

Bản thân nhà văn Sơn Tùng cũng không biết rõ vị thần của chính làng mình. Các đoạn viết ngắn của ông cũng chỉ là giả định mà thôi. 

Thiên Sơn là người cháu, từ khoảng năm 2010 (tôi tạm định thời gian như vậy) thì tích cực cùng với các thành viên chủ chốt trong Hội đồng hương Diễn Kiêm tại Hà Nội đi tìm tiếp. Đây là công việc chung của Hội đồng hương (phía UBND xã và các tổ chức địa phương cũng có lời đề nghị bằng miệng hoặc văn bản). Cũng là công việc mà nhà văn Thiên Sơn tự xem mình có trách nhiệm phải vào cuộc.

Với tôi, Thiên Sơn là người tiếp nối công việc của thế hệ cha chú (bao gồm cả nhà văn Sơn Tùng) đi tìm lại lai lịch cho các vị thần đã mất lai lịch trong 50 năm. Xứ Nghệ nói riêng và làng quê Việt Nam nói chung, có biết bao nhiêu ngôi đình ngôi đền đã bị phá thành bình địa như vậy, có biết bao vị thần đã bị quên lãng hoàn toàn trong khoảng hơn một nửa thế kỉ qua.

Cũng như Thiên Sơn, có rất nhiều người từ các làng quê cũng đang đi tìm như vậy.

Nhà văn Thiên Sơn (người đeo máy ảnh) đang cắm cúi ghi chép khi đi gặp những vị bô lão ở quê nhà (ngồi xung quanh là người của UBND xã Diễn Kim, đại diện Hội đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội, con cháu của các bô lão,..). Ảnh của chủ nhân Giao Blog, chụp năm 2010.

Ở một góc chụp khác


3. Tôi đã chứng kiến trong hơn 10 năm qua sự trăn trở và cẩn trọng của nhà văn Thiên Sơn trong việc đi tìm lại lai lịch của các vị thần. Tôi đã viết nhanh ở đây (tháng 3 năm 2019)

Chi tiết về những chặng đường đi tìm lai lịch các vị thần của nhà văn Thiên Sơn thì tôi sẽ viết rõ trong một bài học thuật trong thời gian tới. Với tư cách học giả, cho đến nay, đã trải qua một thập niên chứng kiến sự việc, nhưng tôi chưa động bút viết gì về nó.

Có một số bài khác trên Giao Blog cũng chỉ nói nhanh, dạng như tốc kí về câu chuyện, ví dụ ở đây (tháng 10 năm 2019) hay ở đây (tháng 4 năm 2013).

Tháng 10 năm 2019, tôi đã viết: "Một cuộc hội quân ý nghĩa nhất trong cả 10 năm đã qua. Nhiệm vụ gánh vác chung của khoảng ba thế hệ, mở đầu là thế hệ nhà văn Sơn Tùng (cộng với thân sinh của nhà văn Thiên Sơn và cựu đại tá Th., tức lớp cha chú), tiếp là thế hệ của cán bộ địa phương anh X. anh Th. (lớp kế tiếp), rồi là thế hệ nhà văn Thiên Sơn (cộng chủ nhân Giao Blog và nhiều người khác nữa, lớp con cháu), có thể tính bắt đầu từ những năm 1990 đến nay, đã thành tựu."

4. Bây giờ, đọc nhanh anh Sơn Định và Kiều Mai Sơn viết trên Fb, những người không rõ sự việc sẽ có thể hiểu vấn đề đi một hướng khác. 

Bạn Kiều Mai Sơn đã phê bình rất nhiều người (ví dụ với học giả Nguyễn Huệ Chi, với con cháu học giả Nguyễn Văn Vĩnh, với tướng Phạm Xuân Thệ,...). Bạn này có viết cả về nhân vật Trần Dân Tiên (Giao Blog đã lưu ở đây). Cũng là người có quan tâm đến chủ đề này (nhân vật Tran Dan Tien và Trần Dân Tiên), nên tôi lưu bài trên về blog ngay sau khi thấy. Là người tích lũy tư liệu từ lâu (nhưng chưa công bố gì chính thức, ví dụ đọc ở đây), nên tôi biết mức độ tư liệu đã tích lũy và trình độ khảo cứu của Kiều Mai Sơn đến đâu.

Mặc dù vậy, các câu chuyện về nhà văn Sơn Tùng và những người xung quanh, tôi vẫn cập nhật chép các bài lên trên Fb của anh Sơn Định và Kiều Mai Sơn về đây lưu giữ.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog


---

TƯ LIỆU CẬP NHẬT DẦN



III. Fb Nguyễn Cảnh Bình


"

Ngày 08/12/2021

Vừa qua, cuốn sách "Gió bụi đầy trời" của Thiên Sơn được trao Giải thưởng sách quốc gia. Thiên Sơn cũng là người tôi quen biết và đã từng cộng tác trước đây, và vừa rồi nhà báo Kiều mai Sơn cũng có loạt bài phê phán, chỉ trích những sai sót trong cuốn sách này. Vì vậy, tôi cũng nói vài ý ngắn của tôi về cuốn sách như sau.
1. Tôi đã được đọc bản thảo từ vài năm trước, từ trước khi xuất bản, và bản thân cũng thấy thú vị với chủ đề này. Tôi nghĩ là cuốn sách như vậy, viết về chủ đề như vậy rất đáng được xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên với riêng tôi, cuốn sách cần thêm một số cách diễn giải, cần có những cách lập luận hoặc những thời điểm phân tích sâu sắc hơn nữa. Nhưng tổng thể một tác phẩm như vậy với tôi là đã rất tốt rồi.
2. Tôi không quá bận tâm về những chi tiết quá nhỏ đúng hay sai với lịch sử như nhà báo Kiều mai Sơn nói. Mà rồi anh Sơn cũng chỉ là việc đọc một số cuốn sách, một số tư liệu.. để rồi nói lại là không đúng với tư liệu này hay tư liệu kia, nhưng cũng không có gì đảm bảo những tư liệu anh Sơn đọc đó là hoàn toàn chính xác. Quan trọng hơn là hầu hết những thứ đó chỉ là những tiểu tiết, về cơ bản không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Việc bám sát vào mọi tư liệu lịch sử đến từng con số, từng chi tiết, từng câu nói.. là không thể, vì không biết thế nào là đủ, và cũng không biết thế nào là đúng, và cũng không cần thiết cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Bởi vì nếu viết chính xác như vậy thì là tác phẩm của một sử gia và với tôi như thế cũng không cần thiết. Chúng ta phê phán việc dạy sử cho trẻ em chỉ để nhớ ngày tháng năm và sự kiện xong thì bây giờ Kiều Mai Sơn lại nhằm đúng vào cái vấn đề đó của lịch sử.
3. Nếu cách nhìn nhận và đánh giá như thế rồi chỉ trích việc viết, thì sẽ chẳng có Thủy hử, chẳng có Tam quốc, bởi vì La quán Trung và Thi Nại Am còn thêu dệt và sáng tạo đủ mọi chuyện chẳng có trong lịch sử, bịa ra đủ các chuyện từ Thần hành Thái bảo ngày đi ngàn dặm, rồi lấy cầm ria ông này cắm vào râu bà kia, bịa ra đủ thứ chuyện và kết nối nhiều điển tích mà không liên quan gì đến nhau, nhưng đó lại làm nên sự tuyệt vời của những bộ tiểu thuyết lịch sử này.
4. Là một người đọc sách, và một người làm xuất bản, tôi thấy Gió bụi đầy trời đủ tốt để xuất bản dù vẫn kỳ vọng tác giả đi xa hơn, có những mô tả, kết nối sắc sảo, quyến rũ hơn, những tình tiết đắt hơn - những điều mà sử chính thống liệt kê ngày tháng năm không làm được.. Phân tích tâm lí, tư duy của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những nhân vật lịch sử lớn lao khi đó rất khó, vừa phải có dữ liệu lịch sử, vừa phải có tài năng văn chương, vừa có kiến thức/hiểu biết về tâm lý, vừa có thể đặt mình vào địa vị họ - những nhà lãnh đạo cuộc cách mạng và xa hơn là lãnh đạo dân tộc là quá khó.. Cuốn sách không phải chỉ tham vấn các nhà sử học, xem ngày tháng năm mà nên tham khảo nx cuốn như Ho Chi Minh - A Life của William Duiker và những người như anh Nguyễn Thành Nam FPT để có những góc nhìn mới cho các sự kiện cũ.
Mong đợi nhiều hơn nữa những tiểu thuyết lịch sử này. Chúc mừng Thiên Sơn và Nhã Nam.
Bình.
Nếu phê phán anh Phạm Nhật Vượng thì nên tìm cái gì đó to tát để phê phán hơn là phê phán cái nước sơn, cái bố trí cánh cửa, phòng ngủ không hợp lí.. Đó là cách bới lông tìm vết, cũng tốt nhưng rồi không có nhiều tác dụng, nhất là giọng văn căng thẳng quá mức, không nên như vậy với nhà báo...

"

https://www.facebook.com/100002755938991/posts/4260378090730680/?d=n


I. Fb Sơn Định


2.

Cha tôi nghiên cứu Bác Hồ từ năm 18, 20 tuổi, đi suốt từ đó cho đến ngày ngã bệnh. Vào tuổi 54, ba tôi mới viết được một cuốn tiểu thuyết đầu tay về Bác Hồ- tên sách là Búp Sen Xanh, NXB Kim Đồng in lần đầu 251 trang, (tháng 3/1982). Một tháng sau (4/1982) Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời lên, hỏi chuyện kiểm chứng tư liệu. Sau đó, cụ Nguyễn Kim Cương, (bạn cọc chèo với cụ Đồng, thứ trưởng Văn phòng phủ Thủ tướng) đến nhà hai lần hỏi chuyện, ông nói:
Tôi được Bác Hồ giao cho một chiếc lược, bảo tôi đem về giao lại cho Bảo tàng cách mạng vừa khánh thành. Cầm chiếc Lược trên tay, tôi hỏi lại Bác: gốc tích chiếc lược thế nào, thưa Bác? Bác bảo: chú chỉ việc đưa chiếc Lược này vào Bảo tàng, còn gốc tích thế nào không phải việc của chú!
Sau này có người nói rằng: Lược này là của bà Thanh từ quê ra mang theo tặng em trai mình là Chủ tịch nước? Khi đọc Búp sen xanh tôi thấy ngờ ngợ, nên muốn hỏi đồng chí! Cha tôi nói: Làm gì có chuyện, chị ruột ra thăm em lại tặng lược cho em trai mình!
Một chi tiết nhỏ về chiếc lược đó thôi. Để trả lời được câu hỏi đó không dễ.
Năm 1948, ba tôi được bà Thanh, chị Bác Hồ đã kể cho nghe gốc tích chiếc lược đó, nhưng ông thấy chưa hội đủ lý do. Mãi tới 1975, vừa kết thúc chiến tranh, cha tôi muốn vào Sài Gòn tìm tung tích bà Lê Thị Huệ (nếu còn sống) để hỏi rõ ngọn ngành.
Khổ nỗi mẹ tôi bấy giờ mới phẫu thuật, vết thương vừa lên da non. Ba tôi, tay phải bị thương còn treo trước ngực, vẫn lên đường theo xe tải vào Nam. May mắn gặp được bà Lê Thị Huệ, bà kể cho nghe mối tình đầu của bà với cậu Thành (Bác Hồ) thủa còn trai trẻ, trước khi lên tàu đi xa. Mối tình đó, ba tôi mới thể hiện phía Út Huệ yêu Nguyễn Tất Thành. Còn chiều ngược lại thì chưa.
Tôi nói vậy để thấy rằng: Viết về danh nhân, nhân vật lịch sử phải có Tâm, trong đó có cả Tâm Huyết lẫn kiên trì. Cho dù những nhân vật đó đã qua đời, vẫn còn bạn bè, người thân sẽ có ngày tìm đến tác giả. Sẩy chân dễ chữa, sẩy miệng khó chữa, huống hồ viết trên giấy trắng mực đen!

2 – Trở lại tiếp câu chuyện “Gió bụi đầy trời” của tác giả Thiên Sơn- tác phẩm đầu tiên viết về Bác Hồ, danh nhân và nhân vật lịch sử hiện đại.
Sau khi mẹ tôi ra số 5 phố Đinh Lễ mua sách về đọc cho ba tôi nghe hết phầm “Lời Tác Giả” ông bảo thôi, không nghe nữa.
Ngày hôm sau mới đọc tiếp, ba tôi không nói gì. Sang ngày thứ 2, tôi đọc chưa hết 1/3 ông lại bảo thôi, không muốn nghe nữa.
Lúc đọc tôi chưa hiểu ý, sau này xem lại mới thấy: Nguồn sử liệu thể hiện trong “Gió bụi đầy trời” hoàn toàn ngược với ba tôi đã viết trong tp “Mẹ về”, “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga”… khác xa Hồi ký của cụ Vũ Kỳ, Vũ Đình Huỳnh, Hồi ký cụ Tôn Quang Phiệt... “Gió bụi đầy trời” không có mục: Tài liệu tham khảo, không Chú thích, nên không rõ tác giả dẫn nguồn ở đâu. Tất nhiên, không ai có quyền bắt ai phải theo nguồn tư liệu ai cả.
Tiểu thuyết lịch sử “Gió bụi đầy trời” là tác phẩm cuối cùng của Thiên Sơn tôi đọc cho ba tôi nghe trước khi qua đời. Ngày ra đi ba tôi mang theo nỗi niềm về Đất Mẹ!!!





https://www.facebook.com/son.dinh.10690/posts/1845719535616476



1.

Ngày cha tôi ra đi, tính đến nay đã hơn 4 tháng, sự thương nhớ trong tôi còn day dứt lắm. Thế mới biết, không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn mất người thân. Do vậy mà thời gian này, tâm tư tôi thường hay suy nghĩ chuyện gần chuyện xa, nên vẫn chưa thể tiếp tục công việc cha tôi còn để lại.
1- Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của mình, cha tôi viết truyện “ Văn Cao- Chân trời khát vọng” (sau này được lưu nhiệm vào TP “Hoa Râm Bụt”), gồm những kỷ niệm về bác Văn Cao, các thành viên Chiếu văn… Và điều kỳ vọng vào lớp hậu sinh như sau:
- Anh em Chiếu Văn số đông là lão niên rồi. Đến lượt đi sẽ ra đi trống chiếu! Bửu Tiến (kịch tác gia), Đặng Đình Hưng (nhạc sĩ) vắng bóng rồi! Phải tính đến lớp trẻ có khát vọng lớn vào Chiếu từ bây giờ.
- Có một số cháu rất triển vọng, đã tiếp cận dần với các bác như cháu Nguyễn Xuân Hoàng (sau này là nhà văn Thiên Sơn), cháu Ôn Thái Trần, cháu Trần Quốc Thắng, cháu Nguyễn Mạnh Thắng (NB Từ Khôi), cháu Thu Thủy, cháu Lê Thúy Hạnh…
- Lớp các cháu này tiếp nối với lớp Cao Ngọc Thắng thì cơ chừng Chiếu Văn có thể dài dòng sang thế kỷ 21 được.
Tháng 6/ 2010, cha tôi ngã bệnh… Và từ ngày ấy cho đến lúc ông ra đi, thấm thoát hơn 10 năm. Lớp trẻ theo hầu các cụ Chiếu Văn ngày đó, mới thấy hai người có tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ:
Một là nhà báo Kiều Mai Sơn.
Nhà báo Kiều Mai Sơn là lớp sau. Năm 2003, thủa còn là cậu học sinh trung học phổ thông nơi quê nhà, cháu đã tiếp kiến với ba tôi qua thư từ. Sau đó cháu xuống Hà Nội học để thi Đại học. Từ đấy mới có điều kiện theo hầu các cụ cho đến tận ngày người chủ Chiếu ra đi.
Ngày mồng 5/11 năm 2011, Kiều Mai Sơn đến nhà tặng ba mẹ tôi tác phẩm đầu tay: “Thơm mãi cỏ Khang Thành” với lời đề từ:
“Ông bà và Chiếu văn đã “ươm mầm” để cuốn sách này ra đời.
Vạn sự khởi đầu và trên con đường đến với văn chương cháu luôn ghi nhớ công ơn của ông bà và Chiếu văn”.
Rồi từ đấy, cứ ít năm cháu lại cho ra đời một tác phẩm: “Những Trí thức về nước theo Bác Hồ đi kháng chiến (2014. Viết chung Hồng Thái- Kiều Mai Sơn). Người lính Điện Biên kể chuyện (2014), Lò Cao trong hang núi (2016), Suốt đời học Bác (2020) và Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập (2021).
Những tác phẩm này cháu viết ở dạng: truyện ký, sưu tầm, biên khảo. Người viết học theo phong cách làm việc của nv Sơn Tùng. Tìm đúng người để hỏi; tìm đúng sách để tra cứu. Sách còn mỏng, nhưng dày tư liệu thiết thực với bạn đọc và hữu ích. Nó hữu ích ở chỗ, giúp cho thế hệ cầm bút tiếp nối sau này, có cơ sở để dựng nên những tác phẩm lớn về đề tài Hồ Chí Minh. Và cách làm cẩn trọng này của cháu, khiến cho nhiều nhà nghiên cứu ngày nay phải giật mình, nhìn lại các công trình của mình đã xuất bản. Và làm cho các NXB, biên tập viên các báo phải có thái độ nghiêm túc trong khâu biên tập.
- Người thứ hai là Nguyễn Xuân Hoàng – bút danh Thiên Sơn.
Anh theo hầu Chiếu Văn từ năm 1995 và đã có chục đầu sách: về thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết được xuất bản. Nhưng phải đến tháng7 năm 2020 mới có tác phẩm đầu tiên viết về đề tài Bác Hồ. Đó là Tiểu thuyết lịch sử “ Gió bụi đầy trời”, sách dày gần 500 trang. Thấy nhiều người đến nhà chơi, khen: Thiên Sơn cháu cụ Sơn Tùng viết hay, táo bạo.
Ngày 19/9/2020, mẹ tôi ra số 5 phố Đinh Lễ mua một cuốn, giá 140 nghìn về đọc xem sao.
Trang đầu tiên tôi đọc cho ba tôi nghe là “Lời Tác Giả”, để ông biết tâm tư và sự cảm thụ của Thiên Sơn sau 15 năm (1995-2010) theo hầu các cụ Chiếu Văn đến mức nào?
Khi tôi đọc đến câu: “Trong tác phẩm này, tôi cố gắng dựng lên một bức tranh đa diện về một giai đoạn phức tạp… Thời gian nghệ thuật được thể hiện từ khi Cách mạng tháng Tám nổ ra cho đến tháng 6 năm 1946- khi Chủ tịch HCM và đoàn đàm phán VN trên đường tới Pháp”.
Tôi nói với ba tôi: “ Sách này cháu nó viết về quãng thời gian mà nhiều người Chiếu Văn đã từng sống và hoạt động, như bác Văn Cao, Đào Phan, Bửu Tiến, Phí Văn Bái… và cả những người ba quen biết như các cụ: Trần Độ, Lê Giản, Tôn Quang Phiệt, Vũ Kỳ, Vũ Đình Huỳnh thư ký, bí thư của Bác… Ba cũng đã có truyện viết về giai đoạn này. Cha tôi nghe ra gật đầu, phấn khởi.
Nhưng khi tôi đọc đến đoạn dưới: “… tác giả cố gắng trình bày trong một hình thức khách quan, giản dị”.
“Có lẽ đã đến lúc nhìn lại lịch sử hiện đại một cách khách quan với tất cả sự phức tạp đầy nghịch lý của nó”.
Tôi nói với ba tôi: Thiên Sơn viết thể là có ý phê phán ba và những người cầm bút viết về Bác Hồ bấy lâu là chủ quan! Vì quá yêu Bác Hồ, yêu cụ Giáp nên viết một chiều, như vậy là không đúng sự thật, bịa. Giờ đến lúc anh ta phải viết khác – Khách quan, giản dị! Ba thấy thế nào?
Ba tôi nghe xong chẳng nói gì, chỉ buông một tiếng thở dài. Có lẽ ba tôi thất vọng, nhưng không ngạc nhiên... Tôi hỏi lại Người: - Ba nghe nữa không để con đọc tiếp. Ông bảo thôi. Tôi gấp sách lại, ngày mai đọc tiếp phần nội dung!




https://www.facebook.com/son.dinh.10690/posts/1844283555760074

..


II. Fb Kiều Mai Sơn


2.

Ngày 7/12/2021

(3)
1- Nhà văn Thiên Sơn về làng (Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) làm việc với địa phương, tiếp đó anh viết bài trên báo Nghệ An (2013) khẳng định chắc nịch:
"Tôi (Thiên Sơn) và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao đã khảo sát trong các tài liệu cổ, xác minh vị thần được phong Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công thờ tại đền Trang - trung tâm của xã Diễn Kim ngày nay, chính là Đào Văn Lôi".
2- Tiếp đó, nhà văn Thiên Sơn cùng Ban liên lạc đồng hương xã Diễn Kim tìm về làng Vân Tra, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi có đền thờ Đào Văn Lôi. Nhà văn Thiên Sơn viết:
"Khi đoàn đại diện Ban liên lạc đồng hương Diễn Kim do ông Nguyễn Trọng Thể dẫn đầu, cùng anh Lê Trí Trịnh, Chu Quang Thiện, Bùi Thái Trọng, Chu Xuân Giao và tôi xuống đền Vân Tra dự lễ Khánh hạ ngày 10/8 âm lịch năm 2010, nhân dân Làng Vân Tra đã kéo ra hàng trăm người ôm chầm lấy chúng tôi. Người dân nói, đây là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa đoàn đại diện quê nội của đức thánh ĐÀO VĂN LÔI với quê ngoại của Ngài".
Tiếp đó: "Năm 2012, nhân kỷ niệm 1025 năm ngày sinh của ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI, nhân dân Diễn Kim đã chính thức khôi phục lại lễ hội làng Hoa Lũy và làm một Am thờ ngài trên nền cũ ngôi đền khi xưa. Toàn dân nô nức đi dự hội. Lòng vui khôn xiết sau nửa thế kỷ lại được thắp nén hương dâng lên vị thần làng, một vị công thần lập quốc ngàn năm trước, và là một ông tổ hiển vinh của người xứ Nghệ".
Vẫn theo bài viết của nhà văn Thiên Sơn thì: "Chúng tôi cũng đã lập một đoàn vận động xây dựng lại Đền TRANG tại xã Diễn Kim do Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội làm nòng cốt, kết hợp với Ủy ban nhân dân xã Diễn Kim.
Chúng tôi đã lên trình bày với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.
Chúng tôi cũng đã làm việc với đồng chí Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và vào làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ở tất cả những nơi đó, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo.
Đồng chí Phan Đình Trạc đã về tận xã Diễn Kim thăm lại di tích, nơi đã từng thờ ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG. Trong buổi làm việc của đoàn, đồng chí Phan Đình Trạc đã nói với chúng tôi, rằng nên mở một hội thảo về ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI. Đó là việc cần làm sớm. Và trong tương lai, trên đất xứ Nghệ nên có một con đường mang tên ĐÀO VĂN LÔI".
Từ sự khích lệ của các vị lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An, mùa thu năm 2012, Thiên Sơn viết sách Hoa Ưu Đàm lại nở. Sách được Nxb Hội Nhà văn cấp phép xuất bản năm 2016.
Tác giả Thiên Sơn chia sẻ: "đó là một cuốn truyện lịch sử về cuộc đời và thời đại của Thái úy Thành quốc công Đào Văn Lôi, thể hiện dưới dạng một truyền thuyết hiện đại xen giữa hư cấu và lịch sử, giữa hiện thực và huyền thoại.
Từ cảm thức, chúng tôi cho rằng, sở dĩ phải lập lại đền thờ Đại Vương Đô Thái úy thành quốc công Đào Văn Lôi là vì: Trên quê hương xứ Nghệ, một mảnh đất anh hùng và văn hiến, nên có ít nhất một nơi thờ tự một vị anh hùng, một bậc đại trí thức, một bậc đại công thần thời hậu Lý mà từ lâu nhân dân đã phong Thánh".
3- Đọc những nội dung trên thì bạn đọc hẳn thấy rằng nhà văn Thiên Sơn và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng rồi. Am được lập, thần được mời về, hô thần nhập tượng, rồi dựng đền thờ. Nhưng vì sao đến giờ Nghệ An chưa tổ chức Hội thảo khoa học về "danh nhân xứ Nghệ" Đào Văn Lôi hay đặt tên đường phố Đào Văn Lôi ở tỉnh Nghệ An?
Thậm chí, ngôi đền được dựng lên, trước đây nhà văn Thiên Sơn và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao dựng cả biển thần tích thờ thần Đào Văn Lôi, bây giờ tỉnh Nghệ An lại cấp bằng di tích thờ thần Phạm Tử Nghi. Như thế chẳng phải 2 anh Thiên Sơn (Nguyễn Xuân Hoàng) và Chu Xuân Giao lừa đảo nhân dân xã Diễn Kim ư?
Còn nếu không phải lừa đảo dân làng thì là các anh dốt sử. Vì dốt cho nên các anh mới đem nhầm thần về để thờ chứ. Sao hôm trước anh dõng dạc nói và viết trước công chúng đền này thờ thần Đào Văn Lôi. Đến khi người khác bảo đền thờ thần Phạm Tử Nghi là tướng nhà Mạc thì 2 ông lại làm thinh? Đền thờ thần gì mà dễ thế, thích đưa ai vào thờ cũng được ư?
Ở đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Nghệ An đã quá vội vàng khi lập hồ sơ di tích và cấp bằng di tích cho đền Trang (hồ sơ ghi tên là đền Cồn Thờ) ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu là thờ Phạm Tử Nghi. Cứ xem trong bảng kê di tích lập năm 1964 thì đền này thờ TRẦN Tử Nghi chứ không phải Phạm Tử Nghi.
Hồ sơ năm 1964 các cụ viết chữ Quốc ngữ, ai biết chữ đều đọc được chữ Trần Tử Nghi là tướng nhà Mạc kèm theo dấu chấm hỏi (?). Điều này chứng tỏ người ghi hồ sơ rất am hiểu lịch sử. Chẳng có tướng nhà Mạc nào lọt được vào đất Diễn Châu dưới thời nhà Lê. Ngụy triều cướp ngôi, đời nào nhà Lê cho thờ?

Bởi vậy, việc Sở Văn hoá tỉnh Nghệ An lập hồ sơ di tích cho rằng vị thần thờ ở đền Trang xã Diễn Kim là Phạm Tử Nghi là hết sức hồ đồ./.










https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/1864596687059983



(2)
Nhà văn Thiên Sơn viết truyện dài Hoa ưu đàm lại nở (Nxb Hội Nhà văn - Trung tâm VHNN Đông Tây, 2016) như lời nói đầu của tác giả là dựa vào thần tích của Nguyễn Bính và các nguồn sử liệu khác của các tiên hiền để lại.
Không rõ nhà văn dựa vào sử liệu của những bậc tiên hiền nào và tác giả xử lý sử liệu để văn học hoá ra sao nhưng ngay Lời nói đầu và bìa 4 đã cho bạn đọc thông tin sai bét về Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính.
Chẳng có ông Hàn lâm viện Đông các học sĩ Nguyễn Bính nào sống ở thế kỷ 18. Chỉ có Nguyễn Bính trên văn bản các thần tích sao chép lại thường vẫn ghi thì sống ở thế kỷ 16.
Ai thường đọc văn bản thần tích về các vị thần đều sẽ thấy có dòng đề Hồng Phúc nguyên niên hoặc Hồng Phúc năm thứ 2... Đông các học sĩ Nguyễn Bính vâng sắc soạn.
Hồng Phúc là niên hiệu của vua Lê Anh Tông dùng vào 2 năm 1572-1573.
Theo đó mà quy chiếu ra thì Nguyễn Bính sống ở thế kỷ 16. Dù có thọ hơn 100 tuổi đi chăng nữa, ông cũng không thể sang thế kỷ 18 được.
Ở đây, vì dốt sử, vì cẩu thả nên nhà văn Thiên Sơn vơ nhầm từ Nguyễn Bính sang Nguyễn Hiền.
Cuối các văn bản thần tích, sau dòng Đông các học sĩ Nguyễn Bính soạn thì tiếp nối là Nguyễn Hiền ở Bộ Lễ sao chép vào khoảng các năm trước và sau 1740. Những năm này mới là thế kỷ 18.
Nhà văn Thiên Sơn dốt sử nên hư cấu cho Đào Văn Lôi đỗ đầu trong khoa thi do vua Lý Thái Tổ mở. Sử liệu bậc tiên hiền là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên cùng nhiều sử thần khác đều chép rõ: Triều Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) đời vua Lý Nhân Tông. Khi đó, Lý Thái Tổ đã qua đời gần nửa thế kỷ và nhà Lý đã trải qua các đời vua Thái Tông - Thánh Tông - đến Nhân Tông.
Trước khi triều đình mở khoa thi tuyển chọn nhân tài thì các bậc đế vương khai quốc giành thiên hạ trên lưng ngựa bằng thanh gươm. Tiếp đó, việc dùng người thông qua tiến cử chứ chưa cần thi cử. Nguyên tắc này người đọc sách hẳn biết rõ.

Viết văn dù muốn hư cấu thế nào cũng phải biết bám vào lịch sử đại cương rồi hãy viết. Muốn đổ bê tông cho móng nhà được chắc, cần có lõi thép, chớ lấy gốc tre hoặc lõi ngô làm cốt, như thế không bền./.










Son Dinh
Lịch sử làng và thần đền làng Kim đã được nv Sơn Tùng công khai và trao truyền cho Thiên Sơn, nhưng anh ta bỏ vào sọt rác. Vì muốn lưu truyền tên tuổi vào hậu thế, nên đã rước ông thần này đến ông thần khác về thờ, dân không chịu nghe cho. Để đến nỗi bỏ cả tỷ bạc xây đền mà không biết đền này thờ ai. Khổ cho dân làng Kim quá!
3
  • Thích
  • Phản hồi
  • 1 ngày
  • Đã chỉnh sửa

https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/1864536400399345



1.

Người dân xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thường dùng câu cửa miệng "nuốt dao phay" để chỉ những anh ba hoa nói phét, bán trời không văn tự.
1- Khi nhà văn Sơn Tùng còn khoẻ mạnh, ông trăn trở với việc khôi phục lại những thiết chế thờ tự trong làng cổ Hoa Lũy xưa - xã Diễn Kim ngày nay. Ngôi làng cổ truyền thống khi Cải cách ruộng đất diễn ra đã phá sạch những tàn tích phong kiến. Đêm giao thừa năm Canh Thìn (2000), nhớ quê, nhà văn viết mấy câu thơ bày tỏ nỗi niềm: "Giếng thơi lấp, cổ thụ tàn/ Đại danh thần với thành hoàng bơ vơ".
Hơn 20 sắc phong dân làng trao gửi, khi đến tay ông chỉ còn 18 chiếc nguyên vẹn, không bị rách nát. Ông bà mua hộp gỗ, mua giấy bản và xin cả thuốc chống ẩm, chống mối (từ con gái một vị tướng to trong quân đội làm việc ở thư viện). Ông bà để trên đỉnh tủ sách trong nhà. Cá nhân tôi cũng có 1 lần được nhà văn Sơn Tùng cho xem tận mắt, cho sờ tận tay 18 bản sắc phong này. Hiện nay, 18 sắc phong được ông bà trao gửi về lãnh đạo Đảng ủy - UBND xã Diễn Kim quê nhà.
Sang tuổi 80, là người thông thạo tử vi, trạch cát, nhà văn Sơn Tùng tự lượng thời gian làm việc của mình không còn nhiều, vì thế, ông gửi gắm tâm nguyện khôi phục lại ngôi đền thờ ở quê nhà cho các cháu trẻ, là con em dân làng, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là nhà báo Thiên Sơn (Nguyễn Xuân Hoàng) - năm đó chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam...
Tự tay nhà văn Sơn Tùng soạn tập tài liệu gồm: tập foto 18 sắc phong chữ Hán, bản chép lại theo nguyên gốc rồi dịch và phân tích 18 sắc phong này của cụ Đỗ Đình Đắc (cán bộ hưu trí trường ĐHSP Hà Nội); nhà văn đã trao gửi anh Thiên Sơn để nghiên cứu, tiếp tục làm theo mong muốn của ông. (Tháng 3-2013, bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng đã xuống lấy lại tập tài liệu này sau khi thấy rằng người được trao gửi đã làm sai lệch lịch sử của làng).
Biết rằng "cháu Hoàng" (tức Thiên Sơn) từ bé đã ly hương theo gia đình di cư vào Đông Nam Bộ xây dựng kinh tế mới, ít biết về quê cha đất tổ, khi viết Lời bạt cho tập thơ Ngọn lửa đầu tiên và sau này là tập thơ Lá thay mùa, nhà văn Sơn Tùng còn cẩn thận viết vào Lời bạt lịch sử làng Hoa Lũy từ khởi thủy đến tiếng trống Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Thời đó, thân sinh nhà văn Sơn Tùng - cụ Bùi Phú là sáng lập viên chi bộ Đảng vùng bắc Diễn Châu. Còn ông nội anh Thiên Sơn là cụ Nguyễn Xuân Phương, thường gọi là Phơng, làm lý trưởng nên dân làng vẫn gọi ông Lý Phơng. Cụ có con trai đầu tên Nguyễn Xuân Luyện nên dân làng cũng gọi theo tên con là ông Lý Luyện.
Về chuyện cụ Lý Luyện/ Lý Phơng hồi Xô viết 1930-1931, tôi là người đánh máy lại một số bài viết của nhà văn Sơn Tùng trên báo từ năm 1960 nên được biết cụ thể nhưng không tiện nói ra.
2/ Vì sao nhà văn Sơn Tùng lại nhờ cụ Đỗ Đình Đắc mà không phải những chuyên gia Hán Nôm khác như PGS Ngô Đức Thọ - một người kính trọng và sẵn sàng hỗ trợ ông về việc dịch thuật tư liệu Hán Nôm? Cụ Đắc không phải giáo sư, tiến sĩ nhưng cụ là con nhà Nho ở Nam Định, học chữ từ nhỏ, lại tham gia Ban liên lạc họ Đỗ, am hiểu về các vị thần được thờ tự trong các làng quê Việt Nam từ Bắc trải tới Hoành Sơn (Đèo Ngang).
Thế nhưng, những tài liệu này hầu như không được anh Thiên Sơn xem tới. Nhà văn Sơn Tùng bị tai biến mạch máu não (26-6-2010), cuối năm 2010, sang năm 2011, nhà văn Thiên Sơn đã cùng tiến sĩ Chu Xuân Giao đèo về cho dân Diễn Kim một ông thần có tên Đào Văn Lôi ở tít ngoài làng Vân Tra, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Các vị lập am thờ, cúng lễ rình rang rồi phán rằng quê nội của Đô thái úy Thành quốc công Đào Văn Lôi là ở Nghệ An, được thờ ở Diễn Kim.
Nhà văn Thiên Sơn viết truyện dài Hoa ưu đàm nở muộn (2016), lại viết trên báo Nghệ An đề nghị xứ Nghệ đặt tên đường Đào Văn Lôi.
Những người có hiểu biết trong quê khi tìm hiểu thấy rằng điều này không đúng. Diễn Kim chẳng có dây mơ rễ má gì với vị thần mang tên Đào Văn Lôi kia cả.
Thấy không đúng, không phải thần được thờ ở Diễn Kim là Đào Văn Lôi thì nhà văn Thiên Sơn lại đi tìm tiếp vị thần khác về cho làng thờ. Vị thần kế tiếp ấy, được Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Nghệ An ra quyết định công nhận có tên Phạm Tử Nghi.
Họ còn mở cả sổ mục kê bản khai di tích từ năm 1964 được cho là cụ Trương Đức Đại cung cấp thông tin vị thần được thờ là Phạm Tử Nghi triều Mạc.
Tôi đã xem bản kê năm 1964 ấy. Tôi thấy lạ một điều, có lẽ những người làm cán bộ văn hoá và những người đi tìm thần để về thờ, người 2 mắt, người 4 mắt, không ai thong manh và tất nhiên cũng không ai mù chữ hay tái mù chữ Quốc ngữ, mà đều không nhìn thấy trong sổ ghi tên thần là: TRẦN Tử Nghi. Và ở chỗ triều Mạc, người ghi còn đánh cái dấu hỏi (?) rành rành.
Thế mới thấy, để viết về lịch sử, dù là tiểu thuyết hay truyện dài, dù là đi tìm thần hay đi buôn thần, cũng không dễ vải thưa che mắt thánh. Làm gì cũng nên thận trọng từ chi tiết nhỏ nhất, nếu không, dân làng họ cười chê, đàm tiếu truyền đời nọ đến đời kia: Cái thằng đấy nuốt cả dao phay để viết truyện lịch sử./.







https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/1859129987606653

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.