Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/10/2021

Tín ngưỡng phồn thực ở Nhật Bản – Một vài liên hệ với Việt Nam (bài Lưu Thị Thu Thủy)

Bài đã đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội.

Tác giả gọi các vị thầy cúng ở các ngôi đền Nhật Bản là "linh mục Shinto". Cụ Yanagita nhà chúng tôi được tác giả kéo ngang vào một chút như một vị khách bí ẩn ! Vân vân.

Bởi vậy, có thể nói, tác giả không có chuyên ngành gì cụ thể. Chỉ nên xem đây như một bài báo giới thiệu nhanh.

Tháng 10 năm 2021,

Giao Blog


---



Tác giả bài viết: Thạc sĩ LƯU THỊ THU THỦY
(Viện Thông tin Khoa học xã hội)

TÓM TẮT

     Giống như tín ngưỡng của nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Nhật thờ đa thần nên các loại hình thờ cúng của họ khá phong phú, đa dạng. Trong tín ngưỡng nguyên thủy của những người Nhật Bản theo Thần đạo (Shinto – tôn giáo tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản), ngoài hai nhóm thờ chính là thờ nhân thần (thờ người) và thờ tự nhiên thần (thờ thiên nhiên), thì tục thờ động thực vật, thờ tự nhiên, thờ sinh thực khí (tín ngưỡng phồn thực) cũng rất phổ biến. Bài viết giới thiệu khái quát về tín ngưỡng phồn thực của người Nhật, qua đó có một vài liên hệ với tín ngưỡng phồn thực của người Việt.

Từ khóa: Tín ngưỡng phồn thực, Sinh thực khí, Nghi lễ phồn thực, Vật thiêng, Ma thuật mô phỏng, Trò diễn dân gian.

ABSTRACT

     The Japanese, like many peoples in the world, believe in polytheistic religions which is indicated by their signifi cantly diverse types of worship. Based on the original ideas of Shinto (a Japanese folk religion), there are two main worship groups: human worship and nature worship. Among these, Linga and Yoni worship (fertility cult) is of the most popular. The article provides an overview of fertility cult in Japan in comparison with Vietnam.

Keyword: Fertility Cult, Linga and Yoni, Fertility Rites, Spiritual Things, Simulation Wizardry, Folk Performance.


x
x x


1. Tín ngưỡng phồn thực ở Nhật Bản

     * Nguồn gốc, khái niệm

     Duy trì sự sống và duy trì nòi giống là nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, điều này càng đặc biệt quan trọng, để duy trì sự sống, con người cần mùa màng tốt tươi, để duy trì nòi giống, con người cần sinh sôi. Hình thức sản xuất lúa gạo để duy trì sự sống và sản xuất con người để duy trì nòi giống về bản chất giống nhau, đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha). Trong cuộc sống, có khá nhiều mong muốn của con người không trở thành hiện thực, nhất là khi người cổ đại chưa có được nhiều lý giải từ góc độ khoa học, vì vậy người ta sẽ phải tìm đến những thế lực siêu nhiên, có quyền năng vô hạn. Đó cũng là nguồn gốc cho sự ra đời của tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều; thực: nảy nở, sinh sôi).

     Trong tiếng Nhật, tín ngưỡng phồn thực (多産信仰: tasan shinkō) còn được gọi bằng các thuật ngữ như: Seishokuki sūihai (生殖器崇拝/ Thờ sinh thực khí), Oshime sama (おしめさま), Kankiten (歓喜天/ Hoan Hỉ Thiên), Kinseisama (金精様/ Kim Tinh Dạng), Kanamara sama (金魔羅様/ Kim Ma La Dạng), Kanemaru Sama (金丸様/ Kim Hoàn Dạng), Inyoseki (陰陽石/ Đá Âm Dương), Sainokami (さいの), Kasakami (瘡神/ Sang Thần), Ohokora sama (お祠様/ Từ Dạng), Abana (穴場様/ Huyệt Trường Dạng), Tonbiiwa (とんび岩/ Đá bay), v.v… (Sawadashi Rosaku, 1921: 11).

     Việc thờ sinh thực khí của nam được gọi là Dankonsūhai/ 男根崇拝, thờ sinh thực khí của nữ gọi là Joinsūhai/女陰崇拝, thờ chung cả hai được gọi là tasansūhai (Nishioka Hideo, 1961: 82-133).

     Ở Nhật Bản, Nhật Bản thư kí (Nihonshoki/日本書紀) và Cổ sự kí (Kojiki/古事記) có thể là những tài liệu đầu tiên đề cập đến tín ngưỡng phồn thực của người Nhật (tục thờ nữ thần và thờ tính nữ) (Yan Shaodang, Niwa Kaori, 2000: 67-90).

     Theo quan điểm của Yonokichi (1917: 28), “Những hình thức nghi lễ để cầu mong sự sung túc, no đủ được gọi là nghi lễ phồn thực”. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu khác như Sawadashi Rosaku (1921: 11), Sato Tetsuro (1995: 16),…

     Theo học giả người Anh Stephen Turnbull (2005: 11-13), đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực Nhật Bản cũng chính là đặc trưng chung trong tín ngưỡng thờ sinh thực khí của nhiều dân tộc khác trên thế giới.

     Ueda Kyosuke (1916: 27-41) khái quát: “Tín ngưỡng phồn thực trước hết biểu hiện ở tục thờ sinh thực khí, biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài, trong đó có cả loài người” và thờ cúng sinh thực khí là thờ cúng biểu tượng “thiêng liêng”, biểu tượng của phồn thực và no ấm, biểu tượng sinh sôi nảy nở. Đây là quan niệm về tín ngưỡng phồn thực ở Nhật Bản được đa số các học giả đồng thuận và sử dụng nhiều trong các nghiên cứu sau này.

     * Loại hình thờ cúng

     Tín ngưỡng phồn thực tồn tại ở Nhật Bản trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận ngày nay, được thể hiện ở hai dạng chính là: thờ sinh thực khí (thờ linh vật mô phỏng bộ phận sinh dục của nam – linga và của nữ – yoni) và thờ hành vi giao phối. Ngoài ra, tín ngưỡng phồn thực còn thể hiện qua các nghi lễ phồn thực trong một số lễ hội.

     Các linh vật sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực của người Nhật được chế tác từ nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau như đá, thiếc, đồng, vàng, gỗ, thậm chí từ vải…, nhưng phần lớn được làm bằng đá và gỗ. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết những linh vật này đều được làm bằng kim loại. Ở Nhật Bản, chúng ta có thể gặp những linh vật này ở khắp nơi trong các đền thờ, lễ hội, bảo tàng, ngã ba ngã tư đường, thậm chí là ở một góc trong vườn nhà. Theo nghiên cứu của Hideki Hirokami, ngay từ thời kỳ trung thế ở Nhật Bản đã có khoảng 732 ngôi đền, chùa có thờ sinh thực khí (Hideki Horikami, 2002: 40), trong đó có ba nhóm là đền thờ sinh thực khí nam, đền thờ sinh thực khí nữ, đền thờ sinh thực khí của cả nam và nữ. Các ngôi đền này nằm rải rác khắp đất nước Nhật Bản. Hình dạng, kích thước của các sinh thực khí khá đa dạng, không theo một quy chuẩn cụ thể, đôi khi chỉ là cột đá nhỏ, có hình dáng tự nhiên, hình trụ đứng, chưa qua bàn tay chế tác của con người (Sato Tetsuro, 1995: 16).

     Tín ngưỡng phồn thực của người Nhật còn gắn liền với tục thờ đá. Điều này được minh chứng qua nhiều di chỉ khảo cổ nằm rải rác khắp đất nước Nhật Bản và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Tiêu biểu cho tín ngưỡng này là tục thờ đá âm dương ở đền Onyoseki tỉnh Miyazaki.

     Trong xã hội Nhật Bản cổ đại, biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Nhật là vật thiêng và ma thuật mô phỏng.

     Vật thiêng là cây cột đá dựng đứng, biểu trưng của dương vật, tượng trưng cho sức khỏe sinh sản của nam giới. Giải thích cho biểu tượng vật thiêng, Alain Gheerbrant, Jean Chevalier và cộng sự (1997: 271) cho rằng, đá gắn với biểu tượng dương vật, vì vậy tại một số miền, biểu tượng đá dựng đứng là nơi biểu diễn nghi lễ truy hoan của người cổ đại. Quan niệm về đá – dương vật cũng gần với khái niệm cây – dương vật. Do cả đá và cây đều có ý nghĩa tái sinh, có linh hồn như con người nên hai vật này được lựa chọn làm biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Nghiên cứu của Sato Tetsuro (1995) đã làm rõ ý nghĩa của việc thờ vật thiêng trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, theo đó: Đá âm dương thờ ở đền Kosei daimyojin (魂生大明神), được xây dựng vào thời kỳ văn hóa Jōmon, chính là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho tín ngưỡng phồn thực. Lễ hội tôn vinh sinh thực khí nam giới được tổ chức hàng năm với những biểu tượng bằng đá được thờ ở Nagoya, Iwate và một số tỉnh vùng Đông Bắc cùng một số trò diễn mang đậm tính dân gian trong lễ hội ngày nay chính là dấu ấn còn sót lại của tín ngưỡng phồn thực cổ đại (Sato Tetsuro, 1995: 42). Điều này cũng đã được đề cập trong nghiên cứu trước đó của Kunio Yanigita (1933: 67-80).

     Ma thuật mô phỏng là hình ảnh diễn tả hoạt động sinh hoạt tính giao của nam và nữ trên nhiều biểu trưng được thờ phụng. Đôi khi, hoạt động mô phỏng này được diễn lại bằng một số trò diễn trong nghi lễ cầu cúng ở lễ hội Houne, lễ hội Kanamara. Tuy nhiên, tại từng địa phương, ma thuật mô phỏng và hành thức của nó lại có những màu sắc khác nhau.

     * Một số lễ hội tiêu biểu

     Tín ngưỡng phồn thực và biểu hiện của nó có thể được thấy rõ qua một số lễ hội như: lễ hội Kanamara đền Wakamiya Hachimangu (若宮八幡宮) thuộc thành phố Kawasaki tỉnh Kanagawa phía Bắc Tokyo; lễ hội Hōnen – thờ sinh thực khí nam, hay còn có tên gọi khác là lễ hội Hinoko tổ chức vào ngày 15/3 hàng năm tại Tagatajin, một ngôi đền ở phía Bắc thành phố Nagoya (Takahashi Hideo và Kasuga Isei,1991: 22); lễ hội tỉnh Iwate, v.v… Lễ hội Kanamara vốn xuất phát từ một nghi lễ ăn mừng chiến thắng của người Nhật xưa khi họ tiêu diệt được một con quỷ răng nanh chuyên cắn vào bộ phận sinh dục của nam giới. Trong lễ hội Kanamara, các thầy tu của Thần đạo sẽ dẫn đầu kiệu thứ nhất, họ rắc muối để tẩy uế trên khắp lộ trình hành lễ, những người đàn ông khác khoác trên mình chiếc áo lễ hội, cùng nhau khiêng một biểu tượng dương vật lớn, làm bằng gỗ, dài khoảng 2,5 m, nặng khoảng 280 kg trên cây kiệu thứ hai và hô vang “hoh sho- hoh sho”. Vật thiêng được rước trên một quãng đường dài từ đền Shinmeisha (神明社) vào năm chẵn, năm lẻ là đền Kumanosha (熊野神社) đến nơi thờ chính theo kiểu Thần đạo là đền Tagata Jinja (田県神社). Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn cờ phướn cùng một đoàn các thiếu nữ trẻ trong trang phục lễ hội nhảy múa các điệu múa truyền thống. Trước khi linh vật được đưa vào đền thờ chính làm lễ, người ta sẽ tiến hành làm nghi lễ như một hình thức tẩy uế, sau đó linh vật được đưa vào trong đền thay thế cho linh vật cũ.

     Tuy nhiên, ngày nay đền Wakamiya Hachimangu không chỉ là nơi tổ chức lễ hội tôn vinh tín ngưỡng dân gian của người Nhật mà còn là nơi các cô gái mại dâm đến cầu nguyện để tránh căn bệnh về đường tình dục và những cặp vợ chồng hiếm muộn đến cầu khấn có con cái. Đây là một nét ý nghĩa mới của lễ hội Kanamura trong lòng xã hội hiện đại(*).

     Ở lễ hội tỉnh Iwate, ngoài một biểu tượng sinh thực khí nam lớn bằng gỗ được rước, diễu hành khắp làng, còn có nhiều biểu tượng khác nhỏ hơn được làm bằng củ cải (Daikon). Những người đàn ông tham gia rước linh vật phải là những người khỏe mạnh, mặc bộ quần áo kimono màu trắng hay bộ quần áo kiểu yukata trên có in dòng chữ Omatsuri (お祭/lễ hội). Các cô gái trẻ tham gia rước kiệu mặc những bộ kimono sặc sỡ, tay cầm các biểu tượng nhỏ, các linh mục Shinto sẽ vừa đi vừa đọc các lời cầu nguyện, ban phước lành cho người tham gia lễ hội. Trong quá trình rước linh vật và đưa linh vật ra khỏi đền, những người khiêng kiệu sẽ xoay linh vật theo nhiều kiểu, mô phỏng hoạt động tính dục của dương vật. Khi nghi lễ kết thúc, linh vật sẽ được đưa trở lại đền chính. Ngoài ra khi rước linh vật, người ta còn tổ chức tế lễ và thực hiện các trò diễn, các hoạt động mô phỏng tạo không khí cho lễ hội, cầu mong cho một năm tốt lành, mùa màng bội thu. Tất cả các nghi thức đều được tổ chức trong một giờ nhất định và đặt trong một không gian thiêng, có hàm ý chỉ một vụ mùa bội thu.

     Khác với lễ hội Hōnen (Hōnen trong tiếng Nhật nghĩa là năm thịnh vượng) rước linh vật là sinh thực khí nam còn có một lễ hội khác mà linh vật là sinh thực khí nữ, được tổ chức tại đền Oagata Jinja. Linh vật hình quả trứng, tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ, có chu vi khoảng 2,7m. Tại một số đền, nơi thờ cả sinh thực khí của nam và nữ, sau lễ rước kiệu là lễ hợp nhất của hai linh vật, sau đó các linh vật được đưa trở lại vị trí ban đầu khi lễ hội kết thúc.

     Nhìn chung, những nghi lễ và biểu tượng vật thiêng hay các lễ hội trong tín ngưỡng phồn thực của người Nhật không chỉ mang những giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh đậm nét một hình thức tín ngưỡng dân gian. Những trò diễn là nhằm biểu đạt lòng tin của người cổ đại vào thế giới hư ảo khi trình độ nhận thức nhiều mặt của họ còn thấp. Ngoài ra, nó còn phản ánh một phần sinh hoạt cộng đồng cũng như đời sống tinh thần của người Nhật cổ. Qua những linh vật, nghệ thuật mô phỏng , trò diễn trong các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực của người Nhật, có thể thấy tín ngưỡng phồn thực của người Nhật thuở nguyên sơ vốn gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp, là tín ngưỡng cơ bản nhất của cư dân trồng trọt, nó rất phong phú và đã ảnh hưởng sâu đậm tới sinh hoạt xã hội ở công xã nông thôn Nhật Bản (Hideo Nishioka, 1956: 59-67). Tín ngưỡng phồn thực có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người Nhật, và đây là một trong ba tín ngưỡng quan trọng nhất của họ (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên).

2. Một vài liên hệ với tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam

     Trong nền văn hóa dân gian Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực mang một ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với cư dân nông nghiệp, với ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng ấm no. Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, các biểu tượng như âm – dương, đất – trời, non – nước là những nhân tố chính để tạo nên sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, tất cả hòa quyện giữa sinh khí tự nhiên để tồn tại, phát triển. Người xưa quan niệm rằng, thông qua trực giác, năng lượng thiêng liêng được tích tụ trong tự nhiên hay bản thân mỗi con người có khả năng chuyển sang vật nuôi hay cây trồng.

     Người Việt xưa có quan niệm vạn vật hữu linh nên đã thờ cúng rất nhiều vị thần. Đặc biệt Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên tín ngưỡng phồn thực của người Việt khá phong phú, họ thờ nhiều vị thần liên quan đến nông nghiệp ở trời, đất, sông, núi, mây, mưa, nước,…

     Tín ngưỡng phồn thực của người Việt thể hiện qua các lễ hội diễn ra vào mùa xuân – mùa của sự sinh sôi nảy nở, hay vào đầu mỗi mùa trồng cấy, xuống đồng. Ngoài ra, tín ngưỡng phồn thực của người Việt còn được thể hiện qua một số nghi lễ trong lễ hội, hay các trò chơi dân gian được cách điệu từ tín ngưỡng phồn thực như bắt trạch trong chum ở lễ hội làng Dưng (Quảng Bình), lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ, cờ người, hay trò đấu vật trong các lễ hội mùa xuân (Vũ Anh Tú, 2010: 35-40). Một sới vật thông thường đều có hình tròn và đặt trong một sân đình hình vuông, đây là biểu tượng mang ý nghĩa sâu xa, hình tròn tượng trưng cho trời và hình vuông là biểu tượng của đất, đó là tượng trưng của hai tính âm và dương. Trò chơi đấu vật không chỉ là một hình thức giải trí mà thông qua đó người dân còn gửi gắm mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng, cây cối tốt tươi.

     Các trò chơi, màn biểu diễn trong các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực thể hiện niềm tin của người xưa vào thế giới hư ảo, thế giới tâm linh. Niềm tin ấy là nguồn gốc cho sự hình thành các tín ngưỡng dân gian, những niềm tin đó cũng góp phần làm giàu có thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.

     Bên cạnh các lễ hội, tín ngưỡng phồn thực của người Việt còn thể hiện cả trong hội họa mà đặc trưng là dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Rất nhiều bức tranh mang sắc thái phồn thực như tranh đàn gà, đàn lợn, đàn cá,…, thể hiện ước mong về một cuộc sống viên mãn, sung túc.

     Có thể thấy, tín ngưỡng phồn thực của người Nhật và người Việt có nhiều nét tương đồng. Trước hết, nó đều là biểu trưng cho nền văn minh nông nghiệp, là khát vọng ấm no hạnh phúc, mùa màng nảy nở sinh sôi. Các biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực được thể hiện thông qua nghi lễ, hành thức, biểu trưng của một số lễ hội. Đặc biệt một số nghi lễ phồn thực và thờ sinh thực khí đã được cách điệu hóa và nghệ thuật hóa như: tính giao nam nữ được thể hiện qua điệu múa hoặc được cách điệu trong những hình thức trò diễn. Những trò này vừa mang tính linh thiêng, vừa mang tính trần tục, với quan niệm tạo vật muốn sinh sôi, phát triển cần phải có hành động cụ thể, để gợi mở những niềm tin vào sự may mắn mới, vào khả năng huyền bí của sự chuyển hóa từ những hành động tượng trưng thành hiện thực trong đời sống.

     Ở cả Nhật Bản và Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực có vai trò lớn đối với đời sống của người dân. Đối với người Việt xưa, chiếc trống đồng là biểu tượng của quyền lực, đồng thời cũng là biểu tượng toàn diện cho tín ngưỡng phồn thực. Cách đánh trống, cầm chày đâm trên mặt trống được khắc họa hết sức tinh tế cũng là hành động mô phỏng cho hoạt động sinh sản. Trong khi đó ở Nhật Bản, những dấu ấn của linh vật (sinh thực khí) hiện diện khắp nơi, gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Các lễ hội trong tín ngưỡng phồn thực cả ở Nhật Bản và Việt Nam hầu hết được tổ chức vào mùa xuân, thời điểm bắt đầu một năm mới, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở.

     Bên cạnh các điểm tương đồng, tín ngưỡng phồn thực của Việt Nam và Nhật Bản cũng có một số điểm khác biệt. Trong tín ngưỡng phồn thực của người Nhật, số lượng đền, lễ hội, nghi thức, trò diễn dân gian liên quan đến thờ tính dương (bộ phận sinh dục nam) mạnh hơn tính âm (bộ phận sinh dục nữ). Còn trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt, có sự hài hòa hơn trong việc thờ cúng sinh thực khí nam và nữ.

3. Kết luận

     Có thể thấy, dù ở bất kỳ dạng thức nào, dù mang tính thiêng hay trần tục thì tín ngưỡng phồn thực cũng đều in dấu đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nhật Bản và người Việt Nam, được duy trì, gìn giữ cho đến ngày nay. Qua tín ngưỡng phồn thực, chúng ta có thể phần nào hiểu rõ hơn về tín ngưỡng dân gian giàu tính triết lý nhân văn của hai đất nước Nhật Bản và Việt Nam. Loại hình tín ngưỡng này không chỉ có giá trị đối với những người hướng theo văn hóa tâm linh, mà còn có ý nghĩa với con người nói chung, bởi nó gắn liền với mong ước về sự sinh sôi, phát triển. Việc bảo tồn, giữ gìn tín ngưỡng truyền thống này là cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm của nhiều phía, từ cấp nhà nước cho đến mỗi cá nhân.

_________
(*) Phỏng vấn sâu một cư dân địa phương (thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa) khi tác giả điều tra thực tế tại Nhật Bản năm 2002.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, Lưu Huy Khánh, Nguyễn Xuân Giao, Phạm Vinh Cư (1997), Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

2. 堀上英紀 (2002年), 生命科学からみた生殖器崇拝,法政大学教養部,pp17-44 (Hideki Horikami (2002), Thờ cúng sinh thực khí từ góc nhìn sinh mệnh khoa học, Bộ môn giáo dục đại học Hosei, tr.17-44),
http://repo.lib.hosei.ac.jp/bitstream/10114/3744/1/kyoyo113_horikami.pdf

3. 西岡秀雄 (1956年),性神大成 – 日本における生殖崇拝の史的研究,妙技出版,東京 (Hideo Nishioka (1956), Nghiên cứu lịch sử thờ cúng phồn thực ở Nhật: Tính dục Taisei, Nxb. Myōgi shuppan Tōkyō).

4. 柳田国男 (1933年),石神問答,石神問答複製本頒布會,東京 ( Kunio Yanagita (1933), Hỏi đáp về thần đá, Nxb. Ishigamimondō fukuseibonhanpukai, Tōkyō).

5. 西岡秀雄 (1961年),日本性神史,高橋書店,東京 (Nishioka Hideo (1961), Lịch sử vị thần sinh thực khí, Nhà sách Takahashishoten, Tōkyō).

6. 佐藤哲郎 (1995年),生殖信仰の系譜,三書房,東京 (Sato Tetsuro (1995), Phả hệ tín ngưỡng sinh thực khí, Nxb. Sanshobo, Tōkyō).

7. 澤田四郎 (1921年),日本生殖器崇拝概論,私刊本, pp 11 (Sawadashi Rosaku (1921), Khái lược về tục thờ sinh thực khí Nhật Bản, Tự xuất bản).

8. Stephen Turnbull (2015), Japan’s Sexual Gods: Shrines, Roles and Rituals of Procreation and Protection, Brill.

9. 高橋秀雄,春日井正人編 (1991年),祭礼行事  愛知県,おうふう出版,東京 (Takahashi Hideo và Kasuga Isei (1991), Lễ hội tỉnh Aichi, Nxb. Obu, Tokyo).

10. Vũ Anh Tú (2010), Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

11. 田恭輔 (1916年 ), 生殖器崇拝 教 の話,慶応大学,東京 (Ueno Kyosuke (1916), Câu chuyện về tín ngưỡng thờ sinh thực khí, Nxb. Đại học Keio, Tōkyō).

12. 厳招璗丹羽香 (2000年),“文学テキストの文学的読解と解約に関する論考  日本古代文学の発生学研究の構想に際して”,中央学院大学人間  自然論叢, pp 67-90 (Yan Shaodang, Niwa Kaori (2000), “Khảo sát liên quan đến hủy bỏ và diễn giải tính văn học trong giáo trình văn học, nghiên cứu liên quan đến tầm nhìn của nghiên cứu về những phát sinh trong văn học cổ đại Nhật Bản”, Nhập môn sau đại học của đại học Chuo,
Tuyển tập những đánh giá tự nhiên, tr. 67-90).

13. 出口米吉(1917年),日本生殖器崇拝概,慶応大学,東京 (Yonokichi (1017), Truyền thuyết về tín ngưỡng phồn thực của người Nhật, Nxb. Đại học Keio, Tōkyō).

..

Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 3, năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tín ngưỡng phồn thực ở Nhật Bản – Một vài liên hệ với Việt Nam
(Tác giả: ThS. Lưu Thị Thu Thủy)

..

https://thanhdiavietnamhoc.com/tin-nguong-phon-thuc-o-nhat-ban-mot-vai-lien-he-voi-viet-nam/


---

BỔ SUNG


1.

生殖器崇拝

出典: フリー百科事典『ウィキペディア(Wikipedia)』

生殖器崇拝(せいしょくきすうはい)は、ヒトの男女の生殖器をかたどった象徴的造形物に、多産、豊穣などをもたらす呪術的な力をみとめ、それに対する信仰、崇拝。性器崇拝とも呼ばれる。

概要[編集]

日本における生殖器崇拝は、その名称として「おしめさま、歓喜天、金魔羅様、金精様(金勢様)、金丸様、陰陽石瘡神、お祠様、さいのかみ穴場様穴婆様とんび岩」などがあり、その分布も全国的である。また、その象徴を男女で分けると、女陰よりも男根が多い。[要出典]

材料は、唐金など)などで、自然石、また布製(綿詰)のものもある。男根が御輿をかついだ絵馬、男女両性の性器を支柱に彫刻したものもある。また多くは小さな祠にまつられ、赤い幕などが引き回される。

信仰[編集]

岩手県岩手郡巻堀巻堀神社の金精堂は、松前家に嫁いだ花山院右府の姫君に仕えた小磯某が、あるじの死後、松前から京に帰った安永6年の紀行「奥の荒野」にあり、遠くからの参詣が多く、内神として勧請する者が少なくなかった。

岩手県和賀郡覚間沢の金勢山の男根像は周囲2尺6寸、長さ4尺5寸ほど、女陰像は卵形で、周囲9尺という。大きいものは1丈にもなるものがある。瘡神といわれるように性病に霊験ある、子のない女性が祈れば子がさずかる、腰の病のあるものが祈れば全治する、これを借りて懐中に温まるまでいれれば妊娠する、念願かなえば倍にして返すなどという。また、遊客を招来する方便ともされ、客が少ないときは荒縄で縛ってひきまわし、打擲して呵責する。ウマの産地の東北では正月16日、ウマに正装させ、板沢のお駒様を参拝させ、ウマの出産のときは男根を持って社前で踊りながら参拝すれば安産であるという。

宮城県の佐倍乃神社では、男根型の物を作って奉納し祈願すれば願いが叶うという話を地元民から聞いた藤原実方が、そのような下品な神に対して下馬することは出来ないと馬に乗ったまま駆けだしたところ、それを聞いていた神の怒りに触れて馬もろとも殺されたという伝承がある。

雌岡山兵庫県神戸市神出町)には裸石神社姫石神社があり、男根が3体、女陰石が一体祀られる。神社参拝する折には、アワビ貝殻奉納してゆくため、男根の周辺にはおびただしい数のあわびの貝殻が見られる。山にはに多くのカタクリが自生し、村の娘らは春になると、花摘みに行くと理由付けし裸石神社に参拝した[1]

岡山県児島郡灘崎村の彦崎大日庵の西崖下の小祠には松丸太製、紅殻で赤く染めたものを祀ってある。

奄美大島では端午に生殖を祝うため、男根に似た芽巻を神棚に供え、親類に配る。

沖縄県糸満には自然石のものが祀ってある。

金精大明神の縁起はさまざまで、たとえば、覚間沢では、ある猟師が突然山で腰痛を訴え、歩けなくなった。落ち葉の上で休んでそばの石に手をつくとたちまち全快した。ふしぎに思って落ち葉を取り除くと、石の男女根が現われたので、これを祀ったという。 巻堀では、ある女帝の女陰に歯が生えていて交わる男の男根をことごとくかみ切って殺すので、金精明神が美男になって相手をすると、歯はたちまち欠け落ち、以来普通の交わりをしたという。「耳嚢」の、娘の女陰の中の鬼牙を黒銅の金精で取り除いた話、南島説話の情婦の女陰の中に牙歯がある話、女陰を鬼を食う口という鬼餅の由来話などとともに、昔の信仰の痕跡であろうという。

脚注[編集]

  1. ^ ひょうご歴史ステーション

海外の信仰[編集]

関連項目[編集]

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E7%94%9F%E6%AE%96%E5%99%A8%E5%B4%87%E6%8B%9D

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.