Chuyên đề  ĐỌC SÁCH KINH ĐIỂN

1. Nhận xét của anh/chị về cuộc đời và sự nghiệp của James George Frazer? Giải thích nhan đề tác phẩm Cành vàng? Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của công trình?

1.1 Cuộc đời và sự nghiệp của James George Frazer

“Cành vàng” (The golden bough) là một tác phẩm đồ sộ của James George Frazer, được biên soạn từ 1890 đến 1907, gồm 15 tập. Năm 1922, công trình này được rút gọn lại thành một tập. Đây là một công trình được đánh giá là “bách khoa toàn thư về văn hóa nguyên thủy”

James George Frazer (1854-1941) là nhà nhân loại học người Scotland. Ông tốt nghiệp Đại học Glasgaw năm 1874, Đại học Cambridge năm 1879. Từ năm 1879 đến cuối đời, ông làm việc tại Đại học Cambridge. Từ năm 1907, ông là giáo sư nhân học xã hội. Ông cũng là tiến sĩ danh dự các Viện Đại học Paris và Strasbourg, tiến sĩ các Viện Đại học Cambridge và Oxford, thành viên Viện Hàn lâm Quốc gia Anh. Cũng như J.B.Tylor, J.G. Frazer là người theo trường phái tiến hóa luận trong văn hóa. Nhận định về sự nghiệp của James George Frazer, dịch giả Đỗ Lai Thúy viết

James George Frazer là người theo tiến hóa luận trong văn hóa. (…) James George Frazer nghiên cứu sự tiến hóa của văn hóa thông qua sự phát triển của tư duy nhân loại. (…) Tuy là một ‘nhà bác học trong phòng thí nghiệm’, chủ yếu làm việc với sách vở, nhưng James George Frazer đã xử lí tư liệu tuyệt vời. Đó là bởi ông có một tinh thần và phương pháp làm việc khoa học, bởi ông đang ở giai đoạn khoa học, giai đoạn chót trong hành trình tư duy nhân loại, nên dùng con mắt thần khoa học để xem xét, lí giải và soi sáng các giai đoạn tư duy trước đó. Vì thế, ông đã sắp xếp được những tư liệu hỗn mang vô trật tự vào trật tự của mô hình khoa học của mình, minh bạch những vùng bấy lâu còn tăm tối tác giả nhận thức của con người.” (7)

Những nhận định này về J.G. Frazer hoàn toàn chính xác. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học, những công trình của James George Frazer để lại khiến người đời sau ngỡ ngàng, thán phục. Thán phục bởi kiến thức uyên bác của ông về các truyền thuyết, huyền thoại, tập tục, tín ngưỡng,… của các dân tộc từ đông sang tây. Thán phục bởi khả năng tư duy, sắp xếp hệ thống các tư liệu đồ sộ để đi đến những lập luận chặt chẽ, nhận định rất chính xác về quá trình phát triển của tư duy loài người, trong bước chuyển từ tư duy ma thuật đến tư duy tôn giáo. Ta ngỡ ngàng vì ông không chỉ là nhà nghiên cứu khoa học tài ba mà còn là một nhà văn có giọng điệu riêng, đầy cảm xúc. Có những lúc ta rung động trước những lời văn đầy tính hình tượng và biểu cảm của ông trong tác phẩm “Cành vàng”. Thành tựu đặc biệt của tác giả trong “Cành vàng” là vạch rõ và lý giải quá trình chuyển đổi từ pháp thuật giao cảm sang tín ngưỡng tôn giáo, từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo.

 Có lẽ nhờ tư duy khoa học chặt chẽ, lập luận logic và khả năng diễn đạt tuyệt vời bằng ngôn ngữ mà tác phẩm “Cành vàng” của ông hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

1.2 Nhan đề tác phẩm “Cành vàng”

Cành vàng là một vật huyền bí, chứa đựng sức mạnh tối cao trong nghi thức thờ Vua của Rừng của người man dã.

Trong khuôn viên khu của thánh địa Némi, mọc lên một cây nào đó mà không một cành lá nào của nó được phép chặt gãy. Duy nhất, một nô lệ bỏ trốn là có thể tìm được cách bẻ gãy một trong số cành cây ấy. Ý đồ này nếu anh ta thực hiện được, thì anh ta có thể tấn công vị tư tế trong một trận  đánh lạ lùng và nếu như anh ta hạ sát được viên tư tế, người nô lệ ấy sẽ thay thế vị trí tư tế dưới danh hiệu ông Vua của Rừng. Theo dư luận của những người cổ xưa, cành cây thiên định là cành bằng vàng mà Énée, theo lệnh của nữ thần Sibylle đã chặt lấy trước khi thực hiện chuyến du hành nguy hiểm tới xứ sở bóng tối” (20)

Cành vàng là một cành cây thiêng liêng mà vị tư tế thờ Diane ở Némi, Vua của Rừng, phải luôn bảo vệ nghiêm ngặt. Vì khi cành vàng bị chặt gãy, vị Vua của Rừng sẽ bị giết chết và bị thay thế bởi một người cường tráng, khỏe mạnh. Nghi thức này liên quan đến việc thực hành tín ngưỡng của người xưa. Người ta tin rằng không còn tai họa nào hơn cái chết tự nhiên của vị thủ lĩnh mình, do bệnh tật hay tuổi già. Cái chết ấy của nhà vua sẽ dẫn tới những hậu quả cực kỳ tai hại đối với bản thân và tài sản của người dân. Để thoát khỏi những thảm họa như vậy, cần phải hạ sát nhà vua giữa lúc ông ta vẫn tràn đầy sức sống, để cho sự sống linh thiêng của nhà vua được chuyển giao nguyên vẹn sang cho người kế vị. Bằng cách đó, tuổi thanh xuân của ông vua quá cố sẽ tồn tại lâu dài theo một chuyển tiếp nối liên tục, không đứt đoạn, bao gồm những con người là hiện thân của vị thần cường tráng, vĩnh viễn vẫn giữ được sức mạnh tươi trẻ.

Từ việc tìm hiểu nguyên nhân, lý giải việc tại sao một vị tư tế phải hạ sát vị tiền nhiệm và trước khi hạ sát phải bẻ gãy một cành cây được gọi là cành vàng, J.F.Frazer đã dẫn dắt người đọc vào thế giới ma thuật của người xưa, dựng lên một bức tranh tổng thể, đầy đủ về phong tục, tập quán sinh động của người xưa. Tựa đề Cành vàng là một ẩn dụ về ma thuật, đối tượng nghiên cứu chủ yếu của J.G.Frazer trong công trình. 

1.3 Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của công trình

Trong tác phẩm của mình, James George Frazer muốn cắt nghĩa các quy tắc khác thường trong việc xác định người kế nhiệm của các giáo sĩ thờ nữ thần săn bắn và thiên nhiên hoang dã Diane ở nơi đây. Người kế nhiệm một giáo sĩ có danh hiệu Ông Vua của Rừng phải chặt được một cành cây – Cành vàng – của một cây đặc biệt trong khu rừng thiêng liêng trước khi hạ sát người tiền nhiệm của mình.

Tìm cách cắt nghĩa cái chức năng của một giáo sĩ có danh hiệu là Vua của Rừng và một trong những danh hiệu mang tới cho ông ta cái quyền do trách nhiệm của mình, được chặt một cành cây – cành vàng – trong một khu rừng thiêng liêng.” (13)

Quy tắc chọn người kế nhiệm đó khiến cho J.G. Frazer thắc mắc

Tại sao lại có việc bắt buộc là vị tư tế thờ Diane ở Némi, Vua của Rừng phải hạ sát người tiền nhiệm của mình?” tại sao, trước khi thực hiện vụ mưu sát ấy, ông ta lại buộc phải chặt gẫy cành cây đặc biệt, cành cây này, theo những người xưa, được coi là cành bằng vàng của Virgile? (13)

Trong quá trình tìm hiểu, lí giải điều bí ẩn, kì lạ xung quanh cách thức chọn người tư tế ở Diane, J.G. Frazer nhận thấy

Trong xã hội nguyên thủy, nhà vua thường xuyên đồng thời vừa là tư tế, vừa là pháp sư; thực tế, hình như nhà vua đạt tới quyền lực là nhờ vào tài năng của ông ta trong ma thuật hoặc là xấu hoặc là tốt. Đến mức là, để hiểu được đà phát triển của vương triều và cái tính chất thiêng liêng bao trùm trên chức vụ của nhà vua trước con mắt của những con người man dã hay những con người tàn bạo, điều chủ yếu phải làm quen với các nguyên lý của ma thuật và hiểu được bằng cách thức đặc biệt nào mà ma thuật đã chế ngự tâm trí của những con người ở mọi thời đại và ở mọi xứ sở. Vậy là tôi tự đề ra cho mình việc xem xét đề tài này trong nhiều bộ phận khác nhau của nó (34)

Vậy, ma thuật – các cách thực hành ma thuật, vai trò của ma thuật đối với con người – chính là đối tượng nghiên cứu chủ yếu trong công trình đồ sộ của J.G. Frazer. Trong quá trình nghiên cứu, để đi đến ngọn nguồn vấn đề, J.G. Frazer đã mở rộng đối tượng nghiên cứu ban đầu đến

nguồn gốc ma thuật, sự hình thành của vương triều (thông qua sự hình thành và phát triển từ một vị tư tế đến Vua), lễ hội thờ cúng cây cối, sự cấm kỵ, lễ hội về lửa, việc hạ sát thần linh, lịch sử tôn giáo… (8)

Trong tác phẩm của mình, James George Frazer vận dụng rất nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là phương pháp quy nạp và đối chiếu, so sánh, sơ đồ hóa. Từ rất nhiều tư liệu điền dã khác nhau, những tư liệu cho thấy được cách ứng xử, hành vi tương tự nhau ở các bộ tộc cách nhau rất xa, tác giả đã lý giải và khái quát thành những vấn đề mang tính chất lý luận về sự phát triển của tư duy con người. Trong công trình nghiên cứu này,

James George Frazer đã có ý định xây dựng lý thuyết phổ quát về sự tiến hóa của tư duy nhân loại dựa trên việc thừa nhận sự thống nhất tâm lý – văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới qua ba phương thức quan hệ với tự nhiên: ma thuật, tôn giáo và khoa học (8)

Ông cho rằng tất cả các dân tộc trên thế giới đều có cùng quy luật phát triển tâm lí, văn hóa. Và con đường phát triển đó đi theo chiều thẳng, từ thấp đến cao. Trong lý luận của ông, ta thấy rất rõ ông theo trường phái tiến hóa luận đơn tuyến như đồng nghiệp J.B.Tylor của mình.

2. Trình bày khái niệm và nêu thí dụ cho tất cả những thuật ngữ về ma thuật (ma thuật giao cảm, ma thuật vi lượng, ma thuật lây truyền,…) mà Frazer đã nhận diện

Theo tác giả, ma thuật ra đời trong khi trình độ nhận thức về tự nhiên của con người còn ở mức sơ khai. J.G. Frazer cho rằng

ma thuật là một cách giả mạo có hệ thống quy luật của tự nhiên, đồng thời là một người dẫn đường lầm lẫn cho hành vi ứng xử, một khoa học dối trá cũng như một nghệ thuật cằn cỗi (36)

Vì con người hầu như chưa hiểu được quy luật vận động, phát triển của giới tự nhiên nên đã có những hành vi ứng xử sai lầm. Những hành vi sai lầm đó không mang tính chất cá biệt mà đó là cả một hệ thống với tính chất đa dạng, phong phú, có mặt trong hầu hết các bộ tộc thời man dã.

Trong công trình này, J.G. Frazer đã định phân loại, định nghĩa nhiều loại ma thuật khác nhau. Trước hết, theo nguyên lý tác động của ma thuật, tác giả chia thành hai loại lớn: ma thuật vi lượng và ma thuật lây truyền. Hai loại này có mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau và tác giả gọi hai loại ma thuật này dưới cái tên chung: ma thuật giao cảm

Ma thuật vi lượng (ma thuật bắt chước) là

những bùa phép được tiến hành dựa trên Quy luật của tương đồng (35)

Ma thuật vi lượng dựa vào việc kết hợp các ý tưởng bằng trạng thái giống nhau (…) Ma thuật vi lượng đã đi lầm đường khi xác định là mọi vật giống nhau là đồng nhất (36)

Việc thực hành ma thuật vi lượng dựa trên quan niệm vạn vật tương đồng của người xưa. Người xưa cho rằng, cũng như con người, tất cả cỏ cây, muông thú trên trái đất này cũng có quy luật tâm sinh lí như con người. Nguyên lí quan trọng nhất trong việc thực hành ma thuật vi lượng là

cái tương đồng vẫy gọi cái tương đồng, hình ảnh nói cách khác, cái hiệu quả giống với cái nguyên nhân của nó (73)

việc áp dụng quen thuộc nhất của cái ý tưởng cho rằng mọi vật giống nhau sẽ mời gọi vật tương đồng chắc hẳn nằm trong những dự định diễn ra phổ biến, trong mọi thời đại, muốn làm tổn thương hay hủy diệt một kẻ thù bằng cách làm tổn thương hay hủy diệt hình nhân thế mạng của kẻ thù ấy, hành động này trong tín ngưỡng cho rằng nỗi đau đớn của hình nhân thế mạng ấy sẽ mang tới nỗi đau đớn cho cá nhân kẻ thù và việc tiêu diệt hình nhân sẽ dẫn tới cái chết của cá nhân kia (38)

J.G. Frazer đã đưa ra nhiều ví dụ minh họa cho việc thực hành ma thuật vi lượng, ở các nền văn minh khác nhau. Với một thổ dân Objecbway, khi có ác cảm với một người khác và để trả thù, làm hại người đó

anh ta bắt tay vào đẽo gọt một pho tượng nhỏ bằng gỗ giống như kẻ thù của mình, tiếp đó, nhờ một cây kim hay một mũi tên, việc làm này sẽ nhanh chóng làm bị thương đối thủ ở những vị trí tương ứng; nếu như anh ta muốn làm kẻ thù phải chết thì anh ta sẽ thiêu hủy hoặc chôn cất chiếc hình nhân thế mạng, vừa làm vừa đọc những câu thần chú” (38)

Đó là việc thực hành ma thuật gây hại, mang tính tiêu cực.

Bên cạnh đó, còn có những thực hành ma thuật vi lượng mang tính tích cực. Đó là khi thực hành ma thuật để tạo thuận lợi cho việc sinh con đẻ cái và để chữa chạy cho những phụ nữ vô sinh. Chẳng hạn, một người phụ nữ ở tộc người Bataks trên đảo Sumatra muốn làm mẹ,

chị ta sẽ tự đẽo gọt cho mình một đứa trẻ bằng gỗ, đặt nó ngồi trên hai đầu gối của mình, và sau khi đã làm như vậy, chị ta tin chắc rằng mong muốn của mình sẽ được thực hiện (40)

Ma thuật vi lượng còn được thực hành để chữa bệnh. Người thầy thuốc đã thực hành ma thuật vi lượng khi chữa bệnh cho bệnh nhân theo cách

thực hiện việc chữa trị trên con người ông thầy chữa bệnh, thay thế cho người bệnh, người này do được tránh khỏi mọi phiền phức và khó chịu có thể ngắm ông thầy của mình, đang lăn lộn vì đau đớn ở trưóc mặt mình (43)

Cách chữa bệnh của thầy lang của tộc Dayak chỉ có thể giải thích được từ góc nhìn thực hành ma thuật vi lượng này. Ông thầy lang đó đã chữa bệnh bằng cách

đến nhà người bệnh bèn nằm lăn ra đất giả bộ chết; do vậy, người ta xử lý ông thầy như một xác chết, người ta bó ông ta vào chiếu rồi khiêng ông ta ra ngoài, đặt xuống nền đất. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, những thầy lang khác làm cho người đồng nghiệp, được coi như đã chết, sống lại; và cùng với nhịp điệu ông thầy đó tỉnh lại, người bệnh sẽ lấy lại được sức khoẻ (44)

Một nhánh khác của ma thuật giao cảm là ma thuật lây truyền. Ma thuật lây truyền được thực hiện trên cơ sở quan niệm

những bùa phép được thực hành dựa trên Quy luật của sự tiếp xúc.” (35)

Ma thuật lây truyền dựa vào việc kết hợp các ý tưởng bằng trạng thái gần gũi kề cận” (36).

Tuy nhiên, “ma thuật lây truyền thì phạm phải điều sai lầm khác là xác định rằng các sự vật đã từng một lần tiếp xúc với nhau thì mãi mãi vẫn cứ gắn bó với nhau” (37)

Từ những kiến thức phong phú của tài liệu dân tộc học điền dã, J.G. Frazer thấy rằng

những sự vật đã từng một lần kết hợp với nhau rồi sau đó tách rời ra thì dù cho có khoảng cách giữa chúng với nhau, vẫn tiếp tục có mối liên hệ giao cảm rất mạnh mẽ, đến mức mọi việc người ta tác động đến cái này cũng sẽ tác động lên cái kia (…) Cơ sở vật chất của ma thuật lây truyền, nếu chúng ta có thể nói như vậy cũng như cơ sở vật chất của ma thuật vi lượng, là một cách tác động về vật chất, tương tự như chất Ê-te của vật lý hiện đại, liên kết những đồ vật ở cách xa nhau và thông tin những cảm giác từ vật này tới vật khác” (73)

Liên quan đến việc thực hành ma thuật lây truyền, tác giả đã nêu ra những dẫn chứng về việc thực hành ma thuật lây truyền. Chẳng hạn như việc “

những người Bassoutos cất dấu cẩn thận những chiếc răng đã nhổ, sợ rằng chúng rơi vào tay những nhân vật thần bí ám ảnh các ngôi mộ, những nhân vật này bằng những phép thần bí, làm hại chủ của chiếc răng” (74)

Còn ở xứ Mexique cổ đại, nói chung, ma thuật lây truyền được thực hành trong việc đào tạo, giáo dục các thế hệ tương lai.

Binh sĩ chôn sợi cuống rốn của một bé trai trên bãi chiến trường, cốt để cho đứa bé có được một niềm đam mê võ công. Ngược lại, người ta chôn sợi cuống rốn của một bé gái ở gần tổ ấm gia đình, cốt để cho bé gái lớn lên sẽ yêu thích công việc trong nhà và nghệ thuật nấu nướng” (77)

Họ tin rằng cuống rốn gắn bó với trẻ sơ sinh và từ cuống rốn, trẻ sơ sinh sẽ được truyền những phẩm chất cần thiết cho cuộc sống sau này.

Còn trên một hòn đảo trong những hòn đảo Tân Hebrides, người ta trả thù, giết chết đối thủ bằng cách lấy một chiếc áo lót đã thấm mồ hôi của kẻ thù.

“Nếu lấy được, anh ta sẽ vò kỹ chiếc áo lót cùng với cành lá của một thức cây nào đó, rồi cuốn tròn và buộc chiếc áo lót cùng với cành lá như một khúc dồi, từ từ đốt cháy trong đống lửa. Nạn nhân ngã bệnh trong lúc ‘khúc dồi’ cháy dần và nạn nhân sẽ chết ngay khi ‘khúc dồi’ cháy thành tro.” (82)

Họ tin rằng khi cái áo đã từng gắn bó chặt chẽ với con người và người ta có thể giết được chủ nhân của cái áo đó chỉ đơn giản bằng cách đốt áo.

J.G. Frazer cũng chỉ ra rằng ranh giới giữa thực hành ma thuật vi lượng và thực hành ma thuật lây truyền rất mỏng manh. Không những thế,

trong quá trình thực hành, thường xuyên xảy ra tình huống hai kiểu ma thuật ấy phối hợp với nhau, hay nói chính xác hơn, mthh vi lượng tự hoàn chỉnh bản thân trong lúc đó ma thuật lây truyền thường xuyên vận dụng ma thuật vi lượng (…) Người ta sẽ hiểu được hai kiểu ma thuật dưới cái từ chung là ma thuật giao cảm (37)

Phân loại theo đối tượng và ảnh hưởng của ma thuật với đời sống con người, tác giả chia thành ma thuật lý thuyết và ma thuật thực hành. Đến lượt mình, ma thuật thực hành lại được chia thành hai loại nhỏ, tùy theo ảnh hưởng và kết quả tác động của nó, là ma thuật tích cực và ma thuật tiêu cực.

Ma thuật lý thuyết “được nhìn nhận như là hệ thống các quy luật xác định bước tiếp nối của các biến cố trên khắp thế giới” (36)

Ma thuật thực hành “Được nhìn nhận như một chuỗi giáo điều mà loài người quan sát thấy cốt để hoàn thành các dự định của mình, người ta có thể gọi là.” (36)

Ma thuật tích cực, hoặc là phép phù thủy nói rằng: “Hãy làm cái này cốt để sự vật gì đó xuất hiện (…) Mục đích của ma thuật tích cực hoặc là phép phù thủy là làm nảy sinh sự vật mong muốn…” (48) “Người man dã ăn nhiều con vật và nhiều thứ cây, cốt để có được một số phẩm chất mong muốn mà chúng có được”. (51)

Ma thuật tiêu cực (cấm kị) là những kiêng kị để tránh điều xui rủi, không may. Ma thuật cấm kị là những lời khuyên theo kiểu: “Chớ có làm việc này, sợ rằng sự vật gì đó sẽ xuất hiện” Ví dụ như việc kiêng ăn, kiêng đụng phải một số con vật hay cây cỏ vì “lo sợ là sẽ mắc phải một số tính chất không hay mà họ cho là chúng bị lây nhiễm” (48) Chẳng hạn như ở Madagascas, người ta có quy định nghiêm cấm các binh lính không

không được ăn thịt con nhím bởi lẽ người ta sợ rằng cái khuynh hướng tự nhiên của con vật này, khi bị người ta đe dọa, sẽ cuộn tròn người lại, sẽ biến những ai ăn thịt nhím thành con người nhút nhát và run sợ” (51)

Ngoài ra, binh lính cũng không được ăn thịt kheo chân của con bò, không ăn thịt con gà trống bị giết không ăn quả cật động vật,… Người ta lo sợ rằng nếu như binh lính ăn những thức ăn này, họ sẽ bị giết như gà trống, bị run chân,… giống như tính chất thức ăn của họ

Theo mục đích và phạm vi tác động, tác giả phân loại ma thuật thành ma thuật riêng lẻ và ma thuật công cộng

Ma thuật riêng lẻ (riêng tư): là những ma thuật mà việc thực hành nó “có mục đích vì cái tốt hay cái xấu của từng cá nhân” (84)

Ma thuật công cộnglà những ma thuật được thực hành vì cái tốt của toàn bộ cộng đồng. (84) Loại ma thuật này có thể được một người đại diện, một vị tư tế đứng ra thực hành, vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Đó là những ma thuật cầu mưa, cầu mùa màng,…

Dựa vào cách con người man dã ứng xử với các hiện tượng tự nhiên, những hiện tượng liên quan đến bầu khí quyển, tác giả đã đi vào xác định những ma thuật với các tên gọi cụ thể, liên quan đến mục đích của con người man dã trong việc thực hành ma thuật, khi hướng đến tự nhiên.

Ma thuật chế ngự Mưa: một dạng ma thuật công cộng, được viên chức công cộng,đại diện của cộng đồng thực hiện nhằm “đảm bảo có lượng mưa dồi dào như mong muốn” (115) Ma thuật chế ngự Mưa được thực hành theo nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo từng vùng nhưng chủ yếu là “dựa trên những nguyên lý của ma thuật vi lượng.” Một cách thực hành ma thuật này trong việc gọi mưa ở làng Ploska là

chị em phụ nữ và các cô gái đồng trinh cởi bỏ hết quần áo, ban đêm, đi tản bộ ra tận rìa làng và dội nước xuống đất.” (115)

Ma thuật chế ngự Mặt trời: những thực hành ma thuật làm cho mặt trời chiếu sáng, đi nhanh hơn hoặc đi chậm lại theo ý muốn chủ quan của con người. Trong những ngày nhật thực, để gọi Mặt trời xuất hiện, những thổ dân Chilestins đã thực hành những động tác mà

đàn ông và đàn bà, vén ngược những tấm áo ngoài lên tựa như sắp có chuyến du hành, cúi người chống gậy làm ra vẻ phải mang vác nặng và xoay tròn người suốt trong thời gian thiên thể bị che khuất một phần ánh sáng. Ý tưởng của họ rõ ràng là muốn chống đỡ những bước chân yếu đuối của vầng mặt trời mệt mỏi, trên chặng đường nhọc nhằn đang quay tròn trên bầu trời” (137)

Ma thuật chế ngự Gió: là những thực hành ma thuật để làm cho gió thổi hoặc ngừng lại tùy theo ý muốn con người. Khi thực hành ma thuật này, ở Groenland  

phụ nữ có mang hoặc đã sinh con, được coi như có thể làm ngừng cơn bão; chỉ cần chị ta đi ra khỏi nhà mình, hít hơi thật dài ngậm trong mồm rồi quay vào nhà và thở hết ra”. (141)

                                                                         

Vậy, J.G. Frazer đã dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại các ma thuật của người man dã. Trong các khái niệm ma thuật của J.G. Frazer, khái niệm ma thuật vi lượng và ma thuật lây truyền là quan trọng nhất, nó liên quan đến việc nguyên tắc của các ma thuật thực hành. Sự phân chia các loại ma thuật đã được tác giả thể hiện trong mô hình trên đây

3. Sự khác biệt giữa tư duy ma thuật và tư duy tôn giáo thể hiện ở những phương diện chủ yếu nào?

3.1  Sự khác biệt giữa tư duy ma thuật và tư duy tôn giáo

Trong tư duy ma thuật, con người nhận thức về thế giới tự nhiên như nó vốn có, các hiện tượng của tự nhiên xảy ra khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của bất kỳ ai. J.G. Frazer nhận định

khi ma thuật xuất hiện trong hình thái thuần nhất và không biến chất của nó thì nó giả định rằng, trong tự nhiên, các hiện tượng, tất yếu và không thay đổi, sẽ tiếp nối nhau, không cần thiết có sự can thiệp của nhân tố con người hay nhân tố thần linh”. (91)

Người man dã thực hành ma thuật với niềm tin rằng các hiện tượng tự nhiên tồn tại đúng như họ nghĩ.

Trong ma thuật, quả vậy, việc giả định chỉ là tiềm ẩn, nhưng trong khoa học đó là chuyện rõ ràng, dứt khoát. Nói cho đúng, ma thuật thường nói chuyện với các thần linh, vốn là những nhân tố riêng lẻ, giống như những nhân tố mà tôn giáo thừa nhận; nhưng lúc đó ma thuật xử lý chúng chính xác như xử lý những nhân tố bất động; có nghĩa là nó tìm cách trói buộc và thúc ép chúng chứ không phải như tôn giáo làm là tranh thủ những nhân tố ấy. Như vậy, ma thuật giả định là những cá thể, dù là con người hay thần thánh, nói cho cùng là phụ thuộc vào những thế lực khách quan ấy vốn điều hành mọi vật, tuy nhiên lại có thể bị khai thác bởi ai đó biết cách sử dụng, nhờ vào những nghi lễ và những phù phép phù hợp”. (96)

Với niềm tin đó, họ cho rằng bản thân con người hoàn toàn có thể điều khiển được tự nhiên.

Vị pháp sư tuyệt nhiên không cầu khấn những thế lực cao cấp, tuyệt nhiên không van xin sự phù hộ của một nhân vật tính khí thất thường và linh tinh, ông ta tuyệt nhiên không hạ mình trước một hệ thống thần thánh đáng sợ” (91)

Như vậy, tư duy ma thuật chính là tư duy khoa học nguyên thủy của người man dã. Vì thế, việc thực hành ma thuật chính là thực hành khoa học. Vị pháp sư – khi thực hành ma thuật – phải tuân theo những quy định,

tuân thủ cái mà ta có thể gọi là luật lệ tự nhiên, đúng như ông ta nhận thức được. Coi thường hoặc vi phạm những nguyên tắc đó, dù rất nhỏ nhặt, cũng tức là đặt người thực hiện vụng về đối mặt với những thất bại, thậm chí với mối nguy hiểm lớn nhất (…) Như vậy, nét tương đồng giữa quan niệm của ma thuật và quan niệm của khoa học đối với thế giới là gần gũi. Trong cả hai quan niệm ấy, dòng tiếp nối của các biến cố được coi như hoàn toàn đều đặn và chắc chắn, được xác định bởi những quy luật không thay đổi, bước vận hành của dòng chảy đó có khả năng đã đạt được dự kiến trước và tính toán chính xác. Người ta gạt bỏ khối dòng chảy của tự nhiên mọi chuyện thất thường, may rủi bất ngờ” (92)

Tư duy tôn giáo ra đời khi con người đã có những bước tiến trong tri thức với giới tự nhiên. Họ nhận thức được rằng tự nhiên tồn tại không như họ nghĩ, họ hoàn toàn không có khả năng điều khiển giới tự nhiên. Trước sự huyền bí của tự nhiên, họ cho rằng sở dĩ thế giới tự nhiên phong phú, rộng lớn ấy vận hành nhịp nhàng là do có một thế lực siên nhiên điều khiển.

Nếu như, trước tiên, một tôn giáo bao gồm một tín ngưỡng tin vào các thế lực tối thượng điều hành thế giới và sau đó là một cố gắng để tranh thủ sự phù hộ của các thế lực đó thì tôn giáo giả định một cách rõ ràng là dòng chảy của tự nhiên không phải lúc nào cũng khô cứng, không phải lúc nào cũng bất biến; tôn giáo tin rằng chúng ta có thể dẫn dắt những thế lực hùng mạnh đang chi phối thế giới, vì lợi ích của chúng ta làm thay đổi dòng chảy của các biến cố, khiến dòng chảy ấy thoát ra khỏi lòng sông cũ của nó. Ấy vậy mà, tính biến đổi và tính mềm dẻo ấy của những quy luật của tự nhiên, đẻ ra từ quan niệm của tôn giáo lại trực tiếp đối nghịch với những nguyên lý của ma thuật và đồng thời với những nguyên lý của khoa học; cả hai giả định rằng dòng chảy của tự nhiên luôn luôn ổn định và bất biến, và nó không hề phục tùng tuân theo lời thuyết phục và những lời cầu nguyện như những lời đe dọa, gây áp lực” (95)

Nhận thức sâu sắc bản thân con người không thể điều khiển giới tự nhiên nhưng con người vẫn có nhu cầu mong muốn giới tự nhiên tuân theo ý muốn của mình. Vì thế con người phải dựa vào một thế lực siêu nhiên để tác động vào tự nhiên. Tư duy tôn giáo ra đời trong hoàn cảnh  như vậy.

“Tôn giáo, như vậy, chúng ta hiểu đó là việc cầu phúc hay việc hòa giải những thế lực cao cấp hơn con người, những thế lực này, như người ta nghĩ, chỉ huy và điều hành dòng chảy của tự nhiên và đời sống của con người. Tôn giáo được định nghĩa như vậy bao gồm hai thành tố, một mang tính lý thuyết và một mang tính thực hành; biết rằng đó là một tín điều vào những thế lực cao cấp hơn con người và mọi cố gắng để làm cho những thế lực đó trở thành thế lực bảo hộ hay để làm vừa lòng những thế lực ấy.” (94)

Từ nhận thức khác nhau về tự nhiên, ma thuật và tôn giáo có những cách thức tác động khác nhau vào thế giới tự nhiên. Trong tư duy ma thuật, con người tác động trực tiếp vào tự nhiên để khiến các hiện tượng đó xảy ra đúng như ý muốn của mình, dựa trên quy luật của sự tương đồng và quy luật của sự tiếp xúc. Trong khi đó, ở tư duy tôn giáo, con người chỉ có thể tác động gián tiếp tới tự nhiên, nhờ vào sự khẩn cầu đấng siêu nhiên mang thế lực tuyệt đối.

Các nghi lễ ma thuật mang tính thần bí và mê tín bởi ý niệm dùng giao cảm về vật chất hoặc một thực tế tương đồng để kêu gọi những hiệu quả muốn nảy sinh. Nghi lễ tôn giáo thì khác, tôn giáo hướng tới việc cầu phúc bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của thần thánh nhờ các lễ vật hiến tế, lời khẩn cầu và lời ngợi ca, tán tụng mang tính chất tinh thần là chủ yếu.

“Chúng ta được phép xác lập một sự khác biệt đơn giản giữa hai kiểu con người – thần thánh mà chúng ta gọi tương ứng là con người – thần thánh của tôn giáo và con người – thần thánh của ma thuật. Ở trường hợp thứ nhất người ta giả định là một sinh thể khác với con người, cao cấp hơn con người và đã hóa thân, trong một thời gian ngắn, vào trong cơ thể một con người, và thể hiện sức mạnh khoa học của mình bằng những điều thần kỳ và những lời tiên tri. Như điều thần kỳ và mà ông ta thực hiện, những lời tiên tri mà ông ta phát ngôn thông qua trung gian của cái “điện thờ” là con người, ở đó ông ta hạ cố lưu trú (…) Mặt khác, con người – thần thánh của ma thuật là một con người giống như con người khác, nhưng được ban phát đến cực điểm một số quyền năng mà phần lớn những đồng loại của anh ta tự phong cho mình tuy nhiên chỉ có được ở cấp độ thấp hơn (…) Trong lúc con người – thần thánh theo kiểu thần cảm tiếp nhận tính chất nhà trời từ một ông thần đã hạ cố che giấu nét huy hoàng nhà trời của mình dưới một chiếc mặt nạ đất sét buồn tẻ, thì con người – thần thánh kiểu thứ hai lấy được những quyền năng hết sức khác thường của mình từ mối giao cảm vật chất nào đó với tự nhiên. Ông ta không đơn giản là chiếc bể chứa của một trí tuệ nhà trời. Toàn bộ con người ông ta, cơ thể và linh hồn, được đặt một cách tinh tế vào cái thẩm âm của thế giới” (111, 112)

Quan niệm về thần thánh và nghi lễ trong ma thuật và tôn giáo cũng có sự khác biệt đáng kể. Ở tôn giáo, thần thánh mang tính huyền bí, cao quý và con người chỉ có thể biết, tiếp xúc thần thánh thông qua cái điện thờ. Ở quan niệm ma thuật, thần thánh chẳng qua cũng giống như người bình thường, bình đẳng với người bình thường; khác người bình thường chăng là ở chỗ có bùa phép, khả năng tác động vào thế giới xung quanh hữu hiệu hơn người bình thường một chút. Nghi lễ ma thuật trong xã hội nguyên thủy không có việc chỉ định một ai đó thực hành nghi lễ, nghi lễ ma thuật có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào, không nhất thiết phải là vị pháp sư, khi mà hoàn cảnh đòi hỏi; trong khi đó, nghi lễ tôn giáo bắt buộc phải có một vị tư tế (là kẻ nắm giữ đồng thời cả thần quyền và vương quyền). Nghi lễ ma thuật không cần lựa chọn những địa điểm riêng biệt, người ta có thể thực hiện nghi lễ ma thuật ở bất cứ nơi nào, khi hoàn cảnh yêu cầu; trong khi nghi lễ tôn giáo cần phải được tổ chức ở đền thờ.

3.2  Ma thuật cổ đại tạo nên nền tảng tôn giáo

Từ việc giả thiết là tâm lý của các cộng đồng người có sự phát triển hoàn toàn giống nhau và từ những hiểu biết về sự phát triển tư duy loài người, khả năng lập luận sắc sảo, James George Frazer đã đi đến nhận định tư duy ma thuật có trước tư duy tôn giáo. Lập luận của ông rất đơn giản nhưng không kém phần thuyết phục.

“Rõ ràng tín ngưỡng đến đầu tiên, bởi lẽ chúng ta buộc phải tin vào sự tồn tại của thần thánh trước khi cố gắng làm vừa lòng thần thánh đó.” (94)

Bằng cách chỉ ra những chỗ giao nhau giữa tư duy ma thuật và tư duy tôn giáo, tác giả đã cho ta thấy ma thuật và tôn giáo có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ở một thời kỳ trước đấy, những chức  năng của những tư tế và của pháp sư thường là được kết hợp với nhau, hay nói chính xác hơn, là không có gì khác biệt với nhau. Để phục vụ cho những ý đồ của mình, con người, bằng những lời cầu khấn và lễ vật hiến sinh, mong muốn có được những ân huệ của các thần thánh và những thần linh trong lúc đó anh ta hi vọng có được kết quả mong muốn mà không cần tới sự trợ giúp của một vị thánh hay một quỷ thần. Tóm lại, con người, cùng một lúc, thực hành các nghi lễ tôn giáo và các nghi lễ ma thuật; cùng một lúc, anh ta đọc những lời cầu khấn, và những câu thần chú, ít hiểu rõ hoặc ít phần bận tâm đến tính phi logic trong hành vi của mình, trong khi bằng cách này hay cách khác, anh ta cũng có được cái anh ta muốn (…) Cùng một lầm lẫn giữa ma thuật và tôn giáo ấy đã tồn tại ở chỗ những tộc người đã đạt tới một trình độ văn hóa cao hơn (…) Về những gì liên quan đến Ấn Độ cổ đại, một nhà thông thái mà trình độ uyên thâm và lỗi lạc, đã nói với chúng ta rằng “nghi thức của lễ hiến sinh, ở thời đại đầu tiên mà chúng ta có những thông tin chi tiết, đầy rẫy những thực hành mang tinh thần của ma thuật nguyên thủy nhất”  (97, 98)

Ta thấy, trong sự phát triển của mình, có những lúc thực hành ma thuật mang những nghi lễ có tính chất tôn giáo. Và đến lượt mình, dù đã là một hệ tư duy phát triển hơn tư duy ma thuật, nhưng trong thực hành, và cả trong nhận thức, tư duy tôn giáo vẫn còn những tàn tích của tư duy ma thuật. Một dẫn chứng khác về sự giao nhau giữa những thực hành ma thuật và tôn giáo được tác giả dẫn ra trong ví dụ sau đây.

Khi không có mưa như mong muốn, các cư dân vùng trung tâm Angoniland kéo nhau tới nơi mà người ta gọi là đền thờ thần mưa. Họ nhổ lớp cỏ ở đó, và viên thủ lĩnh của họ rót đầy bia vào một chiếc bình mà người ta đem chôn xuống đất, vừa chôn vừa khấn: ‘Hỡi thần Chauta, phải làm gì đây để rung động tấm lòng vô cảm của thần đối với chúng tôi? Chúng tôi chết đến nơi rồi. Xin thần làm mưa cho lũ con của thần, đang dâng lên cho thần thứ bia này đây.’ Sau đó, họ chia nhau phần bia còn lại, cho mỗi người uống một ngụm. Kể cả những đứa trẻ sơ sinh, rồi thì, họ đi kiếm cành cây và bắt đầu nhẩy múa và ca hát để có được một trận mưa rào. Quay về nhà mình, họ nhúng bó cành cây vào đó và huơ lên không trung. Mưa tất yếu sẽ đến theo và bầu trời sẽ đầy mây. Trong những thực hành này, chúng ta thấy ma thuật kết hợp với tôn giáo; dùng một cành cây để rẩy các giọt nước là một nghi thức đơn thuần ma thuật, đọc một lời cầu khấn để có mưa và dâng lễ vật là bia, đó là những nghi thức đơn thuần tôn giáo.” (116)      

Chẳng hạn, người dân Melanesie, trong thực hành ma thuật,

“không gán ghép những quyền năng kỳ diệu cho bản thân hòn đá mà cho thần linh nằm trong hòn đá và đôi khi, như chúng ta vừa thấy, người ta tìm cách tranh thủ thần linh bằng cách dâng cúng lễ vật là những đồng tiền; tuy nhiên việc cầu phúc không còn nằm trong phạm vi của ma thuật nữa mà nằm trong lĩnh vực tôn giáo. Khi người ta gặp những quan niệm loại đó, giống như ở đây, hòa đồng với những ý thưởng và thực hành mang tính ma thuật đơn thuần, người được phép giả định là những ý tưởng của thực hành này hình thành cái lõi ban đầu, khái niệm tôn giáo sau này đã được ghép thêm vào cái lõi đó” (69)

Để chuyển từ ma thuật lên tôn giáo, nhận thức của con người về thế giới tự nhiên có phải có sự phát triển nhất định. Bước lên tôn giáo khi con người nhận ra rằng thế giới tự nhiên vận động theo những quy luật nhất định của riêng nó, những quy luật không giống với quy luật trong cuộc sống của loài người.

Như vậy là bị tách rời khỏi những dây neo trước đây, chòng chành, trôi dạt tên mặt biển nổi sóng của nỗi ngờ vực và phân vân, toàn bộ niềm tin ở bản thân và ở các quyền năng của mình bị lay chuyển dữ dội, nhà triết học thời nguyên thủy của chúng ta hẳn phải rơi vào trạng thái ngập ngừng và bối rối, rồi thì tự như một chuyến đi sóng gió tiến vào một bến cảng phẳng lặng cuối cùng anh ta cũng tìm thấy giây phút nghỉ ngơi ở trong một hệ thống mới về lòng tin.” (105, 106)

Nói về bước chuyển từ tư duy ma thuật đến tư duy tôn giáo, J.G. Frazer đã viết rằng

Nếu như vũ trụ rộng lớn tiếp tục đường đi của mình, không cần có sự trợ giúp của anh ta hay của các đồng loại, thì chắc chắn đó là vì có những sinh thể khác, tương tự như anh ta, nhưng hùng mạnh hơn rất nhiều; họ giấu mặt, điều khiển dòng chảy của thế giới, và tạo ra cả một loạt hiện tượng đa dạng, mà xưa kia con người tưởng đâu rằng phụ thuộc vào ma thuật của chính mình (…) Chính những sinh thể hùng mạnh ấy mà con người thấy lại tác động của chúng ở trong khung cảnh lộng lẫy và đa dạng của tự nhiên là đối tượng giờ đây con người tìm tới bằng cách khiêm tốn thú nhận sự khuất phục của mình trước quyền lực vô hình của họ và bằng cách van xin họ dành cho mình mọi ân huệ của họ, cầu xin họ bảo vệ mình chống lại những mối nguy hiểm và những thảm họa vây quanh đời sống con người của chúng ta và cuối cùng khẩn cầu họ mang đi linh hồn bất tử của mình, thoát ra khỏi gánh nặng cơ thể, đi tới môt thế giới nào đó sung sướng hơn, nằm bên ngoài tác động của đau dớn và khổ cực, ở đó con người có thể nghỉ ngơi, cùng chia sẻ với học cũng như với linh hồn của những con người tốt bụng, niềm vui và hạnh phúc lớn lao vĩnh cửu”. (106)

Cũng khi đó, con người nhận thức được rằng thế giới tự nhiên vô cùng rộng lớn và người ta chẳng thể nào hiểu được nó, nói gì đến điều khiển hoạt động của nó. Chính vì thế nên họ đã gán nguồn gốc hình thành và vận động của giới tự nhiên cho một thế lực siêu nhiên, một ý niệm tuyệt đối ở bên ngoài con người. Dù có nền tảng là ma thuật cổ đại, nhưng bước chuyển từ tư tưởng mê tín dị đoan của ma thuật lên nấc thang tư tưởng duy tâm của triết học, đã ghi một dấu mốc đáng kể trên hành trình hướng tới văn minh của con người.

Từ những lí luận và những dẫn chứng thực chứng, J.G. Frazer đã chứng minh rằng tư duy tôn giáo là phức tạp hơn. Vì thế, tư duy tôn giáo ra đời sau tư duy ma thuật và là bước phát triển tiếp theo của tư duy ma thuật. Ta thấy trên diễn trình phát triển của tư duy loài người như nhận định của tác giả là hợp lý. Tuy nhiên, sự phát triển từ tư duy ma thuật đến tư duy tôn giáo không đơn tuyến như J.G. Frazer chứng minh trong công trình của mình

3.3 Bước chuyển thứ nhất từ ma thuật tới tôn giáo có ý nghĩa vĩ đại biến con người dã man thành con người văn minh

Để tiến lên bước chuyển sang tôn giáo, bản thân ma thuật cũng có những bước phát triển của mình. Trong ma thuật thuần túy, ai cũng cho mình quyền năng bắt ép mọi thứ xảy ra theo ý muốn chủ quan của mình. Nhưng dần dần, con người man dã nhận ra rằng, không phải ai trong số họ cũng có năng lực sử dụng bùa phép như nhau.

Trong việc hoàn thành các nghi lễ của mình hiển nhiên là ma sư không còn là người thực hành nữa, để trở thành một viên chức công cộng. Bước phát triển của loại viên chức này có tầm quan trọng tối cao trong quá trình vận động phát triển của xã hội, cả về mặt chính trị cũng như về mặt tôn giáo: khi mà sự phồn vinh của toàn bộ lạc được coi như tùy tuộc vào việc hoàn thành những nghi lễ ma thuật ấy” (84, 85)

Một vài người trong số đó có sự nổi trội hơn, và những người này đã đứng ra, đóng vai trò là pháp sư công cộng. Theo tác giả, đó là một nguyên nhân quan trọng để quyền lực từ tay số đông chuyển vào tay một người, chế độ xã hội tiến từ công xã nguyên thủy sang chế độ quân chủ.

Như vậy là ảnh hưởng của của các pháp sư công cộng, ngay khi nó tác động lên thể chế của xã hội man dã, có xu hướng đặt việc điều khiển phương hướng các công việc cho một con người duy nhất, con người khéo léo nhất trong bộ lạc; nó chuyển giao chính quyền của số đông vào trong tay một người duy nhất; nó thay thế nền dân chủ bằng một chế độ quân chủ hay đúng hơn là một chế độ bô lão (…) Dù cho những nguyên nhân dẫn tới việc thay thế này là gì, và dù cho tính cách của những thủ lĩnh đầu tiên ra sao, việc thay đổi này, xem xét một cách kỹ lưỡng là một việc tốt thật sự. Bởi lẽ sự xuất hiện của chế độ quân chủ hình như đã là một điều kiện cần thiết cho nhân loại để đưa nhân loại bước ra khỏi trạng thái man dã”. (87)

Vậy, ý nghĩa thứ nhất của bước chuyển đầu tiên trong ma thuật là góp phần hình thành chế độ xã hội mới, chế độ xã hội quân chủ.

Khi chế độ quân chủ ra đời, quyền lực tập trung vào tay một người, mọi người trong xã hội phải tuân theo sự điều khiển của người này – Vua.

Không một con người nào lại bị kiềm giữ chặt chẽ trong gọng kìm của tập tục và truyyền thống bằng con người man dã ở trạng thái dân chủ và do vậy không có giai đoạn nào của xã hội mà tiến bộ lại chậm chạp và khó khăn đến như vậy. Cái ý nghĩ cũ kỹ cho rằng con người thời nguyên thủy là con người tự do nhất là phản lại sự thật. Con người nguyên thủy là kẻ nô lệ, chắc chắn không phải của một ông chủ vô hình, mà là kẻ nô lệ của quá khứ, của những linh hồn tổ tiên đã chết”(87)

Bản thân cá nhân dẫn đắt cộng đồng này, do những tham vọng về quyền lực và vật chất, đã có những quyết định táo bạo, mạnh mẽ. Nhờ đó mà những người dân trong xã hội đó được giải phóng về tư tưởng, không phải phụ thuộc vào những tín điều xưa cũ bấy lâu.

Một xã hội như vậy, chưng ra một cấp độ buồn tẻ và đồng đều, vì thế cấp độ ấy có khả năng vì con người mà giảm thiểu những bất bình đẳng tự nhiên và những khác biệt hết sức to lớn ngay từ lúc sinh ra để trí thông mình và tính cách để có được một vẻ bề ngoài bình đẳng giả tạo và phiến diện (…) Nhưng tất cả những gì giúp cho xã hội nâng cao mình lên bên trên cái trạng thái tồi tệ và mê muội ấy bằng cách mở đường cho tài năng, điều hòa tỉ lệ quyền lực thích ứng với những năng lực tự nhiên của mỗi con người, xứng đáng được chào đón trong niềm phấn khích của những ai luôn luôn nghĩ đến lợi ích thật sự của những người anh em của mình. Một khi những sức mạnh giải phóng ấy bắt đầu tác động – và chúng mãi mãi không thể nào bị bóp nghẹt – thì bước tiến của nền văn minh diễn ra tương đối nhanh chóng. Việc đưa một con người duy nhất tới quyền lực tối cao cho phép con người đó, trong phạm vi cuộc đời mình, thực hành những biến đổi mà xưa kia, nhiều thế hệ không đủ sức để thực hiện thành công (…) Ngay cả khi bộ lạc thôi không còn được  điều hành bởi những hội đồng nhút nhát và thường là mâu thuẫn ý kiến của các bô lão, để tuân theo sự chỉ huy của một bộ óc duy nhất mạnh mẽ và quyết đoán, bộ lạc ấy sẽ trở nên đáng gờm đối với các bộ lạc láng giềng, và nó bước vào một con đường lớn mạnh, con đường đó trong những giai đoạn đầu tiên của lịch sử đôi khi hết sức thuận lợi cho tiến bộ của xã hội, của công nghiệp và của tri thức; bởi lẽ, trong khi mở rộng phạm vi thống trị của mình, hoặc bằng vũ khí, hoặc nhờ những cuộc khuất phục tự nguyện của các bộ lạc yếu hơn, cộng đồng đó chẳng bao lâu sẽ có được của cải và các nô lệ; nhờ vào việc đó, một số giai tầng nào đó, được giải phóng khỏi mối bận tâm thường trực phải lao động vì sự tồn tại của mình đã có thể cống hiến cho việc theo đuổi khoa học một cách vô tư, việc này là một công cụ cao quý nhất và mạnh mẽ nhất để cải thiện số phận của mọi người. Bước tiến bộ của trí thức, được thể hiện trong việc phát triển các môn nghệ thuật và khoa học vì trong việc mở rộng những tư tưởng tự do cao hơn, không thể nào tách rời với bước tiến bộ của công nghiệp và nền kinh tế và bước tiến này đến lượt nó có được một lực đẩy hết sức khác thường của những cuộc chinh phục và của việc mở mang lãnh địa của đế chế.” (87, 88)

Theo quan niệm của tác giả, đó là sự giải phóng, dẫn con người đến tự do tư tưởng – một tự do đầy ý nghĩa. Con người tự do đó đã say sưa sáng tạo, hành động và kết quả là sự ra đời của nghệ thuật, khoa học và phát triển kinh tế, mở mang lãnh địa.

Kể cũng không phải là nói quá, khi nói rằng vào thời đại xa xưa ấy, chủ nghĩa chuyên chế là người bạn lớn của nhân loại và, mặc dù điều này có vẻ quá ngược đời, đó là người bạn lớn của tự do. Bởi lẽ, nói cho cùng, lúc đó tự do được mở rộng hơn, theo nghĩa tốt nhất của từ đó, tự do suy nghĩ những ý tưởng của chúng ta và tạo dựng những số phận của chúng ta, dưới chế độ chuyên chế tuyệt đối nhất và chế độ bạo chúa nghẹt thở nhất, còn hơn là dưới chế độ tự do bề ngoài của đời sống man rợ, ở đó số phận của cá nhân, từ lúc nằm trong nôi cho đến lúc xuống mồ, đều được nhào nặn trong cái khuôn đúc khô cứng của những tập tục cha truyền con nối (…) Đó không phải là một việc có ích nhỏ nhoi và ngoài ra, khi mà người ta nhớ lại rằng, theo một phương hướng khác, ma thuật đã mở đường đi tới khoa học đích thực thì người ta buộc phải thừa nhận rằng, nếu như khoa học thần bí đã làm rất nhiều chuyện xấu, nó đồng thời cũng là nguồn gốc của rất nhiều chuyện tốt, rằng nếu như nó là con đẻ của sai lầm thì tuy nhiên nó cũng đã từng là bà mẹ của tự do và sự thật.” (89)

Những nhận định trên của tác giả không sai, nhưng tôi ngờ rằng việc quy tất cả những thành tựu văn minh của con người trong giai đoạn đó cho công lao của bước chuyển từ ma thuật sang tôn giáo chưa được chính xác và đầy đủ lắm.

3.3 Sự song hành tôn giáo cùng ma thuật là một đặc trưng của văn hóa nguyên thủy và lịch sử tôn giáo là một quá trình hòa giải với những niềm tin, những sự thực hành cổ xưa hơn gắn với đa thần, ma thuật

Sự khác biệt giữa hai quan niệm đối nghịch về vũ trụ tùy thuộc vào câu trả lời của chúng đối với câu hỏi chủ yếu sau: những thế lực chi phối thế giới, phải chăng chúng ta là những thế lực có ý thức và chủ quan hay đó là những thế lực vô ý thức và khách quan? Tôn giáo vốn xúi giục con người làm cho các thế lực cao cấp trở thành có lợi cho mình, khẳng định cho phần đầu của câu hỏi, mọi cố gắng theo kiểu đó đòi hỏi rằng con người tìm kiếm tranh thủ sự phù hộ một nhân tố có ý thức và chủ quan, rằng hành vi của anh ta ở mức độ nào đó không chắc chắn, và người ta có thể làm cho hành vi đó mềm yếu đi theo hướng mong muốn, bằng một lời kêu gọi xác đáng, kêu gọi lợi ích, những thèm muốn và những xúc động của anh ta (94, 95)

Như vậy, ma thuật có lẽ đã được trực tiếp suy ra từ những phương thức sơ đẳng của lập luận và thực tế là một sai lầm ở đó, trí óc gần như rơi xuống một cách tự nhiên, trong lúc đó tôn giáo dựa trên những quan niệm mà rất khó có thể giả định rằng trí thông minh của loài vật đã có thể đạt tới. Như vậy có khả năng là ma thuật đã xuất hiện trước tôn giáo, trên bước đường vận động phát triển của loài người và rằng con người đã tìm cách khuất phục bắt buộc tự nhiên phải phục tùng những mong muốn của mình bằng sức mạnh đơn giản của những bùa chú, phù phép trước khi cố gắng tán tỉnh và làm mềm lòng một khối thần thánh kín đáo, tính khí thất thường, dễ nổi đóa bằng cách luồn lọt ngọt ngào của lời cầu khấn và lễ vật hiến sinh (101)

Như vậy chúng ta có thể nêu ra rằng một nhận thức muộn mằn về tính giả tạo gắn liền với pháp thuật về độ cằn cỗi của nó đã dắt dẫn bộ phận thông minh nhất của giống người tự tạo ra cho mình một học thuyết chính xác hơn về tự nhiên, về xác lập một phương pháp phong phú hơn để lợi dụng những nguồn lực tự nhiên (…) Khám phá tính vô hiệu của ma thuật, hẳn là đã kéo theo một cuộc cách mạng căn bản, tuy rằng chắc chắn là chậm chạp, ở trong đầu óc của những ai mà nhờ có sự thông tuệ đã thực hành ma thuật. Khám phá đó có nội dung là lần đầu tiên, thức tỉnh những con người nhận biết được rằng họ không thể điều khiển theo ý mình một số những thế lực của tự nhiên, cho đến lúc đó, họ vẫn coi như hoàn toàn nằm trong tầm tay họ. Đó là một lời thú nhận về sự yếu đuối và dốt nát của con người (…) giờ đây anh ta biết rằng bè bạn và kẻ thù đã ngã xuống bởi một thế lực mạnh hơn bất kỳ sức mạnh nào trong số những sức mạnh mà anh ta có thể điềủ khiển và họ đã tuân theo một số mệnh mà anh ta bất lực, không thể uốn nắn được (104, 105)

Có thể giả định rằng chính là bằng cách này hay bằng một cách gần giống như vậy mà những đầu óc thông minh nhất đã chuyển từ ma thuật sang tôn giáo. Nhưng ngay cả ở họ, sự thay đổi cũng không hề diễn ra tức thời; chắc chắn sự thay đổi đó dã diễn ra hết sức chậm chạp, và đã đòi hỏi nhiều thế kỷ dài để đạt tới mức độ hoàn chỉnh ít hay nhiều đầy đủ (…) Hẳn là con người ngày càng phải ngạc nhiên về nỗi bất lực của chính mình và về quyền lực vạn năng của những sinh thể vô hình mà con người cho là cư trú ở trong không gian bao quanh. Do vậy, tôn giáo với bước đầu mở cửa bằng một sự thừa nhận đơn giản và riêng lẻ về sự tồn tại của những quyền lực siêu nhiên, về sau đã lôi kéo con người, nhờ sự tiến bộ về kiến thức của mình, cúi người xuống để thú nhận sự phụ thuộc hoàn toàn và sinh thể thần thánh; thái độ kiêu ngạo và tự do kiêu hãnh trước kia biến thành việc quỳ gối quỵ lụy trước những thế lực bí ẩn và không nhìn thấy được phẩm chất cao quý nhất là đặt ý chí của con người tuân theo ý chí của thần thánh. Nhưng cái  tình cảm ngày một mở rộng của tôn giáo ấy, cái thái độ khuất phục hoàn toàn trưóc những mệnh lệnh của thần thánh ấy, chỉ gắn liền với những bộ óc ưu tú mà trí thông minh ở trình độ cao đủ mức để đồng thời bao quát nhận biết được khoảng mênh mông vô hạn của vũ trụ và phạm vi nhỏ bé của con người. (107)

Những đầu óc thấp kém không có khả năng nắm bắt được những ý tưởng cao siêu. Ngoài bản thân mình ra, không có điều gì có vẻ thật sự vĩ đại và quan trọng, trước những hiểu biết hạn hẹp và đôi mắt cận thị của những bộ óc thấp kém ấy. Những bộ óc ấy không hề vươn tới tận tôn giáo. Họ tự để cho mình được những cấp trên uốn nắn và đi tới họ phát biểu những giáo lý trên đầu lưỡi, nhưng bên trong sâu thẳm cõi lòng họ, họ vẫn bám chắc vào những tư tưởng mê tín cổ xưa của ma thuật; tôn giáo có thể không tán thành những tư tưỏng mê tín này nhưng rất khó khăn để quét sạch được chúng; bởi lẽ chúng đã bắt nguồn từ ngay chỗ sâu kín của bộ khung xương và của cấu trúc trí tuệ của đại bộ phận giống người. (107, 108)

4. Quan niệm của Frazer về bước chuyển thứ hai từ tôn giáo tới khoa học?

Trước hết, tác giả James George Frazer khẳng định rằng ma thuật và khoa học có cùng nguồn gốc, cùng giống nhau trong nhận thức về thế giới tự nhiên. Khác chăng là ma thuật đã ứng xử sai lầm với tự nhiên.

Khuyết điểm tai hại của ma thuật không phải là ở việc nó giả định một dòng chảy tiếp nối các biến cố được xác định bởi các quy luật mà là ở chỗ nó hoàn toàn hiểu lầm tính chất của các quy luật đặc biệt điều khiển bước tiếp nối đó.” (92,93)

Vì không  hiểu rõ về tự nhiên, ma thuật lý giải và điều khiển tự nhiên theo sự quan sát, kinh nghiệm sống của bản thân con người. Chẳng hạn như con người man dã cho rằng con người và các loại cây cỏ có cùng phương thức sinh sản. Vật nên mới có việc “làm gương cho lúa”, xem quan hệ tình dục giữa người nam và người nữ khi vừa gieo hạt giống như nghĩa vụ thiêng liêng. Những sai lầm đó khiến con người man dã ngày càng lún sâu vào vũng lầy của nhận thức. Đến khi nhận ra rằng tự nhiên không giống như những gì họ đã tin, người man dã đã sửa chữa sai lầm trong quá khứ bằng một sai lầm khác: sùng bái tự nhiên. Đó là khi tôn giáo ra đời. Nhưng dù không nhận thức được tự nhiên, con người vẫn mang một như cầu hết sức cấp thiết là mong muốn tự nhiên phục vụ cho con, hoạt động theo ý muốn của con người. Cả ma thuật và khoa học đều

đã tác động lên trí óc con người; từ đó nảy sinh cái chất kích thích tối cao mà cả hai đã cung cấp cho việc đi tìm kiếm sự hiểu biết. Xuyên qua bãi sa mạc của những nỗi thất vọng, đứng trong hiện tại bằng những lời hứa hẹn vô tận, cả hai quyến rũ người tìm kiếm đã mệt mỏi, nhà thám hiểm đôi chân đã bầm dập nhìn về tương lai; cả hai đã dẫn dắt người đó lên tới đỉnh của một ngọn núi rất cao và đưa ra cho người đó, nhìn thấy khung cảnh của thiên đường ở phía bên kia những đám mây tối sẫm và những giải sương mù bồng bềnh trên rặng núi, thiên đường nằm cách xa, thật vậy, nhưng long lanh trong một niềm vinh quang siêu tự nhiên, đắm mình trong màn tia sáng của những giấc mơ.” (92)

Các vị pháp sư là những người trung gian đóng vai trò hòa giải niềm tin trong tôn giáo. Nhưng để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình, các vị pháp sư phải có những hiểu biết về thế giới tự nhiên. Đó là một nhu cầu hết sức tự nhiên và cấp bách. Và nhu cầu đó là nguồn gốc dẫn đến sự hình thành khoa học tự nhiên, dẫn đến những hiểu biết đích thực về thế giới tự nhiên của con người.

Duy trì cho mình ít nhất một bề ngoài hiểu biết, đối với họ là cần thiết; chỉ một lần bị bắt quả tang là sai lầm, có thể họ phải trả giá bằng mạng sống. Hẳn là một mối nguy hiểm như vậy đã thúc đẩy họ thực hành trò lừa bịp, với ý đồ che giấu sự dốt nát của họ; nhưng đồng thời, đối với họ đó lại là một động cơ mạnh mẽ nhất khiến họ tìm cách thay thế một khối kiến thức man trá bằng một khối kiến thức có thật. Cách tốt nhất để tỏ ra hiểu biết một sự vật, nói cho cùng đó là hiểu biết sự vật đó một cách đích thực. (…) Những pháp sư ấy, trực tiếp là những người báo trước không chỉ của các thầy thuốc, các nhà giải phẫu của chúng ta mà còn là của những người khám phá và những nhà phát minh của chúng ta trong mọi lĩnh vực của khoa học tự nhiên” (114) Như vậy, “việc vận dụng hợp pháp những nguyên lí đó là nảy sinh khoa học; việc vận dụng chúng một cách bất hợp pháp làm nảy sinh ma thuật, đứa em ngoài giá thú của khoa học.” (93)

Theo James George Frazer, từ nhu cầu chữa bệnh cho con người, các vị pháp sư trở thành các thầy thuốc, nhà phẫu thuật; từ nhu cầu hiểu biết để lý giải quy luật vận động của tự nhiên, các vị pháp sư trở thành các nhà khoa học tự nhiên một cách tự phát.

5. Tóm tắt các luận điểm chủ yếu của tác giả về những quan niệm và thực hành của người cổ đại liên quan đến cây cối

(thuyết trình nhóm)

6. Một số suy nghĩ khi liên hệ so sánh những tư liệu được hệ thống trong công trình của Frazer với những tư liệu về văn hóa Việt Nam

Đọc “Cành vàng” của James George Frazer, ta thấy có những ma thuật ở một dân tộc vô cùng xa lạ lại có những thực hành giống chúng ta.

Chẳng hạn như việc làm tổn thương hay hủy diệt hình nhân thế mạng và cách thư, ếm bùa của ta giống với nhiều tộc người khác trên thế giới. Nếu như người dân trên đảo Sumatra chữa vô sinh bằng cách đặt một đứa trẻ đẽo bằng gỗ lên đùi người mẹ muốn sinh con thì các cặp vợ chồng hiếm muộn của chúng ta chữa bằng cách xin con nuôi. Còn ở vùng núi Carpathes, khi người chồng ăn uống, người vợ không được cuốn sợi, vì sợ con vật sẽ bắt chước theo hoạt động của con suốt mà quay tròn, khiến cho người chồng không săn được. Việt Nam chúng ta thì khi có người thân đi biển, kiêng không lật cá, nhằm tránh cho người thân của ta ngoài biểu khơi kia khỏi bị lật thuyền. Hay như người dân trên đảo Sumatra cấm không cho người phụ nữ có mang đứng tên ngưỡng cửa hay trên đầu cao của chiếc thang, vị sợ sinh khó. Những người phụ nữ có mang của chúng ta cũng phải chịu lệnh cấm tương tự: cấm ngồi ở ngạch cửa. Không biết nguyên nhân hai lệnh cấm trên có giống nhau không. Ta thấy trong công trình của mình, J.G. Frazer cho ta biết những người thu hoạch nhựa cánh kiến ở Lào tránh không tắm rửa, gội đầu trong mùa thu hoạch, vì họ sợ nhựa cánh kiến theo đó mà chảy tan đi. Các sĩ tử của ta thì không dám gội và tắm trước khi đi thi, vì sợ rằng kiến thức theo đó mà trôi đi mất. Nếu những binh lính xứ Madagascas không được ăn thịt kheo chân của con bò, vì sợ đứng không vững vàng thì ta không ăn chân gà, vì sợ rằng chân tay cũng run như gà bới. Hay như câu ca “cây độc không trái, gái độc không con” của ta dường như cũng có những nét tương tự như tín điều của người Galelareesees. Ta thấy cả hai dân tộc cùng chung quan niệm về tác động của trạng thái người phụ nữ lên cây cối. Ta cũng nhận thấy nhiều thực hành ma thuật của các dân tộc trên thế giới có liên quan đến cuống rốn của em bé sơ sinh, trong đó có Việt Nam ta. Để cho anh em hòa thuận, người ta đốt cuống rốn của chúng và hòa vào nước, chia cho mỗi đứa uống. Trong thực hành ma thuật lây truyền, với nhiều dân tộc, chiếc áo là một công cụ hữu hiệu để hãm hại kẻ thù của mình. Với chúng ta, áo là một vật truyền tin hiệu quả (hơ áo của người đi xa trên lửa để chủ nhân chiếc áo đó nóng ruột mà mau chóng quay về). Người dân vùng Đông – Nam Autralie có những niềm tin vào mối quan hệ chặt chẽ giữa dấu chân và chủ nhân của nó. Và người ta thậm chí có thể làm một người thọt chân chỉ đơn giản là đặt vào dấu chân của người ấy vài viên đá thạch anh tím. Thánh Dóng huyền thoại của ta cũng ra đời từ một dấu chân của thần linh theo đúng phương thức như thế.

Những nét tương đồng văn hóa đó khiến cho “Cành vàng” vừa quen lại vừa lạ với chúng ta. Đọc “Cành vàng”, ta thích thú khi khám phá chính bản thân nền văn hóa của ta, qua hình ảnh các nền văn hóa được tác giả đề cập trong tác phẩm. Phải chăng, tư duy loài người, trong quá trình phát triển, tuân theo những quy luật nhận thức tương đồng nhau.

Tuy nhiên, ta không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Vì hình như dân tộc ta chưa cách xa cái thời của man dã, của tư duy ma thuật bao nhiêu; và như thế ta còn cách xa lắm các nước khác trên thế giới trình độ phát triển tư duy, nhận thức.

Và từ những lí luận, dẫn chứng của J.G. Frazer về sự phát triển tư duy của loài người từ bước chuyển tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo, ta tự đặt ra câu hỏi khó cho mình, có nên khôi phục lại những lễ hội mang đậm dấu ấn của tư duy ma thuật trong hoàn cảnh hiện nay hay không. Làm như thế, chẳng khác nào ta đang quay ngược lại quá khứ, tôn vinh quá khứ kém tri thức, kém hiểu biết về thế giới tự nhiên, trong khi thế giới vẫn đang băng băng lao về phía trước. Có lẽ ta chỉ nên tập trung khôi phục những lễ hội mang đậm nét nhân văn, đề cao vẻ đẹp con người mà thôi. Vì cái đẹp không bao giờ là lạc hậu.