Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/12/2021

Chuyện cuối năm 2021 liên quan đến chùa Tây Hồ : Công an Đống Đa có làm sai lệch hồ sơ vụ án hành chính?

Liên quan trực tiếp đến nhà sư trụ trì của chùa Tây Hồ (làng Tây Hồ cũ, nay là phường Quảng An quận Tây Hồ thành phố Hà Nội). 

Có thể thấy hình ảnh nhà sư trụ trì chùa Tây Hồ trên Giao Blog, ở kí sự đi Ấn Độ (do chính nhà sư viết trên đường) tại đây (năm 2016), hay việc nhà sư đứng ra chủ trì tang lễ cho cụ Trương Công Đức (người phụ trách quản lí Phủ Tây Hồ từ năm 1988 đến năm 2017) tại đây (năm 2017).

Câu chuyện cuối năm 2021 này, là phát sinh giữa nhà sư trị chùa Tây Hồ và nhà sư trụ trì chùa Kim Liên (Nghi Tàm)

Chùa Tây Hồ và chùa Kim Liên là hai ngôi chùa nằm ở bên bờ Hồ Tây, cách nhau vài km.

Thông tin đầu tiên từ báo chí chính thống.

Các tư liệu bổ sung hay cập nhật được sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau, sẽ dán dần ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog

Ni sư Thích Đàm Chung tại Ấn Độ năm 2016 (xem toàn văn ở đây)

Các nhà sư chùa Tây Hồ đi cứu trợ đồng bào trong đại dịch covid năm 2021 (toàn văn xem ở đây)


---


Hà Nội: Công an Đống Đa có làm sai lệch hồ sơ vụ án hành chính?

Hạ Vân -  Thứ tư, 22/12/2021 23:19 (GMT+7)

Sáng 22/12, Tòa án ND quận Đống Đa, Hà Nội đưa vụ án “Khiếu kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Trưởng Công an quận Đống Đa” ra xét xử.

Một số phóng viên đến dự phiên tòa để đưa tin nhưng đều bị từ chối cho vào dự phiên tòa. Thậm chí công an quận Đống Đa còn đến gác ở phòng xử không cho vào.

Nhiều phóng viên báo chí đã phỏng vấn luật sư Phạm Quốc Bình (Đoàn luật sư Hà Nội) – Người bảo vệ quyền và lợi ích của người khởi kiện là bà Trần Thị C (trụ trì một ngôi chùa ở quận Tây Hồ, Hà Nội) sau khi phiên tòa tạm nghỉ chờ nghị án đến 8h30 ngày 23/12/2021.

Theo luật sư Phạm Quốc Bình, tại phiên tòa, người bị kiện (Trưởng Công an quận Đống Đa) vắng mặt, bà Nguyễn Thị T (pháp danh Thích Đàm Thành, trụ trì một ngôi chùa ở quận Tây Hồ, Hà Nội) có mặt, Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn, điều tra viên vụ việc có mặt với tư cách người làm chứng.

Nội dung vụ kiện như sau: Ngày 12/3/2021, bà Trần Thị C nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC đề ngày 16/1/2021 do ông Nguyễn Đức Long - Phó Trưởng Công an Quận Đống Đa ký với hành vi “xâm hại đến sức khỏe của người khác”. Mức xử phạt 2.500.000 đồng. Người bị xâm hại là bà Nguyễn Thị T. 

Thời điểm xảy ra sự việc trong hồ sơ ghi là ngày 27/11/2020, tại chùa Bộc (số 4 Chùa Bộc, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) khi tổ chức Lễ tuần lâm Ngũ thất cố Ni trưởng Thích Đàm Hán.

Theo luật sư Phạm Quốc Bình: Tại phiên tòa, tôi đã hỏi bà Trần Thị C và bà Nguyễn Thị T về hành vi xảy ra. Nhưng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” ai cũng đưa ra ý kiến của mình nhưng không ai có bằng chứng vật chất bằng hình ảnh để chứng minh có hành vi gì đã xảy ra. Ngày 27/11/2020 cũng chẳng có một biên bản sự việc nào được lập ra. Các nhân chứng thì đều khai mỗi người một hành vi khác nhau. Ngay bản thân bà Nguyễn Thị T trả lời trước tòa và các ý kiến của bà trong đơn gửi công an qua hai lần cũng đều không thống nhất. Hội đồng xét xử cũng không làm rõ được hành vi của hai bà là va vào nhau hay bà Trần Thị C đấm, tát vào má phải bà Nguyễn Thị T? Và tư thế, vị trí đánh, tát của bà Trần Thị C với bà Nguyễn Thị T là từ phía trước hay phía sau?. Không có thương tích và Tỷ lệ thương tích cũng không được cơ quan có thẩm quyền nào giám định.

Về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021, luật sư Phạm Quốc Bình cho rằng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ: “Tại tòa, tôi đã hỏi Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn rằng, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa gửi tòa và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC mà Công an quận Đống Đa tống đạt cho bà Trần Thị C thì quyết định nào là đúng, quyết định nào sai?. Trung tá Sơn trả lời, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa giao nộp cho tòa là đúng. Tôi đã yêu cầu hội đồng xét xử ghi lời khai của Trung tá Sơn. Sau đó tôi chỉ rõ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa gửi bà Trần Thị C để đi nộp phạt không ghi Biên bản vi phạm hành chính số 179 ngày 15/1/2021 và Quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính số 209 ngày 16/1/2021 của Trưởng Công an quận cho Phó Trưởng công an quận Đống Đa. Trong khi đó, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC mà Công an quận Đống Đa gửi tòa án lại có các nội dung này. Vậy thì bà Trần Thị C kiện quyết định sai là đúng chứ…”.

tm-img-alt
Quyết định 63 của Công an quận Đống Đa gửi Tòa án Nhân dân 
tm-img-alt
Còn đây là quyết định số  63 của Công an quận Đống Đa gửi bà C

Luật sư Bình còn cho biết: Tại tòa, tôi đã nêu rõ dấu hiệu làm giả Biên bản vi phạm hành chính ngày 15/1/2021 của công an quận Đống Đa khi vào chính ngày 15/1/2021 cả bà Trần Thị C và Nguyễn Thị T đều đang họp với Ban pháp chế Giáo hội phật giáo Việt Nam TP Hà Nội ở chùa Mộ Lao (quận Hà Đông). Vậy thì làm gì có việc bà Trần Thị C đến Công an quận Đống Đa làm việc và không chịu ký vào biên bản để công an phải gọi người ở ngoài cổng vào ký chứng kiến?. Tại tòa, bà Nguyễn Thị T cũng xác nhận ngày 15/1/2021 bà Trần Thị C và bà đều có mặt tại chùa Mộ Lao. Bà Trần Thị C còn cung cấp cho tòa chứng cứ là giấy triệu tập của ban pháp chế ngày 15/1/2021. Tại tòa, trung tá Sơn thừa nhận không có giấy mời của Công an quận Đống Đa mời bà Trần Thị C đến làm việc ngày 15/1/2021, nhưng có gọi điện thoại mời. Bà Trần Thị C phủ nhận không có cuộc gọi của Trung tá Sơn ngày hôm đó. Luật sư Bình nói: Theo quy định của pháp luật, không có quy định được gọi điện thoại cho đương sự thay cho giấy mời hay giấy triệu tập đương sự …

Dư luận bạn đọc chờ xem Tòa sẽ tuyên án như thế nào vào 8h30 ngày 23/12/2021.

https://www.moitruongvadothi.vn/ha-noi-cong-an-dong-da-co-lam-sai-lech-ho-so-vu-an-hanh-chinh-a94615.html

..


Một nhà sư khởi kiện Công an quận Đống Đa



TỪ KHÔI

11:48 21/12/2021

Sáng 22/12, TAND quận Đống Đa, Hà Nội sẽ đưa vụ một sư thầy (ở quận Tây Hồ) kiện quyết định hành chính của Công an quận Đống Đa ra xét xử.

Sáng 22/12, TAND quận Đống Đa, Hà Nội sẽ đưa vụ một sư thầy (ở quận Tây Hồ) kiện quyết định hành chính của  Trưởng Công an quận Đống Đa ra xét xử.

Trước đó, ngày 10/12, theo đề nghị của luật sư, TAND quận Đống Đa, Hà Nội đã hoãn phiên tòa vì người bị kiện và người liên quan là bà T. vắng mặt. 


Ngày 10/12, phiên xử bị hoãn do người bị kiện và người liên quan là bà T. vắng mặt.

Trong đơn khởi kiện, bà C. (46 tuổi, trụ trì một chùa ở quận Tây Hồ, Hà Nội) nêu: Ngày 27/11/2020, bà đến chùa Bộc để dự lễ 35 ngày cố Ni trưởng Thích Đàm Hàn. Trưa hôm đó, khi bà C. từ trong phòng đi ra, cùng lúc bà Nguyễn Thị T. từ bên ngoài đi vào và hai bên va vào nhau.

“Sự việc chỉ dừng tại đó, nhưng đến đầu tháng 12, tôi được biết bà Nguyễn Thị T. làm đơn nói tôi đánh vào đầu, mặt bà T. gửi Công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội để giải quyết. Quá trình làm việc với cán bộ Công an phường Quang Trung và cán bộ Công an quận Đống Đa, tôi đã trình bày rõ sự việc. Tôi khẳng định không có việc đánh nhau giữa tôi và bà T.”.

Ngày 12/3/2021, Công an quận Đống Đa mời bà C. đến làm việc và giao cho bà Quyết định xử phạt hành chính số 63/QĐ-XPHC do ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng Công an Quận Đống Đa ký ngày 16/1/2021. Bà C. đã làm đơn khiếu nại. Ngày 26/4, bà C. nhận được Quyết định số 07/QĐ-CA ĐĐ-TTNB về việc giải quyết khiếu nại lần đầu là “giữ nguyên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa”.

Cho rằng quyết định xử phạt hành chính đối với mình là không có căn cứ, bà C. làm đơn khởi kiện, đề nghị tòa án tuyên hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Quốc Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) người bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện cho rằng, Quyết định xử phạt hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa sai về trình tự, thẩm quyền, khi người ký quyết định là Phó Trưởng Công an quận.

Luật xử lý vi phạm hành chính tại Khoản 4, Điều 39 quy định về thẩm quyền của Công an nhân dân nêu rõ: "Trưởng Công an cấp huyện...., có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền không quá 25 triệu đồng”.

Điều 57 của Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định, việc xử phạt vi phạm hành chính phải lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu giấy tờ khác có liên quan và phải được đánh bút lục.

Tuy nhiên, quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Đống Đa không có biên bản vi phạm hành chính kèm theo là sai quy định của pháp luật. Ngoài ra, Quyết định xử phạt hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa còn vi phạm Điều 58 về lập biên bản hành chính; Điều 12 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Luật sư Bình cho rằng, khi sự việc xảy ra, có nhiều người ngồi ở nhà tổ, nhưng công an chỉ xác minh 3 sư thầy. Đáng chú ý là 3 lời khai này lại mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của bà T…

Đây là một vụ án hành chính thông thường, tuy nhiên, ngày 10/12, TAND quận Đống Đa đã không cho một số phóng viên và người dân đến Tòa được dự. 

http://daidoanket.vn/mot-nha-su-khoi-kien-quyet-dinh-hanh-chinh-5675863.html

..



 Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 09/12/2021 06:30 AM (GMT+7)

Một sư trụ trì ở quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) đã khởi kiện quyết định hành chính của Công an quận Đống Đa (TP.Hà Nội). Vụ việc đã được Toà án nhân dân quận Đống Đa thụ lý và sắp đưa ra xét xử.

Cụ thể, ngày 10/12, Tòa án nhân dân quận Đống Đa sẽ đưa vụ bà T.T.C (SN 1975, sư trụ trì một ngôi chùa trên địa bàn quận Tây Hồ) khởi kiện quyết định hành chính của Công an quận Đống Đa ra xét xử.

Theo đơn khởi kiện của bà C, ngày 27/11/2020, bà đến chùa Bộc (quận Đống Đa) để dự lễ 35 ngày cố Ni trưởng Thích Đàm Hàn.

Đơn khởi kiện thể hiện, trưa 27/11/2020 khi bà C từ trong phòng đi ra, cùng lúc bà N.T.T (pháp danh Thích Đàm T) từ bên ngoài đi vào và hai bên va vào nhau.

Đến đầu tháng 12 năm 2020, bà N.T.T đã làm đơn nói bà C đánh vào đầu, vào mặt bà T gửi Công an phường sở tại (phường Quang Trung).

"Quá trình làm việc với cán bộ Công an phường Quang Trung và cán bộ Công an quận Đống Đa, tôi đã trình bày rõ sự việc. Tôi khẳng định không có việc đánh nhau giữa tôi và bà T" - bà C nêu trong đơn kiện.

Cũng theo bà C, tháng 3/2021, Công an quận Đống Đa giao cho bà quyết định xử phạt hành chính số 63/QĐ-XPHC, do ông Nguyễn Đức Long - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa ký ngày 16/1/2021.

Đến gần cuối tháng 4/2021, bà C nhận được quyết định số 07/QĐ-CA ĐĐ-TTNB về việc giải quyết khiếu nại lần đầu, "giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa".

Bà C cho rằng quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Đống Đa với mình là không thỏa đáng, bà đã khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy quyết định số 07/QĐ-CAĐĐ-TTNB ngày 26/4/2021.

https://danviet.vn/mot-su-tru-tri-o-ha-noi-khoi-kien-hanh-chinh-cong-an-quan-20211209001044931.htm

..



---

CẬP NHẬT





---


BỔ SUNG


2.

Nhói lòng thăm ngôi chùa thờ thai nhi tại Hà Nội

18:29 22/04/2018

Chùa Phổ Linh (phố Đặng Thai Mai, Hà Nội) là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội có hẳn một động thờ thai nhi và tổ chức trai đàn cầu siêu hàng năm cho các thai nhi sản nạn.


Theo sử liệu vào năm 1618, thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoàng Định 18, chùa Phổ Linh được Thiền sư Minh Tạng cùng dân làng vùng Nghi Tàm - Quảng Bá (Quận Tây Hồ) …trùng tu.
Ngôi chùa nằm gần bờ hồ Tây với gian chính điện thờ Mẫu được xem là đẹp bậc nhất tại Hà Nội. 
Nội thất như cửa, xà ngang đều làm bằng gỗ lim rất chắc chắn.
Gian thờ chính của chùa có rất nhiều phần được chạm khắc tinh vi.
Thủy đình của chùa được dựng giữa một hồ sen bên trong thờ Phật bà nghìn mắt nghìn tay.
Không chỉ thu hút Phật tử nhờ thiết kế uy nghi đẹp mắt, chùa Phổ Linh còn là ngôi thiền tự duy nhất ở Hà Nội có hẳn một động thờ thai nhi.
Phải mất hai tháng xây dựng động mới hoàn thành. Động cao hơn 2m, rộng 2,8 và có lòng động sâu hơn 90cm.
Giữa động được tôn trí tượng Phật A Di Đà cao 30cm, bằng gỗ, phía dưới tượng Phật là ban thờ có di ảnh của một bé nam và một bé nữ.
Xung quanh khuôn viên động có rất nhiều hình tượng các cô bé, cậu bé… bằng gỗ. Sư cô Thích Đàm Chung cho biết, muốn giành một góc trong khuôn viên chùa để thờ cúng các thai nhi – vốn là những vong hồn không được các bậc làm cha làm mẹ quan tâm thờ cúng.
Hiện trong tất cả các ngôi chùa ở Hà Nội, chỉ duy nhất chùa Phổ Linh là có “Động thờ thai nhi”.

Nhóm PV

https://cand.com.vn/doi-song/Doc-dao-ngoi-chua-tho-thai-nhi-tai-Ha-Noi-i472934/


1.


Những chuyện khó tin ở ngôi chùa thờ thai nhi

10:37 | 17/01/2016

Xung quanh động thai nhi và trai đàn cầu siêu, nhà chùa đã chứng kiến rất nhiều chuyện lạ đời không thể nào lý giải nổi.


Động thai nhi tại chùa Phổ Linh

 

Lịch sử của ngôi chùa

Chùa Phổ Linh ở phố Đặng Thai Mai, Hà Nội là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội (tính đến thời điểm này) có hẳn một động thờ thai nhi và tổ chức trai đàn cầu siêu hàng năm cho các thai nhi sản nạn.

Theo văn bản do Tiến sĩ Nguyễn Lại Diễn soạn thì vào thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoàng Định 18 (1618) chùa Phổ Linh được Thiền sư Minh Tạng và tiểu đệ Đức Quang cùng dân làng vùng Nghi Tàm - Quảng Bá (Quận Tây Hồ), đặc biệt có sự trợ quyên của Hoàng tộc Lê Phi Tự, Quận chúa Trịnh Ngọc Liên …trùng tu trong hơn hai năm mới xong. Sau khi chùa hoàn thiện, nhà chùa đã mở Đại hội trai Đàn để khánh thành vào ngày 13/11 năm Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Tộ 2 ( 1620 ).

Từ đó đến nay, chùa đã trải qua nhiều đời sư trụ trì. Người hiện nắm giữ vai trò trụ trì chùa là một sư cô rất trẻ có pháp hiệu Thích Đàm Chung. Theo sư cô Thích Đàm Chung thì dưới thời tổ Thích Đàm Thanh khuôn viên nhà thờ vong hiện nay đã có một động tiên nho nhỏ. Động tiên này được sư tổ Đàm Thanh dựng nên nhằm tạo trang trí cho nhà vong bớt phần lạnh lẽo, u ám... Đến thời sư cô Đàm Chung được phân về trụ trì chùa, sư cô đã nhờ họa sỹ Đình Khoa về sửa hai động ở hai bên bàn thờ vong thành động địa phủ và động thờ thai nhi.

Động thờ thai nhi được bàn tay tài hoa của họa sỹ Đình Khoa tạo tác trong hơn 2 tháng với chất liệu chủ yếu là xi măng và đá sỏi. Động cao hơn 2m, rộng 2,8 và có lòng động sâu hơn 90cm. Động được phân chia làm nhiều mô núi nhó, phía trên các mô đều được “chải chuốt” bằng nhiều màu sắc rất sống động. Giữa động được tôn trí tượng Phật A Di Đà cao 30cm, bằng gỗ, phía dưới tượng Phật là ban thờ có di ảnh của một bé nam và một bé nữ. Xung quanh khuôn viên động có rất nhiều hình tượng các cô bé, cậu bé… bằng gỗ. Canh trước cửa động có 2 thần Hộ Pháp bằng gỗ sơn son thiếp vàng, bên cạnh 2 Hộ Pháp là hình hai cậu bé cởi trần đóng khố bằng chất liệu gốm Bát Tràng. Trong lòng động còn được bố trí rất nhiều đèn nháy lấp lánh tạo cho động thờ một cảnh quan hết sức sống động.

Sư cô Thích Đàm Chung cho biết, trong kinh “Trường Thọ Diệt Tội” Phật có dạy: “Trên thế gian có năm tội ác nặng, sám hối khó diệt. Những gì là năm, một là giết Cha, hai là giết mẹ, ba là giết Thai, bốn là làm thân Phật chảy máu, năm là phá sự hòa hợp của Tăng”. Chính vì lẽ đó, sư cô rất muốn giành một góc trong khuôn viên chùa để thờ cúng các thai nhi – vốn là những vong hồn không được các bậc làm cha làm mẹ quan tâm thờ cúng. Từ nằm 2008 sư cô đã khởi tâm muốn cải tạo lại động tiên của sư tổ Đàm Thanh đã làm và đến đầu 2012 thì sư cô bắt tay vào làm.

Hiện trong tất cả các ngôi chùa ở Hà Nội, chỉ duy nhất chùa Phổ Linh là có “Động thờ thai nhi” và đây cũng được xem là nơi có nhiều gia đình tìm đến để gửi gắm vong hồn con cái mình đã bị tử nạn khi còn là thai nhi.

Gửi cùng 1 lúc 28 thai nhi

Sư cô Thích Đàm Chung chia sẻ, hàng năm, nhà chùa tổ chức rất nhiều trai đàn cầu siêu cho các thai nhi sản nạn với mong muốn các vong hồn có cơ hội được nghe kinh để siêu thoát. Đồng thời, các ông bố hay bà mẹ từng vì lý do gì đó mà buộc phải “bỏ” thai nay có cơ hội sám hối và cầu siêu cho con mình. Đứng về góc độ xã hội thì đây cũng được xem như một lời “cảnh tỉnh” lương tâm những ông bố bà mẹ trẻ để không tái diễn lỗi lầm này.

Các lễ cầu siêu trong năm thường không cố định thời gian nhưng các gia đình tìm đến tham gia rất đông. Riêng năm 2013, tính đến nay nhà chùa đã tổ chức được 4 trai đàn cầu siêu. Mỗi một đàn lễ cầu siêu thai nhi sản nạn thường được nhà chùa tổ chức kéo dài liên tục từ sáng hôm trước đến tận khuya hôm sau mới hoàn tất với rất nhiều nghi thức như: cúng cầu siêu, giải oan, cắt kết, phóng sinh, cúng cháo… Một đàn lễ thường phải có tới 10 vị sư và một số thầy pháp thay nhau cúng.

“Rất nhiều gia đình lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai, Yên Bái, Đà Nẵng… ra dự lễ. Một điều lạ là lúc nào tổ chức trai đàn cầu siêu này trời cũng vần mây u ám hoặc đổ mưa. Có lúc thì mưa vào đúng lúc đang lễ, lúc thì mưa trước hoặc mưa sau đó một hôm chứ không khi nào là không mưa hết. Và thường, sau lễ cầu siêu này người ta chứng kiến được nhiều chuyện kỳ lạ lắm. Chẳng hạn, giữa ban trưa, khi đi ngang qua nhà thờ vong người ta nghe tiếng trẻ con khóc rất to, nhìn vào thì không hề có đứa trẻ nào. Chuyện này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà không lý giải được” – sư cô Đàm Chung nói.

Theo sư cô Thích Đàm Chung thì năm 2008, chùa Phổ Linh bắt đầu tổ chức trai đàn cầu siêu đầu tiên cho các thai nhi sản nạn. Trong lễ đó có tới 400 gia đình đăng ký tham gia cầu siêu. Và hôm đó do chưa dự trù được trước nên mặc dù đã in sẵn gần 300 cuốn kinh “Trường thọ diệt tội và Bảo hộ hài nhi” để các gia đình đọc tụng cầu siêu cho con mình nhưng vẫn không đủ. Sau nay, hàng năm, nhà chùa đều đặn tổ chức lễ trai đàn này và số lượng gia đình tham gia cứ thế tăng lên nhanh chóng.

Sư cô Thích Đàm Chung cho biết thêm, cách đây 2 năm, có một người phụ nữ ngoài 40 tuổi ở Quảng Ninh tìm đến nhà chùa xin được đăng ký làm lễ cầu siêu cho 28 thai nhi đã sản nạn. Người này có tâm sự với nhà chùa rằng, đó là 28 đứa con mà cô đã bỏ trong nhiều năm. Và khi bỏ những thai nhi này cô cảm thấy rất dằn vặt và ân hận nên khi biết được thông tin nhà chùa tổ chức lễ trai đàn cô đã tìm đến đây đăng kí. Trong lễ cầu siêu hôm đó, người phụ nữ này đã khóc rất nhiều và có nhiều trạng thái rất lạ. Sau lễ trai đàn hôm đó không thấy người phụ nữ này quay lại.

Ngoài ra, cũng có 4 đến 5 trường hợp ở Yên Bái và Hải Phòng tìm đến đây gửi cùng lúc 10 đến 12 thai nhi sản nạn. Còn chuyện một gia đình gửi tới 4 đến 5 vong hồn thai nhì cũng tương đối phổ biến. Thường thì khi tiếp nhận đơn đăng kí của các gia đình, nhà chùa thường lập một danh sách khá dài bao gồm tên thai nhi hoặc tên của cha mẹ để đọc trong lễ cầu siêu.

“Mỗi khi đọc đến tên mình hoặc tên con mình, không ít bà mẹ đã ngất lên ngất xuống. Trong số những người mẹ khóc ngất đó, có những bà mẹ đau đớn vì sinh linh nhỏ bé vô tội của mình được thai nghén bởi tình yêu thương đã đủ độ chín về vật chất, tinh thần nhưng vì lý do sinh học hoặc y học không phát triển bình thường nên họ buộc phải bỏ con đi để bảo toàn tính mạng. Nhưng cũng có không ít những bà mẹ khóc vì dằn vặt bởi vì sinh linh nhỏ bé vô tội của họ đã được hình thành bởi dục vọng thấp hè của đời sống bản năng nên trong phút giây nào đó họ đã tự tay phá bỏ sự sống của con. Bởi vậy, qua đại lễ cầu siêu thai nhi, chỉ cần để ý đến tiếng khóc là người ta cũng nhận ngay ra được hoàn cảnh của từng người” – sư cô Thích Đàm Thanh nói.

Sau mỗi khóa lễ trai đàn cầu siêu cho thai nhi, sư cô Thích Đàm Thanh thường mang hết các vật phẩm đi làm từ thiện. Sữa, đường, kẹo bánh, đồ chơi… cô mang vào cho các bệnh nhi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Gạo và muối cô mang đi ủng hộ cho các gia đình khó khăn ở trên địa bàn Hà Nội hoặc các tỉnh. Trong dịp tháng 10 vừa qua, sư cô Thích Đàm Thanh cũng đã ủng hộ được cho người dân đồng bào vùng cao Yên Bái hơn 100 suất quà và người dân vùng lẽ Quảng Bình 400 suất quà.

Theo Khánh Toàn/Petrotimes


https://baoxaydung.com.vn/nhung-chuyen-kho-tin-o-ngoi-chua-tho-thai-nhi-170240.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.